Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Lên núi Yên Tử nhớ Vua Trần Nhân Tông - Trần Nguyên Thắng


QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Hơn 700 năm trước, Hoàng Đế Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi hai lần đánh bại đế quốc Mông Nguyên, ngài từ bỏ lầu son điện ngọc đến Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm và trở nên vị tổ thứ nhất của dòng Thiền Yên Tử.Ngôi chùa thờ Tam Tổ: Điều Ngự Giác Hoàng – Pháp Loa – Huyền Quang. (Hình: ATNT Tours & Travel) “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.” Lữ khách đến Việt Nam thường nghe câu ca dao như trên khi đi du ngoạn khu vực Hà Nội – Hạ Long.
<!>
Từ Hà Nội đi Hạ Long, du khách thường phải đi qua các thị xã Bắc Ninh, Chí Linh, Ðông Triều, Phả Lại. Khi qua khỏi sông Lục Ðầu thì gặp xã Thượng Yên Công, đến đây thì quẹo trái. Đấy chính là lúc mà du khách đang bước dần vào khu vực núi Yên Tử (còn được gọi là Yên Tử Sơn).

Yên Tử, dãy núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam 1,068 mét so với mặt nước biển, có điều gì đặc biệt để nói đến và có điều gì đặc biệt để khách thập phương du ngoạn? Người xưa còn lưu lại những câu thơ: “Lần theo dấu tích ngày xưa/ Bảy trăm năm ấy bây giờ còn lưu.”
Lịch sử bảy trăm năm trước cho người dân Việt có dịp nhìn lại quá khứ của đất nước mình. Thời điểm đó, đội quân hiếu chiến bách chiến bách thắng của phương Bắc Nguyên Mông Cổ đã ba lần toan thôn tính Ðại Việt (tên cũ của Việt Nam thuở đó). Thế nhưng, có một vị vua nhà Trần, vua Trần Nhân Tông, linh hồn của đất nước Ðại Việt đã hai lần đập tan đi cái dã tâm của quân Nguyên Mông, đem lại một thời độc lập cho đất nước phương Nam
.

Tháp Tổ nơi thờ xá lợi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Sau những chiến công hiển hách đó, năm 1293 nhà vua nhường ngôi vua lại cho con là Trần Anh Tông và ngài lên làm thái thượng hoàng. Ðến năm 1299 thì Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chính thức đến núi Yên Tử tu hành, ngài lấy Phật danh là Ðiều Ngự Giác Hoàng và sống đơn giản trên núi.

“Ðể lại sau lưng cả cung điện vàng son
Những châu báu ngọc ngà, những cung tần mỹ nữ
Ta đến với rừng thiêng Yên Tử
Gió trăng ơi xin hãy đón ta về”
(Trích thơ “Trần Nhân Tông” của Hoàng Huy)

Tương truyền ngày 3 Tháng Mười Một, 1308, ngài đã hiển Phật trên núi Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất của tông phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Ngài Pháp Loa là vị tổ thứ hai. Ngài Huyền Quang là vị tổ thứ ba. Các ngài đã được dân gian tôn thờ là Tam Tổ của Thiền Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử.

Từ đó núi Yên Tử thường được gọi là Linh Sơn Yên Tử hay có những tên khác như Bạch Vân Sơn và Phù Vân Yên Tử. Khi đến núi Yên Tử nhìn không gian những cụm mây mờ ảo trôi nổi trên bầu trời, tôi cảm nhận ngay ý nghĩa hai chữ “phù vân” tương ứng vào đời sống và kiếp sống của con người. Từ đó, tôi yêu thích ngọn Phù Vân Yên Tử hơn bất cứ ngọn núi nào trên thế giới này vì “phù vân” cho tôi thấy được cái lẽ vô thường của vũ trụ quanh tôi.


Cây đại cổ thụ có trên 700 tuổi trước chùa Hoa Yên. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngày nay, có biết bao nhiêu huyền thoại chung quanh câu chuyện về Vua Trần Nhân Tông khi ngài về núi Yên Tử xuất gia tu hành. Sử sách ghi lại câu chuyện 100 cung phi từng hầu hạ ngài ở cung điện, họ cũng không quản ngại đường xa khó nhọc lặn lội lên núi Yên Tử để được hầu vua. Nhưng nhà vua đã không chấp nhận và khuyên họ trở về làm lại cuộc đời.

Tương truyền, một số các cung phi đã trầm mình xuống ngọn suối Hổ Khê phía dưới chân núi để tỏ lòng trung với vua. Họ đã “Giải hết tấm lòng ngay với Chúa/ Oan theo dòng nước sạch cùng vua.” Nhà vua thương tiếc cho tấm lòng trung của họ, ngài đã cho lập đàn cầu siêu và cho dựng chùa bên suối thờ cúng những cung phi tuẫn tiết. Từ đó con suối mang tên là suối Giải Oan, ngôi chùa là chùa Giải Oan.

Cũng theo sử sách, ngôi chùa được xây dựng sớm nhất trên núi Yên Tử là một ngôi chùa nhỏ từ thời nhà Lý. Ðến đời nhà Trần, vị sư trụ trì được Vua Trần Thái Tông (ông nội Vua Trần Nhân Tông) phong tặng là Phù Vân Quốc Sư, vì thế chùa có tên là chùa Phù Vân, núi Yên Tử còn gọi tên Phù Vân Yên Tử. Nhưng Yên Tử chỉ trở thành một nơi trung tâm náo nhiệt của Phật Giáo Trúc Lâm từ khi Vua Trần Nhân Tông về đây tu hành. Từ đó các ngôi chùa, am và tháp trên núi được tiếp nối xây dựng từ đời này qua các đời khác.

Du ngoạn núi Yên Tử không những chỉ là đi lễ chùa mà còn là một cuộc leo núi đầy thú vị. Khách thập phương phải đi bộ đến chùa Lân rồi leo núi lên chùa Giải Oan. Từ chùa Giải Oan lên đến chùa Vân Yên (về sau gọi là chùa Hoa Yên), khách phải phải đi xuyên qua khu rừng trúc, có con đường dốc quanh co dài hơn 3 cây số dưới bóng tùng cổ thụ và âm thanh của những ngọn suối làm tăng thêm vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Nhờ khu rừng Trúc này mà Yên Tử Sơn còn có thêm tên Trúc Lâm Yên Tử
.
Cổng vào Vườn Tháp Tổ Huệ Quang. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Trước khi lên đến chùa Hoa Yên, du khách sẽ phải đi ngang qua tháp Huệ Quang nơi đựng xá lợi của Vua Trần Nhân Tông. Những hàng cây đại (hoa sứ), cây tùng cổ thụ càng làm tăng vẻ trang nghiêm và cổ kính cho khu vực tháp và chùa. Chùa Hoa Yên được xem như chùa chính cho cả khu Yên Tử Sơn. Trong điện có thờ Tam Tổ, Thành Hoàng, Phụ Mẫu của Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Ðức Thánh Trần và Chúa Thượng Ngàn.

Trước sân chùa Hoa Yên là ba cây đại cổ thụ có đến 700 tuổi. Gốc cây đại thật to lớn, sần sùi như thể rễ và thân cây là một, cành đan quyện vào nhau, vòm lá nở bung ra những chùm hoa đại trắng. Người ta đã phải dùng một tảng đá lớn để chống đỡ cho cây khỏi đổ. Khó có thể dùng lời nói mà có thể diễn tả hết được về hình dáng những cây đại cổ thụ này.
Có nhìn tận mắt những cây đại cổ thụ, có nhìn tận mắt những hàng tùng có đến mấy trăm năm tuổi cao vút, có người con dân Việt nào không cảm thấy bồi hồi trong tâm thức mình về những gì cha ông đã để lai cho hậu thế ngày nay.

Rời chùa Hoa Yên, du khách có dịp leo đến chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, rồi lên đến đỉnh Yên Tử. Đây là chặng đường khó nhất trong hành trình Yên Tử. Du khách cũng phải vừa đi và vừa trèo thêm đoạn đường chừng hơn 1 cây số nữa thì mới lên được chùa Ðồng – bia Phật.
Bạn chưa leo đến chùa Ðồng là được xem như bạn chưa đến Yên Tử Sơn. Người ta kháo nhau rằng “Tu tây tu đông/ Chưa về chùa Ðồng chưa đắc quả tu.”


Thiết kế chùa Đồng trên đỉnh núi cao Yên tử. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Mùa Xuân hay vào những ngày có mây, du khách đứng ở chùa Ðồng – bia Phật (cao hơn 1,000 mét) là đứng trong biển mây. Vì thế Yên Tử Sơn xưa kia còn có tên là Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng). Nhìn thấy mái chùa – bia Phật mờ mờ ảo ảo. Mây chợt đến chợt đi, mây lúc ở trên cao, lúc xuống thấp vây quanh chóp núi. Bấy giờ khách cảm nhận hết ý nghĩa của thế giới huyền ảo phù vân!

Nhưng vào lúc trời quang mưa tạnh, khách phóng tầm mắt nhìn xa về phía Đông, người ta thấy được nhấp nhô những quần đảo của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, phía Nam là sông Bạch Ðằng. Ðứng trên đỉnh Yên Tử, chúng ta lại có dịp ngẫm nghĩ thêm về nhà Vua Trần Nhân Tông, có phải chăng sau hai lần non sông tan nát điêu linh vì giặc Nguyên Mông, thế núi Yên Tử Sơn là một nơi tháp canh tốt nhất để theo dõi bóng quân thù luôn luôn mang mộng xâm chiếm nước Nam.

Có phải chăng Vua Trần Nhân Tông lui về trên đỉnh Yên Tử là vừa để tu hành cho tròn chữ Ðạo vừa âm thầm lo lắng bảo vệ cho đất nước Đại Việt.

Nhưng đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay thì đã có cáp treo để đưa khách thập phương đi từ chặng chùa Giải Oan cho đến chùa Hoa Yên, nên mọi người đỡ mệt rất nhiều. Vì vậy càng ngày càng có nhiều khách thập phương thích đi lên lưng trời bằng thang máy! Khách còn để dành sức để đi chùa Lân ngay chân núi, mà bây giờ được gọi là Trúc Lâm Yên Tử Thiền Viện nguy nga to lớn mới được hoàn thành từ hơn chục năm nay
.
Bảng chỉ dẫn đường lên chùa Đồng. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ở Thiền Viện, ngoài tượng Phật, tượng Tam Tổ được thờ trong điện, khách còn được xem danh tánh của những người bỏ tiền bỏ của xây chùa để quảng cáo cho chính họ. Những người mượn Phật mượn chùa để mua danh chẳng bao giờ hiểu được bốn chữ “Phù Vân Yên Tử.”

Tôi chợt nhớ câu chuyện dân gian kể lại, Phù Vân Quốc Sư đã dạy Vua Trần Thái Tông (ông nội của Vua Trần Nhân Tông) một câu kinh như thế này: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, đó là tâm Phật!” Nếu con người chỉ vì hư danh thì làm sao người ta có tâm Phật! 

(Trần Nguyên Thắng) [qd]

Không có nhận xét nào: