Cô Thanh Thúy và tác giả tại tư gia Cô Thanh Thúy ở Cali vào một mùa thu…
Thanh Thúy xin chân thành cảm tạ tác giả đã gởi tặng bài viết thật dễ thương này.
“Tiếng hát sâu lắng giòng Hương,
Day dứt Thanh Thúy mà thương quê mình…”
Thu đã cựa quậy trở mình…
Tôi rất thích mùa Thu ở Calif. Mùa Thu khoác cho đất trời một tấm vàng phai. Đi dạo quanh những con đường đầy cây và hoa vào mùa Thu ở Calif thì rất tuyệt. Sự tuần hoàn giữa bốn mùa như một quy luật nhưng thời khắc “Tống Hạ Nghênh Thu” như lúc này là Tôi thích nhất.
Vừa mới nhắc đến sự thay đổi bốn mùa, Tôi bỗng cảm thấy sự khả biến của mọi vật trên đời này. Cuộc đời vận động, mọi thứ đều thay đổi. Đó là guồng máy của cuộc sống này mà ai cũng phải tuân theo. Duy chỉ có kỷ niệm và sự yêu thương là bất khả biến nếu chúng ta biết trân quý những gì đã qua, sống tiếp cho hiện tại và hướng đến tương lai. Đừng đánh đồng quá khứ với quá vãng dẫu chúng cũng xuất phát từ một thời điểm trước đây nhưng những gì còn kéo dài đến ngày hôm nay thì không thể gọi là quá vãng được… Bất giác, Tôi bỗng thấy có một sự yêu thương như thế…
Đó là sự yêu thương của Tôi dành cho một tiếng hát mà người đời đã dùng tất cả những gì mỹ miều nhất và cao sang nhất khi nói về – đó là tiếng hát Thanh Thúy – tiếng hát kéo dài từ quá khứ cho đến bây giờ.
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi ấy Tôi khoảng 15 tuổi, Tôi mượn được một CD toàn những bản nhạc mà dân gian gọi nôm na là “nhạc mùi” được ca bởi những giọng ca trứ danh của miền Nam trước đây. Khi đĩa hát đang chạy đến bản Nửa Đêm Ngoài Phố (đúng là có một sự ngẫu nhiên chăng?), Tôi đang hát theo một cách rất bảng lảng:
“Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời…” (1)
Mẹ Tôi bước vào phòng và Tôi hỏi Mẹ có biết giọng ca của ai không thì mẹ Tôi bảo là giọng ca của Thanh Thúy. Tôi hỏi sao Mẹ biết thì Mẹ lại bảo ai mà chẳng biết đến Thanh Thúy.
Một câu nói giản đơn thế thôi nhưng lại kích thích sự tò mò của Tôi. Thuở ấy, tôi chưa mê đắm vào những bản nhạc xưa như bây giờ. Tôi chỉ có quen với những sự sôi động và một chút hờ hững của dòng nhạc bấy giờ – cũng đúng thôi vì đó là sự vô tư của tuổi trẻ – cái thuở của “ngủ nướng” chứ làm gì có “thức giấc nửa đêm bao giờ”…
Bén duyên từ đó, tôi tìm nghe những bản nhạc Thanh Thúy ca. Trong đầu tôi luôn đặt câu hỏi vì sao có những giọng ca được chấp nhận bởi một xã hội và bởi nhiều thế hệ khác nhau. Qua một thời gian tìm nghe giọng ca Thanh Thúy, Tôi đã có được cho mình một sự giải thích khá hợp lý và Tôi, cũng như bao bạn trẻ khác cũng đã giống như thế hệ ông cha của mình, cũng mê mẩn giọng ca này.
Nhân tiện nhắc đến chữ “mùi” mà dân gian đặt tên một cách khá “dân dã” cho giòng nhạc này. Tôi thì thấy chữ “mùi” không hay nhưng cũng bất lực trong việc tìm kiếm một cái tên khác đầy đủ ý nghĩa hơn. Giòng nhạc này mang nặng tính tự sự, sâu sắc mà cũng không kém sự ngọt ngào. Chính vì không biết Tạo Hóa đã sản sinh ra cả một thế hệ giọng hát với những đặc tính giống nhau như ngọt ngào, sâu lắng mà vô tình những giọng hát ấy càng đóng góp cho sự “mùi” của những bản nhạc đó nhiều hơn. Chắc cũng như Tôi, những ai nghe những bản nhạc này với những giọng ca trác tuyệt thì cũng phải xuýt xoa như đang ăn phải một trái chín muồi nào đó. Những giọng ca mang những đặc tính giống nhau nhưng lại có những nét đặc trưng khác nhau. Không cần phải kể ra thì mọi người cũng đã biết là những ai rồi.
Riêng đối với Thanh Thúy, Tôi không thấy giọng Thanh Thúy có những đặc tính của sự “mùi”. Theo cá nhân, Tôi thấy Thanh Thúy là một người hát nhạc “mùi” với vẻ cao sang của kim sa, cũng giống như những món ăn dân dã được phục vụ tại một nhà hàng sang trọng nào đó. Phải khẳng định rằng sẽ không ngoa nếu Tôi nói đó là Trường phái Thanh Thúy. Ở giọng hát Thanh Thúy, Tôi thấy có một sự đậm đặc của cà phê, có một sự dai dẳng của mạch nha và có một sự rạn nứt ở cuối của kẹo kéo (món kẹo mà Tôi rất thích lúc còn nhỏ). Cà phê-mạch nha-kẹo kéo là một sự giản đơn nhưng khi được Thanh Thúy kết tinh trong giọng hát của mình thì nó đã trở nên trác tuyệt tự khi nào.
Phải thú nhận là Tôi đã yêu giọng ca này mất rồi. Không biết phải do chất gây nghiện trong cà phê hay chất kết dính trong mạch nha kẹo kéo mà giọng hát Cô sở hữu. Thật đúng như ai đó đã gọi tên giọng hát của Cô là “Tiếng Hát Ma Túy” thật.
Hơn nữa, ở giọng ca Thanh Thúy ta không thấy sự ngọt ngào của trái cây miền Tây khi chín “muồi” nhưng lại có một sự trầm mặc, cổ kính. Cái buồn trong giọng hát của Thanh Thúy khó mà có thể được tóm gọn lại trong mấy chữ. Nếu các bạn có về Huế, đi bộ qua cầu Tràng Tiền vào một buổi chiều lộng gió, nhìn xuống giòng sông Hương thì sẽ thấy cái buồn trầm mặc trong giọng hát Thanh Thúy cũng giống như nỗi buồn trong câu “Kìa giòng Hương sầu nước quên trôi…” (2)
Cũng đúng thôi, tiếng hát của Thanh Thúy cổ kính, sâu trầm như Huế. Khàn và day dứt như muối biển Phan Thiết. Cao sang như những ngọn đèn Sài Gòn và nhất là đẹp như nàng Thu ở Calif…
Calif. Chớm Thu, Tháng Mười, 2013
Bụi Trần – Chân Như
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét