Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Xe lôi - Đoàn Xuân Thu


Sài Gòn là rừng gòn. Prey Nokor, tiếng Miên “Prey” là “rừng” “Nokor” là “thành.”; thành trong rừng. Trước khi người Việt từ Miền Trung vào, nơi này vẫn còn là một khu vực hoang sơ rừng rậm. Vốn là đất của Miên, thời nhà Nguyễn, vùng đất này bị sáp nhập vào lãnh thổ Đại Nam, thành Lục tỉnh Nam Kỳ. 3 tỉnh Miền Đông (Đông của Sài Gòn) là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường; đa phần rừng đất đỏ và trảng trống. 3 tỉnh Miền Tây (Tây của Sài Gòn): Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, đa phần đồng, ruộng, rẫy, vườn tược
<!>
Tính từ thế kỷ 17 trở đi, Sài Gòn, chưa tới 400 năm, đã mấy lần thay ngôi đổi chủ. Trước 1975, là thủ đô của nước VNCH, Sài Gòn sống đời thạnh trị chỉ vỏn vẹn 5 năm thời Đệ Nhứt Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tới năm 1960, vâng lịnh Nga, Hoa, CSBV xâm lược Miền Nam. VC làm nội ứng. Mỹ bỏ đi. Sài Gòn sụp đổ. CSBV vào, người Sài Gòn ra biển. Bây giờ Sài Gòn đa phần là Ba ke hai nút.

Từng là đất Miên, nhưng người Khmer ở Sài Gòn không đông. Người Khmer chủ yếu tập trung ở các tỉnh Miền Tây như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và An Giang. Tại sao vậy? Chẳng qua đồng bằng sông Cửu Long, cũng là đất Miên. Với giồng cát màu mỡ phù sa, sông rạch chằng chịt thích hợp cho người Khmer làm rẫy, ruộng, lập thành phum (là thôn), sóc (là làng). Mấy tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Ba Xuyên (Sóc Trăng) tui không biết gì nhiều cho tới khi rời Mỹ Tho đi Cần Thơ học; ra trường đi dạy, tui mới biết kha khá về Cần Thơ. Rồi tui cưới vợ, hai thằng con tui chôn nhau cắt rún ở đây, ở Cần Thơ cho tới ngày tui bỏ Cần Thơ ra đi.

Xe đạp lôi

Mới đây trên ‘Google Images’, tình cờ tui gặp William Ruzin, một lính Mỹ, phóng viên chiến trường, Với máy Minolta và Yashica, ông ghi lại hình ảnh Cần Thơ, vào năm 1968, làm phần số tui xa quê suốt mấy chục năm nhìn thấy vẫn bồi hồi xúc động. Xin cám ơn ông!

Tui nhớ từ trong chợ Cần Thơ đi Trà Nóc hướng Long Xuyên hoặc đi Cái Răng hướng Sóc Trăng, chừng 5 km, bà con mình đi xe lam. (Lambretta và Vespa, số tay, của Ý hầu hết là hai bánh. Tuy nhiên cũng có xe ba bánh và thùng sau để chở khách). Xe lam chạy có lộ trình nhưng có thể ngừng bất cứ chỗ nào để bắt hay thả khách.

Trong thành phố muốn đi bất cứ đâu mình bắt xe lôi. Xe lôi đậu chờ tài nơi nhiều khách vãng lai như: Bến xe mới đường Hùng Vương, chợ Cần Thơ đường Hai Bà Trưng, Bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa đường Nguyễn An Ninh,

Từ cuối thập niên 1950, Miền Nam nhập cảng các xe gắn máy Đức như: Goebel, Sachs, Puch. Tuy xi lanh (cylinder) chỉ 50cc, xe Đức có sức kéo mạnh hơn xe Mobylette (của Pháp) nên được dùng để kéo xe lôi, chở được tới 4, 5 hành khách.


Xe lôi Goebel

Xe Goebel, Sachs, Puch của Đức, Suzuki của Nhựt xài xăng pha nhớt, động cơ 2 thì (2-stroke engine), piston (nén và xả). Xe Honda SS 50, (“SS” viết tắt chữ “Super Sport”) của hãng Honda, động cơ đốt trong 4 thì (4-stroke engine); piston: nạp, nén, đốt cháy và xả; ít hao xăng, ít hư bậy. Xe Nhựt ăn; xe Đức thua.

Thời thơ ấu, mùng Một Tết, từ Ngã ba Hòa Tịnh, theo ba với má về thăm Nội ở làng Phú Kiết, Bến Tranh, Mỹ Tho bằng xe lôi ‘bình bịch’.

Ngày bỏ nước ra đi, vợ chồng con cái, 4 người, ngồi xe lôi ra Bến Xe Mới đi Sài Gòn để tuần sau bay đi Úc.

Xe lôi có hai phần: Chiếc xe gắn máy. Thùng xe lôi có mui gắn phía sau xe chở được 4, đôi khi tới 5 người. Không gì đã hơn lên xe lôi, xui khiến sao đó, được ngồi gần một em ‘đèm đẹp’. Bỗng trời đổ mưa to. Tài xế trùm cái poncho màu ô-liu của lính kín đầu; rồi lấy bạt trong thùng xe ra, che cho khách tối hù, kín mít. Trời chớp ngoằn ngoèo, sấm ầm ì. Em sợ trời đánh em; em ép sát vào tui như ép cá lia thia. Tui muốn chiếc xe lôi chạy hoài, chạy hủy đi; đừng tới nơi nha cha nội. Chở tui xuống địa ngục, (go to the hell), tui cũng đi. Ước là có, muốn là được; ông trời bèn cho em, tức con vợ của tui bây giờ đó. Sau chuyến xe lôi đó, em về nâng khăn, móc túi tui. Nâng khăn thì tùy bữa buồn vui; vì tánh tình em, cũng như cái măng xông (manchon) hay lên dầu sống. Dẫu ông lên bà xuống, tình tui có thể em quên; nhưng tiền tui em luôn nhớ. Em móc túi tui. Tui hết tiền, thành kép Minh Phụng, “Áo vũ cơ hàn”, tuồng “Đêm lạnh chùa hoang” của soạn giả Yên Lang, tui móc bọc. Em hành hạ tui. Em biến đời tui thành địa ngục.
Xe lôi Honda SS 50

Tui ước chi đời tui giống như thằng cha trong bài hát của ông Vinh Sử: “Trên chuyến xe lam đông người chiều nao. Tụi mình không quen mà ngồi bên nhau. Trời mang nhiều trớ trêu chi? Người chưa hề biết quen gì. Sao ngồi gần như tình nhân si? Em xuống xe lam đi vào hẻm sâu. Anh vội theo chân ngõ hồn xôn xao. Làm quen chuyện vãn dăm câu. Niềm vui mộng ước ban đầu. Trong đã rồi mặt ngoài còn e. Ngờ đâu yêu đương như đám lục bình. Trôi theo con nước vô tình. Em lấy chồng người ta giàu có. Tình em se cát dã tràng biển Đông. Anh muốn tìm vợ cho xong Nhưng ngại thêm gặp kẻ bạc lòng…”

Phải chi trời cho tui ngồi gần em, cọ quẹt chút đỉnh thôi, rồi đường ai nấy đi; thì tình lỡ (như cùi) nó đẹp hơn nhiều há?!

Khi bài này còn viết nháp, tui ‘save’ vô ‘Document’ trong cái ‘computer’ của tui. Em như FBI rình rập coi tui có bạc trắng lửa hồng không? Em nhờ thằng cháu nội tui đang học an ninh mạng bẻ cái ‘password’, cái mật khẩu, của tui cho em. Đọc xong bài, em gởi cái “email” đe dọa tui như vầy: “Kiếp trước bà là điền chủ. Ruộng cò bay thẳng cánh; chó chạy cong đuôi, Ông một cục đất chọi chim không có. Làm tá điền không nghèo cho sạch mà còn láu cá, đong lúa ruộng toàn là lúa lép. Ê trả xong; rồi theo con ngựa bà nào cũng được.” “Hu hu! Má ơi! Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

DXT

Không có nhận xét nào: