Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 1/9/2020 - Hoa Tự Do

Trung Quốc chưa đủ khả năng xâm lược Đài LoanTrước một tuyên bố gây tranh cãi về việc Đài Loan dễ bị Trung Quốc tấn công, Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan cho biết Quân đội Trung Quốc (PLA) chưa có khả năng xâm lược hòn đảo, theo Taiwan News.

Trong bài phát biểu vào ngày 10/8, cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng “trận chiến đầu tiên sẽ là trận cuối cùng” nếu Đài Loan đối đầu với một cuộc tấn công của PLA. Đáp lại, MND hôm thứ Hai (31/8) cho biết chiến thuật của PLA khó triển khai vì đặc điểm tự nhiên của eo biển Đài Loan, phương tiện đổ bộ và khả năng hậu cần của lực lượng này không đủ, và PLA cũng thiếu khả năng chiến đấu để xâm lược toàn bộ Đài Loan.
<!>
Hôm thứ Hai, bên cạnh việc trình đề nghị lên Quốc hội xin cấp ngân sách cho hoạt động năm 2021, MND cũng đã gửi cho cơ quan lập pháp Đài Loan “Báo cáo về sức mạnh quân sự của PLA vào năm 2020” và “Kế hoạch 5 năm tái cơ cấu và quản lý quân đội”.
Ngoài những nhận xét nêu trên, báo cáo cho biết thêm rằng các phương tiện lội nước và khả năng hậu cần của PLA không đủ và nó chưa có khả năng chiến đấu toàn diện để xâm lược Đài Loan. Báo cáo chỉ ra rằng các hành động mà PLA có thể làm đối với Đài Loan bao gồm ngăn chặn hoạt động quân sự chung, phong tỏa chung, không kích chung và hoạt động đổ bộ chung.

Căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn-Trung, ‘động thái có chủ ý’ của Bắc Kinh?

Chuyên gia cho rằng đây có thể trở thành một hoạt động “bình thường mới” có chủ đích của Trung Quốc.
Theo Bloomberg ngày 31/8/2020, quan hệ Ấn – Trung đang leo thang căng thẳng khi lại có cuộc xung đột mới xảy ra dọc theo biên giới Himalaya, sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao không thể chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.
Bộ Quốc phòng New Delhi hôm thứ Hai (31/8) cho biết các binh sĩ của Ấn Độ có thể ngăn chặn động thái vi phạm các thỏa thuận hiện có nhằm lấn thêm đất của quân đội Trung Quốc vào thứ Bảy (29/8).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, tại một cuộc họp giao ban hàng ngày ở Bắc Kinh hôm thứ Hai, đã phủ nhận quân đội của họ đi vào lãnh thổ Ấn Độ và nói rằng họ đang liên lạc chặt chẽ với New Delhi: “Bộ đội biên phòng Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt Đường Kiểm soát Thực tế”, ông Triệu nói.
Thượng tá Zhang Shuili, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong một tuyên bố vào cuối buổi tối thứ Hai, cho rằng quân đội Ấn Độ đã phá hoại sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán đa cấp trước đây giữa hai bên và một lần nữa vượt qua giới tuyến ở bờ nam của Pangong Tso.

Tại sao quân Trung Quốc và Ấn Độ lại xung đột?

Cuộc giao tranh mới nhất diễn ra dọc theo Pangong Tso – một hồ băng ở độ cao 14.000 feet – dọc theo Đường kiểm soát thực tế dài 3.488 km (2.162 dặm). Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã di chuyển hàng nghìn binh lính, xe tăng, súng pháo và máy bay chiến đấu đến gần biên giới kể từ khi bế tắc của họ bắt đầu vào tháng Năm.
Vipin Narang, phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: “Có vẻ như đây sẽ trở thành một điều bình thường mới. Người Trung Quốc có thể chọc ngoáy chỉ để buộc người Ấn Độ bảo vệ một vùng lãnh thổ khổng lồ, với cái giá phải trả lớn của các lực lượng vũ trang và cả chính phủ Ấn Độ. Điều này dường như vẫn chưa kết thúc và Ấn Độ cần – và đang chuẩn bị – cho một chặng đường dài”.

“Động thái có chủ ý”

Hiện chưa rõ số lượng thương vong hoặc binh lính bị bắt và trong khi đang diễn ra cuộc họp quân sự cấp cao để giải quyết căng thẳng, quân đội của Ấn Độ được triển khai đầy đủ dọc theo biên giới tranh chấp.
Chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ S&P BSE Sensex giảm 2,1% tại Mumbai, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/5. Đồng rupee suy yếu 0,3%.
Phó Nguyên soái Không quân đã nghỉ hưu Manmohan Bahadur, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Hàng không có trụ sở tại New Delhi, cho biết dường như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng và không chỉ do các chỉ huy địa phương thực hiện:
“Có vẻ như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc là một động thái được suy tính kỹ càng và có chủ ý. Trung Quốc dường như đang cố gắng thay đổi Đường Kiểm soát Thực tế và gây thêm áp lực lên các vị trí của Ấn Độ”.

Bằng đá và dùi sắt, cuộc đụng độ biên giới Ấn – Trung trở thành chết người

Cuộc tranh chấp tồi tệ nhất của Ấn Độ và Trung Quốc trong 4 thập kỷ lên đến đỉnh điểm là cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc không rõ danh tính trong một trận chiến trực diện vào ngày 15/6.
Kể từ đó, căng thẳng tiếp tục âm ỉ, với việc Ấn Độ tiết lộ vào cuối tháng 7 rằng họ sẽ bố trí thêm 35.000 quân dọc theo biên giới khi ngày càng ít khả năng sớm giải quyết được căng thẳng chết người giữa hai nước láng giềng.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát chung do tờ Thời báo Hoàn cầu và Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc thực hiện cho thấy hơn 70% trong số gần 2.000 người Trung Quốc được khảo sát tin rằng Ấn Độ quá thù địch với Trung Quốc và gần 90% ủng hộ chính phủ trả đũa mạnh mẽ ‘những hành động khiêu khích của Ấn Độ’.

Đáp lại thái độ hung hăng của Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố không e sợ nếu chiến tranh xảy ra

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai (31/8) tuyên bố rằng Đài Loan sẽ không chủ động phát động chiến tranh, nhưng Đài Loan cũng không e sợ nếu điều đó (chiến tranh) thật sự xảy ra.
Reuters đưa tin, Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh khu vực được coi là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của nó. Mặc dù người dân và chính phủ Đài Loan đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không hứng thú với chế độ độc tài Bắc Kinh. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Lãnh đạo ĐCSTQ lần nữa đã đưa ra tín hiệu này vào năm ngoái.
Tập Cận Bình đang đốc thúc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Dự án bao gồm việc bổ sung các máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các vũ khí quân sự tối tân khác. Song song đó, lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc cũng không ngừng tiến hành các cuộc tập trận định kỳ hoặc chấp hành nhiệm vụ ngay sát eo biển Đài Loan.
Sáng thứ Hai (31/8), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã gửi báo cáo sức mạnh quân sự của ĐCSTQ năm 2020 lên Viện lập pháp và lần đầu tiên công khai xác nhận rằng Bắc Kinh mỗi ngày đều cử máy bay tàu chiến của hải quân và không quân tiến hành các cuộc tuần tra định kỳ ở eo biển Đài Loan.
Báo cáo chỉ ra rằng, hạm đội Biển Đông của ĐCSTQ lần đầu tiên tiếp cận chuỗi đảo thứ ba trong năm 2020, cho thấy khả năng đột phá phong tỏa của chuỗi đảo và sức mạnh tác chiến ngoài biển khơi của nó với thế giới bên ngoài. Trước đó, hải quân ĐCSTQ chỉ giới hạn trong khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Ngoài ra, trong thời gian diễn tập quân sự, hạm đội Trung Quốc đã băng qua các vùng biển xung quanh Đài Loan, mục đích nhằm thị uy quân sự với Đài Loan và phô trương sức mạnh với các nước trong khu vực.
Báo cáo cũng cho biết thêm, quân đội Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật và bổ sung thêm vũ khí chiến đấu mới.
“Tuy nhiên, về việc triển khai chiến thuật đối với Đài Loan, nó (quân đội ĐCSTQ) vẫn bị hạn chế bởi hoàn cảnh địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan, cộng thêm trang bị đổ bộ cần thiết cũng như khả năng hậu cần của nó là không đủ”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, “Nó vẫn chưa đủ khả năng chiến đấu để chính thức tấn công Đài Loan”.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã coi việc tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của tự thân Đài Loan là ưu tiên hàng đầu và đã không ngừng mua thêm thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ — nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất và là đồng minh quốc tế thân thiết của hòn đảo này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/8 xác nhận đã chấp thuận bán 66 máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan. Trang Reuters vào tháng 8 dẫn nguồn từ nhân sĩ thạo tin cho biết Mỹ đang đàm phán bán ít nhất 4 máy bay trinh sát không người lái tiên tiến cỡ lớn cho Đài Loan. 
Báo cáo nói rằng Hoa Kỳ trước giờ vẫn luôn hứng thú với việc bán vũ khí cho Đài Loan. Lô máy bay không người lái tiên tiến này trước đây chỉ được phép bán cho một số đồng minh thân cận của Hoa Kỳ bao gồm Anh, Ý, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Thái nói rằng bà muốn chung sống hòa bình với Bắc Kinh, càng không muốn gây hấn với đối phương. Tuy nhiên, tuần trước bà cũng bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng có thể sẽ dẫn đến sự cố ngoài ý muốn.
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục chú ý đến các mối đe dọa từ ĐCSTQ, bao gồm các mối đe dọa từ hành động đến lời nói. Đài Loan sẽ không chủ động phát động chiến tranh, nhưng họ cũng không e sợ nếu điều đó (chiến tranh) thật sự xảy ra.

Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật, Úc tạo ‘liên minh NATO Thái Bình Dương’ đối phó Trung Quốc

Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật, Úc tạo ‘liên minh NATO Thái Bình Dương' đối phó Trung Quốc
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc. 
Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Hai (31/8), theo SCMP.
Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc”, đồng thời “tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự … để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết.
Ông nói: “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên minh Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”.
“Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn, một số quốc gia ban đầu đã chọn vị thế trung lập thay vì thành viên chính thức của NATO”, ông Biegun nói thêm.
Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương. Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy “sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ”.
Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard Verma, trong một cuộc thảo luận trực tuyến tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, ông Biegun cho biết nhóm bốn quốc gia dự kiến sẽ gặp nhau tại Delhi vào mùa thu.
Ông Biegun cho rằng khả năng Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar của Ấn Độ là một bước tiến dài hướng tới một khối quân sự chính thức hơn.
Ông nói: “Rõ ràng Ấn Độ đang có ý định mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar. Đây sẽ là một bước tiến to lớn trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và an ninh tại các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Malabar là cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức thường niên ở Vịnh Bengal kể từ năm 1992. Nhật Bản bắt đầu tham dự từ năm 2015.
Australia đã từng tham gia Malabar một lần vào năm 2007, “nhưng Bắc Kinh đã gây sức ép khiến Ấn Độ không thể tiếp tục gửi lời mời, mặc dù Australia có mong muốn tham gia”, Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7. Singapore cũng đã tham gia một lần vào năm 2007.
Báo cáo của Viện Lowy nhận định các cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 sẽ khiến Ấn Độ có thêm động lực để mời Úc tham gia lại cuộc tập trận Malabar.
Năm nay Nhật Bản và Mỹ đã được mời tham gia cuộc tập trận, vốn bị trì hoãn vì Covid-19, nhưng Ấn Độ vẫn chưa chính thức mời Úc.
Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch”.
Ông Biegun cũng đề cập đến các cuộc họp bốn bên sắp tới trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào tháng 9 và tháng 10 tới.
Vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý Washington mong muốn Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand tham gia “nhóm Bộ Tứ” phiên bản mở rộng, đồng thời đề cập đến các cuộc họp “rất gắn kết” của nhóm bộ tứ với các quan chức từ các nước này về cách thức phản ứng trước đại dịch.
Ông Biegun nói, các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của bảy quốc gia là “một cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả giữa các đối tác rất, rất gắn kết. Chúng tôi nhìn nhận đây là “một nhóm các quốc gia gắn kết một cách tự nhiên” trong việc thúc đẩy chặt chẽ sự phối hợp lợi ích mà chúng ta đã có được ở khu vực Thái Bình Dương”.

Chính phủ Maduro ra lệnh ân xá trước bầu cử

Chính phủ Maduro ở Venezuela đã tuyên bố ân xá cho hơn 100 người, bao gồm cả các đối thủ chính trị đang phải ngồi tù, đã tị nạn tại các đại sứ quán nước ngoài ở Caracas hoặc trốn khỏi đất nước, theo The Guardian.
Động thái này diễn ra trước cuộc bầu cử quốc hội dự kiến được tổ chức vào ngày 6/12, cuộc bầu cử mà phong trào dân chủ do chính phủ Juan Guaidó lãnh đạo đang tẩy chay vì cho rằng chính phủ Maduro không đáp ứng được các điều kiện cho một cuộc bầu cử công bằng.
Những cái tên được nêu trong lệnh ân xá không bao gồm các nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng như Leopoldo López, người vẫn ở trong dinh thự của đại sứ nước ngoài ở Caracas, hay Julio Borges, một nghị sĩ đối lập mạnh mẽ vẫn đang tị nạn ở nước láng giềng Colombia.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Rodríguez của chính phủ Maduro đã liệt kê 110 người được ân xá, mặc dù các điều khoản của lệnh ân xá được công bố không rõ ràng.

Israel và Hamas đạt được thỏa thuận hòa bình

The Guardian cho hay, Hamas, lực lượng Hồi giáo hoạt động ở dải Gaza, thông báo rằng họ đã đạt được một thỏa thuận do Qatar làm trung gian với Israel để chấm dứt hơn ba tuần xung đột.
Ông Yahya Sinwar, một thủ lĩnh của Hamas cho biết, sau cuộc nói chuyện với đặc phái viên Qatar Mohammed al-Emadi, chúng tôi “đã đạt được sự thống nhất để kiềm chế [hoạt động] leo thang mới nhất”.
Trong lần leo thang mới nhất, Israel đã ném bom Gaza gần như hàng ngày kể từ ngày 6/8, để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas qua biên giới.

Trái: Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro; phải: Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil (ảnh: Reuters).

Chủ tịch Thượng viện Séc nói ‘Tôi là người Đài Loan’

Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil hôm nay nói “Tôi là người Đài Loan” khi phát biểu tại nghị viện hòn đảo, theo Reuters.
“Xin hãy cho phép tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan cũng như giá trị tối thượng của tự do để kết thúc bài phát biểu hôm nay, bằng một tuyên bố khiêm nhường nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ: ‘Tôi là người Đài Loan'”, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil nói.
image.png

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố ông Vystrcil đã công khai ủng hộ chủ nghĩa ly khai và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Mỹ sẽ cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc

SCMP đưa tin, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 31/8 cho biết nước này sẽ nhắm mục tiêu thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc, sau TikTok và WeChat.
“Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng được tạo ra tại Trung Quốc hoặc những ứng dụng có thể lấy dữ liệu của chúng tôi rồi chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc”, ông Navarro nói với Fox News hôm 31/8, thêm rằng dữ liệu này sẽ được sử dụng để “giám sát và theo dõi” người Mỹ.
“Và đó thực sự là quan điểm chính sách cơ bản cho lý do chúng tôi cấm TikTok, WeChat, và sẽ có thêm những ứng dụng khác bởi Trung Quốc … về cơ bản đang vươn ra khắp thế giới để cố giành lấy công nghệ và ảnh hưởng”, Cố vấn Navarro nói thêm.

Đoàn quan chức Mỹ-Israel đến UAE, đánh dấu chuyến thăm lịch sử

Một đoàn quan chức Mỹ và Israel đã có chuyến thăm “lịch sử” tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào hôm thứ Hai (31/8). Đoàn quan chức này đi trên một chiếc máy bay chở khách thương mại đầu tiên từ Israel tới thủ đô Abu Dhabi của UAE.
Máy bay của hãng hàng không El Al mang cờ Israel chở đoàn quan chức đánh dấu việc thực hiện thỏa thuận lịch sử do Hoa Kỳ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE, đồng thời củng cố mối liên hệ bí mật trong nhiều năm giữa hai nước, mối liên hệ được hình thành để đối phó với Iran, kẻ thù chung của họ.
Nhờ kết nối của Hoa Kỳ, vào đầu tháng này, Israel và UAE đã đồng ý bình thường hóa, điều này đưa UAE trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba chính thức công nhận và có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel, sau Ai Cập và Jordan. Không giống như hai quốc gia này, Israel chưa bao giờ gây chiến với UAE và vì thế hai nước hy vọng sẽ có quan hệ nồng ấm hơn nhiều.
Các quan chức Mỹ trong phái đoàn bao gồm ông Jared Kushner, cố vấn và con rể của Tổng thống Trump, cùng cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, đặc phái viên Trung Đông Avi Berkowitz và đặc phái viên về Iran Brian Hook. Về phía Israel có sự tham gia của cố vấn an ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat và bộ trưởng của một số bộ.
Khi đến nơi, ông Kushner nói rằng ông đến UAE mang theo lời chào từ Tổng thống Trump. Cố vấn của ông Trump gọi chuyến thăm này là “lịch sử” và bày tỏ hy vọng đây “sẽ là chuyến bay đầu tiên trong số nhiều” chuyến bay sắp tới.
Các chuyên gia nhận định việc UAE chính thức công nhận và bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ làm xoay chuyển tình hình khu vực Trung Đông vốn đặc biệt phức tạp và bị chia rẽ khi có nhiều quốc gia và nhóm khủng bố được hậu thuẫn bởi Trung Quốc và Nga, trong khi một số chính phủ nghiêng về Hoa Kỳ và châu Âu.

Philippines vẫn làm ăn với công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Ông Harry Roque, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm nay nói rằng nước này vẫn tiếp tục các dự án có sự tham gia của các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì Biển Đông, theo Reuters.
Ông Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte sẽ không tuân theo động thái của Mỹ để trừng phạt các công ty Trung Quốc vì Philippines là một quốc gia độc lập và cần những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này tuyên bố sẽ khuyến nghị chính phủ chấm dứt các giao dịch với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Úc không biết lý do Trung Quốc bắt nhà báo Cheng Lei

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham hôm nay nói rằng Úc không biết tại sao Trung Quốc bắt công dân Cheng Lei, nữ nhà báo đang làm việc cho mảng kinh doanh của kênh quốc tế CGTN ở Bắc Kinh, theo Reuters.
“Cheng Lei là công dân Úc và nhà báo đã làm việc ở Trung Quốc được một thời gian. Tôi đã gặp cô ấy và được cô ấy phỏng vấn khi ở nước ngoài”, ông Simon Birmingham hôm nay cho hay.
“Tôi chia sẻ với gia đình cô ấy rất nhiều vào thời điểm này và đó là lý do chúng tôi sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ cô ấy, như những gì chúng tôi sẽ và đã làm với bất kỳ người Úc nào trong những trường hợp như vậy”, ông nói thêm.
Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby cho biết ông rất ngạc nhiên khi cô Cheng bị bắt vì mảng kinh doanh thường không được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Raby nói: “Cô ấy có sự hoài nghi đối với một số kênh truyền thông Trung Quốc, nhưng cô ấy cũng mạnh mẽ không kém trong việc tranh luận về các trường hợp liên quan Trung Quốc nếu các bài báo của nước ngoài hiểu sai về Trung Quốc hoặc không dựa trên sự thật”.

Nhà Trắng: Nga phải tôn trọng chủ quyền Belarus, không được ‘can thiệp quân sự’

Nhà Trắng: Nga phải tôn trọng chủ quyền Belarus, không được 'can thiệp quân sự'
Nga phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền được bầu chọn lãnh đạo của người dân nước này, Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết hôm thứ Hai (31/8).
Bà McEnany cũng nói rằng các nhà lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô cũ nên chú ý đến các yêu cầu đòi quyền dân chủ từ lượng lớn những người biểu tình đã xuống đường trong ba tuần vừa qua để phản đối điều mà họ cho là một cuộc bầu cử gian lận, theo Reuters.
“Số lượng lớn người Belarus biểu tình ôn hòa cho thấy rõ chính phủ Belarus không thể phớt lờ các yêu cầu kêu gọi dân chủ của người dân, và Nga cũng phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền bầu chọn các nhà lãnh đạo của họ một cách tự do và công bằng”, bà nói tại một cuộc họp báo. 
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun tuần trước cho biết việc Nga can thiệp quân sự đối với Belarus sẽ là “động thái không được hoan nghênh nhất”, nhưng cho biết Washington không có ý định tiến hành bất kỳ kế hoạch nào như vậy. Ông cũng thúc giục Minsk chấp nhận đề xuất hòa giải từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã biểu tình trở lại tại Minsk hôm Chủ nhật (30/8) chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã bị phe đối lập và phương Tây cáo buộc gian lận kết quả bầu cử ngày 9/8 để tiếp tục kéo dài thời gian cầm quyền đã 26 năm.
Ông Lukashenko không có dấu hiệu cúi đầu trước các cuộc biểu tình. Ông này đã phủ nhận các cáo buộc gian lận bầu cử. Hôm thứ Hai, trong một động thái làm dịu dư luận, ông đã miêu tả chính quyền Belarus là một “thể chế có phần hơi độc tài”, nhưng nói thêm rằng việc này không nên bị móc nối với các cá nhân, bao gồm bản thân ông, đồng thời hứa hẹn cải cách hiến pháp. 
Trước đó, vị tổng thống này đã thay đổi hiến pháp hai lần – vào năm 1996 và 2004. Nhờ đó, quyền hạn của tổng thống đã được mở rộng và giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đã được dỡ bỏ, theo tờ Ukraine Today.
Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga trong số các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và lãnh thổ của nó là một phần không thể thiếu trong chiến lược phòng thủ châu Âu của Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời Tổng thống Lukashenko đến Moscow, một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Điện Kremlin. Ngoại trưởng hai nước sẽ hội đàm vào thứ Tư (2/9) tại Moscow.
Bà McEnany cho biết các quan chức Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Belarus và ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm xem xét các báo cáo về các dấu hiệu bất thường trong bầu cử, lạm dụng nhân quyền và hoạt động đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của chính phủ. 
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương       

Không có nhận xét nào: