Nhưng nét nhạc của Văn Phụng là nhịp điệu Fox, giật và nhẹ và rất mới. Có nghe lại, chúng ta mới thấy sự nhuần nhuyễn bất ngờ giữa cảnh sắc đồng nội và giai điệu Tây phương của người nhạc sĩ. Năm đó, xin nhắc lại, Văn Phụng mới 18 tuổi mà đã tung tăng nhảy vào nhạc với tiết điệu mới lạ. Rồi từ đấy, trở thành một nhạc sĩ thuộc nhóm đa tài và đa diện nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Từ thời ấu thơ còn chạy loạn, Văn Phụng đã bắt được hồn thơ của thể loại dân ca. Ông cải biên và cho ta những ca khúc thuộc dòng “nhạc quê” ở nội dung, về ruộng đồng và quê hương đất nước. “Nhớ bến Ðà Giang”,
“Trăng sáng vườn chè”, hay “Ðêm buồn”, “Các anh đi” – là những ca khúc lai láng âm hưởng dân ca nhưng với
nhịp điệu mới lạ. Cũng từ Văn Phụng, vui tươi và trong sáng như Phạm Ðình Chương thời trẻ, chúng ta có “Vó câu muôn dặm”, “Ta vui ca vang”, hay “Bức họa đồng quê”, “Mộng hải hồ” – những sáng tác đã được “Ô! Mê ly!” báo hiệu từ lâu. Nhạc đồng quê và nhạc trẻ lại xuất hiện cùng những tác phẩm có kích thước bán cổ điển mới là điều lạ. Ấy là “Tiếng dương cầm” hay “Mưa trên phím ngà”.
Văn Phụng là nhạc sĩ ít chịu ngồi yên, hoặc tự nhái lại mình trong những tác phẩm đã nổi tiếng. Ông luôn luôn tìm tòi và làm mới tân nhạc bằng những nhịp tiết mới mà vẫn giữa được ý thơ dân tộc trong lời ca. Khi Sài Gòn say mê nhịp điệu Slow Rock và các ca khúc của Paul Anka, chúng ta có Văn Phụng. “Ði giữa hoàng hôn”. Ca khúc này là danh mục không thể thiếu trong các chương trình nhạc có giá trị.
Muốn tìm đến những chân trời xa lạ hơn và giai điệu huyền ảo hơn thì hãy đi theo “Giấc mộng viễn du” của
Văn Phụng. Có ai biết chăng truyện tình cờ. Ông viết nhạc theo giai điệu ngũ cung rất Ấn Ðộ khiến người nghe
muốn uốn éo thân hình theo nàng vũ công! Bài “Tiếng vọng chiều vàng” của ông làm bừng sống khúc ca bi hùng của O’ Cangaceiro, một phim cao bồi nổi danh của Brazil! Khi thấm mệt và muốn dìu dặt trong nhịp luân
vũ – rất chậm thì hãy nghe “Suối Tóc”, bài ca không thể thiếu trong các vũ trường thanh lịch và các buổi trình
diễn nghệ thuật.
Sinh thời, Văn Phụng là con người hồn nhiên, duyên dáng. Lời ca của ông phản ảnh tâm hồn đó. Nhưng ông
cũng là người có kỷ luật và nghiêm túc khi sáng tác. Ông không có tham vọng gióng lên những thông điệp lớn
về nhân thế hay xã hội, nghe thấy từ lời ca của Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn. Ông chỉ muốn chúng ta vui với
nhạc và rất tận tụy trong việc mua vui cho thiên hạ.
Ông còn yêu nhạc đến độ làm đẹp cho nhạc của người khác. Văn Phụng là một trong ba bốn nhạc sĩ có công lớn cho nền tân nhạc với nghệ thuật hòa âm công phu khiến các ca khúc có hẳn một chiều sâu bất ngờ. Những người kia là Vũ Thành, Hoàng Trọng, và Nghiêm Phú Phi.
Nhờ tài hòa âm độc đáo và khả năng cảm nhận rất phóng khoáng, Văn Phụng đã viết cho hầu hết các ca khúc
nghệ thuật của Việt Nam trong gần hai thập niên. Nếu có dịp nghe lại, chúng ta có thể thấy réo rắt cung bậc của Francis Lai hay Paul Mauriat. Nhiều nhà sáng tác nhạc và các nhạc công, nhạc sĩ hay ca sĩ vẫn còn nhớ tới tài hòa âm của Văn Phụng với lòng tri ân. Ông không chỉ hòa âm cho ban nhạc mà còn soạn bè cho các ca sĩ trong các bài song ca, tam ca, tứ ca hay các ban hợp xướng. Loại hòa âm công phu này, giờ đây chúng ta đang mất dần.
Văn Phụng là người của vũ trường trong các ca khúc tân kỳ nhưng cũng là một nhạc trưởng có thế giá, người
bạn nhạc của thế hệ Anh Ngọc, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, bạn thân của Hoài Bắc Phạm Ðình Chương hay
Mai Thảo. Cùng với người bạn đường Châu Hà, ông đã chung chuyến vượt biên với Mai Thảo năm 1978, và
dàn dựng chuyện vượt biên như một vở kịch vui. Những người còn ở lại kể rằng hai ông bà cãi lẫy gì đó rất
găng rồi một người vùng vằng bước ra khỏi nhà. Người kia lên cơn giận dữ đập phá tan tành, sau đó có vẻ hối
lỗi nên bỏ đi tìm, để lại một căn nhà nát bét chẳng còn đồ đạc gì để “tiếp thu”! Tác phẩm nghệ thuật cuối của ông trên quê hương là màn kịch vui đó.
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ, Văn Phụng tiếp tục viết hòa âm và dạy nhạc tại miền Ðông, cho tới khi tạ thế.
Ca Sĩ Quỳnh Giao ( Nguồn: Người Việt, October 03, 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét