Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Kính Chuyển Ít Tin Sinh Hoạt Tháng Tư Đen, Tại Bắc Cali và Tin Việt Nam Hôm Nay, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


(Hình: Tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chiều 1 Tháng Năm, khiến kẹt xe kéo dài 15 km.)
Con số kỷ lục! Mừng 2 ngày nghỉ lễ (trong đó có ngày giải phóng miền Nam, 30 tháng 4), Việt Nam có hơn 1,500 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, có hơn 45,000 người nhập viện! 786 người chết! trong đó có 34 nạn nhân chết vì tai nạn giao thông. Trong hai ngày nghỉ lễ cuối Tháng Tư, Việt Nam có hơn 45,000 người nhập viện, 786 người chết, trong đó có 34 nạn nhân chết vì tai nạn giao thông.
<!>
Theo Cục Cảnh Sát Giao Thông, chỉ trong vòng 24 giờ từ 7 giờ sáng 30 Tháng Tư tới 7 giờ sáng 1 Tháng Năm, Việt Nam có hơn 1,500 người bệnh nhập viện vì tai nạn giao thông, 330 ca nặng phải chuyển viện, 19 người chết, 47 ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện.

Báo Pháp Luật TP.HCM cho hay chỉ riêng trong ngày 1 Tháng Năm, cả nước đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông làm chết 10 người, 19 người bị thương.

Như vậy, sau hai ngày nghỉ lễ có 3,190 người bệnh nhập viện do tai nạn giao thông, trong đó số người chết tại các bệnh viện, trên đường cấp cứu, tiên lượng xấu xin về là 34 người.

Về xử lý vi phạm tai nạn an toàn giao thông, ở đường bộ, cảnh sát giao thông các nơi đã kiểm tra, phát hiện xử lý 9,778 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng ($894,949), tạm giữ 186 xe hơi, 4,418 xe gắn máy, 28 phương tiện khác; tước 2,157 bằng lái xe các loại.

Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn 3,576 trường hợp, vi phạm về tốc độ 2,175 trường hợp, vi phạm ma túy tám trường hợp, chở quá số người quy định 144 trường hợp…


(Hình: Nhân viên y tế làm việc tại Khoa Cấp Cứu bệnh viện Hồi Sức COVID-19 thành phố Thủ Đức, Sài Gòn.)

Liên quan đến việc khám chữa bệnh trong hai ngày nghỉ lễ, chiều 1 Tháng Năm, theo báo cáo nhanh của Cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh thuộc Bộ Y Tế, qua thống kê có 110,443 người bệnh đến khám, cấp cứu. Trong đó, số người bệnh bị chết là 786 người.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, tổng hợp sau hai ngày nghỉ lễ có 2,026 người nhiễm bệnh. Trong đó, có 1,168 người nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, có bảy người chết do COVID-19.


‘Thua Là Đúng Rồi!’ – Câu Chuyện Một Tiến Sĩ Gốc Việt Nỗ Lực Thay Đổi Cái Nhìn ‘Thiên Lệch’ Về Việt Nam Cộng Hòa
(Khánh An)


(Hình: Giáo sư-Tiến sĩ Alex Thái Đình Võ trả lời phỏng vấn VOA.)

-Cuộc chiến Việt Nam đã đi qua gần 50 năm, nhưng những tác động của nó vẫn từng ngày ảnh hưởng lên cuộc sống của bao người Việt Nam, kể cả những thế hệ sinh sau đẻ muộn, trưởng thành ở một đất nước xa xôi bên nửa kia địa cầu của dải đất hình chữ S.

Câu chuyện của một đứa trẻ Việt lớn lên ở Mỹ, từ nhỏ đã bị chế nhạo ở trường rằng “Miền Nam của mày thua là đúng rồi”, nay trở một học giả, Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, có thể sẽ đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về những gì đã và đang diễn ra sau cái ngày được gọi là “thống nhất đất nước”.

“Thua Là Đúng Rồi”

“Mình xin giới thiệu là tên là Alex Thái Đình Võ. Mình hiện là Giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ ở Đại học Texas Tech, chuyên nghiên cứu về Á Châu, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam”, vị Giáo sư trẻ tuổi với nước da đậm màu Á Châu bắt đầu câu chuyện với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) về cái duyên đến với cái nghề “ít tiền mà nhiều ưu phiền” này của mình.

“Thái sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi. Khi mình còn nhỏ, lúc người Mỹ bắt đầu dạy trong nhà trường về cuộc chiến Việt Nam hay lịch sử Việt Nam, mình nhớ là khoảng lớp 7, lớp 8, khi giáo viên bắt đầu cho học sinh xem những bộ phim gọi là bộ phim documentary (phim tài liệu) về cuộc chiến Việt Nam, thì sau khi xem bộ phim đó và học sơ về cuộc chiến, có một cậu học sinh đặt ra câu hỏi cho mình là ‘Gia đình của bạn thuộc phe nào trong cuộc chiến?’. Ở lứa tuổi đó thì thú thật khi sang Hoa Kỳ, bố mẹ cũng không nói gì nhiều cho mình về cuộc chiến, cũng không dạy mình phải hận thù hay biết bên này, bên kia…. Nhưng khi cậu đó đặt câu hỏi đó thì mình mới nhớ ở nhà thường hay nói gia đình mình là thuộc miền Nam Việt Nam. Mình mới nói ‘The South’ (miền Nam), thì cậu đó mới chỉ tay vào mặt mình mà cười kiểu chế nhạo và nói ‘À, vậy thì gia đình mày thua là đúng rồi!’. Đối với một đứa học với lớp 7, lớp 8, mà khi một người khác nói với mình là gia đình mày thua là đúng rồi thì nó đánh một dấu hỏi trong đầu mình là ‘Thua là một chuyện, nhưng mà thua là đúng rồi có nghĩa là như thế nào?’”.

Về nhà, Alex Thái hỏi và xin phép bố cho đọc tất cả những cuốn sách có trong nhà viết về Việt Nam. Cậu bé chẳng bao giờ ngờ rằng câu chuyện ở lớp ngày hôm đó đã khởi đầu cho một hành trình lớn, đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam và lịch sử Việt Nam của mình sau này.

“Đến khi mình bắt đầu học ở trường Đại học University of California Berkeley là một trường rất nổi tiếng, nhưng trong thời chiến cũng nổi tiếng là trường phản chiến, mình mới lấy một lớp gọi là ‘Peace and Conflict’ (tạm dịch ‘Hòa bình và Xung đột’) với một vị Giáo sư khi xưa là một người lính trong binh chủng của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam”, Alex Thái hồi tưởng.

Cậu sinh viên Alex Thái lúc đó nhận thấy những điều vị Giáo sư người Mỹ chủ trương phản chiến này giảng dạy “tương đối một chiều”. Vị Giáo sư cho rằng nước Mỹ đã đưa ra quyết định không đúng. Lẽ ra Mỹ phải giúp cho phe thắng cuộc (tức miền Bắc), còn phe mà Mỹ giúp là Việt Nam Cộng Hòa là một phe nhu nhược, không có lập trường, không có chủ trương, và thường bị gọi là “con rối của Hoa Kỳ”.

“Khi đó, một cô trợ giảng cho ông, gọi là graduate student, sau buổi học đó, cô mới nghiêng qua người bạn của cô nói, mà cô lại ngồi trước mặt mình, cô nói một câu là ‘À, bây giờ tôi hiểu vì sao gia đình tôi thua là đúng rồi’. Khi đó, nó tạo cho mình một cảm giác là người Giáo sư này có một ảnh hưởng rất lớn, kể cả đối với những người qua bên này để tị nạn, qua Hoa Kỳ định cư”.

“Đến mùa Mid-term (giữa kỳ), Giáo sư ra đề cho mình viết. Mình mới quyết định không viết bài theo đề Giáo sư đưa ra, mà mình viết bài yêu cầu Giáo sư vào nửa mùa sau nên dạy cho có sự công bằng hơn, đưa vào thêm những tư liệu có nhiều khía cạnh hơn…. Thế rồi mình nhận lại điểm Giáo sư cho là điểm F trừ (F-). Ngoài điểm F trừ, Giáo sư còn cho viết thêm một trang giấy và nói rằng ‘Tôi cho anh điểm này vì anh không viết theo yêu cầu của tôi, mà anh lại có những quan điểm như vầy đối với tôi là tại vì anh chưa thoát ra được sự cay đắng của việc gia đình anh thua cuộc trong cuộc chiến vừa rồi’”.

Từ câu chuyện ở lớp và nhận xét của vị Giáo sư Đại học, Alex Thái bắt đầu có ý định thay đổi lựa chọn nghề nghiệp.


(Hình: Giáo sư-Tiến sĩ Alex Thái Đình Võ là một trong những khách mời của “Hội thảo về Di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào, Cam Bốt” tại Viện Hòa Bình ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ.)

Như bao đứa trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, Alex Thái cũng gánh trên vai ước mơ và hy vọng của một gia đình tị nạn. Để từ bỏ giấc mơ trở thành Luật sư (vốn là một trong những nghề nghiệp danh giá mà nhiều người Việt hướng cho con cái như Bác sĩ, Kỹ sư…), Alex Thái đã phải nghĩ đến một bức tranh lớn hơn, đó là ngành nghề nào sẽ giúp anh mang lại những tác động tích cực, hiệu quả cho xã hội hơn, theo lời khuyên của một chuyên gia tư vấn tâm lý người Mỹ. Và Alex Thái đã chọn nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, một ngành anh “đam mê” hơn là một công việc mang lại sự thoải mái tài chánh, để có thể có tiếng nói cho mình và “nói lên những khía cạnh đa chiều” của cuộc chiến, của lịch sử Việt Nam để cả người Việt lẫn người Mỹ, hay bất cứ ai quan tâm tới Việt Nam, họ sẽ biết đến Việt Nam trong chiều kích đa chiều ấy.

“Mình chạy trốn khỏi Việt Nam cũng là mục đích để thấy được sự đa chiều, để có tự do, để thấy được cái đúng cái sai, thì tại sao bây giờ mình sống ở một đất nước tự do thì mình không đi làm việc đó”, Alex Thái lý giải thêm cho quyết định lựa chọn ngành nghề của mình.

Quyết Tâm Thành Nhà Nghiên Cứu Thực Thụ

Chọn học, ra trường, trở thành Tiến sĩ không khó đối với Alex Thái cho bằng những trở lực mà anh gặp phải trên con đường thực hiện những dự án nghiên cứu, từ cả phía Việt Nam lẫn ở Mỹ.

“Khi mình bắt đầu viết hay nói lên những tiếng nói mà xưa nay người ta không muốn mình nói thì sẽ gặp nhiều cản trở. Từ khía cạnh người Mỹ trong ngành khoa cử-giáo dục, nhiều người đã nắm hệ thống nghiên cứu bao nhiêu năm rồi thì họ không muốn những tiếng nói của mình được nói lên. Cơ hội dành cho những người giống như mình lại ít hơn. Họ không xem trọng mình. Họ thường hay nói là ‘Anh là con em của Việt Nam Cộng Hòa nên anh sẽ nói như vậy thôi’, hay là họ xem thường những nghiên cứu của mình. Nhưng chính vì vậy nên mình phải cố gắng vươn lên. Mình làm nghiên cứu thì mình phải làm nghiên cứu tốt hơn để khi nghiên cứu của mình ra, mình có buổi phát biểu hay hội thảo thì mình phải đưa ra chứng cớ rõ ràng, mình chứng tỏ với người ta là ‘Tôi không phải chỉ là con em của một người Việt Nam Cộng Hòa không, mà tôi là một nhà nghiên cứu đứng đắn, làm việc đúng và đang nói lên những tiếng nói mà xưa nay các vị đã không viết, không nói về, không cho được lên sách, không đưa đến giảng đường”.

Cản trở từ Việt Nam và tại Việt Nam trong những lần Alex Thái trở về để thực hiện các dự án nghiên cứu thì không thể kể hết, nhất là sau khi nhà nghiên cứu trẻ bắt đầu có những công bố hay phát biểu về công trình của mình trên báo chí, truyền thông.

“Mình gặp những đe dọa, nghe nói là từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, nói là Thái không nên làm những cái nghiên cứu như vậy. Nhưng mình cứ tiếp tục làm công việc của mìn. Vì sao? Vì mình nghĩ công việc mình làm là đúng và mình cũng không lựa chọn phe này phe nọ về mặt chính trị. Mình là một người làm sử, mình chỉ có thể nói ra những gì mình tìm hiểu được và mình biết được. Còn sự cản trở thì nó luôn luôn đến với mình…”.


(Hình: Sách “Toward A Framework For Vietnamese American Studies” (“Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt – Lịch sử cộng đồng và ký ức”) do Tiến sĩ – Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ – Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ – Giáo sư Tường Vũ chủ biên.)

Thế là, những dự án nghiên cứu về các chủ đề “nhạy cảm” đối với Việt Nam như: Cuộc cải cách ruộng đất, với những phân tích tỉ mỉ cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh, của các Cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải cách đẫm máu và nước mắt với khoảng nửa triệu người dân mất mạng; vụ án nhân văn giai phẩm, tù cải tạo, vấn đề lý lịch… cứ thế lần lượt ra đời sau rất nhiều lần Alex Thái lặn lội về Việt Nam và “ăn dầm nằm dề” tại các trung tâm, thư viện….

Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Alex Thai Vo đã được tập hợp lại cùng với một nhóm học giả gốc Việt và xuất bản dưới dạng một bộ sách về lịch sử Việt Nam, nhằm bổ sung góc nhìn khác, “đa chiều” hơn về nền Cộng hòa vốn đã tồn tại ở Việt Nam từ trước khi chủ nghĩa Cộng sản du nhập. Bộ sách được giới học thuật Mỹ đánh giá cao này hiện đang được giới thiệu ở các tiểu bang của Hoa Kỳ với mục tiêu đưa chúng trở thành sách giáo khoa được giảng dạy trong các trường học hay được giới thiệu trong các thư viện trên đất Mỹ.

Cuộc Chiến Đau Lòng Giữa Anh Em

Sau những ngày tháng đắm chìm trong nghiên cứu, tìm tòi về một chính thể Cộng hòa từng tồn tại và đang bị lãng quên, bị nhìn “thiên lệch, khi được hỏi liệu đâu là những điểm mấu chốt mà vị Giáo sư trẻ tuổi muốn lưu ý trong cuộc chiến và lịch sử Việt Nam, Alex Thái nói:

“Khi nói tới lịch sử, người ta hay nói lịch sử được viết bởi những người thắng cuộc. Từ những trang sử sinh viên học trong nhà trường từ lớp 1 cho đến Đại học, hầu như không nhắc tới giai đoạn của cuộc nội chiến giữa chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa, mà chỉ gói gọn trong những câu nói ‘nguỵ quyền’, ‘nguỵ quyền theo Mỹ’ và tất cả đều là cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chứ không phải là cuộc nội chiến giữa những anh em với nhau, mà mỗi bên đều mất và tổng cộng là gần 2 triệu người, trong khi người Mỹ chỉ mất có 58.000 người thôi”.

Theo học giả trẻ này, trên thực tế, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của người Mỹ, nhưng “vai chính” trong cuộc chiến vẫn thuộc về những người Việt Nam, hay nói khác hơn, đó là cuộc chiến giữa những người anh em.

“Nếu chúng ta không ghi nhận sự thật đó, sự tồn tại của nhau thì khó mà chúng ta có thể làm cho đất nước mạnh hơn, làm cho con người tin tưởng hơn, mang lại cái mà nhà nước Cộng sản hay kêu gọi là ‘hòa hợp, hòa giải’ giữa người Việt với nhau. Anh kêu gọi hòa hợp, hòa giải mà anh không công nhận sự tồn tại của tôi, lịch sử của tôi thì làm sao hòa hợp, hòa giải được?”

“Hay như vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, nếu một bên cứ tối ngày nói bên kia là ngụy quân ngụy quyền thì làm sao anh có thẩm quyền để nói Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam? Vì trước kia, Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1975 thuộc về Việt Nam Cộng Hòa 03:33 trên danh nghĩa quốc tế. Bây giờ anh cứ gọi họ là chính thể bù nhìn, không có thật, thì làm sao anh bây giờ đứng trên cương vị gì để nói đó là thuộc về Việt Nam?”, Giáo sư Alex Thái đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu trẻ, việc nghiên cứu tới nơi tới chốn về nền Cộng hòa tại Việt Nam, vốn đã du nhập vào từ những năm 1920, khi các nhà hoạt động chính trị thời đó như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… mang “chủ nghĩa cộng hoà”, “tinh thần cộng hoà” từ Âu Châu, Nhật Bản, Trung Quốc về.

“Thể chế Việt Nam Cộng Hòa được thành lập vào năm 1954 cho đến năm 1975 đứng vững trên cái nền tư tưởng gọi là Chủ nghĩa Cộng hòa đó. Chủ nghĩa Cộng hòa là mang đến gì? Nó đòi hỏi cái tự do của con người, tự do cá nhân, xuất phát từ cuộc cách mạng của Pháp đòi hỏi quyền công dân của con người cũng như quyền trước pháp luật. Tất cả những yếu tố đó nó khác với chủ nhịp Cộng sản. Thành ra, cuộc chiến 1954-1975 nó xuất phát từ những sự khác biệt đó. Và cũng chính từ những khác biệt đó mà sự kiện xảy ra năm 1975, nó đưa đẩy nhiều người phải đành bỏ nước ra đi, vì họ không sống được dưới cái thể chế mới đó, cái thể chế mà mất đi hết tất cả các quyền tự do đó, tự do báo chí, tự do ngôn luận…. Tất cả những cái đó khi người ta bị mất đi thì họ đành phải bỏ nước ra đi”.


(Hình: Tiến sĩ Alex Thái Đình Võ (phải) và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.)

Khi Nằm Xuống, Tất Cả Là Con Người

Công việc nghiên cứu đã mang đến cho vị Giáo sư trẻ nhiều cơ hội công việc và trải nghiệm khác ngoài giảng đường. Alex Thái cho biết anh từng cộng tác chính phủ Mỹ trong công việc tìm hài cốt của quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

“Khi đó mình đang đi làm thì trường Đại học Texas Tech có một cái vị trí cần một nhà nghiên cứu để nghiên cứu tìm hài cốt quân nhân của người Cộng sản. Để tôn trọng cha mẹ, là những người đã trải qua dưới thể chế Cộng sản và trải qua tù đày, mình gọi cho bố và hỏi ‘Ba ơi, con bây giờ nhận công việc này để làm nghiên cứu tìm hài cốt của những người mà khi xưa gọi là địch, là kẻ thù của những người giống như ba đó. Thì ba nghĩ như thế nào? Vì con thấy đây là một công việc mà theo con, là một công việc nhân đạo mà mình cần phải làm’. Thì thay vì người cha mình giống như mình suy nghĩ là sẽ cản trở và sẽ nói không, thì bố mình không một giây suy nghĩ và nói là ‘Con nên đi làm. Công việc này phải làm, vì dù sao cuộc chiến đã qua rồi, mình biết mình là ai. Nhưng tất cả khi ngã xuống cũng là người Việt Nam và cũng là con người. Thành ra, công việc mà mình cần phải làm là công việc mang tính nhân đạo và phải làm để mang lại sự an ủi cho tất cả. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam”.


Pháp Trị Dân Chủ, Kinh Tế Tự Do và Nhân Quyền Tôn Trọng – Nền Tảng Trong Di Sản Chế Độ Việt Nam Cộng Hòa
(Quốc Phương)


(Hình: Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu duyệt quân đội trong một buổi lễ ở ấp chiến lược Củ Chi hôm 1/4/1962.)

-Việt Nam Cộng Hòa trải qua hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa trong 21 năm lịch sử của mình, đã thiết lập được 3 nền tảng nổi bật, làm bệ phóng cho nhiều nhiều thành tựu khác, ba nền tảng có giá trị như di sản đó là pháp trị dân chủ, tự do kinh tế và tôn trọng nhân quyền, trong đó có tôn trọng tự do tôn giáo và xã hội dân sự, theo một nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam từ Anh Quốc.

Trao đổi trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do (RFA), hôm 24/4/2023, trong dịp đánh dấu 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975, từ London, ông Đoàn Xuân Kiên, cựu chủ biên trong 10 năm của trang mạng Thông Luận có trụ sở tại Pháp chuyên về các thảo luận chính trị, đa nguyên, trước hết nhấn mạnh thành tựu mà Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được về mặt pháp trị dân chủ, ông nói:

“Nhìn lại 21 năm của Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta thấy có chín năm tương đối không bị giày xéo vì chiến cuộc. Trong 9 năm xây dựng thể chế dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, thì Đệ nhất Cộng hòa đã có một công lớn, đó là tạo được cơ chế tam quyền phân lập cho một cơ chế pháp quyền, cơ chế mà được cai trị trên pháp luật, cơ chế pháp trị ấy đã được thể hiện qua Quốc hội lập hiến, Quốc hội lập pháp, qua cơ chế hành chính là Tổng thống và nội các với tư cách hành pháp, và cơ chế tư pháp là hệ thống tòa án mà cao nhất là Tối cao Pháp viện.

Như vậy, Đệ nhất Cộng hòa đã hình thành cơ sở của một nền dân chủ pháp trị rất rõ ràng và từ đó có được điều kiện để xây dựng, hoàn chỉnh qua Đệ nhị Cộng hòa.”

Không Hẳn Hoàn Thiện, Nhưng Người Dân Có Thực Quyền

Theo nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam này, cơ chế chính trị như vậy đã tạo điều kiện cho sự giám sát lẫn nhau bên trong Việt Nam Cộng Hòa và khi có dấu hiệu một sự lạm quyền, chẳng hạn nếu có một sự lạm quyền ở nhánh hành pháp, thì các nhánh khác sẽ có thể phát huy vai trò của mình để giám sát, kiểm soát, đồng thời trong xã hội, cộng đồng, công dân dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa đều có thể có cơ sở và điều kiện để đấu tranh lập lại sự cân bằng, trật tự chính trị-xã hội, thông qua các hoạt động, sinh hoạt, phong trào chính trị, đoàn thể, xã hội mà nhờ nền dân chủ pháp trị đó, đã có thể thực thi thực sự các quyền của mình trong mọi tầng lớp, trên khắp các sinh hoạt chính trị ở trong xã hội.

“Không hẳn tốt đẹp hết, nhưng đó là một điều kiện cơ bản cho các sinh hoạt xã hội dân sự, bởi vì khi công dân ý thức được quyền lợi của mình, và nếu hay khi bị nhà nước áp chế, thì họ có thể dùng quyền của mình để đáp lại lời kêu gọi của xã hội, của đất nước.”

Và ông Đoàn Xuân Kiên đưa ra ví dụ từ quan điểm cá nhân:

“Cuộc đảo chính năm 1960 và những biến động hồi năm 1962 cho thấy giới chính trị ở miền Nam Việt Nam khi đó đã có một ý thức công dân rất rõ, trong sự chế tài của sự lạm quyền của hành pháp dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.”

Theo góc nhìn của nhà quan sát chính trị, xã hội này, đây là một thành quả “tương đối tốt” cho sinh hoạt chính trị ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4/1975, đề cập thêm về cơ chế tam quyền phân lập dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa, ông Đoàn Xuân Kiên nói:

“Tôi phải nói thêm rằng cơ chế này đã tạo điều kiện cho các sinh hoạt nói ở trên được cân bằng, cho dù ngày nay nhiều người đã nhìn ra những sơ sót của nó, nhưng ít nhất trên khung luật pháp, nền dân chủ pháp trị này đã có một sự hài hòa, hòa điệu rất tốt.

Nhờ đó mà các sinh hoạt chính trị, xã hội khác của xã hội cũng được phát triển. Thí dụ như các đảng đối lập, thí dụ như các mặt sinh hoạt tôn giáo, văn học nghệ thuật và xã hội.”


(Hình: Người tham gia lễ diễu hành dịp Tết với cờ của Việt Nam Cộng Hòa ở California hôm 4/2/2017.)

Kinh Tế Tự Do, Nhân Quyền Được Tôn Trọng

Bên cạnh thành tựu ban đầu về mặt tổ chức nhà nước dân chủ pháp trị và thiết lập, vận hành trên thực tế thể chế với nguyên tắc tam quyền phân lập, ông Đoàn Xuân Kiên nhấn mạnh nền kinh tế và thị trường dưới thời Việt Nam Cộng Hòa tuy lúc đầu còn nhỏ bé về quy mô, tính chất, nhưng đã được hưởng ngay từ đầu cơ chế, điều kiện và tinh thần tự do.

Lấy mốc từ các thập niên năm mươi và sáu mươi của thế kỷ trước, về lĩnh vực kinh tế và khía cạnh sinh hoạt kinh tế dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhà quan sát nhận xét:

“Nói về mặt sinh hoạt kinh tế, không thể quên được rằng trong những năm 1950, 1960, kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa cũng không phải là một nền kinh tế mạnh, mặc dù nó đã có được một thời gian xã hội ổn định, nhưng sinh hoạt phát triển kinh tế vẫn còn mang tính chất của một nền kinh tế nhỏ.

Tuy vậy, người dân không bị những hạn chế gắt gao như là một số ngành nghề bị cấm đoán, hay là bị sự kiểm soát gắt gao của nhà nước đối với đời sống của nông dân, đời sống thương nghiệp, sinh hoạt thương nghiệp.

“Những cơ quan, tổ chức hay những công ty lớn trong sinh hoạt kinh tế ở miền Nam thí dụ như là công ty lúa gạo, công ty phát triển nông thôn, những sinh hoạt ngân hàng chẳng hạn, tất cả những cái đó đều được tự do điều hành và giám sát trong một sinh hoạt kinh tế mà chúng ta có thể gọi là tự do.”

Một khía cạnh khác được cựu chủ biên của trang mạng Thông Luận nhân dịp này đề cập và nhấn mạnh như một thành tựu có giá trị tích cực về mặt di sản của Việt Nam Cộng Hòa trải qua 21 năm lịch sử là về tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo và nhân quyền, cũng như tạo không gian cho xã hội dân sự phát triển sớm và hoạt động, phát huy, bất chấp chính quyền có thể gặp thách thức, giám sát chính từ đó, nhà quan sát nói:

“Vì có một nền tảng về nhân văn, một nền tảng về dân chủ rõ ràng, nên các sinh hoạt trong xã hội được nảy nở, phát triển một cách hài hòa và xã hội dân sự đã hình thành trên nền tảng ấy.”

Theo ông Đoàn Xuân Kiên, đến lượt nó, nhờ xã hội dân sự được hình thành sớm, mà các quyền của người dân đã được đảm bảo và thực thi, và trên thực tế, nhiều phong trào của công dân, người dân trong xã hội giám sát, phản biện, thậm chí phản đối, thách thức hành pháp đã được diễn ra một cách khá mạnh mẽ, đôi khi quyết liệt, trong tinh thần và dưới chế độ có dân chủ.

Lấy ví dụ, vẫn từ quan điểm riêng của mình, trong liên hệ với tự do tôn giáo, nhà quan sát nói:

“Những đợt nổi dậy của quần chúng chống đối hành pháp trong Đệ nhất Cộng hòa, mà nổi bật là cuộc đấu tranh giành tự do tôn giáo năm 1963, mà năm nay là tròn 60 năm kỷ niệm cuộc đấu tranh về tự do tôn giáo của Phật giáo, thì đó là một điểm son rất lớn đáng ghi nhớ về mặt sinh hoạt xã hội dân sự ở miền Nam Việt Nam trước kia.”

Nếu chúng ta chỉ đóng khung riêng trong vấn đề tự do tôn giáo, thì miền Nam tương đối có tự do tôn giáo một cách đúng nghĩa, nghĩa là các tôn giáo đã được phát triển một cách hài hòa và tự do. Tuy vậy, bài học của Phật giáo sau năm 1963, một bài học khá bi tráng, đã có được những thành tựu đáng kể, mặc dù đồng thời cũng bị các thế lực chiến tranh dìm xóa cái tốt đẹp của nó, thế nhưng ít nhất, vẫn còn thấy là sau năm 1966, khi mà phong trào bị lắng xuống trong thời Đệ nhị Cộng hòa.

Nhưng khi họ rút về nhà chùa, rút về sinh hoạt học thuật, thì sinh hoạt tôn giáo vẫn được tôn trọng, vẫn được để yên, và các sinh hoạt tôn giáo, đồng thời cũng là những sinh hoạt học thuật của Phật giáo vẫn được phát triển song hành với sự phát triển của các hội đoàn của Công giáo, của Tin lành, của Cao Đài hay Hòa Hảo v.v…”.


(Hình: Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa họp ở Sài Gòn hôm 27/9/1966.)

Điều Chính Quyền Tại Việt Nam Hiện Nay Sau 48 Năm Cần Xem Lại

Nhìn vào sự thay đổi của đất nước Việt Nam sau biến cố 48 năm về trước, như một dấu ngoặc được mở từ góc độ tự do tôn giáo và nhân quyền, ông Đoàn Xuân Kiên chia sẻ quan sát:

“Thế nhưng sau biến cố ngày 30/4/1975, tôi thấy có những nét rất đáng buồn cho sinh hoạt tôn giáo của Việt Nam thống nhất. Vì sao? Bởi vì các giáo hội đã bị bàn tay kiểm soát của nhà nước một cách rất lộ liễu, nó làm cho sự phát triển của tự do tôn giáo mang một màu sắc khác.

Nghĩa là có thể được phát triển ‘tự do tôn giáo’ nhưng phải trong khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và quá ngặt nghèo, và tôi cho rằng đó là một điểm không hay.

Họ (chính quyền Việt Nam) cần phải rút lại những kinh nghiệm trong việc đối xử với các nhà lãnh đạo Phật giáo, khi mà họ đã phân biệt và liệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vào thành phần chống đối, thành phần ly khai và cần phải khống chế, như là sau những năm 1981, khi mà họ thành lập ‘Giáo hội Phật giáo Việt Nam’, thầy Thích Quảng Độ và viện Hóa Đạo và viện Tăng Thống đã bị đàn áp như thế nào, thì quần chúng Việt Nam đều biết rất rõ.” Và đó là một điểm không tốt lành cho sinh hoạt tự do tôn giáo….

Nhưng những gì xảy ra với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất chỉ là một điển hình của việc kiểm soát chặt chẽ tôn giáo mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã theo sát từ bao nhiêu năm nay, mà họ chưa xem lại điểm hay, điểm dở, điểm tốt, điểm xấu của chủ trương, chính sách như vậy. Tôi nghĩ rằng các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, các hệ phái khác của tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo đều cho thấy rằng sự kiểm soát mà nhà nước Việt Nam đề ra trong chủ trương sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam có rất nhiều vấn nạn, mà với Giáo hội Phật giáo Thống nhất của Việt Nam vốn được thành lập trước 4/1975 là một vấn nạn điển hình,” từ London, nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam nói với đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.

Ông Đoàn Xuân Kiên, sinh năm 1948 tại tỉnh Hà Đông (cũ), miền Bắc Việt Nam; ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (1970), từng dạy học tại Vĩnh Long và tiếp tục theo ban Cao Học Giáo Dục tại ĐHSP Sài Gòn. Trong thời gian dạy học, ông từng chủ biên hai tập san văn hoá Vượt Thoát (1972) và Khai Nguyên (1973). Sau 1975, định cư tại London, ông từng làm việc cho các tổ chức British Refugee Council, Refugee Action, Save The Children Fund, trước khi trở về ngành giáo dục tại Phòng Giáo Dục Lambeth (London). Ngoài công việc hằng ngày, ông cộng tác, từng cộng tác với một số báo, tạp chí tại Anh và hải ngoại: BBC, Làng Văn, Văn Học USA, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Định Hướng, Talawas. Ông cũng là Chủ bút trang báo mạng Thông Luận trong thời gian 2005-2011. Hiện nay, bên cạnh việc khảo cứu độc lập về ngữ học, tìm tòi nghiên cứu một lĩnh vực đề tài phong cách học trong văn học cổ điển Việt Nam, ông vẫn thường xuyên theo dõi các diễn biến, chuyển động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội tại Việt Nam.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Công An Tp. HCM Nói Phá Được Đường Dây Nhập Nguyên Liệu Từ Âu Châu Về Chế Tạo Ma Túy Tổng Hợp


(Hình: Các tang vật liên quan.)

-Vào ngày 28/4/2023, Công an Tp. HCM thông báo vừa phá được một đường dây mua bán ma túy tổng hợp; ngăn chặn hoạt động nghiên cứu, bào chế ma túy tổng hợp từ nguyên liệu nhập ở Âu Châu về.

Mạng báo Công an Tp. HCM loan tin cho biết từ khoảng cuối năm 2021, một người có biệt danh Trí “cá voi” đã móc nối với một số người Việt Nam định cư tại Pháp để đặt mua bột thuốc lắc (MDMA); sau đó sử dụng dịch vụ bưu điện chuyển phát nhAnh Quốc tế, giao hàng dưới hình thức “door to door” (giao hàng tận nơi) để vận chuyển về Sài Gòn cất giấu, bào chế ma tuý thành phẩm.

Từ 106 kg bột thuốc lắc, Trí “cá voi” và những người trong nhóm đã pha trộn với các chất bột hóa học khác để bào chế ra hơn 230 kg thuốc lắc thành phẩm dạng viên (tương đương hơn 450.000 viên thuốc lắc), đem đi tiêu thụ tại nhiều điểm trên địa bàn Sài Gòn và một số tỉnh, thành khác; thu về hàng chục tỉ đồng.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 20/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM đã bắt giữ toàn bộ các đối tượng trong đường dây bào chế, mua bán trái phép thuốc lắc (MDMA) do Trí “cá voi” cầm đầu.

Tại một địa điểm khám xét trên địa bàn Quận 4, Công an phát giác một căn phòng có bố trí nhiều máy móc, dụng cụ thí nghiệm hóa học được đối tượng Trí “cá voi” sử dụng làm nơi nghiên cứu, sản xuất thuốc lắc (MDMA). Mở rộng truy xét “đầu dưới”, ngay trong đêm 20/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của 16 đối tượng đều cư trú tại Sài Gòn; phát giác, thu giữ số lượng lớn ma tuý các loại và nhiều tang vật có liên quan.

Công an Tp. HCM cho biết đã triệt phá toàn bộ đường dây mua bán, bào chế, đóng gói thuốc lắc (MDMA) do đối tượng Trí “cá voi” cầm đầu; bắt giữ 21 đối tượng (trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu); thu giữ hơn 18.000 viên ma túy tổng hợp, 900g Ketamine, 120 gói “nước vui” và 21 gói chứa chất tinh thể không màu và các viên nén các loại (hiện đang tiến hành giám định), cùng toàn bộ phương tiện, thiết bị, nguyên liệu để phục vụ quá trình bào chế, nghiên cứu sản xuất thuốc lắc (MDMA).

Vụ triệt phá vừa nêu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Công an Tp. HCM thông báo biện pháp khởi tố 65 người và 22 vụ án trong quá trình mở rộng điều tra vụ năm tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines vào ngày 16/3 bị Hải quan phát giác mang ma túy từ Pháp về Việt Nam. Số ma túy được giấu trong những ống kem đánh răng và các tiếp viên khai mang giúp người khác mà không hề biết có ma túy bên trong.


Vụ Việt Á: Kỷ Luật Giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa & CDC Tỉnh Bình Thuận


(Hình: CDC Bình Thuận.)

-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa bị kỷ luật do liên quan đến Công ty Cổ phần kỹ thuật Việt Á.

Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ Bình Thuận ra quyết định kỷ luật trên trong ngày 28/4/2023 và được truyền thông loan trong cùng ngày.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và ông Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (CDC) bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách do liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần kỹ thuật Việt Á.

Theo UBKT, hai ông đều có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc chỉ đạo, khai triển thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, kít xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 (bốn gói thầu) của Công ty Cổ phần kỹ thuật Việt Á.

Liên quan đến đại án Việt Á, Thanh tra Chính phủ mới đây cho biết, qua thanh tra tại 54/61 tỉnh thành phố, Thanh tra Chính phủ phát giác có 4.992 trong số 15.909 gói thầu liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sai phạm và một số gói thầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Trước đó, Bộ Công an cho biết, tính đến đầu tháng 2/2023, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 104 bị can, phong tỏa, kê biên số tài sản, tiền lên tới khoảng 1.700 tỉ đồng


Bắt Giám Đốc Trung Tâm Dạy Nghề Lái Xe Sài Gòn


(Hình: Ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn.)

-Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, ông Hồ Đình Thái Hòa, ngụ tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Giả mạo trong công tác”.

Bộ Công an cho truyền thông hay tin trên trong ngày 28/4/2023, nêu rõ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đồng Nai, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và một số địa phương liên quan.

Theo Bộ Công an, vụ án đang được C03 mở rộng điều tra, củng cố tài liệu để xử các đối tượng liên quan theo quy định.

Trước đó, ngày 22/4, Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai khám xét tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (đóng tại P.Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) cùng một số địa điểm đặt văn phòng của trung tâm này tại Đồng Nai.

Tại các địa điểm của trung tâm, ngoài việc khám xét, thu giữ nhiều tài liệu liên quan, lực lượng chức năng cũng đã làm việc với một số nhân viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn để phục vụ công tác điều tra.


Việt Nam Đối Mặt Nhiều Khó Khăn Trong Xuất Cảng Sang Trung Quốc


(Hình AFP: Xe vận tải chở nông sản chờ thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn.)

-Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong xuất cảng sang Trung Quốc dù Bắc Kinh đã cho mở cửa trở lại từ đầu năm nay, sau thời gian áp dụng lệnh “Zero COVID” chặt chẽ.

Bộ Công thương Việt Nam vào ngày 28/4/2023 đưa ra cảnh báo như vừa nêu tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở ngoại quốc tháng 4/2023”. Đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên nhận định, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường họ cũng chấp nhận.

Ngoài ra, hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh.

Vụ trưởng Vụ Thị trường Á Châu-Phi Châu (Bộ Công thương), ông Trần Quang Huy cho rằng dù có những yếu tố thuận lợi khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu nội địa cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết; nhưng thách thức xuất cảng sang Trung Quốc vẫn rất lớn. Đó là kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều biến động phức tạp, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự khôi phục của nhiều nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện; do đó, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất cảng từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.

Thống kê cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,9 tỉ Mỹ kim, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số mặt hàng xuất cảng chủ lực giảm mạnh. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỉ Mỹ kim, giảm 4,42%; máy điện toán, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,4 tỉ Mỹ kim, giảm 19,61%; hàng thủy sản đạt 238,3 triệu Mỹ kim, giảm 27,03%; hàng dệt, may đạt 220 triệu Mỹ kim, giảm 24,53%….


Ông Tập Lại Gay Gắt Nhắc Việt Nam Về Phương Châm ‘16 Chữ’, ‘4 Tốt’, ‘Củng Cố Phòng Tuyến Tư Tưởng’


(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn của bà Trương Thị Mai.)

-Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa có cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ông Tập căn dặn bà Mai rằng trước môi trường quốc tế “sóng to gió lớn”, hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, thúc đẩy xây dựng cộng đồng “cùng chung vận mệnh Trung-Việt”.

Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng khi tiếp bà Mai hôm 26/4, ông Tập nhờ bà chuyển lời thăm hỏi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nhấn mạnh rằng “trước môi trường quốc tế sóng to gió lớn và nhiệm vụ cải cách, phát triển và ổn định của mỗi nước, hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, đó là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn kêu gọi thúc đẩy xây dựng cộng đồng “cùng chung vận mệnh Trung-Việt dốc sức vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, kiên trì trang bị lý luận khoa học chủ nghĩa Mác, nắm chắc thế mạnh chính trị lớn mạnh này, đi sâu giao lưu và học hỏi lẫn nhau, củng cố phòng tuyến tư tưởng, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”, theo đài phát thanh CRI của Trung Quốc.

Báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời bà Mai đáp lại ông Tập rằng Việt Nam “luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu” phát triển quan hệ với Trung Quốc theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

Bà nói thêm rằng Việt Nam “sẵn sàng” cùng Trung Quốc thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng đạt được giữa nhà lãnh đạo tối cao của hai Đảng, đồng thời thúc đẩy kết nối hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” với việc cùng xây dựng “Vành đai và con đường”, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước và “sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”, theo đài CRI.

Bà Mai, người vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/4, cũng khẳng định rằng Việt Nam “luôn tuân thủ” chính sách Một Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ nỗ lực thống nhất đất nước của Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã.

Bà Mai, đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người được cho là nhân vật quyền lực thứ hai sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong, cũng chứng kiến việc Ban Tổ chức Trung ương của bà ký bản ghi nhớ hợp tác với Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022 của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ. Trong chuyến thăm này, ông Tập cũng nhắc ông Trọng về phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

Chuyến thăm của bà Mai diễn ra khi Trung Quốc vừa ban bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong mùa Hè năm nay. Hôm 20/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã không chỉ “xâm phạm chủ quyền” của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Truyền thông Việt Nam dường như không nêu bất kỳ chi tiết nào về tranh chấp chủ quyền biển đảo, hay đề cập đến lệnh cấm đánh bắt của Bắc Kinh trong chuyến công du đến nước láng giềng phương bắc của nữ Thường trực Ban Bí thư.


Chỉ Có Trong Chế Độ Độc Tài: Cha của Nạn Nhân Chết Bất Minh Trong Đồn Công An Bị Bắt Do Đòi Hỏi Làm Rõ Sự Việc!


(Hình Công an Tuy Hòa-Phú Yên: Lực lượng chức năng đọc lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với bị ông Đào Bá Cường.)

-Ông Đào Bá Cường, cha của nạn nhân Đào Bá Phi bị chết trong đồn Công an Tuy Hòa-Phú Yên hồi tháng 10 năm 2022, bị khởi tố và bị bắt do kiên trì đòi hỏi làm sáng tỏ về cái chết của người con.

Ngày 27/4/2023, Trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa, Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn cho truyền thông nhà nước biết các biện pháp vừa nêu và cáo buộc đối với ông Đào Bá Cường là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Công an Thành phố Tuy Hòa cho biết từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023, ông Đào Bá Cường nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết làm rõ một số nội dung liên quan đến cái chết của con trai Đào Bá Phi và đề nghị trả xác cho gia đình, cầu cứu giải oan cho con trai.

Như tin đã loan, Công an tỉnh Phú Yên vào ngày 20/10/2022 ra thông báo về vụ bắt giữ công dân Đào Bá Phi, ngụ ở phường 4, thành phố Tuy Hòa, vào ngày 16/10/2022 để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Lúc này ông Phi hoàn toàn khoẻ mạnh. Đến 5 giờ ngày 18/10, người bị tạm giam cùng ông Phi phát giác ông Phi đang treo cổ trong phòng giam. Ông Phi được sơ cứu và đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa nhưng không qua khỏi.

Theo thông cáo báo chí thì Công an thị xã Đông Hòa “đã thông báo về thời gian, địa điểm khám nghiệm tử thi và đề nghị đại diện gia đình Đào Bá Phi chứng kiến, nhưng gia đình đưa ra các điều kiện không phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng khám nghiệm đã tiến hành khám nghiệm tử thi Đào Bá Phi theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự”.

Ngày 28/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên kết thúc kiểm tra, xác minh và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bà Đào Thị Quyên, chị gái của ông Đào Bá Phi, sau cái chết của người em trai, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết nhận được nhiều thông tin trái ngược với những điều mà phía công an đưa ra.

Theo lời bà Quyên, tầm 11 giờ trưa ngày 16/10, có ba người công an mặc thường phục vào nhà yêu cầu ông Phi lên công an phường 4, thành phố Tuy Hòa làm việc, mà không có giấy mời hay giấy triệu tập gì.

Đến trưa ngày 17/10, một cán Bộ Công an thị xã Đông Hòa gọi điện cho gia đình thông báo ông Phi đã bị chuyển qua công an thị xã Đông Hòa, đồng thời yêu cầu người nhà mang hai bộ đồ với một ít tiền cho ông Phi ăn uống trong lúc bị tạm giữ.

Theo lời yêu cầu, ông Nguyễn Bá Cường, là cha của ông Phi, lên trụ sở công an gởi đồ thì thấy ông Phi đang bị còng tay. Nhìn thấy cha, ông Phi lớn tiếng kêu cứu.

Sáng ngày 18/10, Công an phường 4 và Công an thị xã Đông Hòa thông báo với gia đình là ông Phi đã chết do treo cổ tự tử. Bà Quyên cho biết ông Cường xin được nhìn con lần cuối, nhưng phía công an không đồng ý, họ yêu cầu ông Cường phải ký giấy đã nhận xác trước.Tối hôm đó, gia đình một lần nữa đến Công an thị xã Đông Hòa để đem xác ông Phi về, nhưng phía công an nói là phải đợi chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền:

Ngày 20/10, Bưu điện cùng lúc gởi cho ông Cường ba văn bản từ Công an thị xã Đông Hòa. Thứ nhất là Thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Đào Bá Phi để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Thứ hai là Thông báo về việc người bị tạm giữ tự tử và thứ ba là Thông báo an táng người tạm giữ đã chết.

Bà Quyên cho biết, cho đến ngày 24/10, sau khi nhận thông báo ông Phi đã chết do tự tử, gia đình chưa một lần nào được nhìn mặt ông Phi. Công an cũng không cho gia đình biết ông Phi được an táng ở đâu.

Cho rằng phía cơ quan chức năng đang “bóp méo sự thật”, gia đình nạn nhân vào sáng ngày 19/10 mặc áo tang, tập trung ở đồn Công an thị xã Đông Hòa để đòi thi thể ông Phi. Một thành viên trong gia đình đã livestream lại sự việc và video này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Bà Quyên cho biết thêm, công an nói với gia đình rằng họ sẽ chỉ chỗ đã an táng ông Phi, với điều kiện gia đình phải ký giấy thoả thuận chỉ được bốc mộ cải táng sau 36 tháng.


Lãnh Đạo Tham Nhũng và Lo Việc ‘Hạ Cánh An Toàn!’


(Ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 4/4/2023.)

-Hôm 27/4/2023, khi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, thuộc thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cho rằng: “Nhà nước xử phạt cán bộ tham nhũng cả khi đương chức, về hưu cũng không có chuyện hạ cánh an toàn”.

“Kiên quyết, kiên trì và xử phạt nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.- Ông Võ Văn Thưởng nói thêm.

Nhận định về vấn đề này, cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 28/4/2023, cho rằng để mà gọi có tham nhũng hay không thì phải được đưa ra tòa và tòa án kết luận có tham nhũng:

“Bằng mắt bình thường, tôi chắc chắn rất nhiều người tham nhũng đã được hạ cánh an toàn. Chỉ cần so sánh giữa đồng lương của họ, số tiền họ đóng thuế thu nhập với số tài sản của họ thì sẽ thấy số tiền chênh lệch rất lớn, chắc chắn là do tham nhũng mà có. Ví dụ cách đây vài ba năm, báo chí nói về tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hay nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, hay nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Hải Phòng - Lương Công Nhớ... thì người dân bình thường cũng có thể khẳng định 100% là họ đã tham nhũng, nhưng họ không bị tòa xử tội tham nhũng. Có những trường hợp gây thất thoát rất lớn của nhà nước, ví dụ như Đinh La Thăng hay Vũ Huy Hoàng, tòa toàn xử những tội đâu đâu như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hay cố ý làm trái... chứ chưa xử về tội tham nhũng”.

Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, rất ít người bị chính quyền Việt Nam đem ra xử về tội tham nhũng, có thể đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài vụ tham nhũng ở các cấp rất nhỏ được đem ra xét xử. Ông Trí dẫn chứng:

“Ví dụ như vụ Cô giáo - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Nghệ An, bị xử 5 năm tù vì tham nhũng 45 triệu thì thật sự là trò hề. Hay cán bộ địa chính nhận 50 triệu cũng đem ra xử tù, thì so với những người tôi vừa nêu là trò hề...”.

Cho nên Vũ Minh Trí cho rằng, lời nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng ‘không có cán bộ tham nhũng hạ cánh an toàn’ là hoàn toàn không có giá trị gì. Ngoài ra theo ông Trí, còn có 3 nhân vật chóp bu được cho là vừa hạ cánh an toàn là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Phạm Bình Minh và nguyên Ủy viên Trung ương đảng - Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam. Những người này chỉ được giải thích rằng do phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, về hưu theo nguyện vọng cá nhân…. Ông Trí nói tiếp:

“Bản thân tôi là một công dân bình thường rất muốn họ phải được công khai đã phạm những sai lầm làm gì? Và tốt nhất là phải có những phiên tòa xét xử những người đó, xem có tham ô, tham nhũng không? Không có lý gì ví dụ như Phạm Bình Minh chẳng hạn, phụ trách Bộ Ngoại giao mà ở dưới có ông Thứ trưởng, rồi một loạt Cục trưởng, Đại sứ phạm tội tham nhũng đi tù, mà anh chẳng có liên quan gì, chẳng ăn đồng nào??? Hoặc giả như Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên của Bộ Y tế đến giờ phút này chưa thấy bị kết luận phạm tội gì? Trong khi chỉ một người thư ký của ông Tuyên mà nhận gần 42 tỉ trong vụ chuyến bay giải cứu. Thế cho nên chốt lại, những lời nói của cậu Thưởng hoàn toàn không có giá trị gì”.


(Hình: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.)

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Đà Nẵng hôm 27/4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay và được báo chí nhà nước trích dẫn: “Chúng ta giải quyết tham nhũng lớn nhưng cũng giải quyết cả tham nhũng vặt”. Cũng theo ông Thưởng, làm thất thoát lớn phải giải quyết nghiêm, nhưng tham nhũng vặt cũng phải giải quyết nghiêm.

Nhưng đáng tiếc, theo lời cựu Trung tá Vũ Minh Trí, chỉ những người tham nhũng vặt với số tiền vài chục triệu đồng thì bị xử nghiêm, thậm chí nhận bản án quá nặng.... Còn viên chức phải chịu trách nhiệm khi thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền nhà nước thì được ‘về hưu theo nguyện vọng cá nhân’.

Ngoài những trường hợp ông Vũ Minh Trí vừa nêu, vào năm 2022, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp. HCM, được duyệt cho về hưu sớm trong khi đang bị điều tra về những tố cáo liên quan đến vụ tranh tiền hỗ trợ COVID-19, cũng khiến dư luận bất bình.

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 28/4, nói:

“Trong những năm vừa qua có rất nhiều những nhân vật mà dư luận xã hội và người dân cho rằng cộm cán trong vấn đề tham nhũng. Ví dụ như ông Lê Thanh Hải và cựu Bí thư Thành ủy Tp. HCM và ông Chủ tịch Tp. HCM Lê Hoàng Quân là một cặp. Dư luận cho rằng hai nhân vật này liên quan rất nhiều những vụ án như Tân Hiệp Phát, Vạn Thịnh Phát vừa khởi tố... nhưng trong suốt những năm qua, người dân chờ đợi họ bị xử phạt, nhưng đến giây phút này họ vẫn hạ cánh an toàn. Rồi hai nhân vật ở phía Bắc là Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Văn Bình cả hai người này vi phạm rất nhiều. Ông Hải có nhiều vi phạm vào thời làm Phó Thủ tướng và ông Bình vi phạm rất nhiều khi làm Thống đốc ngân hàng, nhưng hai nhân vật này chỉ bị kỷ luật và hạ cánh an toàn”.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Hải và ông Bình là những người mà dư luận xã hội bất bình, do đó những lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng là hoàn toàn không đúng. Ông Đài nói tiếp:

“Đồng thời ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cũng nói là không có vùng cấm.... Nhưng thực tế đã có rất nhiều những vùng cấm mà ông ta chưa dám đụng đến. Một nhân vật mà ai cũng biết là Tô Lâm, vi phạm rất nhiều từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thành, vụ ăn bò dát vàng, rồi vụ ổng ký hai công văn cho phép mobile phone mua AVG, rồi những vụ liên quan đến sổ thông hành, rồi việc tranh chấp quyền lực với Bộ Giao thông-Vận tải.... Rất nhiều vụ nhưng ông Lâm vẫn là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng”.

Cho nên theo Luật sư Đài, việc những nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng hay Võ Văn Thưởng cho dù tuyên bố là không có vùng cấm, hay có hay không có viên chức nào được hạ cánh an toàn, kể cả về hưu... thì đấy cũng chỉ là những tuyên bố để mị dân.


Công Lý và Báo Chí Phục Vụ... Cách Mạng
(Trân Văn)


(Hình: minh họa.)

-Phản ứng của bà Dung đã làm lộ ra chuyện Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Nghệ An tuyển dụng “chui”, song chính quyền Nghệ An chỉ yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo “rút kinh nghiệm” rồi thôi.

Chỉ tính riêng phản hồi trên hai trang facebook, một của Thái Hạo (1), một của Chau Doan (2) thì số lượt bày tỏ sự bất bình, thậm chí căm phẫn đối việc Tòa án huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phạt bà Lê Thị Dung năm năm tù đã lên tới hàng chục ngàn.

Có những bằng chứng khá rõ ràng cho thấy, bà Dung (52 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện Hưng Nguyên), bị khởi tố, bị truy tố và đầu tuần này bị phạt tù vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không chỉ là oan án mà còn là một vụ trả thù có tổ chức của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống Tư pháp ở Nghệ An.

Năm 2012, bà Dung phản đối việc Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Nghệ An tuyển dụng và điều động một giáo viên dạy Văn đến làm việc tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên của huyện Hưng Nguyên vì nơi này đã đủ giáo viên dạy Văn trong khi đang thiếu giáo viên cho bốn bộ môn khác nhưng Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Nghệ An không đáp ứng.

Phản ứng của bà Dung đã làm lộ ra chuyện Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Nghệ An tuyển dụng “chui” (tuyển dụng dù không có chỉ tiêu, không thông qua Hội đồng xét tuyển, ép cơ sở phải tiếp nhận nhân sự dù không có nhu cầu và hàng loạt vi phạm các quy định hiện hành khác) song chính quyền Nghệ An chỉ yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo “rút kinh nghiệm” rồi thôi. Quyết định tuyển dụng... “chui” dẫu sai nhưng không bị thu hồi.

Kể từ đó, bà Dung bắt đầu điêu đứng…. Bà bị “đồng nghiệp tố cáo”. Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên bị thanh tra, Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên kỷ luật bà Dung bằng hình thức... “khiển trách”. Bà Dung khiếu nại. Tháng 3/2020, chính quyền tỉnh Nghệ An thừa nhận việc “khiển trách” bà Dung là sai và yêu cầu chính quyền huyện Hưng Nguyên “kiểm điểm những cá nhân đã tham mưu việc ra quyết định kỷ luật bà Dung”.

Tuy nhiên Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên không những không thèm đáp ứng mà còn mạnh tay hơn. Ngoài tuyên bố với báo giới: “Sẽ trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên tìm hướng giải quyết”, chính quyền tỉnh Nghệ An không làm gì cả (3). Thế rồi tháng 3/2022 bà Dung bị khởi tố, sau đó bị tống giam, bị truy tố và hôm 24/4/2023 vừa qua bị đưa ra xét xử.

Bà Dung cương quyết không nhận tội vì Quy chế Chi tiêu nội bộ đã được xây dựng minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chánh và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi. Trong quá trình thực hiện, việc thanh toán diễn ra công khai, đúng quy chế này, không có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào xác định Quy chế Chi tiêu nội bộ ở Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên là sai nhưng bà Dung vẫn bị cáo buộc, trong... 10 năm đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hai cho công quỹ 45 triệu (4)!

**
Cần lưu ý, những thông tin vừa kể đều được thu thập thông qua một số tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam – hệ thống xưa giờ vẫn tự nhận là... “báo chí... cách mạng”. Nói cách khác, “báo chí... cách mạng” đã biết rất rõ về những oan khiên mà bà Dung phải gánh chịu trong mười năm qua nhưng phần lớn không bận tâm, những cơ quan ngôn luận thuộc hệ thống truyền thông chính thức có quan tâm và tử tế hơn một chút thì chỉ... phản ánh một phần cuộc đấu tranh của bà Dung cho tới khi bà bị bắt thì im bặt. Lao Động là tờ báo duy nhất đưa tin bà Dung bị phạt tù nhưng không dám nêu chính kiến. Tuổi Trẻ là tờ báo thứ hai nêu thông tin về vụ án này hai ngày sau phiên xử - sau khi dư luận trên mạng xã hội càng lúc càng nóng về trường hợp bà Dung và chỉ dám nhấn ở chỗ “gia đình bà Dung sẽ kháng cáo”.

Một số tình tiết trong vụ án Lê Thị Dung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mới được tường thuật qua mạng xã hội: Kế toán trưởng của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên đã phối hợp với công an huyện để hoàn tất Kết luận Điều tra về bà Dung. Để kết luận điều tra... “chặt chẽ” không gây thắc mắc về việc tại sao Kế toán trưởng có thể rũ bỏ trách nhiệm hình sự dù liên quan trực tiếp tới cái gọi là “chi tiêu sai nguyên tắc”, công an huyện đã sắp xếp cho Kế toán trưởng “tự thú” cách nay chừng một tháng nhưng đổi thời gian thành... năm trước. Tuy nhiên, công an huyện không thể làm thế đối với lãnh đạo Phòng Tài chánh, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước của huyện Hưng Nguyên thành ra việc lờ đi, không đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo hai cơ quan này giờ trở thành công an-kiểm sát-tòa án nhất trí để... “sót người, lọt tội” (5).

Nếu bà Dung thật sự có tội thì cả tính chất lẫn mức độ phạm tội của bà Dung có đến mức phải áp dụng hình thức “biệt giam” suốt từ tháng 3/2022 đến nay? Diễn biến phiên xử bà Dung cho thấy tinh thần của bà không suy sụp nhưng “biệt giam” đã tác động nghiêm trọng tới sức khỏe của bà, cũng vì vậy bà không đủ sức tự bào chữa. Bởi hội đồng xét xử cố gắng ép buộc bà Dung phải lên tiếng thừa nhận... “tội lỗi”, cả hai Luật sư bào chữa cho bà Dung cùng lên tiếng phản đối và cả hai cùng bị chủ tọa phiên xử đuổi ra ngoài, bất kể Bác sĩ do hội đồng xét xử triệu tập đã xác nhận, đúng là bà Dung không đủ sức khỏe - cả huyết áp lẫn tim mạch đều bất thường - để tự bào chữa cho bà (6). Cũng theo những tình tiết mới được bày ra trên mạng xã hội, bà Dung đã phát biểu như thế này trước hội đồng xét xử (7):

Pháp luật là tối thượng và bất khả vi phạm, không ai có quyền đứng trên luật để hành xử và thực thi nhiệm vụ. Trong vụ án này, căn cứ buộc tội tôi không đúng, không có; trình tự thủ tục tố tụng vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng nhưng vẫn buộc tội tôi, là vi phạm, gây oan sai cho tôi. Việc đẩy một người vô tội vào tù là tội ác trời không dung, pháp luật không tha, luật nhân quả không trừ. Tôi đề nghị trả tự do cho tôi và có biện pháp khắc phục oan sai, đồng thời xử phạt nghiêm đối với những người vi phạm pháp luật.

Lẽ ra “báo chí cách mạng” phải là hệ thống đưa những tình tiết ấy tới công chúng. Lẽ ra khi đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà Dung là nạn nhân của một oan án chỉ vì bà không thỏa hiệp với cái xấu, cái sai, “báo chí cách mạng” phải là hệ thống đi đầu trong việc lên tiếng về trường hợp bà Dung nhưng “báo chí cách mạng” lại lặng thinh. Tại sao “oan án” với những tình tiết rất đáng phải bận tâm lại không hấp dẫn bằng chuyện ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu,... ăn gì, đi đâu, chơi với ai, quan hệ với người này vừa nảy nở hoặc vừa đổ vỡ với cá nhân kia?.. Tại sao nạn nhân của một vụ án có nhiều dấu hiệu rõ ràng bị hàm oan, có nhiều dấu hiệu rõ ràng rằng công lý đang bị chà đạp lại không bằng việc các nữ diễn viên phim khiêu dâm của Nhật vừa đến Việt Nam? Tại sao có thể xưng tụng những nữ diễn viên phim khiêu dâm của Nhật là “Thánh nữ” (8) mà không thể dành cho những nạn nhân của cường quyền lời nào? Khi báo chí phải cúc cung phục vụ... “cách mạng” như thế thì nên khen hay nguyền rủa cả “báo chí” lẫn “cách mạng”?

Bắc Cali Tường Trình Một Vài Sinh Hoạt Tưởng Niệm Quốc Hận 2023


Cuối tuần vừa qua, cả miền Bắc Cali chìm trong không khí đau thương, để tưởng Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, với rất nhiều sinh hoạt tưởng niệm, kể từ sau thời gian dịch bệnh, chưa bao giờ nhiều và phong phú như thế. Kính Mời Quý xem, một vài sinh hoạt nổi bật:


Từ: Youtuber quy tran <mtquytran@yahoo.com>


Lễ Giỗ 5 vị Tướng Tuẫn Tiết tổ chức tại History Park SJ  Thứ bảy 29 tháng 4 năm 2023 

https://youtu.be/qwpSMfwp0bI


 Tưởng Niệm 48 năm Quốc Hận 30/4/75 do Ủy Ban ĐHSHCĐ Bắc Cali tổ chức tại Grand Century Mall


https://youtu.be/vw3UV3DwupY

: LHCQN VNCH Bắc Cali thực hiện nghi thức Rước Quốc Kỳ và Chào Cờ Việt Mỹ tại SJ City Hall. 

https://youtu.be/SDwO_LXCrxk


LHCQN VNCH Bắc Cali từ Nhĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

(Chuyển lại đến quý Nt và quý Chiến hữu để thông tin,

Cảm ơn cô Thuỷ và quý anh chị em thiện nguyện. Tho D Le)


https://youtu.be/eSfu3YDCCHo

 VARA tổ chức tưởng niệm Tháng 4 Đen tại SJ City Hall. Video do Vlog Viêm Mai thực Hiện 

https://youtu.be/MnpeWa86Ql8


Không có nhận xét nào: