Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 02/10/2021 - Đài Loan, mảnh ghép còn thiếu trong « giấc mộng Trung Hoa »


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (G) nói chuyện với các phi công ở Giai Đông (Jiadong) thuộc Bình Đông (Pingtung), ngày 15/09/2021. Bốn phi cơ do họ điều khiển sẽ tham gia cuộc tập trận Hán Quang (Han Guang) chống Trung Quốc đổ bộ. Sau khi Hồng Kông và Macao được trao trả, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng được Bắc Kinh coi là còn « đánh mất ». Dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu, 19 thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh, con đường « thống nhất hòa bình » chừng như đang trở thành xa lộ thênh thang. Nhưng « giấc mơ Trung Hoa » chợt tắt vào năm 2014.
<!>

Hồ sơ Courrier International tuần này được dành cho chủ đề « Trung Quốc - Hoa Kỳ : Sự leo thang ». L’Express đăng ảnh một chiếc tàu ngầm mang cờ Pháp trên mặt biển xanh mênh mông, chạy tựa « Mỹ chơi xỏ và Trung Quốc nghi ngờ chúng ta : Nước Pháp nhẹ ký ». The Economist phân tích « Thực tế mới của Trung Quốc ». Le Point chạy tựa « Sự thật về nước Pháp », từ việc làm, nhà ở, tiêu dùng cho đến chính trị, đức tin… L’Obs nói về đối thoại giữa hai nhân vật có quan điểm trái ngược là cây bút tiểu luận Alain Finkielkraut và nhà đấu tranh nữ quyền Alice Coffin.

Về châu Á, Le Monde Diplomatique có bài « Đài Loan, mảng còn thiếu của giấc mơ Trung Hoa ».


Tuần báo The Economist hồi tháng Năm đã chạy tựa « Nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất », với hình bìa là Đài Loan trong tâm ngắm radar. Tháng 3/2021, cơ quan tư vấn Council on Foreign Relation nhận định Đài Loan « đang trở thành điểm nóng nhất thế giới, có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và có thể các cường quốc khác ». Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, nhận xét một cuộc chiến tại eo biển Đài Loan có thể xảy ra « trong thập niên này ».

Áp lực quân sự Trung Quốc ngày càng tăng đối với các nước láng giềng và đặc biệt với Đài Loan. Bắc Kinh cắt mọi kênh liên lạc với chính quyền của bà Thái Anh Văn, và riêng trong năm 2020 đã cho chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan 380 lần. Theo Le Monde Diplomatique, căng thẳng mới đây có hai nguyên nhân : vấn đề lịch sử và vai trò của Đài Loan trong xung đột Mỹ - Trung.

Sau khi Hồng Kông và Macao được trao trả, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng còn « đánh mất ». Dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu, 19 thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh, đặt nền móng cho « thị trường chung giữa hai bờ eo biển ». Trung Quốc chiếm 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan, con đường do Bắc Kinh vạch ra trước đó 30 năm để thống nhất một cách hòa bình chừng như đang trở thành xa lộ. Nhưng « giấc mơ Trung Hoa » chợt tắt vào năm 2014.

Chính quyền Quốc dân đảng lúc đó vận động để Quốc Hội thông qua luật cho phép Bắc Kinh đầu tư vào xuất bản, truyền thông, văn hóa, và mở cửa cả thị trường lao động cho người Trung Quốc, khiến người dân hết sức lo ngại. Việc chiếm đóng Quốc Hội và những con đường xung quanh trong hơn ba tuần lễ với « Phong trào hoa hướng dương », đánh dấu một bước ngoặt. Lớp người dưới 40 tuổi vốn chỉ biết có chế độ dân chủ đã thức tỉnh : 90% người Đài Loan bác bỏ công thức « nhất quốc lưỡng chế ». Còn đối với các thanh niên tuổi dưới 30, « giấc mơ Trung Hoa » đã hoàn toàn kết thúc. Hơn 4/5 trong số họ tự coi là « người Đài Loan », 2/3 muốn quốc hiệu phải là « Đài Loan » thay vì « Trung Hoa Dân Quốc », và cũng 2/3 ủng hộ độc lập.

Thấy không thể dẫn dụ được bằng mối lợi kinh tế, Bắc Kinh gia tăng đe dọa quân sự với chính phủ Thái Anh Văn, nhưng bị vấp phải sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Dưới mắt Hoa Kỳ, Đài Loan là một con cờ mà giá trị đã tăng lên trong những năm gần đây. Về địa chính trị, Đài Loan là một mắt xích chính trong chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản đến Indonesia, chận ngõ vào Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc. Về kinh tế, Đài Loan thống trị về sản xuất chip bán dẫn thế hệ mới nhất, và Hoa Kỳ muốn ưu thế này ở luôn ở phía liên minh « công nghệ-dân chủ ».

AUKUS : Trọng tâm thế giới nay là Ấn Độ - Thái Bình Dương, không phải Địa Trung Hải
Về quan hệ Mỹ - Trung, hồ sơ của Courrier International nhận định AUKUS là một cơn sấm động về địa chính trị. Với sự hình thành liên minh Mỹ - Anh - Úc, thế giới từ nay phải tổ chức lại trước thế đối địch Washington - Bắc Kinh, và các nước trong khu vực buộc lòng phải chọn phe.

Tuần báo Pháp dịch bài viết của Financial Times : « Chúng ta bước vào một cuộc chiến tranh lạnh 2.0 ». Viễn cảnh một kỷ nguyên hợp tác giữa hai cường quốc ngày càng xa vời. Đầu tháng Chín, Vương Nghị chỉ chịu trao đổi với đặc phái viên về khí hậu Mỹ qua video, dù ông John Kerry đã chịu khó đến tận Thiên Tân gần Bắc Kinh. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, vấn đề khí hậu « không thể tách rời » với tổng thể.

Có nghĩa là Bắc Kinh ngưng hợp tác cho đến khi Joe Biden không còn chỉ trích về nhân quyền, bỏ rơi Đài Loan, bỏ tuần tra trên Biển Đông, bỏ cấm vận Hoa Vi… ? Tập Cận Bình mới đây còn bác đề nghị của Biden về một cuộc họp thượng đỉnh song phương. AUKUS cùng với Quad (Bộ Tứ) chứng tỏ trọng tâm xung đột nay là Ấn Độ - Thái Bình Dương chứ không còn là Địa Trung Hải. Một thăm dò của Gallup hồi tháng 3/2021 cho thấy 45% người Mỹ coi Trung Quốc là « kẻ thù lớn nhất », tăng gấp đôi so với năm 2020.

Các đồng minh của Mỹ sẵn sàng hành động


Tờ Asia Times ở Hồng Kông ghi nhận các đồng minh của Mỹ cũng phải lâm trận, trước các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau loạt đại pháo kinh tế trong cuộc thương chiến thời Donald Trump, nay cuộc đối đầu ngả sang quân sự trong thời Biden. Các tàu ngầm nguyên tử bán cho Úc sẽ thay đổi tương quan chiến lược ở khu vực, khiến Trung Quốc có thể phải tập trung cho khu vực xung quanh mình hơn là những vùng xa biển hơn theo như tham vọng.

Bắc Kinh vừa xây xong một cầu cảng dài 330 mét tại căn cứ Djibouti, có thể tiếp nhận hàng không mẫu hạm. Đây là căn cứ duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài, nằm ngay ngõ vào Biển Đỏ. Từ đó hải quân Trung Quốc dễ dàng quan sát việc lưu thông cả hai chiều trên kênh đào Suez, thu thập tin tình báo toàn vùng. Có ít nhất 2.000 lính thủy Trung Quốc đóng tại căn cứ chiến lược này.

Trước đó hôm 30/07, Hoa Kỳ và Ấn Độ ký một hợp đồng mới cùng triển khai các thiết bị không người lái phóng đi từ máy bay. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành tập trận quy mô nhất kể từ 1993, đồng thời Đài Loan tổ chức tập trận Hán Quang chống Trung Quốc đổ bộ. Về phía đồng minh Anh đã biểu dương sức mạnh chưa từng thấy kể từ nhiều thập niên qua. Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông khiến Hoàn cầu Thời báo tức tối nói rằng « Anh quốc vẫn còn sống trong thời thực dân ».

Rõ ràng Hoa Kỳ đã có thay đổi chiến lược, từ đấu tranh chống khủng bố sang đối đầu với Trung Quốc. Phó tổng thống Kamala Harris trong chuyến thăm Singapore và Việt Nam cuối tháng Tám đã nhấn mạnh về « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở », đả kích việc « Bắc Kinh tiếp tục cưỡng bức, đe dọa, yêu sách » chủ quyền phần lớn Biển Đông.

Pháp : Chủ quyền rộng lớn tại Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng ảnh hưởng yếu
Hồ sơ của L’Express dành cho vụ Pháp bị cướp mất hợp đồng tàu ngầm, phân tích « cái tát » Úc có thể làm Paris ngộ ra những gì, và trọng lượng của Pháp tại Ấn Độ - Thái Bình Dương ra sao. Foreign Policy ghi nhận sự giận dữ của Paris, thậm chí còn hủy bỏ cả gala mừng 240 năm hữu nghị Pháp - Mỹ, và lưu ý rằng khi người Pháp quyết định hủy một lễ hội, có nghĩa là sự việc đã hết sức trầm trọng !

Từ vài tuần qua, ai nấy đều hiểu rằng tiếng nói của Pháp đã « nhẹ ký » hơn. Chiến lược của Pháp dựa vào Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Úc ở Nam Thái Bình Dương, nay còn lại gì ? Paris vốn chủ trương một « giải pháp thứ ba », liệu khả năng có tương xứng với tham vọng ? Pháp chỉ có 12 chiến hạm thường trực trong khu vực, trong khi đội tàu chiến Trung Quốc có đến 350 chiếc, nhiều hơn cả Hải quân Mỹ (293). Tương lai Paris tại Ấn Độ - Thái Bình Dương tùy thuộc vào sự ủng hộ của các đối tác châu Âu, và thái độ của các nước trong khu vực - như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam - cũng muốn tránh bị lôi vào cuộc xung đột Mỹ - Trung.

Ấn Độ đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale Pháp, liệu có quan tâm đến những chiếc tàu ngầm ban đầu định bán cho Úc ? New Delhi có thể tiếp tục chính sách không liên kết, như vậy có lợi cho Pháp, nhưng cũng có khả năng đứng về phe Mỹ - một giả thiết khó thể thành hiện thực nhưng cũng không nên loại bỏ.

Một vấn đề khác : tại Thái Bình Dương, Paris phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, đang ra sức ve vãn các tiểu quốc như Vanuatu hay Fidji. Chưa kể Bắc Kinh đang xúi giục phong trào đòi độc lập Kanak. Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 tới, nếu Tân Calédonie tách khỏi Pháp sẽ trở thành chìa khóa cho chiến lược chống bao vây của Trung Quốc đồng thời cô lập Úc, và như vậy sẽ là một thất bại mới của ý tưởng Pháp tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Châu Âu đứng nơi nào trong chiến tranh lạnh Mỹ - Trung ?


Châu Âu đứng ở đâu trong cuộc xung đột Mỹ - Trung ? Đó là câu hỏi cùng được Courrier International và L’Obs đặt ra. Courrier International cho rằng « Châu Âu phải biết mình muốn gì », còn tác giả Pierre Haski trên L’Obs phân tích về « Cuộc chiến tranh lạnh thứ hai ».

Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm 21/09, Joe Biden nhấn mạnh Hoa Kỳ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên từ ba năm qua hơi hướm xung đột đã thấy rõ trong quan hệ Mỹ - Trung. Khác với Liên Xô cũ, thế giới toàn cầu hóa ngày nay tương tác lẫn nhau về kinh tế. Và Trung Quốc không xuất khẩu ý thức hệ mà chỉ hàng hóa và tư bản, theo mô hình toàn trị được tự cho là hiệu quả hơn dân chủ, không cần đến Đệ ngũ hay Đệ lục quốc tế.

Nhưng toàn cảnh chiến lược thế giới ngày càng giống chiến tranh lạnh mới. Liên minh AUKUS vừa thành lập cộng với việc kích hoạt lại Bộ Tứ, làm nhớ lại các liên minh quân sự thời trước như CenTO, SEATO, ANZUS do Hoa Kỳ lập ra để ngăn chận cộng sản Liên Xô. Về phía Bắc Kinh vừa kết nạp Iran vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) gồm Trung Quốc, Nga và bốn nước Trung Á. Một lãnh vực đối đầu khác là cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung với các đòn cấm vận, gây ảnh hưởng.

Vấn đề là châu Âu đứng ở đâu trong cuộc chiến tranh lạnh này, liệu có chỗ cho « giải pháp thứ ba » mà Pháp và một số nước châu Âu mong muốn, trước sự thúc giục phải chọn phe ? Và nếu phải chọn giữa « thiện » và « ác », thì phải chăng tình trạng thảm hại về nhân quyền ở Trung Quốc khiến không thể nào giữ thái độ trung lập ? Thế giới sẽ lưỡng cực hay đa cực, và như vậy liệu châu Âu có khả năng là một cực riêng ? Bao nhiêu là câu hỏi quan trọng, nhưng lạ thay lại hoàn toàn vắng bóng trong tranh cử tại Đức, và mờ nhạt tại Pháp.

« Ngoại giao con tin » của Bắc Kinh mang lại kết quả
Về vụ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi vừa được thả về Trung Quốc, Wall Street Journal được Courrier International dịch lại, cho rằng đây là một chiến thắng của « ngoại giao con tin » do Bắc Kinh tiến hành.

Những người phương Tây làm việc tại Hoa lục cần nhớ rõ, họ có thể bị bắt vì những cáo buộc hoàn toàn được dàn dựng, và trở thành con tin, nhân danh bảo vệ lợi ích của đảng cộng sản Trung Quốc. Việc Bắc Kinh phóng thích lập tức doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig chứng tỏ hai công dân Canada này chỉ là con tin nhằm gây áp lực lên Canada và Mỹ.

Tờ báo cho rằng khó thể tin được các công tố viên trong vụ này hài lòng với kết quả, ảnh hưởng đến sự nghiêm cẩn của luật pháp và phương hại đến nỗ lực áp dụng việc trừng phạt Iran. Dù mừng cho « hai Michael », nhưng Trung Quốc và thế giới nhận ra thông điệp : ngoại giao cưỡng bức qua việc bắt con tin đã mang lại kết quả. Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh, vì các nhà đầu tư sẽ càng e ngại.

Tập Cận Bình độc tài, kinh tế Trung Quốc bị đe dọa



Liên quan đến nội tình Trung Quốc, The Economist nhận định Alibaba, Didi… và nay đến lượt Evergrande (Hằng Đại) đang phải trả giá cho việc Tập Cận Bình siết chặt chính sách. Thực tế mới tại Hoa lục đầy dẫy nguy hiểm, và chiến dịch của Tập Cận Bình là mối đe dọa cho nền kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc sau 40 năm cất cánh, nay phải đối phó với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh lợi thấp, thiếu lao động do dân số lão hóa. Về chính trị, Tập Cận Bình xúc tiến sùng bái lãnh tụ, người dân ngày càng ít được tự do về tư tưởng và ngôn luận Quan chức, lo sợ trước các vụ thanh trừng, ít có sáng kiến. Một trong những lý do của nạn cúp điện tại hơn một nửa nước gần đây là do các viên chức địa phương sợ không đạt được chỉ tiêu giảm khí thải carbone do ông Tập đặt ra trước đại hội đảng 2022. Hiểm nguy cuối cùng từ chính bản thân Tập Cận Bình : bám chặt lấy quyền lực, ông ta phải ra sức đàn áp.

Cứ cho rằng Tập tiếp tục là người lãnh đạo tối cao Trung Quốc ít nhất đến 2027 hoặc hơn nữa, kiểm soát sẽ là khẩu hiệu hàng đầu của ông ta. « Đông, Tây, Nam, Bắc, đảng lãnh đạo tất cả » - Tập Cận Bình nhấn mạnh. Nếu không duy trì kỷ luật về ý thức hệ, đế quốc của ông sẽ suy yếu đi một cách nguy hiểm. Nhưng đó là « tư tưởng Tập Cận Bình » chứ không phải Mao hay Marx, Tập tùy nghi diễn đạt theo kiểu của ông ta.

Không có nhận xét nào: