Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới chụp hình tập thể vào đầu hội nghị G20 ở Rome, Ý, ngày 30 tháng 10, 2021.
Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày thứ Bảy bày tỏ ủng hộ đối với mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp lớn che giấu lợi nhuận ở những nơi tránh thuế, đồng thời nhất trí cung cấp thêm vaccine COVID cho các nước nghèo hơn.
<!>
Tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau hai năm, các nhà lãnh đạo G20 đồng lòng ủng hộ lời kêu gọi gia hạn giảm nợ cho các nước nghèo và cam kết tiêm ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.
Ý, nước chủ trì hội nghị tại Rome, đặt vấn đề y tế và nền kinh tế lên đầu chương trình nghị sự trong ngày đầu tiên của cuộc họp, với các cuộc thảo luận về khí hậu khó khăn hơn theo lịch trình diễn ra vào Chủ nhật.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ý Mario Draghi nói các chính phủ phải làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức hết sức to lớn.
“Từ đại dịch, đến biến đổi khí hậu, đến đánh thuế công bằng và bình đẳng, một mình giải quyết không phải là một lựa chọn,” ông Draghi nói.
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp được ca ngợi là bằng chứng về sự phối hợp đa phương mới, với các tập đoàn lớn đối mặt với mức thuế tối thiểu 15% ở bất cứ nơi nào họ hoạt động từ năm 2023 để ngăn họ che giấu lợi nhuận của mình ở những nơi ngoài lãnh thổ.
“Đây không chỉ là một thỏa thuận thuế - đó là ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta,” Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter.
Trong bối cảnh thế giới đang lao đao vì giá năng lượng tăng và chuỗi cung ứng hạn hữu, ông Biden dự kiến sẽ thúc giục các nước sản xuất năng lượng G20 còn thừa năng lực hãy gia tăng sản lượng, đặc biệt là Nga và Ả-rập Saudi, để bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết, theo Reuters.
Giống như nhiều nhà lãnh đạo G20 khác ở Ý, ông Biden sẽ bay thẳng đến Glasgow vào Chủ nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, được coi là hệ trọng để ứng phó với mối đe dọa là nhiệt độ gia tăng.
Khối G20, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ, chiếm khoảng 80% lượng phát thải nhà kính toàn cầu, nhưng những hi vọng cuộc họp ở Rome có thể mở đường thành công ở Scotland đã lu mờ đáng kể, Reuters cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều quyết định theo dõi các sự kiện thông qua đường truyền video và các nhà ngoại giao đang tìm cách kí kết một thỏa thuận có ý nghĩa cho biết cả hai nước, cũng như Ấn Độ, đang kháng cự các mục tiêu khí hậu mới đầy tham vọng, theo Reuters.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét