Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Một chuyện khó tin. - Sơn Nam

 

Thời Pháp thuộc thực dân khoe khoang đã sửa đổi vùng bùn lầy Bến Nghé trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng đồng bào ta xác nhận rằng bên cạnh Hòn Ngọc ấy còn nhiều vùng quá chậm tiến gọi là Hóc Bà Tó, Voi Bà Khẹt, Cù Lao Heo, Rạch Ba Rộng Ba Hẹp, Đồng Chó Ngáp, chốn "khỉ ho cò gáy", "chó ăn đá, gà ăn muối" và theo lời truyền khẩu, ở các vùng nói trên, đồng bào ta sống trong địa đàng, chưa chịu ảnh hưởng của văn minh Tây phương. Nhiều cụ già hơn tám mươi tuổi, tuyệt nhiên chẳng thấy một cái xe đạp nào cả. Rõ ràng là nếp sống của Trúc Lâm thất hiền theo nền "văn minh thảo mộc", nhà cửa, giường chiếu, bàn ghế, ghe thuyền đều bằng nguyên liệu cây cỏ, chế biến ra.
<!>

Ở Rạch Giá, Cà Mau nổi danh chậm tiến là chốn U Minh.

Ở U Minh, thiên hạ ngán vùng U Minh Thượng hơn là U Minh Hạ.

U Minh Thượng đáng sợ vì các "nhân vật" ở rải rác trong rừng đều uống rượu khá nhiều, ăn nói huyên thuyên. Quan lớn Pháp gọi đó là thái độ dối trá của người Á Đông! Biết sao bây giờ! Nếu im lặng thì họ bảo là sự thâm hiểm khó lường.

Xóm người ở U Minh Thượng tuân theo các luật lệ do chánh phủ Pháp đặt ra và không đặt ra.

Người thốt câu nói ấy cho tôi nghe, là ông hội đồng Liệt, một chủ ruộng lừng danh gốc U Minh Thượng. Năm nay ông hội đồng đã bảy mươi tuổi, cầm cự với chứng bịnh nan y, nhờ thỉnh thoảng hút vài điếu á phiện (theo toa đặc biệt của bác sĩ). Ông tản cư ra chợ từ năm 1946, hùn vốn mua bán.

Và để minh chứng, ông hội đồng mời tôi nằm xuống chiếc gối bằng sành để ngửi khói. Ông cho rằng á phiện làm cho tâm hồn sáng suốt, bình tĩnh và người nằm bên cạnh (như tôi) sẽ bớt hoài nghi khi thâu nhận những chuyện khó tin xảy ra hồi mấy chục năm trước. Đời là hư vô!

Hồi gần cuối năm 1940 thì phải, ông huyện Hàm T kiêm chức cai tổng bỗng nhiên truyền lệnh cho chú hương ấp C:

- Phải bắt tất cả những người trốn thuế thân rồi giải họ đến nhà tôi! Kỳ hạn hai ngày.

Hôm sau chú hương ấp đến khúm núm xin gặp ông huyện Hàm:

- Bẩm quan, tôi đã tuân lời, đâu đó xong xuôi, đầy đủ.

Ông huyện Hàm sửng sốt, rời chiếc ghế trường kỷ:

- Bộ mầy giỡn với tao sao chớ? Bắt được mấy đứa?

- Dạ hơn hai chục.

- Họ ở đâu rồi? Tại sao không cho biết trước để tao giao cho mày vài chục cái còng?

Chú hương ấp càng sợ sệt, liếc nhìn phía bến sông rồi nói khẽ:

- Bẩm quan, tôi giải họ tới đây rồi. Họ ngồi lủ khủ trong chiếc ghe của tôi đậu tại bến. Vì thiếu còng nên tôi tạm buộc tay họ bằng dây bẹ chuối.

Nghe chưa dứt lời, ông huyện Hàm bước tới đóng cửa kín mít, gài chốt cẩn thận. Mặt chú hương ấp tái mét, chú quỳ xuống lạy:

- Xin quan xét lại cho tôi nhờ!

Ông huyện Hàm chụp lấy cái chuông nhỏ, rung lên. Leng keng! Leng keng!

Giọng của ông huyện nói xen vào tiếng chuông:

- Cậu Hai đâu? Nhốt thằng này trong chuồng khỉ lập tức.

Từ phía nhà dưới, cậu Hai đáp:

- Con đây. Có con đây. Hồi lâu, cậu Hai nói tiếp:

- Còn chú hương ấp kia! Sao chưa chịu vô trong chuồng khỉ dưới này mà ngồi? Xuống đây!

Chú hương ấp lồm cồm đứng dậy, đi rón rén xuống nhà dưới. Cái chuồng khỉ hiện ra trống trơn, đại khái giống như kiểu chuồng nuôi chồn, chung quanh giăng lưới dây kẽm.

Cậu Hai đi tới đi lui, cầm trái chuối vừa lột vừa ăn ngốn, mái tóc chải láng bóng. Cậu trợn mắt:

- Thì vô trong lồng đó cho cha tôi mát ruột. Lát nữa mình tính toán sau, chuyện dễ quá. Khỉ nhà bữa nay ra vườn dạo mát rồi.

Nghe qua hương ấp mừng phấn khởi, toan ngỏ lời cám ơn cậu Hai nhưng cậu đã bước ra cửa sau đi mất dạng. Hương ấp tự ý ngồi xuống, mở gói thuốc rê, vấn hút. Theo lời đồn đại của giới thân cận thì cậu Hai chỉ mang tật "rắn mắt", ngỗ nghịch, chớ chưa đánh đập, chém giết ai bao giờ. Đối với cha mẹ, cậu vẫn ngang tàng như thường. Nghe đâu, phen đó cậu tập dượt võ nghệ ngoài sân, thường lệ vào mỗi buổi sáng, rồi vào nhà xăm xăm đến sát bên cạnh bà huyện Hàm. Biết phận mình là kế mẫu, bà huyện sẵn sàng nêu gương ôn hòa, khoan dung để tránh tai tiếng không hay về mẹ ghẻ con chồng.

- Này cậu Hai! Cậu làm gì vậy? Khó coi quá.

Cậu Hai chống nạnh, ưỡn ngực nói:

- Gì mà khó coi! Tập nghề võ lai rai chơi vậy thôi mà bà!

- Nhưng cậu đã lớn tuổi, có vợ, có con. Cậu tha hồ tập dượt ngoài sân nhưng đứng kế bên tôi, xin cậu đường hoàng một chút.

Tức thì cậu Hai chụp cây kéo, nhấp lưỡi kéo thật nhanh để thị oai rồi kê lưỡi kéo vào đầu tóc của người dì ghẻ.

Bà huyện trẻ tuổi la rú lên:

- Trời! Ông nó ơi! Cậu Hai đòi cắt đứt đầu tóc tôi nè!

Từ trên dinh đường, ông huyện chụp lấy cây roi mây thật to, chạy xuống, đập túi bụi. Cậu Hai nhanh chân bôn tẩu, nói vói lại với cha:

- Xí hụt! Ông dám đánh tôi nhưng nào trúng vào tôi! Xí hụt! Đây là đường quờn "chung cổ tề minh". Chuông và trống kèn vang một lượt. Tay múa, chân đá!

Ngồi trong chuồng khỉ, chú hương ấp vấn thêm điếu thuốc.

Cậu Hai bước vào nhà nghiêm mặt:

- Này hương ấp! Nãy giờ ba tôi có xuống đây không?

- Dạ không.

- Chắc ông mê xem chuyện Phong Thần, Tây Hớn gì đó. Tôi long trọng cho phép chú bước ra khỏi chuồng khỉ để chờ coi ba tôi tính sao cái đã!

Tuy mừng thầm nhưng hương ấp vẫn dè dặt lắng tai nghe từng tiếng động ở nhà trên. Dường như cha con ông huyện nói qua nói lại khá lâu, nói nhỏ nghe xì xào. Chừng trở xuống mặt mày cậu Hai tươi rói:

- Ra mau! Mình có chuyện đi gấp. Ba tôi đã tha tội cho chú.

Chú hương đáp:

- Dạ, cám ơn cậu Hai. Tôi có tội nhiều lắm.

Cậu Hai bỗng trợn mắt:

- Ông xạo quá! Ông biết tội gì không?

- Dạ tôi chưa biết tội của tôi.

- Chưa biết tội mà chịu tội thiệt lạ lùng như người không vay mà đòi trả nợ. Ba tôi phạt ông hai cắc bạc về tội gây náo động. Vào hừng sáng ông dẫn tới đây hàng chục người lực lưỡng. Để họ chạy ào vô ăn cướp nhà này hả?

- Tôi chịu phạt. Chẳng hay quan huyện dạy làm sao? Mấy người đó quả tình chưa đóng thuế thân nên họ tới chịu tội.

Cậu Hai chụp lấy cái nón nỉ, đội lên đầu rồi day vào vách:

- Cầm cây dầm đó. Đi theo tôi.

Nỗi lo sợ càng ám ảnh chú hương ấp. Hai người bước ra cửa sau rồi đi vòng xuống bến. Đôi chục người thiếu thuế vẫn ngồi dưới ghe. Họ ngưng tất cả câu chuyện. Kẻ gan lì nhứt là anh chàng hút thuốc ngồi sau lái. Tuy vậy, khi thấy cậu Hai bước xuống cầu ván, cũng đành quăng điếu thuốc cháy dở xuống nước.

- Này bà con nghe kỹ! Gần tết, ba tôi hiền lắm. Ông ra lịnh phạt mỗi người hai cắc. Có ai cự nự gì không?

Cả bọn im lặng. Cậu Hai hất hàm:

- Trả lời đi chớ?

Anh chàng hút thuốc khi nãy đánh bạo nói:

- Thưa cậu, phạt mà chừng nào mới đóng thuế chánh thức?

- Ba tôi tha bổng cho bà con về tội thiếu thuế thân vì tiền thuế là của Nhà nước Tây bày ra. Ba tôi làm việc cho Tây mà ghét Tây lắm. Khi nãy thấy bà con tới đây, ba tôi giận vì bà con dại khờ quá. Ai đời bị trói bằng dây chuối mà không chịu bứt dây để tẩu thoát? Hai cắc là tiền phạt về tội dại khờ đó!

Cả bọn thở phào, vừa mừng vừa giận, rồi từ từ vung tay, bứt toang mớ dây chuối khô héo, quá bở.

Cậu Hai thúc hối:

- Anh em bơi ghe về U Minh Thượng, tự do. Hương ấp nhớ kỹ tên họ từng người rồi góp tiền phạt, đóng trước Tết.

Chờ bọn người ấy bơi ghe đi khuất, cậu Hai cười to:

- Cho họ đi phứt cho rồi. Để chần chờ, họ làm "reo" đòi ăn cơm trưa, tốn hao lắm. Tôi mà làm sao mắc mưu họ được!

Bước xuống chiếc xuồng nhỏ, hương ấp ngoan ngoãn ngồi sau lái mà bơi, đặt mái dầm thật nhẹ sợ gây tiếng động hoặc làm cho xuồng nghiêng.

Cậu Hai nói:

- Bơi mạnh tay lên. Mình cần đi theo tụi nó, để tụi nó tưởng mình tha bổng vì sợ sệt. Tụi nó đứa nào cũng có vết, có thẹo: thiếu thuế thân năm sáu năm liên tiếp, bị tình nghi chống nhà nước Pháp, tù vượt ngục, ăn trộm trâu, nên chẳng đứa nào dám ra chợ Rạch Giá mua bán hoặc sắm đồ tết. Bị phạt hai cắc thì tụi nó mừng như cha mẹ đẻ lần thứ hai. Bằng không thì bị giải ra chợ ở tù, năm sáu bản án chồng lại. Nè! Chú có nghe hồi nãy tôi nói tới hai tiếng "tự do" không? Tôi nói để "bắt nhãn", để tụi nó hiểu ngầm rằng tôi biết lý lịch từng đứa. Đứa nào cũng muốn tự do.

Mái dầm của hương ấp khuấy nước đều đều. Một con muỗi đáp ngay màng tang, cắn no máu; hương ấp chưa dám buông dầm đập muỗi e tiết lộ một cử chỉ khác thường.

- Chú hương ấp... thì lai lịch cũng giống hệt tụi nó thôi.

Giật mình, chú hương ngưng tay lại:

- Trời, tội nghiệp cho tôi mà cậu Hai! Tôi theo chánh phủ Pháp, trung thành.

- Giả ngộ hoài! Chú họ Lê, tên Mẹt. Ma quỷ nó tin lời khai của chú chớ ai mà tin. Chú cũng dám là Nguyễn Văn Quỵt, tù vượt ngục gì đó. Mà thôi, cứ bơi xuồng, bơi tự do kiểu mấy cha nội hồi nãy. Đ.m. mấy cha chơi "cuội" theo kiểu dân thất nghiệp rủ nhau đánh võ đài ăn tiền độ, chú là đồng lõa!

- Tội nghiệp tôi mà cậu Hai.

- Đừng giận tôi làm chi. Tuổi chú đáng cha đáng mẹ. Ủa! Bơi xuồng mau lên chứ. Cốt ý của tôi là "hù" chơi cho chú sợ, để chú bơi lẹ hết tốc lực. "Mau lên!" "On"! "Đơ"! "On"! "Đơ"! Hễ tôi đếm tới "Troa" thì chú giống như tụi nói. Nguyễn Văn Quỵt mà khai là Lê Văn Mẹt! Bữa nào tôi dẫn chú ra chợ, cho Tây nhìn mặt, biết đá vàng với thiên hạ! "On"! "Đơ"!

Đến xóm giữa U Minh Thượng, họ dừng lại địa điểm gọi là Bảy Ngàn. Nhiều người còn quan niệm rằng: đồng bào ta chưa ý thức rõ rệt về không gian nên dùng những đơn vị đo đạc quá co giãn: xa hai doi đất một "nghìn", đi nửa ngày đường. Địa danh Sáu Ngàn nói trên chứng minh điều gần như trái hẳn. Sáu Ngàn tức là khu vực cách xa bờ kinh Xáng cỡ ngàn thước tây.

Nhà cửa ở đây thưa thớt, đôi khi không vách.

- Bây giờ mình ghé nơi nào, thưa cậu Hai?

Cậu Hai nhìn mấy con chim già sói khổng lồ đậu phơi nắng trên ngọn tràm:

- Bậy quá! Hồi nãy tôi quên cây súng "cà líp xây". Thôi, ghé lại nhà chú. Rồi mình đi dạo xóm. Tôi muốn ghé như vậy để gây thế lực cho chú.

Xuồng ghé bến. Thím hương ấp cúi đầu chào cậu Hai. Nhà hai bên bờ rạch đều mở cửa, ai lo việc nấy. Cậu Hai ghé vào tai chú hương ấp mà nói khẽ:

- Tụi nó dể ngươi vì hồi nãy tôi tha tội, chẳng giam giữ đứa nào. Nhứt định tụi nó biết trước cuộc thăm viếng bất ngờ của tôi. Tụi nó muốn khiêu khích tôi.

Câu nói thốt ra, tỏ rõ từng tiếng như hăm dọa. Thái độ của cậu Hai càng trở nên khó hiểu khi cậu gạt ngang lời kính cẩn của thím hương ấp:

- Tôi đâu mỏi chân hoặc đói bụng khát nước, nếu muốn nằm nghỉ, ăn uống thật ngon thì tôi đã nằm nhà. Cám ơn. Bây giờ chú hương dạo xóm với tôi.

Con đường dọc theo bờ kinh hơi sầm uất, cỡ năm mười bước là phải nhảy qua mương nhỏ. Bỗng nhiên cậu Hai quát to:

- Anh kia! Dừng lại.

Chú hương ấp ngơ ngác, chưa hiểu ất giáp gì ráo; trước mặt cậu Hai chỉ có một ông lão đang hì hục đội mười bó rơm trên đầu. Nghe gọi bất thình lình, ông lão đứng nhìn.

- Ông biết ông có tội gì không? Ông già?

- Dạ không biết, thưa cậu Hai.

- Tội vô ý hủy hoại sanh mạng.

- Dạ sanh mạng của ai vậy cậu?

- Của ông chớ của ai? Rủi gặp kẻ gian ác, họ châm lửa đốt rơm thì ông hóa ra tro bụi. Tôi phạt hai cắc. Lát nữa, hương ấp lại nhà ông mà góp tiền nhớ chưa!

Chập sau, hai người đi qua cầu khỉ, dạo bên kia bờ rạch. Cậu Hai huýt gió bản nhạc Tây rồi chợt cười vang:

- Coi kìa hương ấp, con mẹ ấy phạm tội sát nhân. Chân cậu bước nhanh rồi dừng nơi đầu cầu thang kiểu cầu mà đồng bào thôn quê bắc thả xuống nước để rửa ráy và tắm. Ngồi khuất mình dưới nước, một thiếu nữ nhô đầu lên, ở trần nhưng kéo lưng quần che kín ngang nách.

Thấy chuyện hơi quá đáng, chú hương can gián:

- Thưa cậu, con gái tắm dưới sông. Nếu có gì vô lễ, cậu gọi lên nhà hoặc rầy la cha mẹ cô ta cũng được.

Cậu Hai nói gắt gỏng:

- Chú thấy cái gì không! Bộ chú tưởng tôi mê gái hoặc ăn nói thô tục sao chớ. Thấy cái gì lạ không?

Chú hương nhướng mắt nhìn thiếu nữ rồi nói rỉ vào tai cậu Hai:

- Dạ con nhỏ đó lớn bụng.

- Có chửa thì nói có chửa chớ gì mà lớn bụng. Tại sao chú nói nhỏ tiếng quá vậy? Chuyện đại sự. Chú biết điều nguy hại đó chưa. Tôi để chú nói trước, bằng nói trật tôi cách chức lập tức.

Là người lớn tuổi, hiểu rành cái phương pháp suy luận tréo cẳng ngỗng của cậu Hai, chú hương ấp nói khẽ:

- Dạ, đàn bà có chửa mà ngồi ngâm bụng dưới nước như vậy, chắc chắn đứa nhỏ trong bào thai bị ngộp thở. Để tôi bắt buộc con đàn bà nọ đóng tiền phạt hai cắc cho cậu.

Gian phòng trở nên im lặng. Ông hội đồng Liệt tự ý ngưng nói. Tôi ngáp dài, nghĩ rằng theo đà tưởng tượng ấy, ông hội đồng sẽ thêu dệt thêm hàng trăm câu chuyện cho đến sáng. Thời Nhựt Bổn đánh Trung Hoa tôi đã nghe nhiều tay nằm hút á phiện suốt ngày, đọc có một thứ nhựt báo mà dám bàn tán thao thao bất tuyệt về tình hình quốc tế, về chiến lược quân sự như là ông Tôn Tử tái sanh. Ông hội đồng này phải chăng đã cố tình nói sai sự thật? Tôi nhìn lên trần nhà, theo dõi một con thằn lằn bạch đang rình mồi đớp muỗi. Qua những mẩu chuyện tôi chỉ thích thú khi nghe ông hội đồng nhắc đến cái cầu tắm dưới sông. Danh từ ấy đáng chú ý. Ở miền quá nhiều ao, đầm, sông, rạch thì cái phòng tắm, cái chuồng tiêu đều đặt trên dòng nước, muốn đến đó phải qua một cái cầu. Tôi liên tưởng đến quyển sách khảo cứu về các kiểu nhà ở vùng Đông Nam Á, một hình thức văn minh trên sông nước.

- Nãy giờ cháu nghe bác nói chuyện gì không? Bác nói toàn sự thật, dường như cháu chưa tin.

Tôi đáp nhanh để tránh sự hiểu lầm:

- Thưa bác hội đồng, cháu tin lắm. Vì bác sống vào thời xưa, trong cuộc.

Ông hội đồng trố mắt:

- Cháu nói sao? À, có lẽ cháu ngỡ rằng bác đây là ông hương ấp ngày xưa dẫn đường cho cậu Hai! Thói thường, làm kẻ nói hươu nói vượn để rốt cuộc khen ngợi mình một cách khéo léo. Ông hương ấp là ông hương ấp. Hội đồng Liệt này là hội đồng Liệt, hai người khác nhau đó cháu.

- Vậy lúc đó bác là ai? Bác ở đâu? Làm sao mà chốn U Minh Thượng lại nảy sanh được chức hội đồng sang trọng hơn chức "cậu Hai", chức "huyện Hàm". Thú thật với bác cháu chưa hiểu nên vô tình làm bác phiền lòng.

- Chờ một chút, bác sẽ trả lời vắn tắt, chắc phen này cháu lại càng không tin... Bác hút thêm một cặp mới được. Á phiện giúp mình giàu trí tưởng tượng để bày mưu kế hoặc nói dóc. Á phiện cũng giúp mình quên khổ nhục. À, bác nói tới đâu rồi?

- Dạ tới lúc cậu Hai phạt vạ cô gái ngâm cái bào thai dưới nước, khi tắm.

- Đúng vậy. Phạt xong, cậu tiếp tục hành trình, mặt mày vênh váo.

Quá thắc mắc, tôi hỏi:

- Thưa bác, tại sao dân U Minh Thượng lại ngoan ngoãn chịu phạt vô lý như vậy. Người Việt Nam mình vốn nóng tánh, dám sống chết, liều lĩnh, ít ra họ cũng phản ứng lại.

Ông hội đồng vội ngắt lời tôi:

- Cháu đừng nóng nảy. Sau khi phạt cô gái nọ, cậu Hai và hương ấp đến căn chòi của bác. Hồi đó bác được dân trong xóm gọi là Tư Liệt. Tư Liệt này hồi đó thích uống rượu. Thuở đó, tôi đi suốt ngày trong rừng, làm nghề bắt trăn. Cháu nhớ: đốn củi thì đóng thuế, còn bắt trăn thì miễn thuế. U Minh Thượng thiếu gì trăn. Đến mùa, trăn đực và trăn cái hội lại, mê man hưởng phút trăng mật. Mình gặp quả tang, bắt trọn gói dễ dàng. Da trăn lột bán rất mắc, họ xuất cảng để làm bóp đầm, dây nịt. Hôm đó, tôi bắt được bốn con trăn, bán gần hai đồng bạc bày tiệc ăn mừng với anh em bạn đãi món đặc biệt. Đó là hai hộp sữa bò và hai cân đậu xanh!

Ai nấy đều tán đồng. Họ cho rằng đời mình uống rượu đã nhiều nhưng thiếu chất sữa bò. Đối với đồng bào ở thôn quê thời xưa, khuấy sữa đặc vào nước sôi mà uống là điều vô lý, chỉ dành riêng cho con nít mới đẻ hoặc những cụ gần đất xa trời, cơm cháo nuốt không vô. Vả lại, sữa hộp rất hiếm, bán quá mắc.

Bọn chúng tôi lui cui đốt lửa, ngâm đậu, khui hộp sữa để thí nghiệm nồi chè đặc biệt. Ai nấy cười nói huênh hoang, bỗng nhiên cậu Hai và hương ấp bước vào.

Chúng tôi đứng dậy chào, cậu Hai nói:

- Đường ở đâu? Tôi không thấy? Các cha này làm cái gì lạ quá! Hồi cha mẹ đẻ tới từng tuổi này, tôi chưa thấy ai ngạo mạn như vậy. Cha mẹ tôi sang trọng mà chưa dám xài phí theo kiểu của mấy cha đó! Hồi sáng tới giờ, tội này là tội nặng nhất so với tội trốn thuế thân, tội có thai mà tắm. Cả bọn im lặng.

Cậu lại nói:

- À! Tôi biết rồi mấy người ăn uống sang trọng trước mặt tôi để chửi tôi. Nấu chè với sữa hộp! Muốn làm vua xứ này hả?

Tôi thay mặt anh em để trả lời:

- Thưa cậu, cậu suy nghĩ quá xa rồi.

Cậu Hai quát:

- Câm miệng lại. Đừng vô phép, chưa chi đã cắt đứt lời nói của tao. Tư Liệt! Mầy biết tao muốn nói điều gì không? Đồ thâm độc! Mầy nấu đậu xanh với sữa bò thay vì nấu với đường để ám chỉ rằng gia đình tao bực nhứt vùng này nhưng cũng chưa dám tiêu xài như vầy!

Tôi đáp:

- Tụi tôi đâu dè cậu lên đây thăm viếng dân tình. Có lẽ cậu tức mình, ganh tị với cái sung sướng! Còn bảo rằng tụi tôi khoe tiền thì vô lý quá. Lâu lâu bắt được vài con trăn, thử bày cách ăn uống này để bù đắp cả một cuộc đời hẩm hiu.

- Mầy nói tao ganh tị với mầy hả? Đi theo tao mau lên. Lát nữa mầy trả lời với ba tao.

Đến nhà ông huyện Hàm, tôi ngồi chờ hồi lâu. Chẳng hiểu cha con ông huyện bàn tán với nhau điều gì, chỉ biết là chập sau người nhà của ông đuổi hai con khỉ đột trong chuồng ra, rồi nhốt tôi vào đó thay thế. Tôi chưa tin rằng: Khỉ là thủy tổ con người. Vì vậy, ngồi trong chuồng khỉ, tôi dửng dưng, chẳng thèm suy nghĩ về lẽ tuần hườn, đầu thai. Hồi sau, cậu Hai xuống nhà gặp tôi. Cậu ta không cau có, la hét như tôi tưởng:

- Này Tư Liệt, ba tôi nói đây là thể diện của nhà nước Pháp. Nếu, bọn người bất hảo ở U Minh Thượng đều ngỗ nghịch phạm thượng như chú thì lần hồi có loạn lạc, nhà nước Pháp kéo binh vô bắn giết, tốn hao xương máu người An Nam mình. Ba tôi cũng chẳng muốn bỏ tù chú hoặc hành hạ thân xác chú. Ổng bảo tôi tới đây khuyên nhủ chú nên liều mạng!

Nghe qua, tôi sảng sốt. Cậu Hai nói tiếp:

- Ủa, tôi nói thật. Làm liều chứ chưa phải liều mạng! Chú nên chuộc tội cho chú và chuộc thể diện cho tôi. Lát nữa, chú phải ăn một cục cứt khỉ! Dễ quá! Chết chóc gì mà sợ! Tôi cần có tiếng đồn đại trong xóm như vậy thôi! Rồi ba tôi tha tội cho chú về ăn tết. Uống thử đi, rồi muốn nấu chè với sữa bò hay sữa cọp, sữa nai gì cũng được. Đây là thể diện dòng họ tôi. Tá điền mà ăn uống sang trọng hơn chủ điền, đó là tội khinh quân.

Tôi mỉm cười. Quá giận, tôi trở nên tỉnh táo lạ thường. Đời là thế. Thánh nhân đã nói: sanh, lão, bịnh, tử là thế. Tôi gật đầu, kèo nài:

- Cám ơn cậu Hai, nhưng tôi nào phải là thánh nhân hoặc là anh hùng. Họ dám lãnh bưng chén thuốc độc lên môi để chết vinh. Đằng này, bưng chén cứt khỉ uống để mà sống nhục, khác xa nhau quá!

Cậu Hai cười giòn:

- Tư Liệt ăn nói nghe ngộ thật. Ăn cũng ngộ mà nói cũng ngộ. Chú muốn gì?

- Tôi muốn uống một "xị" rượu, để quên mùi trần thế trước khi chịu hình phạt.

- Dễ quá! Vậy mà nãy giờ chú nói xa nói gần, nói cái gì mà thánh nhân anh hùng. Rượu đây. Uống cái này rồi nhớ uống luôn cái thứ kia nghe cha nội! Gọi là... Hơi men khiến tôi ngà ngà say. Tôi uống nhanh cái chén đựng "cái thứ kia" rồi đi tắt ngang rừng tràm, về xóm Bảy Ngàn. Ai hỏi câu gì, tôi đều nín lặng. Sự nín lặng không là vàng, là bạc, là chì nhưng là thứ xấu xa nhất. Đoán chừng hai ba hôm sau cậu Hai sẽ cho người đến xóm Bảy Ngàn loan tin ấy để hạ nhục, tôi rút vào U Minh qua tận nơi giáp ranh với rạch thầy Quơn mà cất chòi, đốt lửa. Lửa cháy rừng để lộ ra một giồng cao ráo, đào xuống là gặp mạch nước ngọt. Thế là đại phú do thiên, tiểu phú do cần. Tôi làm giàu, trở thành điền chủ là nhờ tai nạn ấy và nhờ thời vận.

° ° °

Thuật chuyện tới đây, ông hội đồng Liệt lồm cồm ngồi dậy, rót nước trà đậm, rồi nằm trở xuống chiếc gối sành. Động tác của người ghiền á phiện "quanh quẩn mãi với một vài ba dáng điệu", vì thiếu am tường về kỹ thuật chuyên môn tôi khó tả lại. Tôi từng nghe vài bạn quả quyết rằng: qua cách khui hộp nhựa, cách cầm tiêm, ta có thể phán đoán nội tâm của người bạn ghiền. Nãy giờ, dường như ông hội đồng Liệt bộc lộ nhiều cảm tình đối với tôi hơn trước. Mắt ông nheo nheo, "tay cầm tiêm như Triệu Tử cầm kích, mặt nhìn đèn như ông Khổng xem thơ, khói lên nghi ngút như Quan Công đốt núi" ngửi mùi khói thơm. Ông cầm cái que sắt, nướng chút gì trên ngọn đèn rồi vo viên, nhét chất đen đen láng láng ấy vào lỗ của dọc tẩu. Bỗng dưng, tôi mỉm cười, sực nhớ cái chất đen pha trong chén nước mà ông đã uống hồi xưa để thoát ra khỏi cái chuồng khỉ của cậu Hai.

Tuy nhiên, tôi cảm thông với nỗi lòng của riêng ông: dùng men rượu để đánh tan cái mùi hôi của phân khỉ, lập nên sự nghiệp bất thình lình. Rồi lạc lõng khi về già, đêm đêm nhờ mùi thơm của nàng tiên nâu mà gợi lại ký ức. Một cái vòng luẩn quẩn để giữ thể diện!

Ông hội đồng nói như thúc đẩy tôi:

- Sao im lìm quá vậy? Té ra cháu chưa tin nỗi khổ nhục của tôi hồi xưa. Cháu giống hệt mấy đứa con ngớ ngẩn, bất hiếu của tôi. Chắc là cháu hồ nghi tôi nói dối để giảng đạo lý.

Tôi đáp nhanh để ông hội đồng đừng giận:

- Dạ cháu tin lời bác lắm lắm. Những chuyện như vậy thiệt là...

- Thiệt là sao?

Tôi lúng túng:

- Thiệt là xứng đáng ghi vào loại sách Tang Thương Ngẫu Lục, Kim Cổ Kỳ Quan. Thú thiệt với bác, cháu chưa đọc mấy quyển sách đời xưa đó. Nhưng nghe qua cái tựa ngồ ngộ cũng đủ vui, đủ mệt rồi.
Một người hàng xóm

Từ fb Phan Trần

Không có nhận xét nào: