Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Song Thao - Trần Huy Bích - Vương Trùng Dương


Nhà văn Song Thao (Tạ Trung Sơn), hiện định cư tại Canada.
Khi còn là sinh viên đã viết báo và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san tại Sài Gòn nhưng chưa ấn hành tác phẩm.
Khi định cư tại Canada đã ấn hành các tác phẩm.
- Bỏ Chốn Mù Sương (Kinh Đô, Houston, 1993),
- Đong Đưa Cuộc Tình (Ngày Nay, Houston, 1996),
- Còn Đó Bóng Hình (Văn Mới, Los Angeles, 1997),
- Chân Mang Giày Số 6 (Văn Mới, Los Angeles, 1999)
- Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại ( Văn Mới, Los Angeles, 2001)
- Bên Lưng Những Con Chữ (Văn Mới, Gardena, 2003)
<!>
Đặc biệt với Phiếm của nhà văn Song Thao với tựa đề chỉ có một chữ (sau nầy có hai chữ như: Nhạc Chế, Sống Dai, Chim Nạn, Ve Sầu). Phiếm của nhà văn Song Thao là công trình biên soạn, sưu tầm tài liệu từ cổ chí kim, Đông Tây… nên khi đọc rất thú vị và được hiểu biết nhiều.

Tác phẩm Phiếm của cụ ấn hành từ năm 2005 đến tháng Tư năm 2024, sơ sơ 31 quyển. (Tôi là độc giả trung thành của cụ khi phổ biến trên internet).

Tạp chí Ngôn Ngữ với Ban Chủ Biên Luân Hoán - Song Thao - Nguyễn Vy Khanh - Hồ Đình Nghiêm - Lê Hân. Đây là một trong những tạp chí văn học hiện nay rất có giá trị. Tạp chí Ngôn Ngữ đã ấn hành tuyển tập Song Thao & Bạn Bè, dày 900 trang. Có bài viết của người bạn học cùng lớp : GS Trần Huy Bích. (bài viết của GS Trần Huy Bích).

Trong bài viết của cụ Song Thao:

“Lớp Đệ Tam C trường Chu Văn An ngày đó, tôi đã ngồi giữa Tiến sĩ Trần Huy Bích, Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, và Trung Tá Bùi Quyền (ghi chú thêm năm Đệ Nhất chuyển sang Ban B), Thủ Khoa trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Chỉ Huy Trưởng một chiến đoàn nhảy dù khét tiếng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cùng lớp với tôi ngày đó còn có những người tôi không được gặp kỳ qua Cali này như Tiến Sĩ Nguyễn văn Canh. Cũng cùng lớp với tôi nhưng nay đã ra người thiên cổ là hai nhà thơ Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Tiến sĩ Trần Như Tráng và Trung Tá Phạm Công Bạch, nguyên Viện Phó Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Quan văn quan võ đầy đủ, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia. Kể ra như vậy để thấy Chu văn An là lò đào tạo ra những hào kiệt của đất nước”.

Trong bài phiếm Mày – Tao vào tháng 10/2023. Tôi rất thích và mượn ý của cụ để viết. Cụ viết đến tuổi già “Mày-tao là sản phẩm dịu dàng của thời học trò, thời lính hoặc thời tù đày”.
Nhân bài viết nầy, tôi thắc mắc khi hai cụ (Song Thao – Trần Huy Bích) gặp nhau có gọi như vậy không?.

Vương Trùng Dương

 

P.S: Mời đọc bài viết của cụ Trần Huy Bích viết về cụ Song Thao


Để giới thiệu nhà văn Song Thao, tôi xin phép được đi ngược lại nửa thế kỷ trước, nói đúng hơn là 49 năm trước, khi đất nước Việt Nam bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Tuy hôm nay mới là 19 tháng 7 tại Hoa Kỳ, nhưng giờ này, 4 giờ chiều tại California, chính là 6 giờ sáng ngày 20 tháng 7 ở Việt Nam. Tôi xin được bắt đầu câu chuyện đúng vào ngày hôm nay của 49 năm trước.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17, miền Bắc thuộc cộng sản. Gần một triệu dân miền Bắc biết là không thể sống với chế độ ấy nên đã tìm đủ cách lánh vào miền Nam. Trường Chu Văn An di cư vào Sài Gòn đã mở các lớp Đệ Nhị cấp, gồm Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất. Mỗi năm nhà trường mở được cho mỗi cấp từ năm tới bảy, tám lớp ban B, tức là ban Toán, và khoảng hai lớp ban A, tức là ban Khoa học Thực nghiệm. Nhưng mỗi năm trường chỉ mở được một lớp cho ban C, tức là ban Văn chương thôi. Học sinh của ban này bao giờ cũng ít hơn học sinh theo các ban Toán và Khoa học Thực nghiệm. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều đã biết rằng theo các lớp Khoa học Thực nghiệm hay Toán thì có thể lên học Y khoa, Dược khoa, Nha khoa, Khoa học..., vào các Trung tâm Kỹ thuật, và có thể trở thành các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, khoa học gia, kỹ sư ..., sẽ có tài chánh và tương lai vững chắc. Còn tương lai một nhà văn An Nam thì ... không sáng sủa gì. Thời đó rất nhiều người đã biết câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó” của Nguyễn Vỹ.

Nhưng tại lớp Đệ Tam ban Văn chương của trường Chu Văn An Sài Gòn niên khóa 1954-1955 ấy, chúng ta có nhà văn Song Thao. Nói đúng hơn, hồi đó chưa có “nhà văn Song Thao,” mới có anh Tạ Trung Sơn, vui vẻ ngồi giữa khoảng năm mươi bạn học của anh. Một điều đáng ghi nhận trong lớp học là anh Sơn luôn luôn vui vẻ, dí dỏm, nhưng hiền hòa. Cụ Vũ Ngô Xán, Hiệu trưởng trường Chu Văn An giai đoạn ấy hiểu rõ giá trị của văn chương và nhân văn. Cụ thường nói: “Xã hội và đất nước chúng ta cần những bác sĩ, kỹ sư..., nhưng cũng cần những bác sĩ, kỹ sư ... cho tâm hồn”. Cụ luôn luôn trân trọng đối với ban C của trường. Cụ mời các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhất có mặt tại miền Nam lúc ấy phụ trách môn Việt văn cho các lớp ban C của trường Chu Văn An. Lớp Đệ Tam C được học nhà văn Vũ Khắc Khoan, khi lên Đệ Nhị C được học nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Lên Đệ Nhất, sau khi đã đậu Tú Tài I, không còn môn Việt Văn nữa. (Chắc các nhà lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ rằng khi lên tới Đệ Nhất, học sinh đã đủ trình độ để có thể tự trau dồi thêm về Việt văn). Có một điểm tôi xin được nói ngay, là mặc dầu với sự trân trọng, chăm chút của cụ Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, mặc dầu được gần gũi những nhân vật như Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương “bằng xương bằng thịt,” cho tới khoảng 10 năm trước đây, không một học sinh nào của lớp Đệ Tam ban Văn chương trường Chu Văn An niên khóa 1954-1955 ấy, tức là lớp Đệ Nhị Văn chương niên khóa 1955-1956, không một học sinh nào trở thành “nhà thơ” hay “nhà văn” cả.

Trong lớp Văn chương của trường Chu Văn An Sài Gòn niên khóa trước có nhạc sĩ Cung Tiến, tác giả các bản nhạc “Hoài cảm,” “Hương xưa” ... Trong lớp Văn chương của trường Chu Văn An một năm sau xuất hiện hai nhà thơ được giải Văn chương Toàn quốc, được nhiều người biết tới, là nhà thơ Vương Đức Lệ, tên thật là Lê Đức Vượng, và Mai Trung Tĩnh, tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng. Sau một năm nữa, từ trường Chu Văn An Sài Gòn, không cần phải theo ban Văn chương, xuất hiện rất nhiều các nhà thơ, nhà văn như Dương Kiền, Đỗ Quý Toàn, Y Dịch Lê Đình Điểu. Vài năm sau nữa có thêm Ngô Tằng Giao, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Mạnh Trinh... và rất nhiều những tên tuổi khác.

Nhưng tại lớp Đệ Tam Văn chương đầu tiên của nhà trường sau khi di cư vào Nam, cho tới khoảng mười năm trước đây, không thấy ai in một tập thơ, không thấy ai có được một tập truyện ngắn. Công bình mà nói, các bạn học của Song Thao trong các năm Đệ Tam và Đệ Nhị ban Văn chương tại Chu Văn An thuở ấy đều không phải những thanh niên quá tệ. Hầu hết bọn họ đều đã đậu Tú tài, lên Đại học lấy được bằng Cử nhân, đa số là Luật hay Văn khoa. Một số tốt nghiệp các trường chuyên môn như Đại Học Sư Phạm hoặc Quốc Gia Hành Chánh. Một số khá đông học thêm ở ngoại quốc, ít nhất có ba người đậu Tiến sĩ, số người đậu Master (hay Cao học) thì rất nhiều... Nói chung họ đều trở thành những người đóng góp tích cực cho việc xây dựng quốc gia, xã hội. Trong bọn họ cũng có người thành Thẩm phán hoặc công chức cao cấp, nhưng đa số theo ngành giáo dục. Có người đã là Phụ tá Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt như anh Nguyễn Duy Diệm. Có người trở thành Phụ tá Khoa trưởng, hoặc ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn như anh Nguyễn Văn Canh, hoặc ở Đại Học Vạn Hạnh như anh Trần Như Tráng. Số người dạy ở Đại học như các anh Phạm Văn Quảng, Trần Như Tráng ... thì hơi nhiều.

Đến lúc “xếp bút nghiên theo việc đao cung,” cũng có những người trở thành sĩ quan ưu tú của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được cực lực vinh danh, như anh Bùi Quyền. Theo ngành cảnh sát, nhiều anh lên tới địa vị lãnh đạo, như các anh Trần Minh Công, Viện trưởng, và Phạm Công Bạch, Phó Viện trưởng Học Viện Cảnh Sát.

Nhưng để đóng góp cho văn chương, cách đây ít năm, mới có người in được một tập thơ, là anh Nguyễn Tiến Đức, một người nữa đưa ra một bản dịch mới cho cuốn Animal Farm của George Orwell là anh Đỗ Xuân Triều. Hầu hết các bạn khác khi cầm bút đều thành “nhà biên khảo,” viết về những vấn đề cần thiết nhưng khô khan, không mang tính cách văn chương gì hết, chẳng hạn như “Cộng Sản Trên Đất Việt,” hay “Tình Trạng Nông Dân Việt Nam Giai Đoạn 1954-1975,” hay “Tiến Trình Dân Chủ Hóa Tại Đài Loan”... như các anh Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, và một vị nữa.

So sánh văn chương với các vấn đề thời thế, nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam từng viết: “Tào Tháo và Châu Du đều không còn, giờ đây Việt Quốc và Việt Minh cũng không còn, nhưng những lời hay ý đẹp của Tô Đông Pha trong bài “Tiền Xích Bích Phú” vẫn sống mãi với thời gian”. Nhà thơ Lý Bạch cũng có câu: “Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt / Sở Vương đài tạ không sơn khâu,” tức là “thơ văn của Khuất Nguyên treo mãi với mặt trời, mặt trăng, trong khi lâu đài, cung điện của vua nước Sở không còn gì giữa núi và gò hoang.” Một người bạn học cũ của nhà văn Song Thao đã dịch là “Khuất Nguyên trang gấm truyền lâu / Điện đài vua Sở chìm sâu lớp gò”. Cái đẹp của văn chương vẫn lâu bền, tồn tại mãi với thời gian.

Được giao nhiệm vụ giới thiệu nhà văn Song Thao hôm nay, trong cương vị một người bạn học từ nửa thế kỷ trước, tôi xin được nói với anh Song Thao rằng: “Tinh hoa văn chương của những lớp ban Văn chương trường Chu Văn An từ khi đất nước chia đôi, lớp Văn chương mà cụ Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán đã đặt rất nhiều tin tưởng, mà các thầy Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương đã bỏ ra rất nhiều công lao, nay đã tập trung vào một người. Người ấy là Song Thao Tạ Trung Sơn. Trở thành một nhà văn được nhiều người mến mộ, một nhà văn có thành tích và văn tài, anh đã làm được một việc mà tất cả các bạn cùng lớp với anh từ 1954 như Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh Công, Phạm Công Bạch, Trần Huy Bích... không làm nổi. Tuy học với nhau từ nửa thế kỷ trước, tuy nhiều lúc không ở gần nhau theo “mệnh nước nổi trôi,” chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm tới nhau, rất vui khi thấy nhau thành công. Chúng tôi coi sự thành công của một người như một thành công chung của cả nhóm. Chúng tôi mong ước anh Song Thao sẽ còn thành công hơn nữa vì chúng tôi quan niệm rằng, khi hoàn thành một tác phẩm văn chương, anh đã làm một việc thay tất cả anh em. Tôi tin chắc các bạn đồng học sẽ chấp thuận đề nghị của tôi: để Song Thao đứng đầu tiên khi nhóm Đệ Tam C Chu Văn An niên khóa 1954-55 chúng tôi có hoàn cảnh gặp lại các vị thầy cũ như các Thầy Vũ Ngô Xán, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan.

Tháng 7/2003
Trần Huy Bích

Không có nhận xét nào: