Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Kính mời quý đồng hương Tỵ Nạn CS Bắc Cali, tiếp tay tham dự Biểu Tình chống tuyên vận CS.
THÔNG BÁO KHẨN
Trân Trọng Kính Mời:
- Quý Đồng Hương Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Bắc California.
- Quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo
- Quý bậc Trưởng thượng, Thân hào, Nhân sĩ.
- Quý Hội đoàn, Đoàn thể.
- Quý Hội đoàn Cựu Quân Nhân QLVNCH và quý Chiến hữu.
- Quý Cơ Quan Truyền Thông, Báo chí.
- Quý anh chị em Sinh Viên, Học sinh thế hệ tiếp nối.
<!>
Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Bắc California trân trọng kính mời Quý Đồng Hương Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Bắc California, quý Thân hào, Nhân sĩ, quý Hội đoàn, Đoàn thể, quý Hội đoàn Cựu Quân Nhân QLVNCH và quý Chiến hữu QLVNCH, quý Cơ Quan Truyền Thông, Báo chí và quý anh chị em Sinh Viên, Học sinh thế hệ tiếp nối cùng tiếp tay tham dự 2 buổi biểu tình phản đối sự xuất hiện của phái đoàn quốc hội cộng sản VN và các đại biểu tuyên vận CS đến thành phố San Jose miền Bắc California và những thành phố lớn có đông người Việt chúng ta cư ngụ tại Hoa Kỳ để tuyên truyền cho đảng cộng sản VN.

Cuộc biểu tình sẽ được tổ chức tại 2 địa điểm:

*KHU THƯƠNG XÁ VIETNAM TOWN
909 Story Rd. San Jose – CA 95122 lúc 11:00 sáng ngày Chủ Nhật 7 tháng 5 năm 2023

*Và Quán CÀ PHÊ LOVER 1855 Aborn Rd. San Jose – CA 95121
lúc 1:30 chiều ngày Chủ Nhật 7 tháng 5 năm 2023

để phản đối và biểu dương sức mạnh của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS Bắc California. và lập trường cương quyết:

KHÔNG BAO GIỜ CHẤP NHẬN CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN.

Ban tổ chức trân trọng kính mời.
- Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng.
- Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Bắc CALI.
- Phong trào Vietnamese Americans For Freedom.
- Ban Tổ Chức Chào Quốc Kỳ Đầu Tháng.

◙ Điện thoại liên lạc:

- BS Phạm Đức Vượng. (408) 226 – 8844
- Ông Mai Khuyên (408) 515 – 6329
- ĐPQ/NQ Triệu Hà (408) 646 – 8752
- Ông Jimmy Phan (408) 210 – 5405


Thế Giới Đó Đây

Ngày Mai, Cả nước Anh và Hàng Triệu Triệu Người Trên Thế Giới Theo Dõi Lễ Tấn Phong Vua Charles III! (Đừng bỏ qua, nhiều người cả đời, mới nhìn thấy hình ảnh này)

*Những Nét Chính Về Lễ Đăng Quang của Vua Anh Charles Vào Ngày 6/5

Thực Tập Diễn Hành Cho Buổi Lễ



(Hình: Nước Anh chuẩn bị cho lễ đăng quang của Vua Charles.)

-Vua Charles sẽ đăng quang tại Tu viện Westminster trong một buổi lễ tráng lệ, lộng lẫy và cũng uy nghiêm về mặt tôn giáo vào thứ Bảy (6/5/2023), sau khi ông trở thành Quân vương của Vương quốc Anh và 14 nước khác sau khi thân mẫu là Nữ hoàng Elizabeth qua đời hồi vào tháng 9/2022.

Dưới đây là những nét chính về lễ đăng quang của ông.

LỊCH SỬ LỄ ĐĂNG QUANG

Trong suốt một ngàn năm qua, các nhà vua và nữ hoàng của nước Anh và Vương quốc Anh đã đăng quang tại Tu viện Westminster ở Luân Đôn trong một buổi lễ không thay đổi mấy trong nhiều thế kỷ.

Đã có 38 vị quân vương làm lễ nhận vương miện tại tu viện - Edward Đệ Ngũ, một trong hai Hoàng tử trẻ được cho là đã bị sát hại trong Tháp Luân Đôn hồi thế kỷ 15, và Edward Đệ Bát, người đã thoái vị để kết hôn với người phụ nữ Mỹ đã ly hôn tên là Wallis Simpson, đã không được phong vương.

VÌ SAO CÓ LỄ ĐĂNG QUANG?

Không nhất thiết phải có lễ đăng quang và không có chế độ Quân chủ nào khác trên thế giới thực hiện nghi lễ theo phong cách tương tự như Vương quốc Anh. Nhưng nhà sử học về hoàng gia Alice Hunt nói rằng nghi lễ này vẫn tồn tại với tư cách là một tiến trình về hợp pháp hóa vị quân vương trước công chúng.

Bà nói: “Nghi lễ này cũng luôn lưu giữ được điều cốt lõi, đó là thời khắc chuyển đổi mang tính tôn giáo. Mặc dù vị quân vương trở thành quân vương ngay từ thời điểm người tiền nhiệm qua đời, những gì toát lên trong lễ đăng quang - kể từ khi quy trình của buổi lễ được xác lập cụ thể vào Thế kỷ 14 - vẫn thể hiện rằng nhà vua hoặc nữ hoàng có sự biến đổi nhất định trong buổi lễ đó”.

THỜI GIAN

Lễ đăng quang sẽ bắt đầu lúc 10h00, giờ chuẩn quốc tế GMT, sau lễ rước từ Cung điện Buckingham. Năm nay, buổi lễ của Vua Charles sẽ ngắn hơn so với buổi lễ của thân mẫu cách đây 70 năm, là khoảng 2 tiếng so với gần 4 tiếng.

Một lễ rước với quy mô lớn hơn nhiều sẽ rời Tu viện, bao gồm các lực lượng vũ trang của Anh và các thành viên Khối thịnh vượng chung. Nhà vua và hoàng hậu sẽ đi trên chiếc xe ngựa vàng đã chính thức phục vụ từ hồi năm 1760.

DIỄN BIẾN TẠI LỄ ĐĂNG QUANG

Ông Charles sẽ tuyên thệ bảo vệ luật pháp và Giáo hội Anh.

Ngồi trên Ghế Đăng quang cổ, còn có tên là ghế của Thánh Edward và có gắn Đá Định mệnh, ông sẽ được Tổng Giám mục Canterbury xức dầu thánh. Vị Tổng Giám mục là nhà lãnh đạo tôn giáo của Giáo hội Anh trên toàn thế giới. Loại dầu được xức đã được thánh hiến tại Jerusalem.

Đây là tâm điểm của buổi lễ và báo hiệu rằng Thiên Chúa ban ân sủng cho nhà vua. Sẽ có rèm che để bảo đảm “không gian riêng tư tuyệt đối” trong thời điểm đó.

Ông Charles cũng sẽ được trao một số quả cầu vàng, vương trượng, kiếm và một chiếc nhẫn, chúng được trang trí công phu, tất cả đều thuộc bộ bảo vật của vương quyền và tượng trưng cho sức mạnh, thẩm quyền và nghĩa vụ của vị quân vương cũng như sức mạnh của Thiên Chúa.

Sau đó, Tổng Giám mục sẽ đặt Vương miện Thánh Edward khá nặng, đã được sử dụng trong các lễ đăng quang trong 350 năm qua, lên đầu ông Charles. Ông sẽ rời Tu viện với một chiếc vương miện khác, Vương miện Đế chế Anh.

Công chúng sẽ được mời đọc lời tuyên thệ trung thành với quân vương cũng như với những người thừa kế và kế vị ông.

Ông Charles sẽ mặc áo choàng nhung lụa màu đỏ thẫm và tím trong lễ đăng quang ngày 6/5, áo choàng này từng được ông nội của ông là Vua George Đệ Lục mặc trong lễ đăng quang hồi năm 1937.

CAMILLA

Người vợ thứ hai của ông Charles, bà Camilla, người mà ông kết hôn năm 2005, cũng sẽ được trao vương miện riêng trong buổi lễ, và giống như chồng, bà sẽ được Đức Tổng Giám mục Canterbury xức dầu thánh.

Bà sẽ được trao vương miện của Nữ hoàng Mary. Vương miện này được hoàng hậu của Vua George Đệ Ngũ duyệt và đội trong lễ đăng quang năm 1911. Vương miện này hiện đang được trang trí lại bằng những viên kim cương trong bộ sưu tập trang sức cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth để tri ân bà.

CÁC KHÁCH MỜI

Sẽ có 2.200 vị khách ở trong Tu viện Westminster, ít hơn nhiều so với 8.000 người đã dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953.

Trong số họ sẽ có hoàng gia Anh, bao gồm cả con trai út của ông Charles, Hoàng tử Harry - nhưng vợ của Hoàng tử là Meghan sẽ không có mặt, hai con của ông cũng vậy, buổi lễ diễn ra trùng với sinh nhật lần thứ tư của con trai ông Harry là Hoàng tử Archie.

Cũng sẽ có các hoàng gia, viên chức và nguyên thủ quốc gia ngoại quốc khác, trong đó, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đại diện cho Hoa Kỳ và Phó Chủ tịch Trung Quốc Han Zheng dự kiến sẽ thay mặt Bắc Kinh tham dự.

Cũng sẽ có những người bạn của ông Charles và bà Camilla, đại diện của các tổ chức từ thiện và những người nổi tiếng, bao gồm cả Lionel Richie.


Liên Hiệp Quốc Bế Tắc Về Tình Hình A Phú Hãn

-Cuộc họp 2 ngày về A Phú Hãn do Liên Hiệp Quốc chủ trì đã kết thúc ngày 2/5/2023 ở Doha, thủ đô của Qatar, nhưng không đạt kết quả cụ thể. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục ở lại A Phú Hãn để hỗ trợ cho vài triệu người dân bất hạnh.

Cuộc họp với sự tham gia của 25 nước và phe Taliban không được mời, đã thảo luận về cách tiếp cận đối với chế độ Taliban, lên cầm quyền ở A Phú Hãn từ ngày 15/08/2021. Chính quyền Taliban bị lên án vì vi phạm nhân quyền, ban hành các biện pháp hạn chế đối với phụ nữ và bé gái. Phụ nữ bị cấm làm việc, kể cả tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tại Islamabad cho biết thêm thông tin:

“Mối quan hệ của cộng đồng quốc tế với Taliban không ngừng xấu đi kể từ khi phe này lên nắm quyền. Cuộc họp một lần nữa cho thấy những căng thẳng đó bởi vì phe Taliban rất bực tức vì không được mời tham gia các cuộc họp.

Suhail Shaheen, phát ngôn viên của chế độ Taliban, đã lên án kỳ họp này là phân biệt và phản tác dụng vì thiếu đại diện của Taliban. Hiện tại, không một quốc gia nào công nhận chế độ Taliban và điều đó trở thành một điểm bất đồng khác giữa Nhà nước Hồi Giáo A Phú Hãn và các nước khác.

Việc quốc tế đình chỉ hỗ trợ kể từ khi Taliban lên nắm quyền, trong khi nguồn viện trợ này chiếm đến 80% ngân sách của Nhà nước A Phú Hãn, cũng là một chủ đề nhạy cảm khác. Tiếp theo, phải kể đến tất cả những đạo luật hạn chế và xóa bỏ các quyền tự do đối với phụ nữ và bé gái từng bước được thông qua và điều này cũng cho thấy Taliban không thực sự thay đổi.

Tại cuộc họp tại Doha, không một biện pháp nào được thông báo. Trong bài diễn văn, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về sự ổn định của A Phú Hãn. Ông cũng nêu số phận của người dân mà các quyền cơ bản bị chà đạp. Không một thông báo nào được đưa ra sau đó, kỳ họp tiếp theo có thể được tổ chức trong thời gian sắp tới. Liệu phe Taliban có được mời hay không? Câu hỏi được tất cả mọi người quan tâm”.


Lần Đầu Tiên Từ Khi Nổ Ra Chiến Tranh Syria Năm 2011, Một Tổng thống Iran Đến Thăm Damascus

-Hôm 3/5/2023, Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raissi đến Damascus.

Kể từ khi nổ ra chiến tranh ở Syria vào năm 2011, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Iran tới Syria diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang bình thường hóa quan hệ với nhau. Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của RFI tường trình:

“Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Iran tại Syria kể từ khi nổ ra nội chiến ở nước này vào năm 2011. Iran và Syria vẫn là những đồng minh chiến lược. Tehran đã hỗ trợ về mặt quân sự, chính trị và tài chánh cho chế độ Damascus. Iran hiện vẫn có các căn cứ quân sự ở Syria và đặc biệt đã khai triển các phi đạn tại nước này.

Tổ chức Hezbollah Lebanon và các tổ chức khác được Iran yểm trợ cũng có mặt tại Syria, một sự hiện diện vẫn bị Do Thái thường xuyên tố cáo. Do Thái cũng nhiều lần tiến hành các cuộc oanh kích vào Syria.

Chuyến thăm của Tổng thống Raissi là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Tehran cũng hy vọng sẽ được tham gia vào công cuộc tái thiết Syria.

Chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia Iran diễn ra trong bối cảnh đang có những thay đổi trong khu vực. Iran đã nối lại quan hệ với Ả Rập Saudi sau nhiều năm công khai đối đầu với nhau.

Các nước Ả Rập, nhất là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vốn yểm trợ các lực lượng chống chế độ của Tổng thống Assad, nay cũng đã bình thường hóa bang giao với Syria”.


Đức Nói Trục Xuất Các Nhà Ngoại Giao Nga Vì Đe Dọa Gián Điệp


(Hình: Cảnh quan tổng quát của Tòa Ðại sứ Nga sau khi Đức trục xuất hai nhà ngoại giao Nga ở Bá Linh, ngày 4/12/2019.)

-Đức trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào giữa tháng 4 để “giảm sự hiện diện của các cơ quan tình báo”, chính phủ Đức tuyên bố hôm 1/5/2023, giải thích cho một quyết định dẫn đến việc trục xuất trả đũa của Ðiện Cẩm Linh.

Bộ Ngoại giao nói “hoạt động của những người này không phù hợp với tình trạng ngoại giao của họ”, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã liên lạc với Nga trong những tuần gần đây về vấn đề này.

Bá Linh trước đó đã không biện minh cho sự ra đi của các nhà ngoại giao Nga, dẫn đến việc trục xuất khoảng 20 nhân viên Tòa Ðại sứ Đức tại Mạc Tư Khoa. Bộ Ngoại giao Đức xác nhận các nhân viên Tòa Ðại sứ đã rời Mạc Tư Khoa hôm 1/5.

“Không giống như các thành viên đại diện cho Nga ở Đức, các đồng nghiệp của chúng tôi luôn quan tâm đến việc hành xử phù hợp với địa vị ngoại giao của họ”, Bộ khẳng định.

Là đối tác kinh tế thân thiết với Nga trước cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, Đức đã rời xa Mạc Tư Khoa, hỗ trợ Kyiv trong cuộc xung đột cả về tài chánh và quân sự.

Theo các cơ quan an ninh Đức, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, hoạt động gián điệp của Nga ở Đức đã phát triển nhanh chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Vào mùa Xuân năm 2022, Đức đã trục xuất khoảng 40 nhà ngoại giao Nga, những người mà Bá Linh cho là mối đe dọa đối với an ninh của họ.

Tháng 10 năm 2022, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng của Đức, Arne Schoenbohm, đã bị sa thải sau khi các bản tin tiết lộ sự thân cận của ông với một công ty tư vấn an ninh mạng được cho là có liên hệ với các cơ quan tình báo Nga.

Một tháng sau, một sĩ quan trừ bị của Đức nhận án tù treo 1 năm 9 tháng vì tội làm gián điệp cho Nga.


Liên Hiệp Âu Châu Muốn Sản Xuất 1 Triệu Đạn Pháo Hàng Năm Để Củng Cố Kho Dự Trữ và Hỗ Trợ Ukraine

-Liên Hiệp Âu Châu (EU) đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm để củng cố kho vũ khí và cung cấp cho Ukraine. Ngày 3/5/2023, Ủy Ban Âu Châu đề xuất một cơ chế tài chánh trị giá 500 triệu Euro để nâng cao năng lực sản xuất.

Theo thông tấn xã AFP, đề xuất này là giai đoạn thứ ba của kế hoạch hành động được Liên Hiệp Âu Châu thông qua vào tháng 3/2023 nhằm cung cấp ít nhất một triệu đạn pháo 155 ly cho quân đội Ukraine và để củng cố kho đạn chiến lược của các nước Âu Châu, gần như cạn kiệt ở một số nước.

Số tiền 500 triệu Euro, trong đó 260 triệu được trích từ Quỹ Quốc Phòng Âu Châu, sẽ cho phép đầu tư chung vào các tập đoàn công nghiệp để tăng sản lượng của các nhà máy ở Liên Hiệp Âu Châu. Hiện có khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất ở 11 nước thành viên. Tuy nhiên, theo phát biểu ngày 2/5 của ủy viên Âu Châu phụ trách công nghiệp Thierry Breton, các nhà sản xuất này “hiện không có đủ quy mô để đáp ứng nhu cầu an ninh của Ukraine, cũng như của các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng họ có tiềm năng làm việc đó”.

Trước đó, một viên chức chính phủ thành viên Liên Hiệp Âu Châu nhận định với thông tấn xã AFP là “nhịp độ sản xuất hiện nay không cho phép hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine, vì tiêu thụ nhiều đạn dược hơn khả năng sản xuất của Liên Hiệp Âu Châu”. Cho nên, ông Thierry Breton khẳng định Liên Hiệp Âu Châu “có thể và phải củng cố cơ sở công nghiệp để thích ứng với nhu cầu của cuộc xung đột cường độ cao”. Ông cũng tỏ ra “tự tin là từ nay đến 12 tháng nữa”, Liên Hiệp Âu Châu “có thể tăng khả năng sản xuất, đạt 1 triệu đạn pháo mỗi năm ở Âu Châu”.

Theo số liệu mà thông tấn xã AFP có được, kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi hôm 9/2/2023, các nước Liên Hiệp Âu Châu đã chuyển cho Kyiv gần 40.000 đạn pháo và hơn 1 triệu phi đạn để vũ trang cho lực lượng phòng không và chống tăng của Ukraine.


NATO Mở Văn Phòng Tại Nhật Bản, Tăng Cường Sự Hiện Diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

-Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, Nhật Bản, vào năm tới, theo tin của trang mạng Nikkei Asia hôm 3/5/2023. Đây sẽ văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở Á Châu.

Văn phòng NATO tại Tokyo sẽ giúp liên minh quân sự tiến hành tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực như Nam Hàn, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên như một thách thức mới đối với NATO, bên cạnh đối thủ trọng tâm truyền thống của khối này là Nga.

Theo Nikkei Asia, NATO và Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp hợp tác, hướng tới ký kết Chương trình Đối tác phù hợp với từng nước (ITPP) trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Lithuania, vào ngày 11-12/07. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa trên mạng, phối hợp lập trường về các kỹ thuật mới nổi và mang tính đột phá, đồng thời trao đổi các tài liệu về việc chống thông tin sai lệch. Các kế hoạch nói trên đã được cả viên chức Nhật Bản và NATO xác nhận.

Dự định mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được thảo luận giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Tokyo của lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào cuối tháng 1 năm nay. Đến giữa tháng 4, NATO đã đưa ra một Dự thảo đề xuất cho 31 nước thành viên của khối này, dự kiến mở văn phòng liên lạc ở Tokyo vào năm 2024.

NATO hiện đã có các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên Hiệp Quốc ở New York, tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu ở Vienna, cũng như ở các nước Gruzia, Ukraine, Bosnia- Herzegovina, Moldova và Koweït. Theo Nikkei Asia, Nhật Bản cũng có kế hoạch thành lập một phái bộ độc lập tại NATO, tách phái bộ này khỏi Tòa Ðại sứ Nhật ở Bỉ.

Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius dự kiến sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan - giống như năm 2022 - thể hiện sự tham gia sâu hơn của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Mỹ Khẳng Định Đưa Tàu Ngầm Nguyên Tử Đến Nam Hàn Để Răn Đe Bắc Hàn

-Một tàu ngầm nguyên tử mang phi đạn-đạn đạo (SNLE) lớp Ohio sẽ được điều đến Nam Hàn, chiểu theo thỏa thuận giữa Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn vào tuần trước. Ngày 2/5/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, sự kiện trên nhằm tăng cường nỗ lực răn đe của Mỹ đối với những mối đe dọa từ Cộng sản Bắc Hàn.

Chuẩn tướng Pat Ryder, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, xác nhận chuyến thăm của “tàu ngầm SNLE lớp Ohio” nhưng từ chối trả lời câu hỏi liệu tàu ngầm có được trang bị vũ khí nguyên tử không. Ông cũng “không thông báo về thời điểm khai triển” tàu ngầm.

Ngoài chuyến thăm của một tàu ngầm nguyên tử, “Tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn” giữa hai nguyên thủ Yool Suk Yeol và Joe Biden còn kêu gọi khai triển “thường xuyên hơn” những phương tiện chiến lược Mỹ ở Nam Hàn và thành lập một Nhóm tư vấn nguyên tử mới (NCG). Nhóm này giúp Hán Thành có thể tham gia nhiều hơn vào cách chuẩn bị đối phó của Hoa Thịnh Ðốn đối với những tình huống khẩn cấp nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, Bình Nhưỡng đã lên án thỏa thuận giữa Mỹ và Nam Hàn, cho đó là “lời biện bạch hợp pháp” để khai triển thường xuyên hơn một tàu ngầm nguyên tử hoặc các phương tiện chiến lược khác chống Bắc Hàn.

Ngày 1/5, cơ quan thông tấn trung ương Bắc Hàn KCNA đăng bình luận của nhà phân tích các vấn đề an ninh quốc tế Choe Ju Hyon, chỉ trích “nghịch lý” của Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn khi biện minh rằng kế hoạch khai triển tàu ngầm nguyên tử chiến lược của Mỹ không vi phạm Thỏa thuận Liên Triều năm 1991 và không đặt ra vấn đề pháp lý.


Miến Điện: Chính Quyền Quân Sự Ân Xá Hơn 2 Ngàn Tù Chính Trị

-Theo thông tấn xã AFP, hôm 3/5/2023, chính quyền quân sự Miến Điện thông báo nhân ân xá cho 2.153 tù nhân đã bị kết án vì tội ly khai chống chính quyền quân sự.

Thông cáo của chính quyền cho biết, quân đội đã trả tự do “2153 tù nhân đang thụ án theo điều khoản 505 (a)”. Điều khoản luật này thường xuyên được chính quyền áp dụng từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2/2021 để xử phạt các nhà báo hay nhà hoạt động với lý do có những tuyên bố gây sợ hãi, hoang mang trong dân chúng. Mức án cho cáo buộc theo điều khoản này lên tới 3 năm tù giam.

Thông cáo cho biết thêm là lệnh ân xá lần này dựa trên cơ sở nhân đạo và những người được thả nếu tái phạm sẽ phải tiếp tục thi hành phần còn lại của án tù cộng thêm với hình phạt bổ sung.

Theo ghi nhận của thông tấn xã AFP, sau khi lệnh ân xá được công bố, sáng hôm nay nhiều người dân đã tập trung trước nhà tù Insein ở Rangoon. Một chiếc xe bus chở tù nhân đã ra khỏi nhà tù.

Từ sau cuộc đảo chính, hơn 21 ngàn người đã bị bắt giam vì chống chính quyền quân sự. Giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi (77 tuổi), đã bị kết án tổng cộng 33 năm tù với các cáo buộc ngụy tạo vì mục đích chính trị, theo đánh giá của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Chính quyền quân sự bị quốc tế thường xuyên tố cáo đã tiến hành trấn áp bằng vũ lực mọi tiếng nói ly khai. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc thẩm định có ít nhất 170 nhà báo đã bị kết án tù tại Miến Điện. Ngoài ra chính quyền quân sự đã đẩy đất nước vào một cuộc xung đột quân sự giữa quân đội và những nhóm chính trị đối kháng hay các sắc tộc nổi dậy, khiến hơn 3400 người chết, theo con số của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Thông báo thả tù chính trị lần này được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa lãnh đạo của chính quyền quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Rangoon Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đến Miến Điện kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

Trung Quốc là một đồng minh lớn và là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự. Bắc Kinh đã không lên án cuộc đảo chính cách đây hai năm. Mặc dù vậy theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc cũng hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho nhiều nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số chống lại quân đội chính phủ.


Hoa Kỳ: Hàng Ngàn Nhà Biên Kịch Tiếp Tục Đình Công

-Từ ngày 1/5/2023, tại Hollywood, hàng ngàn tác giả kịch bản cho các hãng sản xuất và phát hành phim lớn nhất thế giới đã đình công.

Nguyên do là vì ngành công nghiệp giải trí đang có xu hướng chuyển sang phát trực tuyến, một sự thay đổi có thể đe dọa đến công ăn việc làm và thu nhập của các nhà cung cấp kịch bản phim ở Hollywood. Công đoàn các nhà biên kịch đòi được tăng thù lao, với giá trị khoảng 600 triệu Mỹ kim.

Phóng sự của thông tín viên RFI tại Hollywood, Loic Pialat:

“Không có hợp đồng, không có kịch bản”, đó là một trong những khẩu hiệu được hô đi hô lại trong suốt cả buổi chiều trước tòa nhà đặt văn phòng của Netflix, người khổng lồ hiện thân cho sự phát triển mạnh mẽ của phim trực tuyến. Ngành công nghiệp giải trí này đang tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới.

Alexa, một trong số những người tham gia đình công cho biết: “Chi phí quyền tác giả trên nền tảng thấp và sự thiếu minh bạch của họ về lượng khán giả là những vấn đề. Chúng tôi có cảm giác họ thu lợi nhiều hơn với mô hình tương đối mới này”.

Hollywood không bao giờ là một nơi dễ dàng. Nhưng theo Daniele Sanchez Witzel, người đã thương lượng trực tiếp với hãng phim thì trong một ngành công nghiệp đang trên đường tự do hóa đang có quá nhiều tác giả đã buộc phải làm thêm công việc thứ hai. Bà cho biết:

“Toàn bộ những đòi hỏi của chúng tôi chỉ chiếm 2% lợi nhuận của các hãng phim. Tóm lại là họ cố gắng trả cho chúng tôi càng ít càng tốt và trong thời gian ngắn nhất có thể và thu được từ chúng tôi càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ rằng đây cũng là hoàn cảnh của những người lao động khác, những cuộc đấu tranh công đoàn khác”.

Một lo ngại khác mà các hãng phim không trả lời được trong các cuộc thảo luận. Đó là vai trò trong tương lai của trí tuệ nhân tạo. Parker Dave, nhà biên kịch cho Disney: “Cá nhân tôi thấy sợ. Nếu họ sử dụng máy điện toán thay cho một con người để viết các kịch bản thì việc làm sẽ bị mất và tôi nghĩ chất lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Tác động của cuộc đình công đã thấy ngay lập tức. Tối qua, khán giả truyền hình đã không được tiếp tục theo dõi bộ phim nhiều tập quen


Ðiện Cẩm Linh: Đức Ngày Càng Dính Líu Vào Cuộc Chiến Ukraine Với Việc Cung Cấp Vũ Khí


(Hình: Đức và các đồng minh cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine để tiến hành kháng chiến chống Nga xâm lược.)

-Hôm thứ Ba (2/5/2023), Ðiện Cẩm Linh nói rằng Đức ngày càng dính líu nhiều vào cuộc xung đột ở Ukraine và Bá Linh không có cách nào bảo đảm rằng vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine sẽ không được sử dụng để đánh vào lãnh thổ Nga.

Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng vũ khí do Đức cung cấp đã được sử dụng ở vùng Donbas mà Nga tuyên bố thuộc về họ, một bước đi bị Ukraine và phương Tây coi là bất hợp pháp.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm thứ Hai (1/5) rằng Đức đã nhấn mạnh, giống như các nước thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, rằng vũ khí mà nước này cung cấp cho Ukraine không được sử dụng để đánh vào lãnh thổ Nga.

Nhưng ông Peskov nói với các phóng viên: “Thứ nhất, Đức không có cách nào để kiểm soát. Thứ hai, vũ khí do Đức cung cấp cho chế độ Kyiv đã bắn vào lãnh thổ Nga rồi, bởi vì Donbas là một khu vực của Nga”.

Ông nói “sự dính líu trực tiếp và gián tiếp” của Đức vào cuộc xung đột đang gia tăng, đồng thời nói thêm: “Thủ tướng Đức nên lấy đó là điểm xuất phát của ông ấy”.

Hai khu vực ở miền Đông Ukraine được gọi chung là Donbas là tâm điểm giao tranh giữa Ukraine và các lực lượng của Nga hoặc được Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014.

Nga đã đơn phương sáp nhập hai nơi này vào năm 2022, cùng với hai khu vực khác của Ukraine, mặc dù không kiểm soát được toàn bộ.


Theo Hoa Kỳ, 20.000 Lính Nga Tử Trận Trong “Chiến Dịch Mùa Đông” Tại Ukraine

-Hôm 1/5/2023, chính quyền Mỹ ước tính khoảng 100.000 quân Nga thương vong, trong đó có 20.000 lính chết, trong “chiến dịch mùa Đông” ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, một phần chủ yếu là tại Bakhmut. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, “chiến dịch mùa Đông” Nga - với tâm điểm là mục tiêu chiếm Bakhmut “đã thất bại”.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby cho biết: “Tháng 12 năm 2022, Nga bắt đầu mở một loạt các đợt tấn công, trong đó có các mục tiêu như Vuhledar, Avdiivka, Bakhmut, và Kreminna. Đa số các cuộc tấn công đã dậm chân tại chỗ và thất bại. Quân Nga đã không thể chiếm được bất cứ vùng đất có ý nghĩa chiến lược nào”.

Theo ông John Kirby, Nga có chiếm thêm được một số địa bàn tại Bakhmut, nhưng “với cái giá khủng khiếp”. Trong số 20.000 lính bị tiêu diệt, có 10.000 quân của công ty lính đánh thuê tư nhân Wagner. Chiến trường chủ yếu của công ty này là Bakhmut.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đánh giá “Nga đã cạn kiệt kho dự trữ quân sự và lực lượng vũ trang”, và hầu hết các binh sĩ của công ty lính đánh thuê Wagner là “những người Nga bị kết án tù, bị ném vào chiến trường ở Bakhmut mà không được huấn luyện đầy đủ”.

Bất chấp trận chiến kéo dài từ 10 tháng nay, quân Nga vẫn không chiếm được thành phố Bakhmut. Lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, thường xuyên quy lỗi cho việc thiếu phương tiện. Hôm 1/5, trên Telegram, Yevgeny Prigozhinkhẳng định lực lượng này cần đến 300 tấn đạn pháo một ngày, nhưng chỉ nhận được một phần ba.


Dầu Lửa Nga Đi Vòng Qua Bảo Gia Lợi, Bán Lại Cho Ukraine Chiến Đấu

-Đặc phái viên báo Libération ở Burgas (Bảo Gia Lợi) nêu ra một nghịch lý: Tại nhà máy lọc dầu Lukoil, “dầu lửa Nga được cung ứng cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine”.

Cảng dầu lửa Rosents bên bờ Hắc Hải là nơi duy nhất tại Liên Hiệp Âu Châu (EU) được tiếp tục nhập dầu thô từ Nga: Bảo Gia Lợi được đặc miễn ít nhất đến cuối 2024. Lý do, theo một cựu lãnh đạo công ty Nga Lukoil, Bảo Gia Lợi lệ thuộc quá nhiều vào hãng này.

Lukoil kiểm soát cảng dầu duy nhất của đất nước và nhà máy lọc dầu lớn nhất, nắm được chuỗi cung ứng dầu thô từ Nga. Ngay cả ống dẫn dầu vào thủ đô Sofia cũng thuộc công ty này. Khu đất được nhượng lại ở cảng Rosents từ năm 2011 trở thành lãnh địa, một bức tường bê-tông cao hơn 3 mét phía trên rào dây thép gai được dựng lên, hàng rào gắn đầy camera. Những người tuần tra là thành viên một công ty an ninh tư nhân. Đại diện chính quyền không được vào nếu công ty Nga không cho phép. Số lượng dầu thô đưa đến Rosenets cũng không thể biết được chính xác. Nhà nước đã thiết trí các công cụ tại cảng và nhà máy để kiểm tra số lượng dầu thô đưa vào và sản phẩm lọc dầu xuất ra, nhưng năm 2013 mới biết các thiết bị không hoạt động, niêm phong bị phá.

Trong các điều kiện như vậy, làm thế nào EU có thể miễn cho Bảo Gia Lợi việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga? Libération cho biết vào thời điểm thương lượng hồi mùa Xuân 2022, chính phủ Bảo Gia Lợi lúc đó viện lẽ nhà máy lọc dầu Burgas chỉ có thể lọc được dầu lửa Nga. Nhưng nhà báo điều tra Assen Yordanov vốn là dân địa phương khẳng định điều này là dối trá, hồi mới xây dựng trong thập niên 60, nhà máy đã hoạt động với dầu lửa Trung Đông. Số dầu diesel được Lukoil bán sang Ukraine từ 2021 đến 2022 tăng gần 1.000 lần, thông qua những công ty trung gian. Kyiv cần nhiên liệu cho các xe vận tải, xe jeep và thiết giáp, chi trả bằng viện trợ của phương Tây. Theo Yordanov, đây là cả một nghịch lý, và chỉ có Putin được lợi nhờ kiếm tiền qua cuộc chiến do chính ông ta gây ra.


Trung Lập: Thách Thức của Thụy Sĩ Khi Giữ Chức Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An

-Kể từ ngày 1/5/2023, Thụy Sĩ làm Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Sự thay đổi này có thể mang lại không khí yên ắng trong Hội Đồng, sau 1 tháng đầy sóng gió mà Nga giữ chức Chủ tịch. Tuy nhiên quy chế trung lập của Thụy Sĩ đặt ra vấn đề, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Vì lập trường trung lập, mãi đến năm 2002, Thụy Sĩ mới gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 1/2023, lần đầu tiên Thụy Sĩ trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Từ ngày 1/5, Berne giữ chức Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới và đó là một thách thức đối với Thụy Sĩ. Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

Điều này giống như là việc đề nghị trùm mafia làm Chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế vậy!” Đó là nhận định của cựu Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Joseph Deiss khi nói về Nga. Thụy Sĩ có quy chế trung lập và vẫn có thể có những lời lẽ cứng rắn, nhất là khi nói đến chức Chủ tịch của Nga tại Hội Đồng Bảo An. Thay Nga nắm vị trí này, Thụy Sĩ, với quy chế trung lập truyền thống, tỏ ra không kém phần hăng hái. Đó có thể là một là chủ bài trong tình hình hiện tại. Ông Joseph Deiss cho rằng “trong các cuộc xung đột, Hội Đồng Bảo An đóng vai trò như một trọng tài, vậy ai có thể làm tốt hơn khi một nước trung lập làm trọng tài?

Cựu Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ khẳng định rằng tính trung lập không có nghĩa là lùi lại phía sau. Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine buộc Thụy Sĩ phải vượt lên trên một chút bản chất trung lập của mình. Ông nói: “Khi luật pháp quốc tế bị chà đạp, không được tôn trọng thì một nước trung lập không được có thái độ việc coi hành động vi phạm này không liên can gì đến mình”.

Thụy Sĩ chắc chắn sẽ phải chịu áp lực từ đồng minh phương Tây, những nước chỉ trích Berne không lên án mạnh mẽ Mạc Tư Khoa. Dẫu sao chức Chủ tịch Hội Đồng Bảo An mang tính biểu tượng và ít thực quyền hơn. Tuy nhiên, Thụy Sĩ hy vọng thành công giải tỏa bế tắc trong một số hồ sơ khi giữ vị trí này, đặc biệt là việc gia hạn hai hành lang hỗ trợ nhân đạo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.


Toàn Trị hay Dân Chủ? Cơ Hội Cuối Cùng Cho Cử Tri Thổ Nhĩ Kỳ

-Về cuộc bầu cử ngày 14 tháng Năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, báo Le Figaro cho rằng đây là “cơ hội cuối cùng”, đặt đất nước này trước một chọn lựa quyết định. Một trăm năm sau khi nước Cộng hòa được Mustafa Kemal Atatürk thành lập, cuộc bầu cử Tổng thống lần này mang tính lịch sử.

Không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý về ông Recep Tayyip Erdogan, mà còn là sự chọn lựa nền văn minh. Hoặc chuyển hẳn sang chế độ toàn trị theo kiểu nước Nga của Vladimir Putin, và một liên minh ngày càng chặt chẽ với các đế quốc Nga và Trung Quốc. Hoặc quay lại với chế độ dân chủ, tái lập Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản, độc lập Tư pháp, tự do báo chí, cởi mở với phương Tây. Có thể so sánh Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 với nước Đức năm 1933.

Ông Recep Tayyip Erdogan sẵn sàng làm tất cả để duy trì quyền lực. Ông ta thao túng các định chế, không ngần ngại tống giam đối lập hay buộc họ phải lưu vong, thanh trừng bộ máy nhà nước và quân đội. Erdogan khi chiến dịch tranh cử đã vung tiền từ ngân sách đang èo uột, tăng lương công chức 30% và lương tối thiểu 200%, cho phép trên 2 triệu người về hưu trước hạn. Ông đàn áp người Kurdistan và người Armenia để đánh lạc hướng những thất bại trong đối nội.

Tuy vậy, lần đầu tiên kể từ 2014, Recep Tayyip Erdogan có thể bị đánh bại. Chiến dịch của ông bị rối loạn vì tình trạng sức khỏe, trong bối cảnh tôn sùng cá nhân. Đặc biệt trước mặt ông là phe đối lập có tổ chức và quyết tâm, tập hợp xung quanh Kemal Kiliçdaroglu, một “Gandhi Thổ Nhĩ Kỳ” người thiểu số Alevi, là nhà kinh tế tên tuổi và nhân vật được tôn trọng, lãnh đạo đảng CHP. Kemal Kiliçdaroglu hiện đang dẫn đầu trong các thăm dò, nhưng còn phải vượt qua những trở ngại của một đạo luật bầu cử tháng 4/2022 “đo ni đóng giày” cho Erdogan, và những rủi ro gian lận. Đảng AKP của Erdogan có mạng lưới dày đặc trên toàn quốc, sẽ không bỏ lỡ cơ hội thao túng những lá phiếu của 3,5 triệu người di tản sau trận động đất.

Mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá của ông Erdogan đã dẫn đến khủng hoảng tiền tệ, tài chánh và xã hội. Lạm phát lên đến 150%, người nghèo tăng nhanh, 23% dân số hoạt động bị thất nghiệp, thu nhập đầu người từ 12.600 Mỹ kim xuống còn 7.500 Mỹ kim trong 10 năm qua. Đồng livre mất trên 70% giá trị so với năm trước, nợ ngoại quốc vượt 460 tỉ Mỹ kim. Thổ Nhĩ Kỳ tránh được vỡ nợ là nhờ Nga, Ả Rập Xê Út và Qatar cho vay khẩn cấp. Trận động đất ngày 6/2 làm trên 50.000 người thiệt mạng đã bộc lộ sự bất lực của Nhà nước do AKP nắm, tham nhũng và giáo quyền là nguyên nhân khiến các nạn nhân hầu như bị bỏ rơi.

Với 85 triệu dân, tiềm lực kinh tế và vị trí chiến lược, tương lai Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng cho Âu Châu, Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thế giới dân chủ, trong bối cảnh đối đầu với các chế độ độc tài. Theo Le Figaro, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cần tránh những sai lầm như với Mạc Tư Khoa bằng một chiến lược rõ ràng. Nếu Recep Tayyip Erdogan thắng, phải thẳng thừng ngăn chận ý đồ bành trướng, còn nếu Kemal Kiliçdaroglu đắc cử, ủng hộ mạnh mẽ việc quay lại với dân chủ và phát triển mối liên hệ với xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ.


Chính Phủ Pháp Hy Vọng Phong Trào Chống Cải Tổ Hưu Trí Sẽ Lắng Dịu

-Bao giờ cũng vậy: Các công đoàn đưa ra con số người tham gia biểu tình cao hơn nhiều so với thống kê của Bộ Nội vụ.

Cuộc biểu tình chống cải tổ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Lao động hôm 1/5/2023, cũng không ngoài thông lệ: Bộ Nội vụ chỉ thống kê khoảng 782.000 người xuống đường, trong khi công đoàn CGT khẳng định đã có đến 2,3 triệu người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Nhưng dù con số được phóng đại như vậy, rõ ràng là đã không diễn ra “cơn sóng thần” như mong đợi của các công đoàn trong Ngày Quốc tế Lao động được mô tả là mang tính “lịch sử”. Hôm 1/5 dường như là một trong những cơ hội cuối cùng để các công đoàn có thể huy động lực lượng nhằm gây áp lực buộc chính phủ rút lại luật cải tổ hưu trí, dù văn bản này được coi là hợp hiến và đã được ban hành.

Cho tới nay, mỗi khi vừa kết thúc biểu tình là các công đoàn thông báo ngay ngày hành động kế tiếp. Lần này, phải đợi đến hôm sau mới có thông báo về ngày hành động lần tới 6/6, tức là hai ngày trước khi Hạ viện Pháp thảo luận về Dự luật do nhóm Dân biểu độc lập (LIOT) đệ trình nhằm hủy bỏ luật cải tổ hưu trí. Thật ra thì cho dù có nhận được đa số phiếu ở Hạ viện, luật của nhóm Dân biểu LIOT sẽ khó mà được thông qua ở Thượng viện, bởi vì Thượng viện, mà cánh hữu đang nắm đa số, ủng hộ cải tổ hưu trí.

Chính phủ Pháp đang hy vọng là sau ngày 1/5, phong trào rồi sẽ lắng dịu, cho nên Thủ tướng Elisabeth Borne dự trù trong những ngày tới sẽ gởi lời mời lãnh đạo các công đoàn đến thảo luận về những dự án cải tổ khác. Chính lời mời này bắt đầu gây rạn nứt trong hàng ngũ công đoàn, bởi vì những công đoàn theo xu hướng cải cách như CFDT, CFE-CGC và CFCT cho biết sẽ nhận lời tham gia đối thoại với chính phủ. Trong khi đó, công đoàn CGT, có lập trường cứng rắn, thì vẫn không có thông báo riêng. Sau cuộc họp hôm nay, các công đoàn đã ra thông cáo chung để cho hiểu là họ sẽ tham gia thảo luận với chính phủ, và nhưng cho biết là trong các cuộc thảo luận đó, họ “sẽ nhắc lại lập trường chống cải tổ hưu trí”.

Như vậy, thách thức lớn nhất đối với các công đoàn đó là duy trì đoàn kết nhất trí để có một đối sách chung với chính phủ. Trên đài TMC hôm qua, lãnh đạo công đoàn CFDT, ông Laurent Berger, đã nói thẳng, “nếu Dự luật của nhóm Dân biểu LIOT không được thông qua vào ngày 08/06, chúng tôi sẽ không thể kêu gọi ngày hành động thứ 15, thứ 16, thứ 17 để buộc chính phủ và Tổng thống lùi bước”. Nói cách khác, có lẽ đối với ông Berger, không thể cứ biểu tình tháng này qua tháng kia, mà đã đến lúc phải sang trang mới, quay trở lại bàn thương lượng với chính phủ để cố đạt những kết quả khác theo hướng bảo vệ quyền lợi người lao động.

Về phần chính phủ, ngoài việc cố gắng nối lại đối thoại với các công đoàn, theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron, ngày 26/4, Thủ tướng Elisabeth Borne đã công bố một lộ trình cho “100 ngày”, đến Quốc khánh 14/07, với hy vọng là sau 100 ngày này, nước Pháp sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng cải tổ hưu trí và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron sẽ tiếp diễn mà không gặp trắc trở nào khác.

Từ đây đến ngày 14/7, mặc dù đi đâu cũng bị phản đối, bị những người biểu tình gõ xoong nồi ầm ĩ, ông Macron sẽ tiếp tục đi các nơi tiếp xúc với dân Pháp để giải thích về những dự án mới của ông. Nhưng chắc chắn là sau cải tổ hưu trí, Tổng thống Macron sẽ tránh đưa ra những Dự luật lớn khác gây xáo trộn quá nhiều, mà sẽ chia nhỏ các cải tổ đó để dân Pháp dễ “nuốt” hơn.


Thủ Tướng Nhật Bản Công Du Nam Hàn

-Thêm dấu hiệu cho thấy quan hệ Nhật-Hàn tiếp tục cải thiện. Thủ tướng Nhật Bản thông báo sẽ có chuyến công du Nam Hàn cuối tuần này. Bộ trưởng Tài chánh Nhật Bản và Nam Hàn cũng có buổi làm việc đầu tiên từ 7 năm nay.

Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap hôm 2/5 dẫn lại thông tin của truyền thông Nhật Bản, cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ viếng thăm Nam Hàn trong hai ngày 7 và 8/5/2023. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Nam Hàn từ năm 2018.

Đang công du Ghana, hôm 1/5, Thủ tướng Nhật Bản cho biết thêm “việc chuẩn bị cuộc thượng đỉnh Nhật-Hàn này đang được xúc tiến”.

Chuyến đi của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra tiếp sau cuộc họp thượng đỉnh Hàn-Nhật hồi tháng 3/2023, tổ chức tại Tokyo. Tổng thống Yoon Suk Yeol là nguyên thủ Nam Hàn đầu tiên có chuyến công du Nhật Bản, kể từ 12 năm nay. Theo Yonhap, lãnh đạo hai bên đã cam kết nối lại “chính sách ngoại giao con thoi”, tức tăng cường các chuyến viếng thăm song phương nhằm thúc đẩy quan hệ.

Bên lề hội nghị thường niên của Hội đồng các Thống đốc Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), tại Incheo (Nam Hàn), Bộ trưởng Tài chánh Nhật Bản và Nam Hàn đã gặp nhau hôm 2/5. Đây là cuộc gặp cấp Bộ trưởng Tài chánh đầu tiên giữa hai nước từ 7 năm qua. Hai bên thảo luận về hợp tác song phương là nhằm tăng cường đối phó với “các rủi ro địa chính trị và sự bất ổn của chuỗi cung ứng”, như phát biểu của Bộ trưởng Tài chánh Nam Hàn Choo Kyung Ho, được hãng tin Kyodo News dẫn lại.

Về hội nghị thường niên các Thống đốc ADB tại Incheon (Nam Hàn) trong 4 ngày, từ 2 đến 5/5, khoảng 5000 khách mời tham dự cuộc trực tiếp đầu tiên, kể từ đầu đại dịch Covid-19. Chủ đề của hội nghị là “Rebounding Asia: Recover, Reconnect, and Reform - Á Châu trỗi dậy: Phục hồi, Tái nối kết và Cải cách”.


Biden Bảo Đảm Với Marcos Jr. Sự Yểm Trợ “Không Gì Lay Chuyển” của Mỹ Với Phi Luật Tân

-Khi tiếp Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc hôm 1/5/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố bảo đảm sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Hoa Thịnh Ðốn với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, hôm 1/5, Tổng thống Marcos Jr. và phu nhân đã được đón tiếp long trọng hơn một chút so với phần lớn các vị nguyên thủ quốc gia mà Tổng thống Hoa Kỳ tiếp ở Tòa Bạch Ốc.

Trước khi hội đàm song phương, hai vị Tổng thống đã phát biểu vài câu trước báo chí. Ông Joe Biden nhấn mạnh đến “cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Phi Luật Tân, kể cả tại khu vực Biển Đông”, đồng thời ông hứa sẽ “hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Phi Luật Tân”. Hoa Kỳ đặc biệt dự trù chuyển các phi cơ quân sự đến Phi Luật Tân và giúp Manila tăng cường đội máy bay chiến đấu.

Về phần Tổng thống Marcos Jr., ông cho rằng Phi Luật Tân ở trong một khu vực mà nay trở nên “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký Hiệp ước phòng thủ chung với Phi Luật Tân, đó là Hoa Kỳ.

Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai Tổng thống Mỹ và Phi Luật Tân đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ mới nhất xảy ra hôm 23/4 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và của Phi Luật Tân suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Phi Luật Tân khoảng 200 cây số.

Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Ferdinand Marcos Jr. thi hành một chính sách ngoại giao theo hướng giữ quan hệ cân bằng giữa Phi Luật Tân với hai cường quốc Mỹ Trung. Trước khi đi thăm Hoa Kỳ, tháng 1 năm nay, ông đã đến Bắc Kinh với lời hứa Phi Luật Tân sẽ là “bạn với mọi người, không là kẻ thù của bất cứ ai”.

Nhưng Hoa Thịnh Ðốn hy vọng là với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Manila sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Quân đội của Hoa Kỳ và Phi Luật Tân vừa kết thúc đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Biển Đông. Manila cũng vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Phi Luật Tân, trong đó có những căn cứ nằm không xa Đài Loan.

Theo thông tấn xã AFP, hôm 1/5, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết Hoa Kỳ bảo đảm việc sử dụng các căn cứ nói trên “sẽ có sự phối hợp và hợp tác hoàn toàn với chính quyền Phi Luật Tân”

Không có nhận xét nào: