Sự kiện Kabul thất thủ được nhiều nhóm thánh chiến toàn cầu ăn mừng, nhưng không phải mọi tổ chức cực đoan đều ủng hộ chiến thắng của Taliban, với IS là điển hình. Không có gì cần bàn cãi, chiến thắng của Taliban ở Afghanistan là một liều doping tinh thần thúc đẩy các nhóm vũ trang cực đoan tiến hành lật đổ chính quyền ở nơi các nhóm này hoạt động. Nhưng sự kiện Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, cũng hé lộ rạn nứt trong lòng phong trào thánh chiến toàn cầu, với IS là một trong số ít nhóm không chúc mừng Taliban.
Taliban chưa đủ tàn bạo như IS muốn
Các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni ở Trung Đông và nhiều nơi khác đã ra tuyên bố rằng việc Taliban giành chính quyền ở Afghanistan là minh chứng đanh thép cho ý thức hệ và chiến lược chiến tranh du kích của họ.
Chỉ vài tuần trước kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra vụ khủng bố 11/9/2001, sự kiện Kabul sụp đổ đã gây được tiếng vang mạnh mẽ. Hàng loạt tuyên bố ăn mừng đã được các nhóm thánh chiến đưa ra.
Nhưng giữa làn sóng chúc tụng lại có một ngoại lệ đáng chú ý, đó là IS. IS coi Taliban là "những kẻ phản bội tôn giáo", bởi Taliban sẵn sàng đàm phán với Mỹ.
Các tay súng Taliban tuần tra tại Kabul. Ảnh: AP.
Dưới cái nhìn của IS, thay vì quyết sống chết với lực lượng phương Tây, Taliban lại theo đuổi con đường thực dụng nhằm đạt được mục tiêu là buộc Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan.
Và trong khi chế độ Taliban có một trong những hệ thống luật Hồi giáo tàn bạo nhất, IS vẫn coi luật Hồi giáo của Taliban là chưa đủ nghiêm khắc.
Chỉ trích từ các nhóm thánh chiến cực đoan nhất nhắm vào Taliban không phải là điều mới mẻ. Trong thập niên 1990, Taliban cũng từng hứng chịu công kích tương tự sau khi lực lượng này liên hệ với Liên Hợp Quốc và các chính phủ phương Tây.
Nhưng lần này, IS công kích Taliban sau khi đã xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa các tay súng Taliban và một số nhóm chi nhánh của IS ở Afghanistan.
Hôm 19/8, IS ra tuyên bố chính thức đầu tiên từ sau khi Kabul sụp đổ, cáo buộc Taliban là "những phần tử Hồi giáo xấu xa" và "gián điệp của Mỹ".
Mồi lửa cho phong trào cực đoan toàn cầu
Trái với IS, các nhóm Al Qaeda đang ăn mừng. Tại Yemen, chiến thắng của Taliban ở Afghanistan đã trở thành dịp để các nhóm Al Qaeda bắn pháo hoa.
Trong một thông báo đưa ra sau ngày 15/8, tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) chúc mừng chiến thắng của Taliban, đồng thời tái khẳng định cam kết của tổ chức này nhằm dùng bạo lực lật đổ các chính quyền ở khu vực.
"Chiến thắng này đã cho chúng ta thấy thánh chiến và chiến đấu là con đường thực tế duy nhất đúng theo chỉ dạy của luật Hồi giáo để có thể khôi phục quyền của chúng ta và trục xuất những kẻ xâm lược, những kẻ chiếm đóng", AQAP tuyên bố.
Hàng chục tuyên bố của các kênh truyền thông có liên hệ với Al Qaeda và những người ủng hộ gửi đi thông điệp tương tự, rằng chiến thắng của Taliban là một thành quả lớn lao, một ví dụ cho phong trào thánh chiến khắp thế giới.
Các thành viên của Hayat Tahrir al-Sham ăn mừng chiến thắng của Taliban. Ảnh: AFP.
Các thành viên của Hayat Tahrir al-Sham ăn mừng chiến thắng của Taliban. Ảnh: AFP.
Tổ chức Hayat Tahrir al-Sham, nhóm thánh chiến ly khai Al Qaeda năm 2016, cũng chúc mừng chiến thắng của Taliban. Tổ chức này hiện thống trị tại tỉnh Idlib của Syria.
Một thành viên cấp cao của Hayat Tahrir al-Sham miêu tả cuộc lật đổ của Taliban là "một chiến thắng của Hồi giáo, chiến thắng của người Sunni, chiến thắng cho tất cả người bị áp bức".
Trong khi đó, tổ chức Taliban Pakistan (TTP) cũng miêu tả sự kiện Kabul thất thủ là "chiến thắng cho toàn thể thế giới Hồi giáo".
Osama bin Laden, một đồng minh thân thiết của Taliban, tiến hành nhiều vụ khủng bố nhắm trực diện vào Mỹ bởi trùm khủng bố này tin rằng các siêu cường sẽ run rẩy một khi bị tấn công.
Vì thế, bất cứ biểu hiện yếu đuối nào của các tổ chức cực đoan sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu công kích của những nhóm cực đoan hơn.
Nhiều tổ chức thánh chiến coi sự kiện Kabul thất thủ là cơ hội để công kích các nhóm Hồi giáo theo đuổi quyền lực thông qua con đường bầu cử hòa bình, dù rằng chính các nhóm này cũng hoan nghênh Taliban.
"Trò chơi dân chủ, thỏa hiệp hay ôn hòa chỉ là ảo ảnh lừa dối, một cái bóng thoáng qua, một cái vòng luẩn quẩn bắt đầu và kết thúc đều ở con số không", AQAP tuyên bố.
Khác chiến lược, chung mục tiêu
Sự chia rẽ của các nhóm cực đoan trước chiến thắng của Taliban cho thấy khác biệt lớn về chiến lược hoạt động.
Cái hố ngăn cách giữa một bên là những nhóm thánh chiến quyết tâm dùng bạo lực để lật đổ các chính phủ, bên kia là các tổ chức theo đuổi đường lối thỏa hiệp thực dụng hơn những năm gần đây, đã bị khoét sâu hơn trước.
Từ khi Bin Laden bị tiêu diệt năm 2011, người kế nhiệm Ayman al- Zawahiri đã tiết chế các cuộc tấn công vào phương Tây xa xôi, thay vào đó ưu tiên chiến lược mở rộng ảnh hưởng thông qua xây dựng quan hệ với các nhóm cực đoan ở Trung Đông và châu Phi như tại Yemen hay Mali.
Dù chiến lược có thay đổi, Al Qaeda của al-Zawahiri vẫn gắn bó với mục tiêu chiến tranh bất tận chống lại những người ngoại đạo, những kẻ phản đồ, cho đến khi có thể thành lập một đế chế Hồi giáo.
Các tay súng Taliban tại Kabul. Ảnh: Reuters.
Việc Al Qaeda hỗ trợ Taliban không phải điều bất ngờ. Duy trì quan hệ liên minh khăng khít với Taliban là chìa khóa cho sự tồn tại của Al Qaeda suốt 25 năm qua, và giờ đây quan hệ này càng quan trọng hơn.
Trong khi đó, Hayat Tahrir al-Sham ở Syria thời gian gần đây đã thực dụng hơn. Thủ lĩnh của tổ chức này là Mohammed al-Jawlani đang tìm cách chuyển đổi từ mô hình bạo lực cực đoan sang kết hợp giữa hoạt động dân sự và nổi dậy, dù rằng vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực.
Hayat Tahrir al-Sham dường như đã thỏa hiệp khi gạt mục tiêu xây dựng một nhà nước Hồi giáo cực đoan sang một bên để tìm cách làm việc với các đối tác quốc tế. Điều này khiến Hayat Tahrir al-Sham giống với Taliban.
Trong khi đó, IS tiếp tục là hiện thân của phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan nhất. IS vẫn duy trì ý thức hệ bạo tàn của tổ chức này như đã thể hiện giai đoạn đỉnh cao quyền lực 2014-2016. Phản ứng của IS trước chiến thắng của Taliban cho thấy tổ chức này sẽ không dễ thay đổi chiến lược hoạt động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét