Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Cơn Hồng Thủy - Nắng Lụa Vàng

 Ảnh: quinn-nietfeld-unsplash 
Thanh vừa đi ăn với đám bạn cũ từ hồi trung học, thật là hạnh phúc được gặp lại nhau, ai cũng cười nói hăng say như thuở còn là những thiếu nữ mới lớn! Hình ảnh những nữ sinh mảnh mai, tà áo dài lụa trắng bay khắp sân trường luôn thật đẹp. Ra trường, lập gia đình thời chinh chiến nên đa số bạn bè Thanh có chồng ở trong Quân đội, thuộc đủ mọi binh chủng. Vài người góa chồng rất sớm… Tháng Tư 1975 đất nước đổi chủ, đa số chồng của bạn bè Thanh đều bị đi tù cải tạo. Sau đó người vượt biên, người xuất ngoại diện bảo lãnh, một số đi theo diện HO khi chồng được tha về, một số vẫn còn kẹt lại. Nay kẻ ở Âu châu, người ở Mỹ, kẻ đi Canada, Úc… 
<!>
Thời gian trôi thật nhanh, nay Thanh đã thành một bà già tóc bạc trắng! Thanh nhớ lại cuộc đời trôi nổi của mình: Thanh vẫn nhớ ngày rời Hà Nội di cư vào Nam năm 1954, lúc đó Thanh là một cô bé tám tuổi. Thanh nhớ cảnh phố phường Hà Nội bỗng khác lạ với đồ đạc bán đầy lề đường, cả những bộ bàn ghế quý khảm xà cừ, trạm trổ cầu kỳ. Thanh cùng gia đình đi máy bay vào Nam. Anh Tân đem theo một hộp bi vằn đủ màu, Thanh ôm chặt con búp bê thân thương đã long một mảng tóc. Anh chị em Thanh rất hào hứng với chuyến đi xa, hồi hộp khi lần đầu tiên được đi máy bay, không biết gì về những lo âu của cha mẹ cho tương lai vô định nơi xứ lạ. Vào Nam được hơn 20 năm sống yên ấm, học đại học vài năm, Thanh lập gia đình. Chồng Thanh ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nên hành quân liên miên. Hầu hết các trận đánh lớn anh đều có mặt. Thanh ở nhà vừa nuôi con vừa đi học cho xong, luôn lo âu cầu nguyện cho chồng. Năm 1972, Thanh đi thăm chồng được nghỉ phép ở Huế sau trận chiến thắng Quảng Trị. Thanh không bao giờ quên được cảnh não lòng mỗi lần xe đi qua nhà xác bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Chiến trận ác liệt mới kết thúc, hai bên đều tổn thất nặng nề, phòng lạnh không đủ chỗ nên nhiều chiến sĩ đã hy sinh để trong những túi nylon lớn xếp tràn ra ngoài cửa, bên những cha mẹ vật vã khóc con, những người vợ trẻ rũ xuống bên xác chồng, đàn con dại vẫn tung tăng chạy nhảy, chưa hiểu được nỗi thiệt thòi mất bố. 

Thanh được chồng đưa đi xem Đại lộ Kinh Hoàng, nơi người dân hỗn loạn trốn chạy Cộng sản đi theo các chiến sĩ miền Nam. Con đường còn đầy xe cộ ngổn ngang và đồ đạc vứt bỏ bừa bãi. Mùi tử khí còn vương trong gió Hạ Lào nóng rát. Thanh cũng được thăm xứ Huế yêu kiều bên dòng sông Hương trầm lặng, thăm Tháp Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, cửa Ngọ Môn, cung thành Triều Nguyễn cùng các lăng tẩm vua chúa… Thanh được thưởng thức những món ăn Huế… Thanh còn mang về một kỷ niệm lớn từ xứ Huế, đó là cô gái út Hương Giang rất dễ thương. Vợ chồng Thanh cũng nhiều phen suýt chết. Một lần địch pháo kích sát lều bệnh xá dã chiến khi chồng Thanh đang mổ cho một thương binh. Sức ép của đạn pháo kích làm anh ngã nhào cùng với y tá và thương binh. Rất may không ai bị thương nặng. 

Một lần đang ngồi nghỉ quân ăn trưa, một sĩ quan trẻ bảo chồng Thanh: “Chỗ anh ngồi nắng gắt quá, để em đổi chỗ cho”. Chồng Thanh từ chối nhưng anh ta cứ nhất định lôi anh ra và bảo: “Em sương gió quen rồi, anh thư sinh mới ra trường dễ bệnh, anh cần giữ sức khỏe để lo cho mọi người”. Đổi chỗ xong, anh sĩ quan vừa ngồi được vài phút bỗng gục xuống, một viên đạn từ đâu bay tới xuyên thẳng vào lồng ngực, Anh ta chết tại chỗ! Thật kinh hoàng! Lần khác khi nghỉ quân, đám bạn tụ tập đánh bài, chồng Thanh mệt quá lăn ra giường ngủ. Đám bạn thiếu chân đánh bài gọi mãi anh không chịu dậy. Họ hè nhau khiêng anh ra khỏi giường bắt chơi bài. Anh mắt nhắm mắt mở chơi chưa hết một ván thì bỗng một mảnh đại bác lớn từ trên trần rớt ngay xuống chiếc giường anh mới nằm! 

Có điều lạ là ba anh hay về báo mộng. Ba anh đã mất trước khi anh ra trường. Có lần ba anh báo cho mẹ anh biết, anh đang bị hạn rất nặng và ba phải đi cầu khẩn. Sau đó ba anh cho hay đã xin được rồi và anh sẽ tai qua nạn khỏi. Anh kể lại, hôm đó đang ở đơn vị xa nhà, anh được lệnh phải đi hành quân gấp thay cho một bác sĩ mới bị thương nặng. Anh bay tới Mỹ Tho thì trời đã tối và mưa rất lớn, sương mù dầy đặc, phi công cho biết không thể bay ngay được, bảo anh nằm chờ ở quân y viện Mỹ Tho, bớt mưa sẽ chở đi… Sáng sớm hôm sau khi trực thăng hạ thấp xuống chiến trường, anh thấy xác người nằm la liệt. Đêm trước mới có một cuộc phục kích ác liệt. Hai bên đều thiệt hại nặng nề. Nếu trực thăng đưa anh đi ngay buổi tối, có thể anh đã mất mạng đêm qua. 

Phần Thanh cũng thoát chết mấy lần, Thanh nhớ rõ một kỷ niệm kinh hoàng khi có bầu lần đầu. Năm 1969, Thanh mang bầu khoảng bảy tháng. Hôm đó Thanh ngồi phía sau xe Honda, tay ôm eo chồng. Đi qua một trụ sở cảnh sát ở đường Hiền Vương, Thanh bỗng nghe một tiếng súng bắn rất gần. Chồng Thanh quay lại hỏi: – Em có sao không? Thanh trả lời: – Em không sao. Vừa lúc đó Thanh nhìn thấy sau lưng áo chồng có vết máu đỏ, Thanh la lên: – Trời ơi, anh bị trúng đạn rồi! Chồng Thanh vội dừng xe, quay đầu lại tức giận hỏi người cảnh sát đang cầm súng: – Sao anh bắn tôi? Người cảnh sát luống cuống đáp: – Tôi vô tình… bị cướp cò. Thanh vội vã bảo anh đi nhà thương ngay. Anh bình tĩnh lái xe tới nhà thương. Thanh lo âu chờ đợi khi họ đưa anh vào phòng mổ. Một lúc khá lâu họ đưa anh ra. Vẫn tỉnh táo, anh bảo: “Họ chụp phim kỹ và nói viên đạn chỉ bay sớt qua ngoài da chứ không có đạn trong người”. Khi về nhà thay chiếc áo đầm đang mặc, Thanh mới nhận thấy một điều lạ lùng: Chiếc áo có hai lỗ thủng cách nhau khoảng một gang tay, ngay chỗ lõm giữa bầu ngực và cái bụng bầu! Thật là một sự may mắn kỳ diệu. Viên đạn đã vọt qua giữa hai vợ chồng Thanh, chui qua áo Thanh hai lần mà không xuyên vào người Thanh, cũng không vào cái bụng bầu. Nó chỉ bay sướt da lưng chồng Thanh! 

Khoảng năm 1982, xe xích lô chở Thanh đụng phải một xe Vespa đang phóng nhanh khiến Thanh bị đổ lăn ra đường. Thanh trách anh xích lô: – Thấy xe họ vọt tới sao anh không chịu thắng lại? Anh ta bảo: – Bộ chị nghĩ thắng rẻ lắm sao mà thắng hoài? Tôi tưởng lách kịp! Thanh bị nứt mấy cái xương sườn và phải nằm bẹp cả năm mới bớt đau, may chưa chết! Thật là kinh khủng khi sống trong cái chế độ khiến thắng xe quý hơn mạng người! Sau này Thanh còn thoát chết khi bị cửa garage đổ vào đầu. Hôm đó trời mưa, Thanh vừa bước vào thì cái cửa garage bỗng đổ ập xuống đầu Thanh rồi kéo lên! Thanh đau đớn choáng váng với cục u bằng ngón tay cái giữa đỉnh đầu, đến nhà thương cấp cứu chụp hình, họ nói rất may vết thương chỉ ở ngoài sọ. Cũng may là cửa garage chỉ đứt một dây thôi nên khi rơi xuống dây kia đã kéo lên! Hãng cửa garage cho hay đó tai nạn đầu tiên xảy ra trong hơn 20 năm hoạt động! 

Khi chồng Thanh bị đi tù cải tạo, vợ con ở nhà tai họa liên miên. Lúc đổi tiền: 500 đồng cũ chỉ đổi thành một đồng tiền mới! Tiền còn lại không được tự do lấy ra đã làm Thanh cạn túi. Rồi họ đánh tư sản tiệm thuốc tây, tra hỏi cả tháng đủ điều làm Thanh điên đầu dù không buôn bán gì bất chính! Họ tịch thu tất cả thuốc men, rồi họ đánh thuế siêu ngạch cả nhiều năm trước 1975! Thanh sạt nghiệp từ đó! Việc làm thêm ở Trường Dược cũng mất vì chồng thuộc diện cải tạo, Thanh phải liều theo bạn ra chợ trời buôn bán nuôi đàn con. Thanh hết bán xà bông tới buôn lốp xe đạp. Làm ăn không đủ sống, Thanh phải bán dần đồ đạc trong nhà. Thanh nhớ mãi những lần vất vả đi thăm chồng. Thanh xót xa thấy anh gầy rạc, không còn vẻ hào hùng thuở trước nhưng ánh mắt anh vẫn vững mạnh. Anh nắm chặt tay Thanh chỉ nói được ít câu, nước mắt Thanh đã ràn rụa… 

Túi đồ ăn đem cho chồng, Thanh đã chăm chút cả tháng: Một túi cá khô, hộp ba rọi kho mắm ruốc, nước mắm kho quẹt, đường thẻ, ít gạo, một gói lạp xưởng, vài bộ quần áo, một ít thuốc tây và một gói thuốc lào. Các con không nhận ra bố vì anh gầy và già nhanh quá, da đen sạm. Rồi Thanh tìm được việc làm trong một bệnh viện. Lương mỗi tháng chỉ được vài chục đồng không đủ nuôi con nhưng tạm yên thân với phường khóm. Chồng được về vài năm Thanh tính đường vượt biên. Họ cho trả tiền sau. Nhớ ngày đi vượt biên, Thanh ngơ ngác xuống tỉnh lạ, làn da trắng che dưới cái nón lá rách, đêm nằm co ro dưới trời gió lạnh ôm chặt các con, run lập cập với sàn ghe ngập nước. Chồng thức cả đêm tát nước cho vợ con ngủ. Rồi cả tàu bị bắt, vào phòng giam đầy muỗi đói, may một tuần được thả về vì không đủ gạo cho những đợt vượt biên quá đông! 

Thanh nhớ một ông Thầy bói đã bảo số vợ chồng Thanh không đi chui nhủi được, ra đi phải có người đưa kẻ rước! Thanh không tin nên đi chui mấy lần không thành. Cuối cùng gặp mối đút lót ở Sở Ngoại vụ, được đi theo diện ODP do anh em bảo lãnh! Sang Mỹ vợ chồng Thanh lại khốn khổ vừa đi học lại vừa đi làm toàn thời gian để nuôi đàn con. Cố gắng nhồi nhét bao sách vở khó khăn vào cái đầu già cỗi, tóc đã hai màu tiêu muối! Rồi hai vợ chồng cũng may mắn đỗ được. Việc mới với bằng cấp được lương cao hơn nhưng rất căng thẳng lo âu vì trách nhiệm nhiều mà tiếng Anh chưa rành, nghe không kịp, luôn phải tự học thêm, ráng cầm cự để sống còn nơi xứ người, để đàn con có tương lai tươi sáng hơn… 

Thanh luôn nhớ đến Hạnh, một tình bạn bất ngờ và không lâu dài nhưng thật sâu đậm. Hai đứa quen nhau từ khi vào làm bệnh viện. Thanh luôn nhớ đến đôi mắt tinh nhanh đen tròn như hạt nhãn của Hạnh, với nụ cười lém lỉnh và giọng nói liến thoắng: – Đối với đám cán bộ, muốn được việc, bồ cứ biếu từ từ, lúc đầu chỉ một khúc giò lụa, con vịt quay rồi đồng hồ, máy giặt, sau tôi biếu cả nhẫn vàng… Thân quen rồi họ nhận hết, cái gì họ cũng thiếu, cũng ham, mà sợ mang tiếng, sợ bị kiểm điểm thôi. Thanh chưa kịp biếu xén gì đã bị đề nghị đi theo phái đoàn tiếp quản bệnh viện. Hạnh lúc nào cũng lo làm ăn, trái hẳn Thanh chỉ biết đi làm với đồng lương chết đói. Nhận chỗ làm kho thuốc, Hạnh bảo: – Tôi đã bảo bồ, làm ở Dược phòng hay kho thuốc mới hy vọng có đường kiếm ăn thêm, chứ bồ làm ở khu dịch truyền, tính gặm chai mà ăn hay sao? Lương chết đói phải tính đường khác nữa chứ. – Thế bồ tính làm ăn gì? – Thiếu gì cách, thời nào cũng vẫn có người sống hùng, sống mạnh. Thanh trố mắt ngạc nhiên, đi làm nhà nước suốt ngày mà còn làm ăn gì thêm được đây? Hạnh kể chuyện những áp phe chuyển tiền, giới thiệu mối vượt biên, mối đi chính thức, cách gửi quà gì tốt nhất, loại soie đen nào, thùng thuốc tây số mấy gửi về có lời… Mua và bán ở đâu có giá nhất Hạnh cũng rành hết. Hạnh bảo lời nhất là chuyển tiền. Hạnh biết mấy mối người Tàu còn nhiều vàng muốn chuyển, bị đánh tư sản nhưng họ vẫn giấu được. Họ chôn vàng trong vườn, cất sâu dưới sàn nhà… Mỗi lần chuyển Hạnh kiếm được mấy lạng vàng dễ dàng. Thanh không ngờ thiên hạ làm ăn lắm kiểu thế, Hạnh bảo đi làm để yên thân với phường khóm thôi chứ làm ăn một chuyến bằng mấy năm lương dược sĩ chết đói! 

Đời sống ngày càng khó khăn bà con ở ngoại quốc gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Thấy tương lai bấp bênh, khó sống nhiều người tính đường vượt biên. Vụ vượt biên rầm rộ khiến nhiều người phải lo chuyển tiền. Người giàu thì lo chuyển của ra ngoại quốc trước, người nghèo thì xin thân nhân gửi tiền về lo vượt biên. Những dịch vụ chuyển tiền âm thầm khiến nhiều người như Hạnh hái ra bạc. Một buổi sáng Hạnh bất ngờ bảo Thanh: – Bồ đi vượt biên với tôi không? Tuần tới đi cùng với chủ tàu. Đám này tin cậy lắm. Trả vàng ngay hay trả sau cũng được vì họ tin mình. Thanh trầm tư giọng tiếc nuối: – Chồng mình còn kẹt trong tù cải tạo, mình không đi được đâu. Mấy lần đi hụt lại về, Hạnh kiếm cớ con hay đau ốm xin nghỉ vài ngày, rồi trở lại làm. Hạnh bảo kỳ này họ đi từ Cà Mau. Chuyến này mãi không thấy Hạnh trở lại. Thanh cầu nguyện cho vợ chồng Hạnh đi thoát, thương mấy đứa con nhỏ của Hạnh ốm yếu, lênh đênh giữa biển khơi. Thanh vừa lo âu cho gia đình Hạnh vừa nhớ bạn, hoang mang thẫn thờ làm việc. Rồi Thanh nghĩ chắc giờ này bạn đã tới đảo, tưởng tượng Hạnh và chồng con đang tung tăng sóng nước, chờ đợi một tương lai huy hoàng… 

Thế là hết cảnh cá chậu chim lồng. Đôi mắt hạt nhãn chắc lấp lánh lắm vì sắp gặp lại cha mẹ anh em đang ở Mỹ. Hồi đó chồng Hạnh đang ở trong quân đội nên không dám đi cùng gia đình. Không biết Hạnh có còn nhớ tới người bạn xấu số ở lại, chồng kẹt trong tù cải tạo, tương lai vẫn còn mờ mịt. Một thời gian sau bất ngờ Thanh được tin chuyến tàu Hạnh đi có nhiều người chết vì đói khát, bệnh tật, khi tàu hư lạc vào đảo hoang. Vài người được may mắn cứu thoát kể lại. Gia đình Hạnh cũng chết hết! Thanh bàng hoàng với cái tin bất ngờ đó. Thanh xót xa thương gia đình bạn, thương những người xấu số ngoài biển, nước mắt cứ lặng lẽ tuôn chảy… 

Một người khôn ngoan, lanh lợi như Hạnh, suốt đời gia đình giàu có sống trong nhung lụa, cảnh đời nào cũng tháo vát đứng vững mà cuối cùng kết thúc thật thảm thương! Đời người thật quá mong manh! Bây giờ Thanh đã về hưu sau nhiều năm căng thẳng làm việc, các con cũng đã thành đạt. Ngắm nhìn những đứa cháu nội ngoại lớn dần Thanh thấy thật hạnh phúc nhưng đời mình đã gần tàn… May nhất là vẫn còn người chồng mạng vững, nay đã tóc bạc da mồi vẫn chung thủy kề bên. Thanh ra đời khi Cộng sản mới tràn vào Việt Nam, cuộc đời Thanh cũng lên thác xuống ghềnh, chịu nhiều cảnh khổ đau cùng đồng bào cả nước. Đáng thương nhất là hàng triệu thanh niên trẻ ba miền Việt Nam đã nằm xuống, cũng như mấy chục ngàn các chiến sĩ Đồng minh đã bỏ mình xa nhà… Bao gia đình đau khổ vì mất người thân yêu. Biết bao người đã chết uất ức khi bị Cộng sản đấu tố địa chủ, bao người đã sạt nghiệp khi bị đánh tư sản, những người đối lập, chống đối Cộng sản bị tù đày hay bị giết tàn bạo… Còn hàng trăm ngàn người đã bỏ mình nơi biển cả, trong rừng sâu khi bỏ ra đi tìm Tự Do, Hạnh phúc… 

Cơn hồng thủy năm 2004 ở Indonesia đã làm chết hơn 200 ngàn người nhưng Cơn Hồng Thủy Cộng sản tràn tới Việt Nam đã tàn phá một dân tộc và giết chết hàng triệu người. Thanh chỉ cầu mong trước khi chết được nhìn thấy chế độ Cộng sản biến mất ở Việt Nam và trên thế giới! Thật là một Cơn Hồng Thủy kinh hoàng…

Không có nhận xét nào: