Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Đàng sau các cuộc chiến bí hiểm của Mỹ trên thế giới hiện nay - Lữ Giang


Ngày 8.6.2015, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, Thống Obama đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ chưa có môt kế hoạch đầy đủ để chống lại nhóm chiến binh IS. Ông nói: “Chúng ta chưa có một chiến lược đầy đủ vì điều đó còn đòi hỏi những cam kết từ phía những người Iraq nữa.”
Tuy ông nói như vậy, nhưng các nhà phân tích không tin. Họ tin rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ chính sách can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào những nơi đang xảy ra biến cố và thay thế bằng chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars) để thực hiện các ý đồ của Mỹ. Đó là chiến lược cơ bản hiện nay của Hoa Kỳ.
KHÁI LƯỢC VỀ CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM
Trong những năm gần đây các cơ quan nghiên cứu và thông tin của Hoa Kỳ cũng như trên thế giới đã phổ biến nhiều bài nói về chiến tranh ủy nhiệm mà Hoa Kỳ đang theo đuổi với những hậu quả. Bài phân tích có nhan đề “Washington xài tiền vào chiến tranh ủy nhiệm” (Washington Puts Its Money on Proxy War) của Nick Turse được phổ biến rộng rãi. Nhưng đa số người Việt đấu tranh ít biết đến chiến lược này. Khi biến cố xây đảo nhân tạo trên Biển Đông xảy ra, một sô “bình luật gia ta” đã quả quyết rằng cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi! Không nắm vững “chiến tranh ủy nhiệm” nên rất khó biết được Mỹ đang “xoay trục” như thế nào.
Chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars) thường được định nghĩa là một cuộc chiến tranh do các thế lực đối nghịch xúi biểu (proxy war is a war instigated by opposing powers). Các thế lực này không trực tiếp chiến đấu chống nhau. Thay vào đó, họ xử dụng các phe thứ ba chiến đấu thay cho họ. Trong cuộc chiến Việt Nam, người Việt cũng đã phải đảm nhận loại chiến tranh này. Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Duẩn đã từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại bị áp bức, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” Tại miền Nam, sau khi giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ cũng đã biến cuộc chiến tại đây thành chiến tranh ủy nhiệm với những hậu quả rất thê thảm.
Phương pháp áp dụng trong chiến tranh ủy nhiệm tuy có khác nhau tùy vùng, nhưng chiến lược căn bản mang tính toàn cầu vẫn là huấn luyện, trang bị, và cố vấn cho các lực lượng bản xứ để các lực lượng này lãnh trách nhiệm chiến đấu và gánh chịu mọi tử vong thay họ.
Trong hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, Hoa Kỳ đã đứng ra trực diện đối đầu với các tổ chức Hồi Giáo cực đoan bằng quân sự. Hai cuộc chiến này đã gây ra cho Hoa Kỳ quá nhiều tổn thất về nhân lực và tài lực, nên năm 2011, khi quyết định mở cuộc tấn công vào Libya để thực hiện chiến lược một “Trung Đông Mới”, Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chiến tranh ủy nhiệm. Trong bài phát biểu tối 28.3.2011, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ không thể lật đổ Gaddfi bằng vũ lực và chịu nhiều chi phí như trong cuộc chiến tại Iraq. Ông nói: “Thành thật mà nói, chúng ta đã mất 8 năm để thay đổi chính quyền Iraq, làm hại tới hàng ngàn, hàng vạn lính Mỹ cũng như người dân Iraq và tốn kém gần 1000 tỷ USD.” Do đó, việc đánh chiếm Libya đã được Mỹ giao cho Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy lãnh đạo. Ngày 20.10.2011, Gaddafi đã bị giết và chiến tranh ủy nhiệm được tiếp tục áp dụng ở đây để các phe Hồi Giáo đối nghịch thanh toán nhau. Tại Afghanistan và Iraq, Tổng Thống Obama cũng đã cho rút quân dần ra và xử dụng chiến tranh ủy nhiệm như lá bài chính của Mỹ.
Hiện nay, Hoa Kỳ không chỉ áp dụng chiến tranh ủy nhiệm tại Trung Đông mà còn tại cả Đông Âu và Biển Đông khi phải đối đầu với Nga và Trung Quốc. Qua các cuộc quan sát, chúng ta thấy rằng tại Trung Đông, vì hai khối Hồi Giáo Sunni và Shia có mối thù truyền kiếp qua nhiều thế kỷ, nên trúng kế Mỹ một cách dễ dàng. Một số nước Đông Âu như Gruzia, Ukraina, Rumania, ba nước vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia vì thiếu kinh nghiệm chính trị nên dễ trúng kế Mỹ. Gruzia và Ukraina đã bị trúng kế và đang lãnh nhận những hậu quả. Còn các cường quốc trong Liên Âu, Nhật Bản, Úc và ngay cả CSVN vì đã nắm rất vững chiến lược của Mỹ, nên vẫn giữ được vị thế của mình.
HỒI GIÁO TRUNG ĐÔNG TRÚNG KẾ MỸ!
Ngày 26.3.2015, hãng thông tấn NBC News đã cho phổ biến một bài dưới đầu đề “Chiến tranh ủy nhiệm: Hoa Kỳ đứng ở cả hai bên của những căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia” (Proxy War: U.S. on Both Sides of Tensions Between Iran, Saudi Arabia), tường thuật lại buổi nói chuyện giữa các ký giả Chuck Todd, Mark Murray và Carrie Dann trong chương trình “Meet of the Press” về chiến tranh ủy nhiệm tại Trung Đông. Một câu hỏi được đặt ra: Một giờ trước đây, các máy bay Hoa Kỳ đã mở cuộc không kích để giúp lực lược Iraq thuộc khối Shia chiếm lại thành phố Tikrit trong tay ISIS thuộc khối Sunni. Một giờ sau đó, các máy bay của Saudi Arabia, một đồng minh chí cốt của Mỹ, lại oanh tạc lực lượng Houthi thuộc Shia ở Yemen. Vậy thì Mỹ đứng về phe Sunni hay phe Shia?
Bản phúc trình của ký giả Richard Engel của CNN về tình trạng ở Yemen nói rằng nó đã trở thành cuộc chiến giữa Iran và Saudi Arabia trong đó Mỹ tìm thấy chính mình đứng về cả hai bên” (it has become a war between Iran and Saudi Arabia with the U.S. finding itself on both sides). Theo NBC, trong cuộc đàm phán với các đối tác của mình trong khu vực vào thứ năm 26.3.2015, Ngoại Trưởng John Kerry “khen ngợi công việc của các liên minh và nhấn mạnh sự hỗ trợ Mỹ cho các nỗ lực - bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ mục tiêu, tư vấn và hỗ trợ hậu cần...”, dĩ nhiên là cho cả hai bên!
Qua bài “Làm thế nào để các võ khí của Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen?” tờ Washington Post tiết lộ rằng theo một bản phúc trình của Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 29.4.2015, từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2014, Hoa Kỳ đã bán cho Saudi Arabia 90 tỉ USD võ khí, trong đó có cả chiến đấu cơ F-15SA, các trực thăng chiến đấu AH-64D Apache, UH-60M Black Hawk, AH-6i light-attack, v.v. Vấn đề được đặt ra là Saudi Arabia đã dùng số võ khí mua được của Mỹ để làm gì?
Trong bản tin ngày 3.3.2015 của WND News ở Washington DC, dưới đầu đề Người Iraq tìm thấy võ khí và tiếp tế của Saudi được gởi cho ISIS”, ký giả F. Michael Maloof cho biết theo hãng thông tấn Al-Qad Press (tiếng A-rập), với nỗ lực chiếm lại thành phố Tikrit, quân Iraq đã tìm thấy trong các kho chứa của ISIS có nhiều tấn lương thực, trái cây và võ khí từ Saudi Arabia. Đồ tiếp tế và võ khí tìm thấy đều từ Saudi Arabia, Qatar hay Turkey, nhưng không phải do chính quyền của các quốc gia này mà do các tư nhân. Các hỏa tiễn chống tăng M79 90 mm của Hoa Kỳ được chuyển đến cho họ qua Saudi Arabia. Nhiều vũ khí còn nguyên nhãn hiệu “Property of U.S. Govt.” ISIS đã không biết xử dụng nhiều loại vũ khí tối tân của Hoa Kỳ mà họ đã nhận được. Trong khi đó, tờ Independent của Anh nhắc lại một báo cáo tháng 12 năm 2009 của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton do Wekileaks tiến lộ, trong đó nói rằng Saudi Arabia vẫn cung cấp những tài trợ căn bản cho al-Qa'ida, Taliban, LeT (nhóm khủng bố Pakistan) và các nhóm khủng bố khác.
Nhìn chung, chúng ta thấy qua Saudi Arabia, Mỹ đang cung cấp vũ khí cho các nhóm Suuni chống lại các nhóm Shia, còn Iran và chính Mỹ đang cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các nhóm Shia chống các nhóm Sunni. Vì thế, cơ quan thông tấn CNN đã nói “Mỹ tìm thấy chính mình đứng về cả hai bên (the U.S. finding itself on both sides)
ISIS LÀ CON ĐẺ CỦA MỸ?
Ngày 16.7.2014, cơ quan Global Research đã cho phổ biến một tài liệu của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (US National Security Agency – NSA) do điệp viên Edward Snowden hiện đang ở Nga phổ biến cho thấy tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS là do tình báo của Mỹ, Anh và Israel (Mossad) phối hợp lập ra với biệt danh là "Hornet’s Nest."
Tài liệu tiết lộ nói rằng nhà lãnh đạo ISIS là giáo sĩ Abu Bakr Al Baghdadi đã nhận huấn luyện quân sự nhạy cảm trong tròn một năm dưới tay của Mossad (cơ quan tình báo Israel), bên cạnh các khóa học về thần học và nghệ thuật phát biểu.
Tuy nhiên, việc huấn luyện lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi như thế nào và lúc nào, đã trở thành một vấn đề tranh luận vì tài liệu không đề cập đến. Đài Fox News cho biết đã phỏng vấn Đại tá Kenneth King, người quản lý trại tù Bucca năm 2009, nơi al-Baghdadi đã từng bị giam giữ, tuyên bố ông ta đã có mặt khi al-Baghdadi đã được chuyển từ trại giam của lực lượng Mỹ cho người Iraq, nơi này bị cáo buộc đã phóng thích al-Baghdadi để đi thành lập ISIS. Nhưng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố:
"Ibrahim Awad Ibrahim Al Badry, còn được gọi là 'Abu Bakr al - Baghdad 'đã bị Quân Lực Hoa Kỳ bắt giữ như là một 'người tù dân sự' từ đầu tháng 2 năm 2004 cho đến đầu tháng 12 năm 2004, khi ông ta được phóng thích. Ông ta bị giam tại trại Bucca. Một Hội đồng Xem xét, Phối hợp và Phóng Thích đã đề nghị 'phóng thích vô điều kiện' người bị giam giữ này và ông ta đã được Nhà tù của Mỹ phóng thích một thời gian ngắn sau đó. Chúng tôi không có hồ sơ của ông ta trong bất cứ thời điểm nào khác."
Như chúng ta đã biết, sau đại chiến thứ II, Đế Quốc Ottoman của Hồi Giáo ở Trung Đông đã bị chia thành 22 quốc gia. Đến năm 2006 chính Bush đã đưa ra kế hoạch một “Trung Đông Mới” định hình lại các quốc gia Hồi Giáo kéo dài từ Trung Đông đến Afghanistan. Một tài liệu do tờ New York Times tiết lộ tiên đoán 5 nước trong khu vực là Iraq, Libya, Syria, Yemen và Saudi Arabia sẽ bị biến thành 14 nước. Kế hoạch đó đang được hình thành và ISIS đóng một vai trò quan trọng. Global Research ngày 13.6.2015 đã đăng bài với đầu đề “Saudi Arabia: Ủy nhiệm Quân Sự của Mỹ, tiến hành chiến tranh tại Trung Đông và Iran” nói lên các diễn biến này.
Ngoài những võ khí và tiến bạc mà ISIS được cấp qua ngả Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày ISIS còn có được khoảng 3 triệu USA tiền bán dầu lậu qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ và người mua chính là Israel và một số các quốc gia Âu Châu.
CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM TẠI ĐÔNG ÂU VÀ BIỂN ĐÔNG
Tại Đông Âu, Hoa Kỳ đã tạo ra vụ Ukraina để lôi kéo các quốc gia Liên Âu vào cuộc chiến chống Nga thay thế Mỹ. Bài “Trung Quốc cảnh cáo Hoa Kỳ ngưng cuộc chiến ủy nhiệm Ukraina chống Nga” (China Warns U.S. to Stop Its Ukrainian Proxy War Against Russia) của Eric Zuesse được Global Research phổ biến ngày 3.3.2015 đã cảnh cáo thủ đoạn này. Đức và Pháp đã chính thức từ chối “sứ mạng” mà Mỹ muốn giao cho. Hôm 22.2.2015, Tướng James W. Forsyth của Mỹ đã lên tiếng báo động: “Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Moscow và Washington tại biên giới phía Đông của Châu Âu hiện nay có vẻ nhiều khả năng xảy ra hơn là không.” Nhưng ngày 13.3.2015, ông Jens Stoltenberg, Tổng thứ ký NATO, tuyên bố: "Trách nhiệm chính của chúng tôi là bảo vệ tất cả các đồng minh và đảm bảo rằng không có bất cứ đồng minh NATO nào bị tấn công". Nhưng ông nhấn mạnh rằng Ukraine không phải là một thành viên của NATO vì thế sẽ có nhiều điểm khác biệt trong cách hành xử nếu so sánh với các quốc gia trong khối, bởi những hỗ trợ về an ninh chỉ dành cho thành viên.
Hôm 10.6.2015, cựu Thủ Tướng Pháp Francois Fillon (2007 – 2012) nói trên đài truyền hình BFMTV: “Ngày nay, Châu Âu không còn độc lập nữa... Mỹ đang lôi Liên Minh Châu Âu (EU) vào một cuộc thập tự chinh chống lại Nga. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của Châu Âu.”
Trước đó, hôm 6.4.2015 Đô Đốc Pháp Francois Jourdain nói với đài phát thanh Sputnik rằng đã đến lúc các nước Châu Âu cần phải chấm dứt sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ra khỏi tổ chức này. Việc các nước Châu Âu là thành viên của NATO khiến các nước này mất độc lập trong việc ra quyết định. Ông nhấn mạnh: "Mỹ có mục đích cản trở Nga một lần nữa trở cường quốc. Đó hoàn toàn không phải là lợi ích của Châu Âu, Châu Âu cần phải biến Nga thành đối tác của mình vì Moskva có nhiều lợi ích chung với Châu Âu… Ukraine là đất nước bị phá hủy và tham nhũng, tôi không hiểu tại sao Châu Âu lại phải nhận lấy một gánh nặng như vậy".
Tại Biển Đông, Hoa Kỳ muốn giao cho Nhật Bản đương đầu với Trung Quốc. Trang nhà Allvoices.com đã đăng một loạt bài có đầu đề Phải chăng Mỹ đang cố gắng xúi giục chiến tranh ủy nhiệm Trung - Nhật?” (Is the US Trying to Instigate a Japan-China Proxy War?) của John Thomas Didymus, phân tích khá tỉ mỉ âm mưu này của Mỹ. Didymus cho biết, một số nhà phân tích quân sự ở Washington ủng hộ "xung đột giới hạn" giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn còn tương đối yếu. Tuy nhiên, có những chuyên gia ở Trung Quốc như Ma Shikun thì tin rằng Hoa Kỳ không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vì cả hai đều nắm rất vững âm mưu của Mỹ.
Bên ngoài Nhật xem ra đang đứng về phe Mỹ nhưng bên trong Nhật vẫn tăng cường phát triển ngoại thương với Trung Quốc. Trung Quốc và Nhật là đối tác mậu dịch quan trọng của nhau: Nhật là đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm qua, trong khi đó Trung Quốc là nước đối tác mậu dịch lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật.
VIỆT NAM VÀ CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM
Ngày 25.7.2013, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký tuyên bố quyết định xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ tại Tòa Bạch Ốc. Các chuyên gia tin rằng Hoa Kỳ đang định biến Việt Nam thành cái chốt ngăn chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á như trước đây đã dùng VNCH. Dĩ nhiên, Đảng CSVN biết rất rõ ý đồ này của Mỹ và đang tương kế tựu kế.
Trước đó, Chủ Tịch Trương Tấn Sang cũng đã đến Nga và ngày 30.7.2012 đã ký với Tổng Thống Putin một bản Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong chuyến viếng thăm này, khi được đài "Tiếng nói nước Nga" hỏi về tương lai của cảng Cam Ranh, Chủ Tịch Sang nói “chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở sửa chữa tàu, tổ chức dịch vụ để tàu bè của bất cứ quốc gia nào cũng có thể đến sửa chữa bảo dưỡng...” Riêng Liên Bang Nga “là bạn bè truyền thống, là đối tác chiến lược của nhau... chắc chắn Việt Nam cũng dành những ưu tiên cần thiết nhất định”.
Về “chiến tranh ủy nhiệm” của Hoa Kỳ, mở đầu bài “Chiến tranh ủy nhiệm và giải pháp phòng, chống”, đăng trên tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, Thiếu tướng TS. Trần Minh Sơn, Viện trưởng Viện 70, Tổng cục II của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã viết: “Loại hình chiến tranh này đang được một số nước, đứng đầu là Mỹ coi trọng sử dụng để can dự vào các cuộc xung đột nhằm đạt mục tiêu chiến lược mà không sử dụng lực lượng trực tiếp tham chiến.” Trong bài “Một số vấn đề về chiến tranh ủy nhiệm - nhận diện và phòng ngừa”, Trung tướng TS. Trần Thái Bình coi đây là “một trong những hình thái mới của chiến tranh xâm lược”, “đây là mưu đồ nguy hiểm”… “cần được nhận thức đầy đủ để vạch mặt kẻ chủ mưu và có biện pháp phòng ngừa.”
Nhưng ngày 2.10.2014 Ngoại Trưởng Kerry của Mỹ đã thông báo cho Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam rằng Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đài VOA dùng “cộng tác viên cò mồi” khuyến cáo Hà Nội rằng “với Mỹ, Việt Nam cũng cần có một thái độ rõ ràng để có thể hình thành một liên minh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông”, nhưng Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm từ Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á ở Hawaii nói: Vấn đề là Việt nam đi tìm sự kết hợp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc sao cho có lợi nhất cho mục đích của họ. Mà mục đích lớn nhất của họ là bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng, cho nên họ vẫn nghiêng về Trung quốc nhiều hơn.” Năm 1972, Hoa Kỳ đã từng bán đồng minh chí cốt của mình là VNCH cho Trung Quốc, nên Hà Nội luôn cảnh giác.
MỘT VÀI KẾT QUẢ NHÌN THẤY
Nhín chung, các nhà quan sát tin rằng với chiến tranh ủy nhiệm, Mỹ có thể khai thác mối thù hận truyền kiếp giữa hai giáo phái Sunni và Shia, làm phân hóa và tan rã khối Hồi Giáo Trung Đông. Cuộc chiến này đang do Saudi Arabia và Iran lãnh đạo hai phe đối đầu, Hoa Kỳ đứng đàng sau xúi biểu, lập thế quân bình, không để cho phe nào tiêu diệt phe nào. Nhưng khi 5 nước trong vùng bị biến thành 14 nước theo kế hoạch một “Trung Đông Mới”, Saudi Arabia cũng nằm trong đó. Hoa Kỳ phải thống trị được Saudi Arabia mới có thể thống trị được khối dầu lửa Trung Đông và khối dầu lửa thế giới. VND News ở Washington DC đã đăng bài “Analyst expects collapse of Saudi monarchy” dựa trên phúc trình của Joseph Farah's G2 Bulletin tiên báo về chuyện đó.
Nhưng chiến tranh ủy nhiệm rất khó dùng để cô lập Nga và chận đứng Trung Quốc ở Biển Đông, vì các quốc gia lớn không bao giờ chịu để Mỹ biến thành công cụ. Họ chỉ cộng tác trong từng hoàn cảnh và từng giai đoạn.
Ngày 23.6.2015
Lữ Giang

Không có nhận xét nào: