Sau khi chia đôi đất nước (1954) người dân miền Nam muốn ăn loại thịt nào, loại cá nào là hoàn toàn do sở thích của họ, miễn họ có tiền. Còn miền Bắc, thì dù có tiền cũng không thể chọn lựa thực phẩm theo sở thích của mình. Bởi, miền Bắc trong suốt từ năm 1954 đến 1986 họ phải sống trong chế độ bao cấp.
Chế độ bao cấp là gì? Đó là, nhà nước quản lý, thu gom tất cả các mặt hàng, rồi bán lại cho dân theo chế độ tem phiếu. Mỗi hộ dân mỗi tháng được mua bao nhiêu lạng thịt, bao nhiêu cân cá, bao nhiêu ký gạo...tất cả đều có quy định hết. Bởi vậy, ai có tiền cũng không mua được nhiều, và không dễ gì mua được thứ mình thích.
Tuy nhà nước quản lý tất tần tật từ mớ rau, quả trứng... đến bò, lợn, trâu, dê. Nhưng riêng giống chó, thì nhà nước không quản lý. Bởi vậy, nhà nào có chó thì được quyền làm thịt, được quyền mổ thịt ăn hoặc mang ra chợ bán, mà chẳng cần viết đơn xin xỏ các cấp chính quyền gì cả.
Do đó, thịt chó vô tình là nguồn thực phẩm chính, là dinh dưỡng bồi bổ cho cơ thể nhân dân miền Bắc. Những đứa bé từ lúc nằm trong nôi, cũng đã được ông bà, bố mẹ cho ăn thịt chó, nên lớn lên thành thói quen. Và, từ thói quen đó, nên thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, dần dần họ đều có thói quen giống nhau. Đơn giản là vậy!
Để hiểu hơn về thời bao cấp ở miền Bắc, chúng ta hãy suy ngẫm mấy câu thơ của Nguyễn Chí Thiện, trong tập Hoa Địa Ngục:
Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại
Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai
Chanh, muối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai...
Tất cả những gì người có thể nhai
Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại
Riêng thịt chó đảng không mó tới, nên dân được tự do ăn thỏa thích.
Tóm lại, dân miền Bắc thích ăn thịt chó vì nhà nước không quản lý chó. Mà thật ra, từ khi ông Hồ đọc tuyên ngôn đến nay, cái gì mà nhà nước không quản lý, thì dân miền nào cũng thích. Nói thế cho nhanh!
Ngô Trường An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét