Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Kính Chuyển Tin Và Những Bài Nhận Định Tình Hình Việt Nam, Trước Thềm Năm Mới, Khi Lệ Thuộc Hoàn Toàn Vào Trung Quốc! - Lê Văn Hải


Năm Mới, Việt Nam Sẽ Không Không Tránh Khỏi, Khi ‘Rơi Vào’ Quỹ Đạo Trung Quốc! (Trần Đông A)


(Hình: Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và bộ phận trong ĐCSVN dù muốn “phát huy cao độ” hơn nữa kết quả của chuyến thăm Bắc Kinh của ông hồi cuối tháng 10 năm 2022 cũng phải hiểu rằng, mọi chuyện đều có giới hạn của nó.)
<!>
Tới đây sẽ là thời điểm quan trọng để Ban lãnh đạo Hà Nội quyết định xem họ sẽ tiếp tục hay điều tiết chậm lại “cuộc thanh lọc nội bộ” dưới cái tên trần trụi là “chiến dịch đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Giống như bao khúc quanh khác trong lịch sử của đất nước, lần này, giới quan sát vẫn đặt tương lai năm nay của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào sức ép từ những chuyển động quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu. Từ khóa ở đây là “rơi vào”, có ý cảnh báo, Việt Nam đừng bị động mà hãy chủ động chọn lựa các định hướng chính sách rõ ràng và minh bạch.

Theo văn hóa tâm linh phổ biến ở ta, thời điểm đầu năm luôn được xem là khoảnh khắc đặc biệt, thông thường người ta luôn tránh làm điều bất lương để tránh xui xẻo cho cả năm. Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư ĐCSVN – có lẽ thuộc nhóm người “xưa nay hiếm” nên không thèm kiêng cữ. Phát biểu trước thềm năm mới, ông vẫn không ngần ngại nói những điều trái với sự thật. Vẫn là chúng ta đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực…” Chỉ cần hỏi học sinh trung học, tiểu học ở quê, về ký ức của các em trong năm đại dịch kinh hoàng, về cuộc sống khó khăn trong gia đình các em và bà con lối xóm thì cũng biết được phần nào các thảm cảnh. Hàng ngàn công nhân mất việc hoặc bị giảm lương trước Tết có lúc đã phải bới thùng rác kiếm thực phẩm… Nếu có được nhà tài trợ giúp cho vài ký gạo thì mỗi bữa chỉ dám ăn một chén cơm, bởi không biết ngày mai thế nào.... Nhiều gia đình ba thế hệ tha phương, mỗi lần Tết đến chỉ mơ có cái ăn cho đỡ tủi thân! Trong khi vô vàn những thân phận thê thảm như thế, mà ông Trọng vẫn khơi khơi, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…” Trên mạng xã hội, bình luận viên đã mỉa mai chuyện chướng tai gai mắt khi ông Trọng ngồi xổm trên luật pháp, gạt Quyền Chủ tịch nước, để đứng ra chúc Tết. Youtube “Mõ Đông Anh cướp diễn đàn chúc Tết” cùng với các comment đủ nói lên trình độ dân trí ngày nay như thế nào!

Có “Vận Mệnh Chung” Với Những Nước Nào?
Quý Mão năm nay Việt Nam đối mặt với hàng loạt các vấn đề nan giải. Với cơn “địa chấn” về giành giật phe phái từ trước Tết, rồi đọc qua hai bức thư ông Trọng và ông Tập trao đổi cho nhau nhân dịp năm mới và nghe bài phát biểu chúc Tết nói trên của ông Trọng… Tất cả, có thể dự đoán gì về câu trả lời, năm 2023, Việt Nam sẽ “rơi vào” quỹ đạo nào? Liệu năm 2023 này có phải là năm của “vận mệnh tương quan” giữa Việt Nam và Trung Quốc không? Blogger Trân Văn nêu câu hỏi. Thì đây: trong Thư chúc Tết gửi Việt Nam, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc Trung Quốc và Việt Nam có “chung tương lai”. Cũng theo lá thư này, Trung Quốc và Việt Nam sẽ gia tăng liên lạc, gia tăng hợp tác toàn diện, cùng nhau thực hiện các chiến lược phát triển song phương, kể cả trong những vấn đề quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, trong tất cả các tờ báo và các trang mạng “mậu dịch” của Việt Nam, nội dung hai nước Việt Nam và Trung Quốc có “chung tương lai” này đã được bỏ qua! Tại sao lại có chuyện cắc cớ này, vẫn theo cách giải thích của Blogger Trân Văn, “với dân chúng Việt Nam, chuyện Tổng Bí thư Tập Cận Bình vỗ về, rằng Trung Quốc và Việt Nam có... ‘chung tương lai’ lại là chuyện thuộc loại nhạy cảm dễ dẫn đến những phản ứng, hậu quả phức tạp không chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại. Đem chuyện này ra kể lể trước thềm năm mới – nhất là trong dịp tưởng niệm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa (19/1/1974) và trước dịp tấn công đồng loạt và tàn sát dã man dân thường trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc (17/2/1979), để chống lưng cho bè lũ diệt chủng Polpot ở biên giới Tây Nam – rõ ràng là không ổn và không khôn ngoan tí nào, nên “lờ đi” là thượng sách!

“Giản lược” và “bỏ qua” một ý rất cơ bản trong thông điệp của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình gửi ĐCSVN rõ ràng là một tính toán có chủ đích. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và bộ phận trong ĐCSVN dù muốn “phát huy cao độ” hơn nữa kết quả của chuyến thăm Bắc Kinh của ông hồi cuối tháng 10 năm 2022 cũng phải hiểu rằng, mọi chuyện đều có giới hạn của nó. Ở Việt Nam hiện đang hình thành một quan niệm khá bất lợi đối với “dư âm” của chuyến thăm ấy. Quan niệm này cho rằng, nếu như Hội nghị Thành Đô (tháng 9/1990) mở ra một thời kỳ “Bắc thuộc rất nguy hiểm” (lời của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch), thì chuyến “triều công” vừa qua của Tổng Bí thư Trọng “đã đưa bang giao Việt-Trung tiến sâu hơn vào quỹ đạo của Bắc Kinh”. Khác nhau căn bản và nguy hiểm giữa hai cột mốc này là, nếu như Thành Đô chỉ tác động tới quan hệ song phương Việt-Trung, thì chuyến thăm “triều cống” tháng 10/2022 khiến Việt Nam có thể hoàn toàn rơi vào quỹ đạo Bắc Kinh. Điều này không chỉ nguy hiểm cho tương lai của Việt tộc. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trong một bài viết mới đây, đã đưa ra một dự báo đen tối khi Việt Nam rơi vào trật tự ấy. “Đến lúc đó, dân tộc (này) lâm nguy, mà đảng như hiện nay cũng chẳng còn, chỉ còn lại chủ yếu một nhúm người làm tay sai cho bọn thống trị từ ngoại quốc và một quần chúng nô lệ, bị hủy diệt dần như các dân tộc Tây Tạng và Tân cương hiện nay”. Tương lai này nghe khủng khiếp quá, ngay cả đối với các đảng viên Cộng sản, nên chẳng ma nào mong muốn.

Dù sao mặc lòng, vẫn còn có luồng dư luận vẫn lạc quan cho rằng, ông Trọng và bộ sậu không dễ gì lái được “chiếc tàu Việt Nam” đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Đơn giản là vì lòng dân Việt Nam không muốn thế! Đầu năm Quý Mão này, ngay cả báo chí nhà nước cũng hồ hởi loan tin Đại diện ngoại giao của Úc Ðại Lợi, Hòa Lan, Anh, Mã Lai Á, Nhật Bản chúc sức khỏe, bình an và thành công đến mọi người và mong quan hệ ngoại giao với Việt Nam thêm vững mạnh. Riêng Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Marc Knapper “chơi trội” hơn đồng nghiệp. Đại sứ Knapper đã tỉ mẩn ngồi làm thiệp chúc Tết Nguyên đán 2023 bằng chữ nổi. Thiệp đặc biệt đã đành, mà người nhận và cách đọc cũng đặc biệt. Một giáo viên tiếng Anh và hai cháu gái khiếm thị là những người nhận được tấm thiệp chúc Tết đặc biệt từ Đại sứ. Đây là cái Tết thứ năm của ông Knapper tại Việt Nam, nhưng là năm thứ hai ông đón Tết với tư cách Đại sứ. Khác với năm đầu tiên, năm nay ông không “thử sức” với thư pháp nữa. Ông đã chọn cách độc đáo hơn để gửi lời chúc đến tất cả mọi người dân trong xã hội Việt Nam: Viết bằng khuôn chữ Chữ Nổi! Chắc Knapper muốn “những người khiếm thị” cũng hiểu được thông điệp của người Mỹ (?) Còn trước Tết, ông đã rất tự tin khi tuyên bố trong một giao lưu trực tuyến với truyền thông trong nước: “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta (tức Mỹ và Việt Nam) về bản chất cốt lõi đã mang tầm chiến lược...

“Sấn Hỏa Đả Kiếp!” (Theo Lửa Mà Hành Động!)

Tới đây sẽ là thời điểm quan trọng để Ban lãnh đạo Hà Nội quyết định xem họ sẽ tiếp tục hay điều tiết chậm lại “cuộc thanh lọc nội bộ” dưới cái tên trần trụi là “chiến dịch đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người ủng hộ thị trường đột ngột bị ép từ chức. Các viên chức chính phủ tuyên bố, cuộc thanh trừng vừa qua là một phần của nỗ lực chống tham nhũng trong các cơ quan quyền lực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không khỏi thắc mắc, liệu sự ra đi của “bộ ba” Phúc-Minh-Đam có phải là chuỗi hành động thâu tóm quyền lực trong thời gian ngắn của ông Trọng hay không, điều này có dẫn đến việc trì hoãn những cải cách kinh tế cần thiết và khẩn cấp tại một trong những nền kinh tế nóng nhất Á Châu hiện nay. Dư luận cho đến nay vẫn cho rằng, đảng đã không minh bạch trong vụ cho thôi chức đối với Chủ tịch Phúc. Một nhà quan sát thời cuộc ở Sài Gòn nói trong điều kiện giấu tên: “Những diễn biến liên quan về việc nộp đơn xin ‘thôi việc’ từ các Phó Thủ tướng cho đến Chủ tịch nước cho thấy đó là những công việc riêng tư của ĐCS tự giải quyết với nhau, chứ không phải là công việc của người dân, do đó sẽ không thể biết chính xác, vì mọi thông tin hoàn toàn mù mờ“.

Đối với ĐCSVN, “tháng Giêng” không còn “là tháng ăn chơi” nữa. Ông Trọng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang phải quyết định về tốc độ hành động? Phải chèo lái cuộc chống tham nhũng thế nào để các nhà đầu tư trong và ngoài nước thoát khỏi nỗi ám ảnh, Việt Nam suốt ngày chỉ lo “gom củi” để “bỏ lò” mà không tập trung thời gian và sức lực cho sản xuất và sáng tạo. Riêng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bất luận ông chịu ơn ông Tập Cận Bình và các đồng chí Trung Quốc của ông đến bao nhiêu đi nữa, thì ông cũng phải tìm cách thoát khỏi “khẩu bi”: là Thái thú của Tàu! Đừng để bị “bia miệng” như Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mang hổ danh nhượng cả Ải Nam Quan, nửa thác Bản Giốc, hàng vạn cây số vuông dọc biên giới Việt – Trung và tại Vịnh Bắc Bộ cho Trung Quốc. Năm 2022, ông Trọng đã trót cam kết ủng hộ “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI), hứa xem xét “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) cùng “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRI) như là 3 trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica). Để thực thi các cam kết này, cùng với sự “bảo lãnh” của ông Tập Cận Bình, ông Trọng phải nắm chắc được “Bộ tứ” để không bị “đánh úp”, dù ông phải ra đi tại Hội nghị Trung ương mùa Hè này, hoặc có thể vẫn bám trụ cho đến Đại hội 14.

Sáng mùng 2 Tết, tức ngày 23/1/2023, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, viết trên trang Facebook cá nhân có hơn 12.000 người theo dõi: “Ổn định chính trị vĩ mô quan trọng không kém ổn định kinh tế vĩ mô. Năm mới cầu chúc cho đất nước luôn luôn có được cả hai sự ổn định này!” Từ góc nhìn của mình, các nhà quan sát tình hình ở trong và từ ngoài Việt Nam đều có chung nhận xét, Ban lãnh đạo Ba Đình đang đối mặt với bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp bất an, không ngành nào muốn hoạt động. Một chuyên gia phát biểu: “Nói là trì trệ cũng được, là bất ổn cũng được. Thực chất của trạng thái này làm một số người lo sợ, không dám hoạt động gì cả. Không biết ngày hôm nay là ông Phúc, ngày mai đến lượt mình hay chưa? Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn“. Nhưng có điều chưa thấy ai đưa ra lời cảnh báo lúc này. Những năm 1974, 1979… mỗi khi ta gặp khó khăn hay khủng hoảng bên trong, Trung Quốc luôn luôn lợi dụng những thời điểm ấy để xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta. Kế này người Trung Quốc gọi là “Sấn hỏa đả kiếp!” (Theo lửa mà hành động), tức là thừa lúc lân bang gặp cơn nguy biến thì bên ngoài quấy đảo cưỡng chiếm thêm đất đai hoặc biển đảo. Bài học ngàn xưa ấy, bao giờ cũng mới!


Chuyên Gia Cảnh Báo: Kinh Tế Việt Nam, Bức Tranh Ảm Đạm Trước Mắt, Sẽ Tăng Trưởng Rất Chậm Trong Năm 20


(Hình: Một người bán hàng tại khu phố cổ Hà Nội hôm 17/1/2023.)

- Trong một báo cáo mới được công bố trong tháng 1/2023, chuyên gia kinh tế của VinaCapital nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam dù đã đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây là 8% vào năm 2022 nhưng sẽ giảm xuống còn 6% vào năm 2023.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của hãng tư vấn đầu tư đa lĩnh vực tại Việt Nam, nhận định trong báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bùng nổ hậu COVID hiện đã chấm dứt và về cuối năm 2022 Việt Nam đã gặp những vấn đề về hàng tồn đọng, công nhất thiếu việc do nhu cầu ở các nước Âu Châu và Mỹ giảm
Lý giải về nguyên nhân VinaCapital đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam vào năm 2023, kinh tế trưởng của VinaCapital chỉ ra ba nhân tố bao gồm:

- Bùng nổ sau COVID đã chấm dứt và nhu cầu đối với các mặt hàng “Made in Vietnam” chậm lại cùng với nền kinh tế toàn cầu.

- Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa cũng giúp cho kinh tế Việt Nam vào năm 2023 chủ yếu là do khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.

- Chính phủ Việt Nam dự định tăng 50% đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 4% GDP năm 2022 lên 7% GDP năm 2023 giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về lĩnh vực sản xuất, báo cáo của VinaCapital cho rằng lĩnh vực này của Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào nền kinh tế trong các năm 2020 và 2021 vì nhu cầu ở Mỹ và EU đối với các mặt hàng được gọi là “cho người ở nhà”. Điều này đã giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân của Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2022 nhưng đạt đỉnh vào giữa năm và đi xuống vào cuối năm khi nhu cầu giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.
Chuyên gia của VinaCapital dự báo các đơn hàng xuất cảng của Việt Nam sẽ có thể hồi phục lại vào nửa cuối năm 2023 vì phải mất ít nhất sáu tháng để các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU giải quyết hết lượng hàng tồn kho.


Không Có Kế Hoạch Phát Triển Kinh Tế, Chỉ Biết Lệ Thuộc, Mà Còn Khoe: Xuất Cảng Lao Động Việt Nam Kỷ Lục Tăng Gấp 3 Trong Năm 2022!


(Ảnh: Lao động Việt Nam ở Nhật Bản.)
-Số lượng công nhân Việt Nam ra ngoại quốc đi làm thuê trong năm 2022 đã tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước đó, theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội được báo chí trong nước dẫn lại.
Theo đó, tổng số công nhân Việt Nam ra ngoại quốc trong năm 2022 là gần 143.000 người, tăng gần 317% so với năm 2021, tờ Người Lao động dẫn số liệu của Cục quản lý lao động ngoại quốc thuộc Bộ này cho biết.

Với số lượng này thì Việt Nam đã phục hồi việc xuất cảng lao động ở mức như trước đại dịch COVID-19. Dịch bệnh bùng phát trong ba năm 2020, 2021 và 2022 đã khiến nhiều lao động Việt Nam bị mất việc phải về nước tránh dịch.
Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn với số lượng lần lượt là trên 67.000, trên 58.000 và gần 10.000 người.

Ngoài ra, một số nước đã trở thành thị trường mới tiềm năng với lao động Việt như các nước láng giềng Tân Gia Ba, Trung Quốc và Mã Lai Á. Theo số liệu thì trong năm 2022 đã có trên 900 lao động sang Trung Quốc làm việc trong khi con số này ở Tân Gia Ba nhiều hơn gấp đôi ở mức 1.800 còn Mã Lai Á tiếp nhận khoảng 400 lao động Việt Nam.
Lao động Việt Nam ở ngoại quốc là một nguồn gửi ngoại tệ quan trọng về cho Việt Nam và nước này hiện có lao động ở khắp nơi trên thế giới, từ Đông Bắc Á, Úc Châu, Trung Đông cho đến Âu Châu, Gia Nã Ðại.

Trong chỉ thị mới được ban hành vào ngày 12/12 về việc đưa lao động Việt Nam đi ngoại quốc trong tình hình mới, Ban thí thư Trung ương Đảng yêu cầu ‘phải gắn xuất cảng lao động với quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới’ và ‘ưu tiên các nước có thu nhập cao, an toàn’.

Ngoài ra chỉ thị cũng yêu cầu giới chức lao động tăng cường giáo dục, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa của các nước tiếp nhận lao động cho người đi xuất cảng lao động.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước đặt chỉ tiêu xuất cảng thêm 110.000 lao động trong năm 2023, ưu tiên các thị trường thu nhập cao, ổn định tại Âu Châu, Úc Ðại Lợi, Gia Nã Ðại, Do Thái..., tờ Người Lao động cho biết.

Theo thông tin của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội thì từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đều xuất cảng trên 100.000 lao động ra ngoại quốc và trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã có gần 1 triệu lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm việc.
Lao động Việt Nam chủ yếu làm những công việc có trình độ thấp mà các nước tiếp nhận đang thiếu hụt chẳng hạn làm nông nghiệp, xây dựng, giúp việc nhà, chăm sóc người già, điều dưỡng, hộ lý… Họ có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, do đó giúp họ cải thiện mức sống của bản thân cũng như của gia đình họ ở Việt Nam.


Chỉ Biết Gia Tăng Xuất Cảng Lao Động Nên Không Cải Thiện Thứ Hạng Về Tệ Nạn... ‘Buôn Người!’
(Trân Văn)


(Hình: Theo một Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam vào tháng 7/2022, những người tham gia chương trình xuất cảng lao động sang Nam Hàn được vay tiền ký quỹ 100 triệu đồng.)
-Muốn biết Mỹ dựa vào đâu và đánh giá như thế nào về tệ nạn “buôn người” ở Việt Nam thì cần đọc “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung báo cáo sẽ giúp mỗi người tự thẩm định, phía Mỹ có “khách quan, chính xác” hay không.

Kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam loay hoay không biết làm gì để cải thiện tình hình giúp tất cả các giới, đặc biệt là thanh niên, các thành phần yếu thế thoát ra khỏi tình trạng càng ngày càng bế tắc. Đó là lý do trong vài năm gần đây, các viên chức hữu trách ở nhiều cấp thi nhau tán dương xuất cảng lao động [1], xem xuất cảng lao động như phương thức tối ưu để... “phát triển kinh tế, xã hội” (2) và quan trọng nhất là giúp giảm bớt bất bình, duy trì... “sự ổn định chính trị”.

Tuy nhiên, với các đặc điểm như đã biết về hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, cho dù gia tăng xuất cảng lao động có thể tạo ra nguồn thu khổng lồ từ kiều hối (3), giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn, hỗ trợ “xóa đói, giảm nghèo” tốt hơn nhưng song hành với gia tăng xuất cảng lao động là việc liên tục bị các chính phủ, các tổ chức quốc tế lên án vì dung dưỡng “buôn người” (4), khó tránh khỏi việc bị chế tài. Giải quyết mâu thuẫn này tất nhiên là trách nhiệm của giới hữu trách nhưng hiểu tường tận quan niệm của thiên hạ về “buôn người” có thể giúp những cá nhân đã hoặc đang tham gia vào “sự nghiệp” xuất cảng lao động sử dụng các phương thức hỗ trợ từ bên ngoài Việt Nam để chống bị lạm dụng....

Dựa trên “Đạo luật Bảo vệ nạn nhân của tình trạng buôn người” (TVPA), mỗi năm, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người”. Căn cứ kết quả khảo sát về thực trạng và cách thức giải quyết tệ nạn, mỗi năm, mỗi quốc gia sẽ được xếp vào một trong ba loại: “Loại một” bao gồm những quốc gia mà chính phủ tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA nhằm xóa bỏ tệ nạn buôn người. “Loại hai” bao gồm những quốc gia mà chính phủ không tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn của TVPA nhưng có nỗ lực đáng kể nhằm tuân thủ những tiêu chuẩn đó.

Trong “loại hai” có thêm “loại 2 cần theo dõi” nếu: Số lượng nạn nhân của các hình thức buôn người nghiêm trọng ở mức đáng kể hoặc đang gia tăng đáng kể. Không thấy bằng chứng về việc gia tăng nỗ lực chống các hình thức buôn người nghiêm trọng từ năm trước đó, trong đó có gia tăng điều tra, truy tố và kết án các hành vi buôn người, gia tăng giúp đỡ các nạn nhân và càng ngày càng ít chứng cứ cho thấy các viên chức có dính líu đến các hình thức buôn người nghiêm trọng, hoặc việc xác định một quốc gia đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu dựa trên các cam kết của quốc gia đó sẽ thực thi thêm các biện pháp trong năm kế tiếp. “Loại ba” là những quốc gia mà chính phủ không tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu và không cho thấy nỗ lực đáng kể nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn đó.

TVPA liệt kê nhiều yếu tố để có thể dựa vào đó xếp một quốc gia vào “loại hai” hoặc “loại 2 cần theo dõi”, hay “loại ba”. Thứ nhất, mức độ về điểm xuất phát, trung chuyển hay điểm đến của các hình thức buôn người nghiêm trọng. Thứ hai, mức độ không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA và mức độ các viên chức tiếp tay cho các hình thức buôn người nghiêm trọng. Thứ ba là những biện pháp để thực thi các tiêu chuẩn tối thiểu phù hợp với các nguồn lực hiện có và phù hợp với năng lực giải quyết hoặc xóa bỏ các hình thức buôn người nghiêm trọng.

Việc phân loại các quốc gia trong những “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” còn phụ thuộc vào việc quốc gia đó có trì trệ trong việc cải thiện thứ hạng hay không. Chẳng hạn nếu quốc gia nào bị xếp vào “loại hai cần theo dõi” trong hai năm liền và vẫn bị xếp vào “loại hai cần theo dõi” ở năm tiếp theo thì sẽ bị xếp vào “loại ba”. Trong “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” mới nhất (2022), Việt Nam bị xếp vào “loại ba”. Hậu quả của việc bị xếp vào “loại ba” khá... đa dạng: Chính phủ Mỹ có thể dừng hoặc rút lại các chương trình hỗ trợ không vì mục đích nhân đạo hoặc không liên quan đến thương mại.
Những quốc gia bị xếp “loại ba” có thể sẽ không được hỗ trợ để viên chức tham gia các chương trình trao đổi giáo dục và văn hóa. Theo quy định của TVPA, chính phủ của các quốc gia bị xếp vào “loại ba” còn phải đối mặt với nguy cơ bị những trừng phạt khác, sẽ phải đối diện với việc Mỹ phản đối các tổ chức tài chánh quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới cấp các khoản hỗ trợ, trừ hỗ trợ vì mục đích nhân đạo, có liên quan đến thương mại và các khoản hỗ trợ liên quan nhất định đến phát triển (5).

Cách nay khoàng mươi ngày, ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Thường trực của Bộ Ngoai giao Việt Nam - đã có buổi hội đàm với bà Kari Johnstone, Quyền Giám đốc Văn phòng Theo dõi và Chống Mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hà Nội. Ông Vũ khẳng định: Phòng, chống mua bán người luôn là một trong những ưu tiên của phía Việt Nam. Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện chính sách pháp luật. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người. Ông Vũ đề nghị: Phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác về những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người và đưa Việt Nam ra khỏi “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm 2023, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ (6)....

Muốn biết Mỹ dựa vào đâu và đánh giá như thế nào về tệ nạn “buôn người” ở Việt Nam thì cần đọc “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm 2022 (2022) của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung báo cáo sẽ giúp mỗi người tự thẩm định, phía Mỹ có “khách quan, chính xác” hay không. Tuy nhiên đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Khi xuất cảng lao động đã cũng như đang là xu thế, thậm chí được một số viên chức hữu trách nâng lên thành.... “nhiệm vụ trọng tâm”, hiểu quan niệm của thiên hạ về “buôn người” sẽ giúp những cá nhân và gia đình có thân nhân tham gia xuất cảng lao động, tham gia “phòng, chống mua bán người” để không bị bất kỳ phía nào “đè đầu, cưỡi cổ”... Đó sẽ là phần tiếp theo của bài viết này.

Chú thích:


Một Cái Tết Buồn Nhất Từ Trước Tới Nay: Nước Mắt Chợ Hoa Đêm Giao Thừa Nhâm Dần - Quý Mão

(Hình: Hoa Tết hạ giá đêm 30 Tết Quý Mão.)


-Đêm Ba mươi, Phút Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm trong ý nghĩa gia đình đoàn tụ, sum vầy. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã giản lược thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, chỉ cần vài khóm vạn thọ, cúc, nhành mai, nhành đào là đủ không khí Tết. Thế nhưng, đêm 30 Tết năm nay rất nhiều gia đình đã không đủ tiền mua hoa. Hàng vạn người trồng hoa, bán hoa mang không khí Tết cho xã hội, cho mọi nhà lại không dám về nhà mà khắc khoải, vật vã rơi nước mắt bên những thảm hoa tươi nguyên thừa ế trên đường phố. Họ không chỉ mất Tết mà có nguy cơ trắng tay, vỡ nợ. Năm mới sẽ đến với họ đầy bất trắc.

Hàng chục năm qua, những người cần lao thuộc giai cấp tiên phong của chế độ, không dám đi chợ Tết ở các siêu thị, không đánh giá Tết lớn, Tết nhỏ qua giá cả rượu bia, lạp xưởng. Cái Tết trong mắt họ là những khu chợ hoa Tết nhan nhản khắp nông thôn, phố thị. Không tốn kém như ăn bằng miệng với các thứ bánh mứt, rượu thịt đắt tiền, người ta ăn Tết bằng mắt với vài chậu hoa cũng đủ ấm lòng trong ba ngày Tết.

Người khá giả thuê xe vận tải bỏ ra năm mười triệu mua hoa đắt tiền phủ màu sắc lên ngôi biệt thự. Người nghèo đi xe gắn máy bỏ ra trên dưới 100 ngàn đồng (gần 5 Mỹ kim) đã có thể mang không khí Tết về nhà.

Chợ hoa Tết Việt rất đặc trưng là các loại hoa truyền thống của từng vùng miền trồng theo mùa vụ. Miền Bắc chủ lực là đào, quất, miền Nam mai vàng, vạn thọ, cúc đủ loại bình dân là mâm xôi, đại đóa…, sang trọng là Tiger. Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) trở thành thủ phủ hoa Tết của miền Nam với các loại hoa chất lượng cao được tỉa tót tạo hình tinh tế như mai bonsai, cúc, trạng nguyên. Ngoài ra ở từng tỉnh huyện cũng hình thành những tiểu vùng trồng hoa Tết với các loài hoa phổ biến như hướng dương, vạn thọ.

Trồng, bán hoa Tết thành một nghề quan trọng trong mùa vụ Tết. Thị trường hoa Tết trở thành hàn thử biểu nhạy cảm đo đạt mức phồn thịnh hoặc suy thoái của kinh tế. Mặc cho báo cáo, diễn văn chúc Tết của Đảng, Chính phủ nói nhăng nói cuội thế nào. Cứ nhìn vào sự nhộn nhịp, tấp nập của các chợ hoa Tết là biết ngay kinh tế ổn định, phát triển. Chợ hoa Tết eo sèo ế ẩm thì biết ngay kinh tế đang lụn bại chính xác như đinh đóng cột.

Năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, theo báo đài tuyên truyền Nhà nước, năm 2022, tăng trưởng GDP ước đạt 8,02% với nhiều điểm sáng. Theo Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều trên cả ba khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%. (1)

Đọc thấy phát ham. Tổng Trọng trong cơn mê cuồng đốt lò, tiêu diệt các đảng viên ưu tú do chính mình tuyển chọn, cơ cấu, đề bạt đúng quy trình trong nhiều nhiệm kỳ lại chai mặt lấy sức cạn hơi tàn đọc thư chúc Tết với những lời sáo rỗng muôn thuở: “vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả” (2)

Trung Quốc mượn cớ COVID cản trợ xuất cảng nông sản, các măt hàng gia công chiến lược may mặc, giày da, gỗ bị đứt gãy đơn hàng, hàng triệu công nhân thất nghiệp. Kinh tế tài chánh vỡ toang bởi chiêu trò lũng đoạn của các đại gia FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, bất động sản thừa ế đóng băng hàng trăm ngàn tỉ, người dân biểu tình đứng, biểu tình ngồi đòi tiền góp vốn ngân hàng, tiềm mua trái phiếu, công nhân đòi tăng lương khắp cả nước. Các con số GDP 8.02%, “phục hồi và phát triển kinh tế” là trò chơi chữ nghĩa, là cái bánh vẽ hy vọng mà chính quyền nhà sản vẫn rộng tay ưu ái tặng dân.

“GDP 8.02%”, “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” thực sự thê thảm thế nào hãy nhìn vào chợ hoa Tết năm nay. Gõ từ khóa “hoa tết ế” cho công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho thấy con số hùng hồn khoảng 6.280.000 kết quả.

Chính báo chí lề phải có thể xem là thông tin vô thưởng vô phạt nên đã đồng loạt bỗng dưng nói thật. Với tựa đề “Mười mấy năm bán hoa Tết chưa năm nào ế như năm nay“, báo Zing News có lời dẫn “Chiều 29 tháng Chạp, nhiều tiểu thương bán hoa tại Sài Gòn vẫn cầm cự ngồi chờ khách vì ế ẩm”. (3)

Báo Lao Động cũng có bài tương tự và có thêm cả phóng sự ảnh ở thành phố Vinh Nghệ An “Hoa tết ế ẩm, tiểu thương chém gốc, vứt bỏ để về quê đón Tết“ (4)
Đà Nẵng, nổi tiếng là thành phố đáng sống nhất cả nước nhưng “Chợ hoa Xuân Đà Nẵng 29 Tết: Hạ giá bán như cho vẫn ế“ (5)

Ngay Hà Nội thủ đô ngàn năm văn vật nơi tiền bạc cả nước đổ về cống nạp vẫn không thoát cảnh “Tiểu thương tại Hà Nội chặt bỏ đào quất ế trong chiều 30 Tết“ (6)



(Hình: Chợ hoa Tết về đêm.)
Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn bài báo về tình trạng chợ hoa ế ẩm trải dài trong cả nước từ Bắc chí Nam chứ không riêng một địa phương nào.
Nguyên nhân hoa ế không phải do yếu tố khí hậu, thời tiết hoặc do tăng sản lượng diện tích trồng đột biến làm tăng khoảng cách cung cầu. Số lượng hàng hóa vẫn như mọi năm. Địa điểm diện tích bày bán vẫn như truyền thống mọi năm. Hoa ế đơn giản chỉ do người dân không tiền mua sắm.

Thông thường hàng thừa ế, người ta bán xổ, bán rẻ mong thu về ít vốn liếng và cũng để không lãng phí mồ hôi, công sức vun trồng chăm sóc. Thế nhưng trong xã hội mang đầy chất nhân văn kiểu mới của thiên đường Cộng sản từ Nghệ An quê Bác đến Hà Nội niềm tin và hy vọng của cả nước người bán dùng đến nghĩa cử cao cả là chặt bỏ chứ không bán rẻ chống lại tâm lý chờ hạ giá của người mua.

Những nhát dao này thật đau đớn hơn cả thất bát của mùa hoa, nó chặt đứt mối quan hệ đồng bào, tương thân của người mua, người bán.
Những thông tin báo chí đáng buồn nói trên đã thê thảm nhưng vẫn sáng sủa hơn nhiều so với những điều tôi trực tiếp chứng kiến khi có dịp hiếm hoi về ăn Tết ở một thành phố miền Tây. Nó không có chuyện quyết liệt tàn nhẫn chém hoa nhưng nó nghẹn uất kéo dài ngay đêm giao thừa.

Khu chợ Hoa tết của thành phố rộng khoảng vài héc-ta nằm trên vị trí đắc địa. Nằm ngay tại trung tâm thành phố, lại đúng vào cái thế trên bến dưới thuyền giáp với đại lộ rộng thênh thang và con sông là thủy lộ chính của địa phương.

Sáng ngày 30 Tết, khu chơ tràn ngập hoa đủ loài khoe sắc nhưng rất vắng nguời mua dù giá khá mềm. Một cặp cúc đại đóa, vạn thọ đẹp rực rỡ, có cả chậu bằng nhựa cứng chỉ tầm giá 150.000. Vạn thọ đẹp trong chậu nhựa mềm chỉ 90.000 một cặp. Lác đác một vài nơi đã treo bản đại hạ giá nhưng chừng như vẫn không hấp dẫn người mua.

Do các chợ hoa Tết là chợ dã chiến theo mùa vụ được sử dụng mặt bằng công viên của thành phố, ban quản lý phân lô hợp đồng cho thuê từ nhiều tháng trước. Theo quy ước, tiểu thương phải thu dọn cây kiểng hoàn trả mặt bằng từ giữa trưa 30 Tết để làm vệ sinh, giữ cảnh quan công viên nên phiên chợ 30 hoa rất ngắn, tầm 10 giờ sáng là phải bán xổ để không phải hủy hàng.

Thế nhưng do lượng khách mua thưa thớt, chủ hàng nấn ná tiếc nuối lượng hoa vẫn còn gần như nguyên vẹn đã dời hàng ra dọc theo hai bên lề đường quanh khu vực chợ để chờ bán tiếp.

9 giờ đêm 30 Tết, hầu hết các căn nhà trên trục lộ chính đã đóng cửa, hầu hết người dân thành phố đã về nhà họp mặt gia đình chào đón giao thừa thì hai bên lề đường của đại lộ dọc công viên vẫn còn đầy những bãi hoa hiu hắt treo bảng đại hạ giá. Những người bán hoa phờ phạc ngồi vật vã không biết đến lúc nào. Có lẽ họ sẽ đón giao thừa trên hè phố bên bải hoa ế ẩm ấy. Họ dư hiểu rằng khách hàng có tiền đã mua đủ hoa cho Tết, mua thêm họ cũng không còn chỗ để trưng bày. Người chưa mua không phải là không muốn mà do không có tiền nên dù hạ giá rất thấp vẫn không mấy người mua.

Những người bán hoa gần như lỗ trắng, công sức, vốn liếng, niềm hy vọng một mùa vụ làm ăn đã biến thành gánh nợ. Năm mới với mọi người là ước mơ, khát vọng về những điều tốt đẹp với họ sẽ là khó khăn chồng chất.

Sự phồn vinh, kinh tế ổn định và phát triển ở xứ thiên đường là như vậy đó. Sự ế ẩm của chợ hoa Tết không chỉ là nỗi đau nước mắt đêm 30 của người bán hoa mà còn là bức tranh ảm đạm của hàng triệu gia đình không có được số tiền ít ỏi để ăn tết nghèo bằng mắt.
__________________

Tham khảo:


Cảnh Đập Nát Hàng Loạt Hoa Ế Ngày Tết: Hành Động Này Nói Lên Điều Gì? Hằn Học? Trút Giận?


(Hình: Làng hoa ờ Sa Đéc. Hoa trồng để thương lái mua bán Tết.)
Từ rất nhiều năm trước, cứ đến chiều 30 Tết, một số tiểu thương tại các chợ hoa lại lặng lẽ chất những chậu hoa không bán hết lên xe vận tải chở về vườn. Một số khác chọn cách bỏ lại những chậu hoa ế cho người nghèo mang về chưng Tết.

Nhưng mấy năm gần đây, đã có không ít tiểu thương có hành động đập nát những chậu hoa vô tội với thái độ hằn học như “trút giận” do không bán được. Nhiều người trong số họ khi được hỏi, lý giải rằng, nếu không đập nát những chậu hoa này thì người mua sẽ có thói quen canh hoa ế để lấy về chưng Tết mà không bỏ tiền ra mua nữa... “Đập” để tạo thói quen “mua” hoa (!?).

Phản Cảm và Đồng Cảm
Khi được hỏi về những hành động trên của các tiểu thương, bà Phương, một người trồng hoa ở Gò Vấp từ mấy chục năm qua nêu quan điểm của bà với Ðài Á Châu Tự Do (RFA):
“Tôi thấy đây là một hành động phản cảm và không có lòng nhân ái. Nhưng theo tôi, lỗi là cả hai phía chứ không phải là một phía. Hồi xưa người mua cũng không chờ đến giờ cuối cùng để mua rẻ, nếu họ có thể mua trước đó. Người bán cũng cho hoa nếu họ không bán hết. Hồi xưa người ta hiền lành, tâm người ta thiện. Cuộc sống không phải đối chọi, không phải mưu mô tính toán nhiều. Bây giờ nguyên cái xã hội nó mưu mô, tính toán như vậy. Người bán hoa mà không biết thương hoa, không biết trân quý cành hoa. Họ đối xử với sản phẩm từng nuôi sống mình như vậy là không có tâm trong xử thế”.

Hành động đập nát hoa, cắt hết cành hoặc đập bể chậu hoa, gốc đào vào chiều 30 Tết của những người bán hoa nhận không ít bình luận “không thể chấp nhận” được của nhiều người. Một ý kiến bình luận trên tờ VnExpress cho rằng “Một hình ảnh rất không đẹp, thiết nghĩ những người này sang năm đừng nên bán hoa kiểng”. Một số người khác cho rằng đó là hành động phản cảm, thậm chí vô văn hóa của tiểu thương, trong đó có cả nhà vườn. Hoặc một số bình luận “nặng” hơn rằng đó là hành động vô lễ với khách hàng, nhân tố quan trọng trong bất cứ ngành nghề kinh doanh nào.

Nhận xét về những hình ảnh “không đẹp” trong ngày cuối năm như thế, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói với RFA:
“Về việc đập hoa, theo quan điểm cá nhân của tôi, đó là tài sản của người ta thì người ta có quyền đập, có quyền cho hay làm gì tùy ý. Tuy nhiên, họ không có quyền đổ lỗi cho khách hàng. Tôi chưa thấy nhà sản xuất nào lại dám đổ thừa lỗi tại khách hàng như vậy. Tôi cho đây chính là cái văn hóa xuất phát từ nền kinh tế phi thị trường. Tức họ bán cái họ có chứ không quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng”.


Tính Xấu của Người Việt?


(Hình: Một nông dân đang chăm sóc hoa cúc bán Tết tại vườn ở Sa Đéc.)

Từ nhiều năm qua, có một số loại nông sản do người nông dân đầu tư tiền, của và công sức hàng năm trời nhưng “thiếu đầu ra” nên không tiêu thụ được, khiến cuộc sống của họ điêu đứng. Người nông dân chỉ biết “tự than thân trách phận” và cầu xin cộng đồng giải cứu như vài năm gần đây có các chương trình giải cứu vải thiều, giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu. Nhiều chuyên gia khi trò chuyện với RFA về vấn đề này từng cho rằng: Lý ra các hiệp hội và chính quyền phải vào cuộc ngay từ đầu, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, không nên để nông dân tự “loay hoay” như vậy. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng đồng ý kiến về vấn đề này trong trường hợp của các tiểu thương “đập bỏ” hoa ngày cuối năm. Ông cho rằng:
“Nó có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là trách nhiệm của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Với tư cách là quản trị quốc gia, họ không có một kế hoạch nào hay dự báo về thị trường cho người nông dân nói chung, người trồng hoa, bán hoa nói riêng. Nguyên nhân thứ hai là Hiệp hội sinh vật cảnh Việt Nam, cũng như các Hội sinh vật cảnh của

Theo truyền thông nhà nước, tình hình bán hoa Tết năm Quý Mão 2023 ế ẩm tại cả ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Luật sư Phạm Công Út chia sẻ một góc nhìn khác của ông về câu chuyện trên, khi ông cho rằng, những người đập phá hoa là thương lái chứ không phải nông dân. Mà thương lái, theo ông, họ chỉ biết lợi nhuận. Ông nói:
“Thương lái họ muốn giữ cái giá cho năm sau để tránh chuyện mọi người chờ đến giờ vàng để mua rẻ, cho nên họ đập bỏ. Nhưng tôi khẳng định đó không phải là nông dân mà là thương lái. Họ làm vậy thì nó phản cảm, tội nghiệp cho cả mấy người dọn vệ sinh. Nếu họ bán không hết thì họ có thể cho hoặc chở về vì trước đó lúc bán giá cao là họ đã có lời rồi. Nhưng vì họ muốn năm sau bán được giá hơn cho nên họ dùng cách đó. Ở đây tôi cũng mua hoa ở nhà vườn tối 30 Tết. Giá rất rẻ nhưng họ cám ơn tôi rối rít. Ví dụ một châu hoa hướng dương giá 60 ngàn, tôi mua có 10 ngàn. Một câu hoa mồng gà 30 ngàn tôi mua có sáu ngàn. Họ là nông dân chứ không phải thương lái”.

Nhiều người cho rằng, hành động chặt cành, đập nát hoa của những tiểu thương là tấm gương phản chiếu một xã hội không còn lòng nhân ái; một xã hội xuống cấp về đạo đức. Một khi kinh doanh, tiểu thương phải chấp nhận rủi ro nếu không giỏi tính toán. Không thể đổ tại khách hàng trả giá rẻ mà trút giận nên những cành hoa như thế.

Một bài viết trên tờ Vnexpress có tựa “Tiểu thương đập nát hoa ế ngày 30 Tết” mô tả một nông dân quê Đồng Tháp tự tay ném nát gần 300 chậu hoa, liên tục hét lên “đập hết, không cho ai cả”. Một người khác quê Khánh Hòa dùng cây phá nát những bông hoa cúc và nói: “Tôi thà cho hoa làm công quả chứ không để người ta xài chùa”.
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, hành động của các tiểu thương thể hiện tính cách rất xấu của một số người Việt ngày nay:
“Việc này năm nào cũng xảy ra. Nó thể hiện tính cách của người Việt nói riêng và người Á Châu nói chung. Đây là một nét văn hóa xấu, tức là không ăn được thì đạp đổ. Kiểu tôi làm ra, tôi không ăn được thì cũng phá không cho người khác ăn. Không cho người khác hưởng thụ thành quả lao động của mình. Lẽ ra họ có thể tặng hoa, họ biếu cho người khác khi đã hết giờ bán, ai lấy thì lấy không lấy thì thôi. Đó là một nét văn hóa tốt”.


Không Bị Gián Đoạn, Năm Nào Bộ Tài Chánh Cũng Hứa: Giá Cả Ổn Định, Lượng Hàng Hóa Phục Vụ Tết


(Hình Pháp luật: Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp tết tại một siêu thị.)
- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 24/1/2023 - dựa theo báo cáo nhanh của Bộ Tài chánh - cho hay giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp Tết Quý Mão 2023 được nói tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ tại một số mặt hàng như rau củ quả, trái cây và một số mặt hàng thủy, hải sản.

Theo Bộ Tài chánh, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do hội đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
Trong suốt trước và trong Tết, một số siêu thị vẫn mở cửa nên gần như bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng tại các tỉnh, thành phố lớn.

Mặc dù vậy, trong báo cáo, Bộ Tài chánh vẫn kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Hôm 23/1, tờ An ninh TV loan, trong ngày đầu tiên của năm mới (22/1), những chuyến hàng đầu năm đã được thông quan thuận lợi qua cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai.
Chỉ trong buổi sáng mùng 1 Tết, các doanh nghiệp đã mở tờ khai và thông quan qua cửa khẩu Lào Cai 350 tấn trái cây.

Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là trái cây như: Thanh long, chuối, mít, dưa hấu… đã xuất cảng thuận lợi, giảm thời gian thông quan, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.


Việt Nam Ghi Nhận Hơn 4 Ngàn Ca Tai Nạn Giao Thông, Chỉ Trong Ngày Mồng 1 Tết!


(Hình: Hơn 4 ngàn ca cấp cứu vì tai nạn giao thông trong ngày Mồng 1 tết Quý Mão 2023.)
- Chỉ trong ngày Mồng 1 Tết nguyên đán Quý Mão 2023 (tức ngày 22/1/2023), Việt Nam ghi nhận 4.353 ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng số ca chết do tai nạn giao thông bao gồn cả chết trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 44 ca. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 23/1 dựa theo số liệu thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế công bố trong cùng ngày.

Theo thống kê, tổng số ca cấp cứu do pháo nổ là 186 ca; đánh nhau là 551. Như vậy, tính cộng trong hai ngày 30 và Mồng 1 Tết, Việt Nam ghi nhận 1.056 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau khiến 3 người chết.
Tính tổng các ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông là 8.235 ca, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần; trong đó 3.002 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 36,5% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông.

Ngoài ra, có tổng cộng 4.943 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 5,1% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 10 trường hợp đã chết tính chung trong hai ngày 30 và Mồng 1 Tết.

Cảnh sát giao thông trong những ngày Tết cũng gia tăng việc kiểm tra và phát giác các trường hợp vi phạm luật giao thông. Cụ thể, trong 2 ngày, Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã giải quyết khoảng hơn 6.000 trường hợp vi phạm và phạt tiền hơn 11 tỉ đồng.

Đáng chú ý là các trường hợp vi phạm do nồng độ cồn, trong hai ngày, Cảnh sát giao thông đã phát giác và phạt khoảng 2.000 trường hợp.


Trên Hàng Trăm Người Chết, Vì Tai Nạn Giao Thông Trong 3 Ngày Nghỉ Tết!



(Hình: Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.)
- Trong ngày 24/1/2023, Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho truyền thông hay trong 3 ngày nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão (từ 21 đến 23), Việt Nam ghi nhận 11.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến 128 người chết.

Theo số liệu của Cục Quản lý Khám-chữa bệnh, số người chết vì tai nạn giao thông tăng 12 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, cũng sau 3 ngày nghỉ, có 311 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 103 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 29 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, khiến hai người chết.

Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 (tức 22 và 23/1) là 119 trường hợp. Trong đó, 68 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia; năm trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát giác vụ ngộ độc thực phẩm.



Tính chung trong 3 ngày nghỉ Tết, đã có 306 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. Ba ca chết do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trên cả nước tăng gần 40% so với năm 2022, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho truyền thông hay.

Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của công chức, viên chức tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 20/1 và kéo dài đến hết ngày 26/1 (tức 29 đến Mồng 5 Âm lịch).


Người Trung Quốc Đã Ồ Ạt Tràn Ngập Vào VN, Vậy Mà Đại Sứ Trung Quốc Vẫn Muốn Thêm Khách Trung Quốc Du Lịch Đến Việt Nam Nhiều Hơn Nữa?



(Hình: Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh (bên phải) - đón tiếp đoàn công tác Tòa Ðại sứ Trung Quốc.)

- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay hôm mùng 2 Tết (tức ngày 23/1/2023), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vừa có chuyến thăm Quảng Ninh và bày tỏ mong muốn phục hồi du lịch giữa hai nước, đưa khách du lịch Trung Quốc trở lại Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Theo truyền thông nhà nước, ông Hùng Ba đến thăm Vịnh Hạ Long lần này là để trải nghiệm thực tế, đồng thời kiểm tra cơ sở vật chất để tiến tới xây dựng cơ chế chính sách phù hợp đón khách Trung Quốc quay trở lại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đại sứ Trung Quốc cho biết, ngay khi Trung Quốc điều chỉnh một số chính sách về phòng chống dịch COVID-19, Cơ quan chủ quản về du lịch văn hóa đã trao đổi bàn bạc về việc khôi phục lại khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục du lịch, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng 17% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Quảng Ninh, những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Từ 131 ngàn lượt năm 2014 lên gần 800 ngàn lượt năm 2019.

Trung Quốc và Việt Nam đã mở lại các cửa khẩu, nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về phòng chống COVID-19 tại biên giới từ ngày 8/1 vừa qua.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, ngay trong buổi sáng ngày 8/1 đã có hơn 1.000 người Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái để nhập cảnh vào Trung Quốc qua Cửa khẩu Đông Hưng.

Trong khi đó một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn sau đó cho biết, họ lo ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan khi khách Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam và các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã tăng cao trong các tuần sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các lệnh phong tỏa.


Việt Nam Giờ Khác Gì Một Tỉnh Lẻ Của Trung Quốc: Khánh Hòa Khoe Đã Có Kế Hoạch Chuẩn Bị Đón Hàng Ngàn Khách Du Lịch Trung Quốc Trở Lại Sau Đại Dịch!


(Hình Lao: Hơn 200 khách du lịch Trung Quốc đến Khánh Hòa vào ngày mùng 2 Tết Quý Mão.)
- Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hòa vào ngày mùng 2 Tết (tức 23/1/2023) vừa tiếp nhận hơn 200 khách du lịch Trung Quốc đến thăm. Đây là đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên tới Khánh Hòa sau 3 năm đại dịch.
Báo Nhà nước cho biết ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - cùng lãnh đạo các đơn vị đã có mặt tại phi trường chào đón đoàn du kháchđến từ Thành Đô và tặng lì xì cho những vị khách đầu tiên.

Theo truyền thông nhà nước, chuyến bay chở 214 khách cất cánh từ phi trường quốc tế Thành Đô và hạ cánh tại phi trường quốc tế Cam Ranh vào sáng mùng 2 Tết. Sau khi hạ cánh du khách sẽ di chuyển về nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng tại Bãi Dài và Nha Trang.

Truyền thông nhà nước dẫn lời của đại diện Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cho biết, dự kiến từ nay đến 23/3 sẽ đón khoảng 35 chuyến bay từ các địa phương của Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa với tần suất 4 - 5 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến sẽ có từ 180 đến 220 khách du lịch.


Cuộc Chiến “Đốt Lò!” Mang Danh Nghĩa Chống Tham Nhũng, Trong Bất Động Sản, Khiến Nhu Cầu Thép của Việt Nam Giảm Trầm Trọng!


(Hình: Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Hà Nội năm 2011.)
- Công nghiệp thép của Việt Nam đang đi vào giai đoạn khó khăn khi Chính phủ thắt chặt hơn các quy định trong lĩnh vực bất động sản, gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng.

Hãng tin Nikkei Asia vào ngày 24/1/2023 đưa tin cho biết Hòa Phát, hãng sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam, đã phải ngưng hoạt động ở bốn lò thép từ cuối năm 2022, trong khi các công ty sản xuất thép khác sử dụng lò điện cũng đã phải bắt buộc cắt giảm sản xuất mạnh.

Nikkei Asia trích lời một quản lý trong ngành thép Việt Nam nói rằng tình trạng hiện đã chạm đến mức thấp nhất và hiện vẫn còn trong tình trạng này cho đến khi có thể hồi phục lại vào khoảng giữa năm 2023.

Theo báo chí Nhà nước, doanh thu thép của ba nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đã giảm 25% trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022.
Hòa Phát báo cáo lỗ ròng khoảng 76 triệu Mỹ kim trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022, mức lỗ lớn nhất của hãng kể từ giai đoạn tháng 10 đến 12 năm 2008 khi Á Châu đang có khủng hoảng tài chánh.

Theo Nikkei, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện tập trung vào thị trường tài chánh và vốn có liên quan đến ngành bất động sản đã có ảnh hưởng đến ngành thép.
Trong năm 2022, một loạt các tỉ phú bất động sản ở Việt Nam đã bị bắt giữ với những cái tên đình đám như Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, và bà Trương Mỹ Lan – chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thị trường bất động sản ở Trung Quốc chậm lại cũng được đánh giá là gây ảnh hưởng tới Việt Nam.
Việt Nam hiện là quố gia sản xuất nhiều thép nhất trong khối Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Nhu cầu về thép chậm lại được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế chung.


Dư Luận Quốc Tế Đối Với Những Chuyển Dịch Trên Thượng Tầng Quyền Lực ĐCSVN Trong Những Ngày Qua
(Trần Tô Hiệu)


(Hình AFP: Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tại APEC 29 ở Vọng Các hôm 19/11/2022.)

-Nếu tin đơn xin từ chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ là “đòn gió” nhằm an ủi ông Phúc (ông Chính trước vốn là tướng Công an), thì rồi đây, “Tứ trụ” có thể sẽ có đến hai tướng Công an (khi ông Tô Lâm được Bộ Chính trị đặc cách vào đấy). Chế độ đã độc tài, nay đến “Tứ trụ” cũng toàn trị nốt. Điều này, liệu có đưa ra thông điệp sai lệch cho tiến trình hội nhập sâu rộng?
Những Cơn Địa Chấn Chưa Dừng Lại

Chiến dịch bài tham nhũng của Việt Nam khiến ông Nguyễn Xuân Phúc mất chức cũng tương tự như đả hổ diệt ruồi ở Trung Quốc.
Hai phiên họp bất thường vào 26 và 27 Tết, với khoảng hơn 600 viên chức trong cả nước về dự để hợp thức hóa việc phế truất Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trên thực tế, đây là màn hài kịch, vừa hình thức vừa rất tốn kém, chỉ để thực thi quyết định tại một cuộc họp bí mật của Bộ Chính trị vào ngày 13/1, sau màn kịch tương tự cách đây nửa tháng để bãi chức hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Kể từ khi có tin lan truyền chóng mặt về việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị “thẻ đỏ” từ mấy hôm trước, hai ngày gần đây, dư luận bắt đầu kháo nhau, ai sẽ là người thay ông ta ở cương vị Chủ tịch nước. Lời đồn không chỉ rộ lên trên mạng xã hội hay trong quán nước vỉa hè, mà cả trên những trang báo quốc tế lớn: “Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng?” (VOA), “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị buộc về hưu, ai sẽ là người thay thế?” (RFA)…. (1).

Với người dân trong nước, ai lên thay ông Phúc là chuyện không mấy người bận tâm, vì cốt lõi vấn đề là thể chế chính trị chứ không phải cá nhân. Chừng nào ĐCS độc tài, toàn trị vẫn còn đó thì không hy vọng có sự thay đổi tốt hơn. Vả lại, ai lên ai xuống là chuyện của Bộ Chính trị, của giới lãnh đạo chóp bu trong ĐCSVN, người dân Việt Nam không có quyền được biết, cũng không bao giờ được bàn bạc, góp ý kiến hay bỏ phiếu, cứ như thể đất nước là tài sản riêng của những người đó. Đã vậy thì người dân cũng chẳng quan tâm nhiều, trừ khi cần trút nỗi tức giận trên các trang mạng xã hội (2). Cho đến hôm nay, theo các nguồn tin nội bộ không thể nêu nguồn cụ thể, dư luận được biết, tại hai cuộc họp Trung ương lẫn Quốc hội trong hai ngày 17 và 18/1, các cuộc tranh luận vẫn không ngã ngũ. Cuối cùng, hai Cơ quan quyền lực này tạm chấp thuận để bà Võ thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết vị tân Chủ tịch sẽ được xướng danh tại kỳ họp Quốc hội vào tháng năm tới đây.

Việc bãi chức ông Phúc chỉ vài ngày trước thời điểm chúc Tết có khi cũng là một cách hạ nhục ông ta. Việc đến tháng 5 này, mới công bố được danh tính tân Chủ tịch cho thấy, những cơn địa chấn trên thượng tầng Ba Đình sẽ không dừng lại sau Tết Nguyên đán. Tại sao vấn đề có thể quyết định trong một vài phiên họ mà lại phải kéo dài như thế? Xin thưa, vì theo “luật và lệ”, hiện chỉ có ba người có thể ngồi vào cái ghế đấy. Ứng viên mạnh nhất là Tô Đại tướng, kế đến là Trương ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Mai và sau cùng là Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Khốn nỗi, ông Tô lâm vừa “chê” vừa “sợ” cái ghế Chủ tịch nước. “Chê” là vì ông còn nhìn lên vị trí thực quyền hơn (Tổng Bí thư chẳng hạn). “Sợ” là do, ông ngại chui ra khỏi “tổ kén” Bộ Công an sẽ không an toàn; ông chưa thể quên bài học đắt giá của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bà Mai và ông Thưởng cũng đã từ chối vì những lý do cá nhân (3).


(Hình: Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022.)

Phản Ứng của Truyền Thông Quốc Tế
Trước và sau cơn địa chấn chính trị trên thượng tầng quyền lực của ĐCSVN, truyền thông quốc tế từ Âu sang Á đã có phản ứng khá nhậy bén đối với các sự kiện tuyệt đối chỉ diễn ra đằng sau hậu trường. Khác với truyền thông trong nước, ngay sát thời điểm diễn ra cuộc thanh trừng, báo chí “lề phải” dường như không có dòng tin nào về sự kiện hy hữu trong nền chính trị “u u minh minh” của đất nước. Trong khi đó, báo chí quốc tế đã có ngay các bài phân tích khá rành rọt về các động lực đằng sau cuộc đấu đá cung đình của Hà Nội. Việc cách chức Chủ tịch nước khi “khung bộ tứ” vừa được bầu chưa được nửa nhiệm kỳ là một sự kiện vồ tiền khoáng hậu. Sự kiện chưa có tiền lệ này có thế đánh dấu một thời kỳ không mấy êm đềm trong sinh hoạt chính trị từ Trung ương đến Quốc hội. Nhất là nay đã có tin đồn Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng theo chân Chủ tịch nước, cũng đã “đệ đơn” xin từ chức. Tuy nhiên, tin này cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên. Giống như ông Phúc, ông Chính tuy đứng đầu chính phủ nhưng cũng là “đối tượng” bị phe “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “truy sát” lâu nay.

Phóng viên Jonathan Head của BBC viết rằng, vụ này được gọi dưới cái tên chống tham nhũng nhưng thực chất là cuộc chiến quyền lực ở cấp cao nhất trong ĐCSVN. Điều này dường như không dẫn đến thay đổi nào về chính sách chung khuyến khích ngoại quốc đầu tư để phát triển kinh tế của Việt Nam và cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với việc có nhiều viên chức cao cấp nhất của Đảng xuất thân từ công an sẽ là tin xấu cho nhân quyền và những người phê bình chế độ. Viết trên hãng truyền thông quốc tế của Đức (DW), nhà báo David Hutt coi ông Phúc là một trong số nhà kỹ trị hàng đầu của Việt Nam, có quan hệ chặt chẽ với phương Tây trong thời gian làm Thủ tướng. Ông bị buộc thôi chức vì vài tuần sau khi một số viên chức cao cấp về đối ngoại dày dạn kinh nghiệm khác bị đưa ra khỏi ban lãnh đạo (ông Minh và ông Đam). Việc thay đổi ban lãnh đạo hiện này sẽ củng cố quyền lực của lực lượng công an ở Việt Nam, vẫn theo David Hutt (4). Nếu lá đơn xin từ chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ là “đòn gió” nhằm an ủi ông Phúc, đồng thời để “làm mầu” với phe “đốt lò” (ông Chính trước là tướng Công an); nếu Tô Đại tướng tiếp tục tiến lên, thì rồi đây, “Tứ trụ” sẽ có đến hai tướng Công an. Chế độ đã độc tài, nay đến “Tứ trụ” cũng toàn trị nốt. Điều này, liệu có đưa ra thông điệp sai lệch cho tiến trình hội nhập sâu rộng?

Bài viết trên Nikkei Asia chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 8% vào năm 2022, có thể là nhanh nhất ở Á Châu. Tuy nhiên “nền chính trị ổn định khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại quốc đang bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh cuộc cải tổ chưa từng có trong Bộ Chính trị và các cơ quan lãnh đạo khác”. Ông Zachary Abuza bình luận tiếp: Hà Nội nên ý thức rằng có nhiều nước sẵn sàng trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư hiện đóng vai trò quan trọng đối với thành tích kinh tế của đất nước”. Bài báo cũng ghi nhận, những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là “những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định” nên cũng có nhiều đối thủ. Một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Tân Gia Ba, ông Hà Hoàng Hợp, được Reuters dẫn lời, cũng cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư quan ngại: “Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn khiến bạn bè và nhà đầu tư ngoại quốc lo lắng” (5).

Nội dung cuối cùng nhưng rất đáng lưu tâm, khi dư luận quốc tế đặt vấn đề: “Mọi người đang hỏi có bao nhiêu phần trăm trong số này (tức số người được cho là chống tham nhũng) muốn theo đuổi chân thành để loại bỏ tham nhũng thật sự, so với động cơ chủ yếu là giành giật quyền lực nội bộ, theo phong cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” (6).
“Tập hóa Việt Nam” (Xi-isation of Vietnam) là một từ mới của Bill Hayton dùng để mô tả sự tương đồng đáng kinh ngạc về cách tiến hành các cuộc đấu đá nội bộ giữa hai quốc gia cùng dưới sự cai trị của mô hình độc tài Cộng sản. Cả hai đều nhắm tới một chế độ toàn trị triệt để, trong đó ĐCS nắm trọn bộ, từ quyền hoạch định chính sách cho đến điều hành luôn mọi hoạt động kinh tế xã hội, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh bảo vệ sự tồn tại của đảng hơn là phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân. Giới quan sát không ngạc nhiên khi thấy ông Trọng hoàn toàn rập khuôn theo Trung Quốc đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả vụ sỉ nhục ông Nguyễn Xuân Phúc, bãi chức ông Phúc chỉ vài ngày trước thời điểm ông đọc thư chúc Tết trên truyền hình quốc gia, làm người ta liên tưởng tới vụ cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bị xốc nách lôi ra khỏi đại hội 20 ĐCSTQ hồi tháng 10/2022. Những người Cộng sản có một lối ứng xử rất giống nhau với đồng chí đồng đội, họ ca tụng nhau nhưng sẵn sàng đâm vào lưng, đạp vào mặt nhau hết sức cạn tàu ráo máng (7).
_________________
Tham khảo:


Cộng Sản Có Khác! Dẫu Là Đầu Năm, Tổng Bí Thư Vẫn Không... Kiêng Nói Dóc!
(Đồng Phụng Việt)


Trước giờ, ở đâu thì thời điểm khởi đầu một năm đều được xem là khoảnh khắc đặc biệt và người ta luôn tránh làm điều sai, điều xấu ở khoảnh khắc đó để tránh xui rủi trong cả năm. Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN có lẽ thuộc nhóm... xưa nay hiếm nên không thèm kiêng cữ. Phát biểu của ông trước thềm năm mới (1) chính là bằng chứng về chuyện dường như ông không ngần ngại trong việc gieo thêm xui rủi cho một năm nữa....
***
Làm sao ông Trọng có thể khoe thế này về năm vừa qua: Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước (?)... khi vụ án “Việt Á”, vụ án “giải cứu” tuy chưa kết thúc nhưng vẫn đủ dữ kiện cho thấy hệ thống chính quyền từ trên xuống dưới chỉ dùng “ý chí, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu” để cùng nhau bóp cổ dân lành lấy tiền bỏ túi.

Giữa lúc quốc gia, dân tộc đang ngả nghiêng trong thảm họa, lẽ nào có thể xem loại “quyết tâm” đã thể hiện qua những “Việt Á”, “giải cứu” là... “thành tựu rất quan trọng”? Không cần tổ chức thăm dò dư luận thì có lẽ ai cũng thấy, các “dấu ấn nổi bật” trong cả năm 2022 chỉ xoay quanh “ăn” và “trảm”! Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ngoài kỳ họp chính thức, Ban Chấp hành Trung ương đảng phải tổ chức họp bất thường ba lần để “giải quyết vấn đề nhân sự” - loại bỏ cả chục thành viên, trong đó có hai người đảm trách vai trò Ủy viên Bộ Chính trị và Quốc hội cũng y hệt như thế.... Cũng chỉ trong vòng một năm, ngoài Chủ tịch Nhà nước từ nhiệm, còn có hai Phó Thủ tướng được... “cho thôi việc”, chưa kể hàng loạt Bộ trưởng, Chủ tịch các địa phương phải... “chuyển công tác”, kể cả vào tù để... “hợp tác điều tra”,... mà dám cho là... “chính trị ổn định” thì đúng là... hết ý!

Làm sao ông Trọng có thể khoe hệ thống chính quyền do ông làm nhạc trưởng đã... “thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” khi các số liệu thống kê xác định, mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nếu tính cả năm 2022 thì con số đó vượt mức 143.000 (2)? Làm sao ông Trọng có thể khoe đã... “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả” khi những doanh nghiệp dẫn đầu về mức thâm dụng lao động chỉ chuyên gia công và vì vậy lúc thiếu đơn đặt hàng thì chỉ còn một cách là cho công nhân nghỉ việc hoặc giảm giờ làm việc? Một quốc gia mà nhìn đâu cũng thấy người thất nghiệp và số lượng thất nghiệp tính hết triệu này sang triệu khác thì tuyên bố... “thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” có khác gì vỗ ngực tự nhận mức độ thiếu tự trọng của mình đã vượt mọi khuôn khổ?

Tuy đã cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc phản ánh nhân tâm, dân ý và sự khốn cùng của thành phần yếu thế nhưng dường như không thể cầm lòng, vài tờ báo chính thức vẫn kể về hàng ngàn công nhân vừa mất việc hoặc bị giảm lương trước Tết nên có ngày phải bới thùng rác kiếm thực phẩm, nếu may mắn có Mạnh Thường Quân trợ giúp vài ký gạo thì mỗi bữa chỉ dám ăn một chén cơm bởi không biết ngày mai thế nào (3).... Có những đại gia đình ba thế hệ bỏ xứ tha phương đã lâu, mỗi lần Tết đến chỉ mơ có nồi thịt kho hột vịt cho đỡ tủi thân vì chẳng lẽ Tết mà không có gì (4)!.. Khi Việt Nam vẫn thừa mứa những cá nhân mà số phận thê thảm đến mức như vậy, nên xếp ông Trọng vào loại gì khi ông khơi khơi bảo rằng đã... “củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”?
***

Chúc Tết vốn là lọai việc mà Chủ tịch Nhà nước đảm nhận. Dù Chủ tịch Nhà nước từ nhiệm nhưng Phó Chủ tịch Nhà nước đã được trám vào chỗ trống theo Hiến pháp. Ông Trọng đã công khai biến Quyền Chủ tịch Nhà nước thành bù nhìn thông qua việc gạt bà sang một bên để chính ông đứng ra chúc Tết! Khi Tổng Bí thư thản nhiên làm như thế trước thềm năm mới, có thể tin vào điều ông hiệu triệu: Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới? Một năm mới đã bắt đầu, một đoạn đường mới đã mở ra nhưng với Tổng Bí thư có các đặc điểm hết biết như vậy vừa hiên ngang xông lên phía trước, hy vọng sẽ không xảy ra cảnh... Thượng lộ bình an, trung lộ... bò càng, hạ lộ... nằm ngang!
_________________
Tham khảo:


Đấu Đá Nhau, Lãnh Đạo Vào Lò, Tiền Cướp Của Dân Có Được Trả Lại Không?

(Nguyễn Tuân)


(Hình: Người Việt về nước từ Vũ Hán tại phi trường Vân Đồn, Quảng Ninh, hôm 10/2/2020.)
Gần 2.000 chuyến bay giải cứu, mỗi chuyến trừ chi phí thu lợi khoảng 2 tỉ đồng. Tính ra khoảng 4.000 tỉ đồng.

4.000 tỉ đồng này là tiền của ai?

của các Việt kiều, Việt… cộng chung số phận bị kẹt ở ngoại quốc khi dịch bùng, gặp khó khăn trong cuộc sống, muốn về nước trốn dịch và phải đóng tiền để được có ghế trên các “chuyến bay giải cứu”.

Vậy, khi đã xác định các chuyến bay giải cứu là một kế hoạch làm tiền độc ác và gian trá với đồng bào gặp nạn thì phần tiền dôi dư phải được trả lại cho họ. Đó là đạo lý, là pháp luật.

Chứ không phải sung vào công quỹ.

Bạn tôi qua Mỹ chơi với chồng chưa cưới. Định đi một hai tháng. Dịch nổ ra, không đủ tiền và không thể mua được vé chuyến bay giải cứu, bạn kẹt lại Mỹ luôn một lèo ba năm. Đến tận tết này mới về được nhà. Nói thì hơi vô duyên, nhưng thật may mắn khi trong ba năm tình cảm của bạn và chồng vẫn khắng khít nên bạn vẫn có mái nhà che đầu và bánh mì mỗi bữa. Nếu không như thế, bạn sẽ hoàn toàn bơ vơ trơ trọi giữa xứ người, tiếng chưa rành, không tiền, không người quen thân, không nghề nghiệp có thể nuôi sống mình.

Con của nhiều người bạn tôi “may mắn” được về trong những chuyến bay giải cứu đầu tiên. Tụi nó đang học Đại học, chương trình chuyển sang online khi dịch bùng. Bạn bè các nước hầu như về hết, cả ký túc xá chỉ còn vài đứa loe hoe tự nhốt trong các phòng, chỉ biết cắm đầu vào máy điện toán cho mọi nhu cầu học hành, giao tiếp và giải trí. Thời điểm đó không ai có thể đoán nổi dịch sẽ diễn tiến ra sao, chỉ thấy hết lệnh phong tỏa này tới lệnh phong tỏa khác nối tiếp nhau. Ba bốn tháng cô độc ở ký túc xá đủ làm cha mẹ và cả tụi nó đều muốn phát bệnh vì lo sợ. Thậm chí là nỗi sợ mất con, nếu nó chẳng may dính dịch trong hoàn cảnh cô đơn ở một đất nước có số người chết dịch lên đến hàng ngàn mỗi ngày.
Vậy là bao nhiêu tiền cũng chi để con được về nhà. Quay lại học tiếp hay không chỉ là thứ yếu. Chỉ cần con thoát được ổ dịch, về nhà an toàn cùng cha mẹ, nếu cả nhà mắc bệnh, thậm chí chẳng may chết vì dịch cũng được ở bên nhau!

Bây giờ, khi COVID đã trở thành quen thuộc như một cơn cảm lạnh với dân Việt Nam, có người lần lượt dính đủ mặt các biến chủng SARS-COV-2 vẫn phà phà đi công tác, đi du lịch như đi chợ… thì ý nghĩ đó nói ra nghe có vẻ ủy mị làm sao. Nhưng đó là tâm lý có thật của rất nhiều gia đình ở thời điểm cách đây ngót nghét 20 tháng.

Bao nhiêu tiền cũng chi!

Trang web của Bộ Ngoại giao, Hãng hàng không quốc gia, Tòa Ðại sứ…. có đủ các thông tin và mẫu điền yêu cầu mua vé chuyến bay giải cứu, nhưng gọi điện thoại đến Lãnh sự hay Tòa Ðại sứ hầu như không bao giờ được cầm máy. Mớ thủ tục thì rắc rối và vô lý đến nỗi không thần thánh nào thể tuân thủ được. Thế là có ngay hàng chữ xinh xinh phía dưới:
“Các gói dịch vụ, hỗ trợ trọn gói các dịch vụ công văn”.

Biết bị móc túi đau đớn đấy nhưng vẫn phải nghiến răng. Bao nhiêu tiền cũng chi để cứu mạng! Được người ta nhận cho còn òa khóc vì quá vui mừng.

Về đến Việt Nam, bị nhốt tiếp vào các khu cách ly hay các khách sạn làm dịch vụ cách ly, giá lưu trú, giá vé xe di chuyển, giá xét nghiệm PCR… đều đắt gấp ba gấp bảy. Thế nhưng cũng chỉ ở vài nơi, vài việc bị móc túi thái quá như cho ăn suất ăn không an toàn, bị ngộ độc, phòng ốc quá dơ bẩn, hay bị cách ly đến trên 30 ngày… mới có người thắc mắc. Còn hầu như tất cả đều cảm thấy biết ơn.

Cũng như khi mới có vắc-xin. Vắc-xin thời điểm đó chính là mạng sống. Đến nỗi người ta không nhịn được mà phải khoe lên trên mạng việc mình được ưu tiên chích trước vì quen anh Bảy, anh Ba.

Cũng như khi dịch bùng phát.

Tôi nhớ những thây người chết ngồi ngay trên ghế salon nhà mình. Chỉ cách đó một mét, người vợ lử lả cạnh bình ôxy ngửa đầu ra sau thở dốc. Những thân người la liệt xếp lớp như cá phơi trong sân bệnh viện giữa cảnh trên trời mưa dội xuống, dưới chân nước trào lên. Những kiếp người ôm chiếc bình ôxy như ôm chân Đức Chúa, cô độc còng queo trong những con hẻm hẹp chỉ đủ một người đi qua, nửa thân vùi trong bóng tối mịt mùng, chỉ trên cao có chút ánh đèn vàng heo hắt. Những hàng người ôm bình tro cốt đi vào khu xóm nghèo, nhà nào cũng có một, hai, thậm chí ba bốn bình tro để nhận. Những lời kêu cứu dằng dặc suốt ngày đêm vì thiếu ăn, không có ôxy thở. Rau quả ở vùng trồng bị bỏ khô cháy, thối rữa vì không thể mang đi bán trong khi nơi tập trung dân cư phải nâng niu từng cọng rau muống. Heo gà, cá tôm chết già trong chuồng dưới ao với cùng lý do. Tài xế xe chở hàng rởn gai ốc vì bị chọc mũi mỗi ngày vài lần: chở vào địa phương: chọc; chở ra địa phương: chọc tiếp. Doanh nghiệp khóc lặng vì cơ nghiệp tan tành. Hàng ngàn đứa trẻ mồ côi.



(Hình AFP: Người dân được chích vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca ở Hà Nội hôm 2/8/2021.)
Đau thương, mạng sống, thiệt hại không kể xiết về tiền của, cơ hội học hành, làm việc, kinh doanh... của người dân, của cả đất nước này... hóa ra lại là cái giá để đổi lấy tiền muôn bạc vạn cho gia đình lãnh đạo.

Thế mà giờ đây họ có thể an yên thôi giữ chức, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Tuy mất vài năm vơ vét nhưng bù lại được rũ sạch mọi việc, đắc chí rung đùi ngồi ăn khối tài sản cực lớn hút từ máu người dân. Tiền của người dân mất vẫn mất, sinh mạng đã ra đi phải ngậm miệng chết oan ư?

Trời ơi đâu ra cái lý khốn nạn ấy?
Không thể chấp nhận hạ cánh an toàn. Không thể chấp nhận một bè lũ tội phạm khốn nạn đến tận cùng lại được chùi sạch tất thảy tội lỗi, chui thoát khỏi mọi trừng phạt và đền bù chỉ bằng vài dòng mờ mịt qua loa kiểu “có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng” hay “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”.

Để công bằng với chính họ và với người dân cả nước, tất cả những hành vi, sai phạm... phải được nêu rõ trước pháp luật, được soi xét công khai bằng pháp luật, quy định đền bù bằng pháp luật, và trừng trị bằng pháp luật.

Vi phạm gì? Khuyết điểm ra sao? Gây hậu quả rất nghiêm trọng đến mức nào? Trách nhiệm trước Đảng là trách nhiệm gì? Trách nhiệm trước nhân dân là trách nhiệm gì? Trách nhiệm đó phải được khắc phục bằng cách nào? Có hay không việc che chắn, thông đồng, ăn hối lộ, tổ chức ăn chia, làm trùm cuối... như vô số lời đồn đoán? Nếu có thì là bao nhiêu? Việc thôi giữ chức, nghỉ hưu, nghỉ công tác... chỉ là những biện pháp hành chính, chỉ có thể tính là biện pháp bổ sung, không thể tính là trừng phạt. Nếu vi phạm pháp luật, bất cứ ai cũng phải bị giải quyết theo pháp luật. Cụ Tổng Trọng đã nói như thế, hình như rất nhiều lần.

Đảng không thể đứng ngoài pháp luật. Đảng viên, lãnh đạo vi phạm pháp luật, ngoài bị giải quyết về mặt Đảng và chính quyền thì phải bị giải quyết theo pháp luật và công khai quá trình, kết quả giải quyết như với mọi công dân khác. Sự nghiêm minh của luật pháp là ở đó chứ không phải là kết quả được thông báo từ một vài cuộc họp bất thường và bí mật, mà ở đó người ta nói ất giáp gì cũng chẳng một nạn nhân nào được biết để mà đòi công lý.
________________

Tham khảo:



Xây Lò Hơn Đốt Lò! Thành Công Hay Thất Bại?

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)


(Hình: Tứ trụ của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/7/2021: (Từ trái qua) Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính.)

-Cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” lại tràn ngập khắp phố phường, làng quê, trong chương trình văn nghệ, trên báo chí. Riêng Tết năm nay, hình như người ta có ái ngại hơn hẳn xưa khi nhắc tới nó, giữa lúc lớp lớp cán bộ đảng viên từ cấp thấp đến cấp cao tột đỉnh bị kỷ luật, xộ khám.

Thành hay Bại

Công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những diễn biến ghê gớm chưa từng thấy, nhưng lại có một câu hỏi rất quan trọng là nó đang thành công hay thất bại.
Bởi vì, với tham nhũng trước hết là phải “phòng”, chỉ khi không được thì mới phải “chống”, đúng như cái tên của bộ luật được ban hành (1), của những câu nói cửa miệng từ các cấp lãnh đạo. Kể cả gọi nó với mỹ từ là “giặc nội xâm”, thì cũng phải ngăn chặn để không cho nảy nòi ra thứ giặc dã này ngay trong lòng chế độ; khi không ngăn được mới tìm diệt nó. Chẳng khác gì bệnh tật, nếu phòng ngừa tốt thì đâu có đến nỗi đổ bệnh trọng rồi phải lo cứu chữa.

Có nghĩa, toàn bộ hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị, cho tới công tác cán bộ của Đảng này phải bảo đảm làm sao hạn chế tối đa tham nhũng, không thể để cho nó tràn lan không kiểm soát nổi như mấy năm nay. Rồi như thể không tìm đâu ra cách trấn an dư luận, mới hai năm trước Đảng lại phải đưa ra thêm một mục tiêu nghe hay hớm đến … hoang đường, là phải “hoàn thiện thể chế để bảo đảm ‘không thể’, ‘không dám’, ‘không muốn’, ‘không cần’ tham nhũng“ (2).

Lòng tham của con người là khó tránh khỏi, chỉ khi nó bị kiểm soát chặt chẽ thì mới khó có thể lấn át sự tỉnh táo, lòng tự trọng. Nhưng trong những năm qua, rõ ràng là đã thiếu nghiêm trọng thứ cơ chế hình thành nên một “thể chế để bảo đảm” có sự kiểm soát như vậy, nó không được “hoàn thiện” như những lời tuyên bố rầm rộ, nên đã dẫn tới không những lòng tham của lớp lớp cán bộ kia được thả rông như thú hoang, mà nó còn ngấu nghiến không biết bao nhiêu tài sản của dân, của đất nước.

Dân thường biết từ sớm mức độ tàn phá đó, nhưng phải im lặng, tới độ Đảng phải loay hoay tìm cách trừng trị thì nó đã gây bao tai họa khủng khiếp rồi. Điển hình là mấy vụ án lớn chưa từng thấy – Việt Á, “Chuyến bay giải cứu” và vụ AIC – đều quá lộ liễu, quá sâu rộng trên mọi bình diện trong cả nước, trong suốt hàng năm trời mà thật lạ lại không bị phát giác và ngăn chặn sớm (gọi là “bóp chết từ trong trứng”), để đến khi chúng gây ra bao nhiêu tổn thất kinh hoàng thì mới “phá án”, mới được nửa chừng mà đã tai tiếng ra khắp thế giới.

Nhìn vào đó là đủ trả lời cho câu hỏi: thành công hay thất bại.

(Hình AFP: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng CSVN ở Hà Nội hôm 1/2/2021. Ông Trọng là người khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp còn được gọi là “đốt lò”.)
Xây Tốt Thì Đâu Phải Đốt

Lại thêm một ý niệm nghe hay ho, “Nhốt quyền lực trong lồng thể chế“ (3), nhưng suốt năm bảy năm nay từ khi được báo chí tung hô, không rõ nó được hiện thực hóa tới đâu mà để đến nông nỗi dường như ngược lại, chính thể chế lại đang bị nhốt vào trong cái lồng quyền lực. Cụ thể hơn, quyền lực của những người lãnh đạo Đảng, chính quyền đã không được kiểm soát, nên nó đã phá vỡ hệ thống pháp luật, nguyên tắc Đảng, dẫn đến tham nhũng tràn lan, phải làm công cuộc gọi là “đốt lò”. Rồi chính cuộc “đốt lò” đó lại như tạo cơ hội cho một thứ quyền lực vô đối đang lên ngôi ngự trị trên đầu thể chế.

Từ đó người ta có thể đặt ra một câu hỏi đơn giản, rằng thứ gọi là “thể chế” nghe mơ hồ đó nó ra làm sao, có cách gì để thành chiếc lồng nhốt được quyền lực? Cũng có thể nói theo cách khác, là xây cái lò thể chế làm sao để bớt phải nhóm lên cái lò như hiện nay, hòng thiêu đốt quan tham.

Mãi tới khi bao vụ án động trời bung bét ra cả, thì cách đây mấy tháng, hình như điều vô cùng sơ đẳng nhưng tối quan trọng mới lại được le lói trở lại, là phải có vai trò giám sát của nhân dân thì mới kiểm soát được quyền lực (4). Có nghĩa phải dựa vào dân để xây lò thể chế. Nhưng làm sao nâng cao vai trò của dân đây, khi mà cả một hệ thống khổng lồ - các “tổ chức quần chúng”, nào là Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, v.v.. rồi thì báo chí của Đảng ngót 800 cơ quan - mà chẳng thấy lên tiếng phát giác cho Đảng những dấu hiệu phạm pháp từ các vụ án “khủng” nói trên. Còn từng người dân, nếu không dựa vào được các cơ quan tổ chức đó, mà chỉ lẻ loi lên tiếng thôi, thì rất sợ… không đi tù cũng bị thế lực ngầm “xử lý”.
Quan trọng không kém, nhưng hình như không được nhắc đến mấy, là vai trò của hơn năm triệu đảng viên, họ ở đâu mà không thấy phát giác cho lãnh đạo Đảng những mầm mống tội phạm trong các vụ án lớn đó, trong suốt mấy năm qua? Cứ tháng tháng là các chi bộ cơ sở lại chụm đầu vào họp cơ mà; không lẽ phải quá xấu hổ với các bậc tiền bối vỏn vẹn có năm ngàn đảng viên mà lãnh đạo cướp được chính quyền từ tay thực dân Pháp hay sao? Phải chăng các đảng viên nay cũng không hơn gì dân đen, rất sợ phải lên tiếng (với chính các đồng chí của mình)?

Dân chủ trong Đảng mà còn như vậy thì mong gì dân chủ cho dân, mong gì dựa vào dân để xây lò thể chế.

Từ đó, dễ trả lời cho câu hỏi đơn giản trên về “thể chế”. Đó là, nếu muốn nó trở thành cái lồng nhốt được quyền lực, thì phải có được cơ chế phản biện cho tất cả người dân, cán bộ, đảng viên được mở miệng trước những vi phạm pháp luật, quy định của Đảng. Họ phải được lên tiếng dưới mọi hình thức mà không sợ bị phạt vạ, đi tù; được dùng những lá phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người lãnh đạo từ cấp cơ sở cho tới cấp cao nhất của Đảng mà không bị trù dập, trả thù. Và chu trình đó phải được công khai cho toàn xã hội biết. Đâu có thể kín như bưng như vụ Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm/ cho thôi làm nhiệm vụ với ông Chủ tịch nước vừa qua, dân nào có biết có bao nhiêu vị đại biểu của họ tán thành hay phản đối quyết định đó, mà chỉ thấy toen hoẻn có hai chữ “thống nhất” (5). Đâu có thể như cuộc họp trung ương trước đó một ngày, bí mật chẳng kém gì… Hội nghị thành lập Đảng năm 1930.

Làm được điều thực sự dân chủ, công khai đó, thì sẽ chẳng còn ai phải thắc mắc, rằng tại sao vẫn chưa thấy người đứng đầu Đảng dũng cảm, tự trọng bước ra trước quốc dân đồng bào cúi đầu nhận “trách nhiệm chính trị“ của mình, xin chịu kỷ luật, từ chức (6), để cho đúng nghĩa quyền lực đã được nhốt vào trong lồng thể chu
________________

Tham khảo:

(1) Luật Phòng, chống tham nhũng
(2) Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng
(3) Tổng Bí thư: “Nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật
(4) Kiểm soát quyền lực bằng thể chế và giám sát của nhân dân
(5) Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
(6) Trách nhiệm chính trị của người đứng đầu


Ép Bắt Thôi Làm... ‘Chủ Dân!’ Ông Phúc Đã Thấm Thía... Tình Nghĩa Đồng Chí Của ‘Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa’?

(Trân Văn)


(Hình: Nếu các đồng chí từng cùng ông bồi đắp và xiển dương “dân chủ XHCN” không bơm thông tin và không bật đèn xanh, búa rìu dư luận đâu có giáng xuống ông và gia đình ông dữ dội như vậy.)

-Không may cho cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn vợ, con trai, con gái, con rể là ông đột nhiên thất thế. Chỉ trong vòng vài tháng, sau khi gió đổi chiều, thể chế từng nâng ông lên giờ đạp ông xuống không thương tiếc.

Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Hàn (KBS) vừa công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận do KBS ủy thác cho Hankook Research thực hiện để tìm hiểu nhận định của công chúng về hiệu quả làm việc của ông Yoon Suk-yeol (Tổng thống Nam Hàn). Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận vừa kể thì có tới 54,7% cho rằng, ông Yoon chưa làm tròn vai trò Tổng thống. Tuy nhiên tỉ lệ này vẫn khả quan hơn hai tháng trước. Hồi tháng 11/2022, có tới 64,9% cho biết họ không hài lòng về Tổng thống thống Nam Hàn.
Ông Yoon đảm nhiệm vai trò Tổng thống Nam Hàn từ tháng 5/2022 và chỉ trong vòng tám tháng, KBS đã ủy nhiệm cho cơ quan chuyên trách thăm dò dư luận đánh giá về mức độ tín nhiệm của công chúng chúng đối với ông Yoon hai lần (1)....

Cũng vào thời điểm này, thông tấn xã Reuters đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận Mỹ do Reuters và Ipsop (một tập đoàn chuyên nghiên cứu về thị trường và quan điểm công chúng) phối hợp thực hiện. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất đó thì chỉ có 40% tán thành và ủng hộ cách thức ông Joe Biden (Tổng thống Mỹ) quản trị - điều hành quốc gia. Tháng trước, kết quả một cuộc thăm dò khác cho thấy, tỉ lệ công chúng tán thành và ủng hộ ông Biden chỉ có… 39% (2).

Những cuộc thăm dò dư luận để xác định mức độ hài lòng của dân chúng thuộc nhiều giới khác nhau, ở những khu vực khác nhau đối với cá nhân đang lãnh đạo quốc gia như vừa đề cập là chuyện bình thường ở bên ngoài Việt Nam. Tại Việt Nam, “dân chủ XHCN” nhân danh toàn dân để áp đặt ý chí chủ quan của một số cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nên không chấp nhận cho các cá nhân được quyền bày tỏ ý kiến, được quyền nêu ý kiến của riêng họ nên không cho... “chơi trò này”!

***
Cách nay năm năm, vào dịp Tết Mậu Tuất (2018), khi toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục thực hiện truyền thống… “Tết trồng cây”, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư đảng CSVN - từng phát biểu đại loại thế này:

… Chúng tôi nêu ý định năm nay là một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì phá rừng nhiều quá nhưng phải làm sao cho thiết thực! Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao. Cầm ra mút cán... người ta trông là biết ông này không trồng cây. Gảy gảy tí đất, chân thì đi giầy, xong lại đưa cái khăn với chậu nước... phản cảm quá! Rồi cây thì to đùng xây sẵn mấy vòng xung quanh rồi! Điều đó đã nói rồi nhưng dưới địa phương ‘nó’ không chịu chuyển. ‘Nó’ cứ chuẩn bị sẵn! Thậm chí cái cán xẻng - tôi nói nhiều lần lắm rồi - mà ‘nó’ cứ quấn xanh xanh, đỏ đỏ... rồi trồng cây phải đi găng tay này, xong rồi có người đưa cho cái khăn lau tay.... Tôi bảo ‘không’, tớ nông dân quen rồi phủi cái là sạch rồi (3)....

Ba năm sau - đến Tết Tân Sửu (2021) - đích thân ông Trọng thản nhiên làm đúng những gì ông đã lớn tiếng phê phán: Cũng… đi giày, cũng… cầm xẻng gảy gảy tí đất để trồng một… cái cây to đùng (4)... không phải một nơi mà... vài nơi (5).... Tuy nhiên không có bất kỳ ai trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam dám gọi đó là… “phản cảm” và… “không thiết thực”. Tất cả cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng... “trồng cây” là… “sự kiện chính trị quan trọng”!
Xét theo logic về nhận thức, nếu không tự xem mình là bề trên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, ông Trọng sẽ không phô bày sự trịch thượng, gọi những hệ thống này ở các địa phương là… “nó”. Càng không dễ dãi chỉ trích “nó” đã làm đúng những gì chính ông cũng làm! “Dân chủ XHCN” cho ông Trọng sự tự tin của một ông “vua” để “muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm” và vì các hệ thống, kể cả hệ thống truyền thông chính thức mặc định ông Trọng là… “vua” nên không ai dám nhắc, dám nói gì.

Đó cũng là lý do Tết này, cho dù ông Trọng gạt Quyền Chủ tịch Nhà nước sang một bên, giành việc thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền công bố diễn văn chúc mừng năm mới nhưng các hệ thống chỉ nhất mực... tung hô!

***
Tuy “dân chủ XHCN” tạo ra vô số “vua” lớn, “vua” bé và trong phạm vi cai trị của mình, các vị... “vua” “muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm” nhưng “dân chủ XHCN” cũng có mặt trái... và sau dân, cũng sẽ có lúc các vị... “vua” “ngậm đắng, nuốt cay”....

Cách nay khoảng năm tháng (8/2022), đại diện tập thể nhân viên y tế của Bệnh viện Nhân dân Gia Định ở Sài Gòn xin trang bị... khiên, mặt nạ, áo giáp để nhân viên y tế có thể... tự bảo vệ họ. Tình trạng nhân viên y tế bị hành hung ngay tại tại các cơ sở y tế đã trở thành vấn nạn trên phạm vi toàn quốc và dù càng ngày càng nghiêm trọng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không thèm bận tâm thành ra mới có chuyện xin cấp... khiên, mặt nạ, áo giáp (6)!....

Cũng vào thời điểm đó, khi đối thoại với người hâm mộ trên Facebook Gaming, một streamer nửa đùa, nửa thật về chuyện... “bị hói là do xem nhiều phim khiêu dâm” và lấy “bác Chủ tịch nước” làm ví dụ!.. Thế là cả hệ thống rùng rùng chuyển động vì có kẻ dám... “xúc phạm lãnh đạo cấp cao”. Chẳng hạn Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm của Bộ Công an Việt Nam tuyên bố “đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer tên N.T.T.L để điều tra” (7). Còn Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội ra lệnh cho Thanh tra Thông tin-Truyền thông “lập tức xem xét, giải quyết nữ streamer có phát ngôn thiếu chuẩn mực”....
“Dân chủ XHCN” là như thế, xem nhân dân như rác kể cả khi đó là thành phần đặc biệt như nhân viên y tế và chỉ chú trọng một chuyện là bảo vệ “lãnh đạo cấp cao”, sẵn sàng nghiêm trị nếu ai đó dám “xúc phạm” dưới bất kỳ hình thức nào....

Không may cho cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn vợ, con trai, con gái, con rể là ông đột nhiên thất thế. Chỉ trong vòng vài tháng, sau khi gió đổi chiều, thể chế từng nâng ông lên giờ đạp ông xuống không thương tiếc. Nếu các đồng chí từng cùng ông bồi đắp và xiển dương “dân chủ XHCN” không bơm thông tin và không bật đèn xanh, búa rìu dư luận đâu có giáng xuống ông và gia đình ông dữ dội như vậy. “Dân chủ XHCN” buộc ông phải nhận sai, phải từ chức mà không dám hó hé dù rõ ràng những kẻ ép ông cũng là đối tượng phải chịu trách nhiệm liên đới như... ông. “Gậy ông đập lưng ông”! Chừng đó không rõ đã đủ để ông Phúc thấm thía về “dân chủ XHCN”?

Chú thích:

Không có nhận xét nào: