Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Chỉ Còn Là Kỷ Niệm - Truyện ngắn Tam Bách

             Buổi trưa hôm ấy anh đến tham dự buổi họp mặt Tân niên Đồng hương của một tỉnh  gần Sài Gòn ngày xưa, nơi anh đã từng phục vụ lâu dài trước năm 1975. Đây là buổi họp mặt  thường lệ hàng năm. Đặc biệt năm nay, Trưởng ban tổ chức, một cựu sỹ quan từng làm việc tại quận, đã gọi điện thoại mời anh tham dự cho kỳ được. Giọng người cựu sỹ quan vẫn hóm hỉnh như xưa “Mời ông thầy đến tham dự buổi họp mặt cho vui. Chắc chắn sẽ có một thích thú bất ngờ dành cho ông hôm đó!”

            Mỗi năm một lần, các cựu viên chức, giáo chức, đồng hương đã từng sinh sống, làm ăn, từng chia xẻ vui buồn, từng sống chết bên nhau trong cuộc chiến vừa qua, nay gặp lại tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau ai còn ai mất, ngồi với nhau tâm tình chuyện cũ …
            Trong thành phần tham dự họp mặt hôm ấy, có một người mới tham dự lần đầu, một cựu giáo viên từ Việt nam sang thăm bà con bên đất Mỹ, một cô giáo mà trước năm 1975 đã từng dạy tại trường trung học quận “núi đá ba chồng”: cô giáo Lan. Anh nhìn người thiếu phụ trung niên đứng lên chào đồng môn trong buổi họp mặt, nụ cười trên môi  nhưng đôi mắt phảng phất buồn. Thân hình thiếu phụ hơi đẫy đà, nhưng anh vẫn nhận ra chiếc môi tròn như nũng nịu, vẫn đôi mắt sáng với hàng mi dài… Tất cả đã gợi cho anh một quá khứ thân thương. Người thiếu phụ đã bắt đầu bước xuống triền dốc tuổi thanh xuân, chính là cô giáo trẻ đẹp một thời anh đã gặp, đã từng quen biết, gắn bó tình cảm… ở thời điểm những năm 1971-1973.  
*  *  *
            Hồi ấy anh làm việc tại một quận trên quốc lộ 20. Anh đến phục vụ tại một địa phương này như một viên chức hành chánh gương mẫu, với phong thái trẻ trung phong nhã… Ngày đầu nhậm chức, các Trưởng chi đến văn phòng Quận gặp gỡ Phó quận để trao đổi vài câu chuyện làm quen; trong đó có ông Hiệu trưởng trường trung học địa phương. Đó là một thanh niên gầy thấp, nước da sạm nắng khác hẳn các bạn đồng nghiệp trắng trẻo cao ráo hơn. Với vẻ mặt tươi cười, ông ta ngỏ ý mời Phó quận đến thăm trường trung học do ông ta làm hiệu trưởng. Hôm sau, trên đường thăm các thân hào nhân sĩ, các vị lãnh đạo tôn giáo…, Phó quận ghé thăm trường Trung học như đã hứa.  Ông hiệu trưởng đón tiếp niềm nỡ, đưa anh đi thăm các lớp và sau cùng đến lớp 9, do một cô giáo phụ trách. Cô giáo có thân hình cao gầy, “mình hạc xương mai”,  dáng người yểu điệu; đặc biệt đôi mắt tròn to, lông mi dài cong vút. Cô mỉm cười chào tân Phó quận  khi anh bước vào lớp học. Theo lệnh cô giáo, cả lớp đồng loạt đứng dậy nghiêm trang chào khách. Anh nhìn toàn thể lớp học, thầm khen các học sinh ngoan ngoãn, có kỷ luật. Các học sinh đều mặc đồng phục, nam sinh với quần dài xanh đậm, áo trắng ngắn tay; nữ sinh với bộ quần áo dài trắng. Riêng cô giáo thướt tha trong chiếc áo dài hoa, đôi môi và hai má  ửng hồng, khiến khách đến thăm không biết do nghệ thuật trang điểm hay niềm vui sướng của cô giáo trước vị khách hào hoa đã làm cô ửng hồng đôi má…?  
*  *  *
            Tình hình an ninh quận “núi đá ba chồng” khá yên tĩnh; tuy nhiên tin tức tình báo cho biết những dân lái xe be vào rừng đốn gỗ, những người làm rẫy bái…thường tiếp tế gạo thóc, xăng nhớt, tiền bạc… cho địch ở vùng sâu ven sông La Ngà. Hình như chúng đang tập trung quân chuẩn bị tập kích vào quận. Trung tá quận trưởng chỉ thị Chi khu kiểm tra các đơn vị nghĩa quân, Cảnh sát tổ chức hành quân chận bắt những thành phần tiếp tế cho địch, Hành chánh quận kiểm tra các đơn vị NDTV về nhân số, vũ khí, bố phòng ban đêm…Hàng đêm, Phó quận cùng Trung úy Đức, đi thanh tra các chốt canh gác trong quận lỵ. Riêng hôm ấy, người sỹ quan trưởng ban NDTV bị bệnh, Phó quận đi công tác một mình. Khi xe chạy trước cư xá giáo chức, qua cửa sổ hé mở anh trông thấy thấp thoáng cô giáo Lan đang ngồi  đọc sách, bèn ghé vào thăm…Cô giáo vui mừng lẫn ngạc nhiên khi đón tiếp anh, và trước khi đi pha trà mời khách, cô kéo tấm màn che cửa sổ cho kín đáo. Anh hỏi cô giáo:
            - Xin lỗi cô Lan, tôi bất chợt vào thăm cô giáo lúc này có làm phiền cô không?
            - Dạ không sao! Ông Phó đến thăm thật vinh dự cho em lắm chứ. Hơn nữa từ lâu em cũng mong được hân hạnh tiếp chuyện với ông …
            Cô giáo Lan sinh ra trong một gia đình đông con miền Bắc, theo cha mẹ đi trên “tàu há mồm” vào Sài gòn lúc còn bé tí. Tốt nghiệp sư phạm, cô xin đi dạy tại vùng “núi đá ba chồng” vì nơi đây nhiều phong cảnh đẹp và lạ lùng khiến cô thích thú. Có lẽ đó cũng do bản tính của ông bố, từng làm việc vùng cao nguyên miền Bắc trước năm 1954, đã ảnh hưởng đến sở thích cô gái út của ông…Cô giáo Lan ngỏ ý mời anh, một ngày cuối tuần rảnh rỗi nào đó, đến nhà cô chơi và các cô giáo sẽ tổ chức nấu nướng ăn uống cho vui. Vì theo lời cô “quận này đẹp nhưng hơi buồn, mà chúng em đâu có nhậu nhẹt như các ông, nên chỉ tụ họp ăn uống tại nhà mà thôi!”… Ngoài đường có tiếng lao xao của toán NDTV đang tập họp để phân chia canh gác. Phó quận sực nhớ nhiệm vụ của mình, vội cáo từ cô giáo chủ nhà, ra xe tiếp tục đi công tác kiểm tra.
            Một buổi tối, trung úy Đức lái xe đưa Phó quận đi kiểm tra NDTV như thường lệ. Khi đi qua nhà cô Lan, anh ta chạy chậm lại và nói nhỏ:
            - Tối hôm  trước hình như ông Phó có vào thăm cô giáo ở đây phải không?
            - Có! Mà sao cậu biết hay vậy? Tối đó cậu bị bịnh ở nhà kia mà!
            Người sỹ quan trẻ cười hóm hỉnh:
            - “Đàn em” ở nhà nhưng có “đệ tử” kín đáo theo bảo vệ ông; để lỡ có chuyện gì tụi nó còn can thiệp kịp thời chứ “ông thầy”!
             Anh ta nhìn vào nhà cô Lan nói tiếp:
            - Ông Phó nhìn tấm màn cửa sổ trong nhà kia kìa…Khi ông  ngồi gần cửa sổ, đèn bên trong  hắt ra, bóng in lên tấm màn, làm sao ông “che mắt được thế gian”? Nhất là ông lại đậu xe trước nhà cô giáo nữa!  Đàn em làm việc ở đây khá lâu, biết nhiều chuyện ở thị trấn nhỏ bé này, nên chỉ dám khuyên ông Phó cẩn thận, nhất là đừng đến thăm chơi ông hiệu trưởng cũng ở trong dãy cư xá giáo chức!
            Phó quận mỉm cười cám ơn lời khuyên của người sỹ quan đặc trách NDTV quận bộc trực và tốt bụng đó. Trung úy Đức, trước đây là một giáo viên, nhưng không được biệt phái về nhiệm sở cũ nên đã xin về làm việc tại văn phòng hành chánh quận…Và cũng  theo lời của người sỹ quan gốc giáo chức đó, anh được biết nhiều điều bí ẩn về ông hiệu trưởng. Thỉnh thoảng ông ta nghỉ phép vài ngày, sau đó ông ta trở về với thân hình gầy ốm đen điu. Có một đồng nghiệp hỏi lý do, ông ta giải thích là đi Vũng Tàu tắm biển nên da bị cháy nắng!  
*  *  *
            Trong một buổi họp tại quận, Trung tá Quận trưởng quyết định tổ chức cuộc hành quân hỗn hợp tại Ấp 125. Phó quận, Chi khu phó cùng một trung đội nghĩa quân, một trung đội Cảnh sát dã chiến tham gia cuộc hành quân. Phó quận và Trung úy Đức đi cùng xe jeep với Đại uý Chi khu phó. Ấp 125 cách quận lỵ khoảng mười lăm cây số, phần lớn dân trong ấp làm nghề đốn cây, các chủ xe be vào rừng kéo gỗ. Mỗi khi vào rừng, họ mang theo gạo, mì gói, xăng dầu … đôi khi còn nhiều hơn số lượng cần dùng … Cho nên, sau một ngày và hai đêm làm việc, Cảnh sát và an ninh Chi khu bắt một số đối tượng tình nghi thường liên lạc và tiếp tế cho VC; những thành phần cư trú bất hợp pháp, trốn quân dịch; đồng thời tổ chức lại NDTV để phòng vệ Ấp. Cuộc hành quân chấm dứt vào sáng Chủ nhật. Phó quận định theo xe Jeep của Chi khu trở về, thì tài xế xe Scout của quận đã lái xe đến đón . Anh ta kín đáo đưa cho Phó quận một phong thư và nói nhỏ:
           - Cô giáo sáng nhờ em đưa cái thư này cho ông Phó…
            Bên trong phong thư dán kín chỉ có mảnh giấy nhỏ với vài hàng chữ mềm mại: “Hôm nay ngày nghỉ cuối tuần mà ông Phó còn làm việc sao? Khi xong việc trở về, xin ông ghé qua “tệ xá” để  chúng em được phép mời ông dùng bữa cơm thân mật trong gia đình…” Cuối thư không có chữ ký, nhưng anh biết  tác giả là ai rồi! Anh lên xe quận, viện cớ có việc cần nên về trước, để lại sau lưng nụ cười ý nhị của viên Trung úy phụ tá NDTV quận, người  “biết quá nhiều” về cô giáo … 
            Khi anh đến nhà cô giáo Lan, đã nghe tiếng cười nói của các cô bạn đồng nghiệp, mùi thức ăn thơm ngào ngạt tỏa khắp căn nhà. Cô chủ nhà từ bếp chạy ra cửa đón tiếp khách một cách thân tình, tươi cười đưa vào giới thiệu các nữ đồng nghiệp. Hôm nay cô Lan trông gọn gàng, tươi mát trong chiếc quần Jean màu xanh da trời bó sát đôi chân dài, chiếc áo polo ngắn tay hiệu Banlon màu beige khiến cho khuôn  mặt cô tươi  hẳn lên, trên đó đôi môi mọng tô hồng nhạt, tròn trĩnh như môi em bé nũng nịu,  đôi mi dài  như hai chiếc lông công khi xoè múa… Các cô giáo thi thố tài gia chánh, nấu nhiều món ăn đặc biệt dành cho vị khách đặc biệt. Trong bữa ăn, nhiều câu hỏi của các cô thật táo bạo, khiến vị khách bối rối. Nhưng những câu đối đáp thành thật, với một chút ý nhị khôi hài, khiến các cô vui cười thích thú. Cuối cùng anh đứng lên cáo từ, không quên cám ơn cô giáo chủ nhà và các bạn gái đồng nghiệp của cô. Cô Lan tiễn tận cửa khi anh ra về, quyến luyến nhìn theo với “con mắt có đuôi”.
 *  *  *
            Hiệp định Paris được chính thức ký kết vào 27-1-1973, quy định việc đình chiến tại Việt nam. Sau những ngày đó, quân cán chính tại quận được lệnh cảnh giác đề phòng việc vi phạm nhưng bắn của VC. Khoảng một tháng sau ngày đình chiến, một buổi chiều Trưởng Ấp 110 đang ngồi trong trụ sở bị kẻ lạ mặt, từ ngọn đồi phía sau lẻn  vào ném lựu đạn. Khi Nghĩa quân nghe tiếng nổ chạy đến, đã thấy Trưởng Ấp nằm bất động trên vũng máu và sau đó qua đời. Tỉnh gởi công điện chỉ thị Quận gởi gấp biên bản điều tra về vụ  trưởng Ấp đã bị ám sát, tổ chức cuộc biểu tình để người dân phản đối VC ám sát người cán bộ do dân bầu, để Tỉnh có bằng cớ yêu cầu Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến tận nơi điều tra…Một cuộc tuần hành đông đảo dân chúng tại Ấp 110 và dân chúng tại quận lỵ, với xe trang bị máy phóng thanh của Chi Thông tin dẫn đầu đã đi dọc theo quốc lộ. Họ hô to những khẩu hiệu lên án VC sát hại Trưởng Ấp 110... Khi đoàn biểu tình tập trung vào hội trường gần chợ, Trưỏng chi Thông tin đến Văn phòng quận mời  Quận trưởng đến chủ tọa cuộc mít tinh. Trung tá Quận trưởng bận công tác, giao quyền cho Phó quận.
            Khi anh bước vào, đã thấy người dân ngồi chật cả hội trường, phần lớn là dân xe be, chủ trại cưa, đàn bà trẻ em và thân nhân Trưởng Ấp bị sát hại. Sau khi Xã trưởng lên  diễn đàn kết án VC sát hại dã man Trưởng Ấp 110 trong giờ làm việc tại Ấp…, Trưởng Chi Thông tin trao Phó Quận bản kiến nghị phản đối VC đã ám sát Trưởng Ấp do dân bầu ra, vi phạm lệnh ngừng bắn do Hiệp định Paris ấn định và yêu cầu Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến tận nơi để điều tra nội vụ. Nhìn thấy đám đông người dân tham dự biểu tình, trong đó vợ con người Trưởng ấp bị ám sát đang ngồi ủ rũ đau buồn, anh thấy niềm căm phẫn dấy lên trong lòng. Anh bước lên máy vi âm, dõng dạc lên án hành vi ám sát hèn nhát của VC đối với một Trưởng ấp hiền lành, tận tâm phục vụ dân chúng, và hứa sẽ chuyển bản kiến nghị đến tận tay Ủy hội Kiểm soát Đình chiến khi họ đến đây điều tra nội vụ. Đồng thời không quên an ủi gia đình của Trưởng Ấp bị ám sát và chỉ thị Xã trưởng giúp họ sớm lập hồ sơ xin trợ cấp, đền bù phần nào nỗi đau đớn mất mát lớn lao của gia đình họ…
            Phó quận bước xuống chỗ ngồi giữa tiếng vỗ tay của dân chúng. Anh dự định bước theo Trưởng chi Thông tin ra khỏi hội trường trở về Văn phòng quận, bỗng thấy người tài xế thân tín từ hướng sân khấu hội trường chạy đến nói nhỏ:
            - Ông Phó đừng đi qua đám đông. Cô giáo mới cho biết có kẻ khả nghi trong hội trường…Ông bước ra cửa hông gần sân khấu kia, nhanh lên, em đi sau bảo vệ ông…
            Anh liếc nhìn xuống đám dân chúng đang nhốn nháo đứng dậy ra về, vội quay ngoắc lại hướng sân khấu, ra cửa hông hội trường và lên xe Scout đang đậu sẵn. Người nghĩa quân kiêm tài xế xe quận đi sát sau lưng Phó quận, nhanh chóng lên xe mở máy chạy… Khi  ra đến quốc lộ, anh nhìn thấy cô giáo đang đứng nép bên gốc cây, đầu đội nón lá, kín đáo nhìn về chiếc xe Scout đang chạy về hướng Văn phòng quận. Đó là lần cuối anh nhìn thấy cô giáo Lan…
            Buổi chiều, Trưởng chi Cảnh sát đến gặp Phó quận tại Văn phòng, báo cáo tin tức với vẻ mặt dương dương tự đắc:
            - Xin báo ông Phó biết, trưa nay có người mật báo, chúng tôi bắt được tên VC nằm vùng trước hội trường. Chúng tôi đang khai thác thêm, vì tên này nằm trong tổ ám sát Trưởng ấp 110. Cũng may cho ông Phó, nếu ông ra về bằng cửa chính thì gặp nguy rồi. Tên VC này đứng ngoài cửa chờ ông đi ra, sẽ ám sát ông rồi trà trộn vào đám đông chạy ra ngoài lộ, đồng bọn sẽ chở đi bằng xe Honda …
            Viên Đại úy Trưởng chi ngừng lại, nhìn Phó quận dò hỏi:
            - Nhưng sao ông Phó biết trước nguy hiểm mà đi ra bằng cửa hông hội trường?
             Phó quận nhìn người Trưởng chi Cảnh sát nửa đùa, nửa thật:
            - Thế ông Trưởng chi không biết tôi cũng có mật báo viên như bên Cảnh sát các ông sao?
            Nói xong, anh nghiêm nét mặt nhìn Đại úy Trưởng chi khiển trách:
           - Đúng ra Đại úy nên bố trí an ninh chu đáo hơn. Nếu tôi bị ám sát như Trưởng ấp 110 thì trách nhiệm thuộc về ai? Tôi yêu cầu từ nay trong những buổi mít-tinh đông đảo, nên cho Cảnh sát sắc phục ngồi ngay trong hội trường để lo việc bảo vệ an ninh, nhất là cho những viên chức xã ấp, các Trưởng chi, Quận trưởng, Phó quận… Nhưng dẫu sao, hôm nay Cảnh sát cũng đã thành công trong một công tác quan trọng như vậy, đáng khen ngợi!
            Viên Đại úy Trưởng chi, vốn tự phụ là một sỹ quan Cảnh sát giỏi, biết ông Phó quận “xi vin” này đã khiển trách đúng, bèn ngỏ lời cảm ơn rồi đứng nghiêm chào, quay gót ra khỏi phòng.
             Sau đó, Phó quận cho Trung úy Đức biết Cảnh sát đã bắt  được tên nằm vùng VC âm mưu ám sát anh ở hội trường trưa nay. Anh muốn đến nhà cô giáo cám ơn đã cho biết tin tức kịp thời, giúp anh tránh khỏi hiểm nguy hôm ấy. Mấy hôm sau, Trung úy Đức cho biết cô giáo đã rời khỏi quận. Theo tin tức từ các đồng nhiệp của cô, cô giáo đã tự động xin đổi về Tỉnh, không rõ vì lý do gì? Cô ra đi thầm lặng, vội vã, từ chối cả tiệc tiễn đưa của các bạn đồng nhiệp. Riêng anh, anh đã thoáng hiểu lý do sự ra đi âm thầm của cô. Có thể bọn nằm vùng VC, thông qua viên hiệu trưởng đáng nghi ngờ kia, đã hăm dọa cô giáo vì “biết quá nhiều” về đồng bọn chúng? Cũng có thể cô giáo đã “đánh hơi” sự hiểm nguy kề cận – cũng giống như trường hợp Phó quận suýt xảy ra?  Kể từ đó, anh không còn gặp cô giáo Lan, cô giáo xinh đẹp, có nhiều cảm tình với anh, cô gái trẻ có thừa can đảm, đã một lần cứu mạng anh!
*  *  *
            Sau khi đi tù “tập trung cải tạo” về, anh gặp lại Đức ở “chợ trời thuốc tây” đường Nguyễn Kim. Người phụ tá NDTV của anh hồi còn làm việc ở quận, sau những năm tù “cải tạo” ở  vùng rừng thiêng nước độc đã gầy ốm, cằn cỗi hẳn đi. Đức cho biết đã gặp cô  Lan một lần ở Sài gòn. Cô giáo vẫn còn nhớ đến người Phó quận trẻ tuổi nhiều tình cảm ngày xưa và cô đã nhờ Đức chuyển lời thăm hỏi đến “ông Phó thân mến của cô”!  Người cựu giáo viên ấy không còn đi dạy học nữa sau đợt “giảm biên chế”. Sau đó, cô đã nhận lời lấy ông hiệu trưởng, ông “xếp” cũ của cô.  Ông hiệu trưởng “nằm vùng bí mật” năm xưa, người chồng bất đắc dĩ của cô giáo Lan xinh đẹp một thời, nay đã là một cán bộ cấp cao trong ngành giáo dục tại Tỉnh. Ông ta đã mở một tiệm bán “vật liệu xây dựng” để cô vợ đứng trông nom tại ấp 125. Nơi này, ngày xưa Phó quận đã từng đến công tác “ngủ ấp”  hai đêm trong cuộc hành quân hỗn hợp để thanh lọc những phần tử tay sai của VC. Nay Ấp 125 đã phát triển trù phú, nhà cửa mọc lên như nấm sau cơn mưa hè. Những thành phần nằm vùng, những tên mang băng đỏ chạy theo “cách mạng giờ thứ 25”… đã phất lên làm giàu nhờ chiếm đoạt đất đai, rẫy bái của người dân tại đây để xây dựng nhà cửa, để bán chác…tạo nên cuộc sống phồn vinh ở xã hội mới.
            Đối với anh, những kỷ niệm với cô giáo Lan tưởng đã theo thời gian trôi vào quá khứ lãng quên. Nhưng hôm nay, anh đã gặp lại cô trong một hoàn cảnh thật bất ngờ. Trưởng ban tổ chức buổi họp mặt tân niên, cựu Trung úy Đức, đã đưa anh đến gặp lại người xưa. Anh nhìn cố nhân, không nói nên lời…Anh chỉ biết cầu chúc cho cô một cuộc sống an bình, cả trong tâm hồn lẫn thể chất.  
            Hai hôm sau, anh và Đức đưa cô giáo lên phi trường LAX để trở về Việt nam. Khi chia tay ở phi trường, cô giáo  nhìn anh nở nụ cười buồn, vẫy tay chào từ biệt rồi bước vào khu cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng cô đơn ấy đang lầm lũi bước đi. Cô không đi lên chiếc thang cuốn chạy dọc theo hành lang, mà từ từ bước. Chiếc túi xách nặng trĩu trì kéo vai cô, như đứa trẻ níu tay mẹ đòi ở lại  cái xứ sở mà người tỵ nạn ở đây chỉ xem như “vùng đất  tạm dung”. Khi chiếc bóng cô đơn ấy đã khuất nơi ngã rẻ trong phi trường, anh thẫn thờ quay ra. Trong quá khứ, anh và cô giáo  đã có một thời gắn bó tình cảm. Nay thì tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Cuộc gặp gỡ thoáng chốc đã khơi lại trong anh những tình cảm êm đềm ngày xưa. Để rồi hôm nay cô đành chia tay  bạn bè thân mến ngày xưa, trở về sống với người chồng chỉ biết lo danh vọng phú quý; trở lại sống trong một xã hội mà ở đó sau năm 75’,  những kẻ xu nịnh chạy theo chế độ mới đã vội quay lưng lại với quá khứ thân thương và nhân ái trước đây.  
            Anh đã tiễn đưa cô về bên ấy, lòng cảm thấy nao nao buồn và chợt nhớ đến những lời thơ trong bài  “Tiễn Em” của Cung Trầm Tưởng:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly…
            Anh kéo cao cổ chiếc áo jacket để bớt lạnh và thầm nghĩ: chắc hẳn mùa này ở vùng “núi đá ba chồng”, gió đêm cũng làm lạnh lòng người ở lại lắm. Và chắc hẳn cũng lạnh con tim kẻ ly hương khi âm thầm nhớ lại hình bóng người xưa, mà giờ đây chỉ còn là kỷ niệm…
            Hồi ức 
         
Tam Bách 

Không có nhận xét nào: