Dạo:
Từ ngày đất nước chia hai,
Vẫn hoài vang tiếng sáo ai bên hồ.
<!>
Cóc cuối tuần:
Tiếng Sáo Bên Hồ Léman
(Để tưởng nhớ Trưởng Dã Mã Võ Thành Minh,
người nhịn đói nằm thổi sáo bên hồ Léman
để than khóc cho quê hương và phản đối Hiệp Định
chia đôi đất nước đang được ký kết tại Genève
vào tháng 7 năm 1954)
Chiều xõa nắng, hồ Léman quạnh quẽ,
Khách lữ hành lặng lẽ đứng nhìn quanh,
Ánh mắt trườn trên mặt nước lạnh tanh,
Hồn nương cảnh lướt nhanh vào dĩ vãng.
Dù cách nhiều năm tháng,
Vẫn còn thoang thoảng bên tai
Tiếng sáo thật bi ai
Của ngày chia hai đất nước.
x
x x
Gần bảy mươi năm trước,
Một hiệp ước tai ương,
Do bàn tay của các đại cường,
Tròng lên cổ một quê hương bé nhỏ.
Nỗi bất hạnh bắt đầu từ dạo đó,
Cộng không hề từ bỏ mộng xâm lăng.
Được Nga Tàu trang bị đến tận răng,
Chúng tàn độc đem giang san nhuộm đỏ.
Genève hỡi, không biết Người có rõ,
Dân Nam dù máu đổ đã bao năm,
Nhưng cuối cùng phải nuốt trộng hờn căm,
Gánh khổ nạn âm thầm trong địa ngục.
Ác hại thay ngọn bút,
Giây phút biến thành dao,
Bổ xuống tự trời cao,
Khơi bao dòng máu lệ.
x
x x
Nay tình cờ có kẻ,
Từ chân trời tạm ghé nơi đây,
Chạnh nhớ về ngày tháng cũ đắng cay,
Thêm thấm thía kiếp lưu đày buồn thảm.
Genève hỡi, sao lạnh lùng bình thản,
Có nhớ gì đến kiếp nạn ngày qua,
Có còn nghe tiếng sáo thật xót xa,
Khóc thương một quê nhà giờ đã mất.
Trời sụp tối, tiếng sáo càng u uất,
Từng nhịp sầu như cắt ruột xé gan,
Gió thương người về góp tiếng thở than,
Chim mất tổ hoang mang nhìn sóng vỗ.
Đèn hiu hắt nhuộm ố vàng con phố,
Dấu lệ sầu lỗ chỗ lối sương đêm,
Tiếng sáo buồn vẫn day dứt triền miên,
Như muốn tỏ hết nỗi niềm thê thiết.
Khách bần thần chợt biết,
Bao lâu còn tiếng rên siết thê lương
Của những người bị ép mất quê hương,
Tiếng sáo đó vẫn đêm trường vang vọng.
Trần Văn Lương
Genève, 6/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét