Cố nghệ sĩ Thanh Nga và cậu con trai Cúc Cu ( Hà Linh lúc nhỏ)
Đã 38 năm từ ngày Thanh Nga ra đi mãi mãi, tiếng súng chát chúa của những kẻ đã lấy đi sinh mạng nữ nghệ sĩ tài danh vẫn còn để lại ám ảnh trong những người...
<!>
<!>
Đã 38 năm từ ngày Thanh Nga ra đi mãi mãi, tiếng súng chát chúa của những kẻ đã lấy đi sinh mạng nữ nghệ sĩ tài danh vẫn còn để lại ám ảnh trong những người mến mộ bà và đặc biệt là cậu con trai Cúc Cu.
Sài Gòn đêm 26.11.1978. Dư luận đã chấn động trước vụ án vợ chồng nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị sát hại ngay trước cửa nhà riêng trên đường Ngô Tùng Châu, quận 1 (nay là đường Lê Thị Riêng). Đó là thời điểm nữ nghệ sĩ vừa diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở một rạp hát gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và lên chiếc xe hiệu Volkswagen màu xám nhạt cùng chồng con về nhà.
Khi đó, Thanh Nga ngồi ở băng sau cùng với cậu con trai Cúc Cu, 5 tuổi. Ở ghế trước còn có vệ sĩ theo bảo vệ cả gia đình. Thế nhưng, ngay khi xe dừng trước nhà, vệ sĩ bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc Honda 67 trờ tới. Hai người lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn khống chế vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu.
Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng đã nã súng bắn chết ông Phạm Duy Lân, chồng của Thanh Nga. Nữ nghệ sĩ đau đớn thốt lên:
"Bố chết rồi mẹ con mình chết theo bố thôi" và rồi cũng lãnh ngay một viên đạn từ những kẻ thủ ác. Viên đạn lạnh tanh ghim vào ngực trái đã cướp đi mạng sống của nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga ở tuổi 36. Thời điểm đó, bà đã giấu con trai ra sau lưng và may mắn cậu bé giữ được tính mạng.
Đã 38 năm trôi qua, cậu con trai Cúc Cu ngày nào giờ đây đã trưởng thành, lập gia đình và được khán giả biết đến với nghệ danh Hà Linh. Thế nhưng, ký ức về bố mẹ cùng nỗi ám ảnh trước sự ra đi cùng lúc của hai người thân vẫn còn dai dẳng trong tâm trí anh...
"Gặp chuyện oan ức, tôi mới ý thức được chỉ có một mình"
Tôi gặp nghệ sĩ Hà Linh tại một quán cà phê vào buổi chiều. Người đàn ông trước mặt dù đã trải qua những bi kịch được coi là khủng khiếp nhất của đời người, lại khiến tôi khá bất ngờ về sự bình thản của anh.
Từ khi bắt đầu câu chuyện, Hà Linh luôn mở đầu bằng chữ "dạ", kể cả với người nhỏ tuổi hơn mình. Anh bảo đó là thói quen từ nhỏ.
"Thứ nhất, tôi ý thức mình là nghệ sĩ, khi bước ra đường, mấy bé nhỏ "chào chú", tôi cũng "dạ chào cháu". Bất cứ ai khi họ nhận ra mình là nghệ sĩ thì mình phải trân trọng họ. Đây là truyền thống gia đình, không phải người này truyền người kia mà tôi nhìn theo cách ứng xử của gia đình và học theo", anh nói.
Hà Linh bảo anh có gương mặt giống mẹ - cố nghệ sĩ Thanh Nga và vóc dáng giống bố - ông Phạm Duy Lân. Do bi kịch gia đình xảy ra khi còn quá nhỏ nên đến bây giờ bức chân dung bố mẹ trong tâm trí Hà Linh thật khó mà hoàn chỉnh. Anh kể:
"Sau khi bố mẹ mất, tôi về sống với ngoại (bà bầu Thơ nổi tiếng của gánh hát Thanh Minh Thanh Nga - PV). Nhờ vậy mà được nghe mọi người kể nhiều về mẹ. Còn bố thì đến giờ tôi không biết bố thích gì, làm gì, có hút thuốc hay không nữa...".
Sống với gia đình bên ngoại, được dì cậu hết mực yêu thương nhưng tình thương đó làm sao ngăn được sự tủi thân của một cậu bé khi nghĩ về thân phận côi cút. Hà Linh tâm sự:
"Tôi cảm thấy hơi chạnh lòng mỗi khi nhắc lại. Người ta có cha có mẹ, khi buồn thì về tâm sự với cha mẹ, chỉ cần cha mẹ vuốt đầu thì cũng vui rồi. Tôi thì không tâm sự được với ai, có những lúc chạnh lòng khi thấy con cậu, con dì được cha mẹ chăm sóc. Có chuyện gì oan ức, tôi hay khóc vì nhớ bố mẹ. Lúc đó, tôi mới ý thức được rằng tôi chỉ có một mình".
Nhắc về chuyện cũ, nam nghệ sĩ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt mặn chát của người đàn ông ngoài 40 khiến không gian xung quanh như đặc quánh lại. Nhưng anh không để câu chuyện trở nên bi lụy. Hà Linh bảo những người bình thường có cha, có mẹ, khi họ vấp ngã thì cha mẹ là người đỡ họ lên và hướng họ đi vào con đường đúng đắn. Còn anh, một thân một mình nên khi vấp ngã phải tự đứng lên và tìm đường đúng để mà đi. Nhờ vậy, anh luôn tự nhắc mình không để sa vào những chuyện sai trái.
Xui xẻo gấp 3 lần người khác
Làm nghệ sĩ nhiều áp lực, sinh ra trong một gia đình danh tiếng lại càng áp lực hơn. Hà Linh bảo con người ai cũng có hỉ nộ ái ố nhưng bản thân anh phải tập buông bỏ, cái gì cho qua được thì cho qua. Ra đường, nhiều lúc bị va quẹt mà không phải lỗi của mình cũng bực chứ nhưng vừa mở khẩu trang ra, người ta nhận ra ngay Hà Linh, vậy là anh phải cười xòa.
Có một chuyện ở Hà Linh không biết nên khóc hay nên cười, đó là chuyện anh thường xuyên gặp xui, đến mức cảm giác như những cái xui trên đời tập trung hết vào anh.
"Người ta gặp xui một lần thì tôi gặp xui tới 3 lần. Chẳng hạn như nhà lắp mạng internet, người ta không gặp vấn đề gì còn đến lượt tôi thì... hỏng. Nhân viên bảo với tôi rằng 1.000 trường hợp mới có một trường hợp như anh. Rồi đi quay, khi mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, Hà Linh bước ra thì máy đèn... đứt bóng. Mọi người đổ thừa tôi báo hại cả đoàn gặp xui theo", Hà Linh cười như mếu.
Tôi hỏi: "Anh có bao giờ trách số phận?", anh cười khì: "Ban đầu, tôi cũng buồn bực, than trách dữ lắm. Tôi khóc nhưng không dám khóc trước mặt mọi người mà chỉ dám nói: "Bố mẹ mất sớm, con khổ quá". Tôi cũng không biết trách gì bây giờ. Số tôi "đen" lắm, nhiều vấn đề giống như tâm linh vậy, thường kém may mắn hơn người ta. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa làm cái gì một lần mà thành công ngay. Bây giờ vẫn vậy".
Khi còn nhỏ, Hà Linh nhớ nhất là những lần được ăn cơm cùng ngoại vì bà rất bận nhưng cũng là người chăm lo cho anh từng chút một. 10 năm sau cái chết của bố mẹ, bà ngoại cũng ra đi. 15 tuổi, Hà Linh đã sống tự lập bằng tiền đi tấu hài của mình.
Ít ai biết rằng dù sinh ra trong một gia đình toàn những tên tuổi lừng lẫy như Thanh Nga, Bảo Quốc, Hữu Châu... nhưng ban đầu, gia đình không có ý định cho Hà Linh theo nghề vì lúc nhỏ anh không bộc lộ năng khiếu gì về nghệ thuật dù từng được nghệ sĩ Hữu Châu cho qua đội kịch của Nhà thiếu nhi thành phố để học.
Hà Linh không hát cải lương được. Đó thật sự là một điều đáng tiếc dù rằng từ nhỏ đến lớn anh vẫn thường xuyên nghe đi nghe lại những băng cải lương của mẹ. Tuy nhiên, có gì đó vẫn luôn thôi thúc anh tìm đến nghệ thuật và quyết định thi vào trường sân khấu.
Những ngày đi học, nếu có ai hỏi phải con của nghệ sĩ Thanh Nga không, Hà Linh đều lắc đầu và nói rằng chắc... nhầm người. Anh sợ những cái nhìn thương hại, sợ làm mang tiếng gia đình, sợ bị cho là dựa vào danh tiếng của người mẹ tài hoa bạc mệnh.
Hà Linh học chung khóa với đạo diễn Nhâm Minh Hiền, diễn viên Trịnh Kim Chi, Cát Phượng, Sơn Hải, Hữu Lộc… Mới năm nhất, anh đã hăng hái xin đi diễn, dù chỉ là vai quần chúng. Công việc đầu tiên của anh là... bán vé tại sân khấu của nghệ sĩ Phước Sang rồi dần dần trở thành người sắp chỗ cho khán giả, nhân viên hậu đài... Mất một thời gian mới đường hoàng bước lên sân khấu, thế nhưng, "số nhọ" vẫn bám riết lấy anh...
'Số tôi đen gấp 3 người khác', Hà Linh nói câu này nhẹ tênh, không chút gợn buồn. Có lẽ việc đối mặt với bi kịch cuộc đời khi còn rất nhỏ đã khiến anh trở nên bình thản hơn trước những thăng trầm trong cuộc sống.
Ngồi cà phê với Hà Linh, tôi buột miệng hỏi:
"Sao lâu quá ít thấy anh xuất hiện trên phim hay sân khấu".
Anh cười đáp:
"Tôi vừa nhận lời tham gia bộ phim truyền hình Mẹ hổ dạy dâu ngoan của đạo diễn Nhâm Minh Hiền vốn là người bạn cùng trường sân khấu lúc trước. Vai của tôi xuất hiện không nhiều nhưng là một vai có số phận và nhiều góc cạnh. Đó là một ông quan tham nhũng. Bạn nhìn tôi cũng thấy tham nhũng rồi đúng không? (Cười). Bây giờ tôi mất hết các vai trẻ đẹp, bình thường rồi, chỉ còn các vai ham ăn, hốt uống thôi".
* Từ khi nào, anh bị mất những vai diễn đó?
- Cách đây 3 năm. Có lẽ do tôi đến tuổi rồi, cũng do thân hình tôi không còn được như trước nữa. Tôi cũng đang cố gắng tập thể dục và bớt ăn đồ béo. Hồi xưa tôi từng tập gym 6 - 7 năm trời nhưng sau này có nhiều nỗi buồn, bạn bè thường rủ rê đi nhậu nên...
Nói rồi, Hà Linh chỉ vào thân hình đang "phát tướng" của mình...
Diễn một ngày, xài cả tháng
* Anh bảo mình có nhiều nỗi buồn. Thế không phải với một người đã trải qua quá nhiều bi kịch như anh, không có chuyện gì là to tát nữa sao?
- Đó là những nỗi buồn về nghề thôi. Vào năm 2000, khi tôi còn ở sân khấu Thế Giới Trẻ cùng với anh Hữu Lộc và Hữu Tâm (em Hữu Nghĩa), một tuần tôi chạy trên 30 show, mỗi đêm là 4 tụ điểm trở lên. Năm 2002, anh Lộc tách ra, anh Tâm có công việc khác. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng duy trì, đặc biệt là những ngày lễ Tết, có ngày tôi diễn 17 show. Bắt đầu từ năm 2013, một tuần tôi chỉ còn có 4 - 5 show rồi qua năm 2015 - 2016 thì một tháng chỉ còn vài show. Cho nên, tôi hay nói đùa rằng làm diễn viên lương bổng khá lắm, diễn một ngày mà xài đến cả tháng (Cười).
* Anh có nghĩ đây là tình hình chung của sân khấu và diễn viên kịch hiện nay?
- Rõ ràng, sân khấu, tụ điểm đã không còn gì hấp dẫn, mới mẻ để lôi cuốn khán giả. Hiện tại, màn ảnh nhỏ có quá nhiều chương trình hấp dẫn, khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn để vừa có thể thấy được thần tượng của mình vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí. Hồi xưa, một sân khấu nổi tiếng ở TP.HCM tối thứ hai mà có gần 2.500 khán giả còn bây giờ thứ bảy, chủ nhật chỉ khoảng 250 vé, một vé 60.000 đồng thì thử hỏi trả cát sê cho diễn viên bao nhiêu?
Cậu tôi có dạy, cái nghề của mình muốn sống được thì bầu sô phải sống được. Nếu đòi hỏi nhiều quá, bầu sô không đáp ứng được, họ từ bỏ. Bây giờ, nhiều người từ bỏ lắm rồi vì làm không có lời. Các chương trình cũng trở thành chương trình tạp kỹ chứ không còn chuyên về hài như trước nữa.
* Sân khấu bấp bênh, anh làm sao có thu nhập lo cho gia đình?
- Lúc đó, may mắn là những chương trình hài có quay những tiểu phẩm. Bản thân tôi cũng góp phần làm cho tôi thất nghiệp. Tôi đi quay nhiều đồng nghĩa với việc sân khấu sẽ vắng nhưng mà vì mưu sinh. Mà những diễn viên hài nhỏ như tôi thì chỉ quay được 1 - 2 số, còn lại là các tên tuổi nổi tiếng hơn. Thời đó xem như cũng tạm ổn. Tôi cũng được 10 số/tháng.
Từ lúc bùng nổ gameshow, các em nhỏ có cơ hội phát huy nhiều hơn. Với một số em có thực tài thì đó là cơ hội để họ phát triển. Một số em cũng có tài nhưng muốn đi nhanh hơn thì tạo chiêu trò. Có những điều ngày xưa tụi tui không dám làm, chẳng hạn như nói tục. Chỉ cần lỡ miệng thì bị góp ý ngay hoặc khán giả tẩy chay. Bây giờ trên sóng truyền hình, muốn nói gì nói. Có những người được ban tổ chức đưa vào chỉ vì họ cần một yếu tố lạ để thu hút sự chú ý của khán giả.
* Những chương trình về hài hiện nay có điều gì khiến anh cảm thấy khó chịu?
- Thứ nhất, giả gái nhiều quá. Giới tính nào cũng là con người, cần được tôn trọng. Mình không nên mang họ ra để mua vui. Hồi xưa, các bậc đàn anh cũng có giả gái nhưng là do cần đóng vai con gái chứ không phải đóng vai bê đê. Các em bây giờ đang lạm dụng chuyện đó để gây hài.
Có nhiều em xuất hiện nhưng không qua trường lớp, không có kinh nghiệm. Các em chỉ sử dụng những gì các em biết thôi, điều đó rất nguy hại. Sân khấu có quy luật riêng của sân khấu, có những thứ được và không được phép. Ngày xưa, tiểu phẩm hài dù có nhiều vấn đề chưa đẹp nhưng nó phải phản ảnh đời sống, giúp cho con người nhìn thấy cái sai của mình qua lăng kính hài và vẫn đảm bảo tính chân thiện mỹ. Còn trên tivi hiện giờ, họ muốn làm gì thì làm. Khán giả thì tôi không dám bàn bởi vì thị hiếu mỗi thời mỗi khác.
"Con ai cũng vậy, quan trọng là mình có tài hay không. Cậu Bảo Quốc, anh Hữu Châu dù có thể kiếm ngay cho tôi một vai diễn bằng mối quan hệ và uy tín của gia đình nhưng khi tôi đóng được một vai, đến vai thứ hai, tôi có còn được đóng nữa không lại là chuyện khác"
Nghệ sĩ Hà Linh
* Là con trai của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga, gọi nghệ sĩ Bảo Quốc là cậu ruột, xuất thân trong một gia đình danh tiếng như vậy, đáng lẽ ra anh phải được ưu ái hơn?
- Con ai cũng vậy, quan trọng là mình có tài hay không. Cậu Bảo Quốc, anh Hữu Châu dù có thể kiếm ngay cho tôi một vai diễn bằng mối quan hệ và uy tín của gia đình nhưng khi tôi đóng được một vai, đến vai thứ hai, tôi có còn được đóng nữa không lại là chuyện khác.
Gia đình thế nào cũng vậy, nếu như bạn không có bản lĩnh, không có năng lực thực sự thì không thể tồn tại được. Đến thời điểm này, tôi thấy mình không bằng các em trẻ trẻ bây giờ. Các em chịu lăn xả hơn và trẻ hơn. Đồng nghiệp thường hỏi sao tôi không tham gia các chương trình gameshow. Thực ra thấy mấy em diễn, tôi cũng thèm lắm. Không phải là vấn đề nổi tiếng hay gây chú ý mà vì mình được diễn trên sân khấu, ít ra cũng có công việc hằng ngày, được tập tành này nọ.
Thế nhưng, nếu tôi đi thi thì ai chấm tôi? Nếu để các em nhỏ hơn tôi, nhận xét về tôi thì tôi cảm thấy có lỗi với những người thầy đã dạy tôi quá. Cho nên nếu anh em đi thi, cần tôi hỗ trợ thì tôi sẽ hỗ trợ chứ không thể đi thi được. Cũng bởi vậy mà tôi giống như ở bên lề xã hội. Cái nghề của mình lúc nào cũng phải làm mới, lúc nào cũng phải có cái gì đó để mọi người chú ý. Còn tôi đi thi thì không thể, cũng không dám gây scandal nên đành tìm một hướng gì đó để giữ nghề và mưu sinh thôi.
Chuyển nghề... giao hàng
* Trong gia đình, anh thần tượng ai nhất?
- Dĩ nhiên là mẹ tôi. Mặc dù mẹ mất lúc tôi 5 tuổi nhưng tôi vẫn xem lại các vở tuồng của mẹ. Nếu nói về tấu hài, tôi thích cậu Bảo Quốc và anh Hữu Châu vì tôi học được nhiều từ các vai diễn của cậu và của anh. Tôi cũng thích xem và học hỏi các đồng nghiệp diễn. Học hỏi nghĩa là nhớ cách của họ diễn và biến nó thành của mình chứ không phải bắt chước 100%.
* Anh có tìm ra hướng đi khác cho mình chưa?
- Hiện tại tôi vẫn tham gia các chương trình hài nhưng càng ngày càng ít đi. Vấn đề không phải vì năng lực của mình tệ quá mà là vì các em quá đa dạng. Các em bây giờ có thể biến hóa, đóng nhiều dạng vai và là những cái tên hot, được nhiều khán giả chú ý nên thường được ưu tiên. Còn bên phim, nếu nói về thâm niên thì tôi là lính mới, nếu nói về mức độ quan hệ thì tôi già lắm rồi, chính xác là từ 1990 đến bây giờ. Vì thế, cát sê trả rẻ hơn cũng không được, trả bằng thì thà kêu những bạn trẻ hơn, có sức hút hơn.
"Ai cũng phải lao động mới có tiền sống. Tôi cũng không thoát ra được chuyện đó. Nghệ sĩ thì bạn biết rồi đó, làm rất nhiều và xài cũng rất nhiều nên cuối đời thường rất khổ. Tôi cũng không muốn đi vào con đường đó nên phải cố gắng"
Nghệ sĩ Hà Linh
* Người ta hay nói nghệ sĩ thường "đi trên dây", còn anh nhìn nhận rất rõ các vấn đề xung quanh mình?
- Tôi thấy hết nhưng tôi đành hi vọng vào một điều gì đó mà thôi. Tôi từng ở sân khấu, sau đó ra ngoài đi tấu hài, rồi lại quay về sân khấu vì khao khát của tôi là vẫn đi diễn hằng đêm. Đi diễn tấu hài rất vui nhưng mà lại bấp bênh. Tôi thích cảm giác ngồi xem các bạn diễn rồi chờ tiếp tục vai diễn của mình. Còn tấu hài dù rất vui nhộn, rong ruổi từ tụ điểm này sang tụ điểm kia nhưng mà có lúc có show, có lúc không.
Bây giờ, tôi không về sân khấu kịch nữa vì về cũng chẳng còn đường sống. Bên sân khấu kịch hiện nay thường có chuyện cho thế vai, nghĩa là vai diễn của mình nhưng khi mình có việc bận, người khác thế vai và rồi diễn luôn. Đơn giản là vì mình không phải là người trong "ê kíp" của họ. Chuyện bè phái trong các sân khấu thì mọi người cũng biết rồi.
Thời điểm kinh khủng nhất là năm 2013, lúc sân khấu hài ít show, tôi rảnh rỗi quá nên được mấy đứa em giới thiệu đi lồng tiếng phim truyền hình, lồng tiếng giọng quần chúng thôi. Khoảng vài trăm một ngày nhưng rất vui. Mọi người đều nhỏ tuổi hơn tôi nhưng họ làm ở vị trí cao. Tôi chỉ đi học việc thôi.
Có lần, tôi được giao vai công an nhưng không hợp, sau đó tôi nhận vai ăn cướp nhưng vì giọng tôi mỏng mà chua nên chỉ có thể lồng cho những vai hèn mọn (Cười). Bữa giờ tôi cũng tham gia được vài phim, đó cũng là một hướng gọi là nghề tay trái. Lấy nghề khác để nuôi nghề diễn viên của mình.
Còn bên dòng họ của tôi, nếu nói về Kinh doanh giỏi thì có Gia Bảo. Tôi và anh Hữu Châu thì thua rồi. Bây giờ, tôi đang bắt đầu tập tành làm những cái lẻ tẻ, lặt vặt. Tôi có một thằng em, cũng làm tấu hài với tôi, sau đó làm diễn viên lồng tiếng xong rồi bán hàng online. Tôi đi giao hàng chung, khán giả nhận ra cũng hơi ngại nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng là nghề. Ai cũng phải lao động mới có tiền sống. Tôi cũng không thoát ra được chuyện đó. Nghệ sĩ thì bạn biết rồi đó, làm rất nhiều và xài cũng rất nhiều nên cuối đời thường rất khổ. Tôi cũng không muốn đi vào con đường đó nên phải cố gắng.
Bà bầu Thơ và con gái Thanh Nga
Nghệ sĩ Thanh Nga từng là biểu tượng nhan sắc của Sài Gòn lúc bấy giờ
* Ở anh, tôi nhận thấy sự tự tôn của gia đình hiện rất rõ nhưng vẫn có sự khiêm nhường đáng nể...
- Tôi chưa bằng anh Hữu Châu đâu. Cậu Bảo Quốc thì khá dĩ hòa vi quý bởi trong cuộc sống, cậu quan niệm không có gì là lớn lao hết. Anh Châu thì không thể bỏ qua, chuyện gì đúng là đúng, sai là sai. Cậu Bảo Quốc thì thôi kệ, chín bỏ làm mười. Tôi thì dung hòa giữa hai người, học cả hai. Với những người tôi không thích, tôi tìm cách lịch sự để không nói những lời nặng nề với họ mặc dù họ không tôn trọng mình đi chăng nữa. Tôi cố gắng một cách nào đó tốt nhất để không gây mích lòng.
* Anh có kể cho các con nghe bi kịch của gia đình ngày trước không?
- Bi kịch ngày trước, tôi còn nhỏ nhưng trí nhớ tôi thì lại rất tốt, có những chuyện tôi còn nhớ đến bây giờ. Nhưng có thể tôi sẽ cất vào một góc nào đó.
Tôi có hai bé, bé lớn 20 tuổi, bé nhỏ mới học lớp 6. Con gái lớn mê kinh tế, ngoại ngữ. Con gái nhỏ cũng thích ngoại ngữ. Quan điểm của tôi là chờ con học xong đại học rồi tính chứ không o ép các bé. Các bé rất ít nghe cải lương, chỉ nghe những vở tuồng của bà nội. Còn chuyện đau lòng của gia đình, tôi hạn chế kể. Tôi không muốn các con biết nhiều về những chuyện đó.
* Xin cảm ơn anh!
"Năm nay là 38 năm ngày bố mẹ mất. Phải nhắc cả bố nữa vì mẹ yêu bố lắm, quên nhắc mẹ sẽ giận. Trong ngày này, tôi thường mua sầu riêng cho mẹ, vì mẹ rất thích ăn món này, kèm với cơm rượu. Ngày này, nhà anh Hữu Châu cũng cúng nữa và thường 5 năm một lần, đại gia đình sẽ tổ chức giỗ lớn. Tôi hay nằm mơ thấy mẹ, mẹ ôm tôi khóc xong rồi bỏ đi. Hình ảnh của mẹ đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi, y như trước lúc mẹ mất", nghệ sĩ Hà Linh .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét