Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Nữ Sĩ Vân Nương : Nhà Thơ của "Tình Đạo" - Nguyễn Thuỳ



          Một nhà thơ lớn phái nữ trên văn đàn VN vừa qua đời, để lại bao tiếc thương cho bạn bè thơ văn, cho đồng đạo. Ðấy là nữ sĩ Vân Nương, khuê danh Trần Thị Vân Chung, pháp danh Tuệ Nguyệt, sinh ngày 01/01/1919 tại Thanh Hóa, mãn phần ngày 11/01/2015, tại Sarlat vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp,  hưởng thọ 96 tuổi. Bà là phu nhân Luật sư Lê Ngọc Chấn, (một chiến sĩ Cách mạng VNQÐD, từng là Bộ trưởng Quốc phòng thời Ðệ nhất Cộng Hòa Miền Nam, từng bị tù ba năm thời chế độ Ngô Ðình Diệm vì tham gia nhóm Caravelle, từng là Ðại sứ VNCH tại Anh quốc, từng bị tù Cộng sản năm năm, được cho ra khỏi tù thì năm sau qua đời tại Sài-Gòn). Chồng mất rồi, năm sau, Bà mới được Nhà nước Cộng sản chấp thuận cho phép sang Pháp, đoàn tụ với gia đình người con ở Sarlat.
Bà là hội viên của Thi đàn Quỳnh Dao, Hội Thơ phái nữ đầu tiên thành lập năm 1962 tại Sài-Gòn, với cụ Cao Ngọc Anh (con quan đại thần Cao Xuân Dục) làm niên trưởng kỳ I, quy tụ bao nhà thơ nữ trổi vượt như Ðào Vân Khanh (mẹ nhạc sĩ Vũ Thành), rồi Mộng Tuyết, Tôn Nữ Hỷ Khương,  Uyển Hương, Vân Nương, Tuệ Nga, Cao Mỵ Nhân,…, hầu hết đều theo Phật giáo*. Bà có cộng tác với đôi báo chí người Việt hải ngoại, đặc biệt với Tam Cá nguyệt san Viên Giác ở Ðức. (Thơ của Vân Nương cũng như thơ của chồng Bà (Lê Ngọc Chấn) không được mấy người biết (ngoài sốn nhà thơ trong Thi Ðàn Quỳnh Dao) vì cả hai người không in ấn, không do nhà xuất bản nào, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên đôi tờ báo giấy. Người viết được Bà gởi cho Thơ nên đã viết nhận xét Thơ của hai người và Bà nhân đó cho in tập ‘Nhớ một người đi’ (năm 1996) chỉ để tặng bạn bè thân thiết thôi).
          
          Thơ Vân Nương, theo tôi, tập trung vào ba chủ đề chính : ‘Tình chồng vợ, tình Dân Nước và Tình Ðạo. Nơi đây, xin nói về chủ đề thứ ba –Tình Ðạo- chủ đề mà không lắm người nói đến nhiều như Vân Nương, như Tuệ Nga, Phù Vân (chủ bút tạp chí ViênGiác), Nguyễn Hữu Nhật,.…
          Nói đến Tình Ðạo nơi thơ Vân Nương, ta nghĩ ngay đến tác phẩm ‘Con đường Lý Tưởng’ với 5000 câu Lục Bát, nhằm ‘thi hóa’ phẩm ‘Nhập Pháp giới’, một phẩm trong Kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh thượng thừa của Phật giáo. Tác phẩm được hoàn thành ở Sài-Gòn năm 1982 và được cơ sở Nguồn Sống, San José, Hoa Kỳ xuất bản năm 1990. Tác phẩm thơ viết theo thể thuật sự, dựa theo bản văn xuôi ‘Bồ Tát Ðạo’ của cư sĩ Minh Ðức Vũ Phan tức Thanh Lương, thuật chuyện Thiện Tài đồng tử kiên trì tìm thầy học đạo.
          Qua tác phẩm, Vân Nương dẫn ta theo bước chân Thiện Tài qua bao nhiêu tông phái Phật giáo và qua bao pháp môn của nhà Phật từ ‘Niệm Phật, Quán tưởng, Vô ngại, Trì chú, Trì giới,..’ đến pháp môn Duy Thức, Bát Nhã,..cùng phương thức thực hành Bồ Tát Ðạo. Tác phẩm gồm 300 trang với gần 5000 câu Lục bát. Có lẽ chưa có một tác phẩm thơ VN nào nói về giáo lý nhà Phật xuyên suốt qua các tông phái Phật giáo đại thừa như tác phẩm nầy. Ðây là một đóng góp lớn của Vân Nương cho nền văn học Phật giáo, cho thấy cái ‘tâm thành’ hay cái ‘Tình’ của Vân Nương đối với giáo lý nhà Phật, đối với ‘con đường giải thoát’ của Ðức Thích Ca đã rao giảng cho thế gian từ ngày Ngài đắc đạo đến nay.
          Tôi không đi vào phân tích nội dung vì nội dung đã nằm sẵn nơi phẩm ‘Nhập Pháp giới’ nơi quyển Kinh rồi. Ở đây, Tôi chỉ nói  về cái ‘Tình’ của Vân Nương đối với Lẽ Ðạo thôi.
          Trước tiên, một tác phẩm thơ đồ sộ gồm 5000 câu, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng (từ 15 tháng Giêng đến 12 tháng 9 năm Nhâm Tuất, 1982) thì quả là một công phu lớn, một trì chí, trì tâm, nếu không do một say mê –hay đam mê tột độ-, chắc khó hoàn thành nổi.
          Tiếp theo, tác phẩm không là một phóng tác nên không thể sửa đổi, lược bỏ, thêm thắt nào theo ý mình  được vì không thể đi ra ngoài cốt truyện và ý tưởng nơi quyển Kinh. Tác phẩm chỉ ‘thi hóa’ nghĩa là chuyển thành thơ một câu truyện nơi quyển Kinh, buộc tác giả phải tuyệt đối trung thành với sự việc, với ý và lời trong nguyên tác. Ðây không là cách mượn lại câu truyện để phóng tác theo một quan điểm nào đó của mình như trường hợp Nguyễn Du đã phóng tác tiểu thuyết ‘Kim-Vân-Kiều truyện’ của Thanh Tâm tài nhân để viết nên ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’. Một tác phẩm không do sáng tạo cũng không cho phép mình sáng tạo thì tác giả sẽ phải mất hết ‘tự do’ trong sắp đặt tình tiết cũng như trong lời thơ vượt ra ngoài nội dung nguyên tác. Cái khó đó, Vân Nương đã vượt qua. Bà đã tự giới hạn hồn thơ của mình để hoàn toàn trung thực với nội dung câu truyện. Phải một tấm lòng thiết tha, nhiệt thành với đạo pháp mới có thể tiến hành đến trọn vẹn.
          Một điểm nữa, Vân Nương đã hoàn thành tác phẩm trong một hoàn cảnh chẳng chút nào thoải mái. Chồng ra tù, luôn đau yếu, thấp thỏm lo Cộng sản ‘cho’ đi ‘học tập cải tạo’ lần nữa, luôn bị canh chừng, theo dõi, cuộc sống lạnh buồn hiu hắt nơi căn gác nhỏ trước cảnh người chồng ‘thối chí’, trước cảnh dân nước nghiệt ngã, điêu linh. Trong cảnh sống đó, nếu không được cái tâm đạo nuôi dưỡng nơi mình, chắc khó trọn vẹn được  công trình trong một thời gian khá ngắn. Vân Nương đã thắng vượt mọi khó khăn. Có thể, trong cảnh sống tái tê đó, Vân Nương  càng dễ thiên về Lẽ Ðạo để tìm một giải thoát, một ‘bình  an tâm hồn’, say sưa với lời Kinh để phổ nhập vào  mình một ‘tự tại’ trước cảnh đời éo le của phận mình cùng cảnh ‘bể dâu’, tăm tối của đất nước.
          Thêm một điều, trong khi ‘thi hóa’ lời Kinh, Vân Nương đã làm thơ cảm tác (những đoạn tức cảnh, vịnh đề) cùng gắng dịch các câu thơ tiếng Hán của các vị Bồ Tát, Thiền sư. Ðiều nầy chứng tỏ Vân Nương đã hòa nhập hồn thơ mình với nội dung lời Kinh do từ lòng yêu mến, thiết tha với Lẽ Ðạo nơi mình.
          Có thể kể thêm : Vân Nương khi gắng hoàn thành tác phẩm, không hề nghĩ đến việc in, bán, cũng không mong cầu được nổi danh. Bản tính Bà không hề nghĩ đến điều đó đã đành mà hoàn cảnh xã hội cũng không ‘dung hợp’ với đòi hỏi đó. Dưới chế độ Cộng sản lúc đó, sách báo không có cái ‘tính Ðảng’ đều không được in ấn, phổ biến dù là Kinh điển tôn giáo, dù là sách khoa học, kỹ thuật. Tư nhân chẳng dám viết lách, đã không có quyền lại thêm không đủ điều kiện để in tác phẩm. Lo cái đói hàng ngày đã bở hơi tai, tiền đâu mà nghĩ đến in ấn tác phẩm.Vậy Vân Nương đã thực hiện công trình của mình không nhằm mưu cầu lợi lộc, không mơ ước tiếng tăm mà hoàn toàn do tấm lòng tha thiết với Lẽ Ðạo hoằng viễn, cao sâu.
          Phẩm ‘Nhập Pháp giới’, ngoài việc giải thích giáo lý qua từng tông phái, cốt yếu cho thấy công phu tu chứng không thể tính theo ngày tháng nhất định mà do từ một quá trình ‘tín giải thọ trì’, kiên trì, kham nhẫn. Do quá trình đó, Thiện Tài càng lúc càng thấm nhuần Lẽ Ðạo thì Vân Nương cũng do quá trình đó đã hoàn thành tác phẩm.
          Cái hay của tác phẩm do nơi Vân Nương đã để lòng mình lắng nghe từng bước đi kham nhẫn của Thiện Tài, sống cái tâm thức khắc khoải cầu mong tìm Ðạo của Thiện Tài. Dù bị gò bó bỡi sự việc nơi câu truyện, bị hạn chế lời thơ, Vân Nương vẫn để hồn thơ rung động trước cảnh trí và nỗi lòng của nhân vật :
                       -..Tiết xuân ấm áp lần qua
                        Biển dâng khói sóng, núi nhòa thức mây
                        Thời gian một thoáng vèo bay
                        Chưa tan nắng hạ đã đầy gió thu…

                      -..Núi rừng lần lượt băng qua
                        Trăng cài cửa động, mưa sa ven đồi
                        Mây ngàn biêng biếc trùng khơi
                        Cỏ hoa trải tận chân trời lê thê….

                     -…Ðường đi mỗi bước lên cao
                        Chênh vêng đá dựng, rì rào thác ngân
                        Chợt cơn gió giục mây vần
                        Gió rung trút lá, mây phân sắc trời…
          Một đoạn tả tình và cảnh ý nhị :
                     -..Lặng nhìn tám hướng mười phương
                        Kìa trăng đầu núi, nọ sương cuối ghềnh
                        Cảnh nào cảnh chẳng lịch thanh
                        Bốn mùa thời tiết chuyển mình cỏ hoa
                        Càn khôn chung nhịp giao hòa
                        Câu thơ xưa vẫn chưa nhòa cổ kim
                        Người xưa những đấng cao hiền
                        Dẫu nghìn năm vẫn lưu truyền kinh luân
                        ‘Tĩnh độc thi thư tri cổ đạo
                        Nhàn quan hoa thảo kiến Thiên Tâm’
                        (Tĩnh đọc thơ văn thông đạo cổ
                        Nhàn trông hoa cỏ thấy Tâm Trời) (Vân Nương dịch)
                        Gửi theo làn gió chơi vơi
                        Tiếng ngâm buông thả nửa vời mây bay
                        Cảm thông sức sống tràn đầy
                        Của bầu vũ trụ phải đây Tâm Trời ?
                        ….
                        Hồn đang chìm đắm trong mơ
                        Chợt nghe như tiếng nhạn thưa lưng trời
                        Phải chăng Bắc hết rét rồi
                        Tìm về tổ cũ  nhạn rời phương Nam ?
                        Trăm nghìn cách trở quan san
                        Trông vời cố quận lòng man mác sầu
                        Nhưng kìa một ánh Ðạo mầu
                        Soi tâm tĩnh trí, cơn sầu vụt tan…
          Một số đoạn dịch thơ Ðường tiếng Hán sang thơ Ðường tiếng Việt hàm súc, đúng ý, đúng số từ, số câu trong nguyên văn :
                     - Trúc ảnh tảo giai trần bất động
                        Nguyệt luân xuyên hải thủy vô ngân  
                        Bóng trúc quét thềm đâu chuyển bụi
                        Vầng trăng xuyên biển nước không chao
                      - Nhất luân nhật nguyệt sơn hà ảnh
                        Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm
                        Hoa mai nở rộ tâm trời đất
                        Nhật nguyệt xoay vòng cảnh núi sông
                      - Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy
                        Lưu thủy vô tình tống lạc hoa
                        Hữu ý hoa rơi theo nước chảy
                        Vô tình nước  chảy cuốn hoa theo.
          Ðặc biệt Vân Nương đã xúc cảm ngay trong lúc thi hóa lời Kinh. Lời thơ quyện hòa với đạo pháp, trong đó hồn thơ và hồn Ðạo giao thoa, để bao lụy phiền trần thế loảng tan đi, để tâm đạo đưa ta vào một lảng du trầm lắng, an nhiên, tĩnh lặng                      :
                      - Ðỉnh non cao vút tỏa hào quang
                        Ghi dấu Từ Bi ánh Ðạo vàng
                        Thấp thoáng Tiên Ông tùng bách ẩn
                        Mịt mờ nhân ảnh khói suơng tan
                        Tâm vui Hỷ Xả dâng mây sớm
                        Hồn lắng an như thoảng gió ngàn
                        Thiện Ðúc phải chăng đây cõi Phật ?
                        Quang minh trí tuệ cảnh hòa chan.

                     - Giọt nước dương chi tắt lửa phiền
                        Tầm thanh cứu khổ giữa rừng thiêng
                        Nhĩ căn biển cả ba đào lắng         
                        Tự tại tòa sen nhập định thiền
                        Hoàn vũ cảm thông bao khẩn niệm
                        Niết bàn thị hiện mấy an nhiên
                        Từ bi vô lượng tâm thuần tịnh
                        Bạch xứ Quan Âm đấng mẹ hiền.

                      - Khi lửa hồng nung, nắng gắt gao
                        Và khi nguồn đổ nước tuôn trào
                        Huyền vi vũ trụ dòng xoay chuyển
                        Riêng chữ Tâm ngời trụ đỉnh cao.

          Ngoài thi phẩm đồ sộ đó, mối Tình đối với Lẽ Ðạo cũng bàng bạc nơi một số thơ ca khác của Vân Nương. Không một nhà thơ VN nào, nhất là khi tuổi đã cao, lại không ‘nhuốm’ ít nhiều không khí Nho, Lão, Phật qua thi ca mình. Cái lẽ ‘sinh hóa vô thường’ gây nên bao cay đắng, ngậm ngùi để con người luôn chìm lắng trong cô đơn, một thứ cô đơn lạnh buồn, hiu hắt nhưng dìu dịu, êm êm bao quanh khi xa khi gần đưa ta vào thực, vào mộng chơi vơi. Nguyễn Khuyến đã từng : ‘…Chiếc bóng lưng trời am các quạnh, Mảnh bia thưở trước bể dâu đầy’ (Chơi núi Long Ðợi) ; Huyện Bà Thanh Quan : ‘Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương, Nghìn năm gương cũ soi kim cổ, Cảnh đấy người đây luống đoạn trường’ (Thăng Long thành hoài cổ) thì Vân Nương :
                      - Bao la trời đất mà hoang vắng
                        Thấm lạnh hồn đơn ngọn gió lùa
để thấy :
                     -….Ðứng giữa dòng đời xuôi ngược ấy
                       Hồn như hoang đảo sầu vây quanh..
          Cuộc sống tại thế, nghĩ ra chỉ là ‘tiếng buồn dài’. Cuộc sống vô thường, phù du, tạm bợ nhưng tấm thân con người vẫn phải chìm nổi trong đó và ‘tâm tình’ con người vẫn không thể đoạn diệt, chia lìa :
                      - …Dẫu biết cõi nầy là cõi tạm
                        Nhưng mà tình ấy vẫn tình vương.
          Phần nào giáo lý ‘Sắc – Không’ của nhà Phật đi vào thi ca qua hai từ ‘Thực’ và ‘Mộng’. Cuộc sống, cuộc đời  vừa là thực tại vừa là ảo ảnh. Thân phận con người nào khác chi con tằm tự rút ruột kéo tơ để rồi tự giam mình trong vòng tơ đó. Hồn thơ Vân Nương chập chờn trong vòng hư thực đó :
                    - ..Như thế đấy cuộc đời hư ảo
                       Thì đắm hồn trong khói vô minh
                       Mộng với thực quẩn quanh trang giấy
                       Như con tằm kéo sợi giam mình.
          Khóc cảnh ‘sinh ly tử biệt’ cho mối duyên ‘đoàn tụ’ không còn hay khóc cho bất cứ gì ‘còn mất thay nhau’ , chung quy cũng dẫn về cái tâm trạng ngậm ngùi giữa ‘mộng và thực’, giữa ‘chân và ảo’ đấy thôi :
                     -  Mới biết Sắc Không vòng ảo tưởng
                        Và hay Sinh Tử kiếp phù sinh…
          Cái vòng hư ảo theo sát Vân Nương. Trên bờ Ðịa Trung Hải cũng do hoài niệm thời qua để nghe chơi vơi nghiệp trần hư ảo theo sát lịch sử nhân sinh :
                      - Ðịa Trung Hải
                        Nước biển xanh ngời ánh mắt giai nhân
                        Cồn cát trắng cười lên man dại
                        Nuốt từng đợt sóng thủy ngân !
                        Mây biếc giăng màn lụa nõn thanh tân
                        Ðầy một vẻ trăng chìm mộng mị !
                        ….
                        Ðâu những bước xưa hùng vĩ
                        Thành Carthage – quân La Mã nay còn đâu
                        Ngoài khơi sóng cuốn bạc đầu
                        Nghe như nức nở men sầu cổ nhân !…
          Qua bài thơ nầy, cùng nhiều bài khác, Vân Nương có những cảm xúc lạ, ý tưởng mới. Tình nước, tình chồng, tình đạo quyện vào nhau, mở rộng ‘chân trời thơ’ của bà, từ cái Pháp ngã nơi mình sang cái Vô ngã của Tâm để hướng đến cái chung cùng của vạn hữu.

          Từ ‘Không’ của nhà Phật không là cái ‘Không tuyệt đối’ mà là cái ‘Không trong Hữu’ (hay cái ‘Hữu trong Không’) vì cuộc sống, cuộc đời ở bất cứ giai đoạn nào, trạng thái nào trong cõi hiện tuợng, luôn luôn là tương đối nhưng con người lại luôn luôn hướng về tuyệt đối. Tuy nhiên cái Tuyệt đối đó nằm ngay trong Tương đối, mang chứa cái Tương đối. Cái Tuyệt đối đó là cái gì ? Ðấy là cái Một, một cái Một không thể định danh, định thể, định hình, định tướng . Mọi cái ‘tương đối’  -tức mọi diễn biến vô thường cùa vạn hữu nơi vũ trụ hiện tượng nầy- đều chập chờn hư ảo, biến diễn vô thường trong cái Một đó, do từ cái Một mà ra và cứu cánh của mọi biến đổi lại dẫn về trong cái Một đó. Cái Một đó có nơi tất ca, nơi từng hiện thể chúng sinh. Ta thường gọi là cái Tâm (có lẽ nên gọi là Tâm như, Tâm không của nhà Phật để khỏi lẫn lộn với các cái Tâm lành, tâm thiện, tâm tĩnh, tâm động, tâm mê, tâm loạn trong lối nói thường ngày). Cái Tâm không, Tâm như hay nói chung cái Phật tính, Phật tâm đó, dù theo Thiền tông, Mật độ tông, Mật tông, Duy thức tông, Bát nhã tông,…hay Tông gì khác nữa trong Phật giáo, chung quy chỉ là cái Tâm bình đẵng, cái Tâm bất nhị mà Kinh Hoa Nghiêm đã nói rõ qua phẩm ‘Nhập pháp giới’ đã được Vân Nương thi hóa.
          Trong tuần bảy giỗ chồng, Bà đã viết :
                        -Bốn chín ngày, nay đã Thất Tuần
                         Tới kỳ định nghiệp thoát trầm luân
                         Hồi chuông phổ độ qua bờ giác
                         Tiếng mõ cầu kinh tỉnh mộng trần
                         Cõi ấy an như miền cực lạc
                         Nơi đây mê huyễn cảnh phù vân
                         Theo anh, em đã quy y Phật
                         Ánh đạo từ bi nguyệ thấm nhuần.
          ‘Quy y Phật’ không phải để thành ni cô, bà vãi mà là để ‘giác ngộ’ nghĩa là đạt được cái Tâm như, Tâm không tức cái ‘trạng thái ‘an nhiên tự tại’ trước mọi biến thiên của tạo vật, của cuộc đời. Ðạt được điều đó là đã tự mình giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau, phiền muộn.

          Cái ‘Tâm Như, Tâm Không’ hay cái ‘Tâm bất nhị, cái Tâm không phân biệt’ hay dùng từ khác cái ‘Bình Ðẵng Tánh Trí’ giúp ta giữa mọi đối đãi đầy phân biệt trong cuộc sống, cuộc đời, ta không còn ‘đối đãi phân biệt‘ nơi lòng ta. Ðấy là thực hiện được cái lý ‘Chơn không - Diệu hữu’ ứng vào cho dòng sống từng người, dòng sống toàn thể chúng sanh. Vân Nương đã nói rõ qua lời thơ thi hóa phẩm ‘Nhập pháp giới’ của Hoa Nghiêm Kinh (xin trích đôi đoạn):
                         -..Vô sai biệt vẫn tương đồng
                         Tự do, Bình đãng lưu thông giao hòa
                         Lắng nghe tiếng sóng biển xa
                         Vỗ theo nhịp bước trường ca muôn đời
                         Hòa chung một khối trùng khơi
                         Muôn ngàn giọt nước đất trời gồm thâu
                         « Một là tất cả’ nhiệm màu
                         ‘Tất cả là Một’, phải đâu hoang đường !…

                         -…Chân lý là thực thể rồi
                         Nhưnng mà đa dạng tùy nơi thường hằng
                         Và tuy ngời sáng rõ ràng
                         Nhưng lại ảo diệu, chói chang nhiệm màu
                         Như viên Như Ý bảo châu
                         Bản thể tuy  một, muôn màu lung linh
                         Muôn ngàn tia sáng phát sinh
                         Cho muôn sắc diện quang minh tỏa đầy
                         Như vừng nguyệt tỏ hôm nay
                         Như ngư ông đã chở đầy thuyền trăng….
          Cái ‘Tâm Như, Tâm Không’ đó đã theo Vân Nương để nghe cõi Thế và cõi Tiên (cõi siêu thoát) thấm nhập vào mình từng lúc thanh thoát, tạo nên nơi Bà một tâm cảnh bình an, thưthái :
                       -Thủy chung một tấm lòng son
                        Khi cong mày liễu khi tròn gương sen
                        Rượu nồng, thơ cũng nồng men 
                        Tạ ơn người khách non tiên lặng ngầm
                        Khuôn hoa vằng vặc in ngần
                        Nửa khuya vụt hiện thanh tân tuyệt vời
                        Ồ may ! Mời bạn xuống chơi
                        Ai trên cung Quãng, tôi người thế gian.
                                                          (Nửa khuya – 1991)
          Nhưng rồi, cái ‘Tâm cảnh’ thanh thoát đó lại biến mất để lại phải trở về trong cõi nhật tụng thường ngày của thế gian :
                      -Trăng về thả một guồng tơ
                       Xin cùng trăng dệt vần thơ giữa trời
                       Con chim nó hót trên đồi
                       Tưởng nghe vang vọng muôn lời Thánh ca
                       Ngồi gom mây nổi chiều tà
                       Ðan thành tấm lụa màu pha huy hoàng
                       Thế rồi tuyết phủ vườn hoang
                       Ðể cho tâm cảnh phai tàn hết thôi !
                                                          (Tâm cảnh – 1992)
          Cứ thế, từng lúc ‘Thơ vào Ðạo’, từng lúc ‘Thơ lại vào Ðời’. Ðời và Ðạo nhập nhằng, phiếu diễu qua thơ ca. Không thể dứt Ðời để hoàn toàn theo Ðạo, cũng không thể dứt bỏ Ðạo để hoàn toàn theo Ðời. Làm sao dung nhiếp ? Cái ‘Tâm bình đẵng’, cái ‘Tâm không  phân biệt’, tuy hiểu rõ ràng rồi đấy nhưng làm sao mãi mãi vẹn toàn ? Cái ‘nghịch cảnh’ đó nơi lòng người nghệ sĩ vẫn theo Vân Nương rõ ràng qua bài ‘Mùa Tuyết’ :
                      -  Sáng nay mở cửa sổ
                         Tuyết phủ trắng cành thông
                         Trắng cây đào trước ngõ
                         Ðang nhen nụ hồng

                                 Xin chào cô Bạch Tuyết
                                Từ miền Bắc xuôi về  
                                 Dấu hài in diễm tuyệt
                                 Dạo khắp dải sơn khê
                         Tôi từ vùng nhiệt đới
                         Phiêu dạt bấy năm trường
                         Xứ người luôn khắc khoải
                         Thèm chút nắng quê hương

                                 Chúng ta cùng khách lạ
                                 Hai thái cực gặp nhau
                                 Em giải lòng băng  tuyết
                                 Riêng tôi nghe nặng sầu !
          ‘Hai thái cực gặp nhau’ không để hòa tan, hòa nhập vào nhau mà để gây chia lìa, nhức nhối cho nhau. Lòng con người khó lòng băng tuyết, băng trinh như tuyết mà  luôn luôn vương vấn với cuộc đời nhiêu khê vạn mối. Ta thấy cái ‘đối nghịch’ hay ‘không đồng hành’ giữa cái Tâm của vũ trụ với cái Tâm nơi lòng người vẫn hướng về cái ‘Không’ toàn bích mà không thể không vướng mắc cái ‘Sắc’ giả tạm của cõi đời.

          Thơ Vân Nương không ‘già’, không đạo mạo, cổ kính, phần nào do cái ‘Tình Ðạo’ đó đã đem lại cho Bà cái an lạc của tâm hồn, cái thanh thoát trong cuộc sống dẫy đầy ưu tư, phiền muộn. Do đó mọi ‘buồn, vui, thương, nhớ, giận, hờn, nuối tiếc, xót xa,…’ nơi thơ Bà không được đẩy đến cùng độ, không nâng đến rộn rã, náo nức, nhiệt cuồng hoặc bi phẫn, đau thương, bi đát. Ðọc thơ Bà, ta như nghe một ‘tĩnh lặng’, một ‘thanh vắng’ quanh quất bên ta dù là thơ khóc chồng, nhớ nước, đau cho dân tộc, quê hương. Ý đạo mênh mang quanh quẩn nơi thơ Vân Nương dìu ta vào một thân cận, gần gũi với sự vật, với tình ý được nêu ra, đồng thời dẫn ta trầm lắng vào bầu không khí mơ màng phơ phất, dìu dịu, tê tê, rưng rức. Ý thơ và lời thơ tự nhiên, chẳng cần đẻo gọt, trau chuốt, tìm tòi đâu xa, tất cả thoát ra từ cõi lòng Bà, từ cảnh sống lao đao, vất vả của Bà. Người đàn bà đó không an nhàn, sung sướng như ta tưởng, không ‘nhung lụa, quyền quí’ bên ông chồng đã có thưở từng ‘làm quan lớn’. Bà sống như mọi người đàn bà bình thường trong xã hội nghèo khổ, đã từng lúc quét cái ngỏ rơm  dài tê điếng cả đôi tay, đã từng đạp xe đạp tất tả mua hàng, giao hàng, lo sao cho chồng yên tâm làm chính trị, đã từng làm thơ, dịch thơ Pháp gởi an ủi chồng trong tù (thời chồng bị tù dưới chế độ NÐD), từng lặn lội hàng ngàn cây số, một nắng hai sương như bao nhiêu người vợ lính VNCH tất tả ‘đèo hoang núi vắng, nửa vừng trán nếp trán rưng rưng’ thăm chồng nơi trại tù Cộng sản . Người đàn bà đơn sơ, hiền thục, nhiều khổ đau đã ‘nuôi’ hồn thơ qua cuộc sống bình lặng, lao đao của mình. Cuộc sống bình dị, thanh đạm thế nào thì thơ cũng thế ấy. Vân Nương làm thơ không mấy khó khăn. Từ và lời, vần và điệu đến với Bà một cách dễ dàng (ngoại trừ đôI lúc phải ép vận vì phải theo đúng từ ngữ nhà Phật lúc thi hóa một phần trong quyển Kinh) . Không vẽ vời, trau chuốt, Vân Nương làm thơ không chút khổ công nào. Chủ đề không mới, đề tài không mới nhưng Bà đã phổ vào đấy cái nhạy cảm của hồn thơ, cái chân thật của lòng mình, cái ‘tình chồng, tình nước, tình đạo’ rất tự nhiên, không cần sắp đặt, cân nhắc ý lời. Nơi thơ Vân Nương, ý và lời cùng lúc xuất hiện, cùng lúc ‘nhập’ vào nhau mơn man, trang trải nơi lòng ta ít nhiều đìu hiu xa vắng hay vui tin bảng lảng, nhẹ nhàng :
                        -Ráng đỏ nhuộm chiều thu
                         Rừng phong vàng hiu hắt
                         Cảnh sắc hòa tâm tư
                         Quê hương đâu ?- Cúi mặt !
                                             (Thu – 1988)
                            -Ðã đau vàng đá tình tan rã
                        Còn hận non sông cảnh ngậm ngùi..
                                             (Ngày giỗ Anh – 1991)
                           -Tĩnh giấc Nam kha khéo bất bình
                       Hỡi ơi ! Em chỉ với riêng mình
                       Lầu Mây gió thoảng tan cơn mộng
                       Bến Giác thuyền xuôi vẳng tiếng kinh
                       Mới biết Sắc-Không vòng ảo tưởng
                       Và hay Sinh-Tử kiếp phù sinh
                       Em quỳ dưới bệ cầu xin Phật
                       Tiếp dẫn anh vui bước lộ trình…
                                            (Tháng 6 năm Bính Dần – 1986)
          Ðọc thơ Bà, ta mơn man sống cái tâm hồn người phụ nữ VN hồn nhiên, trong trắng, dung dị, suốt cuộc đời chỉ biết tần tảo cho chồng con, chỉ mong một ‘đoàn tụ’ gia đình, ‘đoàn tụ’ dân  nước trong tấm lòng đôn hậu, hiền thục, trong cái đức độ từ bi, nhân ái, trong cái hảo hợp, hài hòa của đất trời và lòng người để giữa ‘Cõi vô thường mộng mị’, ta vẫn có thể ‘Níu bàn tay thanh từ’ (Âm thanh kinh ngạc – 1988). Bàn tay thanh từ đó nằm sẵn nơi tâm hồn Bà, thể hiện qua  lời thơ quyện hòa ‘tình nhà, tình nước, tình đạo’ dù có nói đến những thê thiết, buồn đau, vẫn trang trải thanh tân, nhẹ nhàng ru ta vào ưu tư mà trầm lắng, khổ đau mà tĩnh lặng, muộn phiền mà an nhiên. Ðiều nầy do từ cái ‘tình Ðạo’ có sẵn nơi Bà.

          Chị Vân Nương,
          Chị đã ra đi ! Nơi xứ sở thường hằng an lạc đó, mong Chị xin được rải nước Cam Lồ lên khắp nhân gian hầu ‘Ðất vào duệ trí Ba-La-Mật, Người nở thiên hương Bát-Nhã-Tâm’ giúp cho nếu không là tất cả thì ít ra toàn  thể người VN chúng ta, trong nuớc, ngoài nước cùng chung sức, chung lòng lật đổ chế độ tà quyền Cộng sản để được ‘xuôi về bến hẹn thuyền neo, Nghìn năm sắc lá xanh theo bốn mùa’** (Sông Thu – 1992) như chị từng mong muốn.
Thâm tạ ơn Anh Chị
France 22/02/2015
nt                          
______________
* Phần lớn các nhà thơ VN làm thơ Ðạo rất hay thường là người Phật tử, trong lúc những người Ki-Tô giáo làm thơ Ðạo không mấy hay ;  điều nầy cũng bình thường thôi vì Phật giáo thiên về Thơ trong lúc Ki-Tô giáo lại chuộng về Nhạc. Tuy nhiên, người viết cũng gặp đôi người Ki-Tô giáo làm thơ về Ðạo Chúa cũng khá hay như Bác sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu và đặc biệt nhà thơ Vân Uyên Bác sĩ Nguyễ Văn Ái (nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Sài-Gòn) mà anh Ðổ Bình gọi là ‘nhà thơ ẩn dật’, ‘nhà thơ ‘ngôn sứ của Ngôi Lời’. 

** ‘Bến hẹn thuyền neo’ ám chỉ bờ bến Giác nơi Phật giáo, vừa chỉ bến bờ đoàn tụ yên vui của dân nước.

Không có nhận xét nào: