Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Kính Chuyển Tin Và Bài Vở Tổng Kết Liên Quan Đến Tết Âm Lịch 2023 - Lê Văn Hải


Người Việt Nam Trong Nước Đón Tết Quý Mão Trong Không Khí Trầm Lắng, Kinh Tế Sa Sút, Lo Ngại Dịch Tái Phát! Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại Việt Nam, Tết con Mèo năm nay là dịp Tết đầu tiên không còn đại dịch Covid, tuy nhiên, không khí lo ngại dịch bệnh tái phát vẫn ám ảnh nhiều người, trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh tại quốc gia láng giềng Trung Quốc. Theo một số nhân chứng tại chỗ, lo ngại nguy cơ dịch bệnh và đời sống khó khăn hơn đối với đông đảo dân nghèo là hai nét nổi bật của không khí Tết Quý Mão này. Một dấu hiệu được truyền thông trong nước và nhiều người dân ghi nhận là tình trạng chợ hoa Tết tại các thành phố lớn rất ế ẩm. Đây là điều khác thường so với những năm trước.
<!>
Ngày mùng Một Tết, 22/1/2023, ông Trần Hữu Ngư, quận Bình Thạnh (Sài Gòn), cho biết cảm nhận của ông về dịp Tết Quý Mão năm na
“Nói chung quy lại dân Việt Nam năm nào đến Tết họ cũng háo hức lắm. Năm nay tình hình ở Sài Gòn, các chợ hoa và ngày mùng Một và ngày 30 không đông đúc như mọi khi. Dịch Covid đã qua, nhưng có lẽ tình hình đời sống, kinh tế, tiền bạc họ không có dư dả, nên năm nay không ăn Tết nhiều như những năm trước.

Thứ hai là các chợ búa không bán sầm uất như cách đây ba, bốn năm. Người ta cứ nói là hàng không thiếu. Đúng! Nhưng mà phải biết là tiền đâu mà người ta mua. Điều quan trọng là ở chỗ đó. Người ta nhìn vô chợ hoa, năm nào mà người ta đi sắm hoa nhiều, thì biết là đời sống người ta sung túc. Chợ hoa ế vô cùng tận luôn. Người ta lo cái ăn thôi, không có lo chuyện hoa với các chuyện bề nổi nữa. Người ta lo cái bao tử trước cái đã! Tết năm nay so với mọi năm thì thua xa.

Bây giờ bước ra ngoài chợ, hồi trước mua một món hàng, ví dụ một ngàn đồng, bây giờ phải hai ngàn đồng. Hồi trước một ổ bánh mì không, nhỏ xíu nghen, ba ngàn đồng. Một ổ bánh mì bây giờ là bốn ngàn. Chỉ nói một ổ bánh mì là biết giá cả gia tăng thế nào. Tôi đi chợ, tôi hỏi cái này bao nhiêu tiền? Bà nói, tôi giựt mình. Trời, sao nó đắt dữ vậy! Bà nói hình như ông đi chợ lần đầu. Tôi nói đúng: “Bữa nay bà xã tôi có việc, tôi phải đi chợ”. Bà nói một câu, mình thấy thấm thía. Tôi hỏi: “Bà thử chỉ cho tôi thứ gì ở đây rẻ nhứt”. Bà ấy nói: “chỉ có tôi là rẻ!” Chỉ có con người là rẻ.

Mong mỏi của người dân nói chung, và Sài Gòn nói riêng, là đừng có dịch mới nữa. Sợ lắm! Trung Quốc bây giờ chết nhiều lắm, nhưng chính quyền Trung Quốc lại mở cửa ra cho dân đi khắp các nơi. Nước nào mà không kiểm soát nổi thì chết ráng chịu. Mong sao dịch không xảy ra”.

Nhiều địa phương tại Việt Nam vẫn bắn pháo hoa mừng Tết năm nay, riêng tỉnh Quảng Nam quyết định không tổ chức bắn pháo hoa Giao thừa tại thành phố Hội An và Tam Kỳ. Một số người liên tưởng giữa việc chính quyền tỉnh không cho bắn pháo hoa với việc ông Nguyễn Xuân Phúc, chính trị gia người gốc Quảng Nam, vừa bị buộc thôi chức Chủ tịch Nước, sau hơn một năm nắm quyền, ít ngày trước dịp Tết cổ truyền. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện một Chủ tịch Nước bị buộc thôi chức trong chế độ do đảng CSVN lãnh đạo.

Trả lời RFI tiếng Việt, một số doanh nhân xin ẩn danh cũng bày tỏ lo ngại về những đảo lộn có thể về chính sách kinh tế vĩ mô, sau vụ nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bị buộc phải thôi chức Chủ tịch Nước, đe dọa khu vực kinh tế tư nhân. Trên Nikkei Asia, nhà phân tích Zachary Abuza nhận định là chiến dịch chống tham nhũng đang gây bối rối cho các nhà đầu tư ngoại quốc, vì nhiều nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này lại là các nhà quản trị có năng lực.


Tuyến Cáp Quang APG, Gặp Thêm Trục Trặc Đúng Vào Ngày 30 Tết!


(Ảnh: Các tuyến cáp quang biển gặp trục trặc đang sửa chữa.)
- Vào ngày 21/1/2023, tức 30 Tết Quý Mão, tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) bị đứt trên nhánh S9 hướng kết nối đi Tân Gia Ba.

Mạng báo Công lý của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam loan tin trong cùng ngày. Đây là trục trặc mới trên tuyến APG và là trục trặc đầu năm 2023. Lần đứt cáp mới này được cho biết gây mất toàn bộ dung lượng cáp APG hướng kết nối đi Tân Gia Ba và Nhật Bản.

Mới vào ngày 26/12/2022 trục trặc trên phân đoạn S6 gần Hồng Kông của tuyến này xảy ra và đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đây là lần thứ tư trong năm 2022, tuyến cáp APG gặp ‘trục trặc”. Tuyến này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.
Cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 cây số, tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam.

Hai tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) và Asia-Africa-Euro 1 (AAE-1) đến thời điểm 26/12/2022 bị “trục trặc” mà vẫn phải sửa chữa chưa xong.

Ba tuyến cáp quang biển này thuộc năm tuyến chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Hai tuyến kia là SEA-ME-WE3 (SMW3) và Liên Á (IA-Intra Asia).


Cả Thế Giới Hy Vọng Gì Trong Năm Mới Con Mèo?

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Năm Con Mèo hy vọng thế giới sẽ đứng lên được, sau khi bị rớt xuống quá sâu trong mấy năm trước.)
Cùng lúc đó, chương trình Nhất Đới Nhất Lộ, một vòng đai, một con đường, được Tập Cận Bình cổ vũ cả chục năm qua đang bắt đầu nứt vỡ, đứt đoạn.

Thử ném một cô mèo từ trên lầu xuống đất, cô lập tức đứng dậy ngay, vững vàng trên cả bốn chân – nói rõ ‘bốn chân’ để tránh hiểu lầm. Năm Con Mèo hy vọng thế giới sẽ đứng lên được, sau khi bị rớt xuống quá sâu trong mấy năm trước.

Bệnh dịch Covid-19 bắt đầu từ năm Con Gà, có thể đổ lỗi cho ông trời, qua bàn tay mấy ông “con trời” ở Vũ Hán. Cơn bệnh đẩy kinh tế khắp thế giới đi xuống từ năm Con Chó vì nhiều người không thể làm việc; qua năm Con Heo, Con Cọp, xuống thấp nhất. Cuối năm 2022 những công ty kỹ thuật cao cắt 10% số nhân viên. Microsoft cho 10.000 nghỉ; Amazon 18.000; Alphabet 12.000, cao nhất từ 25 năm nay; Sales Forces cắt 8.000. Tổng cộng 200.000 công nhân kỹ thuật cao mất việc trong năm qua.

Nhưng trong cả nền kinh tế các xí nghiệp vẫn thiếu người làm; trong một tháng tuyển thêm 200.000 người mới. Tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%, thấp nhất trong nửa thế kỷ. Có 2,6 triệu công việc làm đang tuyển người còn bỏ trống, các nhà kinh tế không thể hiểu tại sao, theo bản tin Bloomberg. Một lý do là nhiều người chưa muốn đi làm vì vẫn sợ nhiễm bệnh. Trong năm Con Mèo họ sẽ bớt lo ngại thì kinh tế sẽ hưng khởi.

Ngoài bệnh dịch, tai họa lớn nhất của thế giới là Vladimir Putin xâm lăng Ukraine một năm trước đây. Quân, dân Ukraine chết và bị thương vì bảo vệ quê hương, nhưng quân lính Nga chết hoàn toàn vô nghĩa. Vì cuộc chiến, giá dầu, khí, lúa mì, phân bón tăng lên cả thế giới phải chịu đựng. Chiến tranh và bệnh dịch cùng thúc đẩy giá sinh hoạt lên cao. Các nguồn cung cấp hàng hóa giảm hoạt động, các bến tàu, các xe vận tải không di chuyển được hàng ứ đọng, chi phí chuyên chở tăng vọt, hàng phải bán đắt hơn. Lạm phát bùng lên khắp thế giới, bắt đầu từ nước Mỹ.
Năm Con Mèo hy vọng sẽ khá hơn. Năm 2022 Ngân hàng Trung ương Mỹ phát súng lệnh, tăng lãi suất cho người dân ta bớt xài tiền. Ngân hàng các nước khác đồng nhịp làm theo, cùng ngăn lạm phát. Cuối năm Con Cọp có tin mừng, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ không lên bạo nữa, có dấu hiệu sẽ nguội dần. Trong năm Con Mèo, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có thể xuống 3%, còn hơi cao nhưng so sánh với hơn 8% đầu năm 2022 thì vẫn đáng mừng.

Mỹ kim lên giá 10% trong năm 2022 vì lãi suất tăng, nước Mỹ đã “xuất cảng” lạm phát ra ngoài. Các nước đều dùng Mỹ kim trả tiền khi mua bán với nhau, bỗng thấy giá hàng nhập cảng cao hơn. Đến cuối năm, khi lạm phát ở Mỹ xuống thấp, các nước từ Á Châu qua Âu Châu yên tâm, ngưng không tăng lãi suất ở nước họ nữa. Hy vọng kinh tế sẽ hồi phục dần dần trong năm tới.

Trong năm mới, dân Mỹ sẽ lo chưa biết kinh tế sẽ lên được bao nhiêu, trong khi cả thế giới hy vọng vì kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục sau khi Bắc Kinh bãi bỏ chính sách ngăn sông cấm chợ vì Covid. Hơn 1 tỉ người Trung Hoa làm ăn khá hơn thì họ mới có tiền mua hàng hóa từ các nước khác.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) nói với đài BBC rằng bà tin kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái. Dân tiêu thụ ở Mỹ, đóng góp hơn hai phần ba vào Tổng Sản Lượng Nội Địa, đang có rất nhiều tiền vì dành dụm không xài trong hai năm bệnh dịch; họ lại đang tỏ ra phấn khởi nhờ bệnh dịch yếu hơn; họ sẽ thúc kinh tế đi lên. Bà Georgieva nghĩ rằng kinh tế cả thế giới sẽ cùng hồi phục, kéo nhau đi lên, bắt đầu từ Mỹ.

Hy vọng của nước Mỹ còn tiếp tục trong nhiều năm tới, vì trong thời gian lo chống bệnh dịch chính phủ Mỹ vẫn khởi sự đầu tư cho tương lai. Đạo luật xây dựng hạ tầng cơ sở hơn một ngàn tỉ Mỹ kim đã được thông qua hai năm trước, sang năm Con Mèo tiền sẽ bắt đầu được chi ra. Hàng chục triệu công nhân sẽ có việc làm, với đồng lương cao. Năm 2022, một đạo luật cung cấp hơn 200 tỉ Mỹ kim cho các ngành kỹ thuật cao, để ngăn ngừa không cho Trung Cộng qua mặt, các công ty kỹ thuật sẽ kéo theo các công nghiệp khác nhờ phát minh, sáng kiến, nhất là trong ngành trí khôn nhân tạo, AI. Nước Mỹ đã chứng tỏ khả năng bứt phá trong cuộc chạy đua phát minh, sáng tạo, như khi tung ra thuốc chích ngừa Covid dùng mRNA, thứ vaccine hiệu quả cao nhất thế giới.

Kinh tế không phải là tin mừng duy nhất cho loài người trong năm mới. Trên trường chính trị quốc tế, các nước theo chế độ tự do dân chủ đang đoàn kết và cùng ý thức cần phải ngăn chặn làn sóng độc tài chuyên chế của Vladimir Putin và Tập Cận Bình.

Chưa bao giờ các nước dân chủ tự do cộng tác rộng rãi như hiện nay, từ Kenya ở Phi Châu tới Tân Gia Ba, Á Châu. Các nước Âu Châu bị thử thách trước cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã đoàn kết lại, bảo vệ chế độ dân chủ. Họ chịu áp lực phải mua dầu lửa và khí đốt của nước Nga, nhưng vẫn không bị khuất phục, vượt qua mọi trở ngại, nhanh chóng tìm nguồn cung cấp khác. Nước Anh rút ra khỏi Cộng Đồng Âu Châu nhưng cũng là nước giúp Ukraine nhiều nhất.

Trong lúc đó, Nga đang bị cô lập. Những nước lân cận, trước đây thuộc Liên bang Xô Viết hoặc ở Đông Âu, Trung Á, đều ủng hộ dân Ukraine vì lo lắng cho chính số phận của họ.

Trung Cộng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Các nước đều cảm thấy khi Tập Cận Bình đe dọa Đài Loan tức là đe dọa tất cả vùng Á Đông, từ Nam Hàn, Phi Luật Tân đến Nam Dương. Một cuộc chiến tranh tại eo biển Đài Loan sẽ làm kinh tế cả vùng suy sụp. Nhật Bản đã quyết định tái vũ trang và liên kết với Mỹ chặt chẽ hơn.

Cùng lúc đó, chương trình Nhất Đới Nhất Lộ, một vòng đai, một con đường, được Tập Cận Bình cổ vũ cả chục năm qua đang bắt đầu nứt vỡ, đứt đoạn. Nhà máy thủy điện Coca Codo ở Ecuador, được Tập Cận Bình đến đọc diễn văn khai trương năm 2016, đang lo bị sập. Các Kỹ sư khám phá hàng ngàn vết nứt, sườn núi bên cạnh dòng sông Coca lo sụt lở. Một Kỹ sư nói, không biết bao giờ nhà máy sẽ tan rã, trong sáu tháng hay ngay ngày mai, theo nhật báo The Wall Street Journal ngày 20 tháng 1, 2023. Năm 2022 Pakistan đã phải đóng cửa nhà máy phát điện Neelun Jhelum, sau khi khám phá các chỗ rạn nứt trong ống dẫn nước, sau 4 năm hoạt động. Uganda cũng tìm ra hơn 500 chỗ bị hư trong nhà máy điện Isimba do Trung Cộng xây dựng trong chương trình Nhất Đới Nhất Lộ, với số nợ 480 triệu Mỹ kim.

Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ biến Trung Quốc thành chủ nợ của các nước nghèo, tổng số nợ lớn ngang với số tiền các nước này vay của tất cả các nước giàu khác. Trong năm 2019 các nhà thầu Trung Quốc làm việc ở Phi Châu chiếm 60% tiền công xây cất, các nước chủ nợ khác chỉ lãnh 40%. Các chính phủ lo sẽ bị Trung Cộng dùng nợ để bắt chẹt, xâm phạm chủ quyền nước họ, như Sri Lanka và Zambia đã phải chịu.

Trong năm Con Mèo, các nước sẽ cộng tác với những chế độ dân chủ tự do hơn, độc tài chuyên chế sẽ bị xa lánh, đó là điều đáng mừng cho cả loài người!


Thiết Kế Mèo Bắt Chước, Bị Gỡ Bỏ ở Đà Nẵng: “Văn Hóa Về Sở Hữu Trí Tuệ Còn Quá Thấp!”


(Hình AFP: Một góc thành phố Đà Nẵng.)
Thiếu Hiểu Biết Hay Cẩu Thả?

Ba ngày trước Tết Quý Mão 2023, chính quyền Đà Nẵng đã phải gỡ bỏ linh vật mèo Xuân Quý Mão tại đường hoa Tết do bị tố “đạo nhái” thiết kế của một nhà thiết kế người Nam Hàn Lee Sangsoo. Tác phẩm có bảng ghi “Cat with a ball” với tên tác gải là Lee Sangsoo.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope ở Hoa Kỳ viết trên Facebook cá nhân của ông rằng: “Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà “sản phẩm trí tuệ” trở nên rất quan trọng trong mọi lĩnh vực về văn hóa, khoa học, y tế, kinh tế và quân sự. Do vậy, việc “tôn trọng” sở hữu trí tuệ cần được quan tâm thực hiện thật nghiêm túc để tạo động lực cho người tài cống hiến và cho xã hội phát triển.
Mình hy vọng qua việc này Đà Nẵng nên thực hiện nghiêm túc việc sửa sai và có động thái xin lỗi phù hợp với tác giả của chú mèo xoắn cuộn!”

Theo truyền thông nhà nước, khi nghe ý tưởng của mình bị ăn cắp, tác giả Lee Sangsoo cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm. Ông này cho rằng người khác không được nhái ý tưởng của ông, cũng không được phép sử dụng tên của ông như thế.

Lý giải về việc này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, nói do nhóm tác giả khi nộp tác phẩm dự thi Cat with a ball cho thành phố đã ghi đầy đủ tên tác giả người Nam Hàn, nguồn gốc tác phẩm nên được chọn đưa vào trang trí đường hoa Xuân. Nhóm tác giả sau đó cho biết đã lấy ảnh từ trên mạng, tạo hình theo, trang trí tại tiểu cảnh phụ, gắn tên mà chưa có bản quyền tác giả.

Đây được coi là một trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác là ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, không bị ban tổ chức phát giác, ngăn chặn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ giải thích với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hiện trạng này:
“Việt Nam thì rất đểnh đoảng với chuyện xem xét về bản quyền. Nhất là bản quyền của sở hữu trí tuệ. Bởi vì người ta đạo văn, đạo nhạc và cho đấy là chuyện bình thường. Đấy là hành vi ăn cắp chứ không thể nói khác được.

Còn chuyện mà người ta có thể sử dụng của ai đó, thậm chí chỉ cần thuyết minh là có viết tên tác giả chính là ổn. Như thế, cách hiểu về sở hữu trí tuệ của Việt Nam rất là mù mờ, không đúng với cơ chế khẳng định sở hữu trí tuệ trên thế giới hiện nay. Tôi cho rằng, văn hóa về sở hữa trí tuệ ở Việt Nam còn quá thấp.

Đấy là một thói quen, một quan niệm về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không đúng mức. Không phản ảnh được sự sở hữu và giá trị của sở hữu trí tuệ. Đấy chính là cái cần khắc phục”.

Làm Sao “Trị” Dứt Điểm?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Trong đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận trí tuệ là chuyện không riêng của nước nào, nhưng cách giải quyết của Việt Nam bị cho là nguyên nhân cho tệ nạn này lan rộng. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng phân tích:
“Chuyện trộm cắp, kể cả trộm cắp sở hữu trí tuệ thì trên thế giới nước nào chả có. Nhưng vấn đề là khi xảy ra nhiều quá thì nó liên quan đến cách tổ chức của chúng ta.

Bằng chứng là ông Nguyễn Đức Tồn, trước là viện trưởng Viện ngôn ngữ học, từng đạo văn ba mươi mấy lần với những bằng chứng không thể cãi. Cuối cùng một ban điều tra được thành lập mà kết quả là huề, vì họ đẩy sang chuyện ‘vi phạm tác quyền’. Mà theo luật, 50 năm sau khi tác giả chết thì không còn tác quyền nữa.

Ngoài ra, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo sư - theo luật là Bộ trưởng Bộ giáo dục - lúc đó là ông Phùng Xuân Nhạ, người ra quyết định thành lập Ban thanh tra cựu viện trưởng viện ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn, lại bị ông Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư toán học ở Đại học Toulouse viết bài tố cáo đích danh ông Nhạ đạo văn như thế nào. Chính ông Nhạ đạo văn thì làm sao xử ông đạo văn khác?”

Theo Phó Giáo sư Hoàng Dũng, chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ hay sử dụng bằng cấp giả ở Việt Nam, được coi là gian lận về học thuật, xảy ra khá nhiều mà căn nguyên chính là do bệnh thành tích, háo danh của xã hội.

Tháng 11 năm 2020, một sự kiện liên quan đến giáo dục được báo chí chính thống lẫn cư dân mạng xã hội bàn tán mạnh mẽ, xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những Đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Theo đó, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng Cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án Tiến sĩ. Điều đáng nói là các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo này đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm Thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo Đại học ngành Tư pháp.
Dư luận yêu cầu công khai danh tánh 55 trường hợp sử dụng bằng giả này. Nhà báo Nguyễn Như Phong, cũng là một cựu đại tá công an Việt Nam, đăng trên Facebook cá nhân của ông rằng ông đang có danh sách 55 vị này. Ông gia hạn nếu trong một tháng, các vị này không làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có thì ông sẽ công khai danh tính từng vị. Ông cho biết sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này.

Đến hôm nay, danh sách này vẫn chưa được tiết lộ. Điều này được cho là nạn gian dối về trí tuệ ngày càng lan rộng tại đất nước có nhà cầm quyền CS!


Tại Sao Việt Nam Có Sự Khác Biệt: Tết Con Mèo, Thay Vì Con Thỏ?


(Hình: Linh vật Mèo trong dịp Tết Quý Mão ở Công viên Thống nhất, thủ đô Hà Nội.
Khi Trung Quốc đón năm Thỏ, Tết Nguyên đán có vẻ hơi khác ở Việt Nam, đất nước đón Tết con Mèo.

Trên khắp Việt Nam, đường phố được trang hoàng những linh vật mèo và các cửa hàng được trang trí theo chủ đề mèo và những món quà phổ biến trong dịp Tết ở Việt Nam.

Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc giống nhau đến 10 trong số 12 con giáp - chuột, cọp, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo.
Nhưng người Việt Nam tôn vinh mèo thay cho thỏ, và trâu chứ không phải bò.

Có rất nhiều giả thiết để giải thích tại sao người Việt lại chọn con mèo.
Ông Nguyễn Hiếu Tín, chuyên gia văn hóa truyền thống Việt Nam, cho biết câu trả lời có thể là những đồng ruộng rất được người nông dân trân trọng.
“Lúa gạo là một phần hết sức quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng do chuột là mối đe dọa trên đồng ruộng, loài mèo [bắt chuột] là một loài vật được người dân Việt Nam ưa chuộng”, ông Tín nói với thông tấn xã AFP.

“Một cách giải thích khác là người Việt không muốn có hai năm với cùng một con vật tương tự. Họ thấy chuột và thỏ gần giống như nhau”, ông Tín nói.
Cũng có giả thiết rằng người Việt đã có cách diễn giải riêng từ ‘Mão’ trong tiếng Hán chỉ con giáp thứ tư (Thỏ trong tiếng Hán là ‘thố’ trong khi năm con Thỏ người Hoa gọi là năm ‘Mão’).

Trong tiếng Việt, chữ Mão này nghe giống như ‘meo’, nghĩa là con mèo.
Năm Con Mèo được cho là sẽ mang lại may mắn và hanh thông tại Việt Nam.

Hoàng Thị Hương Giang, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, nơi phố phường vào dịp Tết tràn ngập đào quất, nói cô chưa bao giờ để ý tại sao người Việt tôn vinh một con vật khác với phần còn lại của thế giới trong 12 con giáp.

Nhưng cô tin rằng những người được sinh ra vào năm Con Mèo như cô sẽ dễ dàng làm được mọi việc hơn hầu hết mọi người.
“Có vẻ đúng là những người cầm tinh Con Mèo thường năng động, chăm chỉ và dễ hòa hợp hơn”, cô Giang nói đầy tự hào.


“Đón Xuân Này, Ta Nhớ Xuân Xưa!” 55 Năm Tết Mậu Thân 1968: Vẫn Còn Nhiều Góc Khuất, Cần Thêm Nghiên Cứu Sâu.


(Hình: Lính Việt Nam Cộng Hòa tham chiến tại Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân 1968.)

Tết Quý Mão 2023 là kỷ niệm 55 năm sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn Tiến sĩ George Jay Veith về một vài khía cạnh của sự kiện này. Tiến sĩ George Jay Veith là tác giả của bốn cuốn sách về chiến tranh Việt Nam: “Mật danh Bright Light” (Code Name Bright Light, xuất bản năm 1998), “Không bỏ lại một ai” (Leave no man behind, 2004), “Tháng Tư đen” (Black April, 2012), “Tuốt kiếm viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land, 2021).

RFA: Xin cảm ơn Tiến sĩ George Jay Veith đã dành cho thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn về chiến tranh Việt Nam và Tết Mậu Thân 1968. Ông lớn lên sau chiến tranh nhưng đã viết bốn cuốn sách về nó. Tại sao ông quan tâm đến cuộc chiến đó?

Jay Veith: Vâng, tôi luôn rất quan tâm đến lịch sử quân sự. Từ nhỏ tôi luôn muốn trở thành một nhà nghiên cứu viết sách về quân sử. Rồi rất nhiều năm trước, một người bạn của tôi nhờ tôi giúp thực hiện một số nghiên cứu về POW (tù binh chiến tranh) / MIA (những người lính mất tích trong chiến tranh) của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đã đến Doanh trại quân đội Carlisle khá gần chỗ tôi, nơi có Trường Đại học Lục quân Hoa Kỳ (US Army War College). Lúc đó họ có một phòng tư liệu lưu giữ tài liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự Hoa Kỳ. Đó là những tài liệu đã được giải mật nên chúng tôi được ngồi đọc. Khi bắt đầu xem qua các tập tài liệu, tôi bắt đầu tìm thấy bản báo cáo từ đơn vị chịu trách nhiệm giải cứu cả tù binh Mỹ và Nam Việt Nam. Và sau một thời gian, tôi thầm nghĩ: nào, chưa từng có ai viết về những điều này. Vì vậy, đây là một cơ hội hoàn hảo để tôi viết cuốn sách đầu tiên. Đó là khởi đầu của cuốn sách “Mật danh Bright Light” xuất bản năm 1998. Và sau khi người ta xuất bản cuốn sách đầu tiên của tôi về chiến tranh Việt Nam, nó trở thành một động lực làm tôi rất quan tâm và tiếp tục làm việc.

Bài Học Địa Lý Quân Sự ở Miền Nam Việt Nam

RFA: Trong chiến tranh, Bắc Việt Nam đã có ba cuộc tấn công lớn vào miền Nam: 1968, 1972 và 1975. Xin ông giải thích sự khác nhau giữa cuộc tấn công Mậu thân 1968 và các cuộc tấn công kia. Nhiều học giả, nhà báo, nhân chứng lịch sử đã nói về Tết Mậu Thân 1968. Vì vậy, hôm nay chúng tôi muốn tập trung thêm vào một khía cạnh mới: các yếu tố địa lý trong cuộc tấn công này. Ông đã nói nhiều lần rằng địa lý quân sự là một khó khăn để phòng thủ từ phía Nam Việt Nam. Xin vui lòng giải thích về điều này.

Jay Veith: Vâng, ở đây có hai vấn đề. Trước hết, trong cuộc chiến đó, có bốn lần Bắc Việt Nam tấn công lớn vào Nam chứ không phải ba: Năm 1965 Bắc Việt Nam tấn công lớn và Mỹ đã đánh trả. Rồi đến năm 1968, năm 1972, và cuối cùng năm 1975. Có bốn chiến dịch tấn công lớn như vậy.

Trong đó, cuộc tấn công Tết Mậu thân 1968 là nhằm vào các thành phố, nơi đặt các trụ sở chính phủ. Sau cuộc tấn công Mậu thân thì các lực lượng Cộng sản bị đẩy lui qua biên giới, nên cuộc tấn công năm 1972 của họ nhằm mục đích lấy lại nông thôn, không phải các thành phố. Cuối cùng, cuộc tấn công năm 1975 thì kết hợp tính chất của cả hai cuộc tấn công trước.
Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 thực sự được thiết kế để tạo một đòn sấm sét vào các thành phố, nhằm lật đổ chính quyền miền Nam Việt Nam. Lúc đó người Cộng sản tin rằng người dân đã sẵn sàng vùng lên chống lại một chính quyền độc tài, và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) sẽ sụp đổ.

Điều mà tôi đã cố gắng chỉ ra trong cuốn sách của mình là phía Cộng sản đã hoàn toàn sai. Trong vài năm trước Tết Mậu thân 1968, miền Nam Việt Nam đã có bốn cuộc bầu cử. Và việc bình định nông thôn ngày càng được chú trọng. Việt Nam Cộng Hòa đã ngày càng chú trọng vào việc cố gắng đưa người dân tham gia vào chính phủ để thu hút họ tham gia vào các vấn đề của đất nước. Tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao trong Tết Mậu thân 1968, người dân đã không theo phía Cộng sản mà thay vào đó, họ đã chống trả.

Việc đánh trả để tự vệ là điều tự nhiên, nhưng tôi nghĩ cũng là do trong hai năm trước cuộc tấn công Mậu thân năm 1968, người dân miền Nam đã đầu tư nhiều vào việc kiến quốc và vì vậy họ xác định đất nước không chỉ là nhà của họ.
Bây giờ chúng ta nói về khía cạnh địa lý của cuộc chiến này. Rất đơn giản. Các bạn biết Việt Nam là một đất nước rất dài, hãy hình dung nó trải dài như thế này từ Bắc xuống Nam. Rất hẹp phải không? Trong thuật ngữ quân sự, hai cạnh hai bên được gọi là “sườn”. Ở Nam Việt Nam, sườn bên rất hẹp, và rất dễ cho bên tấn công phòng thủ từ đó.

Sườn bên rất dài, tôi nghĩ khoảng 1.300 dặm (khoảng 2.000 cây số), được bao phủ bởi rừng núi. Sườn bên hầu như không có dân cư, rất dễ cho đối phương ẩn nấp. Nó cũng dễ cho bên tấn công có thể tập hợp lực lượng cỡ lớn, gồm quần chúng và toàn quân của mình để có thể linh hoạt đánh bất cứ đâu.

Điều đó tạo ra tình thế rất khó tự vệ. Phía Nam Việt Nam không thể đặt quân dọc theo cái sườn phía Tây để phòng thủ. Như các bạn thấy đấy, họ không thể cứ mỗi mét lại đặt một anh lính phòng thủ. Vì vậy Nam Việt Nam rất khó phòng thủ. Về mặt địa lý quân sự, họ hoàn toàn bị hở cả hai sườn cho bất kỳ bên tấn công nào. Tôi hy vọng điều này có ý nghĩa để giải thích một cái gì đó.

RFA: Trên một chiến trường có đặc điểm địa lý như vậy, ở Miền Nam Việt Nam, người ta cần những gì để tự vệ thành công? Yếu tố địa lý và phương tiện kỹ thuật quân sự mà miền Nam Việt Nam có được lúc đó có ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc phòng thủ của họ năm 1968 và kết cục cuộc chiến năm 1975?

Jay Veith: Vào năm 1968, Nam Việt Nam có người Mỹ ở đó cùng tất cả hỏa lực của họ. Người Mỹ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh Nam Hàn và những đồng minh khác. Họ có nhiều quân đội Đồng minh hơn, lại có thêm rất nhiều hỏa lực để phòng thủ, và vì vậy họ đẩy lùi được cuộc tấn công của phía Cộng sản miền Bắc.

So sánh với năm 1975 thì khác. Để trả lời câu hỏi về phương tiện chiến tranh tương thích để phòng thủ trong một vùng địa lý quân sự như vậy, tôi nghĩ Nam Việt Nam trước hết cần một vài phương tiện quân sự để chống lại một kẻ thù có thể tấn công họ từ bất kỳ hướng nào.

Họ cần thông tin tình báo về những gì đối phương đang làm, nơi đối phương đang tập trung. Sau đó họ cần tổ chức phòng thủ mặt đất sao cho họ có thể sống sót được trong khi chấp nhận mất lợi thế vì đối phương tiến tới với hỏa lực áp đảo.

Cái họ cần là họ phải tổ chức sao cho dù bị mất đất nhưng có đủ hỏa lực để tiêu diệt các binh đoàn địch. Có phải không nào? Họ cần thông tin tình báo. Họ cần không lực, hỏa lực mặt đất, và sau đó họ cần khả năng cơ động để điều động quân đội của mình chống lại đối thủ.
Nhưng năm 1975 Miền Nam thiếu tất cả những điều đó. Họ không còn thông tin tình báo tinh nhạy như trước vì người Mỹ đã biến mất. Họ không còn hỏa lực nữa do bị cắt viện trợ và chắc chắn là nó không có khả năng cơ động vì nhiên liệu, đạn dược và mọi thứ khác bị cắt nguồn cung. Và cuối cùng, họ đã mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng về quân sự. Các nhà lãnh đạo quân sự Nam Việt Nam đã phán đoán sai lầm về địa điểm Miền Bắc sẽ tấn công.

Ngoài ra, Bắc Việt Nam đã học được bài học năm 1972. Họ đã hiệp đồng giữa các binh chủng và mặt trận tốt hơn trong các cuộc tấn công của mình và mọi thứ khác. Vì vậy, sự kết hợp của tất cả những khó khăn và sai lầm của Nam Việt Nam cũng như sự tiến bộ quân sự của miền Bắc nêu trên cùng một lúc đã dẫn đến thất bại của Nam Việt Nam năm 1975.

RFA: Ông có nhắc đến Không quân. Không quân Việt Nam Cộng Hòa rất mạnh. Nhưng ông biết đấy, trong Mậu thân 1968 thì Không quân Việt Nam Cộng Hòa giúp miền Nam áp đảo đối phương và phòng thủ thành công, còn vào năm 1975, Không quân dường như không đóng vai trò gì lớn trong việc phòng thủ của họ. Tại sao?

Jay Veith: Năm 1968 thì Nam Việt Nam còn đủ nhiên liệu, đạn dược. Hỏa lực đủ mạnh để đảo ngược tình thế. Điều khác biệt của Không quân Nam Việt Nam trong hai lần phòng thủ 1968 và 1975 là năm 1975 thì họ đã hết nhiên liệu. Năm 1975 họ chỉ còn một giới hạn giờ bay mỗi tháng. Lúc đó bị khủng hoảng dầu lửa, nhiên liệu vô cùng đắt đỏ. Ngoài ra, họ thiếu phụ tùng thay thế. Vì vậy lúc đó, điều họ có thể làm chỉ là cố gắng chống lại các cuộc tấn công từ một số hướng chính, nhưng có quá nhiều hướng tấn công nên họ không thể đánh chặn ở khắp mọi hướng. Ngoài ra, các phi trường quân sự đã được Bắc Việt Nam biết đến và họ có Pháo binh để bắn phá, giữ cho máy bay của Nam Việt Nam không cất cánh.

Thảm Sát ở Huế: Điều Gì Gây Ra Thảm Họa?

RFA: Nhiều tư liệu nói về vụ thảm sát của Bắc Việt Nam ở thành phố Huế trong Tết Mậu thân 1968. Là một nhà sử học, ông có biết có bằng chứng nào về vụ thảm sát đó không? Và tại sao họ lại làm như vậy?

Jay Veith: Có. Bằng chứng là hàng ngàn thi thể mà Nam Việt Nam tìm thấy được chôn trong các ngôi mộ tập thể. Chưa bao giờ có một lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao Bắc Việt Nam cố tình nhắm mục tiêu và giết chết rất nhiều công chức địa phương miền Nam Việt Nam ở Huế mà không phải ở các thành phố khác.

Với những tư liệu hiện tại, gần như khó có thể nói gì khác hơn rằng dường như đó là một kiểu trả thù nào đó đối với một số công chức địa phương ở Huế vì những gì đã xảy ra trước đó vào năm 1966. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán thuần túy. Chưa bao giờ có lời giải thích rõ ràng vì phía Cộng sản luôn phủ nhận có bất kỳ vụ thảm sát nào. Chúng tôi chưa bao giờ có một lời giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra.


(Hình: Một phụ nữ khóc bên xác người chồng được tìm thấy trong số 47 thi thể tại một hố chôn tập thể ở Huế hôm 11/4/1969. Các nạn nhân được cho là bị giết khi quân Bắc Việt chiếm Huế vào năm 1968.)

RFA: Ông vừa nói là vụ thảm sát chỉ xảy ra ở Huế chứ không xảy ra ở các thành phố khác. Đó có thể là mấu chốt của vấn đề?

Jay Veith: Đúng vậy, nhưng trong Tết Mậu thân, những người Cộng sản đã chiếm giữ nhiều thành phố. Trong đó, họ chiếm giữ Huế trong vài tuần. Họ chiếm vài địa điểm trong Sài Gòn để chờ đại quân đến chi viện. Họ cũng từng tấn công lại đợt khác như đến tháng 7 thì đánh tiếp trong vài ngày. Có vẻ như không có bất kỳ kiểu hành quyết tương tự nào ở thành phố đó. Nhưng trận chiến ở mỗi thành phố cũng rất khác nhau, vì vậy thật khó để nói điều gì. Tuy vậy, có thể nói là trong Tết Mậu thân, có điều gì đó đã xảy ra ở Huế theo cách khác với cuộc chiến ở các thành phố khác. Chưa bao giờ sự việc ở Huế được giải thích rõ ràng.

RFA: Về cách mà cuộc chiến diễn ra ở Huế khác với các nơi khác, ông Bùi Tín, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, từng giải thích vì sao sự khác biệt đó gây ra thảm họa. Ông ấy nói rằng không có một mệnh lệnh nào từ trung ương chỉ đạo phải giết các công chức địa phương ở Huế, nhưng có hai yếu tố khiến cho cuộc thảm sát xảy ra. Một là tuyên truyền. Họ tuyên truyền rằng Huế là đất của địch. Ở đó chỉ có bọn phản cách mạng nên phải bắt hết. Vì vậy khi chiếm giữ Huế trong hơn 3 tuần thì họ đã bắt giữ hàng ngàn công chức địa phương. Hai là khi Quân đội Nam Việt Nam và Mỹ phản công thì họ nhận được lệnh là phải mang theo tù binh khi rút chạy, không được để tù binh lại. Việc mang theo hàng ngàn tù binh là bất khả thi nên họ chỉ còn cách là phải giết.

Jay Veith: Vâng, điều đó chắc chắn là đúng, nhưng đó vẫn không phải là toàn bộ câu chuyện. Vì còn có rất nhiều người khác đã trở thành mục tiêu của “Tòa án Nhân dân”, bị bắt đi và bị xử bắn.

Chúng ta biết là có một danh sách được lập trước, chia thành từng nhóm 10 người, họ gồm cả những giáo viên “phản cách mạng”. Bất kể những người ấy là ai, các “Tòa án Nhân dân” xử tử hình họ đã được tổ chức và thực hiện giống như phiên tòa Cải cách Ruộng đất những năm 1950 ở miền Bắc.
Vì vậy, đúng là trong Mậu thân 1968, cuộc chiến ở Huế đã xảy ra khác với các nơi khác và nó dẫn đến bi kịch, nhưng rõ ràng có nhiều lý do hơn thế để khiến cho thảm kịch xảy ra. Điều đó xứng đáng có câu trả lời.

RFA: Các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam đã nói rất nhiều về Tết Mậu Thân 1968. Xin ông cho biết từ trước đến nay các nhà sử học thường quan tâm đến những vấn đề gì? Những vấn đề nào của cuộc tấn công này còn chưa được nói đến, cần được làm rõ?

Jay Veith: Vâng, phía Mỹ có cuốn sách của Erik Villard đã ra mắt cách đây vài năm. Cuốn sách này phân tích khá kỹ lưỡng vấn đề. Ông ấy là nhà sử học chuyên về Việt Nam tại Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ. Tôi biết bạn tôi, Giáo sư Liên Hằng, đã viết một cuốn sách về Tết Mậu Thân từ phía Bắc Việt trong nhiều năm. Nếu có một phía chưa được nói đến thì đó là phía Nam Việt Nam. Để làm được điều đó, cần phải nghiên cứu nhiều hồ sơ, tư liệu. Hy vọng rằng những người còn sống sẽ nói về điều đó. Các đơn vị quân đội của Nam Việt Nam đã chiến đấu rất ngoan cường, gánh chịu những đau thương nặng nề. Đó là một bên vẫn còn thiếu vắng trong các nghiên cứu sử học về trận chiến này.

RFA: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.


Giây Phút Đêm Giao Thừa, Nhớ Công Ơn Sinh Thành.

(Phạm Phú Khải)


(Hình: Những gì tha thiết sâu đậm trong ký ức tuổi thơ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong não con người.)
Tình yêu thương, đặc biệt của cha mẹ, do đó có lẽ là thước đo nồng độ về sự sâu đậm của ký ức tuổi thơ.

Tối nay là đêm giao thừa. Rời Việt Nam khá lâu, và lâu nay không về, nên thật ra tôi cũng không còn nhớ Việt Nam bao nhiêu, nhất là so với thủa ban đầu. Nhưng mỗi lần Tết đến, nỗi nhớ Việt Nam dường như vẫn sâu đậm, vẫn chứa chan. Trừ khi chúng ta mất trí nhớ, những kỷ niệm, đặc biệt thời thơ ấu, gắn liền với mỗi người. Những kỷ niệm tôi có gắn liền với gia đình và bạn bè, trong đó cho đến nay đậm nhất vẫn là ba tôi.

Tôi thật sự không biết gia đình tôi đón giao thừa và ăn Tết ra sao trước năm 1975. Tuổi thơ tôi lớn lên dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa” chỉ toàn thấy cái nghèo và đói, nhất là vào những năm 1975 đến 1986. Kể từ năm 1975, bao nhiêu căn nhà ba tôi đầu tư cốt để cho mỗi đứa con một căn đã bị tịch thu, chỉ còn lại một nhà duy nhất mà tất cả gia đình chung sống với nhau. Vì bị chế độ Cộng sản chiếu cố tận tình như thế, và vì không làm được gì đáng kể để kiếm sống hay tạo ra tài sản, ba tôi quyết định sống cuộc sống nghèo khó như mọi người chung quanh. Tuy thế chúng tôi vẫn may mắn, so với phần lớn xã hội thời đó, có được ngày ba bữa cơm, trong đó buổi sáng ba cho tiền tự mua, và hai buổi cơm trưa và tối ăn chung với nhau.

Ba tôi hiểu rõ mạng sống và lối sống của gia đình chúng tôi, vì lý do chính trị, chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Chế độ đã nhiều lần đưa công an vào nhà tôi lục lọi tìm vàng bạc mà họ nghĩ ba tôi đã cất trữ. Diện tư sản thì phải đào tận gốc, chắc vậy. Hiểu bản chất của chế độ, ba tôi luôn đi trước họ bước, trong nhiều tình huống. Biết ba tôi còn tài sản nhưng không tịch thu được, cấp lãnh đạo thời đó rất điên tiết, nhưng không làm gì hơn.

Vì những lý do trên, Tết đến, ba tôi cắt hết những khoản chi mà ông cho là không cần thiết, nhất là để không tạo sự chú ý rình rập của chế độ. Trước năm 1975, nếu đón mừng năm mới bằng nấu nồi bánh chưng hay tét, bằng sắm áo quần và dầy dép mới, bằng đốt pháo vài mét lúc giao thừa và ngày mồng một, vv…, thì sau năm 1975 ba tôi bỏ hết truyền thống này. Theo ký ức của tôi, từ năm 1982 trở đi, cuộc sống dường như bớt ngộp thở hơn một chút. Ít ra là đối với gia đình tôi, khi một vài anh chị lớn tuổi đã vượt biên được, trút bớt gánh nặng tinh thần và tài chánh lên những thành viên còn lại. Lúc đó chúng tôi năn nỉ lắm, ba mới cho nấu lại bánh tét, mỗi đứa con được sắm bộ đồ mới ăn Tết, và có đốt pháo tượng trưng cho có không khí Tết như bao nhà chung quanh.

Gia đình tôi kể từ năm 1982 trở đi cũng bắt đầu ăn Tết phần nào như những gia đình chung quanh. Má tôi đã làm các loại mứt khác nhau. Tôi còn nhớ ngồi dưới bếp phụ má làm mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao v.v... Thấy phụ giúp được má chuẩn bị cho gia đình ăn Tết, tôi vui mừng rộn rã trong lòng. Nói đến mứt thì bây giờ chỉ còn mứt gừng ít đường thì mới ăn được vài miếng. Chứ còn thời đó mứt nào cũng thích, và càng ngọt càng ngon. Thời đó trẻ con vừa thiếu dinh dưỡng vừa ở tuổi đang lớn và thèm ngọt, nên ăn bao nhiêu mứt cũng không thấy ngán.

Truyền thống ăn Tết của gia đình tôi đơn giản chỉ là thắp hương, thờ cúng ông bà bằng các món ăn đặc trưng của gia đình vào đêm Giao thừa. Cũng có đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp nhưng không đặt nặng tầm quan trọng như những người khác. Sáng Mồng Một cả nhà tôi đi chùa, cúng dường và sau đó đi tảo mộ người thân trong gia tộc. Có vài năm cả nhà tôi về quê để thăm dòng họ và tảo mộ ông bà tổ tiên của gia tộc mình. Mỗi dịp được về quê nội như thế tôi rất là thích thú. Tôi được gặp bao nhiêu bà con, họ hàng xa gần, và vui nhất là được lên chức; vì có người lớn tuổi như anh đầu mình mà vẫn gọi tôi là vai chú hay ông (sau này tôi lại lúng túng vì cách xưng hô như thế). Tôi cũng được ăn trái cây thật tươi thật ngon hái từ trên cây xuống, như mít, dừa, đu đủ v.v…. Có lẽ điều tôi ấn tượng nhất là sự thân thiện và thật thà của người dân quê. Họ chất phát, hiền lành, hiếu khách và hào phóng. Có bao nhiêu họ đem ra tiếp khách bấy nhiêu, dù ngày mai không còn gì đi nữa. Tình đậm đà hiếu khách như thế làm tôi ấn tượng và đặc biệt yêu quý quê hương tôi.

Thường đi chùa và tảo mộ xong, chúng tôi về nhà và sắp hàng chờ ba tôi lì xì cho má và mười người con. Ai nấy đều chuẩn bị lời hay ý đẹp để chúc Tết ba mẹ, có khi mong rằng lời chúc hay đó làm cho ba mẹ vui, và có thể lì xì nhiều hơn chăng! Nhưng ba tôi, theo kinh nghiệm của chính tôi, cũng rất công bằng với tất cả các con. Cho nên dù lớn hay bé, dù trai hay gái, dường như ông đều lì xì như nhau, vì ba tôi không thích sự phân bì trong nhà!

Tết đến, ba tôi cho phép cờ bạc trong những ngày Tết. Chúng tôi chỉ muốn ăn tiền ba vì biết ba có nhiều tiền. Ba luôn cầm cái “xì lát” mỗi khi chơi bài trong nhà và lúc nào ba cũng ăn tiền các con. Dù chúng tôi có dấu bài và đổi bài, rốt cuộc ba tôi cũng hơn. Tôi không hiểu vì ba tôi luôn may mắn hay ông cũng có cách riêng của mình khi chơi với con cái. Những kỷ niệm này không hề phai nhòa, và mỗi lần Tết đến, anh chị em tôi đem những mẩu chuyện này ra kể cho con cháu mình nghe. Những tiếng cười giòn tan xoay quanh những câu chuyện về ông (cố) nội/ngoại đã làm cho các con và cháu tôi thích thú muốn biết thêm về ông mình.

Gần 30 năm nay tôi chưa có dịp về thăm Việt Nam. Hình ảnh bạn bè, người thân ngày càng phai nhòa trong ký ức. Mọi thứ đã, đang hay sẽ thay đổi qua thời gian, và đó là định luật. Tôi cũng hiểu rằng những ký ức xưa, những kỷ niệm cũ, là điều đã qua và không thể nào tạo lại được. Nên tôi không bám víu. Tuy nhiên những nguyên tắc, giá trị, cách nhìn, cách sống v.v… của ba tôi đã có một số tác động nhất định lên chúng tôi và, qua đó, lên cháu chắt của ba tôi. Dù sao thì các con tôi không thể cảm nhận được không khí Tết thời tôi lớn lên ra sao. Chỉ có trải nghiệm mới đi sâu vào ký ức. Ký ức của mỗi người góp phần định hình nên mỗi chúng ta. Nhớ quê hương, hay không nhớ, do đó không chỉ là chuyện mình muốn hay không, mà còn là do những gì mình trải nghiệm, mình được cấu tạo thành. Những gì tha thiết sâu đậm trong ký ức tuổi thơ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong não con người. Yếu tố gia đình và văn hóa cũng góp phần quan yếu lên ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta. Riêng những ai từng trải nghiệm Tết như tôi tại Việt Nam chắc khó thể nào phai nhòa trong ký ức, nhất là khi chúng ta may mắn có được người cha hay/và mẹ đã làm tất cả những gì có thể trong hoàn cảnh khó khăn nhất để thương yêu bảo bọc chúng ta. Tình yêu thương, đặc biệt của cha mẹ, do đó có lẽ là thước đo nồng độ về sự sâu đậm của ký ức tuổi thơ.


Các Nguyên Thủ Quốc Gia Chúc Tết, Riêng Nguyễn Phú Trọng: Năm Mới, Chúc... ‘Từ Năm Tới, Có Sao Nói Vậy, Nói Sao Làm Vậy’

(Trân Văn)


(Hình: Về lý, bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN - là nguyên thủ nhưng không đủ tư cách phát thông điệp chúc mừng năm mới. Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng tuy chỉ là Tổng Bí thư của đảng cầm quyền đã giành lấy quyền này.)


Nhìn một cách tổng quát, cách thức cũng như nội dung thông điệp chúc mừng năm mới của nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á (bao gồm cả Đông Nam Á) khác hẳn phương thức và nội dung mừng năm mới của giới lãnh đạo Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cũng đón năm mới âm lịch như Việt Nam nên thời điểm này, nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á cũng gửi thông điệp chúc mừng năm mới đến đồng bào của họ. So sánh những thông điệp đó với diễn văn mừng năm mới của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – ắt sẽ thấy vài khác biệt quan trọng....
***
Bà Thái Anh Văn (Tổng thống Đài Loan), ông Lý Hiển Long (Thủ tướng Tân Gia Ba) có lẽ là những nguyên thủ gửi thông điệp chúc mừng năm mới dài nhất (khoảng 400 chữ).

Sau khi bày tỏ hy vọng “mọi người ở Đài Loan và tất cả bạn bè đang ăn mừng Tết Nguyên đán trên khắp thế giới một năm mới hạnh phúc”. Tổng thống Đài Loan xác nhận: “Năm nay sẽ còn nhiều thách thức như COVID-19, lạm phát toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng” và cam kết “chính quyền của chúng ta sẽ làm hết sức mình để đương đầu với những thách thức đó”. Cụ thể sẽ “đối mặt với các cuộc xâm nhập thường xuyên chiến hạm và chiến đấu cơ của Trung Quốc cũng như các cuộc tập trận quân sự của họ quanh Đài Loan”. Thay mặt chính phủ Đài Loan, bà Văn hứa sẽ “kiên định với việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cũng như trên toàn khu vực”.

Trong thông điệp mừng năm mới Tổng thống Đài Loan bày tỏ sự biết ơn đối với “quân đội đang làm hết sức mình để duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ tổ quốc”, với “anh chị em trong lực lượng vũ trang vì những nỗ lực của họ”, với “tất cả sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như tất cả những người làm việc trong các ngành nghề khác nhau vẫn đang làm nhiệm vụ và những người sẽ tiếp tục phục vụ công chúng”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh “sự biết ơn với tất cả đồng bào vì những nỗ lực trong năm qua” và cam kết “chính phủ của chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế, bảo vệ chủ quyền và gìn giữ hòa bình”, đồng thời mời gọi “tham gia cùng chúng tôi trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi để tạo ra một Đài Loan tốt đẹp hơn” (1).

Ông Lý Hiển Long thì bày tỏ sự hoan hỉ vì “sau gần ba năm chiến đấu với đại dịch, chúng ta có thể tiếp tục đón Tết Nguyên đán một cách trọn vẹn”.

Điều đầu tiên Thủ tướng Tân Gia Ba nêu ra với dân chúng là “đừng quên công sức và sự hy sinh của những người đang chiến đấu ở tuyến đầu chống lại COVID-19 và giữ cho Tân Gia Ba tiếp tục phát triển”. Theo ông: “Hãy cảnh giác ngay cả khi chúng ta ăn mừng. Sức khỏe là của cải lớn nhất. Chúng ta phải tiếp tục quan tâm đến nhau và thực hiện trách nhiệm xã hội…. Trải nghiệm COVID-19 khiến chúng ta trân trọng gia đình và những người thân yêu của mình hơn. Gia đình là cốt lõi của xã hội chúng ta và các gia đình mạnh mẽ là trung tâm của một xã hội ổn định, kiên cường”. Năm 2022 là năm Tân Gia Ba “tôn vinh các gia đình” và ông Long giới thiệu kế hoạch để năm 2025 trở thành “Tân Gia Ba – nơi dành cho gia đình” nhằm thúc đẩy toàn quốc hỗ trợ các gia đình trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Theo Thủ tướng Tân Gia Ba: “Tất cả chúng ta đều có thể góp phần xây dựng một xã hội nơi mọi gia đình đều được coi trọng và hỗ trợ. Các công ty có thể sắp xếp công việc linh hoạt và nuôi dưỡng văn hóa nơi làm việc đáng khích lệ hơn. Các đối tác cộng đồng có thể tập hợp các nguồn lực để chúc mừng và nâng đỡ các gia đình. Mỗi người cũng nên quý trọng thời gian dành cho gia đình và đặt thời gian đó lên hàng đầu”. Ông Long bày tỏ sự vui mừng khi “nhiều người trẻ vẫn coi hôn nhân và làm cha mẹ là những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống” và cam kết “chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các bậc cha mẹ quản lý áp lực nuôi dạy con cái và mang đến cho mỗi đứa trẻ một khởi đầu tốt đẹp”, đồng thời hứa sẽ công bố “những thay đổi tiếp theo trong những tháng tới” và nhắn các cặp vợ chồng “hãy cố gắng hết sức trong năm mới”!

***
Thông điệp mừng năm mới Âm lịch của nguyên thủ Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Nam Hàn ngắn hơn và kêu gọi chú trọng nhiều hơn đến những khác biệt....

Ở Nam Dương – quốc gia mới chỉ xem Tết Âm lịch là “Ngày lễ quốc gia” từ 2003 (trước đó, Nam Dương cấm đón mừng Tết Nguyên đán vì sợ rằng những thứ có liên quan đến Trung Cộng sẽ tạo ra ảnh hưởng nguy hại cho an ninh quốc gia), Phó Tổng thống Ma’ruf Amin kêu gọi tất cả mọi người dù có theo Nho giáo hay không cũng hãy nhớ đến tinh thần Tết Nguyên đán, dùng nhiệt huyết, duy trì sự hòa hợp, đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức giúp Nam Dương thịnh vượng hơn (4).

Tại Mã Lai Á, nơi các công dân gốc Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể, đón mừng năm mới âm lịch là lễ hội kéo dài đến 15 ngày (Chap Goh Mei), Quốc vương và Hoàng hậu Mã Lai Á là những người gửi thông điệp đón chào năm mới. Họ cầu chúc dân chúng Mã Lai Á một năm nhiều niềm vui, hạnh phúc, thịnh vượng và khỏe mạnh. Họ cũng bày tỏ hy vọng Chap Goh Mei sẽ giúp gia tăng thiện chí, đoàn kết và sự bao dung giữa các cộng đồng khác nhau ở Mã Lai Á (5).

Tương tự, tại Phi Luật Tân, trong thông điệp mừng năm mới, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ hy vọng “qua những lễ hội như thế này, chúng ta có thể nhận ra những mối quan hệ ràng buộc chúng ta với nhau như một gia đình, một cộng đồng và một quốc gia. Một bình minh mới tượng trưng cho những ước nguyện vô biên của chúng ta về sự thịnh vượng của mỗi người và cho xã hội của chúng ta”. Ông Marcos kêu gọi dân chúng: “Chú ý đến sự phong phú về văn hóa và lịch sử đã làm cho quốc gia của chúng ta trở thành một xã hội đầy màu sắc và sôi động như ngày nay. Chú tâm vào mối quan hệ cho phép chúng ta chống chọi với mọi thách thức và vượt qua thử thách. Ngày tốt lành này không chỉ nhắc chúng ta về phước phần chúng ta đang có mà còn truyền cảm hứng để chúng ta quan tâm sâu sắc hơn tới những người kém may mắn trong cuộc sống. Hãy cùng hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn” (6).

Còn Nam Hàn – quốc gia mới chỉ khôi phục việc chào đón Tết Nguyên đán 37 năm (1985), Tết Nguyên đán là dịp để Tổng thống Yoon Suk Yeol tái khẳng định cam kết của ông cải thiện sinh kế của dân chúng và chăm sóc những người dễ bị tổn thương. Ông Yoon nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chăm sóc những đồng bào nghèo khó một cách nhiệt thành và tỉ mỉ hơn trong năm mới và sẽ nỗ lực hết mức để có thể tạo ra một “bước nhảy vọt” trong năm mới (7).

***

Nhìn một cách tổng quát, cách thức cũng như nội dung thông điệp chúc mừng năm mới của nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á (bao gồm cả Đông Nam Á) khác hẳn phương thức và nội dung mừng năm mới của giới lãnh đạo Cộng hòa XHCN Việt Nam. Về lý, bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN - là nguyên thủ nhưng không đủ tư cách phát thông điệp chúc mừng năm mới. Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng tuy chỉ là Tổng Bí thư của đảng cầm quyền đã giành lấy quyền này.

Bất kể suốt năm các hệ thống từ trung ương tới địa phương liên tục xáo trộn vì lựa chọn, sắp đặt nhân sự - nhân sự cả mới lẫn cũ cùng tham nhũng – luân phiên tổ chức “họp bất thường” để giải quyết – sắp đặt lại nhân sự mới lựa chọn,... vì vậy kinh tế trì trệ hơn, doanh nghiệp lớp phá sản, lớp tạm ngưng hoạt động, còn hoạt động thì chỉ cầm chừng, thất nghiệp tràn lan, nông sản ứ đọng, gửi người đi làm thuê ở ngoại quốc được xem như lối thoát sáng sủa nhất cho kinh tế và xã hội, chưa bao giờ không khí Tết ảm đạm như năm nay... nhưng trong diễn văn mừng năm mới, ông Trọng vẫn khẳng định đó là... “kết quả, thành tích và đóng góp to lớn”, đồng thời ra lệnh “toàn đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới” (8).

Khi thực trạng năm vừa qua đã như ai cũng biết mà vẫn xem là “thành tích và đóng góp to lớn”, nếu dựa trên... “nền tảng” đó để hành động trong năm mới theo kiểu tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn “quyết tâm mới, khí thế mới, tiến bộ mới, nhiều thắng lợi mới” chỉ có thể là những hậu quả mới, trầm trọng hơn. Nếu còn đinh ninh phải “trông người, ngẫm đến ta”, điều duy nhất để chúc ông Trọng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền do ông dẫn dắt là: “Từ năm tới, có sao nói vậy, nói sao làm vậy” như... thiên hạ! Chỉ như vậy may ra mới khá. Còn vẫn khăng khăng làm khác thì nên thôi chúc “nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc”.


Chuyện Tranh Chấp, Đấu Đá Trong Nội Bộ Đảng, ‘Nhân Dân’ Không Có Mặt Trong Mọi Chuyện Này!

(Trân Văn)


(Hình: Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa “tự rời chức”.)
Có hệ thống chính trị nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng một quốc gia lại răm rắp thực thi chỉ đạo miễn nhiệm nguyên thủ như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam?

Từ Tổng Bí thư đến các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN khóa 13 cùng coi nhẹ người dân, và có thể nhận ra điều đó từ thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 về hội nghị bất thường lần thứ ba. Bên dưới là toàn bộ thông cáo này – xin dẫn nguyên văn....
Ngày 17/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị giải quyết hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan khai triển thực hiện các thủ tục theo quy định (1).
***
Thông cáo tuy gọn lỏn – chỉ có 389 chữ nhưng vẫn bộc lộ rất rõ sự coi thường nhân dân của cả Tổng Bí thư lẫn các thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13. Trong thông cáo vừa đề cập, chỉ có một chỗ nhắc tới... “nhân dân” nhưng đó là “nhân dân” trong nhận thức về trách nhiệm của riêng “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc. Tổng Bí thư và các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 chỉ tham gia... “chứng thực”, rằng “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc xin... tự rời chức, và... “nhất trí” cho “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc... được thực hiện nguyện vọng.

“Vi phạm, khuyết điểm” của “hai đồng chí Phó Thủ tướng, ba Bộ trưởng” tuy “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bất kể nhân dân là đối tượng đã cũng như đang trực tiếp gánh chịu các “hậu quả rất nghiêm trọng” ấy nhưng Tổng Bí thư và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 vẫn thản nhiên hành xử như các... quan sát viên và... trọng tài (xem xét và đưa ra quyết định về nguyện vọng của “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc)....

Tại sao đảng giành quyền sắp đặt các “đồng chí” như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long,... làm Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ này, bộ khác, rồi Chủ tịch thành phố nọ, tỉnh kia... vì đó là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chấp hành Trung ương của đảng mà không nhận trách nhiệm khi lựa sai, chọn lầm, giám sát lỏng lẻo nên không phát giác, ngăn chặn kịp thời các “vi phạm, khuyết điểm” để... “tự rời chức” và “xin lỗi” khi nhân dân liên tục phải gồng gánh đủ loại “hậu quả rất nghiêm trọng” không ngừng rơi xuống vai họ?

Trong lịch sử nhân loại, có tổ chức chính trị nào khi tham gia cầm quyền lại độc đoán và trịch thượng tới mức, sau khi thản nhiên thừa nhận các thành viên do mình lựa chọn, sắp đặt đã “gây hậu quả rất nghiêm trọng” không những không nhận trách nhiệm, không xin lỗi dân chúng mà còn khơi khơi ra những lệnh kiểu như: Giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan khai triển thực hiện các thủ tục theo quy định?

Có hệ thống chính trị nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng một quốc gia lại răm rắp thực thi chỉ đạo miễn nhiệm nguyên thủ như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam (2)? Có xứ sở nào mà những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ tự kiểm với tổ chức chính trị mà mình là thành viên, dẫu có tự xử hay bị xử thì cũng chẳng bao giờ thèm mở miệng xin lỗi đối tượng mà họ phục vụ? Chẳng lẽ trong mắt Tổng Bí thư và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN nhân dân... vô giá trị, có quyền rẻ rúng nên mới thản nhiên thể hiện sự xem thường đến mức như vậy?

Chú thích:



“Bên Kia Biên Giới, Cũng Là Anh Em!” Việt Nam và Trung Quốc, Cùng Tổ Chức Lễ Hội Mùa Xuân, Thúc Đẩy Thương Mại Xuyên Biên Giới!


(Hình: Tiểu thương mang hàng hóa qua biên giới Việt-Trung ở khu vực Móng Cái. Chính sách “Không Covid” của Trung Quốc trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.)
Một Lễ hội mùa Xuân xuyên biên giới Việt-Trung vừa được Việt Nam và Trung Quốc phối hợp tổ chức tại huyện tự trị Hekou Yao thuộc châu tự trị Hồng Hà Cáp Nê, Di của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào tối thứ Tư (18/1).

Theo hãng tin Trung Quốc ECNS, tham dự lễ hội có các đại diện chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước để chào đón năm Tân Mão, với hình ảnh khổng lồ của cả hai con vật đại diện của năm mới là thỏ (năm con thỏ đối với người Trung Quốc) và mèo (đối với người Việt Nam) được trưng bày tại lễ hội.

Ba huyện của châu tư trị Hồng Hà của Trung Quốc giáp giới với Việt Nam, với đường biên giới dài 848 cây số. Hai quốc gia láng giềng đã tổ chức bốn lễ hội mùa Xuân xuyên biên giới mỗi nằm kể từ 2017 đến năm 2020 và tạm dừng trong thời gian qua vì đại dịch COVID-19.

Truyền thông Trung Quốc cho biết bên cạnh lễ hội trên, một sự kiện khác cũng được tổ chức tại Việt Nam vào thứ Năm, trong đó bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch xuyên biên giới, điều tra kinh tế thương mại và giao lưu truyền thông.

Một lãnh đạo địa phương của Trung Quốc cho biết cuộc họp xúc tiến đầu tư được tổ chức hôm thứ Tư đã dẫn đến việc ký kết các hợp đồng ngoại tuyến trị giá 437 triệu Mỹ kim và 593 triệu Mỹ kim hợp đồng trực tuyến.

Phía doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng có thể mời các doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu kinh doanh và giúp cho các doanh nghiệp Việt tìm hiểu thêm về thị trường Trung Quốc sau khi cửa khẩu hai bên được thông thương.

Chính sách “Không Covid” với những quy định phong toả nghiêm ngặt của Trung Quốc trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Truyền thông Việt Nam cho biết các hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại ngay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại vào ngày 8/1, với 71 xe chở hàng xuất cảng và 158 xe chở hàng nhập cảng thông quan chỉ trong ngày 11/1. Trước đại dịch, mỗi ngày có khoảng 200 xe vận tải qua cửa khẩu Việt-Trung.

Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi ngày sau khi các chi phí xét nghiệm, phòng, chống dịch bệnh được bãi bỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, xuất cảng hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 19,2% thị phần nhập cảng hàng hóa, nông sản của nước này.

Xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc vào năm 2022 tăng 8% so với năm trước, lên 119,3 tỉ Mỹ kim, nhập cảng tăng 4,5% lên 58,4 tỉ Mỹ kim.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn với Việt Nam. Năm 2022, thương mại song phương đạt gần 178 tỉ Mỹ kim.


Kinh Hoàng: Trung Quốc Tiết Lộ Con Số Kỷ Lục! Nói Đợt Bùng Phát Covid Đã Lây Nhiễm 80% Dân Số!


(Hình: Người dân ghé đi chợ hoa Tết mở cửa trở lại sau khi đóng cửa do dịch COVID-19 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, ngày 20/1/2023. .)

- Hôm thứ Bảy (21/1/2023), một nhà khoa học nổi tiếng của chính phủ Trung Quốc cho biết ít có khả năng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc trong 2 hoặc 3 tháng tới vì 80% người dân đã bị nhiễm bệnh.
Việc người dân đi lại ồ ạt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang diễn tiến có thể làm lây lan đại dịch, gia tăng số ca nhiễm ở một số khu vực, nhưng khó có thể xảy ra làn sóng COVID thứ hai trong thời gian tới, Ngô Tôn Hữu, nhà Dịch tễ học trưởng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết trên nền tảng mạng xã hội Weibo.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang đi du hành khắp đất nước để đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ sau khi các biện pháp kiềm chế COVID được nới lỏng gần đây, làm dấy lên lo ngại về những đợt bùng phát mới ở các vùng nông thôn ít được trang bị để quản lý các đợt bùng phát lớn.

Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm số bệnh nhân COVID tại các phòng khám sốt, phòng cấp cứu và trong tình trạng nguy kịch, một viên chức của Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hôm thứ Năm.

Gần 60.000 người mắc COVID đã chết trong bệnh viện tính đến ngày 12 tháng 1, khoảng một tháng sau khi Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ chính sách zero COVID, theo dữ liệu của chính phủ.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng con số đó có thể chưa tính đến toàn bộ tác động, vì nó không bao gồm những người chết tại nhà và vì nhiều Bác sĩ cho biết họ được khuyến nghị không viện dẫn COVID là nguyên nhân tử vong.


Tết Nguyên Đán: Người Dân Trung Quốc Chỉ Cầu Mong Có Được Một Năm Mới An Lành!

- Ngày 22/1/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại Trung Quốc, người dân đã chia tay với Cọp để đón con Thỏ vào nhà với mơ ước một năm mới an lành và thịnh vượng.
Từ Hàng Châu, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde đã có dịp quan sát người dân Trung Quốc đi lễ đầu năm tại chùa Linh Ẩn Tự:

Một ngày rất tấp nập tại Linh Ẩn Tự, ở Hàng Châu. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất tại Trung Quốc. Đốt nhang, khấn vái. Những người đi lễ Phật hay du khách tản bộ qua điều cầu xin một năm Thỏ bình yên sau quá nhiều xáo trộn trong năm Cọp vừa qua.

Ba phụ nữ về thăm nhà vào dịp Tết âm lịch. Tay mang đầy quà, họ bước ra từ một cửa hiệu bán hàng lưu niệm. Cả ba tận hưởng những ngày đầu Xuân sau 3 năm Trung Quốc phong tỏa để chống dịch. Họ đi lễ Phật, mua sắm quà cáp. Sau Tết nguyên đán là “lễ hội mùa Xuân”. Đây là dịp để chia sẻ, để nghĩ đến người thân. Một người trong số ba cô gái giải thích rằng cô đi lễ để xin Trời Phật phù hộ cho mọi nhà. Tết là dịp rất nhiều người đi lễ Phật và mọi người muốn quên đi 3 năm vừa qua, Trung Quốc đã cách ly với thế giới bên ngoài để chống dịch.

Ở lối vào cổng chùa, chữ PHÚC được khắc trên đá và ai cũng đến áp bàn tay vào chữ PHÚC này để lấy hên. PHÚC–LỘC thường đi đôi với nhau bởi vì từ 3 năm qua, Trung Quốc đóng cửa, phong tỏa, làm ăn thất bát. Ở bãi đậu xe dưới chân núi, một ông bảo vệ trong bộ đồng phục vui sướng thổi kèn harmonica và ông nói: “Năm Thỏ là năm tốt. Hãy nhìn kìa, đèn đuốc ở đây lại được thắp sáng lên rồi. Trong 3 năm liền, hàng quán ở đây đìu hiu. Giờ đây, các hoạt động từng bước được hồi sinh. Mọi người đang sống lại như hồi trước”.

Dân chúng Trung Quốc hy vọng một năm mới yên lành và Covid thuộc về quá khứ. Hôm 21/1, cơ quan đặc trách phòng chống dịch Trung Quốc thông báo 80% người Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona, đồng thời ghi nhận trong tuần lễ từ ngày 13 đến 19/1 đã có gần 13.000 ca chết vì Covid. Thế nhưng, theo các chuyên gia quốc tế, như của trung tâm phân tích y khoa Airfinity của Anh, trung bình mỗi ngày có khoảng 36.000 bệnh nhân Covid chết vào dịp Tết âm lịch và vẫn theo tổ chức này, từ hôm 7/12/2022 khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero-Covid, đã có khoảng 600.000 người chết vì Covid.


Tổng Thống Đài Loan Cảm Ơn Quân Đội Trong Thông Điệp Năm Mới


(Hình: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong video gửi lời chúc Tết đến quân đội.)
- Trong thông điệp Tết Nguyên đán ngày thứ Sáu (20/1/2023), Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn cảm ơn các lực lượng vũ trang đã bảo vệ hòn đảo nói rằng chính phủ đã giữ gìn hòa bình trước các cuộc tập trận và áp lực quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc, nước tuyên bố hòn đảo được cai trị dân chủ này là lãnh thổ của mình, đã gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan trong 3 năm qua, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc tập trận gần đó vào tháng 8 sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc.

Trong một video ngắn được ghi hình trước Tết Nguyên đán vào Chủ Nhật, dịp lễ quan trọng nhất trong thế giới nói tiếng Hoa, bà Thái nói năm nay cũng như năm 2022 sẽ “đầy thách thức”.
“Trước việc các tàu và máy bay quân sự của Trung Cộng thường xuyên quấy rối Đài Loan, hoặc thậm chí thực hiện các cuộc tập trận quanh eo biển Đài Loan, chính phủ kiên quyết giữ gìn hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực”.

“Quân đội giữ vững vị trí của họ, bảo vệ hoàn toàn an ninh quốc gia, phòng vệ quê hương chung của chúng ta. Tôi muốn cảm ơn công lao của các anh chị em chúng ta trong quân đội”, bà Thái tiếp tục. “Trong năm mới, chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình vì nền kinh tế và sự hồi phục, bảo vệ chủ quyền và giữ gìn hòa bình”.

Lực lượng Không quân của Trung Quốc gần đây thường xuyên vượt qua trung tuyến của Eo biển Đài Loan, nơi từng là lằn ranh không chính thức giữa hai bên, kể từ cuộc tập trận hồi tháng 8, và đã thực hiện các cuộc tập trận khác gần Đài Loan.

Bà Thái không trực tiếp gửi lời chúc mừng năm mới đến Trung Quốc, mà chỉ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến “những người bạn” trên khắp thế giới đang đón mừng Tết.
Trong bài phát biểu mừng năm mới vào ngày 1 tháng 1, bà Thái đã đề nghị cung cấp cho Trung Quốc “sự hỗ trợ cần thiết” để giúp nước này đối phó với đợt gia tăng số ca nhiễm COVID-19, nhưng nói rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo này không có lợi cho hòa bình và ổn định.--

Không có nhận xét nào: