"Paris
có gì lạ không em?" là mục hàng tuần do Cỏ May phụ trách từ mấy năm
nay. Nhưng hôm nay, nếu đó là câu hỏi cần trả lời rỏ ràng "Có" hay
"Không" thì Cỏ May, em, xin trả lời ngay là "Có". Tức Paris nay có
chuyện lạ đáng để ý theo dõi lắm.
Thật
vậy, Paris vừa đón nhận hai biến cố lớn và quan trọng mà Cỏ May nghĩ phải tường thuật hầu bạn đọc. Biến cố thứ I là Cầu Nghệ thuật (Le Pont des Arts)
mà trước đây, ở mục này, Cỏ May có dài dòng giới thiệu với bạn đọc, nay
vừa tháo gở bỏ lưới sắt rào hai bên cầu, đồng thời dẹp bỏ luôn hết mấy
chục ngàn ổ khóa tình yêu, thay thế vào đó bằng khung kiếng để những
người yêu nhau từ nay không móc ổ khóa tình yêu như trước đây được nữa.
Biến cố thứ II là từng I của Tháp Eiffel thay sàn củ bằng sàn bằng kiếng
trong suốt và vừa mở cửa cho du khách hôm thứ hai 06/10/2014 vừa qua
sau khi Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, tới cắt băng khánh thành.
Từng I Tháp Eiffel bằng kiếng
Tháp
Eiffel tròn 125 tuổi. Để đánh dấu tuổi thọ của Bà Đầm Sắt ( La Dame de
fer), hôm thứ hai, 06/10/14, Thành phố Paris tổ chức lễ khánh thành sàn
kiếng thay sàn củ. Sau đó, mở cửa cho dân chúng lên xem. Đứng trên từng I
nhìn xuống, từ độ cao 57 m, người xem sẽ có cảm tưởng như mình đứng
trong không gian nhìn xuống chơn Tháp. Sự thay đổi chắc sẽ thu hút đông
đảo du khách trong những ngày tới.
Công
trình đổi mới này tốn hết 30 triệu euros có sức hấp dẩn những người
thích tìm cảm giác lạ và mạnh. Ai dễ bị chóng mặt, sợ độ cao hay yếu
tim, có lẽ không nên thử. Vừa tốn tiền vé vào cửa và tuột
xuống nếu không kịp, sẽ bị chảy re ướt quần.
Trước
tiên, những người trẻ hăng hái thử cho biết. Họ bước đi qua bốn khoảng
sàn kiếng, chung quanh có kiếng thay thế lang cang trước đây bảo vệ an
toàn. Từ sàn kiếng là một khoảng rộng 4200m2, người ta có thể nhìn xuống
thấy rỏ mặt đường và bốn chơn tháp ở phía dưới.
Tháp
Eiffel cao 324m được xây dựng làm cổng vào Hội Chợ Quốc tế năm 1889. Đó
là một kiến trúc hoàn toàn bằng thép cao nhứt Paris. Cho tới nay, Tháp
Eiffel vẫn là biểu tượng hấp dẩn của Paris và cả nước Pháp. Mỗi năm, có
250 triệu người tới thăm viếng và có 8 triệu người mua vé đi lên tháp
bằng thang máy.
Sự cải tiến sàn và rào cảng bằng kiếng chắc chắn sẽ thu hút khách tới thăm viếng đông
hơn.
Rất hấp dẩn cho Selfie
Từng
I vừa mở cửa, lập tức có nhiều thanh niên lên để chụp hình. Họ tự chụp
hình mình ở tư thế như đang đứng trong không gian, chơn không đứng trên
một mặt bằng nào hết. Chụp ở thế nằm thì như đang nằm trong khoảng
không. Mọi người đều lấy làm thích thú vô cùng.
Vài
người chạy nhảy trên mặt sàn kiếng để thử xem sàn kiếng có chắc không?
Nhiều nam nữ thanh niên nằm lăn ra mặt sàn để có cảm giác như đang nằm
trong không gian. Mặt kiếng được lau chùi trong suốt.
Nhưng những người lớn tuổi lại đi từng bước như để
thăm dò, nét mặt lo âu, như thấy mình sẽ bị hụt chơn.
Sông Seine trong chai
Pháp
có câu nói xưa. Có người cho là vào thế kỷ XVIII: «Với những tiếng NẾU,
người ta có thể bỏ Paris vào trong chai» (Avec des SI, on mettrait
Paris en bouteille). Cũng với tiếng NẾU, người Do thái nói: «Nếu bà nội
của tôi có bánh xe, bà sẽ trở thành xe bút» (SI ma grande-mère a des
roues, elle sera un autobus). Ngày nay, người ta không bỏ Paris vào
chai, mà bỏ sông Seine vào chai.
Một thanh niên người Pháp, 24 tuổi, tên Christophe Charrier, vừa có sáng kiến mới lạ và khá độc
đáo: Tại sao không bỏ sông Seine vào chai?
Christophe
Charrier, nhơn viên kiểm soát Thủy Lâm, khi đi dọc theo bờ sông bổng có
ý nghĩ ngộ nghỉnh: tại sao ta không lấy nước sông Seine bán cho du
khách tới chơi và thăm viếng Paris? Cứ mỗi tháng hai lần anh tới cảng
Suffren, cạnh Tháp Eiffel, để lấy đầy một bình nước. Tại sao không nhơn
việc làm này, anh không lấy nước sông lọc qua và cho vào những chai hình
Tháp Eiffel? Những chai thủy tinh hình Tháp Eiffel mua dễ dàng với giá
6,90€ cái.
Nghĩ chắc du khách ngoại
quốc sẽ thích mang về những chai nước sông Seine làm kỷ niệm hơn là
những Tháp Eiffel Made in China do Ba Tàu làm bán qua Paris. Đi chơi
Paris mang theo về nước sông Seine, thì còn gì lãn mạn hơn, tình tứ hơn?
Đi chơi sa mạc, người ta mang cát vể làm kỷ
niệm. Cũng cùng cung cách với những người đi Lourdes mang nước thánh
về! Chỉ thiếu yếu tố tôn giáo trong đó mà thôi (Tin TV2).
Và anh đã thực hiện. Những chai hình Tháp Eiffel đựng nước sông Seine đang được bày bán cho du khách ở khu du lịch.
Những người yêu nhau còn tới Paris nữa không?
Một
vị trong Hội đồng thành phố Paris đã báo động: có quá nhiều ổ khóa của
những người yêu nhau móc vào Cầu Nghệ thuật (Pont des Arts), móc chồng
lên nhau, làm cho tình trạng an toàn của cầu không còn
được bảo đảm.
Paris xưa nay có tiếng
là thành phố đầy chất lãng mạn. Paris lý tưởng của những người yêu nhau.
Nhưng ngày nay Paris phải chịu sức nặng của khối ổ khóa móc đầy đặc hai
bên Cầu Nghệ thuật. Vậy mà nổi tiếng khắp thế giới.
Người
Pháp nhà quê hay miền núi, miền biển, chắc chắn ai cũng đều nghe nói
tới Cầu Nghệ thuật với những ổ khóa tình yêu. Lời thề yêu nhau chỉ trọn
vẹn, được Hà Bá chứng minh, khi hai người yêu nhau đứng trên cầu, ôm
nhau hun, tay trong tay cùng nắm chiếc chìa khóa, nhịp nhàng ném xuống
sông Seine. Biểu tượng của tình yêu vỉnh cữu gắn chặc hai trái tim vào
nhau. Hiện tượng ổ khóa yêu đương này bắt đầu năm 2008.
Sức nặng của khối tình yêu của cả thế giới đang làm cho nhiều người lo
ngại cho số phận của Cầu Nghệ thuật trong những ngày tới.
Thành
phố Paris thấy nếu tháo gở hết những ổ khóa đó sẽ làm mất đi nét đẹp
độc đáo của Paris. Chánh quyền chỉ gở bớt những ổ khóa chồng lên nhau để
làm giảm bớt áp lực, tránh tai nạn có thể xảy ra. Một ngày nào đó, một
mảng lưới kẻm đầy ổ khóa rớt xuống nhằm du khách trên tàu đang chạy trên
sông Seine, khó tránh thương tích, cả chết người.
Đừng quên tình yêu vẫn là một khối nặng lắm! Như núi Thái Sơn! Và không biết tránh vì mù!
Nhưng
tháng 6/2014 vừa qua, hai khung lưới kẻm của thành cầu sụp đổ. Trước sự
nguy hiểm này, chánh quyền Paris đã quyết định thay thế những khung
lưới kẻm bằng những khung kiếng để những người yêu nhau không thể móc ổ
khóa
nữa được. Trong lúc đó chánh quyền Paris khuyên những người yêu nhau
nên xử dụng Selfie để giử tình yêu mải mải với nhau. Paris mở ngay Site
để những người yêu nhau qua Twitter hoặc Instagram có thể gởi hình của
đôi uyên ương lên đó: lovewithoutlocks. «Tình yêu nay không có ổ khóa»!
Đến nay, Paris mới giác ngộ những cây cầu của Paris sẽ không đủ sức chống lại sức nặng tình yêu của những người yêu nhau!
Nguyễn thị Cỏ May
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét