Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Một tuổi già hạnh phúc - Bs Đỗ Hồng Ngọc

Có tuổi già không?

Các đây gần 20 năm, khi đến thăm GS Trần Văn Khê ở Paris về, tôi có viết một bài trên báo tựa là “Đời thường GS Trần Văn Khê”, đã thân tình gọi ông là “một ông già Nam Bộ dễ thương”, bất ngờ bị ông Khai Trí – chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon mà ai cũng biết – lên tiếng cự nự, trách tôi tại sao dám gọi ông Trần Văn Khê là mộtvaan “ông già” khi ông mới 77 tuổi, dù là “một ông già dễ thương” bởi theo ông Khai Trí, không có cái tuổi nào gọi là tuổi già cả! Ông dẫn chứng bằng một câu trong sách Tây mà ông đã đọc từ xưa:

<!>

“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ;

30-40 tuổi, đang trẻ;

40-50, hãy còn trẻ;

50-60 trẻ không ngờ;

60-70 trẻ lạ lùng!

và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”…

“Thấy chưa? Có cái gì là già đâu?”, ông Khai Trí bảo tôi!

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời bạt cho cuốn Gió heo may đã về của tôi (1997) thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ… Không có già không có trẻ…”. Nói khác đi ta không bao giờ nên nói với một người trẻ “Tôi già rồi!”, vì nói như vậy là “vô lễ”! Phải nói “em là tôi và tôi cũng là em!” mới đúng. Thế nhưng, chính nhạc sĩ có lúc cũng đã thấy “cát bụi mệt nhoài” của mình mà đành phải “…về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS). Cuồng phong cánh mỏi rồi đó thấy chưa?

André Maurois thì khác. Ông nói có già có trẻ. Nhưng, ông lại nói có những người mới hai mươi mà đã già trong khi có những người ngoài tám mươi hãy còn trẻ! Và chính ông, khi ngoài tuổi 80, ông đã viết một cuốn sách cho tuổi hai mươi, bày cho họ một lối sống thành công và hạnh phúc!

Kinh nghiệm riêng tôi thì thực ra mình chẳng bao giờ biết mình đã già cả! Bạn bè cùng lứa mình già thì có chứ mình thì không! Cho đến một hôm có người bạn cũ kể chuyện nửa thế kỷ trước đã từng đi câu cá, đi hái chùm ruột trộm… ở quê nhà với mình, rồi đột nhiên cười lỏn lẻn bảo bây giờ em đã là… bà Cố thì mình mới giật mình đánh thót! Mới vài năm trước đây, ở tuổi 72, khi được mời đi nói chuyện đây đó, tôi tự giới thiệu tuổi mình, thính giả vổ tay rào rào và nói trẻ quá, tưởng mới sáu mươi thôi chứ. Khoái chí, năm rồi, tôi tự giới thiệu mình 74, ai nấy im re! Thì ra có một cái “cột mốc”! Nhớ lại hồi 15 mà coi, tự dưng ta cao phổng lên, tay chân lòng thòng, tóc râu tua tủa, mắt sáng mày tươi… đó là cái tuổi dậy thì, bây giờ tới một cột mốc khác, mọi thứ quay ngược lại: già tốc hành, già khú đế, “nhìn lại mình đời đã xanh rêu!” (TCS) . Vậy thì có cái già đó. Vấn đề là làm thế nào để có một tuổi già hạnh phúc, già mà khỏe, mà vui!

Cụ bà Như Không viết lúc ngoài tuổi 80:

Rù rờ đổ vở thật là hư!

Chẳng biết mần răng được nữa chừ!

Ăn uống vãi rơi làm họ bực

Vào ra đụng chạm thấy mình dư…

Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn

Để trước quên sau kiếm mệt đừ

Đâu biết ngày nay ra thế ấy

Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

“Một tuổi già hạnh phúc” viết riêng cho những người đã già, đang già, sắp già, để cùng nhau chia sẻ những tâm tình, những kinh nghiệm riêng tư…

Sống trong hiện tại

Có lần tôi viết một bài về người già có tựa là: “Già sao cho sướng?”, không ít bạn bè vừa đọc cái tựa đã kêu lên: Quái, cái ông bác sĩ này bây giờ bày đặt viết chuyện “tục tĩu”!

Cái chữ “sướng” thiệt là tai hại, gây hiểu lầm nhiều quá!

Thiệt ra “sướng” tôi dùng đây là trái với “khổ”. Phật dạy “sinh bệnh lão tử” là khổ, thương yêu mà xa cách là khổ (ái biệt ly), oán ghét mà gặp gỡ là khổ (oán tắng hội), mong muốn mà không đạt là khổ (cầu bất đắc); ngũ uẩn không điều hòa là khổ…

Kể đủ thứ “khổ” như vậy thực ra không phải để bi quan, yếm thế, mà trái lại, khi đã nhận chân được sự thực thì sẽ có cách giải thoát khổ đau; Như người thầy thuốc phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm ra được nguyên nhân thì mới có phương cách chữa trị hiệu quả.

Già là một cái khổ không chối cãi được. Ít có ai già mà khăng khăng bảo mình sướng lắm, sướng lắm chớ! Sướng sao nổi. Lực bất tòng tâm. Muốn mà không làm được, tức lắm chớ, buồn lắm chớ. Muốn bay nhảy như hồi thanh xuân đâu có dễ! Nhiều nỗi cay đắng ngậm ngùi không tiện nói ra, không biết bày tỏ cùng ai. Người già đôi khi như hổ nhớ rừng: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” (Thế Lữ).

Đó là không kể già thì thường có bệnh. Bệnh thì không đơn giản. Đủ thứ bệnh ở lục phủ ngũ tạng, “ba cao một thấp”… Bệnh này kéo bệnh kia. Thuốc chữa được bệnh này thì sinh ra bệnh khác. Lòng vòng mãi không dứt.

Một người bạn ở nước ngoài về cho biết, lúc này bạn bè có tuổi của mình bên đó bị bệnh “ba cao một thấp” nhiều lắm. Tôi ngạc nhiên hỏi bệnh ba cao một thấp là bệnh gì? Đó là bệnh cao máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (tăng axít béo, cholesterol xấu). Còn một thấp là gì? Bạn nói, một thấp là thấp khớp! Thì ra vậy. Nhưng đâu chỉ có ở nước ngoài, ở ta bây giờ cũng đầy “ba cao một thấp” đó thôi. Mấy năm trước, tỷ lệ tiểu đường (type II) rất thấp, nay đã tăng gấp mấy lần. Bệnh tim mạch, huyết áp, thấp khớp, béo phì… đang tăng nhanh. Ra đường bây giờ thấy thanh niên trai tráng thì cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng, còn người già thì cà lết cà nhắc tập đi bộ, huơ tay múa chân thiệt là náo nhiệt!

Có một nhà báo nằm mơ thấy mình gặp thượng đế, và xin được phỏng vấn ngài. “Được, muốn hỏi gì thì hỏi”, thượng đế nói. Nhà báo bèn thưa: “Từ lúc tạo ra loài người đến giờ, ngài có thắc mắc hay ngạc nhiên gì về họ không?”.

“Nhiều lắm”, thượng đế trả lời: “Ta ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn rồi thì mong cho nhỏ lại! Ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc trẻ thì đem hết sức khỏe ra để kiếm thật nhiều tiền để rồi sau đó đem tiền ra phục hồi… sức khỏe! Lại nữa, ngạc nhiên thấy con người luôn sống trong tương lai hoặc trong dĩ vãng, mà tương lai thì chưa tới, dĩ vãng đã qua rồi, nên có thể nói con người chưa bao giờ… biết sống cả!”.

Sống trong hiện tại “ở đây và bây giờ” chính là cách sống tốt nhất của người già vậy.

Già kiểu nào thì tốt ?

Già là một vấn đề sinh học, nhưng trước hết là một vấn đề văn hóa. Về sinh học, người ta có thể “đo già” bằng nhiều cách như đo mức tăng huyết áp, khả năng điều tiết của thủy tinh thể, khả năng nghe…

Ta biết mạch máu giống như cái ống dẫn nước bằng cao su, dùng càng lâu càng khô cứng, không dẻo dai như lúc mới. Càng có tuổi, mạch máu càng căng giòn, huyết áp tăng dần lên và do đó mạch máu dễ vỡ. Thủy tinh thể ở mắt như một cái ống kính của máy hình, co dãn để điều tiết nhìn gần nhìn xa, khi có tuổi, độ co dãn không còn linh hoạt nữa, đơ cứng và vì thế phải mang “kính lão” để điều chỉnh mỗi khi cần đọc sách báo…

Có nền văn hóa, ở đó người ta ham già, mong chóng già; có nền văn hóa người ta sợ già, trốn già. Ở Đông phương ngày trước, với nền văn minh lúa nước: “kính lão đắc thọ”, “già làng”, “lão làng”, người ta thích già sớm, có khi phải sắm vai… già. Ở Tây phương tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, nên người ta che giấu tuổi già, luôn sắm vai… trẻ. Cái gì quá cũng trở nên lố bịch. Chưa già mà làm bộ già đã khó coi, quá già mà làm bộ trẻ càng khó coi. Tiếng Việt ta rất hay, có già cả, già khú, già khú đế, già dê, già dịch, già không nên nết…!

Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, truyện cười bên Tây… hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn một bà già thì là mụ phù thủy độc ác. Ta thì khác. Ông Bụt, ông Tiên trong cổ tích luôn là một ông già phúc hậu nhân từ, bà Tiên thì hiền lành, xinh đẹp, hiện ra giúp đỡ mọi người.

Trong một thế giới “toàn cầu hóa” như hiện nay thì sự phân biệt già Tây, già Ta không còn rạch ròi rõ nét như xưa. Người ta quan tâm đến chất lượng cuộc sống (quality of life) của người già nói chung. Chất lượng cuộc sống là “những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).

Một bà cụ “nhà quê” sống vui với cánh đồng lúa vàng, với dòng sông xanh mát, cá kho tộ, canh chua, bông bí chấm kho quẹt được con cái – nay là đại gia – hiếu thảo mang về thành phố với phòng máy lạnh, ăn uống toàn cao lương mỹ vị… chắc chắn sẽ rất buồn khổ, chỉ mong tìm cách trốn thoát.

Người già còn khỏe, có thể “tự lập” được nhưng con cháu… quá chiều chuộng, quá “hiếu thảo”, đút từng món ăn, nâng từng bước đi, bắt khám bệnh liên tục, bắt uống thuốc liên tục sẽ… làm cho nhanh chóng kiệt quệ và trở nên lệ thuộc.

Sức khỏe của người già

Sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng nhất để có một tuổi già hạnh phúc, có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… đều phải già, nếu sống lâu dĩ nhiên! Còn ta, ta chần chờ, chểnh mảng, làm ngơ… Đi đâu mà vội…

Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già… khú, rồi già “khú đế” một cách đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức. Lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác. Tai không nghe rõ, có khi điếc đột ngột. Nói không trôi chảy nữa, lúng ba lúng búng. Mắt nhìn hết tinh… Thay kính này kính khác rồi cuối cùng đành đi mổ thay thủy tinh thể nhân tạo…! Do đó, nếu không được chuẩn bị trước để “welcome” tuổi già một bước, ta hụt hẫng, ngậm ngùi, cay đắng, làm khổ mình và làm khổ cho những người chung quanh!

Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn trong từng năm từng tháng từng ngày. Tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật , Thụy Điển có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khoẻ cũng như về tâm lý xã hội. Rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bệnh mạn tính, người gìa còn được học vi tính để có thể “giao du” với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng…Họ vừa có thể sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với nhóm bạn cùng lứa, tâm đầu ý hợp!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Đây là một định nghĩa nói chung, còn với người già thì định nghĩa có khác một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở chỗ đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), sau đó mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi ai cũng biết tuổi già, thể chất đã dần rệu rả, quá “date”, nên chất lượng cuộc sống chính nằm ở “tâm thần” có an lạc, hạnh phúc hay không mà thôi!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ. Khẩu hiệu đưa ra là: “Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào?

Có bạn hỏi thật hay! Tại sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà dám viết về… người già? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa – bác sĩ của trẻ con – nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy “nhóc” mà tôi đã và đang chăm sóc cũng sẽ trở thành một người già, và hơn thế nữa, tôi nay cũng đã là một bác sĩ… già! ! Nửa thế kỷ trước, khi còn là sinh viên y khoa thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, tôi đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các “nhóc” đó cũng đã 50 cả rồi đó. Còn mấy chú nhóc mà tôi có dịp khám chữa bệnh mấy chục năm qua thì bây giờ lại thấy mang trên tay một chú nhóc khác – là con của chú – đến khám! Thời gian đã trôi qua lúc nào đó vậy? Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách gọi! Bác sĩ Từ Giấy trước đây thường nhắc chúng tôi: “ Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho mẹ… các “cụ” được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các “cụ”… bú; phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho các cụ; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi ấu thơ như không nên uống rượu, không nên hút thuốc lá v.v… để tránh ung thư, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng; rồi phải dạy các cụ có thói quen tốt như tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để tránh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, thấp khớp… Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng cao, nhưng khi nói đến “lão khoa”, hình như người ta quan tâm nhiều đến bệnh tật hơn là đến sự sảng khoái (well being) toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của người già. Các thầy thuốc lão khoa tuy giỏi chuyên môn nhưng phần lớn chưa đủ già để trải nghiệm, để thưởng thức…cái già, để hưởng thụ …cảnh già!

Nhiều lần tôi có dịp chứng kiến cảnh con cháu khóc lóc bên giường bệnh của ông bà, cha mẹ già đang hấp hối ở bệnh viện. Họ tự trách mình và không ít người thốt lên sẵn sàng bán nhà bán cửa để lo cho các cụ! Nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Thế sao trước đó, khi ông bà, cha mẹ già còn đang sống bên ta, ta lại hờ hững, lơ là đến vậy? Không phải bất hiếu chi đâu, chẳng qua nghĩ: còn lâu! Còn lâu, ông bà, cha mẹ mình mới già, mới lìa xa. Cứ thong thả! Còn biết bao việc “ưu tiên” hơn. Đó là chưa kể khi chung sống không tránh khỏi đôi lúc bực mình: Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư (Như Không)!

Ngay cả ông bà, cha mẹ già cũng không hề nghĩ mình… già, không biết mình già. Nhất là không ngờ cái già nó có thể “gia tốc”, nó có thể “xồng xộc” đến vậy! Dưới mắt ông bà, cha mẹ già thì con cháu lúc nào cũng là một đứa con nít… còn nhỏ xíu dù “nó” đã 40, 50 tuổi đầu! Còn con cháu cũng nhìn ông bà, cha mẹ già như những “người lớn”, luôn khỏe mạnh!

Lại có những người già không muốn bị coi là già, không chịu già. Đi đứng loạng choạng nhưng con cháu đỡ đần thì gạt ra, quát lên “ Tao có già đâu!” để rồi té ngã, gãy cổ xương đùi, gãy khung xương chậu… !

Làm sao biết đã… già?

Như đã nói, cha mẹ già thường nhìn các con 40, 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con thì luôn thấy cha mẹ của mình như một người… lớn khỏe mạnh, chớ không ngờ cái già nó đã “xồng xộc” đến với họ, đã làm thay đổi bản thân họ mà chính họ cũng không hề hay biết!

Cho nên muốn biết cha mẹ đã… già chưa thì chỉ còn có cách “lén” quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường và những vấn đề về sức khỏe của tuổi già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt. Nhưng biết để quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa cả thì rất không hay!

Trước hết hãy quan sát… coi cái bề ngoài của họ ra sao. Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Có “mặc kệ” sao cũng được mọi thứ về chuyện chăm sóc bản thân mình không? Trí nhớ họ còn tốt không hay đã bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại hoài một chuyện? Họ có loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt hay tòang teng trên cổ không? Họ có nghễn ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ hỏi đi hỏi lại hoài một chữ không? Họ có kêu TiVi mờ, điều chỉnh tới lui cũng không rõ hoặc kêu sách báo lúc này sao in chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt đất như chân mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò ga, quên khoá cửa nhà… không? Chờ đến lúc họ không còn nhớ tên con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường đi lối về và rồi quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã… Alzheimer nặng!

Để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không? Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không hay chỉ thích ngồi im một chỗ như “đang lắng nghe im lặng đời mình” (TCS)? Họ có ôm TiVi suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời không?

Để ý coi họ có đã bắt đầu thở hồn hển nặng nhọc… khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức giấc đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món ăn quen thuộc không? Họ có bị bón rặn hì hục cả ngày không?…

Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của một tuổi già. Và, có một “kế hoạch già” là cần thiết rồi đó!

“Kế hoạch già”?

Có một “kế hoạch già” thì dĩ nhiên tốt hơn cứ để đến đâu hay đến đó. Nhưng không phải dễ làm một kế hoạch như vậy. Con cái có hiếu có thể giúp một tay! Nhớ rằng lơ là một chút thì trách sao bỏ mặc, còn quan tâm một chút thì kêu “ không có gì qúy hơn độc lập tự do”…! Cho nên cần một kế hoạch… lỏng lẻo và uyển chuyển để tùy cơ ứng biến.

Tuy vậy, vẫn có những nguyên tắc chung cho một “kế hoạch già”, chẳng hạn dựa trên Tháp nhu cầu của Maslow, áp dụng vào hoàn cảnh người già, ta sẽ thấy ngay cần phải chăm sóc như thế nào cho thỏa đáng, không gây phiền hà mà cũng không thiếu sót. Những nguyên tắc này cũng giúp người già tự đánh giá “Chất lượng cuộc sống” của chính mình hiện nay ra sao.

Đó là tìm cách đáp ứng 5 nhu cầu thiết yếu của người già:

1) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của “tồn tại” như : cái ăn, cái mặc, cái ngủ, cái thở, vệ sinh… , nói chung “tứ khoái” mà người xưa thường nói, cả vận động thể lực, đi đứng nằm ngồi, chữa trị bệnh tật…

2) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn để tránh té ngã, đèn đóm đủ sáng, toilet không trơn trợt, môi trường xung quanh an ninh, an toàn cho sức khỏe… và, đảm bảo tối thiểu về… tài chánh!

3) Nhu cầu tình cảm, xã hội: giữ các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, với con cháu, với bạn bè, xóm giềng, cộng đồng… Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên;

4) Nhu cầu tự khẳng định: có nếp sống tự tại, không bị áp đặt; có được sự tôn trọng và chấp nhận của mọi người, tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội tùy năng lực để vẫn thấy mình hữu ích…

5) Nhu cầu tâm linh: hiểu luật vô thường, từ bi với mình, hướng thượng, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, phúc đức tổ tiên ông bà…!

Chất lượng cuộc sống

Chăm sóc sức khỏe người già không chỉ lo điều trị cho hết bệnh mà còn phải lo phục hồi sức khỏe, quan tâm đến “chất lượng cuộc sống” của họ!

Do tuổi già, các hoạt động chức năng của cơ thể đã sút giảm, phần lớn đã hoặc đang “quá date”, không còn được như xưa, đặc biệt dễ nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm lý ngày càng phức tạp khiến chất lượng cuộc sống càng xuống cấp nhanh chóng. Già không phải là bệnh nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc bệnh thì mắc nhiều thứ một lúc! Bệnh này sanh bệnh kia. Chữa dứt chỗ này đã xì ra chỗ khác.

Lệ thuộc vào thầy vào thuốc thì chất lượng cuộc sống càng tệ hại. Bởi chỉ có mình mới biết rõ mình thôi! Đã đến lúc nên biết sống một mình, biết “độc cư”, biết “tự tại”! “Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời như vô tận/ Một mình tôi về…/ Một mình tôi về/ Với tôi…” (TCS).

Chất lượng cuộc sống ( Quality of life) được định nghĩa là “ Những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”. (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).

Cảm nhận riêng mình, trong bối cảnh văn hóa, trong hệ thống giá trị… của riêng mình! Cho nên một “bà mẹ quê” sẽ chịu không nổi khi con cái hiếu thảo đưa về thành phố, nhốt trong phòng máy lạnh, ngày ngày cho uống sữa và ăn các thức cao lương mỹ vị, tháng tháng đi bác sĩ kiểm tra, ôm về một đống thuốc… sẽ khổ sở biết chừng nào khi nhớ đến sông nước, đồng lúa, cá kho tô, canh “rau đắng mọc sau hè” của mình!

Có một bảng chỉ số giúp đo đạc chất lượng cuộc sống trong lãnh vực sức khỏe gồm các yếu tố thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người già có thể tự đánh giá và điều chỉnh, thích nghi:

Về thể chất chẳng hạn, ăn uống tốt không, có đủ chất không, có đủ năng lượng không? tiêu tiểu có bình thường không? có bị táo bón, rối loạn tiêu hóa gì không? hít thở dễ dàng không? có mệt mỏi, đau nhức thường xuyên không?… giấc ngủ thế nào? v.v…

Về tâm lý thì tự nhìn nhận bản thân mình thế nào, có “tự hào” dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn như thuở nào không hay “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”? Có những cảm xúc tiêu cực hay tích cực khi nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm chung quanh… Tự đánh giá về khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ, khả năng tập trung của mình ra sao?

Về tính độc lập: mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt cá nhân thế

nào? Có bị lệ thuộc nhiều vào thuốc men? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Về các mối quan hệ với gia đình, với bạn bè?

BS Đỗ Hồng Ngọc.

Không có nhận xét nào: