Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

SỐ KHỔ - Nguyễn Thị Thanh Dương


Chị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cách muối cà pháo ăn liền, lại còn minh họa theo một bát cà pháo dầm nước mắm tỏi ớt trông thật ngon lành hấp dẫn. Suốt hai tuần lễ qua chị lấy vacation về phố Bolsa California thăm người nhà, ăn uống thịt thà, tôm cá mỡ màng nên bỗng thèm món ăn nhà quê dân dã này. Chị lái xe ngay ra chợ mua vài pound cà pháo, ăn đổi món và để giảm cân. Sau chuyến đi chơi Cali chị đã tăng 2 pounds.Về nhà chị thực hiện như bạn chỉ, xẻ cà ra, ngâm nước muối cho ra bớt chất độc hại thâm đen. 
<!>

Trong khi chờ đợi cà còn ngâm trong chậu, chị Bông pha sẵn một bát nước mắm tỏi ớt đậm đà. Món này chỉ ăn với cơm trắng cũng đủ ngon nhớ đời. Khi chị vớt cà ra rửa lại để ngâm nước mắm thì anh Bông đi làm về đến. Nhìn thấy chậu cà pháo anh Bông kêu lên:

- Em rước cái món “Một quả cà ba thang thuốc” này về làm gì?

- Em ăn đấy, ai không thích thì thôi, đừng động chạm vào nhau.

- Anh mới hỏi mà em đã đành hanh rồi. Vậy mà em ước ao ở Mỹ có cuộc thi “vợ hiền” hay “Người phụ nữ dịu dàng” để em tham dự thi thố bản năng.

- Ai bảo anh hỏi kiểu “móc lò” làm chi.

Anh Bông vội dịu giọng lấy lòng vợ, cuộc đời anh đã từng trải qua thời đất nước chinh chiến nên bây giờ anh rất sợ “chiến tranh” dù với mụ đàn bà, vợ anh:

- Hình như em còn thích món gì nữa nhỉ? Tự dưng anh quên mất…

Thấy chồng hỏi sở thích, chị Bông vui vẻ nhanh nhẩu:

- Khô cá lù đù.

Và tiếp luôn:

- Mà phải là khô cá lù đù từ Houston nước Mỹ nhé, do ngư dân Việt Nam đánh bắt và chế biến thành cá khô ngay trên tàu nên chất lượng còn tươi ngon. Khô cá đù chiên ăn cơm hay cho mấy ông nhậu lai rai với vài lon bia thì không gì bằng. Anh nhắc làm em nhớ là nhà hết rồi, cuối tuần này đi chợ mua thêm mấy pao…dự trữ.Anh Bông chép miệng, ái ngai kết luận:

- Em quanh năm suốt tháng phải ăn đói, nhịn thèm vì sợ mập, lại chỉ thích những món “cơ hàn”. Số em chắc là “Số khổ”?

- Số khổ !

Chị Bông lập lại và than thở:

- Em mà không nhịn ăn thì người em mập như cái lu mái vú hứng nước mưa ở nhà quê rồi. Chỉ riêng nước Mỹ có biết bao nhiêu người số khổ như em, kể cà các tài tử diễn viên hay các cô người mẫu nổi tiếng, kiếm tiền bạc triệu nhưng ai cũng phải ăn kiêng để giữ gìn sức khỏe và vì lý do thẩm mỹ. Họ phải ăn dĩa sà lách to, ăn trái cây, uống mấy lít nước lã và đi bộ hay tập thể dục cả giờ mỗi ngày, điều ấy có sung sướng gì đâu. Rồi chị khoe:

- Chuyện “số khổ” của em, tuy hình thức “cơ hàn” nhưng nội dung “quý tộc” đấy anh. Cà pháo trắng tươi $2.99 một pound, khô cá đù không rẻ, ở nơi mình $8 một pound, tương đương với giá thịt bò ngon, nhưng hôm em ở phố Bolsa, vào chợ Việt Nam khô cá lù đù giá 9 đồng mấy một pound.

- Dù giá cả thế nào, cà pháo và cá khô vẫn là món nhà nghèo. Đã thế thỉnh thoảng em còn thèm… khoai mì, khoai lang nữa chứ. Tội nghiệp!

- Hai món khoai quê ấy người Việt Nam nào mà không thèm! Bảo đảm trong cuộc đời ai cũng đã ăn qua, cho dù là kẻ bần cố nông hay dân cao cấp lá ngọc cành vàng.

- Nhưng sau 1975 Việt Cộng bắt toàn dân ăn độn khoai mì khoai lang nên anh sợ cho đến hết cuộc đời luôn.

Anh Bông đi vào phòng tắm thay đồ, chị Bông vừa làm cà pháo vừa nhớ lại những ngày vừa qua ở Cali. Bố chị đang sống chung với gia đình người em trai, rồi họ hàng chú, bác, anh chị em họ và bạn bè. Nên hai tuần vẫn chưa thấm vào đâu để chị thăm cho đủ những người thân. Hết người nọ đến nhà kia mời đến nhà chơi, mời đi ăn nhà hàng. Khu Bolsa có nhà hàng nào ngon nổi tiếng là chị được chiêu đãi ngay. Rồi lại tụ họp nhau ở nhà ai đó ăn uống “Pot Luck”, mỗi người mang đến một vài món, ăn đủ thứ ngon đến ngao ngán. Chưa hết, một chị bạn còn hớn hở mang đến tặng chị món chả gìo tôm thịt loại đặc biệt do chính tay chị sản xuất và 2 khay bánh cam lăn mè chiên giòn góp phần làm cho chị thêm béo mập. Ăn xong hai món này chị vừa thích thú vừa “ oán” bạn hiền. Chị đến thăm một chị bạn khác là chị Lan, bạn thân từ khi còn ở Việt Nam, chị Lan cũng như nhiều cư dân Bolsa California nhất định mời chị Bông đi ăn nhà hàng cho đúng phép xã giao khi tiếp bạn bè ở xa. Chị Bông phải hết lời “năn nỉ”:

- Mấy bữa nay tôi ngán nhà hàng lịch sự qúa trời rồi, chị chiêu đãi tôi món… cơm chỉ đi. Nghe tiếng đồn người Việt mình ở Cali có món “cơm chỉ” mà tôi chưa được ăn bao giờ.

Chị Lan ngỡ ngàng nhìn chị Bông, tưởng đang đùa hay thử lòng dạ chị:

- Ai lại thế, bạn bè lâu mới gặp nhau chẳng lẽ để bạn ăn món bình dân bụi đời?

Chị Bông mỉm cười, xác nhận:

- Chị tưởng tôi mát dây hay dở hơi hả? Vì tôi thích mà, để biết thế nào là Bolsa thượng vàng hạ cám.

Thế là chị Lan bất đắc dĩ phải dẫn bạn ra chợ để… chỉ tay mua món ăn nào mình muốn, vừa nhanh vừa rẻ tiền.

Ăn xong chị Lan pha cho chị Bông một ly nước đá chanh tươi, chanh hái ngay trong vườn nhà, chị Bông khen mùi nước chanh thơm mát thì chị Lan nói:

- May qúa, bạn không bắt tôi dẫn ra ngồi uống cà phê giải khát ở vỉa hè, nhìn ông đi qua bà đi lại cho đủ bộ với món cơm chỉ này.

Bữa ăn “Cơm Chỉ” bình dân lại là bữa ngon nhất trong cuộc thăm viếng California của chị Bông. Anh Bông đã tắm xong mát mẻ đi ra. Chị Bông hào hứng nhắc lại:

- Hôm đi Cali em chỉ thích món “cơm chỉ ” rẻ tiền. Canh bầu nấu tôm khô và đậu hũ chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt.

- Anh đã nói số em “số khổ” mà. Ngoài cái chuyện “diet” khổ cực như người ta, em còn nhiều thứ khổ khác. Này nhé, từ ngày đến Mỹ đến giờ vẫn ở căn nhà thuở đầu đời, dù chúng ta có thể mua căn nhà to hơn, đẹp hơn, ra tittle company chỉ mất thời gian làm giấy tờ chưa đến 1 tiếng đồng hồ là xong ngay vì chúng ta trả bằng tiền mặt.

Chị Bông cười cười công nhận:

- Sorry làm anh “khổ” lây, nhưng bản tính em ít khi thay đổi, với lại căn nhà cũ rích cà tàng này là kỷ niệm qúy gía trong những năm đầu tiên vợ chồng mình đến Mỹ, con mình đã lớn lên ở đây, những khổ cực vất vả, những toan tính ước mơ, ôi bao nhiêu là chuyện buồn vui cũng ở đây… nên em chẳng muốn rời xa. Với lại, các con đã đi học xa, chúng mình sẽ càng ngày càng gìa, mua nhà to đẹp ai ở cho hết, mất công anh… hút bụi lau nhà giùm em và làm em… sợ ma thêm chứ ích gì, được tiếng khen thì ho hen kèn cựa.

- Nhưng em cũng thích những căn nhà đẹp lắm mà? Mỗi lần đến nhà ai em đều khen và mơ ước.

- Trong phút giây cao hứng ấy thôi, về nhà mình em lại thấy căn nhà xấu của mình… đẹp nhất, vì một người bạn em đã nói “Căn nhà đẹp nhất là căn nhà trả hết nợ”. Vậy việc gì mình phải dọn đi đâu?

- Có nghĩa là mình cứ ở căn nhà xấu này suốt đời hả em?

Chị Bông vui vẻ:

- Miễn là lòng mình thanh thản. Bản tính chung thủy của em cũng được… một người ghi nhận rồi đấy. Cách đây vài năm khi vợ chồng mình về thăm Việt Nam, em ra chợ, nơi mà ngày xưa sáng nào em cũng xách giỏ đi mua đồ ăn, em thích hàng nào là mua kinh niên ở hàng đó luôn, thí dụ thịt heo của bà Năm, thịt bò bà Sáu, cá tôm bà Bảy vv… còn món hành ngò, tỏi ớt, thì em chuyên mua của một con bé chừng mười mấy tuổi, hàng của nó bày trên một cái mẹt, kê trên một cái thùng không, để dễ dàng “di tản” mỗi khi cảnh sát trật tự ra xua đuổi những kẻ bán hàng trên lòng lề đường. Khi vừa trông thấy em sau hơn 10 năm xa vắng, con bé “hành ngò” ngày xưa, khi ấy đã là một thiếu phụ trẻ, đã nhận ra em ngay và reo lên: “Cô này ngày xưa hay mua hành ngò của em nè”. Làm em bồi hồi cảm động như khi người ta gặp lại tình cũ.

Anh Bông cũng cảm động:

- Sao em không vào trong chợ ra mắt các bà hàng thịt, hàng tôm cá, hàng rau ria của em ngày xưa luôn thể?
- Hôm ấy em bận qúa, chỉ lướt qua ngoài chợ mà thôi. Lần sau nếu về Việt Nam em sẽ thăm các bà ấy. Bảo đảm các bà sẽ nhận ra em vì em không bao giờ đi thẩm mỹ viện nên không thay đổi gì ngoài chuyện tuổi đời gìa theo thời gian.

- Sẵn hôm nay em cởi mở anh liệt kê luôn một “nỗi khổ” nữa của em là chỉ thích đi xe rẻ tiền nhất, không chịu mua xe sang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn….

Chị ngắt lời chồng:

- Tính em đơn gỉan và nhà quê anh ơi, càng văn minh tiện nghi càng…làm khổ những người xớn xác, ba chớp ba nhoáng như em.

Xe thì loại rẻ tiền như Toyota Corolla là đủ rồi việc gì phải mua những loại cao cấp hơn cho rắc rối. Cái gì cũng tự động thêm…phiền. Thà cứ để em quay kính cửa xe bằng tay còn đúng ý hơn bấm nút cái rẹt mà vẫn có lúc cao lúc thấp phải bấm tới bấm lui. Anh Bông ý kiến:

- Ở đời, người ta cũng hay đánh giá người khác qua căn nhà và cái xe.

- Nhưng kẻ giàu người nghèo thì đủ loại tầng lớp, biết đâu là ranh giới? Em “khổ” vậy còn có kẻ khổ hơn. Ở hãng em có một chị Mỹ trắng đi làm bằng cái xe đời tám hoánh nào không biết, thỉnh thoảng lại thấy chị qúa giang ai đó đi làm vì xe hư, cho đến một ngày xe chị phải bán rẻ, bán tống táng đi vì sửa hoài tốn kém qúa. Thế là chị phải thương lượng đi nhờ người khác và trả tiền xăng cho họ trong khi chị để dành tiền mua một cái xe cũ khác.

Anh Bông gật gù:

- Nhiều người khó khăn lắm mới mua trả góp một chiếc xe cũ đấy.

- Bởi thế em chạy xe Toyota Corolla mới tinh dù là loại rẻ tiền trong họ hàng xe nhà nó cũng le lói lắm rồi. Còn những người giàu có cao sang hay người thích bề ngoài, chảnh chọe thì em không chạy theo họ được. Em chỉ sống cho chính mình nếu cảm thấy thoải mái. Cũng như vào mùa hè em không bao giờ xấy quần áo trong máy, mang ra vườn sau phơi, nắng gió làm khô nhanh và thơm tho quần áo một cách tự nhiên, khỏi cần xài giấy “Bounce” đỡ tốn tiền và đỡ tốn điện.

Anh trêu chọc vợ:

- Sống thì đơn giản thế mà toàn là mơ ước cao xa chín tầng mây. Có hai đứa con đều khích lệ, cầu mong chúng học ra bác sĩ, nha sĩ. Nhưng tiếc rằng mộng không thành.

Chị Bông lại tiếc rẻ:

- Vì làm bác sĩ hay nha sĩ trước là sung túc cho bản thân mình và gia đình mình, sau là có cơ hội giúp đỡ những người nghèo khó. Người ta không dễ dàng móc túi ra cho người nghèo một vài trăm đô la, nhưng bác sĩ, nha sĩ có thể khám bệnh miễn phí, hay giảm gía tiền khám bệnh cho người nghèo, cũng là làm điều lành, điều phước thiện.

Anh Bông đồng tình:

- Ừ, đó là hai ngành nghề thuận tiện và có điều kiện để giúp đỡ người khác, còn làm dược sĩ, dù có thương xót cho bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm, không đủ tiền mua thuốc thì ông dược sĩ cũng không thể tự tiện lấy thuốc của cửa hàng mà cho không biếu không họ được.

- Vậy mà có vài bác sĩ vô lương tâm, lòng tham không đáy, chỉ biết vơ vét tiền làm giàu chẳng cần thương xót ai. Thậm chí bệnh nhân không đáng tái khám cũng hẹn tái khám để được charge tiền hãng bảo hiểm. Đã giàu rồi càng muốn giàu thêm.

Anh Bông phụ họa:

- Ngay cả mấy ông thợ sửa xe hơi hay sửa điện lạnh vào mùa hè cũng kiếm cớ chém đẹp, có ít thì xít ra nhiều kìa.

Chị Bông tiếp:

- Còn chuyện hai con mình không học được nghề bác sĩ, nha sĩ, nếu con làm thợ sửa xe hơi, sửa điện lạnh trong nhà, em cũng sẽ khuyên con sống cho trung thực, làm việc đúng lương tâm, lấy tiền đúng với khả năng công sức của mình chứ đừng gian dối tham lam là thất đức lắm. Mình gian tham qua mặt khách hàng, dù họ không biết nhưng trời đất biết và lương tâm mình biết.

Rồi chị Bông kết luận:
- Thôi nhé, mình chuẩn bị ăn cơm đi, người vợ “số khổ” của anh sẽ ăn cơm với rau muống luộc, cà pháo ngâm nước mắm để “thanh toán” 2 pounds dư thừa từ Calif. mang về. Còn anh, có món cá Thu rim mà anh ưa thích đây.

- Cám ơn em đã biết mọi ý…đồ, sở thích của anh.

Chị Bông đi ra bếp dọn cơm và nói:

- Chúng ta sống ở Mỹ thì cứ ăn các món đánh bắt ở Mỹ cho chắc ăn anh ạ, như cá Trout, cá Hồi, cá lù đù, cá Thu, tôm khô v..v.. vừa tươi tốt, không độc hại như một số cá nhập khẩu từ China hay Việt Nam vừa ủng hộ ngư dân ở Mỹ, như mình đã ăn gạo Louisiana trồng tại Mỹ để ủng hộ nhà nông Mỹ, kinh tế Mỹ.

- Hoan hô em, ăn cây nào rào cây nấy.

Chị Bông hào hứng nói thêm:

- Mỹ mà sản xuất ra…nước mắm, mắm tôm em cũng mua luôn vì “Made in USA” là em tín nhiệm liền.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Không có nhận xét nào: