Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

MỘT TẤM LÒNG QUÊ - Đỗ Bình

          (Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng)
Bước vào vườn thơ để thưởng thức sự rung cảm của thi nhân qua những sáng tác, nhưng khó mà hiểu hết những điều kỳ diệu ẩn chứa trong tâm hồn nghệ sĩ! Trong cõi thơ đầy hoa thơm cỏ lạ, tình cờ có một số nhà thơ chọn chung một bút hiệu.Trong bộ thi tập: «Cụm Hoa Tình Yêu », do nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh ở Texas chủ trương, người đọc thấy có hai tác giả trùng tên, một là nhà thơ Hoài Việt quê Bình Định, tác giả thi tập: «Dòng Thơ Hải Ngoại, 1993» hiện cư ngụ miền Nam Cali, và nhà thơ khác là Hoài Việt quê Ba Xuyên là tác giả thi tập: «Những Nẻo Đường Việt Nam» hiện định cư ở San Jose, và còn một Hoài Việt nữa gốc Huế hiện định cư ở Paris, tôi xin nói về Nhà thơ này.
<!>
Nhà thơ Hoài Việt tên thật là Nguyễn Văn Hướng, sinh năm 1931 tại làng Ngọc Anh, Huế. Thuở còn rất trẻ ông theo những phong trào chống Thực dân đòi độc lập tự do cho dân tộc. Công việc đang dở dang, bị truy nã nên đã qua Pháp du học năm 1955, đỗ tiến sĩ và trở thành nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp. Dù xa quê hương nhưng tâm hồn ông luôn ở quê nhà nên rất thiết tha văn hóa dân tộc, do đó ông chọn bút hiệu Hoài Việt mang ý nghĩa này. Ngoài những bài biên khảo, ông trong nhóm Hoài Việt, Từ Nguyên, Hồ Trọng Khôi chủ trương Bộ  tuyển tập. “Làng Xưa Phố Cũ” gồm những bài thơ, truyện ngắn, và Bộ Duo song ngữ văn chương Pháp Việt. Trong một số truyện ngắn như: “Ngọc Anh”, “Máu Đẫm Cành Xoài”…ông diễn tả khung cảnh, sự việc và tâm lý nhân vật rất tỉ mỉ. Ngôn ngữ trong truyện được đãi lọc, câu văn mạch lạc, trong sáng, bố cục chặt chẽ và có ý tưởng. Ông có khiếu viết văn nhưng rất tiếc ông lại không viết truyện nhiều!  

Dù xa quê hương lúc còn trẻ nhưng trong tâm hồn nhà thơ luôn ấp ủ tình quê hương. Ông nhớ quê nên đứng ra chủ trương tuyển tập Làng Xưa Phố Cũ:
«Làng xưa còn rõ hình dung Mẹ
Phố cũ chưa nhờa bóng dáng em»
Mẹ và em trong thơ là phần máu thịt thân thương trong gia đình còn ở lại quê hương, nhưng mẹ ở đây còn mang ý nghĩa Mẹ Việt Nam. Đối với những người xa xứ lâu ngày kỷ niệm có thể bị phai nhạt nhòa trong ký ức, cho nên chỉ có tình yêu quê hương tha thiết mới giữ được tình nồng thắm của thuở mới xa quê. Hoài Việt tuy cách xa quê hương ngàn trùng nhưng lòng vẫn ưu tư về đất mẹ, nơi đang có chiến tranh và sự phân ly của đất nước.Tình yêu nước luôn mãnh liệt trong tim nên  nhà thơ đã thể hiện những tình cảm đó qua ý nghĩa con chữ gởi trong thơ:

« Nước Bến Hải ngậm ngùi thương dân Việt
Ai gây nên ly biệt?
Ai tạo ra oán hờn?
Khiến lòng ta tê tái,
Lệ chảy dài trên má đã gầy khô ?
Cửu Long Bến Hải sông Lô,
Đường về đất nước ở mô rứa Trời ?
(Thương Nhớ Quê Hương)

Lưu trú và học tập xứ người, Hoài Việt đã hấp thụ được văn hóa của bản xứ, điều đó đã khai mở cho ông có cái nhãn quan rộng lớn, khách quan khi nhìn và đánh giá một sự việc. Một kiến thức uyên bác để hiểu về giá trị, ý nghĩa thật sự của cụm từ Nhân Bản và Tự Do.Vốn là thi sĩ có tâm hồn đa cảm nên đã yêu tha nhân và muốn mọi người có quyền sống bình đẳng. Ông luôn tâm niệm dù ở bất cứ nơi đâu vẫn xem mình là người Việt :

 «Nhưng dù ở đâu
Bọn mình vẫn là da vàng mũi tẹt».
( Anh Trịnh Tường Ơi)
 Ông yêu người dân hai miền Nam Bắc, mặc cho những thế lực chính trị đã chia cắt phân đôi đất nước que hương ông thành hai mảnh Bắc Nam :
“Dù bà con xa
Cũng chút tình máu mủ,
Và đồng bào Nam Bắc
đều cùng Mẹ Việt Nam.”
(Cháu Tôi Dân Hà Nội)

Dù ở phương trời Paris yên bình nhưng tâm hồn ông luôn hướng về qu ê nhà,  thương những thân phận con người bị chiến tranh cướp đi bao sinh mạng. Chiến tranh là nỗi ám ảnh kinh hoàng của mọi người, mọi quốc gia, dân tộc, chẳng cần đến một tâm hồn nghệ sĩ mới thốt lên lời ai oán. Ai đã từng là nạn nhân của chiến tranh đều phải sơ sự tàn ác hủy diệt của nó. Ngoại trừ những kẻ chủ chiến cố tình phát động chiến tranh, xem sinh mạng con người như cỏ rác dùng để đạt chiến thắng với bất cứ giá nào!. Còn người yêu hòa bình rất qúy trọng sinh mạng dù đó là người dân thường hay người lính Nhưng khi đất nước có chiến tranh xâm lược người dân phải có bổn phận bảo vệ tổ quốc, những người trai phải lên đường thi hành ngĩa vụ bảo vệ từng tấc đất của non sông. Nhưng khi hai bên đang chiến đấu mà chỉ một bên muốn ngưng chiến vì nhân danh hòa bình thì phải chăng trong ý muốn đó có chút phản chiến, buông bỏ!? Sự ngưng chiến chỉ một bên sẽ làm lợi cho phía bên kia lợi dụng làm mất tinh thần đối phương để xâm chiếm? 

Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt đó có nhiều ca khúc rất hay đã diễn tả về người lính nhớ nhà, nhớ người yêu, về sự mong ước hòa bình nhưng không bị cho là phản chiến vì người lính Việt Nam Công Hòa bản chất rất nhân bản không thích chiến tranh. Họ chiến đấu chỉ làm bổn phận bảo vệ tự do quê hương mang sự yên lành cho xóm làng, dân chúng. Vào thập niên 60-70 trào lưu phản chiến bắt nguồn từ nhóm trí thức Phương Tây của phong trào Hiện sinh (Existentialism) dẫn đầu bởi triết gia Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, sau đó lan tỏa khắp nơi được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Ở Mỹ: Nữ tài tử Jane Fonda, Cặp vua nhạc Pop: Pob Dylain, Ca nhạc sĩ đồng quê Joan Baez, Ở Anh ; Nhạc sĩ John Lennon trong ban Tứ quái Beatles…

Những người nghệ sĩ nổi tiếng này lợi dụng sự sự tự do của thể chế ở Miền Nam, nên qua lời ca tiếng nhạc và phim ảnh đã tác động làm ảnh hưởng đến tinh thần giới trẻ sinh viên, học sinh và người lính Miền Nam, trong khi ở Miền Bắc hoàn toàn bị cấm nên không bị ảnh hưởng. Phong trào phản chiến đã dẫn đến sự sập đổ chính quyền Miền Nam vào ngày 30 tháng tư năm 1975! Nhưng chỉ ít năm sau cũng những người này đã  thức tỉnh, chính thức lên tiếng sám hối khi nhìn thấy thảm họa CS gây ra khiến cả triệu người dân Việt Nam bỏ nước chạy trốn, bị chết trên biển cả! Ngày đó, triết gia Jean Paul Satre và triết gia Raymond Aron là hai lãnh tụ trí thức đối kháng nhau về tư tưởng, cách nhìn v  chiến tranh VN. H đã ngồi lại với nhau, cùng lên tiếng kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân, nạn nhân của Cộng Sản, đồng thời vào điện Elysée, yêu cầu tổng thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp. Riêng nhà thơ Hoài Việt không nằm trong nhóm trí thức văn nghệ sĩ phản chiến này, mặc dù ông không thích chiến tranh, không thích sự bắn giết. Ông yêu quê hương, yêu dân tộc nên hông muốn người dân Việt đổ máu, do đó ông không thích chiến tranh, không thích ở đây  không có nghĩa là thiên tả. Nhà thơ luôn đứng về lẽ phải để chống lại bất công, bạo lực và sự độc quyền:

«Đâu là lẽ sống,
Đâu là tình nhân đạo ?
Đâu Tự do
Đâu nhân vị thanh cao?
Đông Tây Nam Bắc
Tôi chỉ thây máu đào
Máu dân chúng
Máu những người vô tội…»
(Đâu Lẽ Sống)

Ở Paris ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Hoài Việt đã dấn thân bằng ngòi bút, nhà thơ đã trải lòng mình qua những vần điệu, đó là lời cầu nguyện cho quê hương đất nước sớm thanh bình qua cơn ly loạn.
«Dòng sông Bến Hải buồn ghê
Ai về bên nớ, ai về bên ni !»
(Đôi Bờ Bến Hải)
Tôi quen Hoài Việt trong một cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham dự tranh đấu cho tự do dân chủ quê hương vào năm 1988 ở Paris, tôi ở trong ban tổ chức, còn anh Hoài Việt là người tham dự, và được mời phát biểu ngay sau đó trong hội trường. Lúc đó tôi chưa biết Hoài Việt là một nhà thơ, mà chỉ được giới thiệu qua anh là một nhà khoa học. Hoài Việt phát biểu rất hùng hồn, lên án bạo lực, độc tài CS  và tố giác những nỗi khốn cùng của người dân trong nước. Anh nói rất hay cả hội trường vỗ tay tán thưởng.Tôi và Hoài Việt thân nhau từ dạo ấy. Gần gũi anh tôi mới biết anh là nhà thơ đã có tác phẩm. Tính tình anh bộc trực, nên chẳng quanh co lựa lời để đẹp lòng người khác. Anh rất sôi nổi về các đề tài liên quan đến thời sự quê hương. Tôi khám phá trong anh cả một vùng trời quê hương rực sáng. Ngoài những tích cực trong các sinh hoạt văn hóa và đấu tranh cho tự do dân chủ quê hương. Nhà thơ Hoài Việt còn tham gia những công tác thiện nguyện gây gũy giúp người vượt biên tị nạn ở các đảo. Cùng ký chung những thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ các nước tự do mở rộng vòng tay đón nhận những thuyền nhân tị nạn được định cư mau chóng. Ông còn sát cánh với nhà văn Từ Nguyên trong trung tâm Văn Bút Âu Châu, và ông cũng là người duy nhất làm thơ Tự Do trong hội thơ Ba Lê Thi Xã.

Dù xa cách quê hương vạn dặm nhưng nhà thơ vẫn giữ lề nếp xưa, giọng nói và từ ngữ vẫn rất Huế. Nhà thơ Hoài Việt tính tình đôn hậu, sống rất chân phương, không nặng hình thức nên ăn mặc thật giản dị, thoạt nhìn anh đã toát ra cái dáng người miền Trung. Anh hòa mình trong đám đông, lại rất khiêm tốn ít tỏ ra mình là trí thức khoa bảng, anh quả là một chân quê Nho học thời xưa. Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh ở phòng thí nghiệm Viện Pasteur, phòng riêng làm việc của anh cũng thật đơn sơ! Chúng tôi chung lý tưởng lại hợp nhau về thơ văn và cùng nhau tổ chức những sinh hoạt văn hóa ở Paris làm tăng phần màu sắc văn học nghệ thuật cho cộng đồng. Vào mùa thu năm 1994,  Câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức chiều sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhà thơ Hoài Việt cùng vói các thành viên khác: GSBS Trần Văn Bảng, BS Nguyẽn Bá Hậu, GS Phạm Thị Nhung được mời diễn thuyết về Đề tài: Paris và Mùa Thu Văn Học, buổi sinh hoạt mang hương thơm văn hóa tỏa khắp nơi. Sinh hoạt văn hóa Paris ngày đó tưng bừng, những buổi ra mắt sách giới thiệu tác phẩm liên tục, văn nghệ được mùa kéo dài trong nhiều năm. 

Chúng tôi bên nhau đón tiếp các anh chị văn nghệ sĩ khắp nơi  ở hải ngoại đến Paris. Khi trận bão văn bút hải ngoại xảy ra trong giới cầm bút, tôi rời Văn Bút lui về, thu mình trong những sinh hoạt của câu lạc bộ Văn Hóa, và vẫn đón tiếp các anh chị văn nghệ sĩ ơ khắp nơi đến Paris, không phân biệt văn bút thuộc nhóm nào. Nhưng nhà thơ Hoài Việt lại có một sự chọn lựa cứng rắn hơn, anh chỉ đón những người thuộc Văn Bút mà anh nhìn nhận, điều này không làm tình bạn chúng tôi sứt mẻ. Thời gian về sau những người cầm bút trong giới nhà văn ở Paris như nhà thơ Hoài Việt, nhà văn Từ Nguyên, nhà văn Mạnh Bích và nhà thơ Hồ Trọng Khôi, học giả TSThái Văn Kiểm, nữ sĩ Minh Châu GSThái Hạc Oanh, nhà thơ Phương Du BSNguyễn Bá Hậu… chú tâm vào những sáng tác, những nghiên cúu. Bộ sách song ngữ DUO, nhà thơ Hoài Việt quan niệm hãy chuyển ngữ để cho các thế hệ sinh ở Pháp đọc và hiểu được những việc làm của cha ông.

Tác phẩm :
 Tôi Yêu (thơ,1962)
Tình Em Nho Nhỏ (thơ in năm 1962)
 Ngày Mẹ Về (thơ 1978)
Quê Người (thơ in năm 1987).
 Amour et liberté (1995) thơ Pháp ngữ
 Mai Vàng Đất Việt (với Ái Liên) họa truyện(1998)
Chút Tình Cho Huế (thơ, 2000)
 Mây ngàn (với Vũ Hối) (2002) thi hoạ tam ngữ
La Dame de la pleine lune (2011) chuyện song ngữ
Tình thương và Minh Triết ( với Khánh Vân) (2008) thi họa song ngữ
Prix Michel Ange du « Cercle Européen de la poésie, des Arts et des lettres » .
 
Trăng có lúc tròn lúc khuyết nhưng uổi đời cứ lặng lẽ trôi làm nhạt dần những ước mơ của một thời say đắm. Những năm sau này nhà thơ bước vào tuổi hạc nên đã lui về ở ẩn vui với gia đình nhưng lòng ông  vẫn canh cánh chuyện non nước đầy vơi.

Đỗ Bình


Không có nhận xét nào: