(Dân trí) - Việc làm, tiền hỗ trợ, gạo, rau… đối với đại đa số những gia đình dắt díu nhau trên xe máy ở cửa ngõ TPHCM đi miền Tây đã không còn quá quan trọng. Thứ họ khao khát nhất bây giờ, là hai tiếng "quê nhà". Đêm 30/9, quốc lộ 1A đoạn qua xã Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) hướng về huyện Bến Lức (tỉnh Long An) chìm đắm trong cảnh tượng hỗn loạn đến xót xa. Hàng trăm người ngồi trên xe máy san sát nhau, chờ được qua nút giao thông đang bị lực lượng chức năng chặn lại. Mặc mọi lời kêu gọi quay trở về, tránh tụ tập đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh từ công an, họ quyết bám trụ tại tuyến đường huyết mạch về miền Tây, cho dù con trẻ trên xe mỏi mệt hay cả gia đình phải ngồi bệt xuống lòng đường.
Vì đâu nên nỗi? Những thân phận bị chủ trọ đuổi xua
Chúng tôi đi tìm lời giải cho thắc mắc trên, vào nửa đêm 30/9. Chỉ còn ít phút là bước qua ngày 1/10 - mốc thời gian TPHCM nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch.
Đến nơi, đã thấy nhiều bóng người lớn đang ôm lấy con nhỏ của mình trên tay... mệt nhoài.
"Về nhà đi ba ơi, con buồn ngủ lắm rồi…", nghe con trai 6 tuổi lặp lại lời đòi về lần thứ 3, hai vợ chồng anh Phạm Quỳnh Tuân (32 tuổi) và chị Hà Thị Nam (30 tuổi) chỉ biết nhìn nhau. Họ buồn, mệt
!
Nhấn để phóng to ảnh
Vợ chồng anh Phạm Quỳnh Tuân và chị Hà Thị Nam cùng con trai nhỏ (Ảnh: Hải Long). Về làm sao được, khi họ đã lén gom hết đồ rời nhà trọ vào lúc chiều, để tránh bị chủ trọ chặn lại. Tháng này là tháng thứ 3 liên tiếp anh Tuân và vợ thiếu tiền thuê nhà, vừa phải ký giấy cam kết trả gấp cho chủ.
"Mới mấy ngày trước, chủ trọ qua xỉa xói nặng lắm, đòi đuổi cả nhà tôi đi nếu không trả đủ tiền trọ. 3 tháng rồi có đi làm, có được đồng tiền lương nào đâu mà đóng. Chỗ này chỗ kia nói cứu trợ mùa dịch dữ lắm, nhưng..." - chị Nam cay đắng chia sẻ.
Công ty đóng cửa không biết lúc nào mở lại, con trai 6 tuổi đã lố ngày vào lớp một nhưng không lo nổi cho thằng bé đi học, về quê lúc này là cứu cánh duy nhất của hai vợ chồng. 16h ngày 30/9, họ âm thầm rời quận 7, men theo đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ, rồi dính chặt vào biển người trước mặt. Sợ con mỏi mệt, họ lót mấy tấm bìa giấy dưới đất rồi "đóng đô" luôn giữa đường, từ xế chiều đến tận nửa đêm.
"Hồi nãy công an đã cho một tốp vượt đi. Đến lượt tụi tôi sắp qua thì lại bị chặn tiếp" - vừa lấy tay quạt liên tục để đuổi muỗi cho con, chị Nguyễn Thị Bích Huyền vừa chậc lưỡi nuối tiếc.
Nằm trên tấm bìa các-tông vừa được người dân gần đó ra phát tặng, hai đứa trẻ 3 tuổi và 6 tuổi hướng người về phía nhau. Tiếng bàn tán xôn xao xung quanh khiến chúng không tài nào ngủ được, mắt mở thao láo.
Nhấn để phóng to ảnh
Nhấn để phóng to ảnh
Nhấn để phóng to ảnh
17h chiều qua, vợ chồng chị Huyền từ quận Bình Tân gói gém đồ đạc chất hết lên xe, nách thêm 2 con định bụng sẽ lao thật nhanh về huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Đó là con đường sống sáng sủa nhất của họ bây giờ, khi đã thiếu một tháng tiền trọ và chủ nhà nói không với việc cho ở tiếp.
"Tiền ăn, tiền sữa cho con sạch sẽ hết rồi. Quay lại thì ai cho ở. Bây giờ về quê có gì ăn đó trước, mai mốt đi làm rồi trả lần lần lại sau. Vợ chồng tôi mới lên Sài Gòn hơn một năm, tôi làm tạp vụ còn chồng sửa xe.
Lên Sài Gòn làm mướn mà gặp cảnh dính dịch như vầy thì ai chịu nổi. Họ mà không cho đi, chúng tôi cũng chịu nằm đây tới sáng" - người mẹ 2 con chia sẻ việc.
Đó cũng là lựa chọn của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (29 tuổi) và anh Nguyễn Trung Nhân (32 tuổi), dù biết quyết định như vậy thì con gái 22 tháng tuổi của hai người sẽ vật vạ ở vỉa hè cả đêm.
Làm công nhân cho một công ty may tại quận Bình Tân, họ sớm thất nghiệp 3 tháng nay vì dịch. Một ngày tháng 7, cả 3 người được xác định mắc Covid-19, phải đưa vào khu cách ly ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
Nhấn để phóng to ảnh
Chị Nguyễn Thị Thu quạt cho con gái 22 tháng tuổi ngủ bên vệ đường, bên cạnh là hàng trăm xe kẹt cứng (Ảnh: Hải Long). "Tôi nặng hơn, sốt hai tuần lễ nhưng 21 ngày là âm tính, còn chồng tôi nhìn tưởng khỏe mà lại nằm trong đó lâu hơn. Từ lúc bị bệnh chỉ nhận được 1,5 triệu tiền hỗ trợ, nhiêu đó khó duy trì tiếp tục được cuộc sống cả gia đình. Nhiều lúc nghĩ hay cứ ở luôn trong khu cách ly được lo ăn ở miễn phí, còn sướng hơn về mà không lo được cho con no đủ. Hôm nay chủ trọ đuổi rồi" - chị Thu cay đắng nói về lý do vì sao phải tìm cách rời Sài Gòn về Hậu Giang.
Cả dãy trọ của chị có hơn 10 người cũng chọn về quê đêm 30/9.
"Về quê, về quê là đủ rồi…" 23h45, tiếng loa từ đại diện Công an xã Tân Túc, huyện Bình Chánh phát lớn: "Bà con ra nhận giấy điền đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ với các địa phương để tìm cách đưa mọi người về quê an toàn. Xin đừng tụ tập giữa đường dễ gây nguy cơ nhiễm bệnh…".
Đứng cách đó chỉ vài bước chân, anh Trần Minh Cảnh (28 tuổi, quê huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) lắc đầu: "Hồi sáng họ cũng làm y vậy rồi có thấy gì đâu. Nói thì dễ chứ đâu thể muốn rước là rước". Hồi sáng, là lúc anh Cảnh đã nhắn tin trả phòng trọ cho chủ, cùng đám bạn lao xe thẳng từ phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) ra tuyến đường huyết mạch về miền Tây. Khi chỉ còn cách địa phận tỉnh Long An không xa, họ bị chặn lại.
Nhấn để phóng to ảnh
Quang cảnh về quê tại khu vực quốc lộ 1A đêm 30/9 (Ảnh: Hải Long). Cảnh sát giao thông và công an địa phương khuyên anh Cảnh và mọi người bình tĩnh tìm cách giải quyết. Rồi họ được đưa vào một địa điểm để làm xét nghiệm Covid-19 và ghi lại thông tin cá nhân.
Chờ từ trưa đến chiều tối, không thấy khả quan, anh Cảnh lại nhen nhóm ý định tự mình vượt chốt kiểm soát về quê. Đó là lý do mà 21 giờ đêm, anh quay lại khu vực này.
Thất nghiệp 4 tháng, anh Cảnh ngoài sinh hoạt kham khổ khi mắc kẹt ở Sài Gòn, chịu thiếu thốn tinh thần khi mấy tháng rồi không được ôm vợ và con gái 8 tháng tuổi. Nhưng với anh điều đó vẫn còn may, vì vợ kịp đưa con về quê. Bằng không, tình thế còn tồi tệ hơn rất nhiều.
"Trong túi tôi chỉ còn hơn 300.000 đồng. Giờ tôi chỉ muốn về quê với vợ con, không cần gì hết cả. Về quê, về quê là đủ rồi" - anh Cảnh nói rồi tựa người vào bọc quần áo ràng sau yên xe, lạnh lùng nhìn về hướng các rào chắn trước mặt, chờ đợi.
Con đường sum họp gia đình như dài hơn gấp bội phần với mẹ con chị Trầm Ngọc Lài (31 tuổi, quê huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), khi phương tiện di chuyển của họ là chiếc xe đạp đã cũ.
Nhấn để phóng to ảnh
Mẹ con chị Trầm Ngọc Lài đi xe đạp về quê (Ảnh: Hải Long). Ở đầu xe, chị Lài bỏ thêm ít gói mì. Phía sau, bé Trần Ngọc Thảo Vy (6 tuổi) đang ngồi chồng lên bọc đựng võng. Nó sẽ là cứu cánh của chị Lài khi đạp xe mỏi nhừ, hay khi con gái mệt mỏi. "Mình dẫn con gái theo lên Sài Gòn lấy 1,4 triệu đồng tiền công chỗ làm còn thiếu chưa trả, rồi mắc kẹt gần 3 tháng trời. Ở nhờ nhà trọ bạn, ăn cũng phải chắt mót từng đồng. Giờ con gái bị trễ ngày học, phương tiện không có nên phải bấm bụng chạy xe đạp.
Khi nào con buồn ngủ thì tôi sẽ dừng võng nghỉ, nên chưa biết mấy giờ tới nhà. Ba nó lo cho hai mẹ con nên cứ gọi dọc đường suốt" - trả lời khách xong, chị Lài lại dán mắt ngay vào màn hình điện thoại, nói chuyện với chồng.
Nhấn để phóng to ảnh
"Bà con di chuyển đi, có xe đặc chủng dẫn đường…" - nghe vậy, mọi người hò reo sung sướng vì tưởng sẽ được hộ tống về quê. Nhưng trong phút chốc nhận ra đó là đề nghị vào một trường tiểu học để tạm nghỉ chờ trời sáng, thanh âm vui vẻ lặng câm, nhường chỗ cho sự chưng hửng. Tiếng máy xe vừa rồ lên định lăn bánh đã lại tắt lịm.
Họ vẫn cương quyết bám trụ giữa đường dù xung quanh là màn đêm vô định.
"Từ khuya hôm qua bà con đã tìm cách đổ về quê rất đông. Anh em phải trực gác, phân luồng phương tiện và khuyên mọi người trở về mướt mồ hôi. Ai cũng khổ nhưng đang dịch mà. Trước mắt phải cho bà con vào nghỉ ngơi, rồi chờ lãnh đạo địa phương liên hệ các tỉnh để tìm cách giải quyết" - một cán bộ CSGT huyện Bình Chánh nói nhanh với chúng tôi rồi vội vã bước nhanh đến chỗ đám đông, dùng đèn hiệu chỉ hướng đi. Đồng hồ đã điểm 1h sáng của ngày mới.
Nhưng không chiếc xe nào quay đầu.
Chiều 30/9, trao đổi với PV Dân trí , ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch tỉnh Long An cho biết: "Tỉnh đã báo cáo sự việc với Chính phủ, đồng thời liên hệ với các tỉnh, thành ở miền Tây để lên phương án đưa công dân trở về".
Hiện lãnh đạo tỉnh Long An, lãnh đạo huyện Đức Hòa vẫn đang trực tiếp có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 khu vực cầu Đức Hòa, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa để cùng người dân đối thoại, tìm cách tháo gỡ.
"Tỉnh đang xây dựng kế hoạch để chăm lo cho người dân ở các tỉnh, thành mắc kẹt tại tỉnh. Những trường hợp đã tiêm vắc xin sẽ được bố trí chỗ ăn, nghỉ tạm thời, thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Tỉnh đã vận động các chủ nhà trọ tiếp tục miễn, giảm tiền thuê trọ, hỗ trợ tiền điện, nước... cho người ở lại", Phó Chủ tịch tỉnh Long An thông tin
.
Nhấn để phóng to ảnh
Nội dung: Hoàng Lê
Ảnh: Hải Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét