ANAHEIM, California (NV) – Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vừa tưng bừng kỷ niệm 12 năm thành lập, với nhiều tiết mục thật cuốn hút, đặc biệt là phần đầu với những diễn viên mầm non trong bộ đồ áo bà ba qua điệu múa dễ thương “Xúc Xắc Xúc Xẻ” vui nhộn .Nhóm Thiếu Nhi Hoa Cỏ trình diễn trong ngày CLB Tình Nghệ Sĩ kỷ niệm 12 năm thành lập. (Hình: Văn Lan/Người Việt) Tiếp đến, ca khúc “Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc” sáng tác Cao Minh Hưng, được dùng làm nhạc hiệu mở đầu của câu lạc bộ (CLB) khi mở đầu chương trình hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Ba, tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim, do các thành viên trong Ban Hợp Ca và các em thiếu nhi trong Ban Thiếu Nhi CLB Tình Nghệ Sĩ trình bày.
Em Evelyn trong vai trò MC nói tiếng Việt thật lưu loát, phát âm thật chuẩn xác, giới thiệu màn múa “Việt Nam Hùng Sử Ca” do các em thuộc CLB Thiếu Nhi Tình Nghệ Sĩ trình diễn: “Thầy Cao Minh Hưng đã giúp chúng con ôn lại các giai đoạn lịch sử hào hùng của người dân Việt. Các em thiếu nhi đã làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc từ thời các Vua Hùng dựng nước đến thời Vua Quang Trung giữ nước, với những vũ điệu thật sống động!”
Trong buổi trình diễn, bà Quyên Trần, đại diện Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Tom Umberg, trao bằng tưởng lục cho nhạc sĩ Cao Minh Hưng và Ban Hướng Dẫn Thiếu Nhi, và chuyển lời của ông Umberg chúc mừng 12 năm kỷ niệm thành lập CLB Tình Nghệ Sĩ, khen ngợi, công nhận và cám ơn quý thầy cô đã ra công hướng dẫn, đào tạo cho các em tài năng trẻ.
“Đây là công lao rất lớn của quý thầy cô, không những là đào tạo về âm nhạc mà còn là việc bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt nơi hải ngoại, mang ý nghĩa giáo dục và bảo tồn truyền thống dân tộc,” bà Quyên nói.
Nhóm Thiếu Nhi Hoa Mai trình diễn “Áo Dài Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cũng trong buổi trình diễn, ông Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, trao tặng một bằng vinh danh đặc biệt của Quốc Hội Hoa Kỳ, để vinh danh nhạc sĩ Cao Minh Hưng với những đóng góp của ông cho cộng đồng người Việt khắp nơi trên Hoa Kỳ, cũng như sự đóng góp của CLB Tình Nghệ Sĩ, đặc biệt những năm gần đây qua chương trình Đào Tạo Tài Năng Trẻ cho tương lai.
“Bằng vinh danh này ghi lại những thành quả của nhạc sĩ Cao Minh Hưng sẽ được lưu lại trong văn khố Quốc Hội Hoa Kỳ thứ 117, trở thành một phần lịch sử của Hoa Kỳ, để người Việt thế hệ tương lai có thể thấy được sự đóng góp tích cực của người Mỹ gốc Việt như thế nào,” ông Phong nói.
Cô giáo Quyên Trần, hướng dẫn các em học hát thuộc Ban Thiếu Nhi CLB Tình Nghệ Sĩ, kể gia đình khi còn ở Lake Elsinore, Riverside County, lần đầu cô đưa con xem một chương trình văn nghệ do các phụ huynh trình diễn nhân buổi Lễ Giao Thừa Tết Việt Nam. Sau buổi diễn, con trai cô nói rằng những người trình diễn nói toàn là tiếng của mẹ (tiếng Việt), không phải tiếng của con (tiếng Anh).
“Thấy con mình nói đúng vì nó nghe mà không hiểu gì cả, nếu cứ tiếp tục như vậy thì tiếng Việt và tiếng Anh sẽ là hai ngôn ngữ khác nhau dù đang sống chung trong gia đình. Từ đó tôi nghĩ rằng phải tìm cách chuyển về gần đây để con mình được học tiếng Việt, nếu không thì đến lúc nào đó mình và con sẽ nói hai ngôn ngữ khác nhau. Đó là nguyên nhân chính mà gia đình tôi chuyển về vùng Westminster này,” cô Quyên nói.
Đồng ca “Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc” trong lễ kỷ niệm 12 năm thành lập CLB Tình Nghệ Sĩ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Nhưng muốn con mình hát thì phải biết hát bằng tiếng Việt, thế là tôi đưa con đi học thử tiếng Việt thì thấy dường như con mình không thích hợp! Cuối cùng đưa con đến CLB Tình Nghệ Sĩ thì cháu rất thích hát khi các thầy cô giáo đếm những nhịp điệu bằng tiếng Việt. Bây giờ con tôi đếm nhịp rất giỏi, và trình diễn các điệu múa rất nhịp nhàng,” cô Quyên kể tiếp.
“Ngoài ra khi dạy hát phải đọc lại lời nhạc nhiều lần, vì có những từ mình phải giải thích nhiều lần các em mới hiểu. Có hiểu mới thích, từ đó cháu mới chịu bước vô những buổi học múa hát bằng tiếng Việt. Tôi cũng biết là con nít rất thích quần áo đẹp, nhiều màu sắc rực rỡ, vì thế trong các buổi trình diễn, các em thiếu nhi được mặc trang phục nhiều màu sắc rất đẹp,” cô giáo Quyên Trần kiêm thiết kế trang phục cho các em thiếu nhi, hào hứng kể.
Ông Phạm Gia Đại, tổng thư ký Hội Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An Nam California, nêu ý kiến: “CLB Tình Nghệ Sĩ đã cố gắng bảo tồn duy trì và phát huy những gì thuộc nền văn hóa truyền thống Việt Nam do nhạc sĩ Anh Bằng đề xướng. Văn nghệ cũng là một phần của văn hóa Việt cần phải bảo tồn. Thời gian gần đây CLB Tình Nghệ Sĩ có chiều hướng mới là đào tạo các thế hệ mầm non biết yêu mến nền văn hóa nước nhà. Tôi rất ủng hộ việc làm đầy ý nghĩa và rất cần thiết này, để thế hệ trẻ biết tiếp nối khi thế hệ già chúng tôi sẽ ra đi!”
Bà Annie Kim Phùng, một văn sĩ độc lập, cho hay rất hoan nghênh tôn chỉ của CLB Tình Nghệ Sĩ mà nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Cao Minh Hưng đề xướng và phát triển sau 12 năm.
Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng (phải) nhận bằng vinh danh của Quốc Hội Hoa Kỳ do ông Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal trao tặng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Qua đó thấy được những người điều hành rất tâm huyết trong việc đào tạo các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cho các em học tiếng Việt và trình diễn những bài hát mang tính chất lịch sử, mang tính chất truyền thống Việt Nam. Các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ, biết nói, ca hát được tiếng Việt, trình diễn những bài hát mang tính chất lịch sử, đậm nét tâm hồn Việt Nam, đó là điểm son rất quý, tôi rất khâm phục và ủng hộ,” bà Anie Kim nói.
“Theo tôi gia đình hãy khuyến khích, cổ võ các em tham gia vào những chương trình này, và chính niềm đam mê ham học hỏi của các em về lịch sử và văn hóa nước nhà mới là yếu tố quyết định, giúp các thế hệ trẻ biết tìm về cội nguồn dân tộc, còn môi trường xã hội chỉ là yếu tố phụ mà thôi,” bà nhấn mạnh.
Bà Xuân Mai, thiện nguyện viên từng dạy tiếng Việt cho trẻ em, chia sẻ: “Sự cố gắng của CLB Tình Nghệ Sĩ và nhạc sĩ Cao Minh Hưng qua bao năm nay cho thấy rõ nét của một người rất yêu quê hương đất nước. Để múa những vũ điệu dân tộc tất nhiên các em phải nghe nhạc bằng tiếng Việt, đó cũng là một hình thức gián tiếp dạy tiếng Việt cho các em. Khi nghe nhiều lần chắc chắn các em sẽ hỏi ý nghĩa bài hát là gì, và sẽ được thầy cô giải thích rõ nghĩa, đó lại là khía cạnh văn hóa. Thí dụ những bài đồng dao ‘Thằng Bờm’ hoặc ‘Ông Trăng Xuống Chơi’… được nghe giải thích bằng tiếng Anh suốt tiến trình học hát hoặc múa, các em lại thêm hiểu rõ hơn ‘Ông Trăng,’ ‘Thằng Bờm’ là gì, đó là điều rất tốt.”
“Không những chỉ dạy các em học tiếng Việt ở trường Việt Ngữ, mà còn có thể dạy qua các điệu hò câu hát, nếu nhạc sĩ Cao Minh Hưng tiếp tục công việc này thuần túy bằng hình thức giáo dục, rất đáng khen!” bà Xuân Mai nói.
Tiếp nối chương trình là phần dạ vũ với nhiều nhạc phẩm với sự tham gia sôi nổi của các học viên trong CLB Tình Nghệ Sĩ.
Ban Thiếu Nhi CLB Tình Nghệ Sĩ múa “Việt Nam Hùng Sử Ca” trong dịp kỷ niệm 12 năm thành lập CLB Tình Nghệ Sĩ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trong chặng đường 12 năm qua, những sinh hoạt của CLB Tình Nghệ Sĩ đã để lại trong lòng khán thính giả rất nhiều ấn tượng, nhất là các chương trình sinh hoạt văn hóa xã hội trong cộng đồng. Đặc biệt trong sáu năm vừa qua, chương trình đào tạo và phát triển tài năng trẻ cho các em thiếu nhi là công lao rất lớn của các bậc phụ huynh, các thầy cô trong ban hướng dẫn.
Mười hai năm, một khoảng thời gian chưa đủ dài nhưng cũng không phải là ngắn để CLB Tình Nghệ Sĩ ngày càng khởi sắc với những thành tựu qua việc nâng cao đào tạo tài năng và phát triển, nhất là với các em thiếu nhi. (Văn Lan) [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét