Có người Sài Gòn nào chưa từng bước chưn xuống Chợ Lớn? Có người Miền Nam nào chưa từng xách đít xuống Chợ Lớn? Tui là người Việt, chí ít là mang họ Nguyễn.Còn đời tám hoánh nào có lai Tàu thì đâu có biết vì dòng họ không có gia phả. Nhưng thú thiệt, mỗi lần đi xuống Chợ Lớn có cảm giác như về cội nguồn của mình vậy! Tết trung thu không xuống Chợ Lớn buồn chết luôn à! Lồng đèn đỏ nhiều lung linh lóng lánh. Tết Nguyên Đán phải xuống Chợ Lớn coi giấy xanh giấy vàng, nhạc chập chèng tưng bừng hoa lá.
<!>
Rằm tháng Giêng không xuống Chợ Lớn đi chùa, đi coi hát Tiều hát Quảng thì thiếu mất cái dư vị của Nguyên Tiêu.
Mùng 5 tháng 5 phải xuống Chợ Lớn mua bánh ú lá tre, nhìn bánh ú mặn (bánh bá trạng), bánh tổ vàng ươm in hình đỏ đỏ.
Ta nói đi xuống Chợ Lớn chỉ hửi mùi đồ ăn thôi cũng vui rồi!
Chợ Lớn lúc nào cũng ồn ào, đông nghẹt người là người.
Chợ Lớn lúc nào cũng có mùi hết, đi ngang Triệu Quang Phục thì mùi thuốc bắc. Đi ngang mấy cái hội quán thì mùi khói nhang, đi ngang đèn năm ngọn thì mùi vải vóc.
Chợ Lớn bây giờ chỉ còn đường Lão Tử ở trước cái Ôn Lăng, ông Trang Tử ở trước bến xe Chợ Lớn, còn ông Khổng mất đường rồi.
Chợ Lớn lúc nào cũng bán đồ ăn ê hề, nhưng không phải chổ nào cũng ngon, giá thì mắc xanh mặt.
Chợ Lớn có đặc sản gì phải nhớ? Là những người Việt gốc Hoa và cái giọng lơ lớ ngộ ngộ "Chời lất cưi, ngộ mệt chết pà hà, ấy dà...!"
“Hổu nẹy cô thầu!”
Con cháu Chợ Lớn, con cháu của những A Phò, A Củ, A Muối, A Dí với trai nhìn giống như Lưu Đức Hòa, Châu Nhuận Phát. Còn gái thì giống Chung Lệ Đề, Châu Hải Mỵ, Mai Diễm Phương.
Vô Chợ Lớn mà không ăn mì Tàu là bỏ sót, nó là đam mê cái thói quen ăn uống sành điệu của người Miền Nam chúng ta.
Tiệm mì Tàu với sợi mì dẻo, thơm, tươi rói trứ danh, với công thức làm sợi mì bí truyền cùng với nồi nước lèo ngọt ngay nhức nách cũng bí mật.
Người ta thích ngồi húp mì ở những cái kệ kéo dài ra trước xe mì, thích cái nồi nước lèo luôn sôi sùng sục cùng tiếng lửa khò khè, tiếng lách cách lụp bụp của cái vợt tổ chảng trụng mì của ông chủ.
Mì Tàu có ông chủ không mua mì vắt hay mì gói làm sẵn, người chủ xe mì phải tự làm, làm tại chổ, hoặc làm ở nhà và giữ thành từng vắt một và để ngay ngắn thành xấp trong một cái ngăn kéo, toàn mì tươi.
Người Tàu làm kỹ lắm, trụng mì cũng hai ba công đoạn, trụng nước sôi xong lắc, lắc xong trụng nước sôi lại,rồi lại trụng nước lạnh, rồi lại lắc, đập đập cái vá cùm cụp.
Thương lắm Chợ Lớn!
Theo Nguyễn Gia Việt.
Thân mến
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét