Chị Nguyễn Anh Thư (phải) nói chuyện với chị gái Nguyễn Anh Thúy trong một lần đến thăm nhà mới của chị Thúy ở Glendale, bang Arizona, ngày 25 tháng 10, 2020.
GLENDALE, Ariz. — Những ngày này cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ gần như chiếm trọn sự quan tâm của chị Nguyễn Anh Thư. Bất cứ khi nào rảnh rỗi chị lại đem điện thoại ra lướt Facebook rồi chia sẻ lại những bài viết hay những video bình luận chính trị. Chị làm điều đó gần như mỗi ngày và chị không che giấu quan điểm và lập trường chính trị của mình. Chị ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump.
<!>
Mến mộ vị tổng thống Đảng Cộng hòa bao nhiêu chị càng dè bỉu những người chỉ trích ông và giới truyền thông bấy nhiêu. Chị không ngần ngại tranh luận và đốp chát với những người mà chị nói là coi thường những người theo Đảng Cộng hòa và ủng hộ ông Trump như chị. Sự khinh thị của chị đối với họ tràn ngập trang Facebook cá nhân và chị không quan tâm những lời đả kích của chị làm mích lòng ai.
Nhưng có một ngoại lệ: chị sẽ giữ im lặng hoặc tránh nói về chính trị với chị gái của mình, người chống đối ông Trump quyết liệt và ủng hộ ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.
Cặm cụi bên bàn làm móng trong một tiệm nail bên ngoài thành phố Phoenix, bang Arizona một sáng Chủ nhật gần đây, chị Thư, 47 tuổi, nói về sự khác biệt quan điểm chính trị giữa hai chị em với một vị khách người Mỹ lớn tuổi, người cũng ủng hộ Tổng thống Trump. Chị cho biết chị gái của chị ủng hộ “những thứ miễn phí” như y tế và giáo dục trong khi cá nhân chị thì ngược lại, và rằng chị không bao giờ tranh luận về sự khác biệt quan điểm với chị mình.
“Chị tôi là người tốt,” chị nói bằng tiếng Anh với vị khách.
Sự phân cực chính trị đã trở nên sâu sắc hơn ở Mỹ trong những năm gần đây khi sự đối đầu đảng phái ngày một gay gắt và những tranh cãi bùng lên không ngớt ở Washington, với tâm điểm là một vị tổng thống quyết không lùi bước trong những cuộc đấu khẩu kịch liệt với những người chỉ trích.
Trên mạng xã hội, những cuộc tranh luận chính trị mau chóng nhường chỗ cho những lời lẽ đả kích, gièm pha và miệt thị giữa những người có quan điểm đối lập. Trong gia đình và giữa bạn bè, sự khác biệt quan điểm chính trị trở thành nguồn cơn gây chia rẽ và làm rạn nứt các mối quan hệ lâu năm, để lại nỗi bực dọc, thất vọng và tiếc nuối cho nhiều người.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đầu năm nay cho thấy gần ba phần tư người Mỹ nói rằng xung đột giữa những người theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hiện giờ là rất mạnh và tỉ lệ này đã tăng cao đáng kể trong gần một thập niên. Viện nghiên cứu chuyên thăm dò dư luận về các vấn đề xã hội cho biết khi họ đặt câu hỏi đầu tiên vào tháng 12 năm 2012, 47% người Mỹ mô tả xung đột đảng phái là rất mạnh. Bốn năm sau, vào tháng 12 năm 2016, 56% nhận định như vậy, và tỉ lệ này hiện nay là 71%.
Xu hướng này nhất quán với sự gia tăng ác cảm về đảng phái trong những năm qua, bao gồm một bộ phận lớn những người trong mỗi đảng gán những đặc tính tiêu cực cho những thành viên của đảng đối lập và đánh giá họ một cách tiêu cực, Pew cho biết.
Chị Thư nói sự khác biệt quan điểm chính trị giữa hai chị em bắt đầu trở thành một điểm nóng trong mối quan hệ của họ vào năm 2016 cũng trong mùa vận động tranh cử tổng thống. Chị nhớ từng chất vấn chị gái trên Facebook về việc ủng hộ phá thai trong tư cách một người Công giáo. Sau đó chị nói chị nhận thấy hai người không còn là bạn trên mạng xã hội này nữa.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống và bắt đầu làm đảo lộn những lề thói và khuôn mẫu lâu năm ở Washington, chị Thư trở thành người ủng hộ nhiệt thành của ông, người mà chị nói chị không biết gì nhiều vào năm 2016 khi bỏ phiếu cho ông và rằng lá phiếu của chị dành cho Đảng Cộng hòa nhiều hơn. Phần lớn các thành viên khác trong gia đình chị đều ủng hộ Tổng thống ngoại trừ người chị thứ hai. Xung đột gần như là điều không thể tránh khỏi.
Chị kể một trong những tranh cãi bùng lên trong một bữa cơm gia đình liên quan đến số người chết vì dịch Covid-19. Người chị bày tỏ lo ngại về con số tử vong tăng cao và sự lây lan của dịch bệnh trong khi chị Thư tỏ ra nghi ngờ con số thật sự, dẫn ra những nguồn tin mà chị đọc nói rằng một số bệnh viện liệt kê sai số người chết để nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ.
“Bả la mình liền, ‘Nói tầm bậy tầm bạ, vậy là mày nghe những đài fake news rồi.’ Mình biết lúc đó là nóng rồi đó nên mình nói, ‘OK, vậy thôi không nói nữa,’” chị kể.
Đó là sự nhún nhường mà chị sẽ không bao giờ chấp nhận trong những cuộc tranh luận với người ngoài, chị nói. Chị biết tranh cãi với người trong nhà, đặc biệt là người có quan điểm mạnh mẽ như chị gái của mình, không những không thuyết phục được họ thay đổi ý kiến mà thậm chí còn làm cho tình cảm gia đình sứt mẻ. Chị không muốn điều đó xảy ra với một trong những người mà chị gắn bó nhất suốt hơn 20 năm đầu đời.
Chị Thư kể hai chị em sống chung với nhau từ nhỏ cho đến khi họ theo mẹ sang Mỹ định cư vào năm 1991 nhờ ba chị bảo lãnh. Khoảng thời gian đầu họ đến sống ở bang Alaska hẻo lánh gần Bắc Cực rồi sau đó dọn vào trong lục địa của Mỹ ở Bờ Tây. Hai chị em thuê một căn hộ sống cùng nhau trong những năm tháng học đại học. Dù tính tình, lối sống và sở thích của họ gần như trái ngược nhau, họ hiểu nhau, đùm bọc và yêu thương nhau.
Sự khác biệt quan điểm chính trị ít nhiều khơi lên căng thẳng trong mối quan hệ của họ trong những năm gần đây, nhưng chị Thư xác định tình chị em của họ quan trọng hơn những khác biệt đó và chị nói sẵn lòng giữ im lặng hoặc lùi bước để giữ hòa khí gia đình. Ở một mức độ nào đó, sự nhún nhường này phản ánh một nguyên tắc sống của chị.
“Con người của mình không phải lật lọng hay giả dối hay không giữ vững lập trường nhưng mà mình nghĩ đôi khi mình sống trong cuộc sống mình phải linh động, có nghĩa là giống như một cái cây đừng có cứng quá nó sẽ gãy,” chị nói, nhắc tới việc chị biết mình có thể đề cập tới những vấn đề chính trị với ai và vào lúc nào để tránh gây nên căng thẳng không cần thiết.
“Mình đi với gia đình thì mình phải dùng sự giao thiệp của gia đình. Mình biết người đó không thích cái đó, mình dù sao cũng là chị em, một cái gì đó mà trong trong tương lai hoặc ngày mai mình không thể cắt đứt bỏ được. Tại sao người ta không thích cái đó mình làm cái đó làm chi?”
Chị Nguyễn Anh Thúy, người chị gái có quan điểm chính trị đối lập, đã dọn ra khỏi nhà của ba mẹ chị sau một khoảng thời gian sống chung kể từ khi chị dọn về từ California vài năm trước. Chị nói chị không thể chịu được việc hàng ngày phải nghe những bình luận chính trị từ các kênh YouTube của một số người Việt mà ba chị theo dõi. Sự xung khắc về quan điểm chính trị cũng làm cho sự giao tiếp giữa chị và người nhà thêm khó khăn, chị nói.
Nhưng chị Thúy vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chị Thư và gần như không có sự rạn nứt nào trong mối quan hệ của họ bất chấp những khác biệt sâu sắc về quan điểm chính trị. Chị Thúy thậm chí thể hiện một sự tin tưởng nhất định vào khả năng của chị Thư thu xếp một cuộc họp mặt gia đình mà chị e ngại có thể khơi lên những bất đồng trên bàn ăn.
“Thật ra chị không muốn ở bên đó, nếu em qua được chị sẽ theo em,” chị Thúy, 51 tuổi và là chuyên viên xử lý hóa đơn y tế cho Amazon Pharmacy, viết trong tin nhắn bằng tiếng Anh gửi cho chị Thư vài tuần trước. “Nói thật bây giờ chị tránh xa chính trị. Chắc tới ngày 3 tháng 11.”
“Thư nó là người tốt,” chị Thúy nói với phóng viên VOA trong một cuộc gặp gỡ vào tuần trước. Chị khen em gái mình về những phát biểu “tiếu lâm” đôi lúc khiến chị bật cười.
Nhận xét về chị mình, chị Thư nói chị phục tính cách “kiên cường” của Thúy. Không chỉ là sự kiên cường trong những cuộc tranh luận mà chị nói “gây đến khi nào phải thắng, không thắng thì giận bỏ đi,” mà còn là sự kiên cường dấn thân học hỏi và trải nghiệm.
“Bả học nhiều lắm, ngày xưa bả làm cho Honeywell nghe nói là bả học lấy bằng lái máy bay, bả học làm cô giáo, hồi xưa bả cũng mở tiệm nail mà cũng thất bại, rồi bả mở tiệm giặt khô, rồi bả học lấy bằng chăm sóc em bé,” chị Thư liệt kê. “Mình không biết bả lấy đâu ra nhiều năng lượng vậy.”
Một buổi chiều Chủ nhật cuối tháng 10, chị Thư ghé thăm căn nhà mới mà chị Thúy dọn vào ở sau khi dọn đi khỏi nhà ba mẹ mấy tháng trước. Chị trầm trồ khen gian phòng ấm cúng với ban-công nhìn ra khoảng không gian rộng mở giữa lòng đô thị. Hai con chó poodle và chihuahua của chị Thúy quấn quít theo bước chị Thư. Tiếng cười nói rộn rã xua tan sự tĩnh lặng của căn nhà lúc chiều tà.
Chị Thư đến rủ chị Thúy đi ăn phở nhưng chị Thúy vẫn chưa sẵn sàng. Chị còn vài việc lặt vặt muốn giải quyết xong trước khi đi nhưng vẫn chưa có thời gian. Chị Thư ôm giỏ quần áo tiến đến chỗ đặt máy giặt.
“Em sẽ bỏ đồ của chị vào máy giặt cho chị, OK?” chị Thư nói lớn bằng tiếng Anh.
Không rõ chị Thúy có nghe thấy gì không. Trong phòng ngủ chị vẫn bận bịu lục lọi trong tủ đồ thứ mà chị đã giữ gìn cẩn thận gần 30 năm nay. Một bài báo cũ viết về một trại hè dành cho các thanh niên Công giáo người Việt mà chị và Thư từng tham gia. Những trang báo ngả màu thời gian lưu giữ những kỉ niệm của hai chị em khi họ sống cùng nhau.
“Làm ơn cắt phần này để dành lại cho con!” hàng chữ viết bằng bút lông đen vẫn in đậm trên trang báo ố vàng. Một bức hình các bạn trẻ tham gia sinh hoạt trại in ngay chính giữa trang báo. Bút mực đỏ khoanh tròn hai cô gái trẻ ngồi quây quần cùng những trại viên khác.
Những hoạt động như vậy đã giúp kết nối hai con người khác biệt “một trời một vực,” chị Thư nói.
Tình chị em của họ trở thành chỗ dựa tinh thần cho mỗi người khi họ bắt đầu tìm kiếm những con đường của riêng mình trong cuộc đời.
Giờ nó là chất keo hàn gắn những rạn nứt trong thời đại chia rẽ chính trị trầm trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét