Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Bằng "Tiến Sĩ Thật" tốt nghiệp từ Đồng Ruộng

                                Đưa máy cấy ra đồng thử nghiệm.
Thấu hiểu và ấp ủ ước mơ muốn giúp gia đình và nông dân đỡ vất vả hơn trong việc đồng áng, Anh Trần Đại Nghĩa ở xã Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình đã chế tạo ra máy cấy không động cơ, góp phần rất lớn trong việc giảm sức lao động cho nông dân và để lại nhiều bài học đáng quý
<!>
Sinh ra và lớn ở vùng quê, anh Nghĩa rất hiểu nỗi vất vả của ông bà, cha mẹ và người dân vùng quê, nhất là những ngày mùa vụ. Anh đã ấp ủ ước mơ giúp mẹ và người nông dân quê mình đỡ vất vả, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động cho nông dân.
Nhờ đó, anh đã cho ra đời những chiếc máy cấy lúa đơn giản, giá rẻ và gần gũi với nông dân từ năm 2015 đến nay. Bản thân anh cũng đã trở thành doanh nhân thành đạt sau bao nhiêu năm nỗ lực mày mò nghiên cứu.
Lùi về quá khứ, mấy ai biết được câu chuyện sáng chế máy cấy lúa của anh và làm thế nào anh có thể gặt hái được thành công như ngày hôm nay?
“Học xong, tôi về quê sửa chữa điện tử kiếm sống, rồi lập gia đình. Đồng lúa quê nhà vẫn là nơi chủ yếu nuôi sống đại gia đình của tôi. Bố mẹ tôi vẫn chưa hết khổ. Vợ tôi vẫn phải còng lưng xuống cấy, đêm về đau ê ẩm cả người. Nhất là những tháng mang bầu, việc cấy hái cứ phải cúi gằm mặt xuống, thật vất vả. Điều ấy cứ day dứt mãi trong tôi mà lúc đó chẳng biết làm thế nào để giúp”, anh Nghĩa cho biết
Máy anh làm ra vừa dễ sử dụng, giá thành rẻ và phù hợp trên nhiều vùng đồng đất.
                              Tác giả máy cấy lúa không động cơ
Từng đi học một khóa chữa điện tử ở Trường Trung cấp nghề ở Nam Định, nhưng cứ ngày nghỉ là về làm quần quật trên đồng để đỡ đần bố mẹ, thu vén ít tiền cho bản thân theo học.
Theo phong trào xuất khẩu lao động, anh được gia đình cố lo tiền để anh sang Hàn Quốc làm việc. Sẵn có nghề sửa máy trong tay, lại là người thông minh, anh được quản đốc công ty nhờ sửa chữa.
Năm 2002, anh ra cánh đồng, thấy nông dân Hàn Quốc có thể làm được hàng mẫu ruộng chỉ trong 1 ngày nhờ máy cấy kiểu mới. Lúc đó anh tự nhủ, “bao giờ Việt Nam mới có loại máy này?”
Nghĩ đến khuôn mặt hạnh phúc của mẹ khi được giải phóng sức lao động và mong mỏi người nông dân quê bớt vất vả, anh liền chụp ảnh máy cấy của nước bạn, tìm hiểu nguyên lý hoạt động và tìm thêm sách vở để nghiên cứu.

256778_rgieAnh Trần Đại Nghĩa đang giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy cấy do anh chế tạo với khách tham quan.
Đến năm 2005, có chút vốn liếng, anh mua ôtô về chạy taxi, vợ anh vẫn gắn bó với ruộng đồng và mở được một hiệu tạp hóa. Nhưng suy nghĩ về việc chế tạo máy của anh vẫn chưa nguôi.
Dù dày công đi tìm hiểu nhưng anh không thể tìm được động cơ nào phù hợp để chế tạo máy cấy trên đồng đất quê mình.
Năm 2011, anh tiếp tục cần mẫn nghiên cứu. Anh nghĩ nếu máy gắn động cơ lớn thì người nông dân sẽ không đủ sức mua, bởi giá thành rất cao, máy to và nặng, bà con khó vận chuyển. Thế là anh nghĩ ra cách làm máy không cần động cơ, như thế sẽ tiết kiệm vì không tốn nhiên liệu, nhẹ, di chuyển dễ dàng, giá thành rẻ phù hợp với kinh tế của người nông dân.
Anh cho biết: “Thế là ngày ngày chạy xe, lúc không có khách, tôi la cà các cửa hiệu sửa chữa xe máy, hàn xì để mua đồ, mài giũa, đấu nối các chi tiết theo bản thiết kế tôi đã vẽ ban đêm”

368157_mtmwAnh Nghĩa bên trong xưởng chế tạo máy cấy không động cơ của mình
Trong khi làm nghề taxi, anh tranh thủ bất cứ khi nào rảnh rỗi để nghiên cứu các bản thiết kế. Đối với gia đình, anh không nói về việc mình đang làm. Đến khi chuẩn bị bắt tay vào công đoạn lắp ráp cuối cùng, anh mới chia sẻ với vợ. Bỏ công việc taxi để về với ruộng đồng đối với anh là một sự liều lĩnh nhưng vẫn tin đó là hướng đi đúng đắn.
Sau 2 tháng với hàng chục lần làm đi làm lại, cuối cùng chiếc máy cấy lúa ra đời.
Anh Nghĩa kể về ngày đầu chế tạo máy cấy: “Người trong xóm khi thấy tôi làm cái máy này, đến xem đông lắm. Người ta cứ hỏi tôi làm cái gì, rồi họ đoán già đoán non. Thậm chí có người còn nói tôi bị “khùng”, hết việc làm nên sinh ra thế…”
Lúc cần thử máy thì giống như một sự xuôi khiến, đúng vào lúc ruộng đồng đã khô và thử trên đoạn sông cạn, anh phát hiện một số bộ phận chưa được tốt lắm nên tìm cách hoàn thiện hơn. Đến khi hoàn thiện và dùng thử trên chính ruộng lúa nhà mình, anh mới nhận được kết quả mỹ mãn.
“Đến vụ, những ngày đầu, tôi cho máy cấy thử chạy ngay trên ruộng lúa nhà mình, thấy hoạt động tốt. Vụ đó, cây lúa phát triển tốt, năng suất cao. Tôi vô cùng sung sướng!”, anh Nghĩa hào hứng kể lại.
Và rồi vụ mùa năm 2014, chiếc máy cấy đầu tiên không sử dụng động cơ của anh Nghĩa ra đời hoạt động tốt khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.
Máy cấy của anh Nghĩa được thiết kế khả đơn giản mà có thể sử dụng trên nhiều loại ruộng lúa khác nhau. Với trọng lượng 24kg được làm bằng sắt có kết cấu vững chắc, nhỏ gọn. So với những chiếc máy nhập khẩu hiện nay, máy không động cơ này có nhiều ưu điểm hơn.
Nhờ thiết kế nhẹ và gọn nên người kéo không tốn nhiều sức khi di chuyển. Anh Nghĩa cho biết chiếc máy này không cần phải dùng đến ma khay. Bà con chỉ cần gieo mạ nền cứng theo từng ô, diện tích 20×20 là được.
Qua thử nghiệm, mỗi giờ máy cấy được gần 1 sào ruộng. Khoảng cách hàng cấy có thể tự điều chỉnh theo ý muốn. Với 4 mỏ máy, 1 giây làm được 4 khóm lúa. Hệ thống gạt bùn còn giúp xóa vết chân người đi lại.
Biết được loại máy này, rất đông người dân từ các nơi tìm đến từ Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nội và các huyện trong tỉnh để đặt hàng mua máy cấy.
Ông Trần Văn Cảnh ở Thanh Miện (Hải Dương) cho biết: “Tôi xem trên mạng thấy chiếc máy cấy rất thuận tiện với nhà nông nên 4 anh em trong nhà quyết định mua một cái để cho đỡ vất vả. Nhà tôi có hơn mẫu ruộng, nếu thuê cấy tay 1 ngày mất 250.000 đồng/công. Nếu bỏ ra 3.900.000 đồng mua máy cấy này về rồi, thì so với cấy tay tôi thấy rẻ hơn nhiều.”
Bà Lâm Thị Tú (Phú Xuyên, Hà Nội) – Khách hàng đã mua và sử dụng máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa sáng chế cho biết: “Trước kia chúng tôi đi cấy bằng tay ngày cũng chỉ được 1 sào ruộng mà về rất đau lưng. Chiếc máy cấy này do bác Nghĩa chế tạo ra giúp bà con chúng tôi bớt đi những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp”.
Đánh giá về những tiện ích của máy, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết, máy cấy do anh Nghĩa chế tạo ra chỉ có giá từ 4 đến 5 triệu đồng, phù hợp với điều kiện canh tác và khí hậu của Việt Nam. Máy khắc phục được nhược điểm của các loại máy động cơ. Đặc biệt, phù hợp với nền ruộng xấu, ruộng cao và miền núi.
Hiện nay, anh Nghĩa nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nông dân ở khắp cả nước. Với gần chục nhân công lao động, mỗi tháng, xưởng của anh cũng chỉ sản xuất được khoảng 30 chiếc máy cấy phục vụ bà con vì thiếu vốn.
Anh dự định: “Sau khi chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy cấy này, tôi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp và cải tiến chiếc máy cấy để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tôi mong muốn được vay khoản tiền ưu đãi để đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất quy mô, đáp ứng được nhu cầu của bà con…”.
Tình thương, sự đồng cảm và trách nhiệm của anh đối với gia đình và bà con chính là động lực giúp anh thực hiện được ước mơ ấp ủ bao nhiêu năm. Dù ban đầu bị cho là làm chuyện điên khùng nhưng quan trọng là anh đã thành công. Ai cũng sẽ ngả mũ thán phục vì anh không phải là giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học mà chỉ là một người nông dân bình thường, giản dị. Có câu châm ngôn: “Đầu tiên người ta phớt lờ bạn, rồi họ cười nhạo bạn, sau cùng họ tranh đấu với bạn, và cuối cùng bạn chiến thắng.” Chỉ cần đó là mục tiêu nhân sinh chân chính, không điều gì không thể làm được.
Nguồn ảnh từ Giaoducthoidai

Không có nhận xét nào: