Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Cuộc sống của những người lớn tuổi ở Quận Cam (kỳ 1) - Thuỳ Ngân (Viễn Đông)

Có người nói xứ Mỹ là thiên đường cho con nít, dưỡng đường cho người già, chiến trường cho những người còn lại. Quả thật, các phúc lợi xã hội dành cho người già và trẻ em ở đây rất tốt. Người lớn tuổi không còn khả năng làm việc, già yếu được trợ cấp nhà ở, dịch vụ y tế, tiền già mỗi tháng, họ không bị áp lực về chuyện mưu sinh lúc cuối đời nữa, nhưng đó là về phần vật chất, còn phần tinh thần của những người Mỹ gốc Việt lớn tuổi thì thế nào?
Chiều mát, các ông bà rủ nhau ra bãi đậu xe bên hông nhà đi bộ vài vòng, sau đó họ về nhà ăn cơm tối, coi ti vi, rồi đi ngủ. Vừa đi họ vừa nói chuyện với nhau rất rôm rả. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)<!>

Người Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng thường muốn ở gần con cháu trong lúc tuổi già, để có người chia sẻ buồn vui. Nhưng cuộc sống trên đất Mỹ nó lại khiến người ta phải rẽ theo một hướng khác mà đôi khi họ không hề mong muốn.

Một số người lớn tuổi vẫn ở chung với con cái, nhưng số này không nhiều, thường là các cụ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, đi lại và ăn uống bình thường. Họ phụ giúp con cái trong việc chăm sóc những đứa cháu nội ngoại hoặc trông nom nhà cửa. Họ thường cảm thấy buồn bởi suốt ngày phải ở trong nhà. Một số còn đi lại được thì đón xe bus đi chợ, đi đây đi đó cho khuây khỏa.

Khu nhà này không có đất nên nhiều ông bà cao niên chỉ trồng vài chậu cây cho vui, ba cái chậu này là của nhà ông Tuyên. “Ở đây đất đâu mà trồng, mấy chậu này là lan đất, nó lâu ra bông lắm, Tết mới ra.” (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Nhưng các mối quan hệ xung quanh họ ngày càng bị thu hẹp dần, vì những người bạn đồng trang lứa cũng lần lượt ra đi, trong khi con cháu thì bận rộn làm ăn, học hành. Và trong cuộc sống thường ngày làm sao tránh khỏi những xung đột giữa các thế hệ khiến nhiều ông bà cảm thấy bị tủi thân.
Những ai còn khỏe mạnh, không muốn sống chung đụng với con cái, có thể tự chăm sóc bản thân thì mua nhà mobile home loại dành cho cao niên, hoặc thuê những unit trong apartment dành cho người già, một số có thể xin trợ cấp nhà ở thì sẽ được giảm tiền khi thuê nhà.


Vườn hoa ở khu nhà này rất đẹp, thoáng mát và nhiều ánh sáng, không khí rất tốt cho những vị cao niên. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Còn những người già yếu, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân và con cháu không có điều kiện chăm sóc thì sẽ được gửi vào những viện dưỡng lão (Nursing home), để có người chăm sóc thuốc thang cho họ. Trong kỳ này, Viễn Đông đến thăm hỏi cuộc sống của những cụ ông cụ bà ở một khu nhà cho thuê dành cho người cao niên ở đằng sau City Hall thành phố Westminster. Đây là khu nhà có ba tầng lầu, lên xuống bằng thang máy, được thiết kế rất thoáng mát, nhiều ánh sáng. Ở giữa khu nhà có một vườn hoa rất đẹp, xung quanh thì có cổng rào có mật mã nên nhìn chung rất an ninh.

Ông Hoàng Tuyên, 76 tuổi, sống cùng vợ ở trong một unit trên lầu hai. Ông nói, “Tôi ở đây 10 năm, người ta đi người ta đến hoài, không ai ở lâu đâu. Tôi ở đây với bà xã tôi. Sáu-mươi hai tuổi trở lên mới được vào đây sống. Ở đây sạch sẽ, an ninh. Cuối tuần có người đến thăm. Hai người đóng 412 đồng một tháng. (Ông Hoàng và vợ được hưởng chương trình housing của chính phủ). Nước khỏi phải đóng, chỉ có điện thôi. Điện thì xin nhà nước cho. Nhưng mà điện thường thường chỉ xin được một năm, cho được 8 hoặc 9 tháng thôi, mình phải bù vô mới đủ. Như chú hai người có ba chục à. Người Việt Nam ở đây khoảng một phần ba cho đến một rưỡi, một unit như vậy có một phòng ngủ, một phòng khách, một phòng tắm. Xin vô đây cũng khó nhưng trống chỗ họ cho liền.”

Ông kể thêm về những đứa con của mình, “Chú có ba đứa, hai đứa ở gần đây, một đứa ở Anaheim, một đứa ở Garden Grove. Đứa nhỏ đi về 11 dặm, đứa lớn đi về 13 dặm. Ở chung vui gì, nó đi làm, mình già rồi, mình đâu thể lo chăm sóc con cái cho nó, sống ở đây thoải mái hơn. Thời còn ít tuổi nó còn nhờ chăm sóc con nó, giờ lớn tuổi, thôi. Tụi nó nói để bố mẹ nghỉ cho khỏe, mướn người khác. Đứa lớn nhất sinh năm 70, giờ nó 46, nó ra trường làm hãng Boeing. Xong nó nghĩ, nó về đây làm cái dây nối dây thần kinh gì đó. Còn đứa con gái nó bán thuốc, giờ nó không bán thuốc, nó làm nhiệm vụ đặt hàng, phân phối thuốc, nó làm ở nhà, không phải đi. Còn thằng út nó làm điện tử ở San Jose, nó là kỹ sư học lên master, sinh năm 74.”

Ông Tuyên nói về hoạt động hàng ngày, “Sáng đi tập ở Brookhurst với Talbert. Tôi tự đi. Ở đấy đủ máy móc, mình đóng tiền. Ở chỗ người già chỉ có mấy cái máy tập vớ vẩn thôi, không có đầy đủ như ở cơ sở. Tôi quen sáu người ở đây. Năm nào (ở đây) cũng có chết, năm, bảy người, bệnh chết. Mỗi ngày đi tập, vận động chân tay, ăn uống, coi ti vi, chỉ ở nhà thôi. Không đi đâu chơi hết, đi rắc rối nhờ con cái chở đón.”

Ông cũng chia sẻ về cuộc đời của mình, “Hồi còn trẻ thì tôi làm luật sư toàn án Quảng Ngãi, sau rồi động viên khóa 24 Thủ Đức. Xong rồi tới ngày mất nước, ở tù hết 7 năm, rồi có chương trinh HO rồi đi. Qua đây năm 91, lúc đó tuổi khai sinh là 40. Mới đầu đi cắt cỏ ở San Jose. Xong người quen giới thiệu đi làm khiêng bàn ghế giao hàng. Cắt cỏ một năm, cái kia hai năm. Xong thì làm điện tử hãng Đại Hàn, sáu năm. Sau vụ 911 năm 2001, nó sa thải bớt nhân viên. Tôi đi làm bảo vệ. Hồi đó kinh tế nó xuống, hãng điện tử nó dẹp, nó sa thải. Rồi 65 về hưu.”

Vì sao ông lại dọn vô đây? “Tụi nó (những người con) muốn vậy.” Và khi hỏi ông có thích ở đây hông thì ông nói, “Tôi ở trên San Jose 15 năm, ở đây 10 năm. Thích ở đây hơn, ở đây ấm hơn.” Một người lớn tuổi như ông Tuyên thì chỉ ao ước, “Bản thân giờ chỉ lo sức khỏe thôi, thuốc thang, thuốc tẩm bổ cho đầu óc minh mẫn, đừng có để mất trí nhớ nó kỳ lắm.” (Cười)

Ở khu nhà này cũng thường xuyên có những bữa tiệc mừng sinh nhật theo tháng cho các ông bà sống ở đây. Mỗi người góp vài đồng, rồi quản lý nhà sẽ đặt đồ ăn trưa, mọi người tụ tập ở phòng sinh hoạt chung, cùng ăn uống và tán gẫu. Rồi đến những ngày lễ lớn trong năm thì chủ nhà thuê sẽ tổ chức tiệc mời các ông bà chung dự.

Bà Khanh, mà mọi người gọi thân mật theo tiếng Pháp lúc còn nhỏ đi học ở Việt Nam là Monique, 80 tuổi, sống một mình ở số nhà 308 được 10 năm rồi. Bà nói, “Bàn đó, xuống ngồi ăn, tán gẫu chơi, chứ đừng co rút ở trong nhà. Có nhiều người không chơi với ai hết, chết ba, bốn ngày sình thúi. Mở cửa vô là thấy thúi quắc rồi. Mấy khu người già khác không bằng ở đây, ở đây thoáng, có vườn bông nè. Yên tịnh, an ninh, toàn là người lớn tuổi không có con nít. Vui chứ, nếu không là chết rồi.” (Cười lớn)
Vào lúc xế chiều, các bà hẹn nhau đi bộ, nói là ai cũng lớn tuổi, nhưng khi tiếp xúc với họ, sẽ thấy họ còn rất trẻ, đầu óc minh mẫn, đi đứng nhanh nhẹn, nói cười rất hoạt bát.

“Suốt ngày cười giỡn thôi, tụi này giờ chuẩn bị xuống đi bộ nè. Đi ngoài parking cho mát,” bà Khanh nói. “Chắc chủ nhà phải trả tiền cho tui quá. Ai té xỉu ở đâu cũng tui kêu 911, nước chảy mấy tiếng đồng hồ ngập đường cũng tui kêu. Ai muốn vô đây ở phải có tui mới được, muốn coi nhà lên nhà tui coi (cười), nhà mẫu. Chỗ này chỉ cho người già thôi, không có con nít. Thăm thì bất cứ lúc nào cũng được, nhưng phải giữ yên lặng, không có la hét.”

Đứng cạnh bà Khanh là bà Hồng, 73 tuổi. Hai vợ chồng bà dọn đến đây sống được hơn một năm. Bà Hồng kể, “Cái chuyện chính mắt tui nhìn thấy là cái ông đó ở Việt Nam trước 1975 là giáo sư đại học, ổng qua đây lâu rồi, cũng già rồi. Ông có ba con trai bác sĩ, hai đứa con gái lấy chồng luật sư, một con trai út thì hổng có bằng cấp cao, đi làm manager cho chợ Mỹ dưới Los. Mà hai vợ chồng thằng út đó là nuôi ông già. Đùng một cái con trai út ung thư gan, sáu tháng chết, trong khi đó nhà nó mua phải trả mỗi tháng ba ngàn mấy, hai đứa con còn đang học high school, vợ phải ở nhà chăm sóc ông già chồng, ông già 80 tuổi rồi, nên đâu có làm gì đâu. Đùng cái chồng chết, vợ phải bán nhà, dẫn hai đứa con qua Virgina cho em nuôi cho hai đứa nhỏ đi học. Rồi ông già đó, ba con trai bác sĩ, hai con gái lấy chồng luật sư, hổng ai lãnh hết, bưng ổng vô nursing home, cỡ ba, bốn tháng sau ổng chết, bị sốc, sốc nặng. Người quen của mình, mình thấy rõ ràng. Còn rất rất nhiều chuyện ở Mỹ này như vậy đó, cha mẹ già, ông bà già ông bà tự lo. Nuôi tới 18 tuổi tự động con cái nó một, hai, ba, bốn move out, move out.”

Bà Khanh nói thêm, “Đứa nào có hiếu, thương mình, cuối tuần nó không có đi làm, con nó nghỉ học thì thay đồ đẹp, dắt con lại thăm bà nội, má thay đồ, tụi con dắt má đi ăn sáng, ăn trưa gì, ok mình vui vẻ mình đi.”

Đi chung còn có một bà tên Hà, bà chỉ mới 64 tuổi, trẻ nhất trong ba bà cụ. Bà Hà không có con cái, vợ chồng bà sống ở khu này được năm, bà khá ít nói, chỉ đứng cười phụ họa theo hai cụ kia thôi. Và như nhận xét của bà Khanh và bà Hồng, “Cô này sướng nhất, không mắc nợ con nít, tiền bạc xài hoài không hết. Trong đây là bả giàu nhất.”(Cả ba cùng phá lên cười).

Bà Hồng nóitình trạng sức khỏe, “Hồi năm ngoái tui bị trụy tim, tưởng đâu xong đời rồi đó. Nghẹt tim thở không được. May là ở đây gần gọi 911, 5 phút sau nó tới, chở thẳng vô bệnh viện nó thông tim liền, chứ hông thôi là đi luôn rồi. Người già đó hả, ba cao một thấp. (Cười) Cao mỡ, cao máu, cao đường, còn thấp là thấp khớp. Thuốc hả, một ngày cỡ chừng mười mấy viên hà. Ở đây tháng nào cũng có xe cứu thương vô đây, có khi tháng mấy lần, mỗi tuần mấy lần luôn. Nếu mình không có housing, vô đấy mướn nó cũng cho mướn, một ngàn mấy, còn mình có housing thì có hai trăm mấy à, phần tiền kia nhà nước trả rồi. Nếu có đi làm tiền hưu thấp hơn tiền già, thì nhà nước bù thêm, còn không có tiền hưu thì có tiền già thôi. Gói ghém thôi, quan trọng mình biết đủ là được.”

Thời gian với những người lớn tuổi dường như là vô tận. Thêm nữa, do người già ở Mỹ đã được chính phủ chăm lo nên họ cũng không phải vất vả cuối đời, nhưng về phần tình cảm thì không tránh khỏi có những lúc cô đơn, buồn tủi. Những người sống lạc quan, hướng ngoại thì dễ dàng thích nghi và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Còn những người sống nội tâm, ít tiếp xúc với bên ngoài thường dễ bị trầm cảm, tinh thần cũng như thể chất đi xuống rất nhanh. Bởi đó cho nên, khi sống gần nhau, họ có sự đồng cảm, thường rất quan tâm lẫn nhau, động viên nhau và cố gắng vui được bao lâu thì cứ vui thôi, vì đâu ai biết được sáng mai thức dậy còn nhìn thấy nhau nữa không.
(Xem kỳ 2 đăng thứ Hai)

Không có nhận xét nào: