Tổng thống Belarus, Vladimir Lukachenko tham dự cuộc tập trận Nga - Belarus Zapad-2021 (12/09/2021). Một phần cuộc tập trận với sự tham gia của 200.000 binh sĩ diễn ra trên lãnh thổ Belarus, từ ngày 10-15/09/2022. AP - Trọng Thành Cuộc tấn công Ukraina của Nga khởi sự từ ngày 24/02/2022 bước sang tháng thứ hai. Ngày 25/03, quân đội Nga thông báo kết thúc giai đoạn một, để chuyển sang tập trung vào khu vực Donbass miền đông. Trong bối cảnh cuộc chiến có triển vọng kéo dài, Matxcơva không từ bỏ tham vọng dùng sức mạnh quân sự để buộc Kiev chấp nhận các đòi hỏi của Nga, khả năng tham chiến của Belarus - đồng minh chủ yếu của Nga – đang là một dấu hỏi.
Chính quyền Lukachenko có khả năng đưa quân tấn công Ukraina để hỗ trợ ông Putin hay không ? Vì sao quân Belarus chưa đưa quân tham chiến ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
1/ Quân đội Belarus có khả năng tấn công Ukraina hay không ?
Cách đây ít hôm, nhiều thông tin từ đối lập Belarus, từ chính quyền Ukraina, và giới chức an ninh, quân sự Mỹ, NATO, cho rằng Belarus có khả năng đưa quân vào Ukraina trong thời gian tới. Về vấn đề này, báo Le Monde ngày 23/03/2022 có bài
tổng hợp đáng chú ý, mang tựa đề « Tại sao Belarus chưa triển khai quân tại Ukraina ? ». Bài viết dẫn lời lãnh đạo đối lập Belarus, bà Svetlana Tsikhanovskaïa, hiện đang tị nạn tại Litva hôm 22/03, cho biết « nhiều đơn vị Belarus có khả năng xâm nhập Ukraina ». Trước đó, ngày 19/03, thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina, Oleksiy Danilov, nhấn mạnh tổng thống Nga Vladimir Putin đang có ý định « buộc » chính quyền Minsk đưa quân tấn công Ukraina.
Khả năng Minsk đưa quân sang Ukraina « ngày càng trở nên hiện hữu », theo nhiều giới chức quân sự và an ninh NATO, được đài CNN Hoa Kỳ dẫn lại hôm 22/03, trong bối cảnh quân Nga « bị sa lầy » trước sức kháng cự mạnh của quân đội và các lực lượng kháng chiến Ukraina, điện Kremlin thể hiện rõ ý định mời nhiều lực lượng bên ngoài hỗ trợ (người Syria, người thuộc các vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở Gruzia…).
Theo Le Monde, khả năng chính quyền của tổng thống Vladimir Lukachenko mở một mặt trận tại vùng tây bắc của Ukraina có thể góp phần « đảo ngược » xu thế trên chiến trường hiện nay, đang có phần bất lợi cho quân đội Nga. Kênh truyền thông Ả Rập Al Jazeera dẫn lời cựu phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraina, ông Ihor Romanenko, theo đó, Belarus có thể huy động từ 10 đến 15 tiểu đoàn, với quân số 800 binh sĩ một tiểu đoàn. Al Jazeera cũng dẫn một chuyên gia về Nga, ông Nikolay Mitrokhin, làm việc tại Đại học Bremen (Đức) cho biết quân Belarus có khả năng tấn công ba thành phố lớn miền tây Ukraina, để trực tiếp cắt đứt nguồn viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina, chủ yếu được chuyển từ Ba Lan.
Về các mục tiêu ở miền tây Ukraina có thể bị tấn công, báo chí Pháp dẫn lại thông tin từ báo chí địa phương Ukraina (tờ Vechirniy Kyiv): theo tướng an ninh Ukraina Viktor Yagun (thuộc SBU), ba mục tiêu của Belarus sẽ là Volodymyrets (vùng Rivne), Kovel và Lutsk. Đây là các thành phố án ngữ « tuyến vận chuyển vũ khí từ phương Tây ». Còn với chuyên gia về Nga Nikolay Mitrokhin, đại học Bremen, ba thành phố Ukraina có thể bị tấn công là Lviv, Kovel, và Lutsk.
CNN dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của NATO cho biết Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cho rằng chính quyền Minsk « đang chuẩn bị các điều kiện để biện minh cho một cuộc tấn công chống lại Ukraina ». Theo quan chức quân sự NATO, quyết định cuối cùng về việc tham chiến của Belarus sẽ được đưa ra tại Matxcơva. Từ đầu cuộc xâm lăng Nga, tổng thống Belarus giữ thái độ nước đôi trước khả năng đưa quân, khi thì khẳng định không tham chiến, khi thì nói sẽ đưa quân.
2/ Áp lực buộc Belarus tham chiến từ phía Nga ra sao ?
Theo Le Monde, hiện tại chưa có gì có thể khẳng định chắc chắn là điện Kremlin thúc giục chế độ Lukachenko trực tiếp tham chiến. Tuy nhiên, trong quan hệ song phương Nga- Belarus, hàng loạt yếu tố cho thấy, chính quyền Minsk đang được đặt vào thế phải sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của ông chủ điện Kremlin.
Thứ nhất là chính quyền Lukachenko đứng trước áp lực trả nợ Matxcơva, đã chống lưng về chính trị và kinh tế, để chế độ này vượt qua cơn sóng gió tiếp tục tồn tại, trong bối cảnh bị phản đối dữ dội trong nước, đặc biệt sau cuộc bầu cử tổng thống 2020, bị lên án « gian lận » làm đảo ngược kết quả bầu cử. Thứ hai là quân đội Belarus đang từng bước « hợp nhất » với quân đội Nga, Minsk cũng vừa sửa đổi Hiến pháp, cho phép Nga đưa vũ khí hạt nhân bố trí tại lãnh thổ nước này.
Le Monde dẫn lời chuyên gia quân sự độc lập Alexandre Alesin, người Belarus, theo đó, chính quyền Belarus hiện nay đã được đặt trong thế phải chiến đấu cùng với quân đội Nga, « nếu một trong hai nước bị tấn công ». Nếu trường hợp này được coi là xảy ra, các lực lượng lục quân và đặc nhiệm Belarus sẽ được điều động dưới quyền của bộ chỉ huy hỗn hợp chiến lược miền Tây của Nga. Chuyên gia Heloise Fayet, làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), trong một cuộc trả lời phỏng vấn Le Figaro, cuối tháng 2/2022, cho biết Nga và Belarus đang xây dựng « một học thuyết quân sự chung, hiện chưa được công khai ».
Trước mắt, « theo một số luật mới được thông qua với áp lực của Nga » (chuyên gia Alexandre Alesin), binh sĩ Belarus có thể « tình nguyện » tham gia vào các hoạt động « bên ngoài lãnh thổ », như điều đã từng xảy ra với chiến dịch « gìn giữ hòa bình » do Matxcơva tiến hành để hậu thuẫn chính quyền Kazakhstan hồi tháng Giêng 2022, trong bối cảnh bạo động bùng lên tại quốc gia Trung Á này.
Trên thực tế, Le Monde cho biết, lực lượng quân đội Belarus vốn tập trung chủ yếu tại vùng biên giới với Ba Lan và các nước Baltic, nhưng một số đơn vị đã bắt đầu được triển khai tại vùng giáp Ukraina.
Cách nay nửa tháng, chính quyền Kiev đã tố cáo việc máy bay Nga – giả mạo là của quân đội Ukraina - tấn công một số địa điểm ở Belarus, để tạo cớ cho Minsk đưa quân tham gia cuộc chiến tranh chống Ukraina. Theo thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina, Oleksiy Danilov, các lực lượng an ninh Nga cũng đã cố gắng « thuyết phục Belarus cho lính mang quân phục Nga » tham chiến tại Ukraina. Tình báo Ukraina, được báo chí địa phương dẫn lời, cho biết Matxcơva hứa hẹn trả lương 1.000 đến 1.500 đôla/tháng cho một quân nhân tình nguyện, hoặc hứa cho theo học đại học ở Nga.
3/ Vì sao việc tham chiến chưa xảy ra ?
Hai lý do chính được báo chí Pháp nêu bật. Thứ nhất là sự phản đối ngày càng mạnh mẽ trong nội bộ xã hội Belarus, và thứ hai là quân đội Belarus không có đủ năng lực chiến đấu, cũng như không có tinh thần chiến đấu trong một cuộc chiến mà đa số dân chúng cảm thấy là phi nghĩa. Về điểm thứ nhất, Le Monde dẫn lại kết quả thăm dò dư luận qua mạng tại Belarus, của Trung tâm nghiên cứu Chatham House, theo đó, tỉ lệ dân Belarus ủng hộ quân đội tham gia chiến tranh sụt giảm rất mạnh, chỉ là 3% hiện nay (giữa tháng 3), so với 12% hồi tháng 1/2022. Theo nhà phân tích chính trị Artyom Shraibman, « hoàn toàn không có sự hưởng ứng đối với việc tham chiến trong bất cứ tầng lớp xã hội nào, kể cả đối với các nhóm ủng hộ chế độ, và thậm chí trong nội bộ quân đội ».
Đối với nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaïa, được coi là người thắng cuộc trong cuộc bầu cử « bị tước đoạt » năm 2020, chính giới tướng lĩnh Belarus cũng không ủng hộ đưa quân sang Ukraina. Bởi ủng hộ ông Lukachenko bất chấp gian lận bầu cử là một chuyện, nhưng tham chiến là chuyện khác. Với hành động này, các thủ phạm gây tội ác sẽ dễ dàng bị truy tố ra tòa án quốc tế ở La Haye.
Về lý do thứ hai, theo một số chuyên gia quân sự, quân đội Belarus chưa trải qua trận mạc thực sự, khác hẳn với quân đội Nga, với kinh nghiệm chiến trường tại Gruzia hay Syria. Chuyên gia quân sự người Belarus, Alexandre Alesin, nhận định : nếu can thiệp trực tiếp, quân đội Belarus cũng không có khả năng mang lại một « đóng góp quyết định » đối với cuộc chiến. Phần lớn binh lực của Belarus
– gồm 45.000 quân – vẫn phải tập trung vào các vùng biên giới với các quốc gia NATO, phần có thể huy động tấn công miền tây Ukraina chỉ ở mức 6.000 binh sĩ. Một cố vấn của bộ Nội Vụ Ukraina, Anton Herashchenko, tỏ ra rất hoài nghi về khả năng này : « nếu (chính quyền Lukachenko) thực sự muốn tham chiến, thì đã phải đưa quân vào Ukraina cách nay hai tuần ».
4/ Nếu tổng thống Belarus vẫn quyết định đưa quân đánh Ukraina trong thời gian tới, tình hình sẽ ra sao ? Hiện chưa đưa quân vào Ukraina, chính quyền Belarus đã đang ở trong vị thế của bên tiếp tay cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga, cuộc chiến đang bị cộng đồng quốc tế lên án. Chính quyền Lukachenko đã cung cấp các căn cứ, để mở biên giới cho Nga tấn công Ukraina. Khối bảy cường quốc kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) họp hôm 23/03, bảo đảm là sẽ tiếp tục nỗ lực để tổng thống Nga, và những người hậu thuẫn ông Putin, trong đó tổng thống Belarus Lukachenko phải « trả giá » về cuộc xâm lăng Ukraina, đã khiến hàng ngàn người chết, người bị thương, hàng triệu người phải tị nạn, rất nhiều thành phố, làng mạc, cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina bị phá hủy.
Theo một nguồn tin từ phía đối lập Belarus, được CNN dẫn lời, việc Lukachenko liều lĩnh đưa quân vượt biên giới, « điều này sẽ ít có ý nghĩa về mặt quân sự hơn là về mặt địa chính trị, với những tác động của việc có thêm một quốc gia khác tham chiến ».
Cuộc can thiệp tại miền tây Ukraina có thể có tăng nguy cơ đụng độ giữa Belarus và khối NATO. Riêng về nội bộ Belarus, việc Lukachenko đưa quân vào Ukraina có thể khiến chính chế độ Lukachenko gặp nhiều khó khăn hơn.
Chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean cảnh báo : số phận Belarus ngày càng gắn chặt với Ukraina. Một cuộc can thiệp vào nước láng giềng có thể dẫn đến một « mùa xuân Belarus », tức một cuộc nổi dậy lớn của dân chúng. Các nỗ lực đòi dân chủ của dân Belarus hiện đang bị đàn áp mạnh, nhưng « trong trường hợp Nga suy yếu, mọi kịch bản đều có thể xảy ra ở Belarus ».
Truyền thông Pháp cho biết đã xuất hiện nhiều người tình nguyện Belarus tham gia lực lượng kháng chiến Ukraina, chống quân xâm lược Nga. Vào thời điểm chiến tranh mới bùng nổ, nhiều nhân chứng cho biết, hệ thống đường sắt Belarus đã bị chính người dân nước này phá hoại, để ngăn chặn Matxcơva đưa quân đội và trang thiết bị chiến tranh vào Ukraina.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét