Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại Diễn đàn Shangri-la.
Theo số liệu của các chuyên gia Mỹ thì từ giữa thế kỷ XX, hơn một nửa các cuộc xung đột quân sự ở APAC đều có sự tham gia của Trung Quốc, 80 % trong số đó mới xảy ra trong hai thập kỷ gần đây.
Bộ trưởng quốc phòng mới của Mỹ Ashton Carter vừa kết thúc chuyến công du 10 ngày tới các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APAC).
1. Tầm quan trọng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với Mỹ qua tuyên bố của các quan chức Mỹ
Bộ trưởng quốc phòng mới của Mỹ Ashton Carter vừa kết thúc chuyến công du 10 ngày tới các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APAC). Chuyến công du này để tham gia Diễn đàn quốc tế thường niên về an ninh tại APAC và trao đổi về nội dung các thỏa thuận hợp tác quân sự với các nước hàng đầu trong khu vực.
Ngày 28/5, ông khẳng định quyết tâm của Nhà Trắng xây dựng một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực, hỗ trợ các nước trên giải quyết những vấn đề của họ và đảm bảo sự ổn định và an ninh trên lãnh thổ các nước đó.
Trong buổi nói chuyện tại Trường Đại học Stanford mới đây, khi trả lời câu hỏi của cử tọa về tầm quan trọng của APAC với nước Mỹ, A.Carter nhấn mạnh : "Một phần lớn tương lai của đất nước chúng ta (Mỹ) sẽ gắn chặt với khu vực đó".
Ông cũng cho biết là Washington hoan nghênh sự tăng trưởng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Mỹ "cần phải duy trì sự hiện diện quân sự ở APAC, bởi vì nó (sự hiện diện đó) tạo ra sự vững tin cho nhiều nước trong khu vực".
Ông đồng thời nhấn mạnh rằng Tổ chức kinh tế quốc tế đang được thành lập - Đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP) là một phần trong chiến lược đó của Mỹ và rất có lợi của các nước tham gia (TPP).
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói : "Có tới 1/2 dân số toàn cầu và gần 50% nền kinh tế thế giới tập trung tại APAC. Vì những lý do đó, khu vực này có một ý nghĩa hàng đầu đối với tương lai của Mỹ và của toàn thế giới".
2. Các ưu tiên chiến lược của Mỹ tại APAC
Nhà Trắng đã chính thức xác nhận tầm quan trọng đặc biệt của APAC đối với các lợi ích quốc gia và an ninh của Mỹ từ tháng 1/2012 trong văn kiện "Duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ".
Các ưu tiên quốc phòng thế kỷ XXI (Sustaining U.S. Global Leadership : Priorities for 21st Century Defense) và một số văn kiện khác như "Chiến lược an ninh quốc gia" (2/2015), "Chiến lược hợp tác Hải quân thế kỷ XXI" (3/2015). Sau đây là một số nét chính liên quan đến khu vực.
Quân số của Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ được cắt giảm. Nhưng các Bộ tư lệnh thống nhất vẫn sẽ có đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được giao và sẽ được trang bị những loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại nhất.
Các đơn vị (các cấp tổ chức khác nhau- từ cấp trung đội trở lên- nhưng sau đây sẽ gọi chung là các đơn vị) sẽ do những sỹ quan nhà nghề, có kinh nghiệm tác chiến thực tế chỉ huy và họ sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn.
Các đơn vị của Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ đóng quân trên các khu vực khác nhau trên thế giới mà trước hết sẽ là tại APAC và Trung Cận Đông. Ngoài ra, các đơn vị Quân đội Mỹ sẽ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các nước Châu Âu và tham gia các chiến dịch quốc tế theo các cam kết của Mỹ.
Những lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ có mối quan hệ không thể tách rời với các quốc gia nằm trên đường vòng cung kéo dài từ phần phía Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến Ấn Độ Dương và Nam Á. Đây là khu vực có nhiều khả năng kinh tế thuận lợi đối với Mỹ, nhưng việc hiện thực hóa các khả năng đó gặp khó khăn do một số vấn đề nảy sinh.
Chính vì vậy mà Các lực lượng vũ trang Mỹ, trong khi tiếp tục giải quyết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở quy mô toàn cầu, cần phải ưu tiên chuyển định hướng sang các nước APAC.
Mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác chủ chốt tại APAC có ý nghĩa quyết định đối với đảm bảo sự ổn định và phát trển bền vững của các nước tại khu vực trong tương lai . Washington sẽ dành sự quan tâm đặc biệt để thành lập các liên minh quân sự với những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh tại khu vực.
Mỹ mở rộng lĩnh vực hợp tác với các đối tác mới tại APAC nhằm xây dựng một tiềm lực quân sự tập thể và tăng cường các khả năng bảo vệ các lợi ích chung . Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ nhằm đảm bảo khả năng của quốc gia này giữ vai trò là đầu tàu kinh tế và là nhân tố đảm bảo an ninh trong Khu vực Ấn Độ Dương.
Trong 5 năm tới sự tăng trưởng nền kinh tế quốc gia (Mỹ) ở ngoài Châu Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào các cơ cấu kinh tế và các cơ cấu khác nằm trên lãnh thổ Châu Á. Tuy nhiên, tại khu vực này, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực đang ngày càng gia tăng, và những căng thẳng đó có thể dẫn tới xung đột vũ trang.
Mỹ thực hiện chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ với các nước Châu Á trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, cũng như củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực quốc phòng và tăng cường sự hiện diện tại khu vực APAC. Hiện nay Mỹ đang tái cấu trúc mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc và Philippin và củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước đó để họ có thể tự đối đầu với các mối đe dọa khu vực và toàn cầu.
Mỹ sẽ làm mọi cách để gia tăng ảnh hưởng của các định chế quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Summit các nước Đông Á (EAS) và Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC). Mỹ sẽ giúp các nước trong khu vực xây dựng một nền kinh tế mở và minh bạch.
Mỹ sẽ tiếp tục củng cố an ninh của các nước APAC, thúc đẩy phát triển dân chủ và hợp tác đa phương trong khu vực. Phát triển mối quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á, trước hết là Việt Nam, Indonexia và Malaixia là phương hướng chủ yếu trong hoạt động đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới.
Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc - một mối quan hệ đáp ứng được lợi ích của các bên. Tuy nhiên, Mỹ không loại trừ khả năng xuất hiện các tình huống xung đột. Trong trường hợp đó Mỹ sẽ hành động, sử dụng sức mạnh để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ tất cả các chuẩn mực Luật pháp quốc tế trong những lĩnh vực khác nhau, từ việc đảm bảo an toàn cho các tuyến giao thông hàng hải cho đến tuân thủ quyền con người.
Nhà Trắng sẽ thường xuyên tìm cách loại trừ mọi sự hiểu lầm và tính toán sai trong quan hệ giữa hai bên. Mỹ cũng sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để loại trừ khả năng tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc.
Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế với Ấn Độ trong các lĩnh vực như an ninh, năng lượng và bảo vệ môi trường. Mỹ ủng hộ lập trường của Dehli cho rằng Ấn Độ cần tăng cường sự hiện diện của mình trong các tổ chức quốc tế chủ chốt.
Một trong những phương châm chiến lược của Nhà Trắng là tác động để cải thiện mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực, đấu tranh chống khủng bố và hội nhập kinh tế của các nước APAC.
3. Công cụ thực hiện chiến lược "Châu Á- Thái Bình Dương"
Hiện nay, APAC do Bộ Tư lệnh thống nhất Các lực lượng vũ trang Mỹ khu vực Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command - USPACOM) chịu trách nhiệm. USPACOM đảm bảo an ninh và bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong không gian trên biển và trên đất liền ở APAC. Mỹ đã đầu tư rất mạnh để các đơn vị đồn trú tại đây luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cần thiết và sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù tiềm năng.
Khu vực chịu trách nhiệm của USPACOM không chỉ có vùng biển Thái Bình Dương, mà còn cả Alaska, một số khu vực Bắc Cực, các khu vực ven bờ Châu Á Nam Ấn Độ Dương.
Tại khu vực do USPACOM chịu trách nhiệm có 36 quốc gia với dân số chiếm hơn 50% dân số thế giới .
Đây là một khu vực có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Phần lớn các tuyến giao thông hàng hải đi qua khu vực này với 9/10 các cảng biển quan trọng nhất thế giới. Đây cũng là một trong những khu vực "quân sự hóa"nhất. Ngoài ra, cũng tại đây có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Nhà Trắng thì Hải quân Mỹ cần phải kiểm soát các tuyến giao thông hàng hải chủ yếu tại khu vực này.
Trong biên chế của USPACOM có các lực lượng của Lục quân, Hải quân, Không quân, Quân đoàn lính thủy đánh bộ và Lực lượng các chiến dịch đặc biệt ( Đặc nhiệm). Tại APAC có các đơn vị của Sư đoàn bộ binh số 25 gồm 2 lữ đoàn đóng quân tại Hawai và 02 lữ đoàn đóng quân tại Alaska và nhiều phân đội (đơn vị) khác đóng quân tại Hawai và Nhật Bản.
Lục quân (trong biên chế của USPACOM) chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực kéo dài từ Nhật Bản và Nam Triều tiên đến Alaska và Hawai với tổng quân số 106.000 người, hơn 300 máy bay của Không quân Lục quân, 05 cụm tàu chiến và tàu bảo đảm phối thuộc.
Các đơn vị Không quân trong biên chế của USPACOM có chức năng tiến hành các chiến dịch tấn công và phòng ngự tại APAC. Lực lượng này (Không quân) có tập đoàn quân không quân số 5 (đóng tại Nhật Bản), số 7 (Hàn Quốc), số 11 (Alaska) và số 13 (Hawai). Tổng quân số quân nhân và nhân viên kỹ thuật là gần 29.000 và có hơn 300 máy bay. Trực tiếp chỉ huy các lực lượng này là Bộ Tư lệnh Không quân tại Khu vực Thái Bình Dương (Pacific Air Force).
Hiện nay, thành phần Hải quân của USPACOM có các hạm đội số 3, số 5 và số 7. Khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội 3 là vùng biển từ bờ Tây nước Mỹ đến đường kinh tuyến đổi ngày quốc tế (đi gần kinh tuyến 180). Hạm đội này cũng chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho vùng biển ven bờ Alaska và một số khu vực ở Bắc Cực.
Hạm đội 5 trực chiến trên khu vực Vịnh Pecxich và phần phía Tây Ấn Độ dương. Căn cứ đóng quân chủ yếu là cảng Manama của Baranh.
Hạm đội 7 đảm bảo giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở APAC và duy trì sự ổn định tại khu vực. Đây là hạm đội chủ yếu ở vùng biển Thái Bình Dương.
Tổng cộng Hải quân trong USPACOM có 41 tàu ngầm, gần 200 tàu nổi và hơn 600 máy bay, bao gồm 6 cụm không quân tấn công và một cụm tàu đổ bộ. Tổng quân số là hơn 140.000 người.
Tại APAC, Mỹ bố trí tới 2/3 lực lượng và phương tiện (vũ khí - trang bị kỹ thuật) của Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ (gần 85.000 người), gồm 2 quân đoàn viễn chinh số 1 và số 3.
Trong biên chế của mỗi quân đoàn viễn chinh có 01 sư đoàn , 01 không đoàn (không quân) và một cụm đảm bảo hậu cần. Tất cả các lực lượng trên đều trực thuộc USPACOM. Bộ Tham mưu Lính thủy đánh bộ tại APAC đóng quân tại Hawai, còn các cơ quan tham mưu của 2 quân đoàn trực thuộc - tại căn cứ Lager Pendleton ở California (Mỹ) và Okinawa (Nhật Bản).
Theo số liệu của Bộ Hải quân Mỹ, có tổng cộng 360.000 binh sỹ và nhân viên dân sự Mỹ đang có mặt tại APAC. Phần lớn trong số đó là lực lượng của Hải quân và Quân đoàn lính thủy đánh bộ.
Theo các kế hoạch chiến lược của Lầu Năm Góc thì đến năm 2020, hơn 60 % tàu chiến và máy bay của Hải quân và Không quân Mỹ sẽ được điều sang APAC.
Tại khu vực này Mỹ sẽ bố trí các phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại nhất, trong đó các cả các tàu biển phòng không, tàu ngầm các lớp khác nhau , máy bay trinh sát, giám sát cùng một loạt các hệ thống tác chiến hiện đại khác.
Lầu Năm Góc cũng đã lên kế hoạch tăng cường các phân đội cho cho Lực lượng lính thủy đáng bộ ở APAC.
4. Lý do Mỹ ưu tiên APAC
Có một số lý do để Nhà Trắng dành cho APAC những ưu tiên cao nhất trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh của Mỹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, mối đe dọa đối với an ninh Mỹ (ở khu vực này) xuất phát từ các nhóm khủng bố trú chân tại khác khu vực không kiểm soát được trên lãnh thổ các nước Nam Á, vũ khí hạt nhân và tên lửa đang được chế tạo tại Bắc Triều Tiên và tiềm lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Với Trung Quốc, phần lớn các đơn vị được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên mặt đất CSS-4 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 13.000 km đều nằm trong biên chế của Quân đoàn pháo binh số 2 PLA.
Ngoài ra, nước này cũng sở hữu các tên lửa phóng từ biển có thể mang đầu đạn hạt nhân. Những tên lửa trên có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 1.700 km.
Theo các nhà hoạch định chiến lược Mỹ thì Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của nước này ở APAC. Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc với tốc độ như hiện nay, theo đánh giá của Lầu Năm Góc, là mối đe dọa khu vực chủ yếu và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn tại khu vực này.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ có lợi cho mình. Theo số liệu của các chuyên gia Mỹ thì từ giữa thế kỷ XX, hơn một nửa các cuộc xung đột quân sự ở APAC đều có sự tham gia của Trung Quốc, 80 % trong số đó mới xảy ra trong hai thập kỷ gần đây.
Tuy Lầu Năm Góc thường tuyên bố là sẽ làm mọi việc để Bắc Kinh giữ một vai trò "xây dựng"tại khu vực nhưng trên thực tế, rất nhiều các chuyên gia quốc tế Mỹ cho rằng Mỹ chỉ muốn Trung Quốc tham gia vào hệ thống an ninh đã được hình thành tại APAC và chỉ giải quyết những nhiệm vụ "dành riêng "cho Trung Quốc.
Lê Hùng
Theo Đất Việt, 23/06/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét