Tôi và 49 bạn đồng khóa, trong đó có anh Thủ khoa, được chọn để đưa về Sàigòn học Khóa Dù 76 ở Trung tâm Huấn Luyện Nhảy Dù, trong trại Hoàng Hoa Thám. Khóa nầy hơi đặc biệt hơn các khóa khác, vì có 10 cô nữ quân nhân học chung với 50 tân thiếu úy chúng tôi. Khóa 76 Dù có nhiều chuyện đáng chú ý. Điều muốn kể đầu tiên là buổi tiệc tổ chức Tiếp Tân của Tướng Dư quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn, tại phòng Khánh Tiết, để khoản đãi các Đơn vị trưởng cấp Lữ đoàn, cấp Tiểu đoàn, các Trưởng phòng, và 50 tân sĩ quan. Đây là cơ hội để cho các đơn vị trưởng có dịp gặp những cán bộ trung đội trưởng tương lai của họ.
<!>
Gương mặt các vị nầy đều vui tươi hớn hở, có vẻ như sẵn sàng thu nạp những con gà nòi, tuy tuổi đời còn trẻ mà người nào cũng có vóc dáng “Kiêu hùng điểm chút phong sương” của các chiến sĩ Dù tương lai.
Khuôn mặt đáng chú ý nhất trong số khách dự dạ tiệc là Tướng Dư quốc Đống, ông có vóc dáng uy nghi, mày rậm, mắt to, cử chỉ hiên ngang. Ông là một sĩ quan can đảm, tài ba, đã từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Ngoài tài hành quân tác chiến, Tướng Đống còn là một người rất nghĩa khí. Có lần trong cuộc họp Hội Đồng Tướng Lãnh để bầu phiếu buộc tội Trung tướng Nguyễn Chánh Thi về việc a tòng và dung túng những phật tử ở Vùng 1 Chiến Thuật, họ biểu tình quấy rối trị an và phản kháng lại Chính Phủ Trung Ương. Hầu hết tướng lãnh đều bỏ phiếu thuận, chỉ có 2 phiếu trắng; một vị tướng nói:
- Tội của Tướng Thi đã quá rõ ràng, tại sao lại có người bỏ phiếu trắng là nghĩa lý gì đây?
Tướng Đống đứng lên nói:
- Tôi đã bỏ phiếu trắng đó. Trung tướng Thi là thầy tôi, Tr/tướng Viên cũng là thầy tôi, nếu bảo tôi chống lại thầy mình, thì tôi không làm. Vậy quí vị muốn xử thế nào thì tôi sẵn sàng thi hành.
Các tướng lãnh trong đó có Trung tướng Nguyễn văn Thiệu, Trung tướng Cao văn Viên...nghe lời nói khí khái hùng hồn của ông, ai nấy đều mến phục.
(Tướng Thi, tướng Viên nguyên là 2 vị Tư lệnh tiền nhiệm của Sư Đoàn Nhảy Dù).
Tướng Đống rất thương yêu binh sĩ, nhưng ông lại rất khắc khe đối với các sĩ quan cao cấp. Các vị Tư lệnh phó, Lữ đoàn trưởng, Trưởng phòng, Tiểu đoàn trưởng đều rất nể sợ ông. Đại tá Nguyễn khoa Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy dù, đã từng bị quở trách khi đang hành quân ở mặt trận Bến Gò Nổi. Lúc ấy Tiểu đoàn 9 Nhảy dù có 1 đại đội bị địch độn thổ phục kích ở bãi sậy cao quá đầu người. Đại đội tôi đang đóng quân cùng với các đại đội khác bảo vệ bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Trung tá Nhã, tiểu đoàn trưởng, lệnh cho tôi dẫn Đại đội 91 ra tiếp ứng Đại đội 92 của bạn Nguyễn tống Hiến.
Trên đường toàn là rừng cây, đi khoảng 20 phút gặp một bãi lau sậy rộng mênh mông bát ngát, tôi cho đại đội đi đến 1 khoảng trống trước mặt, rồi dàn quân chờ liên lạc coi đơn vị của Hiến đang ở đâu. Bỗng từ phía bên bụi sậy trước mặt, cách Đại đội tôi khoảng 100 thước, vài tên địch đầu đội nón cối, trong đó có 1 người vác băng ca giống như y tá của ta. Có lẽ chưa thấy chúng tôi, vì mặt họ đang nhìn về hướng Đại đội 92.
Các binh sĩ thấy địch, vội phản ứng bắn xối xả; nhưng tiếng của Hiến la oé lên trên máy: “Lính mầy đang bắn vào tụi tao, ngưng ngay!”
Tôi bảo binh sĩ thôi tác xạ, nhưng Hiến vẫn tiếp tục la:
- Sao tụi mầy còn bắn dữ vậy?
Tôi cầm ống liên hợp của máy PCR25 nói:
- Tụi tao đâu có bắn.
Bỗng nhiều loạt đạn nổ về hướng chúng tôi, vài binh sĩ bị thương ngay loạt đạn đầu tiên. Thiếu úy Trứ vội điều động cả trung đội xung phong lên định bắt sống đám bộ đội trước mặt. Nhưng các chiến sĩ vừa nhóm lên thì địch từ trong rừng ào ra đông như kiến! Anh và chuẩn úy Phan Văn Phúc đành khựng lại, và dựa vào mô đất hoặc gốc cây để khai triễn các hỏa lực cơ hữu. Bỗng một một viên đạn trúng xuyên qua chân Trứ, máu chảy ra lênh láng. Khinh binh Đông cố kéo thầy mình về phía sau, Phúc điều khiển trung đội hợp cùng 2 trung đội của Chuẩn úy Trọng và Phấn chống trả mãnh liệt.
Địch quân đành nằm liều tại chỗ bắn vào Đại đội 91, chúng tôi chống trả mãnh liệt, mặc cho Hiến cứ la, vì rõ ràng mọi người đều thấy địch mặc sắc phục của lính chính qui Bắc Việt, và chúng đã bắn thẳng vào đơn vị tôi nữa. Giằng co nhau qua lại hơn 1 tiếng đồng hồ thì đối phương biết mình bị lưỡng đầu thọ địch.
Lính của Hiến cũng đang bắn xả vào họ, nên chúng phải chém vè, rút vào đám lau sậy trốn mất để lại nhiều thương binh và nhả Đại đội 92 ra, tiếng súng ngưng dần rồi dứt hẳn. Thế là đơn vị tôi vô tình áp dụng được kế “Vây Ngụy cứu Triệu” mà đón được đơn vị bạn về.
Điều đặc biệt là Tướng Đống thường bay trực thăng trên đầu các đơn vị Nhảy Dù khi họ đang chạm địch, có lẽ ông đã vô tần số và nghe chúng tôi oé nhau. Nên ngay sáng hôm sau, ông đã cùng Đại tá Nguyễn khoa Nam đáp xuống chỗ đóng quân của Tiểu đoàn 9 Nhảy dù. Tôi được lệnh chỉ huy đội giàn chào để nghênh đón ông (vì nước da của tôi ngâm đen giống Tướng Đống, nên Tiểu đoàn cố tình cho tôi làm giàn chào tới hai lần, lần trước ở TTHL Vạn Kiếp, Bà Rịa). Khi trực thăng đáp xuống, thấy ông xồng xộc đi nhanh tới, tôi hết hồn vội hô to: “Vào hàng.... phắc!”
Có thể vừa xuống trực thăng, ông đã được Đại tá Nam cho biết tôi là 1 trong 2 đại đội trưởng đã trực tiếp chạm địch hôm qua, ông hỏi:
- Anh đụng địch ra sao?
Tôi đứng thế nghiêm, tóm tắt kể lại tình hình đánh nhau ở chiến địa; nghe xong ông không nói gì, chỉ đi thẳng vào bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Đứng từ xa tôi thấy ông hình như đang khiển trách Đại tá Nam và Trung tá Nhã. Ông tức giận vì chiến đoàn không cho truy kích để địch vượt thoát. Mỗi lần các đơn vị đi hành quân mà không chạm địch, ông thường nói từ trực thăng xuống:
- Bộ các anh né tụi nó hả?
Các sĩ quan cấp “Tá” trở lên mới bị Tướng Đống nạt nộ, quở trách, đối với cấp “Úy” thì ông không nói gì. Nhưng với anh em Binh sĩ, ông hết sức nhỏ nhẹ, cặp mắt luôn nhìn họ một cách hiền từ, trìu mến. Ông nghĩ họ là thành phần cực khổ và chịu nhiều nguy hiểm nhất, ông muốn yểm trợ cùng giúp đỡ thật nhiều cho binh sĩ và gia đình của họ; giống như người cha lo lắng cho những đứa con thân yêu của mình vậy.
Tướng Đống là Tư lệnh thứ tư của SĐND (từ 1964 đến 1972, sau Đại tướng Đỗ cao Trí, Trung tướng Nguyễn chánh Thi, Đại tướng Cao văn Viên). Trong binh chủng Dù, ông phục vụ lâu năm nhất, chỉ huy từ cấp Trung đội trưởng và không hề có thời gian gián đoạn chỉ huy so với các Tư lệnh khác. Thời gian ông chỉ huy là lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm khốc liệt nhất, những trận đánh dữ dội không giản dị như thời còn trực thuộc quân đội Pháp. Nhiều trận giao tranh ở cấp sư đoàn và phối hợp hành quân tác chiến với các quân binh chủng khác. Dưới quyền lãnh đạo của tướng Đống, lực lượng Nhảy Dù đã không những mang lại nhiều chiến thắng mà còn làm cho quân lực Đồng Minh phải ngưỡng mộ.
Đại tướng Lindsay, nguyên là cựu cố vấn TĐ8ND đã nói: “Những chiến thắng gần đây ở Grenada và kinh đào Panama do Nhảy Dù Mỹ đem lại chính là chúng tôi đã học hỏi nhiều về kinh nghiệm tác chiến của Nhảy Dù VN...”
Tướng Schwarzkopf, nguyên Tư Lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại vùng Vịnh, trong cuộc chiến với Iraq tại Kuwait trước đây, đã viết cuốn hồi ký tựa đề là “It Doesn’t Take A Hero”.
Trong phần nói về những ngày tham chiến tại Việt Nam khi còn là Thiếu Tá Cố vấn cho TĐ7ND, ông viết: “Không giống như một vài đơn vị khác của QĐVNCH, các đơn vị Nhảy Dù, bằng mọi giá, bao giờ cũng tìm cách đưa thi hài đồng đội trở về với gia đình của họ”. Ông kể lại một hôm, tại chiến trường Cao Nguyên Trung Phần, sau một trận chiến, có 3 binh sĩ Dù tử thương. Trực thăng tiếp tế Mỹ từ chối chở 3 xác chết. Thiếu tá Schwarzkopf đã bổ nhào ra ôm càng phi cơ và nói với viên Phi công: “Tôi sẽ không rời chiếc càng nầy, tôi sẽ bị ngã chết, ông có muốn chịu nhận trách nhiệm xảy ra như vậy không? Hơn nữa nếu ông cất cánh, tôi sẽ bắn phi cơ”. Cuối cùng 3 thi hài được trực thăng nầy chịu chở đi.
Dưới quyền tướng Đống, binh chủng Dù từ cấp Lữ Đoàn đã trở thành cấp Sư Đoàn, với quân số lên đến 12.700 gồm 9 Tiểu đoàn Tác chiến, 3 Tiểu đoàn Pháo binh và 3 Đại đội Trinh Sát. Cũng như vị tiền nhiệm là Đại tướng Đỗ cao Trí, người đã chỉ huy Dù dẹp loạn Bình Xuyên, lập uy tín cho Thủ Tướng Diệm lúc mới cầm quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tướng Đống đã chỉ huy SĐND lập nhiều công lớn trong kỳ Tết Mậu Thân, trận Pleime, Đồi 1416 ở Dakto, cuộc tiến quân sang Campuchia, trận Hạ Lào, Trận An Lộc, Bình Long...
Trong Khóa học Dù, các môn khó học nhứt là nhảy “Chuồng cu” và “Dây kinh dị”.Khi nhảy chuồng cu, Khóa sinh đứng trong 1 cái chòi cao 11 thước, lưng móc vào 1 dây cáp (kéo dài ra xa, rồi thấp dần xuống tới mô đất cao). Họ phóng mình giống như từ trong phi cơ nhảy ra (có một số tân binh bị loại vì không dám nhảy chuồng cu). Còn dây kinh dị cũng hơi giống như chuồng cu, chỉ khác là dùng hai tay nắm chặt vào cái rõ rẽ (ròng rọc), rồi từ độ cao 12 thước cầm rõ rẽ tuột theo dây cáp tới khi chân gần chạm bãi cát, thì buông dây nhào lộn, sao cho té theo đà một cách nhẹ nhàng. Đầu lúc nào cũng phải cúi cho càm đụng vào ngực để tránh bị tổn thương não bộ. Ngoài ra khóa sinh còn học cách té, cách chạy tránh dù lôi. Huấn luyện viên dùng 1 cái quạt thật lớn, đường kính khoảng 3 thước, gắn trên xe Dodge. Sức gió thổi mạnh vào khóa sinh, làm dù bung ra, kéo lôi cả người và thổi đi xa. Nếu muốn tránh bị dù lôi, họ phải nhanh chân chạy bọc ra phía sau, ngay đỉnh của cây dù đang phùng to đó, như vậy dù sẽ xẹp xuống, không còn bị ảnh hưởng sức thổi của cây quạt khổng lồ nữa. Khóa sinh cũng được học cách lái dù để tránh không xáp lại gần dù bạn, học cách điều khiển cho dù xuống chậm và lái cho dù xuống đúng bãi đáp an toàn.Kế đó học xuống dù trên mặt đất, trên ngọn cây, hoặc rơi xuống nước.
Khóa Dù 76 chúng tôi đã bị Trung úy Nguyễn Văn Vinh, Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện, đích thân ra phạt tập thể thật là oan. Lý do là “Cố ý coi thường và khiêu khích các hạ sĩ quan huấn luyện viên”.
Thật ra thì cũng do các tân thiếu úy đã quen chạy sáng trong suốt 2 năm ở quân trường, lại còn tập chạy trường lực khoảng 30 cây số mỗi ngày, trong 3 tháng cuối khóa để chuẩn bị tâm tư cho lớp Rừng Núi Sình Lầy tại Dục Mỹ, vì vậy ai nấy đều có sức khỏe như voi. Khi chạy sáng, các Huấn Luyện Viên, vừa vợ con đùm đề, vừa tuổi tác cao, thì làm sao chạy theo kịp hàng quân. Các ông phải cố gắng chạy theo tới mệt thở hổn hển. Vừa nổi sùng, vừa mắc cở, chẳng biết họ báo cáo thế nào đó, để đến nổi Trung úy Vinh phải đích thân ra xử phạt tập thể.Điều đáng giận là trong khi chúng tôi thi hành lệnhphạt thì các cô nữ khóa sinh lại đứngcười chế nhạo, thật là quá đáng! Càng giận hơn, vì họ còn dám đếm theo nhịp khi chúng tôi đang hít đất nữa chứ!!.
Tức quá tối đó cóvài cậu xung phong đi “Đột kích đêm”, kết quả thành công rực rỡ, vì những chàng trẻ tuổi độc thân nầy đúng là “Rightman” của các cô. Từ đó đã tạo ra những mối tình đầy thơ mộng và có những cặp đã được đơm hoa kết trái tới ngày nay, họ vẫn còn cùng nhau vui đùa với các cháu nội, ngoại ở nơi xứ lạ quê người nầy.
Trung tá Vinh (cấp bậc sau cùng), trước năm 1975, ở gần nhà tôi. Khi sắp trình diện đi tù tập trung, có nói với vợ rằng: “Chắc anh tự vận trong tù quá, sợ không chịu đựng được sự hành hạ nhục nhã của chúng nó đâu!”
Quả thật vậy, một thời gian sau, gia đình chị Vinh nhận được thư báo tử! Lý do chết vì bịnh (?).
Tất cả 7 sô nhảy của Khóa Dù 76, đều có mặt Trung tá Ngô Quang Trưởng, tham mưu trưởng sư đoàn, và Đại tá Cố Vấn. Trung tá Trưởng, người nhỏ con, khuôn mặt khắc khổ, nhảy bằng dù điều khiển; còn khóa sinh chúng tôi thì nhảy bằng dù tự động. Ông và viên đại tá từ độ cao trên 2 ngàn thước, ở vị thế rơi tự do, 2 người bơi gần lại để trao gậy cho nhau. Nhìn họ lúc ấy giống như 2 con dơi, đang bay lơ lửng trên không trung, trông thật ngoạn mục!
Khi tới cách mặt đất khoảng 500 thước, họ mới cho bung dù, rơi là đà, hai chân chạm xuống mặt đất một cách nhẹ nhàng. Còn phần tôi thì hởi ơi! Nhảy lần đầu thật là quờ quạng, lúng túng. Lúc phóng mình ra khỏi chiếc C47, miệng đếm lẩm bẩm:
- 331, 332, 333, 334!
Vừa dứt tiếng thứ tư thì dù bật tung ra, người tôi bị ghì giật lại. Cánh dù bung rộng lớn, làm cản gió khiến tôi như bị treo lơ lửng trên không. Lấy lại sự bình tình, tôi đảo mắt nhìn khắp nơi, thấy toàn là mây với mây! Nhìn xuống, tôi giật mình kinh hãi,lúc ở lầu 5 tầng ngó xuống còn chóng mặt,bây giờ nó lại cao khiếp quá chừng, thật là đáng sợ! Rồi mặt đất như cứ dâng lên dần dần, các thửa ruộng giống như những bàn cờ càng lúc càng lớn ra. Kìa sắp tới mặt đất mà mắt vẫn ngó trời mây bao la, bỗng thoáng thấy trước mặt hiện ra một tàng cây to tướng, tôi giật mình phân vân! Biết phải làm sao đây? Chân sắp chạm ngọn cây rồi? Tôi mất bình tỉnh quên hết các lời đã chỉ dạy trong khóa học! Bỗng tai nghe văng vẳng:
- Kéo dây Thượng thăng bên trái!
Tôi làm theo như phản ứng tự nhiên,thoáng nhìn ngang qua, thấy bên cạnh là 1 cây cổ thụ có tàng rộng đang từ từ dâng lên; nếu không điều chỉnh dù kịp lúc, thì cả người tôi và cánh dù đều dính trên ngọn cây! (hôm đó vì gió hơi mạnh nên Trí “Khệu” bị dính ngọn cây và một đứa rớt thủng mái “Tôn” trường học).
Khi đáp xuống đất, thay vì lo chạy tránh dù lôi, tôi vẫn còn đứng ngơ ngáo, để mặc cho em bé chăn trâu giúp xếp dù gọn vô bao tải lúc nào rồi mà vẫn còn không hay. Mới hơn 10 tuổi mà đã biết điều khiển và xếp gọn dù thật là giỏi; sau khi xong, em đứng nhìn tôi, chợt thấy bông mai trên bâu áo, em la lên:
- Ông nầy là Thiếu úy mà lờ quờ quá tụi bây ơi!
Tôi móc túi cho em chút tiền quà, vừa vác dù vào điểm tập trung vừa tự cười thầm, lớn đầu mà bị em nhỏ chê, thật là xấu hổ quá trời! Lòng tự nhủ kỳ sau không được quá bê bối như vậy nữa, để không bị các em chăn trâu chê quờ quạng!
2. Về Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù
Sau khi mãn Khóa Dù, tôi và 15 bạn Khóa 20 Võ Bị được bổ sung về Tiểu đoàn 9 Nhảy dù. Giống như Tiểu đoàn 2 ND, đây là 1 đơn vị tân lập, trong kế hoạch mở rộng Sư Đoàn Nhảy Dù. Vì thế thành phần cán bộ nòng cốt lấy ra từ những sĩ quan xuất sắc của các Tiểu Đoàn Dù nổi tiếng:
Tiểu đoàn trưởng:Thiếu tá Lê Văn Huệ,Khóa 1 Thủ Đức
Tiểu đoàn phó:Đại úyTrương V. Phước,Khóa 4 ThủĐức
Sĩ quan Ban 3: Đại úy Liêm, K12ĐL, SQ Pháo Binh Dù
Đại đội trưởng ĐĐ90ND: Đại úy Phú, K 4 Phụ Thủ Đức
Đại đội trưởng ĐĐ91ND: Đại úy Đỉnh, K15 Đà Lạt
Đại đội trưởng ĐĐ92ND: Đại úy Võ Tín, K14 Đà Lạt
Đại đội trưởng ĐĐ93ND: Đ/U Nguyễn Đình Bảo,K14 ĐL
Đại đội trưởng ĐĐ94ND: Đại úy Thừa, Khóa 9 Thủ Đức
Các Đại úy Bảo, Thừa, Tín, và Đỉnh là những anh hùng vừa chiến thắng và được thăng cấp tại mặt trận trong chiến dịch hành quân nổi tiếng có tên là “Đại Bàng 800” ở Vùng 2 chiến Thuật (ĐĐ91 có nhiều thay đổi chức vụ đại đội trưởng nhất: từ 1966-67 là Đại úy Quân, Trung úy Trang, Đại úy Đỉnh, Mể; từ 68-70 là Đại úy Dưỡng; từ 71-75 là Đại úy Bảo, Tâm, Trọng, Tường...).
Các vị sĩ quan đại đội trưởng đã có một thời gian ngắn, từng ở Tiểu đoàn trong thời kỳ phôi thai tân lập là:
Trung úy Nguyễn Hữu Cang: ĐĐT/Đại đội 94
Trung úy Ngô Tùng Châu: ĐĐT/Đại đội 90
Trung úy Phan Nhật Nam: ĐĐT/Đại đội 93
Trung úy Lã quý Trang: ĐĐT/Đại đội 91
Trung úy Đức: ĐĐT/ Đại đội 92
16 đứa chúng tôi chia nhau về làm Xử Lý Thường Vụ Trung Đội Trưởng:
ĐĐ90ND: Dưỡng, Đại
ĐĐ91ND: Bảo, Hiến, Miên, Thành
ĐĐ92ND: Nuôi, Trụ, Chàng, Toàn
ĐĐ93ND: Phương, Chí, Hổ
ĐĐ94ND: Lộc, Trạch, Lân
Lúc đó các đơn vị nhảy dù thường chạm trán với quân chánh qui địch tại những nơi hung hiểm, chẳng hạn như giải vây cho các căn cứ biên phòng: Pleime, Katum, Bến Sỏi...
Việc bổ nhiệm các chức vụ hết sức cân nhắc. Thiếu úy mới ra trường, chưa kinh nghiệm thì chỉ được làm “Xử lý” Trung đội, vài tháng sau mới làm “Quyền” Trung đội trưởng (lúc nầy được ăn thêm tiền chức vụ). Sau đó một thời gian có kinhnghiệm vững chắc mới được chức Trung đội trưởng “Thực thụ”. Vì vậy các chức vụ của Sư Đoàn Nhảy Dù đều được mọi người xem quí trọng.
Lúc bấy giờ là đầu năm 1966, tiểu đoàn đang chờ đợi tân binh học xong khóa dù, rồi toàn bộ sẽ đi học bổ túc quân sự tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp ở Bà Rịa. Một hôm tôi và Trần Hữu Bảo có nhiệm vụ dẫn tân binh học khóa dù; mọi người đều đi đường bộ, vì doanh trại tiểu đoàn cũng nằm trong khu vực Hoàng Hoa Thám. Trong khi binh lính đang học tập, tôi và Bảo ngồi ở mái hiên nghỉ mát; lúc ấy Đại úy Liêm “Bô” cùng với Đại úy Phước ngồi trên xe Jeep chạy ngang qua. Chúng tôi đang ở trong bóng mát tối mờ nên họ không nhìn thấy. Khi dẫn lính về thì nghe tin Đại úy Liêm đề nghị với tiểu đoàn trưởng phạt 2 đứa 10 ngày trọng cấm. Tôi và Bảo vội chạy tới trình diện Tiểu Đoàn Trưởng và nói:
- Thưa Thiếu tá chúng tôi đâu có vắng mặt tại bãi tập.
Thiếu tá Huệ hỏi:
- Vậy lúc đó hai anh đang ở đâu mà Đại úy Liêm không nhìn thấy?
- Chúng tôi đang ngồi trong mái hiên và có thấy Đại úy Liêm lái xe chở Đại úy Tiểu đoàn phó. Họ đã đi ngang qua nhưng không nhìn vào hướng chúng tôi.
Thiếu tá Huệ thấy hai đứa tôi trả lời hợp lý, ông lúc nào cũng có thiện cảm với 16 con gà mới ra lò nầy. Hơn nữa biết Đại úy Liêm chỉ muốn hù mấy chàng trai trẻ mới ra trường nầy thôi, nên ông giả bộ nói:
- Kỳ sau ráng cẩn thận nghe, thôi các anh về đi.
Rồi không nói năng gì đến lệnh phạt nữa.
Bảo là người xứ Huế,còn tôi là dân miền Lục Tỉnh (Vĩnh Bình), 2 đứa không có nhà ở Sàigòn nên ngủ thường trực ở trong doanh trại tiểu đoàn. Hằng ngày chúng tôi hay lấy xe Vélo Solex đèo nhau chạy từ Bà Quẹo xuống tận tới tiệm cơm Thanh Xuân ở bến xe Nguyễn Cư Trinh, để thưởng thức món rau ghém chấm mắm kho, cùng món gỏi gà ngon tuyệt! Không phải tự nhiên muốn đi ăn cơm xa xôi như vậy đâu, thực ra tôi đã từng có mối tình thơ mộng ở đây nên đi đoạn đường dài hơn 5 cây số để ăn trưa vì còn một dụng ý khác! Cách quán cơm Thanh Xuân khoảng 100 thước, có ngôi nhà giàu, cao 3 tầng lầu, trong nhà đó có 2 cô gái đẹp, tuổi độ cập kê. Có thể nhái theo Nguyễn Du để tả:
Hương xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Lan càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Tuy 2 chị em không thể sánh với sắc đẹp 2 nàng Kiều của Nguyễn Du, nhưng trong lòng tôi lúc đó cảm thấy Lan quả thật là tuyệt vời. Tôi quen biết Lan từ năm học Đệ Nhị, chỉ vì mặc cảm mình xuất thân ở vùng tỉnh lẻ quê mùa; so với nếp sống sang trọng xe hơi, nhà lầu của nàng, tôi cảm thấy quả thật không xứng. Mỗi lần tới nhà, thấy ba má nàng cởi mở như người Tây phương, cho phép các con tiếp xúc với bạn trai một cách tự nhiên, khiến lòng tôi hết sức mến mộ. Hương thì vui vẻ ngây thơ, còn Lan thì tế nhị biết chìu lòng người, tôi mến Lan ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Nhưng vì bản tính nhút nhát, tự ty mặc cảm, nên chẳng những không dám thố lộ tâm tình mà còn tự làm cho khoảng cách giữa hai người càng lúc càng xa thêm! Do đó, thay vì gặp nàng thường xuyên, tôi chỉ có thể làm bộ thích ăn món mắm kho để có cớ rủ Trần Hữu Bảo cùng đi Nguyễn Cư Trinh, mong được nhìn thấy hình bóng nàng từ xa, hầu khuây khỏa phần nào nỗi thương nhớ! Trong thâm tâm tôi nghĩ, đời nào một người giàu có lại chịu lấy chồng nghèo quê mùa như mình!
Rồi mấy tháng sau, trong dịp đám cưới của đứa em gái, tôi xin phép về quê, sẵn dịp thăm nhà luôn. Khi tới Vĩnh Bình, mấy đứa bạn học cũ như Lộc, Chánh, Hiền, Bá...rủ nhau lại nhà thằng bạn thân tên Song ở xã Phước Hưng. Chúng tôi đuổi vịt, bắt cá, đem nướng trui ăn với mắm cá sặt xé, trộn với gừng non và trái bần chín ngon vô cùng.
Từ nhỏ tôi đã rất thích cảnh đồng quê, trong những năm trung học Đệ Nhất Cấp, ở trường Trần Trung Tiên. Mỗi cuối tuần tôi thường chạy xe đạp tới nhà các đứa bạn như Trần Đức Nhuận ở Đầu Bờ để uống nước dừa xiêm thiệt, và lội sông, ra đồng bắt ốc bưu ăn với cơm mẽ; vô nhà Văn Tường ăn tàu hủ, uống sữa đậu nành; hoặc vô xóm người khmer, như nhà của bạn Tô Savong, để ăn món canh xiêm lo nấu bằng cá lóc, đu đủ sống, nêm mắm bồ hóc mùi thơm đậm đà, thật hết sức đặc sắc.
Sau khi no nê, Song và Chánh dẫn tôi tới nhà bà dì họ ở cạnh bên đường đất đỏ,cách nhàSong độ 100 thước, mà trước khi vào nhà nó, tôi đã từng đi ngang qua.
Ngôi nhà nầy rất rộng, phía trước có trồng mấy cây vú sữa, cành mang đầy trái chín đỏ ửng.Bên sân phải nhà, có 1 cây táo ta, trái vị chua chua chát chát ăn rất ngon. Sau nhà có chuồng nuôi bồ câu, chúng bay lượn khắp nơi, nhiều con đậu đầy trên nóc. Gian trước là phòng khách rộng rãi, bộ ván gỗ để gần cửa sổ, ở giữa đặt một cái bàn hình chữ nhựt, cùng 8 chiếc ghế gỗ vây xung quanh. Gian phía sau cũng rất lớn, có nhà bếp, nhà tắm, và kho chứa lúa đầy bồ.
Vừa bước vào nhà, tôi thấy một người đàn bà tuổi trung niên, đôi mắt sáng, mũi dọc dừa, mặc đồ bà ba mà tướng vóc có vẻ sang trọng. Chánh chỉ tôi rồi nói:
- Thằng nầy là bạn học cũ, ở Sàigòn về chơi, sẵn dịp con dẫn nó ghé thăm dì luôn.
Tôi gật đầu khẻ chào, bà mời mọi người vô nhà. Sau khi đãi trà bánh một lát, thì Song đi theo bà chủ ra nhà sau rồi nói:
- Sao, cô Tư coi thằng Dưỡng, bạn con, có được không? Nó là thiếu úy Nhảy Dù, hiện đang làm việc ở Sàigòn. Con định giới thiệu con Nhi cho nó đó.
Hai cô cháu đang thì thầm những điều gì đó chẳng biết. Một hồi sau, trong lúc tôi đang ngồi uống trà với Hiền, Chánh và Bá, bỗng thấy một cô gái bưng một dĩa dưa hấu ra mời. Vừa nhìn thấy cô, tôi giật mình, tim rung động mạnh. Không ngờ ở nhà quê mà có một cô gái dễ coi và duyên dáng thế nầy hay sao?
Cô có nước da bánh mật, tóc dài phủ lên bờ vai thon, đôi mắt đen huyền và sắc sảo, môi cô đỏ mọng tự nhiên, khi nàng cười bày ra hai hàm răng trắng xinh xinh, lại có má lúm đồng tiền làm tăng thêm phần mỹ miều dễ thương. Nếu đem so với Lan thì “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, một đàng thì sắc sảo mặn mà của người thành phố, còn đàng khác thì ngây thơ duyên dáng, hiền hòa của gái đồng quê.
Như đã nói ở trên, tôi đã bị ảnh hưởng cảnh đồng quê từ nhỏ, nên khi thấy nàng thôn nữ, như cá gặp nước, như bị mất hồn. Rồi nàng lại còn đích thân mời thêm một miếng dưa nữa chứ, làm tôi đã điên đảo, bây giờ lại càng đảo điên hơn! Thấy tôi ngó nàng chăm chú, Chánh thúc cùi chõ hỏi:
- Sao, coi được không mậy?
Tôi giật mình bẽn lẽn, như kẻ trộm bị bắt gặp quả tang! Mới vừa thấy cô thôn nữ, mà đã si tình, y như mèo thấy mỡ, thật không đàng hoàng chút nào. Cũng có thể đó là “Tiền duyên” kiếp trước; vì không hiểu sao, tôi mới gặp nàng lần đầu mà đã cảm thấy như có một sức thu hút, in sâu hình bóng thùy mị đoan trang của cô gái miền quê vào tim! Trong lúc trò chuyện với mẹ nàng, thấy bà là người ăn nói thẳng thắn, có tài quyết đoán, tánh tình cương trực, làm tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Trên đường đi, Song và Chánh còn nói, bà là người đảm đang, lòng dạ rất tốt, thường hay giúp đỡ mọi người, cô Nhi giống mẹ nhiều nhứt. Khi từ giã bà mà tôi cảm thấy như còn quyến luyến một điều gì, cố nhìn vói ra sau,bỗng bất chợt bắt gặp khuôn mặt của người đẹp đang núp ở nhà sau, ló đầu ra nhìn theo, khiến lòng tôi xao xuyến lâng lâng, có lẽ tôi đã bị tiếng sét ái tình rồi!
Trở về nhà Song, má của hắn hỏi:
- Mầy có chịu con Nhi không, mợ Tư sẽ làm mai cho!
Bụng tôi thì rất thích cô thôn nữ nầy, nhưng chỉ mỉm cười vì nghĩ còn phải tìm hiểu thêm đôi chút về người bạn trăm năm tương lai, nhất là cần phải hỏi ý của má tôi nữa chứ. Tôi rất thương mẹ, vì bà đã ở góa, lo tảo tần nuôi tôi ăn học thành tài mà không một lời than thở. Nhớ nhứt là 2 giỏ quà, khi bà lên thăm ở trường Võ Bị, tôi là thanh niên mà khiêng vô không nổi, vậy mà bà đã chịu khó mang nó từ Trà Vinh lên; đoạn đường dài hơn 500 cây số và phải sang xe đò tới mấy chuyến.
Thấy tôi chần chừ chưa trả lời mợ Tư, Chánh nói:
- Nếu mầy không chịu, tao sẽ giới thiệu em gái tao cho.
Tôi chỉ mỉm cười, vì mình đã có chủ kiến rồi.
Chánh, Song, Hiền, Bá, là những thằng bạn nối khố của tôi, họ rất tốt bụng. Song tốt nghiệp Sư Phạm dạy học gần nhà, còn Chánh và Hiền vừa có giấy gọi vào trường Võ khoa Thủ Đức, chúng nó thấy tôi đã gần 25 tuổi mà vẫn còn độc thân, nên hết lòng muốn tôi cưới vợ ở Vĩnh Bình, để sau nầy thỉnh thoảng còn trở về quê ra đồng bắt cua, cá, ốc bưu với họ nữa chứ. Chánh cũng có dẫn tôi tới gặp em gái của nó, cô nầy cũng đẹp dễ thương như cô Nhi, nhưng đầu óc đã có chủ định riêng, không muốn nghĩ điều gì nhiều nữa.
Sau khi trở về tỉnh, tôi có để tâm tìm tòi về gia thế của cô Nhi. Rồi đầu óc cứ suy nghĩ vẫn vơ, nghĩ đến Lan và các bạn gái mà tôi đã quen biết. Nghĩ đến nếp sống thanh bình, khi hết giặc, về quê đào ao nuôi cá, trồng cây lập vườn, sống an nhàn thơ thới, không phải bon chen cạnh tranh với ai hết. Ôi cảnh đồng quê sao mà thần tiên, lý tưởng quá!
Cuối cùng tôi quyết định đến gặp mẹ và trình bày mọi việc. Bà hết sức vui mừng, không cần nói lôi thôi gì hết, lúc nào bà cũng ủng hộ con, giống như lần tôi xin phép bà để theo học trường Võ Bị Đà Lạt lúc trước. Bà bảo thu xếp làm đám cưới sớm, mọi việc dưới tỉnh sẽ có anh hai Sang lo dùm.
Hôm sau biết nàng lên tỉnh mua sắm (hay muốn cho gặp mặt lần nữa đó cô nàng?), Chánh vội tới rủ tôi vô Tri Tân, nhà của người chị thứ ba, để gặp nàng thêm. Tôi cùng Chánh chạy xe vô Tri Tân, vừa tới thì thấy Nhi cũng mới bước ra khỏi cửa, nghe nói dẫn mấy đứa em tên Hồng Sơn, Hồng Giang ra chợ sắm áo quần gì đó. Gặp mặt nhau bất ngờ trước cửa, hai bên chỉ khẽ gật đầu chào xã giao.Chánh lén chỉ sau lưng tôi như ngụ ý:
- Nó đó, mầy có chịu không Nhi?
Tôi nhìn nàng cười có má lúm đồng tiền thật duyên dáng, cảm thấy hài lòng hết sức! Gương mặt cả hai đều đỏ ửng như e lệ thẹn thùa, nửa phần mắc cỡ, nửa phần vui tươi! Đó có nghĩa là “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” vậy mà!
2 tháng sau, trước khi về quê cưới vợ, tôi viết vài bức thơ gởi cho các bạn gái cũ (chỉ là bạn thôi vì tôi chưa dám, hoặc vì bản tính nhút nhát, thốt những lời yêu đương hứa hẹn).Trong đó có nêu lý do làđã bị các nàng chê, nên đành vâng lệnh giađình về quê cưới vợ để nối dõi tông đường,mong các nàng tha lỗi và vẫn còn được giữ liên hệ tình bạn thuần túy tốt đẹp như thuở nào.
Nhận được thơ, Lan tức giận tại sao tôi lại quyết định quá đột ngột như vậy? Nàng bảo Đại (bạn trai của Hương, do tôi giới thiệu) tổ chức một bữa cơm, rồi nói tài xế chở Lan và Hương đích thân đến rước hai vợ chồng tôi, đưa tới nhà của Đại! Thử coi “Người ta” đẹp tới đâu? Mà khiến tôi xiêu lòng đến nổi phải làm đám cưới một cách vội vã? Thật ra cũng tại hoàn cảnh giàu nghèo chênh lệch, cũng tại đầu óc tôi lúc đó còn quá cổ lỗ sĩ, tự ty mặc cảm, và cũng tại tôi quá thích nếp sống yên tỉnh hồn nhiên của đồng quê......
Trong khi ăn, Lan thì ngó trừng trừng, còn Nhi vô tình cứ tỉnh bơ như là tới nhà bạn ăn cơm vậy. Lúc đó tôi có nhiều lời muốn phân trần với Lan lắm nhưng không có dịp! Thật là có lỗi với nàng vô cùng, tôi không ngờ Lan là một tiểu thơ đài các mà lại để mắt xanh đến anh chàng cù lần, nhà quê nầy. Sau đó để lương tâm khỏi cắn rứt, tôi định làm môi giới Lan cho Bảo, kẹt là nó đang có bạn gái ở xóm Kỳ Đồng, nên cuối cùng giới thiệu Lộc cho Lan. Nhưng trong trận chiến năm Mậu Thân, Lộc và Đại đã anh dũng hy sinh! Điều thật đáng buồn vì Đại là con trai độc nhất trong gia đình. Ôi chiến tranh thật là tàn nhẫn!!!
Lúc về nhà, tôi có kể chuyện về Lan cho Nhi biết, nàng chỉ mỉm cười. Sẵn dịp, tôi cũng nói luôn cho nàng biết tất cả mối tình thời còn tuổi học trò. Tôi nói nếu đã cưới nàng thì phải có trách nhiệm che chở cho nàng suốt đời, những cô gái đó vẫn còn là những người bạn tốt của tôi. Nhi thật hiền lành, không thắc mắc, không than van, đã ủng hộ tinh thần tôi rất nhiều trong những năm chinh chiến đầy gian lao, nguy hiểm.
Lúc mới lên Sàigòn, Nhi thường nhớ nhà nhất là những đêm mưa tầm tã thì lại càng buồn hơn; lúc đó nàng thường khóc thầm, làm ướt đẫm cả vai áo tôi. Mỗi lần nàng khóc tôi liền hát bài “Tám Điệp Khúc” để chọc nàng cười:
.....“Nhi... làm cho mưa bay giăng giăng... mây tím dệt... thành sầu!”......
Mỗi khi tôi đi hành quân, lòng nàng rất lo âu, nhưng không bao giờ thố lộ cho biết, sợ tôi buồn.Trong 4 ngày phép hành quân, thực sự chỉ có 2 ngày được trọn vẹn. Còn ngày đầu thì đi xa ngàn dặm nôn nóng gặp mặt, nhưng ngày chót thì cứ suốt đêm nằm bịn rịn lo buồn cảnh sắp chia ly, có thể là một đi không trở lại, vì chỗ nào chiến trường thật sự sôi động và hung hiểm mới cần đến các đơn vị Nhảy Dù.
Nhi thích nghe bài hát “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong đó có những câu rất đúng với tâm trạng của người chinh phụ như nàng:
... “Nghĩ tới một điều em không rõ”
“Nghĩ tới một điều em sợ, không dám nghĩ”
“Đến một người đi giữa chiến tranh”
“Lại nghĩ tới anh!”
“Lại nghĩ tới anh!”.....
Mỗi lần bên trại gia đình binh sĩ nghe tiếng khóc than vì có người vừa nhận tin báo tử, suốt đêm đó Nhi lo âu hồi hộp. Thật là tội nghiệp cho các chinh phụ, lúc nào cũng sống với cảnh lo âu sợ sệt, trong cuộc chiến tranh đầy máu lửa nầy!
Vì đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, hầu hết các phụ nữ đều lấy chồng lính. Dù hậu phương hay tiền tuyến đều có muôn ngàn nguy hiểm. Trong lòng chinh phụ lúc nào cũng lo cho sự an nguy của chồng, lo cho chính mình, và lo cho tương lai con cái. Họ sống vợ chồng với nhau rất là khiêm nhường. Họ sống với nhau bằng:
Những “24 giờ phép!”
Những “7 ngày đợi mong!”
Hoặc có người: “Cưới nhau xong là đi!”
Tuổi thanh xuân của các chiến sĩ hầu như cống hiến toàn phần cho tổ quốc, và tuổi thanh xuân của chinh phụ đã cống hiến toàn phần cho chinh phu:
“Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi thiên san.
Chinh phụ lúc nào cũng:
“Sầu lên ngọn ãi, oán ra cửa phòng!”
Hoặc là:
“Ngàn dâu xanh ngát một màu
Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Thế nhưng để cho các chiến sĩ an tâm chiến đấu, an tâm phục vụ, làm tròn bổn phận và trách nhiệm, chinh phụ còn phải đảm trách việc nhà:
“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”...
Khi nhắc đến phụ nữ, có lẽ chúng ta không thể không ghi nhận và ca ngợi đức tính cao quí của người đàn bà Việt Nam. Không phải chỉ ở những thế kỷ xa xưa trước đây, mà ngay cả thời Cận đại, cũng như thời Hiện đại bây giờ;chúng ta cũng tìm thấy những bóng hình người đàn bà cao quí trong xã hội. Một trong những đức tính đáng khen ngợi là sự kiên trì và sự thủy chung của một người vợ Việt Nam. Chẳng hạn như một người vợ lính, thường ngày ở nhà phải lo toan việc gia đình, nuôi con ăn học, và thậm chí đôi khi còn phải lo cho gia đình của chồng nữa. Khi chồng bị đi tù gọi là cải tạo, thì người vợ lại phải lo tiếp tế thăm nuôi; và vẫn phải lo toan cuộc sống khó khăn hằng ngày trong gia đình dưới chế độ hà khắc Cộng sản. Khi người chồng trở về thì người vợ phải lo tìm đường vượt biên, và nhiều khi không đủ tiền người vợ lại phải hy sinh để cho người chồng dẫn theo một vài con đi trước. Đó là những đức tính rất cao quí, rất đáng ca ngợi, và rất hiếm thấy ở tất cả những người đàn bà ngoại quốc nào trên thế giới.
Nỗi đau khổ cùng cực nhất của người chinh phụ là khi trở thành quả phụ !!!
“Thăm chồng mà chẳng gặp chồng
Bao nhiêu hy vọng theo giòng mây tan!”
Hoặc:
“Ngày mai đi lượm xác chồng
Say đi để muốn mình không là mình..!”
Người đàn bà Việt Nam không phải như Phạm Duy đã nói:
“Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá”...
Họ đã khắc khoải trong vai trò chinh phụ thì càng trọn vẹn trong vai trò “Tù phụ”. Sau ngày Quốc Hận 30/4/75, tất cả gia đình chiến sĩ, gia đình công chức miền Nam đều bị Cộng Sản bao vây chặt chẽ:
“Tứ phía quân thù lưới bủa vây
Áo cơm pha với lệ vơi đầy!
Nửa khuya thức giấc lo rồi sợ!
... Tù ở bên ngoài đâu khác trong”....
Hoặc khi đi thăm nuôi chồng thì:
“Bên cầu em đứng, đợi, chờ, trông
Đông quá mà sao thiếu bóng chồng
Anh hỡi! Anh ơi ngày hai buổi
Đi về anh có nhọc nhằn không”?...
Khi ngồi trên xe đò thấy:
“.....Đoàn người lao động về ngang đó
Cuối mặt thương chồng lệ ướt mi!...”
Rồi nhắn nhủ:
“Kiên nhẫn nghe anh em sẽ chờ
Anh về em sẽ hết bơ vơ!...”
Hoặc:
“...Gặp nhau trong cảnh đoạn trường
Tuy trong gang tấc xa đường quan san”...
Bây giờ trở lại chuyện ở Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng là một người rất tốt bụng, có lần Đô Thành bị địch pháo kích; ban đêm nghe tiếng đạn nổ vang rền, nhiều khu vực đông dân bị pháo trúng, gây ra những đám cháy sáng rực cả một vùng trời. Lúc ấy vào khoảng nửa đêm, ông lái xe vào doanh trại tiểu đoàn, thấy tôi đang cùng binh sĩ ở các hố chiến đấu ứng chiến, phòng địch lợi dụng pháo kích mà xâm nhập (nếu ông chạy vô trong thì sẽ thấy bạn Trần Hữu Bảo và anh Thành “Râu” Khóa 19 ĐL, cũng không thân nhân ở Sàigòn như tôi). Thành là sĩ quan An Ninh Tiểu Đoàn rất được Thiếu Tá Huệ thương. Phần đông các sĩ quan khác đều có nhà ở đây, nên mỗi đêm họ về chung vui với gia đình, chỉ có 3 đứa tôi là lúc nào cũng nằm chèo queo trong hậu cứ.
Có lẽ nhờ vậy mà ông thương nên sau đó vài tháng ông cho tôi và Bảo đi học lớp Điều không Tiền tuyến ở Dục Mỹ, Nha Trang. Rồi vài tháng sau lại đề cử cho tôi đi học lớp Tác Chiến Trong Rừng tại Mã Lai.
Trương Dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét