Số người chết do Covid có thể tăng gấp đôi lên 2 triệuMột quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu (25/9) cho biết con số tử vong toàn cầu do Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu người trước khi một loại vắc xin thành công được sử dụng rộng rãi, thậm chí cao hơn nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch, theo Reuters.“Trừ khi chúng tôi làm tất cả, [2 triệu người chết]… không chỉ là điều có thể lường trước, mà còn rất có thể sẽ xảy ra”, Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của cơ quan Liên Hợp Quốc, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.
Số ca tử vong trong khoảng 9 tháng kể từ khi nCoV bùng nổ ở Trung Quốc là gần 1 triệu người.
Vẫn có thể tái nhiễm Covid sau khi khỏi bệnh và cách ly 14 ngày
Một cậu bé Trung Quốc 12 tuổi đã khỏi Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại 16 ngày sau khi xuất viện và đã vượt qua đợt cách ly kéo dài hai tuần ở Trung Quốc, theo Daily Mail.
Cơ quan y tế nước này cho biết, cậu bé họ Li đã bị cách ly ở Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc hôm thứ Năm sau khi có kết quả dương tính với nCoV.
Thông tin này được đưa ra sau khi một thành phố cảng lớn ở miền đông Trung Quốc đang phải cấp tốc truy vết và cách ly hàng trăm người sau khi hai công nhân làm việc tại một cơ sở nhập khẩu thủy sản xét nghiệm dương tính với Covid-19, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát COVID-19 mới ở đại lục.
Quan chức Mỹ kêu gọi tái phân bổ lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương để đối kháng Trung Quốc
Người đứng đầu Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã kêu gọi tái phân bổ các nguồn lực quân sự của Mỹ ở khu vực tây Thái Bình Dương để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, theo SCMP.
Phát biểu tại hội nghị Thủy quân lục chiến hàng năm trực tuyến hôm thứ Năm (24/9), Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết các căn cứ và tài sản quân sự của Mỹ trong khu vực tập trung quá nhiều ở Nhật Bản và đảo Guam, trong bối cảnh cả hai đều nằm trong tầm ngắm của Tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
“Chúng ta phải phân tán ra”, ông nói. “Chúng ta phải giảm thiểu số lượng ở đảo Guam. Chúng ta phải có một cách triển khai lực lượng phân tán và đều ở khu vực Thái Bình Dương cho phép chúng ta làm việc với tất cả các đối tác và đồng minh cũng như ngăn chặn các lực lượng như PLA cố gắng viết lại các chuẩn mực toàn cầu đã được thiết lập trong vòng 70 năm qua. Do đó, thái độ của chúng ta phải thay đổi”.
Việc triển khai lực lương hiện tại – đã được thiết lập kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên kết thúc – là nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nhưng hiện đã trở nên lỗi thời trong thời đại PLA trở nên hiện đại hóa, ông nói.
Xuyên tạc ‘Kinh Thánh’, ĐCSTQ nói Chúa Giê-su dùng đá đánh chết người phụ nữ
Lại một thủ đoạn tinh vi khác để khiến tôn giáo phù hợp với ý thức hệ vô thần của ĐCSTQ!!!
Kể từ khi dựng lập chính quyền đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng tiêu diệt mọi tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Một trong những thủ đoạn quen dùng chính là bóp méo kinh điển, xuyên tạc giáo nghĩa, tiến hành giáo dục tẩy não thông qua sách giáo khoa đã qua chỉnh sửa.
Mới đây, cư dân mạng đã vạch trần vụ việc: Sách giáo khoa chính thức ngang nhiên bóp méo “Kinh Thánh” một cách trắng trợn, thậm chí còn vu khống Chúa Giê-su dùng đá đánh chết một người phụ nữ. Giới quan sát đã chỉ trích rằng, trường hợp này ngoài việc tẩy não người dân ra, nó còn liên quan đến sự đàn áp đối với tôn giáo.
Sách giáo khoa được nhắc tới trên là môn “Đạo đức nghề nghiệp và pháp luật” dành cho giáo dục nghề nghiệp trung cấp do Nhà xuất bản Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử xuất bản.
Một phần “hỏi đáp trên lớp” trong cuốn sách đã ngang nhiên bóp méo câu chuyện về Đức Chúa Giê-su:
“Chúa Giê-su nói với đám đông đang trong giận giữ đòi ném đá đến chết người phụ nữ đã phạm tội ngoại tình rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Lúc này, Đức Giê-su nhặt hòn đá lên đánh chết người phụ nữ này….
Với những ai có hiểu biết nhất định về “Kinh Thánh”, thì sẽ biết đoạn này được phỏng theo “Tin mừng theo Thánh Gio-an” về sự tích Đức Chúa Giê-su thương xót người phụ nữ ngoại tình.
Nguyên văn trong “Kinh Thánh” là:
“Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.
Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”.
Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
ĐCSTQ đã tự ý sửa đổi sách giáo khoa, chẳng hạn, nó đã nhiều lần sửa đổi sự thật về cuộc kháng chiến chống Nhật, quá trình dựng nghiệp của ĐCSTQ, sự thật về các cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ, phê phán và bóp méo giáo điển của Tam giáo Nho – Thích – Đạo. Các nhà quan sát chỉ ra rằng sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc, bao gồm môn ngữ văn và lịch sử, về cơ bản chỉ là công cụ được dùng để tô son trát phấn cho chế độ, phục vụ nhu cầu của những người nắm quyền, và tẩy não người dân Trung Quốc ngay từ khi còn rất nhỏ.
Kể từ khi thành lập, ĐCSTQ đã liên tục đàn áp tín ngưỡng tôn giáo. Sau các cuộc trấn áp dã man bằng bạo lực trong thời Cách mạng Văn hóa, nó quay sang sử dụng những người trong chính quyền để xâm nhập và kiểm soát giáo hội, đồng thời liên tục xuyên tạc và bóp méo giáo lý, cố ý khiến tôn giáo phải phục vụ chính trị. Trong những năm gần đây, việc đàn áp tín ngưỡng tôn giáo của ĐCSTQ lại chuyển sang hướng bạo lực, đồng thời tiến hành các hành động phá hủy tín ngưỡng bằng cách xuyên tạc học thuyết.
Người đăng tải bức ảnh này là một tín đồ Cơ Đốc, người này cho biết cuốn sách giáo khoa đã được sử dụng trong một số trường trung cấp chuyên nghiệp. Đối với giáo hội thì đây là một sự báng bổ và xúc phạm. Người đăng tải bức ảnh tâm sự:
“Tôi muốn phơi bày sự việc này. Tôi muốn mọi người biết rằng ĐCSTQ luôn có ý đồ xuyên tạc lịch sử giáo hội, báng bổ giáo hội, qua đó khiến mọi người thù ghét giáo hội chúng tôi. Các tín đồ Cơ Đốc chúng tôi nhất định phải chặn đứng hành vi này của ĐCSTQ“.
Cũng có ý kiến cho rằng trong khi sách giáo khoa phỉ báng Chúa Giê-su, nó cũng ám chỉ rằng hành vi phạm pháp của các nhân viên tư pháp trong ĐCSTQ là “tất nhiên” và “cần được dung thứ”.
Báo Apple Daily của Hồng Kông đã trích dẫn bình luận của ông Lữ Bỉnh Quyền (Lu Bingquan), một giảng viên cao cấp tại Khoa Báo chí của Đại học Công giáo Hong Kong Baptist University. ông Lữ chỉ ra rằng sách giáo khoa trên có ý đồ vu khống Chúa Giê-su như vậy ngay trong thời điểm giới quan sát lan truyền thông tin rằng ĐCSTQ đang biên soạn “Kinh Thánh phiên bản ĐCSTQ”, có nhà xuất bản đã nóng lòng xuyên tạc nội dung của “Kinh Thánh”, mục đích nhằm tuân theo ý thức hệ của chính quyền.
Trung Quốc xây thêm nhà giam bí mật ở Tân Cương
Mạng lưới các trung tâm giam giữ của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp, dường như đang có xu hướng mở rộng. Một lượng lớn các cơ sở tại đây trông giống như nhà tù, Fox News trích nguồn tin từ một tổ chức nghiên cứu của Úc cho hay.
Viện Chính sách Chiến lược Australia đưa ra tuyên bố sau khi xem xét các ảnh chụp vệ tinh và hồ sơ thầu xây dựng chính thức để lập bản đồ hơn 380 cơ sở tình nghi ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc, chỉ cho thấy các trại giam và các công trình khác đã được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017.
“Các bằng chứng hiện có cho thấy nhiều người bị giam giữ dù không qua xét xử trong mạng lưới ‘trại cải tạo’ rộng lớn ở Tân Cương hiện đang phải thi hành án chính thức và bị nhốt trong các cơ sở an ninh cấp cao, bao gồm các nhà tù mới xây hoặc mở rộng, hoặc bị đưa đến các khu nhà máy có tường rào bao quanh để cưỡng bức lao động”, nhà nghiên cứu Nathan Ruser viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm.
Lãnh đạo EU tại LHQ lên án hồ sơ nhân quyền và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc
Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã công kích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương hôm thứ Sáu, nói thêm rằng EU muốn Bắc Kinh thay đổi cơ cấu kinh tế để trở nên công bằng hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, theo SCMP.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa EU với Mỹ, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các nước phương Tây chọn phe trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi không chia sẻ các giá trị mà hệ thống chính trị và kinh tế ở Trung Quốc dựa vào”, ông Michel nói với hội đồng.
“Chúng tôi có mối quan hệ sâu sắc với Mỹ. Chúng tôi chia sẻ những lý tưởng, giá trị và sự ủng hộ lẫn nhau đã được củng cố qua những thử thách của lịch sử”, ông phát biểu trước đại hội, với chủ đề năm nay vẫn tập trung mạnh vào tình trạng rạn nứt Mỹ-Trung.
‘Các vị nên cảm thấy xấu hổ’, đại sứ Mỹ nói về Hội đồng bảo an LHQ
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft đã phê phán gay gắt các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm (24/9), theo Fox News.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận những thách thức liên quan đến “Quản trị toàn cầu hậu COVID-19”. Nhưng các thành viên đã lái sang các chủ đề không liên quan nhằm phê phán Hoa Kỳ.
“Các vị biết đấy, mỗi người các vị nên cảm thấy xấu hổ. Tôi kinh ngạc và bất bình với nội dung cuộc thảo luận ngày hôm nay”, bà Craft nói. “Tôi thực sự xấu hổ về Hội đồng này – các thành viên của Hội đồng đã nhân cơ hội này để tập trung vào những mối hận thù chính trị hơn là vấn đề hệ trọng hiện nay. Ôi trời ơi”.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận những thách thức liên quan đến “Quản trị toàn cầu hậu COVID-19”. Nhưng các thành viên đã lái sang các chủ đề khác nhau cách khá xa chủ đề chính, một số phát biểu trong USD những đòn chỉ trích bóng gió đối với phía Mỹ.
Trong cuộc họp, tổng thống Nam Phi kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, ám chỉ những biện pháp mà Washington áp đặt lên Iran, đồng thời kêu gọi thành lập một Hội đồng Bảo an “phản ánh tốt hơn [ý kiến của] các thành viên Liên Hợp Quốc”.
Trong khi đó, tổng thống Niger đã kêu gọi các cải tổ lớn về các vấn đề như biến đổi khí hậu, đại sứ nước này đề cập cụ thể đến Hiệp định Khí hậu Paris – mà Mỹ đã rút vào năm 2018.
Tổng thống Tunisia Kais Saied, đã cảnh báo hội đồng về tình trạng chia rẽ vẫn đang tiếp diễn. Ông lưu ý, dù không gọi thẳng tên, rằng Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi về ngôn từ trong một nghị quyết do Tunisia và Pháp bảo trợ trong vài tháng trước khi nó được thống nhất.
Đại diện của Indonesia thì cảnh báo về “sự leo thang đối đầu chính trị” vốn đang làm “tê liệt các thể chế quốc tế”.
Nga và Trung Quốc thì khác với các nước khác, khi trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc tấn công LHQ là “hoàn toàn không công bằng” và ca ngợi Tổ chức Y tế Thế giới vì đã hành động “chuyên nghiệp” và “kịp thời” trước đại dịch.
‘Các vị nên cảm thấy xấu hổ’
Đại sứ Craft, khi phủ nhận các chỉ trích, cho biết bà cảm thấy “thất vọng thay cho những người mà các vị đang đại diện, vì đã phung phí cơ hội này cho các mục đích chính trị”.
“Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì đúng đắn, ngay cả khi biện pháp đó không phổ dụng, bởi vì, hãy để tôi nói cho bạn biết, đây không phải là một cuộc thi tìm kiếm sự ưa chuộng”, bà nói.
Bà nhắc đến những nỗ lực phản ứng trước đại dịch của Mỹ, rằng Hoa Kỳ đã phân bổ hơn 20 tỷ USD cho việc phát triển vắc xin, phương pháp điều trị và cơ sở hạ tầng y tế trên khắp thế giới.
Trong một tuyên bố sắc nhọn, bà đã so sánh các khoản đóng góp to lớn của Mỹ cho Liên Hợp Quốc để đối phó đại dịch, so với những nước mà đại diện của họ đang hùng hổ thuyết giảng về “chủ nghĩa đa phương”.
“Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 900 triệu USD cho nỗ lực đối phó đại dịch của Liên Hợp Quốc, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào cho đến nay. Và hãy để tôi chia sẻ số liệu đóng góp của một vài quốc gia gần đây nhất: Niger, 4,6 triệu USD, Nam Phi, 8,4 triệu USD, Indonesia, 5 triệu USD, Việt Nam, 9,5 triệu USD, Tunisia, 600.000 USD”.
Nhiều nước trong số đó cũng được Mỹ tài trợ rất nhiều, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong năm nay, Niger đã nhận được 63 triệu USD viện trợ, Nam Phi nhận được 424 triệu USD, Việt Nam 134 triệu USD, Indonesia 72 triệu USD và Tunisia 87 triệu USD từ Mỹ.
Bà Craft cũng nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, khi nói rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy nguồn gốc vi rút, “đã biến dịch bệnh địa phương thành đại dịch toàn cầu”.
Bà nói: “Các hành động của ĐCSTQ chứng minh rằng không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có quyết tâm như nhau đối với tình trạng sức khỏe cộng đồng, tính minh bạch và các nghĩa vụ quốc tế”. Bên cạnh đó, bà đại sứ cho biết danh tiếng của Tổ chức Y tế Thế giới đã bị “vỡ thành nhiều mảnh vụn”.
Sau phát biểu của bà Craft, tại phiên họp Đại sứ Trung Quốc đã tức giận phản pháo, cáo buộc Mỹ “lạm dụng cương lĩnh của LHQ và Hội đồng Bảo an”, đồng thời lặp lại tuyên bố rằng Mỹ “đã phát tán vi rút chính trị và thông tin sai lệch, đồng thời tạo ra sự đối đầu và chia rẽ”.
“Tôi phải nói rằng, đủ lắm rồi. Các người đã tạo ra đủ rắc rối cho thế giới rồi đó”, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân nói.
Tổng thống Trump hôm 22/9 trong bài phát biểu tại LHQ đã buộc tội Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới gây ra đại dịch. Ông kêu gọi LHQ yêu cầu Trung Quốc phải “có trách nhiệm giải trình”. Tổng thống Trump cũng nói về chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình:
“Trong nhiều thập niên, nhiều tiếng nói yếu ớt đã đề xuất những giải pháp thất bại, theo đuổi tham vọng toàn cầu trong khi làm tổn hại đến chính người dân của họ. Nhưng chỉ khi các vị quan tâm đến người dân của mình, các vị mới tìm thấy cơ sở thực sự để hợp tác. Trên cương vị Tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, và các vị cũng nên làm điều tương tự với đất nước của mình. Đó là điều các vị nên làm”.
Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ phán quyết về Biển Đông
Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 23/9 nhắc đến chiến thắng của Philippines về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc hôm 25/9 một lần nữa phớt lờ phán quyết này.
Trang tin ABS-CBN của Philippines cho biết, trong một diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi Hiệp hội Hiểu biết Philippines-Trung Quốc (APCU), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã trích dẫn “sự đồng thuận” mà ông tuyên bố là đã đạt được giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải tỏa các tranh chấp trên biển và xử lý tình hình thông qua đối thoại và hợp tác.
Triệu Giám Hoa tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài đã rất rõ ràng: Chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận cái gọi là phán quyết này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng chúng tôi nên đóng chương cũ và gác lại những khác biệt”.
Cháy cơ sở nghiên cứu Huawei
Chính quyền địa phương cho biết ba người đã chết sau vụ hỏa hoạn hôm 25/9 tại cơ sở nghiên cứu đang xây dựng của tập đoàn Huawei ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông.
Theo Reuters, đám cháy đã được kiểm soát vào chiều 25/9. Cơ quan cứu hỏa thành phố Đông Hoản cho biết cơ sở của Huawei bị bốc cháy nằm ở khu vực hồ Tùng Sơn, là một tòa nhà kết cấu thép và vật liệu chính bị cháy là bông. Huawei có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến gần đó. Cơ sở ở Đông Hoản có các văn phòng cho khoảng 25.000 nhân viên.
Ông Trump dự định chọn Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ
CNN dẫn các nguồn tin từ đảng Cộng hoà cho biết, Tổng thống Donald Trump dự định sẽ chọn bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho bà Ginsburg vừa qua đời.
Nguồn tin cho biết, ông Trump dự kiến thông báo vào chiều 26/9 (giờ Mỹ).
Bà Amy Coney Barrett đã gặp Tổng thống Donald Trump. Bà Barrett có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 21 và 22/9. Hai nguồn tin nói với CNN hồi đầu tuần rằng, bà đã gây ấn tượng với tổng thống và những người khác trong các cuộc gặp đầu tiên.
Cựu quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ, bà Barrett là người nổi bật và đủ tiêu chuẩn nhất dựa trên các giá trị truyền thống.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chính phủ Mỹ sẽ không trì hoãn lệnh cấm tải xuống TikTok tại Mỹ có hiệu lực vào Chủ nhật ngày mai (27/9), theo Nikkei Asian Review.
Một thẩm phán liên bang ở Washington hôm thứ Năm (24/9) đã yêu cầu chính quyền tổng thống Trump xem xét trì hoãn lệnh cấm, để tòa án có thêm thời gian quyết định vụ việc. Thẩm phán Carl J. Nichols cho biết đến 2:30 hôm thứ Sáu (25/9), chính phủ Hoa Kỳ phải thông báo cho tòa án về việc họ sẽ di dời hạn chót lệnh cấm hay đệ trình một kiến nghị phản đối yêu cầu trước đó của TikTok lên tòa án liên bang.
Yêu cầu trước đó của TikTok, được đệ trình lên tòa án quận ở Washington, cho rằng lệnh cấm tải xuống ứng dụng này từ hai cửa hàng ứng dụng Apple và Google “vượt quá” quyền lực của Bộ Thương mại và Tổng thống theo luật Mỹ.
Bộ Tư pháp đã đệ trình một phản đối đối với yêu cầu của TikTok vào sáng thứ Năm, khẳng định lệnh cấm đối với TikTok vào Chủ nhật này vẫn duy trì hiệu lực.
Tòa án đã lên lịch một phiên điều trần khác vào lúc 9:30 sáng Chủ nhật theo giờ Washington để đưa ra phán quyết về việc liệu có ban hành lệnh phủ quyết lệnh cấm của chính phủ, vốn có hiệu lực vào nửa đêm cùng ngày hay không.
TikTok và chủ sở hữu ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, trước đó đã đệ đơn khiếu nại yêu cầu tòa án bác bỏ sắc lệnh hành pháp của Trump được ban hành vào tháng 8.
Lệnh cấm TikTok của Bộ Thương mại Mỹ trước đó dự kiến có hiệu lực vào Chủ nhật tuần trước nhưng đã bị hoãn một tuần, sau khi hồi tuần trước tổng thống Trump gửi lời chúc thành công đến một thỏa thuận giữa ByteDance với hai công ty Mỹ là Oracle và Walmart.
Tuy nhiên, ByteDance và hai công ty Mỹ đã đưa ra những tuyên bố trái ngược về quyền sở hữu và quyền kiểm soát TikTok Global – một thực thể mới được tạo ra theo thỏa thuận. Công ty Trung Quốc cho biết họ sẽ giữ lại 80% cổ phần trong công ty mới, tuy nhiên, hôm thứ Hai (21/9) tổng thống Trump cho biết ông sẽ không thông qua một thỏa thuận nếu Oracle và Walmart không nắm “toàn quyền kiểm soát”.
Cùng ngày, Oracle lại cho biết rằng “các công ty Mỹ sẽ chiếm đa số và ByteDance sẽ không có quyền sở hữu trong TikTok Global”.
Trong khi đó, ByteDance cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã đệ trình đề xuất hợp tác với Oracle và Walmart lên cơ quan thương mại Trung Quốc để chờ phê duyệt. Trung Quốc gần đây đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ như thuật toán đề xuất nội dung, khiến ByteDance càng khó bán hoạt động của mình ở Mỹ hơn.
Tại phiên tòa hôm thứ Năm, một luật sư đại diện của TikTok cho biết ông không có thêm thông tin gì về tiến trình thỏa thuận.
John Hall, trường nhóm tranh tụng tại công ty luật Covington & Burling, cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi hiểu rằng chưa có giải pháp thương mại nào ổn thỏa”.
Báo cáo: Trung Quốc phá bỏ hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương
Theo báo cáo hôm 24/9 của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) được hãng tin AFP trích dẫn, chính quyền Trung Quốc đã phá huỷ hoặc làm hư hại khoảng 16.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương trong những năm gần đây.
Báo cáo dựa trên hình ảnh vệ tinh và mô hình thống kê. Báo cáo cho biết, hầu hết các vụ phá hủy đã diễn ra trong ba năm qua và ước tính khoảng 8.500 nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hủy hoàn toàn, tập trung ở các trung tâm đô thị Urumqi và Kashgar.
Theo nghiên cứu, nhiều nhà thờ Hồi giáo tuy không bị phá hủy nhưng đã bị dỡ bỏ mái vòm và tháp. Ước tính có ít hơn 15.500 nhà thờ Hồi giáo bị hư hại còn sót lại xung quanh Tân Cương.
Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi ASPI cho biết họ đã xác định được một mạng lưới các trung tâm giam giữ trong khu vực lớn hơn nhiều so với các ước tính trước đó.
Các nhóm nhân quyền cho biết hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Người dân bị cưỡng ép từ bỏ các hoạt động truyền thống và tôn giáo.
Reuters cho biết, Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 25/9 tuyên bố báo cáo của ASPI “chẳng có gì ngoài tin đồn vu khống”.
Thủ tướng Suga điện đàm với Tập Cận Bình
Theo Kyodo News, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 25/9.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 30 phút, ông Suga bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó có Hồng Kông, và thêm rằng, ông muốn thảo luận về chúng trong tương lai.
Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự hợp tác của họ trong vấn đề Triều Tiên.
Ông Suga cho rằng sự ổn định của quan hệ Nhật-Trung không chỉ là vấn đề giữa hai nước, mà điều này còn rất quan trọng đối với khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời hy vọng hai bên cùng chia sẻ trách nhiệm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Nhật Bản không đề cập đến chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình với tư cách là khách nhà nước.
Chuyến đi của ông Tập đã được lên kế hoạch vào đầu năm nay nhưng đã bị hoãn do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và một số nhà lập pháp của Nhật Bản đang kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn chuyến đi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét