Quân đội Ukraina giải phóng ngôi làng thứ 9, vượt sông Dniepr Quân đội Ukraina tiếp tục cuộc phản công. Hôm qua, 26/06/2023, bộ Quốc Phòng Ukraina thông báo giải phóng được ngôi làng thứ 9 tính từ đầu cuộc phản công. Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến thăm hai địa điểm ở tiền tuyến miền đông Ukraina. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) cùng với một quân nhân Ukraina ở vùng Donetsk, Ukraina ngày 26/06/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER Trọng Thành
Một bước tiến của cuộc phản công được nhiều nhà quan sát chú ý là quân đội Ukraina đã vượt sông Dniepr ở tỉnh miền nam Kherson, và dường như đã lập được một ‘‘đầu cầu’’ phía tả ngạn sông, đối diện với thủ phủ Kherson, vị trí chiến lược cho phép kiểm soát trục đường chính hướng về bán đảo Crimée. Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev :
‘‘Các lực lượng Ukraina vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Đây trước hết là điều toát ra từ các phát biểu của tổng thống Zelensky, đã đến vùng Donbass hôm thứ Hai, 26/06. Nguyên thủ Ukraina trao tặng huân chương cho binh sĩ. Thậm chí ông còn tham gia chụp hình selfie, thanh thản uống cà phê với các nhân viên phục vụ tại một cây xăng.
Bất chấp tính chất nghiêm trọng của tình hình, tổng thống Ukraina cho rằng đây là một ngày hạnh phúc, bởi quân đội Ukraina đã giành thêm đất. Trên thực tế, bộ Quốc Phòng đã chính thức thông báo chiếm lại được làng Rivnopil tại vùng Donbass. Đây là địa phương thứ 9 được chính thức giải phóng khỏi các lực lượng chiếm đóng Nga.
Nhưng điều đặc biệt quan trọng là quân đội Ukraina dường như đã thiết lập được một đầu cầu ở phía nam Kherson, bên tả ngạn sông Dniepr, tại Olechky. Đây là một khu vực đầm lầy, rộng vài cây số, khá khó kiểm soát. Nhưng người Ukraina đã thực sự vượt được sông ở địa điểm mà quân Nga không ngờ tới, sau khi phá hủy đập Nova Kakhovka.
Nếu quân đội Kiev cố gắng duy trì và củng cố được đầu cầu này, đối diện với thành phố Kherson, họ sẽ kiểm soát được đoạn đầu của xa lộ dẫn thẳng đến bán đảo Crimée. Tất cả điều này tất nhiên sẽ diễn ra rất chậm chạp, khó khăn, tổn thất nhiều về sinh mạng. Nhưng đối với người Ukraina, điều này quan trọng hơn nhiều so với trò múa rối đang diễn ra ở điện Kremlin’’.
‘‘Davos mùa hè’’: Bắc Kinh phản bác chính sách ‘‘giảm phụ thuộc’’ vào Trung Quốc
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, thường được gọi là ‘‘Davos mùa hè’’, diễn ra từ hôm nay 27/06 đến 29/06/2023. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Thế giới mùa hè được tổ chức kể từ 4 năm nay.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 27/06/2023. AP - Andy WongTrọng Thành
Tại Diễn đàn ‘‘Davos mùa hè’’, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã chỉ trích chủ trương của phương Tây ‘‘giảm phụ thuộc’’ vào kinh tế Trung Quốc, khi coi đây là một hướng đi ‘‘sai lầm’’. Phát biểu của lãnh đạo chính phủ Trung Quốc được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang nỗ lực tái tổ chức các chuỗi sản xuất và cung ứng, để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng chiến lược với lý do an ninh quốc gia.
Thông tín viên Yena Lee từ Thiên Tân cho biết thêm:
‘‘Nhiều doanh nhân Pháp, Ả Rập Xê Út, Nam Phi và cả Mỹ gặp nhau tại thành phố cảng Thiên Tân trong tuần này. Diễn đàn Mùa hè Davos thu hút người tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Những người tham dự Diễn đàn hy vọng tiếp cận được với các tác nhân kinh tế và chính trị của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Đối với Trung Quốc, đây là cơ hội để thu hút giới đầu tư. Hơn bao giờ hết, năm nay, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng cho thấy tất cả đều ổn thỏa, kể từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid.Trong bài phát biểu khai mạc, thủ tướng Lý Cường cho biết kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh.
Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ trương ‘‘giảm bớt phụ thuộc’’ vào Trung Quốc và “giảm thiểu rủi ro” (de-risking) là những quan điểm sai lầm, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc kiên quyết ủng hộ ‘‘nền kinh tế thị trường và thương mại tự do’’.
Nhận xét được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc công bố báo cáo mới, trong đó một số lượng kỷ lục công ty ghi nhận những khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong năm nay, đặc biệt là do tình hình kinh tế và môi trường địa-chính trị’’.
Đức sẵn sàng triển khai 4.000 quân tại Litva để bảo vệ sườn đông của NATO
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius đã đưa ra một thông báo bất ngờ tại Vilnius, thủ đô Litva, hôm qua 26/06/2023. Đức sẵn sàng bố trí 4.000 quân thường trực trên lãnh thổ quốc gia thành viên NATO này, để củng cố biên giới phía đông của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu trong chuyến thăm trại huấn luyện quân sự ở Pabrade, Litva ngày 26/06/2023. AP - Mindaugas Kulbis Trọng Thành
Quyết định của Berlin cho phép cải thiện hình ảnh của nước Đức, vốn bị nhiều quốc gia Đông Âu phê phán là đầu tư không đủ mức cho nỗ lực phòng thủ chung của châu Âu chống lại các đe dọa từ Nga.
Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :
‘‘Những diễn biến mới nhất ở Nga đã đẩy nhanh mọi thứ. Rõ ràng trên máy bay đến Vilnius, bộ trưởng Quốc Phòng Đức đã quyết định không dừng ở những tuyên bố chung chung. Bộ trưởng Quốc Phòng Boris Pistorius đã khiến người Đức và các chủ nhà Litva ngạc nhiên, bởi chính quyền Litva đã kêu gọi một biện pháp như vậy từ nhiều tháng.
Chính quyền Đức hứa sẽ triển khai thường trực khoảng 4.000 binh sĩ, hoặc một lữ đoàn ở quốc gia vùng Baltic. Hồi mùa hè năm ngoái, thủ tướng Olaf Scholz đã nêu một khả năng như vậy, nhưng từ đó Berlin chủ trương các lực lượng này có thể ở lại Đức, và chỉ được triển khai ở Litva trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ trưởng Quốc Phòng Boris Pistorius cảm thấy việc chuyển quân này chỉ có thể diễn ra khi có cơ sở hạ tầng phù hợp. Cụ thể là nơi ở cho binh sĩ cùng gia đình và khu vực huấn luyện. Chính quyền Vilnius muốn mọi việc diễn ra nhanh chóng, để có thể tiếp nhận các lực lượng này vào năm 2026.
Quân đội Đức đã có mặt tại Litva từ năm 2017 với tư cách là một phần của lực lượng NATO. Với quyết định bất ngờ này, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius đã thực hiện một bước đi quan trọng, trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius trong vài ngày nữa. Thông báo nói trên giúp cải thiện hình ảnh của nước Đức, vốn bị các nước Đông Âu chỉ trích là không đủ nỗ lực, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraina’’.
Vẫn tại khu vực Baltic, hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga thông báo bắt đầu một số cuộc tập trận không quân chiến thuật. Trước đó, hôm qua, 26/06/2023, theo bộ Quốc Phòng Nga, hai chiến đấu cơ Anh Typhoon đã áp sát không phận Nga tại Biển Đen, buộc phía Nga điều phi cơ lên ‘‘ngăn chặn’’.
Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây muốn người Nga « chém giết nhau »
Hôm qua, 26/06/2023, tổng thống Nga có bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhóm binh sĩ Wagner rút lui. Ông cáo buộc Ukraina và các nước đồng minh phương Tây muốn người Nga « chém giết nhau » trong cuộc nổi loạn cuối tuần qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Matxcơva, Nga ngày 24/06/2023. AP - Gavriil Grigorov Minh Anh
Trong bài diễn văn truyền hình ngắn, tổng thống Vladimir Putin khẳng định là đã « trực tiếp » đưa ra những biện pháp ngay từ đầu xẩy ra biến cố, nhằm tránh « một cuộc đổ máu huynh đệ tương tàn » quy mô lớn. Theo ông, đây chính là điều mà « kẻ thù của Nga » - những kẻ tân phát xít ở Kiev và các nước bảo trợ phương Tây – rất muốn nhìn thấy, muốn « người Nga chém giết nhau ».
Nguyên thủ Nga ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình liên đới của người dân và cảm ơn các quan chức an ninh đã hoàn thành công việc trong một cuộc họp với giới chức an ninh, có sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu.
Ông Putin đưa ra ba lối thoát cho các chiến binh Wagner: Hoặc ký hợp đồng, gia nhập quân đội Nga, hoặc sang Belarus hoặc trở về nhà.
Trả lời đài RFI, chuyên gia Cyrill Bret, Viện Jacques Delors, nhận định, đề xuất này của tổng thống Putin muốn cơ cấu lại, đặt dấu chấm hết cho cách thức tổ chức, lãnh đạo nhóm vũ trang Wagner như hiện nay. Ông phân tích :
« Đây là hồi kết của Wagner theo cách tổ chức lính đánh thuê được thành lập hồi năm 2014. Bài phát biểu của tổng thống Nga đã đánh dấu rõ số mệnh các chiến binh của Wagner : Bất kể quân phục họ mặc là gì, bất kể họ được triển khai ở mặt trận nào, hay họ được mang tên là gì đi nữa, số nhân sự này phải được hội nhập vào lực lượng vũ trang đặt dưới sự chỉ huy chính quy, như thông lệ, của quân đội Nga.
Họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ lợi ích của Nga tại châu Phi hay ở những nơi khác. Vladimir Putin hiểu rằng tôn ti trật tự trong bộ máy quân sự hùng mạnh đã không thể duy trì được nữa và trở thành một mối họa.
Điều này đã được triết gia Machiavel hiểu rõ khi ông nhắc lại rằng số mệnh tất yếu của các nhóm lính đánh thuê là cuối cùng, chúng sẽ chống lại kẻ chỉ huy. Tôi nghĩ rằng Vladimir Putin giờ đã rút ra các bài học. Ông ấy cho sáp nhập tất cả các lực lượng vũ trang vào cùng một hệ thống chỉ huy dưới sự chỉ đạo và quyền lực của ông. »
Lãnh đạo Wagner biện minh cho cuộc nổi loạn
Trang mạng Flightradar 24 theo dõi không lưu cho biết lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner Evgueni Prigojine, hôm nay, 27/06/2023, đã đáp máy bay sang Belarus tị nạn, theo như một thỏa thuận đạt được hôm thứ Bảy 24/6, với tổng thống Nga nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn
Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Yevgueny Prigojine phát biểu trong đoạn video ở Rostov trên sông Đông, Nga ngày 24/06/2023. AP
Minh Anh
Tuy nhiên, trong một tin nhắn âm thanh dài 11 phút đăng trên mạng Telegram tối thứ Hai 26/6, mà thời điểm ghi âm không thể xác định, lãnh đạo Wagner một lần nữa khẳng định cuộc nổi loạn của ông không nhằm lật đổ chế độ.
Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri tường thuật :
« Ông ấy luôn nói rằng không muốn làm chính trị nhưng Evgueni Prigojine giải thích là ông đã nhận được hơn 1000 thắc mắc về điều gọi là xin trích, "những biến cố". Một lần nữa, ông giải thích là bộ Quốc Phòng muốn phá vỡ Wagner và ngăn chặn cuộc hành quân của các chiến binh Wagner tiến về thủ đô. Ông ta rút ra những kinh nghiệm dưới dạng các bài học cho quân đội.
Evgueni Prigojine nói : "Cuộc hành quân vì công lý đã cho thấy được nhiều điều mà chúng tôi đã nhiều lần nói đến như những vấn đề an ninh nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ. Chúng tôi đã có thể chặn tất cả các đơn vị quân đội và sân bay nằm dọc theo con đường của chúng tôi và trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã đi được một quãng đường mà quân đội Nga đã thực hiện ngày 24/02/2022. Nếu như hôm đó, chiến dịch này được thực hiện bởi một đơn vị như Wagner với một mức độ huấn luyện, tinh thần chiến đấu và quyết tâm cao, thì chiến dịch đặc biệt này có lẽ chỉ sẽ kéo dài trong một ngày. Đương nhiên là còn có những vấn đề khác, nhưng chúng tôi muốn chỉ cho thấy cấp độ tổ chức mà quân đội Nga lẽ ra phải có."
Như một sự trêu tức sau cùng : Evgueni Prigojine nói rằng đoàn quân của ông đã được người dân vẫy hoa và cờ đón tiếp tại mỗi nơi họ đi qua. »
Thái Lan: Lãnh đạo Move Forward tin đủ số thượng nghị sĩ ủng hộ để đắc cử thủ tướng
Quốc Hội mới của Thái Lan sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào thứ Hai tuần tới02/07/2023. Theo AFP, chính trị gia Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward hôm nay, 27/06, cho biết đã nhận được đủ ủng hộ từ Thượng Viện, để được bầu làm thủ tướng.
Ông Pita Limjaroenrat (T) vẫy chào trong một cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan ngày 22/05/2023. AP - Sakchai Lalit
Trọng Thành
Để trở thành thủ tướng Thái Lan, ông Pita Limjaroenrat phải giành được đa số ở lưỡng viện Quốc Hội, bao gồm Thượng viện với 250 thành viên, do quân đội bổ nhiệm. Liên minh tám đảng của Pita Limjaroenrat ở Hạ Viện mới chỉ có 312 ghế. Lãnh đạo đảng Move Forward cần có thêm 64 thượng nghị sĩ ủng hộ để đắc cử.
Trả lời báo giới hôm nay tại Quốc Hội Thái Lan, ông Pita tự tin khẳng định: ‘‘Sẽ có đủ ủng hộ để tôi trở thành thủ tướng’’. Theo AFP, quyết tâm sửa đổi đạo luật phỉ báng hoàng gia khắc nghiệt của đảng Move Forward là lý do chủ yếu khiến phe bảo hoàng và quân đội lo sợ, và có thể cản đường ứng cử viên thủ tướng Pita. Một số thượng nghị sĩ đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông.
Theo trang mạng Thai PBS World, lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat hôm nay khẳng định đảng này sẽ thúc đẩy sửa đổi luật khi quân cho phù hợp với “bối cảnh đang thay đổi của xã hội Thái Lan”, và lập trường của đảng ông về chủ đề vốn được coi là húy kỵ này sẽ không gây trở ngại cho việc lập chính phủ. Phiên khai mạc của Quốc Hội mới của Thái Lan sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của quốc vương. Việc bỏ phiếu bầu thủ tướng dự kiến diễn ra vào giữa tháng Bảy tới.
Trung Quốc đề nghị Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quân sự, tránh làm “phức tạp” tình hình Biển Đông
Nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (25-28/06/2023), Trung Quốc đã đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về mặt quân sự.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) và động nhiệm Trung Quốc Lý Cường duyệt đội danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/06/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang, thành viên phái đoàn thủ tướng Việt Nam, đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc, ngày hôm nay 27/06/2023, tại Bắc Kinh. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tăng cường liên lạc ở cấp cao và hợp tác giữa quân đội hai nước.
Đối với ông Lý Thượng Phúc, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang hỗn loạn và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, “Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác và đoàn kết chặt chẽ với nhau trong một hành trình mới của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lợi ích chiến lược chung của hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Bộ trưởng Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa quân đội hai nước đã phát triển tốt đẹp, và phía Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới.
Theo Reuters, cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vừa ghé cảng Đà Nẵng của Việt Nam ngày 25/06 trong một chuyến thăm thứ ba của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ kể từ khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc.
Chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông, một vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ ít lâu sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc liên tục đưa tàu xâm nhập vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội sớm đúc kết COC
Tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc về Biển Đông dĩ nhiên cũng được hai bên đề cập đến nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam.
Theo Reuters, hôm qua, 26/06/2023, nhân cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính tại Bắc Kinh, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để quản lý các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông.
Theo báo chí chính thức Trung Quốc, trong phần liên quan đến Biển Đông, ông Lý Cường còn nói thêm: “và tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp hoặc nghiêm trọng thêm”.
Về phía Việt Nam, báo chí trong nước ghi nhận là thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông” đồng thời cho rằng hai bên cần: Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy Tắc ứng Xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét