Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Tình Yêu Theo Bước Thời Gian:Trong Thơ Tôn Thất Phú Sĩ - Hoàng Yến - WA


Tôi không nhớ nhà văn nào đã viết: Một năm bắt đầu bằng mùa Xuân. Cuộc đời một người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi muốn đọc THƠ Tôn Thất Phú Sĩ lần nữa để thấy thời tiết bốn mùa xoay chuyển trong thơ anh và tình yêu theo bước thời gian bền bĩ là chừng nào. Thật thế! Nếu suốt mười hai tháng chỉ là mùa Hạ để nghe nhạc ve sầu rỉ rả trong sương đêm.Tiếng cuốc kêu não nùng mỗi trưa thanh vắng. Hay chỉ thấy ngày nắng oi nồng và sắc màu đỏ rực của cành hoa phượng vĩ khi học trò lưu luyến nhau lúc tạm chia tay. 
<!>
Như thi sĩ viết:
Anh thương em giữa sân trường mùa Hạ,
Đến bây giờ phượng vĩ vẫn long đong.
Có một chút dỗi hờn trong xa cách, Ngồi suy tư chuyện mưa nắng, vui buồn:
Anh dang tay hứng cơn mưa đầu Hạ,
Gửi cho em không thiếu một giọt nào,
Em bây chừ hẳn đang vui màu nắng,
Anh ngồi đây đếm từng giọt mưa buồn.

Mối tình thơ bao giờ cũng đẹp, cũng trong trắng, tuyệt vời. Dù bước thời gian không dừng lại. Dù con người có trăm năm trăm tuổi. Hình ảnh ngày xưa đâu thể phai mờ:

Chỉ một lần thương cũng đủ rồi,
Nhịp tim rung động một lần thôi,
Chùm thơ kết thành chùm phượng vĩ,
Đỏ thắm trong ta suốt một đời.

Tiếng ve sầu, hoa phượng đỏ, tuổi ngọc ngà vẫn theo đuổi thi nhân dù ngày nay sống tha phương khi quê nhà xa lơ xa lắc:

Thiếu tiếng ve sầu trong trời Hạ,
Mơ hồ đâu đó một thời qua,
Nhớ nhung về chốn xa ngàn dặm,
Xác phượng rơi trong tuổi ngọc ngà.

Còn đây mùa Thu với bầu trời xanh lơ. Gió Thu nhẹ. Lá Thu vàng. Mây Thu bàng bạc. Những giọt mưa Thu xao động lòng thi sĩ. Hay những chiều Thu vắng đi trong nắng hoàng hôn của đôi tình nhân hò hẹn:

Rồi ta về tuốt tận cà Mau,
Bắt con cá lóc nấu canh bầu,
Thương em từ lúc chiều chưa xuống,
Anh đứng thẩn thờ trên bãi dâu.
Tôi thích nhất hai câu nầy:
Thương em từ lúc chiều chưa xuống,
Anh đứng thẩn thờ trên bãi dâu.

Và cả đoạn thơ đó làm cho tôi quá ngạc nhiên. Một người xuất thân từ dòng dõi Hoàng tộc. Lại biết con cá lóc. Lại biết ăn canh bầu. Hai câu thơ rất gợi hình. Giọng một chàng trai quê mùa yêu cô thôn nữ vườn dâu. Yêu đắm say đến nỗi thẩn thờ khi chờ đợi. Dáng đứng thẩn thờ ở một nơi heo hút của vùng đất Cà Mau. Nơi mà “muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tựa bánh canh”. Đâu phải là một Sĩ Quan Hải Quân yêu.
Thật là kỳ thú!

Hãy nhìn: Kia mùa Thu đến!
Mùa Thu vội vã đến,
Dù Hè vẫn chưa đi,
Trăng vẫn tròn cõi mộng,
Nắng vẫn còn lênh đênh.
Mùa Thu mãi mãi là mùa của mộng mơ và thương nhớ:
Em vẫn là em mùa Thu trước,
Mượt mà, tha thướt, tóc mây che,
Đất trời ghen với tình ta đó,
Đổ lá thu rơi ngập lối về.

Từ bao đời mùa Thu là mùa của tình yêu êm đềm, của một lúc lãng quên. Thi nhân nhìn lá đổ chiều Thu mà nhớ người yêu cũ. Vì không phải cuộc tình nào cũng trọn vẹn về sau. Còn gì buồn hơn khi người yêu đi lấy chồng:
Anh là lá mục ngậm ngùi,
Xa cành từ độ em vui pháo hồng.
Như con chim lẻ bạn lửng lờ bay. Lòng thi nhân cũng rối rắm, buồn bã, đớn đau nên thú nhận:
Lòng đau, đau đến tận cùng,
Giang tay vịn nỗi nhớ nhung tìm về.
Rồi theo thời gian phôi pha. Tuổi hoa niên với những mối tình đơn phương, vu vơ, vụng dại cũng đi vào quên lãng nhường chỗ cho một tình yêu dào dạt, bao la như đại dương:

Chim Hải Âu đưa lối,
Sao Bắc đẩu dẫn đường,
Bên em và bên biển,
Bên nào cũng vấn vương.
Đó là một tình yêu rất trưởng thành và thi vị:
Anh yêu em như anh yêu biển.
Biển trong hồn và em ở trong tim,
Anh thương em như anh thương biển.
Em trong đời và biển ở trong thơ.
Còn giữa mùa Đông:

Rất lãng mạn. Rất thơ là khi hai người yêu nhau đi trong khoảng không gian chập choạng bóng đêm về. Một sự tĩnh lặng cần thiết của khoảnh khắc mà vô tận:

Mùa Đông này,
Anh còn nhớ không?
Những con đường ngày đó,
Chúng mình từng ngày lang thang đếm bước,
Tay trong tay
Sương rơi trên mái tóc,
Mưa ướt hàng mi cong,
Gió nhẹ vân vê tà áo,
Dòng sông vắng con đò ngang đưa khách,
Màn đêm lầm lũi đi về.
Để rồi:
Chia tay không rượu tiễn,
Lòng vẫn ngất ngây say.
Rất thực!
Để từ đó còn nhiều điều mơ ước,
Mùa Đông nầy tuyết phủ kín đồi thông,
Đêm Paris, đêm Giáng sinh hy vọng,
Xin nguyện cầu Quê Mẹ sớm yên vui.

Nếu một năm chỉ có Hạ,Thu, Đông. Chắc hẳn đời chưa đủ đẹp. Vì thiên nhiên chỉ có ba mùa. Thượng Đế đã vẽ một mùa Xuân với đất trời rất mới. Ngọn gió khẻ khàng, mơn man, mơn man cho lòng người cảm thấy dịu êm. Nắng mới đủ cho giọt sương tan buổi sớm. Cho hoa hướng dương vàng rực đến giữa trưa và cho cánh én chiều Xuân nhẹ nhàng bay về tổ. Những tà áo mới làm cho trẻ thơ khúc khích cười và cô thiếu nữ càng thẹn thùng e ấp.

Mùa Xuân muộn bước vào đời rất khẻ,
Vài lá xanh nẩy lộc tự bao giờ.
Nhà thơ nhìn trời đất buổi giao mùa lòng tự hỏi:
Mùa Xuân năm ngoái trong như ngọc,
Mùa Xuân nầy sao thấy bâng khuâng.

Nhớ năm nào: Có những người lính đã đón Xuân giữa chiến trường hay tiền đồn heo hút. Có những người lính đón Xuân lúc bay cao vút giữa trời mây. Chúng ta hãy đọc tâm sự người lính biển cùng Nàng Xuân nơi hải đảo xa xôi:

Tàu trôi hững hờ theo chân nước,
Bãi cát trắng phau rũ bóng dừa,
Vách đá cheo leo hồn cô tịch,
Xuân về hải đảo mộng đong đưa….
Nhất là Xuân trên miền đất lạ. Nói sao cho hết nỗi nhớ nước, thương nhà:
Xuân 75 hay là mùa Xuân chết,
Hơn 30 năm rồi Xuân không có trong tôi.
Khi ấy nhà thơ khóc:
Nhớ những mùa Xuân xa thật xa,
Hương Xuân man mác tận quê nhà,
Đem theo nhung nhớ và nhung nhớ,
Trút xuống hồn tôi mắt lệ nhoà.

Hơn lúc nào hết, nhà thơ muốn một lần đi thật xa, xa vùng thực tại ngõ hầu có được những phút giây yên tịnh cho tâm hồn:

Em biết không chiều nay mình anh trên đường vắng.
Những sợi tuyết rơi về một phía.
Gió lạnh ngược chiều khắc khoải bờ sông Seine.
Anh muốn đi vào một vùng xa lắc,
Nơi cỏ xanh phủ kín tận chân trời.
Nơi có hàng cây kiềng kiềng trăm năm tuổi.
Để thấy mình già cỗi bởi si mê.
Đẹp làm sao một tình yêu keo sơn gắn bó! Tình Trăm Năm:
Tình vợ chồng chung thủy,
Yêu thương đến trăm năm,
Tình yêu đẹp tuyệt diệu,
Gìn giữ đến ngàn sau.
Mặc dù, có lúc:
Trăm năm anh theo biển.
Trăm năm em theo anh,
Biển dỗi hờn dậy sóng.
Em dỗi hờn lặng thinh.

Tình Yêu Tổ Quốc Quê Hương là đây- Nhà thơ nhớ Huế:

Dòng sông Seine hai ngã,
Tôi chơi vơi đi tìm,
Ngã nào về Gia Hội,
Ngã nào về Đông Ba.
Cũng nhớ về Đà Nẵng thân thương:
Con đò đưa khách sang ngang,
Ráng chiều rực rỡ nhuộm vàng nước non,
Ta về một tấm lòng son,
Ngọn cờ Tổ Quốc cao hơn Ngũ Hành.

Dù cho cách xa Quê Mẹ bao nhiêu lâu đi nữa. Sắc áo, màu cờ vẫn khác sâu vào tâm khảm của mỗi quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà:

Lòng tôi vẫn nhung nhớ,
Đời tôi vẫn bơ vơ,
Quê tôi chừ đâu nhỉ.
Mơ về dưới bóng cờ.
Với lời nguyện cầu:
Xin ban cho Việt Nam một mùa Xuân đoàn tụ,
Tay trong tay xoá hết nỗi mong chờ.

Đó không đơn thuần là nỗi mong chờ của tình yêu nam nữ, của anh em, của cha mẹ và con cái mà là nỗi mong chờ ngày Tổ Quốc Việt Nam mừng quang phục. Một ngày Quê Mẹ được hồi sinh.

Vị Sĩ Quan Hải Quân ngày xưa ấy còn có nhiều những vần thơ trẻ trung, có một trái tim rung động trước thiên nhiên và vẫn còn một bầu nhiệt huyết. Vẫn còn yêu đại dương sâu thẳm mà một thời người đã hết lòng dâng cả đời trai:

Bây giờ cho đến ngàn sau,
Làm viên sỏi nhỏ nằm sâu giữa dòng,
Không chờ, không đợi, không mong,
Cõi lòng khép kín trong lòng đại dương.

Khép lại trang THƠ tôi hiểu: Trong anh còn biết bao tình. Tình yêu Tổ Quốc Việt Nam. Tình yêu gia đình. Tình yêu vợ chồng. Tình bằng hữu. Tình cha con. Tình yêu biển cả mênh mông chí trai chưa trọn. Nhưng làm sao mà theo kịp bước thời gian?

Hoàng Yến - WA

Không có nhận xét nào: