Lời giới thiệu: Nhiều người cho rằng văn minh Trung Hoa có đóng góp quá nhỏ bé (xét về số dân) vào thành tựu của văn minh nhân loại, về khoa học tự nhiên cũng như khoc học xã hội. Tìm ra căn nguyên của tình trạng này là một vấn đề có tầm quan trọng đối với Trung Quốc, từng được một vài học giả phương Tây, hoặc phương Tây gốc Hoa bàn luận, nhưng dường như giới học giả Trung Quốc lại thiếu quan tâm vấn đề này, có lẽ vì họ không muốn nói tới các mặt tiêu cực của thể chế chính trị-văn hóa nước họ.
<!>
Trong tình hình đó, cuốn ‘’Vì sao người Trung Quốc ngu thế ?’’ của Triết Gia Li Ming (Lê Minh, xuất bản 2003) thu hút được sự chú ý của dư luận. Dưới đây là bài nói của Li Ming tại Đại Học Bắc Kinh về sách trên. Bài gồm 6 phần:
1.- Vì sao người Trung Quốc là một dân tộc ‘’vô học’’ ?
2.- Vì sao sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất nhiên của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của kẻ thống trị các đời trước.
3.- Vì sao người phương Tây trong xã hội cận đại lại trở nên thông minh ?
4.- Nghi ngờ về sự ‘’thông minh’’ của người phương Tây trong thế kỷ 21.
5.- Tình trạng ngu dốt và thông minh hiện nay của người Trung Quốc;.
6.- Sau Thế Kỷ 21, người Trung Quốc nên trở nên thông minh như thế nào ? Dưới đây xin giới thiệu phần đầu.
Trong cuốn ‘’Người Trung Quốc xấu xí’’, ông Bá Dương đã xúc phạm mạnh đồng bào Trung Quốc, và bị họ chửi cho mất mặt, giờ đây tôi lại lấy thuyết ‘’ngu dốt’’ ra để gây sự lần nữa thì chẳng phải là tự chuốc lấy quả đắng đấy ư ? Thực ra không phải tôi thích gây sự, mà là do cổ họng tôi bị hóc xương, không lấy xương ra thì khó chịu. Lại còn một lý do nữa là Trung Quốc từ xưa tới nay có quá nhiều văn nhân tự khoe mình thông minh, làm cho những người Trung Quốc bình thường lâu nay cũng thường xuyên rơi vào đám sương mù dầy đặc tự cho mình là thông minh, mọi người đều mơ giấc mơ người Trung Quốc ‘’thông minh’’, dường như người nước ta đúng là đặc biệt có gene thông minh. Tiếc thay, mơ mộng rốt cuộc chỉ là mơ mộng. Trên thực tế, người Trung Quốc có đúng là thông minh như thế không ? Song le thông minh là gì, ngu dốt là gì ?
Tôi cho rằng đó chỉ là kết luận rút ra được từ sự so sánh với các chủng loại người khác. Quan điểm của tôi là: Trong sự so sánh đó, chủng loại người nào có thể cung cấp cho nền văn minh của toàn nhân loại những nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nhà nghệ sĩ lớn đẳng cấp thế giới, thì chủng loại người ấy là thông minh. Ngược lại, là chủng loại người ngu dốt.
Nói cách khác, qua so sánh, chủng loại người nào giỏi hơn về khám phá các quy luật mới (về tự nhiên, xã hội, tâm lý loài người), về phát minh công nghệ mới (tư duy, công cụ, máy móc), sáng tạo các tri thức mới (về khoa học, nghệ thuật), thì thuộc về chủng loại người thông minh. Ngược lại chủng loại người nào không giỏi, thậm chí không có thể khám phá quy luật mới, phát minh công nghệ mới, sáng tạo tri thức mới thì là không thông minh.
Dĩ nhiên, thông minh hoặc không thông minh, ngu dốt hoặc không ngu dốt đều mãi mãi ở trong quá trình biến động. Vì thế nên nói không có chủng loại người nào có số phận an bài là thông minh, cũng không có ai số phạn an bài là ngu dốt. Nhưng nếu mọi người tự mình kiên trì mãi mãi không biến đổi thì ‘’ngu dốt’’ cũng có thể trở thành một loại số phận. Tôi vô cùng lo ngại người Trung Quốc trong tình hình trường kỳ giữ một truyền thống lịch sử ‘’bất biến’’ sẽ thực sự có số phận như vậy.
Người Trung Quốc có thực sự thông minh không ? Nếu người Trung Quốc thực sự thông minh như thế thì trong dòng sông lịch sử dài dằng dặc rốt cuộc họ đã cống hiến cho nền văn minh nhân loại được bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nghệ sĩ lớn cấp thế giới, cung cấp được bao nhiêu khám phá lớn về quy luật, phát minh lớn về công nghệ và nghệ thuật, sáng tạo lớn về tri thức ?
Nếu người Trung Quốc thực sự thông minh thì tại sao trong hơn 100 năm gần đây, về nhân cách chính trị lại luôn luôn bị người nước khác bắt nạt, về kinh tế toàn là bị người ta bóc lột, về văn hóa học thuật toàn là bị người ta phân biệt đối xử ? Cái ‘’thông minh’’ tự tâng bốc mình có thể biến thành thông minh thực sự được chăng ? Rõ ràng không thông minh mà cứ tự tâng bốc mình thông minh, điều đó nên nói là ngu dốt thực sự.
Socrates ở thời cổ Hy Lạp được nhiều người cho là người thông minh nhất. Nhưng cái ông thích được tâng bốc hơn cả lại không phải là sự thông minh của mình, mà ông bao giờ cũng tự xưng: ‘’Tôi biết sự vô tri của mình’’. Cho nên Socrates là thủy tổ của phép biện chứng. Ông hiểu sâu sắc thực chất của sự việc con người sở dĩ ‘’thông minh’’ không phải là ở bản thân sự thông minh mà là ở chỗ thực sự nhận thức được sự vô tri của mình và biết cách vượt qua sự vô tri đó. Trong lịch sử Trung Quốc có bao nhiêu sĩ đại phu và văn nhân dám công khai thừa nhận mình vô tri ? Lại có bao nhiêu người đã nghiêm chỉnh khắc phục được sự vô tri của mình ? Trên ý nghĩa này thực sự có thể nói chính là giới sĩ đại phu văn nhân trong các đời trước đã liên tục tạo ra sự ngu dốt của người Trung Quốc. Sở dĩ hôm nay tôi phải lớn tiếng tuyên bố về sự ‘’ngu dốt’’ của người Trung Quốc ngày xưa và ngày nay, thực ra là tôi vô cùng mong muốn người Trung Quốc trong tương lai sẽ trở thành ‘’thông minh’’.
Lịch sử mấy nghìn năm của Trung Quốc thực ra là lịch sử các sĩ đại phu văn nhân tự khoe ‘’thông minh’’. Các sĩ đại phu văn nhân ‘’thông minh’’ trong các thời đại trước đây đã để lại cho người Trung Quốc ngày nay những trước tác có tới hàng tỷ chữ, trong đó nổi tiếng nhất có Bộ Nhị Thập Tứ Sử, Tư Trị Thông Giám, Vĩnh Lạc Đại Điển, Tứ Khố Toàn Thư v.v...Tiếc thay nếu dùng chiếc cân tri thức lý tính của con người hiện đại mà cân đo lượng văn bản lớn ấy thì phần tri thức của nó nhẹ tới mức làm người Trung Quốc cảm thấy đau khổ, chỉ đáng một phần vạn lượng tri thức ngày nay. Có một điểm càng làm cho người ta không thể không ghi nhớ là nếu ai hiện nay vẫn vùi đầu vào núi văn bản ấy thì người đó sẽ được nhân bản thành một vị văn nhân tự khoe ‘’thông minh’ của Trung Quốc. Các vị văn nhân tự khoe ‘’thông minh’ của Trung Quốc trong các thời đại trước đây chính là được nhân bản từ núi thư tịch ấy. Chính vì thế mà xã hội và lịch sử Trung Quốc cũng được nhân bản lặp đi lặp lại vô cùng giống như thời xưa, thậm chí như nhau. Chỉ trong một trăm năm gần đây mới có chút thay đổi, nhưng phần cốt lõi thì vẫn khá cứng tức giới văn nhân Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa nhận thấy sự vô tri của mình và tại sao lại vô tri, khắc phục sự vô tri như thế nào. Điều này đúng là thực sự ngu dốt.
Sự ngu dốt của người Trung Quốc trước hết, hoặc về căn bản, vẫn là sự ngu dốt của giới sĩ đại phu văn nhân nước này. Văn nhân các triều đại trước đây đã làm ra rất nhiều thư tịch có hàm lượng tri thức cực nhỏ Kinh, Sử, Tử, Tập. Văn Nhân Trung Quốc ngày nay vẫn tiếp tục làm ra rất nhiều văn bản loại ấy, tạo ra một lượng lớn rác rưởi văn tự trong toàn bộ nền văn minh Trung Quốc. Trước kia Lỗ Tấn từng đau khổ cảnh báo thanh thiếu niên Trung Quốc cần bớt đọc, thậm chí không đọc sách do văn nhân Trung Quốc viết. Qua đây có thể thấy ông sớm hiểu rõ tính nghiêm trọng tồn tại trong núi rác văn tự của nền văn minh Trung Quốc. Chính là sự nhân bản lặp lại núi rác rưởi văn tự ấy đã lấp kín con đường trí tuệ của bao nhiêu thế hệ người Trung Quốc. Thứ đầu tiên được chế tạo với khối lượng lớn là sự ngu dốt của văn nhân Trung Quốc, sau đó nó khuếch đại thành sự ngu dốt của người Trung Quốc. Đó là số phận sự ngu dốt của người Trung Quốc trong hơn hai nghìn năm qua, nhất là trong 500 năm gần đây, và đặc biệt là 200 năm nay.
Vì sao người Trung Quốc là một dân tộc ‘’vô học’’ ?
Tác giả đã sống được ngót 60 tuổi, làm học giả trong khoảng 20 năm, cho tới nay mới chợt tỉnh ngộ biết rằng ‘’học’’ là gì. Sự tỉnh ngộ ấy cũng làm cho tôi bỗng dưng rơi vào một nỗi buồn sâu sắc: Người Trung Quốc (dân tộc Trung Hoa) có lịch sử văn minh 5 nghìn năm mà chẳng lưu lại bao nhiêu thứ thực sự đáng để hậu thế học tập. Là một học giả hiện đại Trung Quốc tôi vô cùng đau khổ phát hiện thấy người Trung Quốc chúng ta vốn dĩ căn bản chưa hiểu thế nào mới là ‘’học’’ đích thực, do đó mà đến nỗi hầu như vô ‘’học’’.
Điều đó thực ra không khó kiểm chứng. Chỉ cần mời mọi người đọc lại một lượt toàn bộ các giáo trình tiểu học, trung học, đại học, viện nghiên cứu sinh, xem xem trong số những kiến thức đáng gọi là ‘’học’’ dạy cho học sinh, rốt cuộc có bao nhiêu cái là do người Trung Quốc chúng ta khám phá, phát minh và sáng tạo.
Kết quả ra sao ? Có thể nói, ngoại trừ những thứ như ngữ văn Trung Quốc, y dược Trung Quốc, sân khấu, thư, họa Trung Quốc số lượng các kiến thức thổ sản ấy đã cực ít lại cũng khó có thể gọi là ‘’học’’ mà chỉ có thể gọi là ‘’thuật’’ hầu như 9999 phần vạn các kiến thức còn lại đều là ‘’sản phẩm du nhập qua đường biển’’ từ phương Tây. Trong các lĩnh vực như thiên văn, địa chất, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh vật, tâm lý, triết học, khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học, pháp học, luân lý học, tân văn học...) thì người Trung Quốc chúng ta có truyền thống 5000 năm lịch sử lâu đời và chiếm tỷ lệ số dân nhiều nhất thế giới, rốt cuộc sáng tạo được môn học nào, khoa học nào ? Chúng ta lại có ưu thế rõ rệt ở lĩnh vực nào vậy ? Thậm chí người Nhật cũng có thể cười chế nhạo chúng ta ‘’Đôn Hoàng ở Trung Quốc nhưng Đôn Hoàng học thì lại ở Nhật’’.
Bình tĩnh tự xét mình, nên thừa nhận là trong nền văn minh Trung Quốc 5000 năm, chúng ta có chữ ‘’học’’ động từ (học hỏi, học ở chỗ hỏi, vậy hỏi ai ? Hỏi trời, hỏi các đại nhân, hỏi các thánh nhân) mà không có chữ ‘’học’’ danh từ (môn học, khoa học, những tri thức có năng lực sinh trưởng kéo dài, có sinh mạng riêng, tự làm thành hệ thống).
Nhìn tổng quát xưa nay, chúng ta có quan trắc thiên văn nhưng không có môn thiên văn học; có khảo sát địa lý (như Từ Hạ Khách du ký...) nhưng không có địa chất học, địa lý học; có trồng trọt thực vật, vận dụng thực vật nhưng không có thực vật học; có dạy thú và sử dụng động vật nhưng không có động vật học (phương pháp dùng trong các môn động vật học, thực vật học hiện nay vẫn dùng phương pháp phân loại hệ thống do người phương Tây phát minh); có tính toán con số cụ thể nhưng không có toán học trừu tượng; có Tứ đại phát minh nhưng không có vật lý học, hóa học; có kiến trúc cầu hầm nhà nhưng không có cơ học kiến trúc (vật liệu, công trình, kết cấu); thậm chí ta có ngôn ngữ, chữ viết, hội họa, âm nhạc, nhưng không có các môn học thành hệ thống như ngôn ngữ học, ngữ pháp học, tư từ học (Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận là một bộ tự điển, Mã Thị Văn Thông là sản phẩm sau khi học ngữ pháp học của phương Tây, Lục thư pháp tắc chưa hình thành nguyên lý nghiêm chỉnh), mỹ thuật học (hội họa Trung Quốc không có thấu thị học, sắc thái học...), âm nhạc học (tuy rằng Chu Tải Dục đời Minh đầu tiên phát hiện thập nhị bình quân luật nhưng không làm nó trở thành hòa thanh học, âm luật học v.v...).
Sau hơn 20 năm làm học giả Trung Quốc, tới nay tôi mới bừng tỉnh dậy sau giấc mơ lớn: Người Trung Quốc chúng ta tự xưng có nền văn minh truyền thống cổ xưa 5000 năm nhưng lại là một nền văn minh vô ‘’học’’.
Thưa đồng bào, chẳng lẽ quý vị không cảm nhận được điều đó ư ? Tứ đại phát minh của ta cố nhiên vĩ đại đấy nhưng đều chỉ là ‘’thuật’’ mà thôi, hơn nữa lại là kỹ thuật khá thô sơ do tiền nhân thời xưa phát hiện và phát minh ra trong trải nghiệm cuộc sống trực tiếp tiếp xúc với thiên nhiên, những cái đó chưa được nâng lên thành ‘’học’’, cũng tức là chưa biến thành tư duy lý luận trừu tượng, thành học thuyết giải thích quy luật của sự vật. Chẳng hạn thuốc súng trong Tứ đại phát minh, thành phần vật chất (nguyên tố) của nó là gì ? Tính chất hóa học thế nào ? Nguyên lý gây nổ của nó là gì ? Lại nói kim chỉ nam trong Tứ đại phát minh vì sao nó mãi mãi chỉ về phương Nam (hoặc Bắc), rốt cuộc từ tính là gì ? Tất cả những cái đó đều phải chờ đến sau này khi người phương Tây tiến hành tư duy lý luận trừu tượng mới có được nhận thức. Trên tất cả các mặt, người Trung Quốc chúng ta hầu như chỉ dừng bước không tiến tiếp ở ‘’thuật’’ mà thôi, vì thế nên thành tích trong lĩnh vực ‘’học’’ cực kỳ nhỏ bé, quả thật có thể nói là vô ‘’học’’.
‘’Học’’ với ý nghĩa môn học, là gì vậy ? Điều quan trọng là ở chỗ có lý luận trừu tượng cao độ, lý luận đó có thể giải thích hiện tượng đã có của sự vật, lại có thể mô tả một cách trừu tượng quy luật phát sinh của hiện tượng, vì thế không những có thể giải thích cụ thể sự vận hành thực tế lúc đó của sự vật mà còn có thể dự đoán trạng thái và sự biến đổi của sự vật trong tương lai, và được kiểm chứng hoặc chứng thực, hoặc chứng ngụy trong thực tiễn sau đó.
Một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng lý luận là phải nắm được quy luật tư duy logic cơ bản nhất. Hơn hai nghìn năm qua, nhất là 200 năm gần đây, nền giáo dục người Trung Quốc từ nhỏ được tiếp thụ chỉ có sự nhồi nhét Tứ Thư Ngũ Kinh, xưa nay chưa bao giờ biết logic là cái gì, sĩ đại phu-văn nhân còn như vậy, nói gì tới đông đảo dân chúng mù chữ. Tại Trung Quốc còn có một điểm đặc biệt làm đứt đoạn nền văn minh đó là sự tách rời hầu như tuyệt đối giữa người lao động phổ thông với tầng lớp văn nhân biết đọc biết viết.
Hầu như toàn bộ những người Trung Quốc tiếp xúc với thiên nhiên và có kinh nghiệm lao động sản xuất đều không biết đọc biết viết, nhưng giới văn nhân Trung Quốc biết đọc biết viết lại hầu như căn bản không tiếp xúc với thiên nhiên. Nói khác đi nghĩa là từ xưa tới nay cái đầu (tư duy) và cái tay (thực tiễn) của người Trung Quốc hầu như bị tách rời tuyệt đối. Cộng thêm tư duy của văn nhân Trung Quốc lại về căn bản thiếu mất sự huấn luyện của tính quy luật logic có ý thức, qua đó tạo nên sự tách rời tuyệt đối giữa ‘’thuật’’ với ‘’học’’. Do sự đứt rời song trùng ấy mà cho dù chưa xét tới còn có nhiều nhân tố khác vô cùng bất lợi như chế độ xã hội, tập tục...thì cũng đã ngăn trở vô cùng nghiêm trọng con đường phát triển trí tuệ của người Trung Quốc rồi. Đó dường như là số phận ngu dốt của người Trung Quốc trong mấy nghìn năm qua, nhất là trong 200 năm gần đây.
Sự tách rời giữa đầu óc với tay chân trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng tức là tách rời giữa tư duy và thực tiễn, cùng sự xa lạ giữa tư duy với logic của văn nhân Trung Quốc, đã tạo ra sự ‘’học’’ của người Trung Quốc: Hầu như duy nhất chỉ có cái ‘’học’’ hỏi mà căn bản không có sự học hiểu, suy luận, giải thích, càng chưa thể nói tới sự học sáng tạo kiến trúc cấu tạo của tư duy logic trừu tượng.
Tứ Thư Ngũ Kinh và những thứ tràn ngập thành tai họa hơn nữa như Kinh, Sử, Tử, Tập, hầu như toàn bộ đều là sự học hỏi. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chỉ có sự học-hỏi, cộng thêm sự tách rời giữa đầu (tư duy) với tay (thực tiễn) và tiếp tục tạo ra sự đứt rời giữa ‘’học’’ đích thực với ‘’thuật’’ đã nói ở trên, sự đứt rời song trùng ấy trên thực tế đã tạo nên sự vô ‘’học’’ của người Trung Quốc từ xưa tới nay.
Trải qua quá trình Tây học truyền vào Trung Quốc trong 100 năm gần đây, Trung Quốc ngày nay cũng chỉ có cái ‘’học’’ đi theo cái ‘’học’’ của phương Tây mà về cơ bản chưa có cái ‘’học’’ của bản thổ. Chính vì thế mà các ‘’học nhân’’ của Trung Quốc ngày nay, trong quá trình học sẽ cảm thấy một cách nặng nề rằng mình đã mắc phải chứng ‘’mất tiếng nói’’. Hầu như mọi từ ngữ, khái niệm về ‘’học’’ đều du nhập từ phương Tây, mà không có liên quan chút nào với truyền thống văn hóa bản xứ của chúng ta. Miệng là của người Trung Quốc nhưng nội dung lời nói lại là những điều trải qua sự suy nghĩ nghiền ngẫm của người phương Tây. Giấy viết, sách vở, truyền thông là phương tiện của bản xứ (song máy móc làm giấy, làm sách và thiết bị truyền thông cũng có thể của phương Tây), nhưng mọi đạo lý, quy phạm, quy tắc, quy luật...được sách báo truyền thông nói tới đều là những thứ người phương Tây phát hiện, phát minh và sáng tạo. Trong tình hình này chúng ta còn có thể nói người Trung Quốc không ‘’ngu dốt’’ ư ? Nếu còn muốn tự khoe mình ‘’thông minh’’ kiểu AQ thì chúng ta lại ‘’thông minh’’ ở chỗ nào vậy ?
Khi phân tích kỹ nền văn minh 5000 năm của Trung Quốc, có một môn tri thức có thể gọi là ‘’học’’ được đó là ‘’Trung Y Học’’ [Y Học Trung Hoa]. Có lẽ cũng chỉ trong lĩnh vực ‘’Trung Y Học’’, người Trung Quốc có thể để lại cho nhân loại một thứ duy nhất có thể gọi là ‘’lý luận’’ của mình. Đó là lý luận ‘’Âm dương ngũ hành’’. Tiếc thay tuy đây là thứ lý luận duy nhất trên thế giới có thể gọi là lý luận của người Trung Quốc, thuộc loại sánh được với lý luận logic của phương Tây, nhưng kể từ khi nó xuất hiện cách đây hơn 2000 năm, trong quãng thời gian dài dằng dặc sau đó, thứ lý luận ấy không hề có chút tiến triển nào. Người Trung Quốc không hề nghĩ tới chuyện nên tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh lý thuyết này, mà chỉ mù quáng sùng tín nó, làm theo nó. Cuối cùng lý thuyết ấy chẳng những chưa được cải thiện mà ngược lại ngày càng trở nên cũ rích, xơ cứng. Cho tới nay số người Trung Quốc tiếp thụ lý luận logic của phương Tây ngày càng tăng lên, họ chỉ có thể coi thường thuyết Âm Dương Ngũ Hành, phỉ nhổ thuyết đó, thậm chí vu khống nó, coi là thứ lạc hậu, mê tín, thuộc cùng loại với thuật phù thủy.
[.....]
Xin trở lại vấn đề trước đây, đi tìm nguồn gốc tại sao người Trung Quốc trong lịch sử lại vô ‘’học’’. Hiện nay có thể đã rất rõ ràng, đó là do trong lịch sử dài lâu, người Trung Quốc chưa tự mình sáng lập được một cơ sở có thể đặt nền móng cho tất cả mọi thứ ‘’học’’, cái cơ sở mà người phương Tây cận-hiện đại dựa vào để xây dựng hầu như tất cả mọi thứ ‘’học’’ Logic đối xứng nhị nguyên luận.
Nói rõ hơn, tức là logic hình thức, logic hình học, logic số lý, logic biện chứng...được từng bước hoàn thiện kể từ Aristotle, Euclid...Về bản chất, các logic này đều là logic tính đối xứng và nhị nguyên luận. Triết học phương Tây từ Plato trở đi, từ bản thể luận tới nhận thức luận, thứ được các triết gia phương Tây ra sức hoàn thiện là bản thân phương pháp tư duy logic đối xứng nhị nguyên luận. Chính là sự không ngừng hoàn thiện, phát triển của phương pháp logic phương Tây (từ triết học cổ đại) và sự kết hợp hữu cơ với phương pháp thực nghiệm có lựa chọn trong thời cận đại, đã sinh ra và xúc tiến các khoa ‘’học’’ trên mọi lĩnh vực, mọi tầng nấc của phương Tây thời cận-hiện đại.
Hegel nói người Trung Quốc ‘’không có triết học’’. Chẳng may người Trung Quốc bị ông nói trúng. Đúng là người Trung Quốc không có triết học, mà điều đó lại ở chỗ người Trung Quốc không có logic dĩ nhiên là nói logic đối xứng nhị nguyên luận. Các văn nhân nhiều đời trước của chúng ta chưa từng bỏ công sức vào việc thăm dò quy luật của bản thân tư duy. Họ chỉ có duy nhất một phương pháp tư duy là độc đoán trực giác và trực giác độc đoán. Tư duy độc đoán trực giác ấy ngoài việc sản sinh những ý kiến đủ mọi màu sắc ra thì chẳng thể có được sự suy lý khuếch trương, kéo dài, càng không thể có sự kiến cấu sáng tạo trừu tượng. Cho nên những tư liệu do các văn nhân Trung Quốc viết, ngoài việc có ý nghĩa chất đống to bằng hạt cát ra thì căn bản không thể có giá trị lý luận kiến cấu hữu cơ. Điều đó làm cho văn nhân chúng ta bao đời qua chưa bao giờ hiểu được lý luận là gì. Về cơ bản, văn nhân Trung Quốc là một lũ người lùn văn hóa chẳng biết lý luận là cái gì, chỉ biết phát biểu ý kiến (ý khí chi kiến) mà thôi. Dựa vào những người ấy thì mãi mãi chẳng có thể xây đắp nên tòa lâu đài khoa học cận-hiện đại. Cho dù trên mặt sáng lập kỹ thuật và nghệ thuật thì phần lớn cũng chỉ có thể là những thứ bình thường, nông cạn, vô vị, thậm chí thấp hèn. Chính vì thế mà đã hình thành một lịch sử hầu như vô ‘’học’’ hơn hai nghìn năm qua của Trung Quốc, qua đó tạo ra sự ngu dốt trên thực chất của văn nhân Trung Quốc rồi mở rộng ra thành sự ngu dốt của người Trung Quốc (nhất là trong 200 năm gần đây).
Trong tất cả các nguyên nhân làm cho người Trung Quốc thời cận đại bị đày đọa, nguyên nhân căn bản nhất là sự ngu dốt của họ tình trạng này dần dần tích tụ mà thành trong lịch sử dài lâu. Do logic mà lạc hậu, nghèo khó. Do logic mà bị kẻ khác bắt nạt, bị đánh, bị kỳ thị. Chỉ có từ đó nhận thức được sự ngu dốt của mình và thoát ra khỏi sự ngu dốt ấy thì người Trung Quốc mới có thể thay đổi tất cả trong thế kỷ và thời đại mới.
Trên đây đã phân tích nguyên nhân tình trạng người Trung Quốc vô ‘’học’’, quy lại chủ yếu là hai điểm sau:
1.- Trong lịch sử lâu dài, những người Trung Quốc biết chữ thì không làm công việc sản xuất; ngược lại, những người làm sản xuất thì không biết chữ điều này đã tạo nên sự hoàn toàn tách rời giữa tư duy với thực tiễn. Nói gọn lại, tức sự hoàn toàn tách rời giữa ‘’bộ não’’ và ‘’cánh tay’’ của người Trung Quốc.
2.- Trong lịch sử dài hơn 2000 năm, sự hoàn toàn tách rời giữa ‘’bộ não’’ và ‘’cánh tay’’, giữa ‘’học’’ và ‘’thuật’’ của người Trung Quốc sự tách rời song trùng này làm nên nguyên nhân lịch sử giải thích vì sao người chúng ta ngu dốt như thế. Vấn đề này phải được phân tích tiếp. Vì sao người Trung Quốc lại có căn nguyên lịch sử như thế ? Đây chính là vấn đề cần được giải đáp trong phần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét