Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Biden Đang “Thần Phục” Trung Cộng Ra Sao… - Minh Phượng (dịch)

Ảnh từ AFP - Trong khoảng một thập niên gần đây, sau hơn 40 năm bắt tay giao thương, Hoa Kỳ (HK) đã bắt đầu nhìn thấy sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Cộng (TC), nên dù ai là Tổng Thống, thuộc đảng Dân Chủ, hay Cộng Hòa, thì HK cũng luôn muốn kềm chế, không để cho TC thực hiện được giấc mộng làm bá chủ toàn cầu, nhất là trên phương diện kinh tế. Thực tế cho thấy việc khống chế TC không còn là điều có thể thực hiện dễ dàng, đơn giản nữa. TC đã và đang dần dà tăng cường ảnh hưởng rộng lớn với các quốc gia bên Âu Châu, và mở rộng, bành trướng những khai thác về nguyên liệu cho những sản phẩm, kỹ nghệ cần thiết trên toàn cầu, trên mọi phương diện, ngay cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, và kỹ nghệ năng lượng sạch .
<!>

Trong chuyến công du đầu tiên qua Âu Châu, TT Biden đã đưa ra nhiều biểu quyết, và kêu gọi sự hợp tác của liên khối Âu Châu và Anh Quốc trong việc đối đầu với TC. Tuy một số các quốc gia Âu Châu vẫn còn lưỡng lự, không chắc chắn rằng họ có thể “cứng rắn” hơn với TC hay không, nhưng ngoài mặt, trước công chúng, thì họ đã cùng tỏ sự đồng thuận, đồng lòng trong việc phải cứng rắn với TC hơn khi đưa ra những điều kiện trong việc giao thương . (Xin xem bài “Hình Ảnh của Hoa Kỳ Trên Toàn Cầu Hồi Phục Với Sự Chuyển Đổi từ Trump Sang Biden”.

Xin tóm lược và trích từ bài ” Vấn Đề Trung Quốc quanh chuyến đi châu Âu của Biden” (China looms over Biden’s Europe trip, của Ishaan Tharoor. (Ông Tharoor phụ trách chuyên mục của tờ The Washington Post, về những bản tin và chuyên về Quan Điểm của Thế giới ngày nay. Ông từng là biên tập viên và phóng viên kỳ cựu của tạp chí Time, lúc đầu ở Hồng Kông và sau đó bên New York)

Trước công chúng, một số nhà lãnh đạo châu Âu lặp lại những lo ngại của Biden. “Đó là một chế độ chuyên quyền, không tuân theo các nguyên tắc đa phương và không có chung huớng nhìn về thế giới mà các nền dân chủ có”, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết hôm Chủ nhật tại kết luận của hội nghị thượng đỉnh, nói với các phóng viên về Trung Quốc. “Chúng ta cần hợp tác nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn về những điều mà chúng ta không đồng lòng, không chấp nhận. Tổng thống Mỹ nói rằng im lặng là đồng lõa ”.,

Nhưng bên trong, sự khác biệt rõ ràng là vẫn còn. Các quốc gia G-7 có cổ phần đáng kể tại thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Nhật Bản và Đức, đang thận trọng hơn với việc thể hiện cung cách đối đầu ngang ngược công khai với Trung Quốc, ngay cả khi thái độ của dân chúng đối với Bắc Kinh đã trở nên cứng rắn hơn. “Có một chút khác biệt, tôi nghĩ- về mực độ thúc đẩy, ép buộc khó khăn mà họ sẽ thực hiện đối với một số vấn đề này,” một vị chức sắc trong chính trường Hoa Kỳ nói, với điều kiện giấu tên vì không được phép công khai tuyên bố chi tiết của cuộc đàm phán.

TT Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh với nhà cầm quyền TC và những đối thủ của họ là trận chiến quyết định trong những năm tới. “Tôi biết điều này nghe có vẻ hơi thô bỉ”, Biden nói hôm Chủ nhật. “Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang đọ sức. Không chỉ với Trung Quốc, mà cả những kẻ chuyên quyền, những chính phủ độc tài trên khắp thế giới, để xem các nước dân chủ có thể cạnh tranh với họ trong thế kỷ 21 đang thay đổi nhanh chóng hay không ”.

Hai học giả về chính sách đối ngoại của HK, Thomas Pepinsky và Jessica Che , trong một bài xã luận, trên báo Foreign Affairs, đã đưa ra những lời khuyên, nhận định thực tế cho chính quyền Biden. Họ đề nghị là nên có những giải pháp ổn định trật tự quốc tế, một cách cân nhắc, khéo léo, uyển chuyển để có đáp ứng, bao gồm các nước tự do, cũng như phi tự do, vì nếu không, sẽ khó tránh khỏi một cuộc đụng độ thực sự. Họ viết: “khi nhà cầm quyền TC kết luận rằng Washington sẽ không bao giờ cho phép Bắc Kinh đóng vai trò hàng đầu trên chính trường thế giới, thì điều đó có thể dẫn đến sự đối đầu toàn diện mà Hoa Kỳ phải cố gắng tránh khi đang muốn trở lại vị thế lãnh đạo quốc tế,”

Cùng lúc, Biden cũng phải tinh tế nhận ra rằng tuy hiện giờ các nước Âu Châu cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, nhiều hy vọng hơn trên nhiều phương diện, sau chuyến công du của ông, họ cũng không muốn phải đụng độ với TC, nếu điều đó ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế của họ, nhất là khi chưa biết được trong tương lai HK sẽ hướng theo đường lối nào, hoặc nếu có một người nào khác, giống như Trump, lên làm TT bốn năm sau .

Và vì thế, sau khi về lại HK, Biden đã đưa ra một “đòn” để kềm chế TC bằng cách giảm thiểu, chặn đứng việc TC có thể đạt được mục tiêu tự tạo chỗ đứng làm semiconductor, bộ phận tối yếu trong tất cả các sản phẩm kỹ nghệ tinh vi trong thế kỷ 21. Trước đây, TC chỉ tìm nơi để khai thác, sản xuất nguyên liệu, và các hãng xưởng bên TC phần lớn được dùng trong việc ráp nối các bộ phận cho những sản phẩm trong kỹ nghệ cao cho giới tiêu thụ trên thế giới. Giờ thì TC đang chuyển sang khuynh hướng sản xuất cả các “chip” semiconductor, một bước tiến để cạnh tranh với thương trường HK trên lãnh vực này.

Vào năm 2016, tôi có dịch một bài nghiên cứu rất kỹ lưỡng, rõ ràng, tựa là “Đất Hiếm” , viết bởi một cựu giảng sư Kinh Tế Học tại ĐH Havard, về việc TC đã và đang khai thác, sản xuất những tố chất, kim loại “hiếm”, được dùng trong các nghành kỹ thuật cao, trong các máy vi tính, smart phone, và nhất là những công cụ, vũ khí quốc phòng (đài radar, hoả tiễn, v.v…). Điều trớ trêu là những nguyên tố này cũng được dùng để cung cấp năng lực cần thiết cho những hệ thống năng lượng “sạch” như các trang trại điện lực từ “gió” và những xe hơi điện. Cùng lúc, việc khai thác này đã khiến những dòng nước bị nhiễm độc, ruộng không còn canh tác được và làm cho người mang bệnh . . . Một số các chương trình khai thác của TC được mang cái “vỏ”, ẩn nấp sau những công ty mang tên của nước khác, ví dụ điển hình là Formosa, nơi ẩn sau “bức bình phong” là nơi sản xuất thép, nhưng thực tế là để khai thác các nguồn nguyên liệu “hiếm” và thải ra acid, cùng chất độc khủng khiếp, tiêu diệt hằng triệu sinh vật dưới biển bên VN. Lúc đó, TC đã là nơi cung cấp, sản xuất 89% các nguyên tố được lọc ra từ các quặng “đất hiếm”. Giờ đây, TC đang muốn được đứng ngang, hay hơn, HK về khả năng sản xuất semiconductor, chips cho kỹ nghệ cao trên toàn thế giới. Và đương nhiên, HK sẽ tìm mọi cách để cản trở việc TC có thể mua chuộc, đánh cắp những công thức, và phát minh trong ngành này cho kỹ nghệ cao này.

Và vì thế, để hiểu được lập trường mới của chính quyền, chúng ta hãy nhìn vào những gì đang xảy ra giữa HK với công ty bán semiconductor, tên Magnachip, của Nam Hàn .

Xin trích, dịch từ bài “Biden mở trận đánh bí hiểm mới trong chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc” của tờ Báo Foreign Policy, ra ngày 22 tháng 6, 2021 (Tác giả bài viết là ông Chris Miller, một giảng sư của Trường Luật Fletcher về Luật và Dân chủ):

Giới lãnh đạo của TC đã xác định semiconductors là trọng tâm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Những dự án của chính phủ TC như “Made in China 2025” đang đầu tư hàng tỷ đô la vào ngành sản xuất chip.

Gần đây Tập Cận Bình đã bổ nhiệm cố vấn kinh tế hàng đầu của mình, ông Liu He, làm giám đốc về “chip”, với nhiệm vụ giúp đỡ, khuếch trương sự sản xuất semiconductor của TC, và giảm thiểu việc lệ thuộc vào kỹ nghệ này từ nước ngoài. Nên nhớ, semiconductor là “pin”, dùng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ máy tính cao siêu cho đến việc lái xe tự động, cả những phương tiện kỹ thuật dùng trong quân đội, cho nên việc tăng cường sản xuất, hoàn chỉnh semiconductor của Bắc Kinh đương nhiên không chỉ để sản xuất thêm smartphones.

Và ông Miller giải thích về sự việc Biden đã thương lượng, làm áp lực với Nam Hàn như sau:

Trích:

Cách giải thích hợp lý duy nhất là trên thực tế, chính quyền Biden, với sự đồng lòng hợp tác của chính phủ Nam Hàn, đã tỏ thái độ rất rõ ràng khi quyết định rằng tất cả các công ty chip — dẫu nhỏ và trông như vô hại, gần như không liên quan đến Hoa Kỳ — cũng đều không được đến tay Trung Cộng. Nếu Magnachip, một hãng nhỏ của Nam Hàn, không được phép giao kết với quỹ đầu tư tư nhân của TC, thật khó để tưởng tượng rằng những công ty khác lại có được quyền kết hợp với TC.

Đây là một tin xấu đối với TC, khi họ đang cố gắng để có được kiến ​​thức chuyên môn về chip qua cách mua trọn các công ty nước ngoài.

Nếu muốn khiến cho TC phải “xấc bấc xang bang”, không thể chiếm ngự ngôi vị “bá chủ toàn cầu” , một cách kín đáo, hữu hiệu, thì có lẽ đây là một trong những phương thức chính quyền Biden đang thực hiện khá thành công. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để chúng ta có thể khẳng định cung cách này sẽ có hiệu lực đối đầu mạnh mẽ, nhưng khéo léo, đến đâu đối với TC. Sự kiện TT Biden chuẩn thuận việc đầu tư vào những chương trình cải thiện môi trường cũng là một trong những phương thức cạnh tranh ảnh hưởng của TC đối với những sản phẩm được đưa ra dưới tựa đề “giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu”, hiện đang được TC cổ súy rất hữu hiệu.

Là một người tỵ nạn CSVN, tôi không khỏi không quặn lòng khi nghĩ đến tương lai đen tối của những thế hệ sau bên VN, vì tiền đồ, cơ nghiệp ông cha để lại nay đang dần dà bị mất đi, không chỉ vì sự ích kỷ, tham lam, bán nước của nhà cầm quyền CSVN, mà còn bởi sự hâm nóng toàn cầu đang khiến VN, nhất là Nam VN, đang dần mất đất, nằm dưới biển sâu trong chỉ vài thập niên nữa thôi. Và không chỉ VN, hay chỉ những nước nghèo gần đường xích đới, cả HK cũng sẽ phải hứng chịu kết quả đen tối nếu việc giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu không được quan tâm, giải quyết nhanh chóng. Về vấn đề này, tôi mong, và tin rằng TT Biden đang thực hiện những cải tổ, những cố gắng đáng khích lệ, không chỉ vì lợi lộc cá nhân, mà là vì sự tồn vong của hằng triệu sinh linh, hằng bao nhiêu quốc gia đang có nguy cơ bị mất đi trong tương lai, trong đó, đương nhiên, có cố quốc VN yêu dấu. Xin xem bài viết “Còn Lại Gì Không Giữa Biển Sâu…., với những tài liệu tôi đã nghiên cứu từ nhiều năm và tổng kết từ năm rồi về vấn đề này.

Minh Phượng

Nguồn:

1) ” Vấn Đề Trung Quốc quanh chuyến đi châu Âu của Biden” (China looms over Biden’s Europe , Ishaan Tharoor

 2) “Biden mở trận đánh bí hiểm mới trong chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc” , Chris Miller

3) Hình Ảnh của Hoa Kỳ Trên Toàn Cầu Hồi Phục Với Sự Chuyển Đổi từ Trump Sang Biden , Pew Research.

Không có nhận xét nào: