Mikhail Afanasievich Bulgakov thường gọi là Bulgakov (1891-1940) được đánh giá là nhà văn vĩ đại và huyền bí nhất của văn học Nga và thế giới. Trong cuộc đời cầm bút ông đã viết 11 tác phẩm văn xuôi, 8 vở kịch. Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” là kiệt tác đã đưa Bulgakov lên đài cao danh vọng; nhưng chính truyện vừa “Trái tim chó” mới là tác phẩm gây tiếng vang lớn được hàng trăm triệu người trên thế giới hăm hở tìm đọc. Xung quanh tác phẩm này có hai luồng dư luận khen chê khác nhau. Rất nhiều người, trong đó có các nhà văn nổi tiếng như Gorki, Vêrênêep, Stanislapski đánh giá cao sự thành công của Bulgakov; ngược lại, không ít người phê phán ông rất cay độc. Theo Bulgakov thì chỉ trong thời gian ngắn đã có tới 298 bài báo gay gắt lên án ông có tư tưởng thù địch cách mạng!
Năm 1929 Staline tuyên bố vở kịch “Chạy trốn” của ông mang ý đồ chống đối nhà nước Xô viết nên ra lệnh cấm diễn; đồng thời toàn bộ tác phẩm của ông cũng bị cấm xuất bản; ông lâm vào cảnh túng thiếu. Quá cùng quẫn, ông viết thư gửi Chính phủ “Xin làm trợ lý đạo diễn, nếu không thì cho làm diễn viên câm đóng vai phụ hoặc xin chân tạp vụ kê dọn sân khấu…”. Bi quan trước thời cuộc, ông thủ sẵn khẩu súng ngắn để tự xử khi bị đẩy vào bước đường cùng!
“Trái tim chó” là cuốn truyện viết theo thể loại khoa học viễn tưởng. Chuyện kể nhà bác học Philip Philippovits tình cờ gặp con chó hoang bị thương đang lết trên tuyết tìm ăn; ông dẫn nó về nhà chạy chữa rồi đặt tên là Sarik… Nhân bên bệnh viện có một gã vô sản lưu manh tên là Klim vừa chết, Philip nảy ra ý tưởng làm một cuộc thử nghiệm khoa học. Đó là tách tuyến yên não của tên vô sản cấy ghép cho chó để tạo ra một sinh vật mới có khả năng chung sống với con người. Việc cấy ghép thành công mỹ mãn. Chỉ trong thời gian ngắn chó rụng lông, chỉ để lại chỏm lông trên đầu; chó bắt đầu đứng thẳng, đi lại bằng hai chi sau và bập bẹ nói tiếng người; từ đầu tiên nó nói là “ác ít” làm mọi người sững sờ kinh ngạc! Từ đó chó Sarik được đổi thành tên người là Sarikop, được mặc quần áo, đội mũ, mang giày; phát âm sõi dần, biết thêm nhiều từ mới, chủ yếu là các thuật ngữ chính trị, nhưng nhiều nhất vẫn là những câu chửi bới hết sức tục tĩu !
Song song với những thay đổi (tạm gọi là) tiến hóa, Sarikop ngày càng tập nhiễm những thói lưu manh đểu cáng như ăn nói vô lễ tục tĩu, dối trá, trộm cắp, lừa đảo, nghiện ngập, thích đàn đúm với những phần tử bất hảo… Nghiêm trọng hơn, Sarikop còn mắc những tội rất nặng như chửi vị bác sĩ trợ lý của giáo sư Philip bằng những câu thô bỉ nhất; hay lần hắn trâng tráo gọi giáo sư là "đồng chí".Thế mà không hiểu sao hắn lại được bầu làm trưởng Tiểu ban làm sạch thành phố Matxcova . Đó là chưa kể một lần hắn sừng sộ đòi nhà bác học phải chia cho hắn tiêu chuẩn nhà đất cùng mọi chế độ đãi ngộ xã hội vì hiện tại hắn đã là công dân Sarikop. Và lần khác hắn nấp nhìn trộm cô trợ lý Dina tắm!
Qua những vụ việc hàng ngày chứng kiến trên đây, nhà bác học cay đắng nhận ra công cuộc thử nghiệm của mình là hoàn toàn thất bại. Ông thổ lộ “Tôi đã đưa ra một phát minh mới nhưng đáng tiếc không thành công… Hiện tượng này gọi là “lại tổ”. Tôi cho rằng trái tim của hắn bây giờ không còn là trái tim chó nữa mà là trái tim của một kẻ đốn mạt nhất trong thế giới tự nhiên.”
Để sửa chữa những sai lầm này chỉ còn cách duy nhất đưa Sarikop lên bàn mổ, trả lại tuyến yên cũ để nó trở về kiếp chó. Và ông đã làm đúng như thế, cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm.
Kiệt tác “Trái tim chó” được viết năm 1925 nhưng mãi đến năm 1968, nghĩa là sau 43 năm, sách mới được phép in. Đáng buồn hơn khi tác phẩm chào đời thì nhà văn vĩ đại Bulgakov đã mất trước đó 28 năm – năm 1940!
Từ fb Trần Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét