Một vấn đề của hoạt động nghệ thuật cải lương, tuy nhỏ nhưng nếu không được thực hiện nó sẽ thành chuyện lớn, đưa đến hậu quả khó lường về sau, như làm mất lòng số đông và có thể nghệ sĩ đang cộng tác bỏ tập tuồng, và nhiều chuyện rắc rối khác nữa sẽ xảy ra nếu giải quyết không xong, đó là tiền cà phê tập tuồng cho nghệ sĩ công nhân đoàn hát.Thật vậy, trước khi một vở hát được ra mắt khán giả, nó phải trải qua thời kỳ tập tuồng. Điều khiển tập tuồng (đạo diễn) là công việc của thầy tuồng, tức soạn giả. Cũng có thể là bầu gánh hoặc nghệ sĩ kỳ cựu nào đó được anh chị em trong đoàn nể nang về kinh nghiệm nghề nghiệp, cùng với tư cách, vị thế cá nhân trong đoàn, chớ nếu như không đạt điều kiện trên thì nói có ai nghe đâu. Vậy tiền cà phê tập tuồng có từ lúc nào mà lại đi vào luật cải lương?
<!>
Khi xưa, cải lương thời thập niên 1940 – 1950, đào kép tập tuồng hằng ngày chẳng được cho ăn uống gì cả, có nghĩa là mạnh ai người nấy lo chớ bầu gánh không quan tâm đến vấn đề này. Nhưng cũng có vài bầu gánh nấu nồi trà quế, ai muốn uống thì tự pha lấy (không biết “trà quế” hay “trà huế” chữ nào đúng). Về sau không thấy ai mua bán loại trà này nữa.
Sang thập niên 1960, cải lương làm ăn khá, nên đào kép tập tuồng cũng được ưu đãi hơn, được uống mỗi người một ly cà phê đá (không có sữa). Rồi dần đà theo đà tiến bộ hơn, từ giữa thập niên 1960 trở về sau, nghệ sĩ tập tuồng được phát tiền cà phê thuốc lá tại chỗ, với số tiền vừa đủ mua một ly cà phê đá và một gói thuốc Bastos xanh (không phải thuốc thơm Ruby). Có nghĩa là lấy tiền rồi tự do muốn xài cách nào cũng được. Từ đó đã trở thành thông lệ, hễ tập tuồng là đào kép được lãnh tiền cà phê thuốc lá.
Chỉ áp dụng ở các đoàn hát lớn
Thế nhưng, có lần vào khoảng 1971, đoàn Thái Dương 3 tập tuồng tại rạp Quốc Thanh. Một ký giả kịch trường vào xem thì bắt gặp những bộ mặt buồn hiu bên trong cánh gà, tuy rằng ngoài sân khấu, trước sự theo dõi của ông trưởng đoàn, các diễn viên cũng cố gắng lo làm phận sự tập tuồng bằng nét vui vẻ có mòi gượng gạo.
Hỏi ra mới biết bà bầu Thái Dương không có ở nhà, còn người đại diện là trưởng đoàn, soạn giả Nguyễn Huỳnh thì lu bu với bao nhiêu công việc cần thiết cho ngày khai trương sắp đến bên chân, nên ông quên tuốt một vấn đề lẽ ra ông phải nhớ giùm cho đào kép họ lấy đà hăng hái.
Ông nhè quên phát tiền cà phê thuốc lá cho toàn thể nhân viên có mặt đang tập tuồng, mà riêng rẽ từng cá nhân thì không ai dám nhắc nhở ông trưởng đoàn. Do thiếu chất kích thích ấy nên phần đông đều uể oải, nếu không nói là xuôi xị trong lúc ăn tập.
Tội nghiệp nhứt là cái cậu nhắc tuồng, đứng trong giàn đờn nhìn ra thấy cậu ta mồ hôi nhễ nhãi, giọng nhắc nhỏ dần gừ gừ trong cổ họng. Đoán biết được Nguyễn Huỳnh quá bận rộn việc nầy việc nọ, đã quên phứt đi cái việc phát tiền cà phê cho anh chị em, trong khi đó lại chẳng có ai đại diện để nhắc cho ông nhớ.
Không biết sau đó ông trưởng đoàn có nhớ mà cho anh chị em được lãnh “ráp ben” tiền cà phê thuốc lá hay không. Đôi khi vì một sơ hở lãng quên nhỏ nhặt, lại có thể gây một chán nản cho toàn thể anh chị em không còn hăng say trong nhiệm vụ nữa vậy.
Tiền cà phê tập tuồng chỉ áp dụng ở các đoàn hát lớn hoạt động ở vùng thủ đô Sài Gòn, hoặc các đại ban đi lưu diễn các tỉnh. Chớ còn các gánh hát bầu tèo hát đình, hát chợ ở miền quê nông thôn thì không có tiền cà phê gì hết.
May mắn lắm thì bầu gánh bỏ tiền mua một lít gạo nấu cháo trắng ăn với dưa mắm, bằng không thì bỏ ra gói trà loại rẻ tiền, nấu nước cho uống mà thôi!
Ngành Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét