Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Saigon Mất Tên, Thành Công Rực Rỡ! Quý Khách Tham Dự, Đông Chưa Từng Thấy! *Tất cả ghế từ ngoài sân, đưa vào trong quán, vẫn không đủ chỗ ngồi! quán chứa 100, mà gần 200 tham dự! *Nhiều tiết mục tưởng niệm cảm động, lời nhạc, rơi nước mắt! *Nhiều người tiếc nuối, vì đã không tham dự! nhưng vẫn còn cơ hội, vì cuối tuần này, với sinh hoạt truyền thống do VTLV tổ chức lần thứ 6, “Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm (1975-2025) Tháng Tư Đen!” Với sự chuẩn bị công phu hơn nhiều! hội trường rộng rãi! Tất cả, từ nước uống, thực phẩm nhẹ, dĩ nhiên tham dự, đều miễn phí! Trân trọng kính mời.
<!>
*Tin giờ chót: Một ân nhân tặng 20 món quà giá trị, trong tiết mục rút thăm! Tăng cường thêm thực phẩm nhẹ!
Chút Tường Trình Về “Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Saigon Mất Tên”
-Thấm thoát mới đó mà đã 50 năm, bọn CSVN xoá tên Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông, để thay vào đó tên Hồ Chí Minh, lãnh tụ bọn tay sai Nga Tàu xâm chiếm Miền Nam. Dẫu trên bản đồ hiện tại của đất nước ta, thủ đô xưa của Việt Nam Cộng Hoà không còn ghi hai chữ Saigon, nhưng trong sách vở, trong thâm tâm của hàng triệu người Việt Nam đang sống lưu vong trên khắp thế giới, cũng như hàng chục triệu người Việt trong nước, cái tên Saigòn đã thấm sâu vào trong giòng máu, trong trái tim, nên ở đây, chiều cuối tuần qua, Chủ nhật 6 tháng 4-2025, hồi 3PM tại Cà phê Lover trên đường Quimby thành phố San José bắc California, trên hàng trăm đồng hương Việt Nam đã tụ hội về đây, để cùng chia xẻ với nhau về nỗi nhớ Saigon thân yêu, qua Thơ Nhạc do Nhóm Thân Hữu Sài Gòn và Sài Gòn Nhớ, đại diện là anh Lê Văn Hải đứng ra tổ chức. Với sự góp mặt của đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ thân quen. Đã rất là thành công!
Sau đây là một vài hình ảnh chúng tôi đã ghi lại, xin được chia xẻ cùng Quý Vị và Các Bạn Xa gần, như một Lời Chia Vui cùng cái tên SAIGON, mãi mãi còn đó với Việt Nam, rực rỡ là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Thêm hỉnh ảnh của thân hữu:
Hình ảnh từ Youtub:
Here is the link VIETV DIRECTV CHANNELS 2036 2037_CHIỀU NHẠC TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-04 CHỦ ĐỀ 50 NĂM SAIGON MẤT TÊN
Giới Thiệu Sinh Hoạt Tuần Này:
Nửa thế kỷ đã qua, Tháng Tư Đen lại trở về, qua 50 năm, vẫn đau buồn, tang thương, vết thương đau lại bật lên, rỉ máu!
Mãi mãi không bao giờ quên!
Ký ức sẽ sống lại trong Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen năm nay: Với Chiều Nhạc Tưởng Niệm Tháng Tư Đau Buồn.
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Tại Hội trường Hạt Santa Clara, San Jose.
Vào cửa, nước giải khát, thực phẩm nhẹ, miễn phí!
Bước vào những tháng ngày, buồn thảm, đau thương nhất của Quê Hương!
Giới thiệu sinh hoạt, ý nghĩa nhất, nhiều công phu, thời gian sửa soạn nhất, cho Tháng Tư Den năm nay tại San Jose:
Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Tại Hội trường Hạt Santa Clara (Isaac Newton Center Auditorium) 70 West Hedding, San Jose, Ca 95110
-Chương trình nhạc Tưởng Niệm truyền thống, do Người Lính KQ LVHải (hội trưởng VTLV) tổ chức hằng năm, vào mỗi Tháng Tư Buồn! với trên, hàng chục ca nhạc sĩ hay nhất, với những giọng ca truyền cảm nhất, hát với tất cả trái tim của Thung Lũng Hoa Vàng trình diễn.
-Gồm: Đồng Thảo, Hoàng Kim, Văn Khoa, Ngọc Hoa, Thanh Trúc, Trung Kiên, Hạnh Thảo, Cindy Mỹ Dung, Hiếu Hạnh, Thu Phượng, Khôi Nguyên, Hoàng Minh… MC: Thanh Loan, Duy Hải, Nguyễn Hồng Dũng và Đoàn Du Ca Bắc Cali.
-Được tổ chức truyền thống hàng năm, với sự yểm trợ của rất nhiều Hội đoàn và các Anh Chị Em Nghệ Sĩ, lần này là lần thứ 7! Những năm khác, tổ chức tại Câu Lạc Bộ Mây Bốn Phương, Cà phê Lover… Quý Khách ủng hộ đông đảo, nên không đủ chỗ ngồi! Năm nay, hội trường nơi diễn, khang trang, lớn hơn gấp 3 lần!
-Vào cửa tự do, cũng như có phục vụ nước giải khát, thức ăn nhẹ, hoàn toàn miễn phí!
-Đặc biệt, bảo trợ bởi: Giám Sát Viên Hạt Santa Clara, Betty Dương.
-Nếu có thể được, xin mặc y phục mầu đen, hay trắng.
*Mọi chi tiết, xin liên lạc: (408) 613-9142, (408) 335-3862
Chân thành cảm tạ và Trân trọng kính mời.
Thay Mặt Ban Tổ Chức
Lê Văn Hải
Tin Quốc Tế Đó Đây
Người Dân Do Thái Phẫn Nộ Vì Thủ Tướng Netanyahu Công Du Nhiều, Lơ Là Việc Giải Phóng Con Tin ở Gaza
(Hình AP - Ariel Schalit: Biểu tình đòi các con tin ở dải Gaza được trả tự do tại Tel Aviv, thủ đô cũ của Do Thái, ngày 5/4/2025.)
-Tối thứ Bảy 5/4/2025, như thường lệ, người biểu tình lại xuống đường đòi chính phủ Do Thái tìm giải pháp đưa các con tin bị cầm giữ tại dải Gaza trở về. Lần này, nhiều người đặc biệt phẫn nộ vì chuyến đi Hung Gia Lợi của Thủ tướng Do Thái kéo dài quá lâu, trong khi các con tin vẫn đang bị giam cầm tại Gaza.
Diễn đàn của các gia đình con tin, tổ chức chính tranh đấu cho việc giải phóng con tin, đã xác định được danh tính của 2 con tin còn sống mà Hamas mới đây cho công bố. Từ thủ đô (mới) Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phóng sự:
"Gia đình các con tin cho rằng Thủ tướng Do Thái hoàn toàn xa rời thực tế. Việc ông kéo dài chuyến đi Budapest là bằng chứng cho thấy điều đó. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo sẽ không trở về Do Thái mà sẽ từ đó bay thẳng sang Mỹ gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc.
Trong số những người biểu tình tập hợp vào cuối tuần này, có Benny Gantz, từng là Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng Quân đội Do Thái. Ông Benny Gantz không hề che giấu sự phẫn nộ khi thấy Thủ tướng Netanyahu đi vắng quá lâu. Ông nói: "Ông ấy lẽ ra phải có mặt trong nước. Các chuyến thăm chính thức là quan trọng, nhưng nên ngắn nhất có thể chứ không phải kéo dài nhất có thể như lần này. Các cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ là quan trọng, xét ở cấp độ chiến lược và về an ninh. Chuyến đi cũng là vấn đề về kinh tế. Thế nhưng, điều quan trọng nhất hiện nay là các con tin được trở về để chúng ta có thể tiến lên phía trước".
Đi biểu tình cùng với gia đình như thường lệ vào tối thứ Bảy hàng tuần, bà Mia cũng tỏ ra phẫn nộ và nói: "Thật không thể tin được rằng trong lúc 59 con tin vẫn còn đang bị đầy ải trong các đường hầm, thì ông ấy (Thủ tướng Netanyahu) lại cùng với vợ có cả một kỳ nghỉ cuối tuần trong một khách sạn xa hoa lộng lẫy bên bờ sông Danube để kỷ niệm ngày cưới. Tôi hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ buộc ông ấy giải quyết vấn đề con tin. Chứ còn về phía ông Netanyahu, ông ấy đã bỏ mặc họ rồi".
Thủ tướng Do Thái đã ra lệnh tiếp tục chiến tranh và cho rằng áp lực quân sự sẽ dẫn đến việc các con tin được trả tự do. Tổ chức Diễn đàn của các gia đình nạn nhân vẫn nhấn mạnh đằng điều đó hoàn toàn sai, thực tế đã chứng minh điều ngược lại".
Nga Oanh Kích Thành Phố Quê Hương Tổng Thống Zelensky: 18 Người Chết
(Hình Na Chasi media via AP: Một khu dân cư tại thành phố Kryvyi Rih bị Nga oanh kích ngày 4/4/2025.)
-Các vụ oanh kích của Nga vào lãnh thổ Ukraine vẫn tiếp diễn ngày đêm. Quân đội Ukraine hôm 5/4/2025 cho biết trong đêm 4/4 đã bắn hạ được 51 drone và điều hướng 31 drone trong tổng số 92 drone Nga phóng sang Ukraine, chủ yếu đến Kyiv, Zhitomyr, Soumy và Dnipro. Trong khi đó, chiều 4/4, một vụ tấn công của Nga bằng phi đạn-đạn đạo đã khiến 18 người chết tại Kryvyi Rih, miền Trung Ukraine.
Đây là vụ oanh kích gây nhiều thương vong nhất cho Ukraine trong những tuần qua. Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Kryvyi Rih, thành phố quê hương của Tổng thống Ukraine, Zelensky, đã bị quân Nga oanh kích mạnh. Có 18 người thiệt mạng, trong đó có 9 trẻ em, và khoảng 60 người bị thương do phi đạn-đạn đạo, mà theo Kyiv là phi đạn Iskander, rớt xuống một khu dân cư.
Nga nói rằng đây là một cuộc oanh kích chính xác nhắm vào địa điểm đang diễn ra cuộc họp của các quan chức cấp cao Ukraine và nước ngoài, nhưng các hình ảnh lại cho thấy vụ oanh kích nhắm vào một khu dân cư, gần một sân chơi của trẻ em.
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã phản ứng gay gắt, nói rằng: "Quân Nga tấn công hàng ngày. Người dân Ukraine chết mỗi ngày. Chỉ có một lý do duy nhất khiến điều này vẫn tiếp diễn: Nga không muốn ngừng bắn. Ukraine và toàn thế giới đều thấy điều đó".
Các cuộc oanh kích của Nga diễn ra trong bối cảnh các phái đoàn, do tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp và Anh dẫn đầu, đang có mặt tại Kyiv để thảo luận về khả năng triển khai các lực lượng nước ngoài để gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ Ukraine".
Ukraine: Chiến Sự Leo Thang Sau Khi Nga Oanh Kích Thủ Đô Kyiv
(Hình REUTERS / Gleb Garanich: Khói bốc lên sau cuộc oanh kích của Nga nhắm vào Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 6/4/2025.)
-Hôm 6/4/2025, Thị trưởng Kyiv, ông Vitali Klitschko thông báo rằng 3 người đã bị thương trong một cuộc tấn công của Nga nhắm vào thủ đô Ukraine. Cuộc tấn công xảy ra 2 ngày sau vụ oanh kích đẫm máu của Mạc Tư Khoa nhắm vào Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Volodymyr Zelensky, khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
Thị trưởng Klitschko, được thông tấn xã AFP trích dẫn, đã thông báo trên mạng Telegram về vụ tấn công nói trên. Đồng thời, hệ thống phòng không của Ukraine đã phát cảnh báo ở các khu vực Kharkiv, Mykolaïv và Odessa sau khi nhiều phi đạn Nga xâm nhập từ phía Bắc và hướng về phía Nam Ukraine. Các cảnh báo này sau đó đã được dỡ bỏ.
Đối mặt với tình hình này, không quân Ba Lan và các đồng minh đã bắt đầu thực hiện các hoạt động phòng không và tuần tra trên không phận Ba Lan.
Về cuộc tấn công nhắm vào Kryvyi Rih cách đây 2 ngày, Tổng thống Zelensky cáo buộc Hoa Kỳ có phản ứng "quá mềm dẻo" đối với Nga, cụ thể là sau khi đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bridget Brink, đã bày tỏ sự kinh hoàng về cuộc tấn công mà không nêu rõ rằng đó là hành động của Nga. Nguyên thủ Ukraine cho rằng Hoa Kỳ "sợ cáo buộc Nga" khi nói về cuộc tấn công này.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã ca ngợi những "tiến bộ rõ rệt" trong việc triển khai một lực lượng Âu Châu trong trường hợp Nga-Ukraine đạt được một thỏa thuận ngưng bắn. Các tướng lĩnh của Pháp và Anh đã có mặt tại Kyiv vào cuối tuần qua để thảo luận về việc triển khai một lực lượng nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc xung đột sau khi Thỏa thuận Ngưng bắn có hiệu lực.
Kyiv tiếp tục cáo buộc Mạc Tư Khoa tìm cách kéo dài cuộc xung đột để giành thêm lãnh thổ Ukraine, trong bối cảnh Hoa Thịnh Ðốn đã đề xuất một lệnh ngưng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.
Thỏa Thuận Khoáng Sản 2.0 của Trump Đe Dọa "Quyền Tự Quyết" của Kyiv
-Thứ Sáu, 28/3/2025, chính quyền Donald Trump gởi đến Kyiv một đề nghị mới liên quan đến Thỏa thuận về Khoáng sản Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ sớm trả lời vào cuối tuần này hoặc trễ nhất là đầu tuần tới, thứ Hai, 7/4. Tuy nhiên, theo đánh giá của báo Anh The Spectator, đây sẽ là một "thỏa thuận độc hại" cho Ukraine.
Trong bản đề nghị mới dài 58 trang và để buộc Ukraine phải hoàn trả không thiếu một xu số tiền viện trợ quân sự và nhân đạo mà Hoa Kỳ cấp từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga năm 2022, chính quyền Trump đã có những đề nghị khắt khe với Ukraine. Theo đó, một nửa nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí và thậm chí các cơ sở hạ tầng đường sắt thành Mỹ kim để đưa về Hoa Kỳ. Mọi sự chậm trễ sẽ phải chịu hình phạt tài chính.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn muốn thành lập một hội đồng giám sát để quản lý điều gọi là "Quỹ đầu tư chung", được cung cấp hoàn toàn bằng tiền hoàn trả viện trợ của Mỹ. Nhưng hội đồng gồm 5 thành viên này, có đến 3 người là Mỹ và mọi quyết định được thông qua theo đa số. Điều đó tương đương với việc trao cho Mỹ toàn quyền phủ quyết.
Cũng theo văn bản này, các hoạt động tái đầu tư của Kyiv từ lợi nhuận thu được trên lãnh thổ Ukraine sẽ phải tùy thuộc vào thiện ý của Mỹ, và nhất là Hoa Kỳ sẽ nhận được 4% tiền lãi chừng nào Ukraine vẫn chưa trả hết nợ.
Đối với những khoản đầu tư mới về tài nguyên khoáng sản và cơ sở hạ tầng, Hoa Kỳ phải được ưu tiên. Điều này có nghĩa là Kyiv chỉ có thể mở gọi thầu khi nào có sự từ chối của nhà đầu tư Mỹ, bên có quyền ưu tiên ký kết các hợp đồng. Kyiv có trách nhiệm chia sẻ mọi chi tiết các cuộc đàm phán chiến lược với chính phủ Mỹ và sẽ không thể thay đổi đề nghị của mình với các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng một năm sau khi phía Mỹ từ chối.
Dự thảo thỏa thuận cũng cấm các doanh nghiệp khai thác khoáng sản Ukraine hợp tác với các khách hàng mà Hoa Thịnh Ðốn xem như là "đối thủ chiến lược". Yêu cầu này của Mỹ xem như "khép chặt" cánh cửa khả năng Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), điều mong mỏi của người dân Ukraine.
Tóm lại, đây là một thỏa thuận vô hạn định. Ukraine không thể sửa đổi cũng không thể chấm dứt nếu không có sự đồng thuận của Hoa Kỳ. Đổi lại, Ukraine chẳng được hưởng gì mà còn phải mắc nợ Hoa Kỳ đến hơn 110,9 tỉ Mỹ kim.
Những yêu sách mà Hoa Kỳ đưa ra có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, với rủi ro là nhiều nước khác cũng sẽ đòi hoàn trả tiền viện trợ đã cấp cho Ukraine. Và điều tệ hại nhất là trong mọi trường hợp, Tổng thống Zelensky không thể bác bỏ thỏa thuận này vì e sợ gây ra một xung đột dữ dội khác với Donald Trump như những gì đã diễn ra ở Tòa Bạch Ốc hồi cuối tháng 2/2025.
Marine Le Pen Bị Tước Quyền Ứng Cử: Trump Tỏ Thông Cảm
-Ngày 31/3/2025, Tư pháp Pháp tuyên án bà Marine Le Pen, nguyên Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) 4 năm tù và tước quyền ứng cử của bà trong năm năm vì tội "biển thủ công quỹ". Bà Le Pen nhanh chóng lên án một "quyết định mang tính chính trị", đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở phiên xử Phúc thẩm trước kỳ bầu cử Tổng thống 2027.
Nếu như vụ việc khiến "chính trường Pháp nhốn nháo", truyền thông nước ngoài bàn tán rộng rãi, thì điều đáng chú ý là bà Le Pen đã được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều lãnh đạo chính phủ cực hữu trên thế giới như từ Ý Ðại Lợi, Hung Gia Lợi, Hòa Lan cho đến nhiều chính khách, nhân vật nổi tiếng ở Mỹ như Elon Musk và đặc biệt là từ cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Hoa Thịnh Ðốn:
"Tổng thống Mỹ đã so sánh bản án này với trường hợp cá nhân ông. Xin nhắc lại, điều đáng nhớ, ông là vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị kết án về tội hình sự và mặc dù vậy, ông vẫn có thể ra tranh cử và đã đắc cử.
Vào cuối ngày 31/03, từ phòng Bầu Dục, ông phát biểu: "Vụ án này là rất lớn và tôi biết rõ về vụ việc này. Có nhiều người nghĩ rằng bà ấy sẽ không bị kết án. Thế nhưng, bà bị cấm không được ra tranh cử trong vòng năm năm vào lúc bà ấy đang là ứng viên và hiện dẫn đầu cuộc đua. Chuyện này tương tự như ở đất nước chúng ta. Chúng giống như ở nước chúng ta đến lạ lùng".
Trước đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sau khi phủ nhận bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu".
Marine Le Pen Lãnh Án cà "Dân Túy Không Biên Giới"
-Tuần báo Le Nouvel Obs chỉ trích "Dân túy không biên giới", khi các nhà độc tài phản đối việc thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen bị kết án 5 năm không được tranh cử, 4 năm tù và 100.000 Euro. Thông tin này chỉ trong vài phút được dịch ra tất cả các thứ tiếng, nhưng các đài truyền hình một số nước không đề cập đến nguyên nhân là việc biển thủ 4,1 triệu Euro của Nghị viện Âu Châu (EP) để dành riêng cho đảng của Le Pen, mà chỉ nhấn mạnh đến việc bà không được tham chính.
Từ Mạc Tư Khoa, Ðiện Cẩm Linh tố cáo "vi phạm các tiêu chí dân chủ", Viktor Orban hô khẩu hiệu "Tôi là Marine!". Các nhân vật cực hữu ở Ý Ðại Lợi, Hòa Lan...lên tiếng ủng hộ, trong chiến lược chung nhằm làm yếu đi Tư pháp. Ông Elon Musk, cánh tay mặt của Tổng thống Donald Trump cho rằng "cánh tả cực đoan dùng Tư pháp để bỏ tù đối lập". Tuần báo nhắc lại lời của triết gia Montesquieu: "Những ai thi hành pháp luật cần phải tuân thủ luật pháp". Sai lầm của Marine Le Pen là làm ngơ trước nguyên tắc bất di bất dịch này.
Liệu bà có phản công bằng cách đưa kiến nghị bất tín nhiệm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác là giải thể Quốc hội? Nhưng như vậy Marine Le Pen sẽ mất đi chiếc ghế Dân biểu Pas-de-Calais mà không thể ra tranh cử tiếp, và biến mất trên chính trường. Tuần báo Le Point cho rằng nghịch lý của bản án này là việc Marine Le Pen mất quyền tranh cử được áp dụng ngay lập tức, đã làm quên đi sự bất lương của một ứng cử viên có khẩu hiệu "Bàn tay sạch, ngẩng cao đầu". Thế giới đang tiến lên – chỉ cần nhìn cuộc tấn công của Trung Quốc trong lãnh vực xe điện – trong khi nước Pháp chỉ lo vùi đầu vào cát.
Phán Quyết Gây Phẫn Nộ Tại Bỉ: Sinh Viên Phạm Tội Hiếp Dâm Được Miễn Tội Vì "Tính Cách Tích Cực"
(Ảnh AFP - Nicolas Maeterlinck, tư liệu: Biểu tình lên án bạo lực nhắm vào phụ nữ tại Brussels, Bỉ, ngày 27/11/2022.)
-Trong tuần qua, Tư pháp Bỉ đã kết án một sinh viên khoa Sản phạm tội hiếp dâm hồi cuối năm 2023. Tuy nhiên, Thẩm phán đã quyết định hoãn tuyên án bị cáo và lý lịch Tư pháp của thanh niên này vẫn được giữ sạch, do Thẩm phán cho rằng nam sinh viên này có "tính cách tích cực". Phán quyết này gây phẫn nộ công luận tại Bỉ.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Laxmi Lota của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
Tại Brussels, Louvain hoặc Gent, các sinh viên biểu tình phản đối phán quyết của tòa án. Những giòng chữ "Áo blouse trắng nhưng dơ bẩn" hay "Kẻ tư sản hiếp dâm được hệ thống bảo vệ" có thể trông thấy trên các tấm biểu ngữ của sinh viên, tập hợp vào tối 4/4 để bày tỏ sự phẫn nộ trước việc "kẻ cưỡng bức được miễn tội".
Vụ việc xảy ra vào tháng 11/2023. Sau một bữa tiệc Halloween, một sinh viên Y khoa đưa một nữ sinh viên về nhà và cưỡng hiếp cô. Tòa án Hình sự Louvain đã kết án bị cáo phạm tội hiếp dâm trong tuần này, vì không nhận được sự đồng ý của nạn nhân.
Nhưng Thẩm phán đã quyết định hoãn tuyên án và không ghi tội danh này vào lý lịch Tư pháp của bị cáo. Thẩm phán nhấn mạnh đến "sức sống tuổi trẻ" của sinh viên khoa Sản 24 tuổi, đến "tính cách tích cực" của nam sinh viên và ông "không muốn gây tổn hại đến sự nghiệp của anh"!
Sau phán quyết gây tranh cãi này, Đại học Louvain và bệnh viện nơi bị cáo đang thực tập đã quyết định đình chỉ công tác của anh. Tại Flanders, Viện Công tố đã kháng cáo phán quyết của tòa án.
Chiến Tranh Thương Mại Leo Thang Giữa Trung Quốc cà Mỹ, Chứng Khoán Thế Giới Tiếp Tục Giảm Mạnh
(Hình AP - Ng Han Guan, tư liệu: Gian trưng bày của công ty Mỹ U.S. Soy tại triển lãm Chuỗi cung ứng Quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/11/2024.)
-Sau khi Trung Quốc hôm 4/4/2025 thông báo áp thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của ông là Bắc Kinh đang "hoảng loạn". Chủ nhân Tòa Bạch Ốc cũng tỏ ra thờ ơ trước đà sụt giảm mạnh của thị trường tài chính, phản ánh sự lo lắng của kinh tế toàn cầu trước các biện pháp thuế quan mới của ông.
Đòn phản công của Bắc Kinh đã khiến thị trường chứng khoán thế giới thêm hoảng loạn. Chiều tối qua, trên thị trường Wall Street, chỉ số Dow Jones giảm 5,06%, chỉ số Nasdaq giảm 5,57% và chỉ số chuẩn S&P 500 giảm 5,62%. Các phiên giao dịch tại châu Á và Âu Châu hôm qua cũng kết thúc với mức giảm mạnh: -4,26% tại Paris, -4,95% tại Luân Đôn và -2,75% tại Tokyo. Giá dầu lửa giảm thêm 7% và giá đồng Mỹ kim cũng giảm theo.
Trong thông cáo, Bắc Kinh cho biết biện pháp mới, "có hiệu lực từ ngày 10/4/2025", là để đáp trả chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ và nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Clea Broadhusrt của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Trung Quốc ra đòn mạnh, áp thuế quan bổ sung 34% đối với tất cả hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ. Đây là một biện pháp áp thuế diện rộng một cách đặc biệt, không nhắm vào một lĩnh vực mà nhắm vào toàn bộ hàng hóa của Hoa Kỳ. Bắc Kinh qua đó gửi đi một tín hiệu rõ ràng: đây không chỉ là phản đối mà là một đòn trả đũa thực sự.
Cùng lúc, 16 doanh nghiệp của Mỹ bị đặt dưới sự kiểm soát về xuất cảng, và 11 công ty khác bị thêm vào danh sách đen các thực thể "thiếu tin cậy". Trung Quốc huy động mọi đòn bẩy pháp lý, với các tác động trực tiếp đến những chuỗi cung ứng công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng.
Một tín hiệu mạnh mẽ khác: Bắc Kinh từ nay trở đi áp đặt biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với một số loại đất hiếm chiến lược, chẳng hạn như terbium và dysprosium, vốn có vai trò thiết yếu trong ngành điện tử và công nghiệp quân sự.
Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tự xem mình là nhà bảo vệ chủ nghĩa đa phương trước điều mà Bắc Kinh xem là hành vi "hăm dọa đơn phương" từ Hoa Kỳ.
Sự leo thang căng thẳng này có thể đánh dấu một bước ngoặt. Các biện pháp phản đòn của Mỹ, sự cứng rắn của Trung Quốc, tác động ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, và thậm chí đẩy nhanh tốc độ phân tách kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ-Trung".
Áp Thuế Toàn Cầu cà Ý Đồ Làm Suy Yếu Đồng Mỹ Kim của Tổng Thống Trump
(Hình AP - Mark Schiefelbein: Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp mức thuế mới đối với hàng hóa nước ngoài nhập cảng vào Mỹ, Tòa Bạch Ốc ngày 2/4/2025.)
-Thứ Tư (2/4/2025), Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại quy mô lớn dưới hình thức đánh thuế ồ ạt hàng hóa nước ngoài nhập cảng vào Mỹ nhắm vào 180 quốc gia. Các nước châu Á và Âu Châu, bất kể là đồng minh hay kẻ thù là những bên "hứng đòn" nặng nề nhất.
"Liberation Day" - lời tuyên chiến thương mại của nguyên thủ Mỹ ngay lập tức đã khiến các thị trường tài chính trên thế giới rúng động, và gây bất an cho nhiều chính phủ. Đáng chú ý là một ngày sau thông báo biểu thuế hải quan mới, đồng Mỹ kim bị trượt giá mạnh, mất đến 2,62%.
Nhiều nhà quan sát được hãng tin Anh Reuters dẫn lại, nghi ngờ chính quyền Donald Trump dùng đến các đòn bẩy tài chính, hạ giá đồng Mỹ kim để ép buộc các đối tác thương mại "thần phục" các yêu sách của Mỹ. Chiến lược kinh tế của Donald Trump mà người ta có cảm giác là chúng gây tổn hại cho những nước nào bị áp đặt thuế hải quan, đôi khi mang tính cưỡng bức nhưng thực ra chúng cũng đè nặng lên nền kinh tế Mỹ.
Để hiểu rõ hơn, nên tham khảo đến trường hợp ông Stephen Miran, cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump, và biết xem những thỏa thuận Mar-a-Lago nào dường như đã được đúc kết tại dinh thự của ông Trump trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Trên đài phát thanh France Inter, Kinh tế gia trưởng Gilles Moëc tại Công ty Bảo hiểm đa quốc gia AXA, giải thích:
"Chúng đã không được đúc kết nhưng đây là một mục tiêu có thể, ít nhất là đối với một bộ phận những người thân cận của ông Trump. Ý tưởng ở đây là hệ thống tài chính quốc tế hiện nay có vẻ như đang gây bất lợi cho các lợi ích của Mỹ. Vì sao? Vì đồng đô là đồng tiền dự trữ thống trị trên thế giới, điều này được thể hiện bởi nhu cầu liên tục về Mỹ kim. Do vậy, đồng tiền này bị tăng giá, gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của Mỹ, cụ thể là đối với ngành sản xuất chế biến của Mỹ.
Vì vậy, ý tưởng đưa ra là tìm cách có được từ các đối tác thương mại của Mỹ một thỏa thuận qua đó các ngân hàng trung ương sẽ cam kết nâng giá đồng nội tệ của họ so với đồng Mỹ kim chẳng hạn. Đây có thể là một trong số các mục tiêu, chứ không phải là mục tiêu duy nhất, nhưng là mục tiêu có thể của những gì đang diễn ra hiện nay bên trong nội bộ".
Miến Điện: Quân Sự - Dân Sự, Bên Rủng Rỉnh Tiền, Bên Thì Rỗng Túi!
-Ngày 28/03/2025, Miến Điện – trong tình trạng nội chiến từ gần 4 năm qua – hứng lấy một trận động đất kinh hoàng làm hơn 3.000 người thiệt mạng, hơn 4.500 người khác bị thương và còn hơn 350 người bị mất tích, buộc lãnh đạo chính quyền quân sự tướng Min Aung Hlaing phải ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi quốc tế viện trợ - một điều hiếm có.
Tuy nhiên, tờ báo tị nạn The Irrawaddy, có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan), đã lên án chính quyền Naypiydaw tăng chi cho quân sự (vài ngày trước khi xảy ra trận động đất) nhân danh tính cấp thiết của việc duy trì sự "ổn định quốc gia" mà không dành lấy một xu cho các dịch vụ khẩn cấp. Hay như vào lúc các phe nổi dậy đơn phương tuyên bố hưu chiến để tập trung công tác cứu hộ, thì tập đoàn quân sự vẫn tiếp tục chiến dịch không kích trước khi phải ban hành lệnh hưu chiến trước sức ép từ các nước láng giềng.
Trước sự thờ ơ của tập đoàn quân sự, tờ báo độc lập Miến Điện lưu vong này nghi ngờ khả năng viện trợ nhân đạo có thể đến được tay người dân, nhất là những người sống ở những nơi được cho là cứ địa quân kháng chiến, chống tập đoàn quân sự.
Nạn tham nhũng và năng lực quản lý tồi là những căn bệnh trầm kha. Ngăn cản, tìm cách kiểm soát và biển thủ hàng viện trợ nhân đạo là những thủ thuật quen thuộc của tập đoàn quân sự Miến Điện, như những gì từng xảy ra trong đợt thiên tai lốc xoáy năm 2008, làm hơn 100 ngàn người chết.
Thế nên, vào lúc các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mã Lai Á... cam kết gởi hoặc đã chuyển viện trợ tới, tờ Irrawaddy cảnh báo: Hãy cẩn trọng khi hợp tác với tập đoàn quân sự! Việc "cung cấp hỗ trợ nhân đạo không nhất thiết có nghĩa là khuyến khích chế độ". Thế giới nên đoàn kết với người dân Miến Điện chứ không phải với những kẻ "tội đồ" chiến tranh của Naypyidaw!
TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP
(AFP) - Cam Bốt khánh thành căn cứ Hải quân do Trung Quốc nâng cấp. Hôm 5/4/2025, Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet đã khánh thành căn cứ hải quân ở Ream, do Trung Quốc tài trợ để nâng cấp. Trong bài diễn văn tại lễ khai mạc, ông Hun Manet khẳng định Nam Vang "không gì để che giấu" và căn cứ này được nâng cấp không phải là để cho Trung Quốc độc quyền sử dụng mà tàu của các nước khác cũng có thể neo đậu ở đây.
(Le Monde) - Trung Quốc khai triển hệ thống xà-lan khổng lồ chuẩn bị khả năng xâm chiếm Đài Loan. Các xà-lan này có thể kết nối với nhau nhờ các lan can có thể mở rộng để tạo thành cầu tàu dài tới 820 mét, có thể di chuyển từ vùng nước sâu vào tới đất liền. Báo Le Monde hôm 4/4/2025 trích dẫn một bản ghi nhớ của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, theo đó thiết bị quân sự mới này của Trung Quốc cho phép nhiều đội quân và hàng trăm xe cơ giới đổ bộ lên đảo Đài Loan mỗi giờ. Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs PBC của Hoa Kỳ mà hãng tin Pháp AFP có được cho thấy hệ thống này được triển khai vào cuối tháng 3 ngoài khơi thành phố Trạm Giang ở Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
(AFP) - Mỹ: Donald Trump lại cho công ty ByteDance thêm 75 ngày để giải quyết các vấn đề then chốt trong việc bán TikTok. Thông báo của Tổng thống Mỹ được đưa ra hôm 4/4/2025. Hồi tháng 1/2025, Donald Trump từng ấn định thời hạn 75 ngày cho Byte Dance để chuyển nhượng mạng Tik Tok, nếu không thì mạng video này sẽ bị cấm tại Mỹ. Việc bán TikTok tại Mỹ cần được sự cho phép của cả công ty ByteDance và chính quyền Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa bên nào chấp thuận ý tưởng bán Tiktok như yêu cầu của chính quyền Trump. Jeremy Goldman, một nhà phân tích tại Emarketer, nhận xét việc gia hạn này cho phép TikTok tiếp tục tồn tại và Trump có thể tiếp tục sử dụng TikTok như một con bài mặc cả trong cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc.
(Reuters) - Một phái đoàn chính phủ Ukraine sẽ sớm đến Hoa Kỳ để thảo luận về một khuôn khổ mới cho Thỏa thuận Khoáng sản. Vào hôm 4/4/2025, Ngoại trưởng Ukraine, ông Andriy Sybiha cho biết như trên. Theo các viên chức Ukraine, Kyiv tuần trước đã nhận được dự thảo thỏa thuận đã được sửa đổi so với phiên bản ban đầu. Kyiv đang xem xét dự thảo mới mà Hoa Thịnh Ðốn đề xuất, nhưng Ngoại trưởng Andriy Sybiha nhấn mạnh là thỏa thuận phải có lợi cho cả hai nước và không được cản trở việc Ukraine mong muốn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU).
(AFP) - Động đất: Liên Hiệp Quốc lại kêu gọi thế giới hỗ trợ Miến Điện. Hôm 5/4/2025, một lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại kêu gọi thế giới hỗ trợ Miến Điện sau trận động đất với cường độ 7,7 Richter ngày 28/3 khiến tổng cộng hơn 3.300 người thiệt mạng, theo số liệu mới nhất do truyền thông nhà nước công bố. Ông Tom Fletcher, Phó Tổng Thư ký đặc trách các hoạt động nhân đạo, đã ra lời kêu gọi như trên khi đến thăm các nạn nhân trận động đất tại Mandalay. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, có đến hơn 3 triệu người bị ảnh hưởng của động đất, trong khi họ đã gặp rất nhiều khó khăn do 4 năm nội chiến. Liên Hiệp Quốc hôm 4/4 tố cáo chính quyền quân sự vẫn tiếp tục tấn công vào các khu vực bị động đất cho dù đã ban hành lệnh ngừng bắn tạm thời.
(AFP) - Phi Luật Tân tố Trung Quốc dàn dựng vụ gián điệp. Hôm 5/4/2025, Manila cho rằng lời thú tội được cho là của 3 người Phi Luật Tân bị Trung Quốc bắt giữ vì cáo buộc làm gián điệp dường như đã được "soạn thảo" và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền của họ. Đây là phản ứng của Manila hai ngày sau khi Bắc Kinh thông báo đã "phá vỡ" một mạng lưới do Cơ quan Tình báo Phi Luật Tân thành lập và đã bắt giữ 3 "điệp viên" Phi Luật Tân.
(Nikkei) - Nissan dời một phần cơ sở sản xuất sang Mỹ. Nissan Motor, đối tác của hãng xe hơi Pháp Renault, dự trù chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Nhật Bản sang Hoa Kỳ ngay từ mua Hè năm nay, để giảm bớt tác động của việc chính quyền Trump áp thuế 25% đối với toàn bộ xe hơi sản xuất ở nước ngoài nhập vào Mỹ.
(AFP) - Thuế quan: Lãnh đạo FED cảnh báo nguy cơ với kinh tế Mỹ. Hôm 4/4/2025, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cảnh báo rằng những mức thuế "đối ứng" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ chậm lại, đồng thời làm tăng lạm phát và thất nghiệp. Đây là phản ứng công khai đầu tiên của lãnh đạo FED kể từ khi ông Trump hôm 2/4 công bố các mức thuế áp dụng cho toàn thế giới.
(AFP) - Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển: Thuế quan của Donald Trump tác động mạnh nhất đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Phát biểu của Tổng Thư ký Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ông Rebeca Grynspan, được đưa ra hôm 4/4/2025. UNCTAD cho biết trong số gần 200 đối tác thương mại của Mỹ, chỉ có 10 đối tác gây ra 90% thâm hụt thương mại của Mỹ. Các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển - chỉ gây ra lần lượt 1,6% và 0,4% thâm hụt của Hoa Kỳ - cũng bị ảnh hưởng, có khi rất nặng, bởi biện pháp thuế suất mới của Mỹ, dù những nước nghèo này sẽ không đóng góp vào việc tái cân bằng thâm hụt thương mại hay tạo doanh thu đáng kể.
(Reuters) - Đức tài trợ cho dịch vụ Internet vệ tinh ở Ukraine. Hôm 4/4/2025, Tổng Giám đốc của Eutelsat, bà Eva Berneke thông báo công ty này sẽ tài trợ cho Ukraine tiếp cận mạng lưới Internet qua vệ tinh Eutelsat, nhằm góp phần giảm bớt sự phụ thuộc của Ukraine vào mạng Internet vệ tinh Starlink của nhà tỉ phú Mỹ Elon Musk.
(AFP) - Đức sẽ trang bị cho quân đội một lực lượng drone tấn công "cảm tử". Hôm 4/4/2025, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức, ông Mitko Müller cho báo giới biết là Bộ Quốc phòng đã ký 2 hợp đồng mua drone mang chất nổ và có thể tự hủy khi đâm vào mục tiêu. Tuy nhiên, ông không nêu tên nhà cung cấp. Theo truyền thông Đức, đây có thể là hai công ty Đức chuyên về trí thông minh nhân tạo trong quốc phòng: Helsing và Stark. Hồi cuối tháng 11/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã thông báo giao cho Ukraine 4.000 drone do hãng Helsing chế tạo.
(Le Monde) - Na Uy tăng viện trợ cho Ukraine năm 2025 lên thành 7,2 tỉ Euro. Hôm 3/4/2025, chính phủ Na Uy công bố tăng thêm 4,2 tỉ Euro viện trợ cho Ukraine, nâng tổng viện trợ năm 2025 lên thành 7,2 tỉ Euro. Thủ tướng Na Uy, Jonas Gahr Store, trong thông cáo nhận định tiền viện trợ của Na Uy sẽ giúp Kyiv phòng vệ trước quân Nga và hỗ trợ kế hoạch hòa bình mà các nước Âu Châu đề ra. Theo chính phủ Na Uy, tổng số tiền của nước này hứa tài trợ cho Ukraine sẽ đạt 17,4 tỉ Euro vào năm 2030.
(RFI) - Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO): Khó chấp nhận tăng chi phí quốc phòng do Mỹ đề nghị. Trọng tâm các cuộc thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng các nước NATO tại thủ đô Brussels của Bỉ trong 2 ngày là tăng chi phí quân sự của các nước thành viên, đặc biệt đối với các nước Âu Châu. Tham dự hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ra sức trấn an đồng minh và yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, một mức mà nhiều nước Âu Châu cho là không khả thi, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ phát động cuộc chiến thuế quan với cả thế giới. Thủ tướng Bỉ Bart De Wever tuyên bố: "Đòi hỏi điều gì đó từ chúng tôi trở nên phức tạp hơn sau khi người ta phát động một cuộc chiến thương mại, sau khi chúng tôi liên tục bị lăng mạ, xúc phạm. Tình bạn phải đến từ cả hai bờ Đại Tây Dương".
(AFP) - Hoa Kỳ: Nghị sĩ Dân chủ phản đối việc cách chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NSA). Trong một thông cáo chung được công bố hôm 4/4/2025, các Dân biểu đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ đã phản đối việc cách chức tướng Timothy Haugh, Giám đốc NSA. Quyết định này đã được Tổng thống Donald Trump theo yêu cầu của một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội, Laura Loomer, nổi tiếng vì các thuyết âm mưu. Tướng Haugh đã được cựu Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm làm Giám đốc NSA vào năm 2024.
(AFP) - Lãnh đạo Ấn Độ và Bangladesh gặp nhau. Hôm 4/4/2025, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Lâm thời của Bangladesh, ông Muhammad Yunus đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ cuộc "cách mạng" năm 2024 dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cũ. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Bangkok, bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực.
(Le Monde) - Pháp dự tính thắt chặt quan hệ "quốc phòng và kinh tế" với Nam Dương. Sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nam DươngPrabowo Subianto, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 4/4/2025 cho biết đôi bên hứa là hai nước sẽ có "sự xích lại gần nhau mang tính lịch sử", nhất là trong lĩnh vực kim loại quý hiếm, với các dự án đầy tham vọng và có cấu trúc. Theo dự kiến, Tổng thống Pháp Macron sẽ công du Nam Dương vào cuối tháng 05/2025.
(AFP) – Ngoại trưởng Pháp công du Algeria. Chuyến công du ngày 6/4/2025 của ông Jean-Noël Barrot được coi là bước tiếp theo sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp và Algeria ngày 31/3 nhằm giảm căng thẳng quan hệ song phương. Căng thẳng bắt đầu từ tháng 77/2024, khi Pháp ủng hộ Ma Rốc về chủ quyền ở vùng Tây Sahara có tranh chấp với Algeria, tiếp theo là vụ bắt giam và kết án nhà văn song tịch Pháp-Algeria Boualem Sansal vì cũng ủng hộ chủ quyền của Ma Rốc và các vụ trục xuất công dân Algeria phạm tội ở Pháp nhưng chính quyền Alger không nhận.
(AFP) – Thuế quan của Mỹ có thể khiến GDP của Pháp giảm hơn 0,5%. Trả lời nhật báo Le Parisien và Aujourd'hui en France ngày 5/4/2025, Thủ tướng François Bayrou cho rằng mức thuế mới của Tổng thống Mỹ sẽ gây những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Pháp. Ông cảnh báo: "Nguy cơ mất việc làm là rất đáng kể, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế và dừng đầu tư". Còn Bộ trưởng Kinh tế Eric Lombard có kế hoạch họp "hội đồng doanh nghiệp" với các đại diện giới chủ (Medef, CPME, U2P, Meti và Afep) vào ngày 14/4 để thảo luận về quyết định tăng thuế hải quan của Tổng thống Donald Trump.
(RFI) – Mễ Tây Cơ: Tổng thống nổi tiếng nhờ cách giải quyết quan hệ ngoại giao với Donald Trump. Bà Claudia Sheinbaum hiện được 82% đến 85% người dân Mễ Tây Cơ ủng hộ, theo kết quả thăm dò mới đây. Nữ Tổng thống nắm quyền từ tháng 10/2024 đã 3 lần can thiệp với đồng nhiệm Mỹ và giúp Mễ Tây Cơ được tạm hoãn các biện pháp tăng thuế từ Mỹ. Một nhà nghiên cứu tâm lý, ủng hộ "nữ Tổng thống đầu tiên" của Mễ Tây Cơ, nhận định với Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 5/4/2025, cho rằng "những kết quả tốt như vậy là vì bà xứng đáng. Bà nghiên cứu kỹ từng chủ đề".
(RFI) – Bangladesh: Lĩnh vực dệt may bị tác động mạnh do thuế suất mới của Mỹ. Hôm 5/4/2025, Thủ tướng lâm thời của Bangladesh, ông Muhammad Yunus triệu tập một cuộc họp khẩn tại thủ đô Dhaka để tìm giải pháp đối phó. Bangladesh là nước sản xuất hàng dệt may lớn thứ hai toàn thế giới. Hàng dệt may chiếm tới 80% xuất cảng của Bangladesh.
(AFP) – Thủ tướng Ấn Độ ký Thỏa thuận Quốc phòng và Năng lượng với Sri Lanka. Thủ tướng Ấn Độ Modi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên công du Sri Lanka từ khi ông Anura Kumara Dissanayake lên làm Tổng thống. Hôm 5/4/2025, hai nhà lãnh đạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng 5 năm, cho phép các binh sĩ hai nước huấn luyện chung và đôi bên chia sẻ các thông tin tình báo và công nghệ. Thủ tướng Ấn Độ phát biểu là lãnh đạo hai nước tin rằng Ấn Độ và Sri Lanka có chung lợi ích về an ninh. Tổng thống Sri Lanka khẳng định quan điểm không để cho bất kỳ nước nào dùng lãnh thổ Sri Lanka để làm hại đến an ninh của Ấn Độ. Thời gian qua, Tân Ðề Ly lo ngại về việc Sri Lanka rơi vào vòng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc, đối thủ chính của Ấn Độ trong khu vực.
(RFI) – Tây Ban Nha: Hàng triệu người biểu tình chống tình trạng giá thuê nhà tăng cao. Biểu tình ồ ạt diễn ra tại khoảng 40 thành phố ở Tây Ban Nha ngày 5/4/2025, trong đó có thủ đô Madrid và Barcelona. Riêng tại thủ đô Madrid, nhà tổ chức ước tính có 150.000 người tuần hành. Tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao, chuyển đổi nhà ở thành nhà cho thuê du lịch do quá đông du khách, khiến đa số người dân ở độ tuổi 35, thậm chí 40, vẫn không thể thuê nhà ở riêng, phải sống chung với cha mẹ hay thuê chung nhà với nhiều người khác, hoặc phải thuê nhà ở các vùng ngoại ô xa.
(AFP) – Tại Pháp, số vụ mang lậu chất gây nghiện bị phát giác tại phi trường Charles-de-Gaulle, phi trường lớn nhất của Pháp, tăng bùng nổ 46% sau 2 năm. Trong năm 2024, có 278 hành khách bị phát giác mang theo chất gây nghiện. Chỉ riêng hôm 4/4/2025, 212 kg cocaine được phát giác trong hành lý của 6 hành khách trên cùng 1 chuyến bay. Trong khi đó, hôm 5/4, có tới 1 tấn cocaïne bị thu giữ và 20 người bị bắt giữ tại Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ. Theo cảnh sát Tây Ban Nha, đây là kết quả một chiến dịch chống lại một tổ chức tội phạm đưa chất gây nghiện vào các conteneur chở hàng qua cảng Valence, miền Đông Tây Ban Nha.
(AFP) – Teheran từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ về chương trình nguyên tử Iran. Ngày 6/4/2025, chính quyền Teheran thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Tổng thống Trump vì cho rằng việc đó "sẽ chẳng có ý nghĩa gì" bất chấp lời đe dọa của Tổng thống Trump oanh tạc Iran trong trường hợp thất bại về mặt ngoại giao. Ngoại trưởng Araghchi khẳng định Iran "tiếp tục theo hướng ngoại giao và sẵn sàng thử con đường đàm phán gián tiếp". Trước đó một ngày, Tổng thống Iran, ông Massoud Pezeshkian khẳng định Iran sẵn sàng đối thoại "bình đẳng" với Mỹ nhưng không nêu rõ là Teheran chấp nhận đối thoại trực tiếp hay không.
(Franceinfo) – Pháp: Đảng cực hữu RN tổ chức tuần hành ủng hộ Marine Le Pen. Cuộc tập hợp diễn ra tại quảng trường Invalides ở Paris ngày 6/4/2025 trong bối cảnh căng thẳng chính trị sau khi người đứng đầu đảng Tập hợp Dân tộc bị kết án 5 năm không được ra tranh cử. Phiên Phúc thẩm được dự kiến vào mùa Hè 2026. Cùng ngày, đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) và đảng Xanh cũng tổ chức tập hợp tại quảng trường Cộng Hòa để phản đối cuộc tuần hành của đảng RN. Cựu Thủ tướng Gabriel Attal cũng tổ chức một cuộc mit-tinh, được lên kế từ nhiều tháng trước, tại Saint-Denis, phía Bắc Paris, theo lời kêu gọi của đảng Phục hưng (Renaissance). Theo dự kiến, nhiều hiệp hội và công đoàn (SOS Racisme, CGT và Ligue des droits de l'homme) kêu gọi biểu tình vào ngày 12/4 để "bảo vệ Nhà nước pháp quyền".
(RFI) – Úc Ðại Lợi: Mưa lũ kỷ lục ở tiểu bang Queensland, hơn 150.000 gia súc bị chết Ngày 5/4/2025, Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese thông báo thành lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp 105 triệu Úc kim để bảo vệ gia súc ở tiểu bang Queensland. Cả một vùng đất rộng hơn cả Pháp và Đức gộp lại, rộng hơn cả tiểu bang Texas của Mỹ, vẫn bị chìm trong nước sau 2 tuần mưa lớn từ ngày 23/3 và buộc nhiều người dân phải di tản. Lãnh đạo tiểu bang dự báo thiệt hại sẽ còn tăng thêm "do nước không rút". Bang Queensland nổi tiếng là vùng chăn nuôi ngựa, bò, dê và cừu. Rất nhiều nhà chăn nuôi bị mất hết đàn gia súc.
(Reuters) – Vụ án "sát thủ bàn cờ" ở Nga: Pitchouchkine, 50 tuổi, tuyên bố sẵn sàng thừa nhận là thủ phạm của 11 vụ giết người nữa. Bị kết án vào năm 2007 vì tội giết 48 người, Alexander Pitchouchkine, muốn giết số người nhiều tương ứng với số ô trên bàn cờ: 64 người. Thông báo của cơ quan quản lý nhà tù của Nga được đưa ra hôm 5/4/2025. Nếu lời thú tội này được xác nhận, Pitchouchkine sẽ trở thành kẻ giết người hàng loạt nhiều thứ hai trong lịch sử Nga. Alexandre Pitchouchkine lần đầu tiên giết người hồi năm 1992, khi mới 18 tuổi. Các nạn nhân đầu tiên là người yếu thế, sống tách biệt, như người vô gia cư, người cao tuổi, nghiện rượu....
(Le Figaro) – Ma Rốc: Các nhà khảo cổ phát giác một ngôi làng 4.000 năm. Ngôi làng được phát giác nằm ở khu Kach Kouche, phía Bắc Ma Rốc, có từ thời kỳ đồ đồng (2200 năm Trước Công Nguyên đến 800 năm Trước Công Nguyên). Theo thông tin ngày 30/3/2025 được đăng trên tạp chí Anh Antiquiti, dự án khai quật do nghiên cứu sinh Tiến sĩ Hamza Benatti tại Đại học Barcelona và Viện Khoa học Khảo cổ và Di sản Ma Rốc điều phối. Hiện tại, đây là ngôi làng cổ nhất được phát giác ở vùng Maghreb gồm 3 nước Bắc Phi: Ma Rốc, Algeria và Tunisia.
(Rollingstone) – Ca sĩ Elton John hát về chính cái chết của mình trong album mới. Ở tuổi 78, ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng người Anh thổ lộ "Khi tới tuổi của tôi, gần 100 tuổi, người ta tự hỏi là mình còn bao nhiêu thời gian nữa". Album Who Believes in Angels? (tạm dịch: Ai tin vào Thiên thần), phát hành ngày 4/4/2025, được Elton John hợp tác với ca sĩ Mỹ Brandi Carlie. Album phòng thu thứ 33 được ra mắt chỉ khoảng 1 năm rưỡi sau vòng lưu diễn chia tay khán giả (tháng 7/2023). Điều bất ngờ với người hâm mộ là lần đầu tiên trong sự nghiệp, Elton John cho phép các máy quay ghi lại toàn bộ quá trình thu âm album tại Sunset Sound Studios ở Los Angeles (Mỹ) trong vòng 20 ngày vào tháng 10/2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét