Tôi sẽ viết gì về anh Phạm Phú Nam?
(Tôi ghi tạm biệt vì ở tuổi 90 mình sẽ sớm gặp lại nhau)
Sau 1975 tôi quen biết các bằng hữu của Tổng cục CTCT tiếp tục công tác hải ngoại. Các bạn Văn Quang, Huy Phương, Phan Lạc Phúc lần lượt ra di... Và bây giờ là chuyện “Đời anh linh thủy VNCH tình cờ và tình nguyện làm công tác chiến tranh chính trị tại hải ngoại”. Mấy tháng qua, anh Phạm Phú Nam đã gặp nhiều khó khăn về thể chất. Trải qua kỳ Covid và thoát chết thực là may mắn kỳ lạ. Là người thân thuộc làm việc chung 30 năm, tôi chưa kịp lo buồn khi anh nằm nhà thương thì đã có tin vui khi anh thoát nạn. Nhưng tiếp theo lại được tin Nam bị đau đến nỗi phải đi nạng. Hy vọng rồi cũng sớm qua khỏi.
<!>
Mới ngoài 60, thân thể tráng kiện và tinh thần rất vững. Mọi trở ngại rồi cũng vượt qua. Đầu tháng 3 tôi nhờ anh Nam làm MC cho chương trình giới thiệu đặc biệt tại Việt Museum. Nhân dịp quý vị thân hữu mừng 16 năm Viet Museum dọn vào San Jose History Park đã ghi dấu kỷ niệm bác Giao Chỉ 90 tuổi. Ôi tuổi già thấy đại thọ mà sợ chết khiếp. Vui mừng không nổi. Nhưng anh MC Phạm Phú Nam cậy mình biết rõ cuộc đời ông già nên đã nói về chúng tôi quá nhiều. Toàn chuyện tốt đẹp hay ho. Không hề nhắc gì đến chuyện sai lầm hay phiền phức.
Nhưng tuần qua tin rất đáng ngại đã đến với anh Nam. Anh cho biết là mắt bị mờ và đi khám các chuyên viên xuất sắc nhất của y khoa Hoa Kỳ cho biết nguyên nhân từ trên đầu và anh sẽ phải tạm nghỉ để theo chương trình điều trị.
Dù anh là bệnh nhân can đảm, bình tĩnh chuẩn bị đương đầu với định mệnh, nhưng chúng tôi và những người thân bên anh không thể bình tâm chia xẻ được hoàn cảnh hết sức đau thương này. Cũng sẽ cố mà theo tinh thần của bệnh nhân.
Xin nhắc lại chuyện cũ. Tôi còn nhớ được Phạm Phú Nam mời đến một lần khi anh tổ chức giới thiệu tạp chí Thị Trường Tự Do trong giai đoạn vinh quang nhất. Anh có khả năng giao thiệp và thành công với một tạp chí hết sức tân kỳ và phong phú. Nhưng sau đó tôi không rõ chuyện tiếp theo. Một hôm Nam ghé thăm và tạm coi là đang thất nghiệp. Tôi mời anh đến ngồi trong văn phòng và tự do xây dựng lại giấc mơ. Bỗng có dịp may cơ quan IRCC được County giao phó một chương trình dạy nghề và tìm công việc cho các gia đình Mễ và Việt đang hưởng trợ cấp. Dự án lên hàng triệu Mỹ kim kéo dài 3 năm. Tôi bèn ủy nhiệm anh Nam làm giám đốc và chương trình mở đầu rất vất vả. Sau 2 năm không thất bại nhưng cũng chẳng thành công huy hoàng như đã dự trù. Thực tế là các gia đình hưởng trợ cấp đều không muốn đi làm với số lương thấp hơn trợ cấp. Anh Nam cũng không vui với vai trò giám đốc chương trình xã hội. Anh đề nghị mở chương trình làm truyền thông với Radio, TV và sản xuất phim tài liệu. Chúng tôi đồng ý và cùng làm với danh hiệu Dân Sinh Media. Phạm Phú Nam như rồng gặp mây và phát huy thiên tài ăn nói với kiến thức lấy từ kho tàng lịch sử của cơ quan IRCC lâu năm không ai đụng tới.
Bây giờ vẫn còn hàng trăm đĩa tài liệu phát thanh Radio hết sức rung động nghe đi nghe lại không chán. Lại thêm hàng trăm đĩa DVD do Phạm Phú Nam đạo diễn , bình luận , tìm tòi, cắt xén trở thành những tài liệu lịch sử vô cùng xuất sắc đã nuôi sống cơ quan trên cả thập niên. Thời gian sau này thiên hạ sử dụng tài liệu DVD của Dân Sinh đưa qua Youtube tràn ngập Internet. Gần đây bác cháu chúng tôi lại có chương trình nói chuyện trên TV phát vào Youtube được các bằng hữu tán thưởng. Trên sân khấu hay trong cuộc đời chúng tôi có nhiều quan điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt. Anh Nam thường bày tỏ mà không quản ngại, tôi lắng nghe nhưng không bắt buộc phải đồng ý mọi chuyện. Trong cuộc đời riêng, tôi đã có nhiều chiến hữu cộng tác trong quân ngũ. Tại đất Hoa Kỳ, tôi cũng có nhiều vị phụ tá tại cơ quan IRCC nhưng chưa có ai làm việc lâu dài như anh Nam.
Quý vị khác ai cũng làm công việc có lương. Nhưng riêng anh Nam dù có lương hay không vẫn nỗ lực cộng tác bình tĩnh và bền bỉ. Tính nết trong sáng và xa cách các sinh hoạt cộng đồng phức tạp nên anh có nhiều thì giờ làm việc với chương trình và hoàn tất các DVD với chiều sâu tràn đầy tình nghĩa dân tộc. Cá nhân chúng tôi có một số kinh nghiệm và thêm nhiều cơ hội để đưa ra tin tức và nhận định về cuộc sống văn hóa , xã hội hay chính trị. Anh Phạm Phú Nam đưa lên Radio, TV và DVD để trở thành có ý nghĩa lưu lại lâu dài.
Trong khoảng 30 năm qua chúng tôi làm việc bên nhau từng ngày và từng tháng từng năm. Những năm sau này anh Nam tự mình đứng độc lập với chương trình Dân Sinh hết sức trong sáng và hấp dẫn. Chúng tôi tranh cãi chuyện chính trị, thỏa hiệp chuyện văn hóa và đưa các đối thoại xây dựng cũng như mâu thuẫn lên diễn đàn. Rất vui mừng được bà con tán thưởng. Nếu quý vị cho phép tôi mạo xưng là người làm công tác của tổng cục chiến tranh chính trị tại hải ngoại thì anh Nam dù chỉ có một mình cũng đang làm giám đốc Tâm Lý Chiến qua một phạm vi nhỏ bé như tiểu khu Gia Định mà thôi. Chúng tôi có mối giao tình hết sức tốt đẹp không phai nhạt suốt 3 thập niên. Phạm Phú Nam vốn là thủy thủ trẻ tuổi của hải quân Việt Nam năm 1975. Rồi là thuyền trưởng trẻ tuổi của nhiều chuyến vượt biên. Sang Mỹ đi làm đi học đủ mọi ngành nghề nhưng chỉ ngấp nghé chờ đợi ngày đọc điếu văn cho bác Giao Chỉ. Thế sự xoay vần nào ai biết ai sẽ khóc cho ai. Duy có một điều đơn giản là bác Giao Chỉ sẽ không bao giờ tìm được một Phạm Phú Nam thứ hai. Anh là tình nguyện viên số 1 của IRCC và là người chồng tuyệt vời của cô Yến, là người cha gương mẫu của cháu Việt và sau cùng là anh con rể có một không hai của ông bà bác sĩ dân biểu Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Tuấn Anh.
Với riêng tôi, sẽ không có một Phạm Phú Nam thứ hai.
Anh Nam sinh năm 1955 là con út của gia đình có 10 anh chị em. Đây là một gia đình hết sức Việt Nam Cộng Hoà. Gốc di cư công giáo Bắc Kỳ. Các anh ruột và anh rể của Nam đều ở trong quân đội. Ông anh hạm trưởng hải quân đem em út vào làm thủy thủ để chờ đi học trường quân y. Năm 75 đứt phim các ông anh vào tù trọn gói để cậu em sống với cộng sản được 8 năm. Nam trải qua cuộc đời dâu bể. Biết thế nào là Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Xuất thân từ gia đình giàu có ngoài Bắc và tiểu tư sản trong Nam. Chàng thanh niên còn lại trong một gia đình có 8 anh em trong tù cộng sản. Năm 1983 anh thủy thủ trẻ tuổi của hải quân Việt Nam tổ chức vượt biên và cũng trở thành thuyền trưởng. Câu chuyện của “hạm trưởng” điêu linh đã trải qua với giông bão và hải tặc ra sao đã được bác Nguyễn Đức Cường nguyên tổng trưởng kinh tế VNCH viết lại bằng Anh Ngữ đăng trên tập san của đại học hải quân Hoa Kỳ.
Vì duyên nợ là thủy thủ hải quân VNCH, Phạm Phú Nam trở thành đoàn viên trẻ tuổi nhất của hội Hải quân Bạch Đằng Bắc CA và lập nhiều thành tích đáng kể. Anh góp phần tổ chức đại hội hải quân, soạn thảo tài liệu và dựng lại Chuyến Hải hành Cuối cùng trên DVD. Anh cũng tham dự vào việc đóng góp cho hải quân Hoa Kỳ xây dựng tượng đài thủy thủ cô đơn trên đảo Guam. Nam cũng là đoàn viên thủy thủ yêu quý số một của ông đô đốc tư lệnh Trần Văn Chơn và ông hải quân đại tá Điền chủ tịch hội Bạch Đằng. Trong công tác giám đốc Dân Sinh Media, gần như chỉ có một mình anh tung hoành trong kho tàng lịch sử VNCH của IRCC. Anh sáng tác gần 100 DVD phim tài liệu. Từ Bình Long Anh Dũng đến cuộc thư hùng Quảng Trị. Anh tổ chức các chương trình văn nghệ đấu tranh để lấy hình ảnh làm tài liệu cho DVD. Có lần tổ chức luôn 2 đại hội trong một tháng từ đồi Charle Cupertino xuống CPA San Jose.
Từ sân khấu anh đưa hình ảnh của các nhân vật danh tiếng qua DVD nay đã thành YouTube để lại cho đời sau. Anh đã có cơ hội nói chuyện và phỏng vấn hầu hết các nhân vật lịch sử VNCH từ đại sứ Bùi Diễm đến ngoại trưởng Vương Văn Bắc. Từ bà Tuyết Mai đến bà Khúc Minh Thơ. Từ tổng thống Thiệu cho đến các chiến binh vô danh. Nhiều người đã ra đi và cũng còn người ở lại. Trong duyên nợ công việc anh Nam đã tham dự rất nhiều trong khóa Cương Quyết Đà Lạt 1954 với chúng tôi từ kỳ họp khóa ngậm ngùi 50 năm kỷ niệm với 70 hội viên còn lại. Anh theo từng câu chuyện của 300 người từ Hà Nội lên đường năm 1954 rồi lần lượt ra đi đến nay chỉ còn 20. Anh chính là hội viên danh dự của khóa Cương quyết 1954. Chúng tôi cách xa gần 30 tuổi nhưng rất cảm thông trong công việc. Anh làm việc giúp tôi nhưng chính tôi cũng giúp anh. Chúng tôi giúp nhau. Tôi khai thác khả năng của anh nhưng anh cũng khai thác tôi. Chúng tôi khai thác nhau. Và cũng để lại niềm hãnh diện là kiến thức về lịch sử của của một thời VNCH. Tất cả đều lưu lại trong Viện Bảo tàng tại San Jose. Hãy đọc qua danh sách các tựa đề DVD phát hành trên 10 năm qua. Từ Bình Long Anh Dũng đến trận Thư Hùng Quảng Trị năm 1972.
Từ Người lính năm xưa cho đến câu hỏi hồi tháng tư 75. Lúc đó bác ở đâu? Từ Chuyến hải hành cuối cùng đến 35 năm nhìn lại. Lịch sử ngàn người viết nối tiếp Bộ quân phục của cha tôi. Có cả DVD về ông Thiệu và tựa đề Vị Tổng tư Lệnh Quân Lực VNCH. Cũng có cả DVD chấp nhận lịch sử với tựa đề Cuộc Chiến nhìn từ phía người thua cuộc. Kể ra thì rất nhiều nhưng chúng tôi cũng phát hành cả tình ca đem từ sân khấu xuống. Tựa đề Tình khúc cho em để đưa sân khấu vào DVD, những hình ảnh của ông bà Lương Xuân Việt lúc còn là đại tá đi học tại Stanford; chuyện tình của ông bà Ngô Quang Thiều đi lính nhảy dù cùng khóa Cương quyết. Anh Thiều ra trường trung sĩ tiểu đoàn 5 nhảy dù, 21 năm sau bạn nhẩy dù Trần Quốc Lịch lên Chuẩn tướng, bạn Nhảy dù Vũ Thế Quang lên Đại tá, anh Thiều mới đeo lon Thiếu úy. Năm Thiếu úy Thiều ra đi tại quận Cam có 5 ông Đại tá về khiêng quan tài. Chúng tôi ngồi bên phía những người thua cuộc nhưng không thua tình chiến hữu. Phạm phú Nam là người làm chứng ghi lại trong màn ảnh nhỏ.
Những hình ảnh của Nam sẽ lưu lại ngàn đời trong Việt Museum. Hơn 10 năm trước những thước phim của Bình Long và Quảng Trị đã được độc giả tán thưởng và còn giữ lại cho lịch sử VNCH. Bình Long anh dũng với câu chuyện của y sĩ tiền tuyến mổ thương binh dưới mưa pháo. Chuyện cô ca sĩ sư đoàn 5 bộ binh đi tìm xác chồng và chuyện anh phóng viên từ mặt trận Hỏa Tuyến nhảy trực thăng vào hầm tư lệnh An Lộc.
Chúng tôi còn nhớ khi phát hành trận Hỏa Tuyến Nam Bắc Thư Hùng đã nhận được 2 ngàn thư của độc giả gửi về. Bốn phương gửi về trả tiền phát hành và ấn phí đã cho thêm những đồng tiền lẻ. Người 5 hay 3 đồng tổng cộng lên đến 25 ngàn. Đó chính là những giọt lệ khóc cho cuộc chiến tưởng như những bông hoa của người Quảng Trị thả xuống những con sông miền Trung đưa linh hồn tử sĩ trôi ra biển Nam Hải. Không phải những tiền ủng hộ lớn lao đã xây dựng DVD Phạm Phú Nam và Việt Museum. Chính những tấm lòng vô danh của bốn phương đã đem lại sức sống cho Dân Sinh Media. Xem lại những hình ảnh CPA San Jose với 2 ngàn 500 khán giả đứng lên cùng hát với 250 diễn viên tài từ trên sân khấu, ai cũng phải xúc động. Còn đâu 3 ông tướng phất cờ cùng các chiến binh bao năm lang thang đất lạ. Hình ảnh các bà các cô Kiều Chinh, Khúc Minh Thơ đứng cạnh bà Võ đại Tôn và rất nhiều tên tuổi khác để hát bài ca bất hủ Cô Gái Việt. Sau cung sẽ không quên được các DVD ghi lại dấu ấn cuối cùng của các anh hùng tuẫn tiết 30 tháng tư. Anh Nam đã tả cái chết của tướng Nguyễn Khoa Nam ra sao. Ông tướng tư lệnh sông nước Cửu Long đã tự hỏi Đi làm gì rồi đành đoạn ra đi lối khác với phát súng tự vẫn vào sáng 1 tháng 5-1975. Câu chuyện tuyệt vời của Phạm Phú Nam trên DVD. Phạm Phú Nam đã để lại cho đời sau lời nói và kỷ niệm của biết bao chiến sĩ anh hùng, dù họ là Quân là Dân hay là Chính. Quân Dân Chính.
Mới đây Nam có hỏi tôi là cháu có Thiện Tâm không. Tôi trả lời không ngần ngại. Có đấy. Người thiện tâm là người biết tất cả những đòn phép xấu xa nhưng không làm. Nếu không biết thì không thành chuyện. Biết Bá đạo mà không làm thì mới là người tử tế. Vào chốn giang hồ mà làm người tử tế cũng vất vả lắm. Không học mà làm được là Phạm Phú Nam. Biết thiên hạ sự nhưng không quan tâm, đó là Phạm Phú Nam. Khi tôi chê trách chuyện thiên hạ chỉ có một người bào chữa. Chính là Phạm Phú Nam. Rồi ra năm cùng tháng tận cũng chẳng còn. Tôi cố đi tìm nhưng sẽ không có một Phạm Phú Nam thứ hai. Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. Thôi chẳng đi tìm nữa. Cầu nguyện cho phép lạ.
Vạt nắng bên thềm chưa vội tắt, mà lời tạm biệt đã lên đường…
Vũ Văn Lộc
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
~~~~~~~~~~~~~~~
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét