Xin gửi tới các bạn hình ảnh những đôi quang gánh của phụ nữ Việt Nam mà tôi thu được trên các nẻo đường đất nước. Tác giả Vũ Công Hiển: Bây giờ đã qua thế kỷ 21, đôi quang gánh vẫn còn trĩu nặng trên vai người phụ nữ Việt Nam. Những đôi vai thường gầy gò, và những khuôn mặt thường sạm nắng. Không biết đôi quang gánh ra đời từ thế kỷ nào, nhưng tôi nhớ khi còn rất nhỏ, gia đình tản cư về thành, tôi được đặt ngồi trong một cái thúng, còn thúng bên kia là quần áo của cả gia đình. Chị người làm gánh như vậy mấy chục cây số. Mẹ tôi ẵm con nhỏ. Còn hai người anh tôi 5, 6 tuổi thì lếch thếch đi bộ với bố tôi.
Bây giờ đã qua thế kỷ 21, đôi quang gánh vẫn còn trĩu nặng trên vai người phụ nữ Việt Nam. Những đôi vai thường gầy gò, và những khuôn mặt thường sạm nắng.
Xin gửi tới các bạn hình ảnh những đôi quang gánh của phụ nữ Việt Nam mà tôi thu được trên các nẻo đường đất nước.
ĐỒNG DAO
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp…
VÀI CHUYẾN SĂN ẢNH
“A picture is worth a thousand words.”
SĂN ẢNH CHIM
Trong giới nhiếp ảnh có khá đông người mê chụp chim. Họ tới những vùng xa xôi, ở lại trong rừng nhiều ngày để săn ảnh chim lạ. Tôi không mê chụp chim đến mức độ như vậy vì thiên về chụp con người với tính nhân văn hơn. Trong một lần đi chụp chim ở vùng Merced (California), chúng tôi gặp một bầy chim hàng ngàn con dưới cánh đồng, cách chừng trăm mét. Bèn ngừng xe lại bước xuống thật chậm vì sợ chim bay mất trước khi sẵn sàng. Một xe khác cũng vừa dừng lại sau và một người đàn ông cầm máy ảnh tiến về phía bầy chim.
Tôi vừa cầm máy đổi sang tốc độ nhanh vừa chầm chậm tiến sau ông ta với một khoảng cách có tính toán. Quả nhiên bầy chim bay ào lên kín bầu trời và tôi bấm liên tục nhiều phát nhưng vẫn cố ý để cho người đàn ông phía trước lọt vào khung ảnh. Khi đưa tấm hình chụp này cho mấy người bạn xem, một cô nói: Quá chừng chim luôn! Chụp đã luôn anh Hiển há! Mà người đang đứng chụp phía trước có phải là anh không?
Tôi trả lời: Không, đó là một người lạ. Anh đi sau ông ta từ lúc bầy chim chưa bay, chực máy sẵn vì biết bầy chim sẽ bay lên khi ông ta tới gần. Hình của anh có chủ thể người (tức ông ta) trong đó. Còn hình của ông ta chụp sẽ chỉ toàn chim là chim thôi, thiếu điểm nhấn. Khác nhau ở chỗ đó. Lý do anh đã đi chậm lại phía sau ông ta là như vậy.
Một anh bạn bác sĩ bên Texas, kiêm thi sĩ thường làm thơ trào phúng với bút hiệu Châm Tá Nhân thì ứng khẩu bốn câu thơ khi xem tấm ảnh này:Một con chim, ngàn vạn con chim.
Một chim thì đứng lặng, im lìm.
Ngàn vạn chim lại đang vỗ cánh,
Vừa rất sinh động, vừa rất ... im!
ĐOÀN LỮ HÀNH
Vào khoảng cuối Xuân chúng tôi thường đi săn ảnh ở Thung lũng Tử Thần (Death Valley) khi trời chưa nóng lắm, một điểm chụp chúng tôi đã đi nhiều lần mà vẫn không chán. Và qua mùa Hè, khoảng cuối tháng 7, chúng tôi hay làm một vòng cảnh đẹp miền tây nước Mỹ của ba tiểu bang Nevada, Arizona, Utah. Khởi đầu chúng tôi ghé Las Vegas chụp cảnh đêm và ngủ lại.
Sáng hôm sau sẽ lái thẳng tới Bryce Canyon, một công viên quốc gia rất đẹp tuy kích thước nhỏ hơn Grand Canyon. Gần tới Bryce Canyon là một công viên quốc gia khác có tên Zion. Công viên Quốc gia Zion nằm ở tây nam bang Utah rộng gần 600 cây số vuông. Các bức tường của hẻm núi có màu nâu đỏ và những sọc ngang trông rất lạ và đẹp mắt. Thường chúng tôi chỉ chạy ngang Zion trên đường tới Bryce Canyon, nhưng lần này chúng tôi ngừng lại để đi sâu vào khám phá mấy thác nước với hình dáng khá độc đáo như trên những tấm thiệp trong các tiệm bán đồ kỷ niệm dọc đường.
Từ ngoài đường nhựa đi bộ vào thung lũng khoảng 3 cây số, chúng đi qua một cây cầu bắc qua con suối nhỏ. Chợt thấy một đoàn khoảng hơn chục người cưỡi ngựa băng qua suối. Sao trông giống cảnh những phim cao-bồi ngày xưa quá. Thế là tôi bấm. Đem về xem thì có nhiều bạn thích và đề nghị đem triển lãm nhiếp ảnh ở San Jose. Sau tấm ảnh này, chúng tôi lội bộ tiếp xuống thung lũng. Ba cây số đường đồi núi với ba-lô máy ảnh cũng cần cố gắng để chụp mấy thác nước ở góc ảnh rất gần. Tuy đẹp nhưng vẫn không đặc biệt bằng tấm ảnh chụp ngoài chương trình, Đoàn Lữ Hành.
BIG SUR
Cứ vào cuối năm khi mùa đông đến và mặt trời di chuyển về phía nam thì ánh sáng buổi chiều rọi xuyên qua lỗ hổng của một tảng đá lớn nằm sát bờ biển Pfeiffer Beach của vùng Big Sur, California. Đây là cơ hội tuyệt vời lôi cuốn hàng ngàn dân nhiếp ảnh khắp nơi tới chụp cảnh trí hiếm thấy này.
Tảng đá này có thể nằm trong sương mù hay dưới nắng đẹp, ánh sáng sớm mai hay chiều tà nhưng dù trong điều kiện nào thì trông cũng rất sống động. Nhưng tuyệt vời nhất là cảnh hoàng hôn khi mặt trời hiện qua hốc đá.
Việc đầu tiên khi tới bãi biển này là tìm một chỗ tốt để dựng chân máy ảnh.
Công dụng của chân máy là để giữ chỗ và đỡ mỏi tay trong khi chờ mặt trời lặn. Mặc dù đã dựng chân máy sát mé nước để đừng ai đứng chặn ngay trước ống kính của mình khi họ tới sau, nhưng bạn đừng ngạc nhiên sẽ có dăm ba người tỉnh bơ làm việc đó. Và tôi dám đoan chắc đó là những người gốc Á châu. Chưa bao giờ thấy người Mỹ làm cái việc kém lịch sự như vậy.
Thế rồi thời điểm “vàng” cũng tới. Mọi người thi nhau bấm cảnh sóng đánh tung tóe qua hốc đá với ánh sáng trời chiều rọi xuyên bụi nước đỏ rực lên như lửa. Tuy nhiên tôi cũng không bỏ qua cảnh sóng đánh vào tảng đá lớn khác gần đó, tạo thành một bức tranh kỳ diệu với màu sắc hoàng hôn chiếu xuyên qua bụi sóng mà không thể gặp lần thứ hai. Cảnh này thì “một mình một chợ”, không phải giành giật. Đi chụp ảnh đôi khi cũng cần phải rời bỏ đám đông để tìm sự sáng tạo và cá biệt.
Năm 1965 phim Sandpiper đã được quay tại đây với cặp tài tử danh tiếng lẫy lừng, Elizabeth Taylor và Richard Burton. Vậy thì ra nơi này đã nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước. Năm đó, 1965, bạn đang ở đâu?
CHEETAH RUN
Beo đốm (cheetah) sống tập trung ở châu Phi nhưng “dân số” giảm dần và cho tới nay chỉ còn khoảng 7000 con sống nơi hoang dã. Beo đốm cân nặng từ 21kg đến 72kg, nhỏ hơn sư tử. Bộ lông có màu vàng và trắng xám với gần 2000 đốm đen.Beo đốm là con vật có tốc độ chạy nhanh nhất trong các loài vật. Con cọp chỉ có tốc độ bằng một nửa. Beo đốm thường săn mồi vào ban ngày. Với tốc độ có thể tăng lên đến 112km/giờ khi cần nên con mồi khó có thể thoát. Với tài săn bắt của nó, trước đây người ta thường hay nuôi beo đốm trong trò chơi săn đuổi con mồi.
Vào mùa hè mỗi năm ở tiểu bang Nevada người ta thường tổ chức một ngày “Cheetah Run” cho beo đốm săn mồi để mọi người vào xem và chụp ảnh. Chụp beo đốm đang rượt đuổi con mồi với tốc độ tên bắn là một thử thách thú vị, và vác máy về không là chuyện bình thường. Cái khó là chưa kịp nhìn thấy thì nó đã biến mất, hoặc vừa lấy nét xong thì nó đã chạy ra khỏi khung hình hoặc ra khỏi vùng sắc nét.Lái xe 5 tiếng đồng hồ, ngủ lại đêm để chụp có 30 giây đồng hồ. Nếu không bấm được tấm nào xem được thì… lỗ to. Tấm ảnh này tôi chụp một con beo đốm đang đuổi con mồi ở Bắc Mỹ chứ không phải ở châu Phi.
CHÚ TIỂU VÀ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Tôi đã đi Myanmar hai lần, mỗi lần 6 ngày, bấm hơn 4500 tấm ảnh. Cũng có thể tạm hài lòng vì đã chụp được những điểm chính của xứ này: đền chùa cổ kính, bình minh tại cố đô Bagan, hình ảnh các chú tiểu trên đường tới tu viện, những ngư dân với lối đứng độc đáo một chân tại hồ Inle…Vậy mà khi có bạn rủ đi Myanmar lần thứ ba, tôi nhận lời ngay. Lý do là chuyến đi này không theo lộ trình của hai chuyến trước mà đi ngược về phía nam chụp mấy hang động. Mấy hang động này thua rất xa những hang động ở Quảng Bình và Vịnh Hạ Long về kích thước và vẻ đẹp. Không có bất kỳ du khách nào thèm tới đây cả. Chỉ có mấy chàng nhiếp trẻ ở Sài Gòn rủ nhau tới đây săn ảnh mang theo dăm cây nến và rủ theo vài chú tiểu địa phương gần đó.
Tôi không ngờ bước vào đây lại chật vật đến như vậy. Mọi người phải lội bằng chân không qua một bãi sình lầy khoảng 100m trơn như bôi mỡ và vén ống quần lên khỏi đầu gối. Một phần đoạn đường là những mỏm đá lởm chởm cao tới ngực nhưng rất sắc cạnh. Đứt chân như không. Mặc dù tôi đã dùng chân máy (tripod) làm gậy chống nhưng cũng suýt té nhiều lần. Rồi đến lúc dựng được chân máy để chụp cũng không dễ chút nào vì hang quá tối nên máy ảnh không nhìn thấy rõ để lấy nét (focus).
Tuy không nguy hiểm như một vài chuyến khác nhưng có thể nói chuyến đi này tôi đã vất vả hơn bao giờ hết. Đã qua cái tuổi chân cứng đá mềm chăng? Cuối cùng thì chỉ với hai cây nến còn sót lại, khéo léo tìm góc độ và dùng vũng nước để có ảnh phản chiếu, chúng tôi đã biến một hang tối lầy lội, xấu xí thành một hình ảnh khá rực rỡ và bắt mắt. Cũng là một chút an ủi cho công lao ngàn dặm.
Vũ Công Hiển
July 15, 2021
Xin chân thành cảm ơn Nhiếp ảnh gia Vũ Công Hiển đã chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét