Với ưu thế vượt trội, vô đối về công nghệ viễn thông vệ tinh, công ty của tỷ phú Elon Musk đã trở nên không thể thiếu, đặc biệt là ở Ukraina. Elon Musk, chủ nhân công ty SpaceX, thành lập năm 2002, nay là bậc thầy không thể chối cãi trong lĩnh vực không gian quỹ đạo thấp. Từ Trái đất, thậm chí cả ở những nơi cách xa những vùng đất có người sinh sống tới 1.000 dặm, khả năng nhìn thấy vệ tinh Starlink cao hơn là khả năng nhìn thấy sao băng.
<!>
(Ảnh minh họa) - Trạm vũ trụ thương mại Haven-1 của Vast kết nối qua các thiết bị đầu cuối laser với mạng vệ tinh Starlink của SpaceX. © AP
Thùy Dương
Trên đây là những nhận định trong bài viết « Với Starlink, Elon Musk mở mang ảnh hưởng trên hành tinh và trong không gian » trên báo Le Monde ngày 07/04/2025. RFI tiếng Việt lược dịch bài viết.
Nhìn lại lịch sử, cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA đã có nhiều vụ phóng tên lửa thất bại, tạo ra gánh nặng tài chính lớn, khiến chính quyền liên bang Mỹ, bắt đầu từ thời George W. Bush, cho đến Barack Obama, và sau này là Donald Trump và Joe Biden đều theo đuổi con đường tư nhân hóa công cuộc chinh phục không gian. Về phía công ty chuyên về không gian của Elon Musk, sau 6 năm với hàng loạt vụ phóng tên lửa thất bại và gây thất vọng, đến năm 2008, cuộc thử nghiệm thành công của SpaceX mới giúp Elon Musk mở được cánh cửa vào cơ quan NASA.
Theo điều tra báo Mỹ Washington Post công bố ngày 26/02/2025, trong vòng 20 năm, Elon Musk đã nhận được hơn 22,6 tỷ đô la tiền tài trợ, các khoản đầu tư và đơn đặt hàng công cho công ty SpaceX. Có thể nói, với SpaceX, Elon Musk là một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ ngân sách Mỹ.
Nhưng theo Le Monde, thế mạnh của Starlink không chỉ nằm ở hiệu suất công nghệ không ai sánh kịp, mà còn ở mô hình kinh tế : Starlink kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất tạo giá trị, từ sản xuất tên lửa, vệ tinh, thiết bị đầu cuối, cho đến đưa lên vệ tinh quỹ đạo và cung cấp dịch vụ. Sức mạnh của mạng Starlink có được nhờ hàng loạt đặc điểm. Chòm sao vệ tinh của Starlink nằm ở quỹ đạo thấp (LEO) - ở độ cao khoảng 500 km - cho phép truyền dữ liệu từ không gian đến Trái Đất nhanh hơn nhiều so với vệ tinh địa tĩnh thông thường, cách Trái đất khoảng 36.000 km.
Célestine Rabouam, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Địa chính trị Pháp và Trung tâm Géode tại Đại học Paris-VIII, giải thích là cũng có nhiều công ty khác khai thác vệ tinh ở quỹ đạo thấp, nhưng thành tựu công nghệ đặc biệt của Starlink nằm ở các liên kết quang học kết nối tất cả các vệ tinh trong cùng một chùm, cho phép tăng đáng kể khả năng phục hồi, độ bền và mức độ tin cậy của chùm vệ tinh. Nếu một hoặc nhiều vệ tinh bị hỏng, các vệ tinh khác sẽ thay thế, đảm bảo tính liên tục của dịch vụ.
Lợi thế quan trọng khác là nhờ khả năng kết nối đó, chùm vệ tinh sẽ bớt lệ thuộc vào cơ sở hạ tầng trên Trái đất. Khác các đối thủ cạnh tranh, về mặt kỹ thuật, Starlink không cần có các trạm kết nối mới có thể hoạt động được tại một khu vực nào đó. Chính vì thế, mạng Internet đường truyền tốc độ cao của Starlink trở nên dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người, kể cả ở những vùng sâu vùng xa xôi hẻo lánh, từ vùng đất băng giá Groenland ở Bắc Cực, qua Thái Bình Dương, các giàn khoan dầu lửa, trên các máy bay chở khách, đến tận sa mạc Sahara, và kể cả ở những nơi bị tàn phá bởi thảm họa thiên nhiên hay chiến tranh.
Dịch vụ kép : an ninh dân sự và định hình chiến trường
Trên thực tế, Julien Nocetti, nhà nghiên cứu cộng tác với Trung tâm Địa chính trị về Công nghệ, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) và với trường Chính trị Sciences Po, được Le Monde trích dẫn, lưu ý dịch vụ của Starlink là dịch vụ kép : vừa có thể bảo đảm an ninh dân sự, vừa có khả năng định hình chiến trường.
Những sự can dự về quân sự và chiến lược đã được bộc lộ rõ trong cuộc chiến ở Ukraina. Một giờ trước cuộc xâm lược của Nga, vào sáng sớm ngày 24 tháng 2 năm 2022, một cuộc tấn công mạng nhắm vào vệ tinh KA-SAT của Viasat (Mỹ) đã vô hiệu hóa đa phần các phương tiện liên lạc quân sự của Ukraina. Joscha Abels, một nhà nghiên cứu tại đại học Tübingen, Đức và là tác giả của bài báo « Cơ sở hạ tầng tư nhân trong các cuộc xung đột địa chính trị : Trường hợp của Starlink và chiến tranh Ukraina », đăng trên Tạp chí Quan hệ Quốc tế Châu Âu năm 2024, nhấn mạnh là Starlink xuất hiện như một giải pháp khả thi duy nhất để truy cập Internet nhanh và an toàn, sau khi Elon Musk nhanh chóng triển khai Starlink ở Ukraina, khiến các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị trên toàn thế giới cảm thấy họ sẽ cần đến hệ thống này trong trường hợp xảy ra xung đột.
Starlink được xem như « thần kinh thị giác » của quân đội Ukraina và đã chứng tỏ vai trò quyết định trong trận Kiev, kết thúc vào đầu tháng 04/2022 buộc quân đội Nga rút khỏi thủ đô Ukraina. Hiệu quả của hệ thống liên lạc này lớn đến mức ba tháng sau đó, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraina lúc bấy giờ, Valeri Zaloujny, đã đề nghị Elon Musk cung cấp thêm 8.000 thiết bị đầu cuối bổ sung. Yaroslav Honchar, giám đốc của Aerorozvidka, một tổ chức chuyên về công nghệ quân sự của Ukraina, khẳng định : « Sự xuất hiện của Starlink (...) đã làm thay đổi cuộc chơi, và đó chính xác là thứ chúng tôi đang thiếu ». Cũng theo Honchar, sự dịch chuyển của các sở chỉ huy, đội trinh sát và đơn vị tấn công đã được đẩy mạnh nhờ công nghệ liên lạc vệ tinh của Elon Musk. Ít bị các thiết bị gây nhiễu của Nga tấn công hơn so với liên lạc vô tuyến thông thường, mạng internet của Starlink đóng vai trò then chốt trong chiến tranh điện tử, trong vận hành các hệ thống giám sát qua video và dĩ nhiên là trong điều khiển drone, hoạt động thiết yếu ở tiền tuyến.
Nói một cách cụ thể, những người điều khiển drone sẽ điều khiển drone trinh sát tới các vị trí của Nga. Hình ảnh và thông tin mà các donre này ghi lại được tải lên icloud - đám mây điện toán mà các đơn vị pháo binh và sở chỉ huy có thể truy cập, để rồi xác định mục tiêu, thông báo để pháo binh nhập tọa độ địa lý vào hệ thống trước khi tấn công kẻ thù. Nhờ các drone trinh sát đó, sở chỉ huy có thể theo dõi trực tiếp cuộc tấn công, để có thể điều chỉnh hỏa lực, thông qua cùng kênh liên lạc.
Sức mạnh của Starlink và những tác động về mặt quân sự của nó dĩ nhiên được chú ý theo dõi. Tại châu Á, vốn là châu lục ít cởi mở nhất với công ty của Elon Musk, Starlink đang gây lo ngại, ở cả Trung Quốc và Đài Loan. Đối với Bắc Kinh, những tiến bộ mà SpaceX mang lại cho chương trình không gian của Hoa Kỳ là một thách thức to lớn.
Vì sao Đài Loan và Trung Quốc đều không ưa Starlink ?
Trả lời phỏng vấn báo Financial Times hồi tháng 10/2022, Elon Musk từng tiết lộ Bắc Kinh đã nói rõ là không chấp thuận việc triển khai Starlink ở Ukraina và muốn Musk bảo đảm rằng Starlink sẽ không được triển khai ở Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 09/2022, các nhà nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Quân sự Quân đội Giải phóng Nhân dân viết rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, « khả năng tuyệt vời của vệ tinh Starlink trong cuộc chiến ở Ukraina chắc chắn sẽ khiến Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác sử dụng chúng », theo hướng bất lợi cho Bắc Kinh. Họ khuyến nghị Bắc Kinh không chỉ đầu tư vào các chòm sao vệ tinh của Trung Quốc, mà phải khẩn trương tự trang bị các phương tiện để vô hiệu hóa Starlink.
Vấn đề này không hề đơn giản, bởi vì mạng lưới 7.000 vệ tinh của Elon Musk vẫn có thể hoạt động ngay cả khi một số vệ tinh bị vô hiệu hóa. Các nhà nghiên cứu của Đại học Nam Kinh thông báo là trong một thử nghiệm mô phỏng, họ đã tạo ra một thuật toán có khả năng sử dụng trí thông minh nhân tạo để định vị và phá hủy vệ tinh Starlink bằng vệ tinh của chính Trung Quốc được trang bị laser. Chỉ mất chưa đến 12 giờ đồng hồ, 99 vệ tinh Trung Quốc đã tiếp cận được 1.400 vệ tinh Starlink, nhưng không rõ liệu trong điều kiện thực tế, mạng lưới vệ tinh của Elon Musk có bị Trung Quốc vô hiệu hóa hay không. Dẫu sao thì tính ưu việt của công nghệ Elon Musk cũng đã thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc khắc phục sự chậm trễ về công nghệ chùm vệ tinh liên lạc quỹ đạo thấp.
Về phía Đài Loan, theo Le Monde, Đài Bắc cũng không được hưởng lợi từ Starlink, và đang phải cảnh giác với lập trường ủng hộ Trung Quốc rõ ràng của Elon Musk. Hồi tháng 9 năm 2023, người sáng lập Starlink từng tuyên bố Đài Loan là « một phần không thể tách rời của Trung Quốc, giống như Hawaii là của Hoa Kỳ ». Trước đó, Elon Musk khuyến nghị Đài Loan nên được hưởng quy chế giống như Hồng Kông, một kịch bản mà xã hội Đài Loan kịch liệt phản đối.
Chưa bao giờ chỉ trích các chính sách của Tập Cận Bình, Elon Musk thường xuyên gặp gỡ các quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc để thảo luận về lợi ích kinh doanh của mình. Quả thực, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và bán xe điện của hãng Tesla. Trong năm 2024, một nửa số xe điện được Tesla sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải.
Starlink cũng không được triển khai ở Đài Loan. Theo luật, phía Đài Loan phải nắm giữ đa số cổ phần của bất kỳ công ty nào, nhất là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, vốn mang tính chiến lược cực kỳ cao. Lập trường của Elon Musk hiện nay có lẽ được Đài Bắc đặc biệt quan tâm.
Hồi tháng 02/2024, dân biểu Cộng Hòa Mike Gallagher, khi đó là chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Hạ Viện Hoa Kỳ và là người chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh, đã bày tỏ lo ngại rằng Starshield, bộ phận quân sự của SpaceX, sẽ không cung cấp dịch vụ theo nghĩa vụ ghi trong hợp đồng khi người dùng là ở Đài Loan hoặc khu vực lân cận. Chín tháng sau đó, Reuters tiết lộ SpaceX đã ra lệnh cho các nhà cung ứng là công ty của Đài Loan (phần đông là trong lĩnh vực bán dẫn) chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đảo Đài Loan « do những rủi ro địa chính trị ». Một số công ty sau đó đã chuyển sang Việt Nam và Thái Lan.
Với các hoạt động phá hoại cáp ngầm quanh Đài Loan ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, và Đài Bắc đang phải xem xét nghiêm túc nguy cơ Đài Loan bị Bắc Kinh phong tỏa, việc có được khả năng truy cập internet vệ tinh là ưu tiên hàng đầu của Đài Loan, nhưng có được các dịch vụ hiệu quả như của Starlink là rất khó vì Starlink đã đi trước các đối thủ rất xa.
Nguy cơ xung đột lợi ích
Điều đặc biệt gây lo ngại hiện nay, theo Joscha Abels, đại học Tübingen, của Đức, là vì Elon Musk liên kết với chính quyền Donald Trump, nên chắc chắn không còn có thể coi Starlink là một nhân tố trung lập, một công ty chỉ hoạt động vì lợi ích kinh tế. Elon Musk là một tác nhân chính trị. Việc Elon Musk lãnh đạo các doanh nghiệp là những nhà thầu phụ quan trọng của chính phủ Mỹ cũng đặt ra những câu hỏi về xung đột lợi ích.
Le Monde nhắc lại việc một số nhân viên của SpaceX từng nói với báo The New York Times rằng họ lo ngại về cách Elon Musk xử lý các dữ liệu nhạy cảm, đôi khi ông tiết lộ thông tin trên mạng X của mình. Vị tỷ phú 53 tuổi này có quyền truy cập các thông tin an ninh thuộc diện « tuyệt mật » tại SpaceX, cho phép ông tiếp cận thông tin bí mật, bao gồm cả các công nghệ quân sự mũi nhọn.
Sự lệ thuộc của Elon Musk vào thị trường Trung Quốc và quan điểm thân Bắc Kinh cũng là một vấn đề đối với Hoa Kỳ. Báo New York Times hôm 20/03/2025 tiết lộ Elon Musk chuẩn bị tham dự một cuộc họp tại Lầu Năm Góc về các mối đe dọa từ Trung Quốc. Sau đó, cuộc họp đã bị hủy vào phút chót, Donald Trump thậm chí phủ nhận cuộc họp này đã được dự kiến tổ chức. Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, Trung Quốc hiện giờ coi SpaceX thuộc bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét