Năm 1981, nhạc sĩ vĩ cầm người anh, Peter Cropper được mời đến Phần Lan trình diễn một buổi hòa nhạc đặc biệt. Vì ngưỡng mộ biệt tài của Peter, Viện Hàn Lâm âm nhạc hoàng gia đã biếu ông chiếc vĩ cầm vô giá tên là Stradivarius được chế tạo cách đó 285 năm, để ông sử dụng trong các buổi hoà nhạc. Chiếc nhạc cụ quí hiếm này mang tên nhà chế tạo vĩ cầm người Ý Antonio Stradivari. Nó được cấu tạo bằng 80 phiến gỗ đặc biệt với 30 lớp sơn bóng cũng đặc biệt. Âm thanh phát ra hết sức rõ ràng, du dương. Nhưng khi Peter Cropper đến Phần Lan, một cơn ác mộng khinh khiếp không thể tin được đã xảy ra. Vì khi bước lên sân khấu trình diễn, Peter bỗng trợt chân ngã xuống, làm chiếc vĩ cầm bị vỡ tan thành từng mảnh! Thế là Peter trở về Luân Đôn tâm trí khủng hoảng cực độ. Một người chuyên sửa đàn dày dạn Kinh nghiệm tên là Charler Beare tình nguyện cố gắng hết sức phục hồi chiếc đàn cho Peter.
Charler miệt mài làm việc ngày đêm với chiếc đàn vỡ. Thế rồi cuối cùng ông đã lắp ráp được toàn bộ các mảnh vỡ lại để làm thành chiếc đàn nguyên vẹn như trước. Và giây phút thử nghiệm hồi hộp đã đến, mọi người đều nín thở chờ xem âm thanh tiếng đàn phát ra. Beare trao chiếc vĩ cầm cho Peter Người nhạc sĩ vĩ cầm vô cùng hồi hộp cầm chiếc đàn lên bắt đầu chơi nhạc… Tất cả mọi người có mặt ở đấy không dám tin vào tai mình, bởi vì chẳng những âm thanh của chiếc vĩ cầm vẫn tuyệt hảo như xưa mà xem ra hiện giờ còn xuất sắc hơn trước khi nó bị vỡ nữa!
Những tháng sau đó, Cropper đã mang chiếc vĩ cầm đi trình diễn vòng quanh thế giới. Và hằng đêm, chiếc vĩ cầm mà mọi người nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn bị hư phế đó đã mang lại cho Crroper biết bao lời hoan hô nồng nhiệt từ thính giả.
Câu chuyện về chiếc vĩ cầm trên là một hỉnh ảnh tuyệt hảo diễn ý những gì đã xảy ra cho người bị phong cùi trong bài Phúc Âm hôm nay. Thời xưa, không hình ảnh nào ghê tởm bằng hình ảnh người bệnh cùi. Ai ai cũng sợ bị anh ta lây bệnh. Đời sống của người bệnh cùi chẳng khác gì cuộc sống địa ngục. Người khác lấy làm gớm ghiếc anh ta đã đành, mà chính anh ta cũng kinh tởm chính mình nữa. Thánh vịnh 31 đã mô tả tình trạng thê thảm của anh như sau; "Những kẻ tôi quen biết đều sợ hãi tôi, trông thấy tôi ngoài đường là họ lánh xa… Tôi chả khác nào đồ vật phế thải" (TV 31: 11-12). Thế mà đối với người phung cùi bị đát như vậy, Chúa Giêsu vẫn giơ đôi tay trìu mến của Ngài chạm vào và chữa cho anh ta lành bệnh.
Câu chuyện người phung cùi và câu chuyện chiếc vĩ cầm chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với tất cả chúng ta. Chúng cho ta thấy những điều vẫn thường xuyên xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn một biến cố cực kỳ bi đát nào đó như; một người thân mình qua đời, bạn bè phản bội mình, tại nạn xẩy tới làm con mình tàn tật, cha mình mất việc, mẹ mình nghiện rượu… khi sự bất hạnh ấy chụp lên đầu chúng ta, lòng chúng ta đầy đớn đau, lo lắng, giống như người bệnh cùi lúc bị vướng bệnh, chúng ta cảm thấy cõi lòng tan nát, và giống như Peter khi đánh vỡ chiếc vĩ cầm, chúng ta cũng bị rơi vào tâm trạng hết sức khủng hoảng.
Vậy hai câu chuyện trên dạy chúng ta điều gì khi lâm phải những hoàn cảnh bi đát tương tự như thế? Chúng cho ta thấy không có hoàn cảnh bi đát nào khủng khiếp đến mức ta không thể vượt qua được. Không một tai hoạ nào tàn khốc đến mức không thể phục hồi được. Dầu cho rủi ro tàn phá đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhặt lên những mảnh vụn và bắt đầu kiến tạo lại thành một hình dạng mới. Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng đời mình kể như vĩnh viễn tàn lụi, hư hỏng, chúng ta chỉ cần quay nhìn về Chúa Giêsu, Ngài có thể chữa lành cuộc đời tan vỡ chúng ta, giống như người sửa đàn tài hoa đã sửa chữa chiếc vĩ cầm bể nát nọ. Và Chúa Giêsu còn làm được hơn thế. Ngài có thể biến một cuộc đời tan nát thành tốt hơn, đẹp hơn trước đó nữa.
Cách đây nhiều năm một vụ nổ đã làm một chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở chân đến nỗi các bác sĩ nghĩ rằng cần phải cưa chân đi. Một người bạn nói với mẹ cậu bé: "Chị nên chuẩn bị đón nhận điều này, thằng Glenn của chị sắp sửa thành kẻ tàn phế suốt đời đấy!" Thế mà hai năm sau, cậu bé đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những Glenn đi bộ được, cậu ta còn chạy được nữa, dù chạy không nhanh lắm, những dầu sao cậu ta vẫn chạy được, cuối cùng, Glenn vào được đại học. Hoạt động ngoại khóa của cậu là môn chạy đua, giờ đây cậu chạy không phải để chứng tỏ cho thấy thiên hạ đã lầm, mà vì cậu có năng khiếu về môn này. Các kỷ lục liên đại học chẳng bao lâu bị đôi chân thoăn thoắt của cậu phá vỡ. Thế rồi kỳ Đại hội Ôlympic Berlin đã đến. Glenn chẳng những được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này. Năm sau, Glenn Cunningham lại phá vỡ kỷ lục môn chạy dưới vòm có mái che.
Cậu bé mà người ta từng cho là sẽ trở thành một phế nhân, nay đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới. Cậu bé mà cuộc đời tan vỡ vì vụ nổ kinh khiếp đã trở nên mạnh mẽ hơn cả khi biến cố bi đát ấy chưa xảy ra.
Thánh Phaolô tóm tắt sứ điệp chứa đựng trong các bài đọc hôm nay qua những lời thơ gởi tín hữu Corintô như sau: "Chúng tôi, thường bị âu sầu nhưng không bị đè bẹp, thỉnh thoảng bị rơi vào ngờ vực nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Và dầu nhiều lần bị ngược đãi, nhưng chúng tôi vẫn không bị tiêu diệt… vì lý do này, chúng tôi chẳng bao giờ ngã lòng" (2 Cr 4: 8-9, 16).
Và trong thư gởi tín hữu Roma thánh Phaolô có nói: "Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho những kẻ yêu mến Ngài" (Rm 8:28).
Đây chính là "Tin Mừng" ẩn chứa trong các bài đọc Thánh Kinh hôm nay. Những bài đọc này dạy ta biết rằng dù ta có gặp tai nạn thảm khốc đến mức nào, chúng ta cũng vẫn có thể được chữa lành - giống như trường hợp chiếc vĩ cầm quí giá nọ. Những bài đọc dạy ta rằng bất cứ bệnh tật nào dù thê lương đến đâu xảy đến cho chúng ta như bệnh cùi chẳng hạn, chúng ta vẫn có thể được chữa lành dù sự kiện bi đát nào ụp xuống trên ta giống trường hợp xảy đến cho Glenn, chúng ta cũng vẫn có thể hoàn toàn phục hồi như cậu ta. Những bài đọc còn dạy chúng ta thêm điều này. Dù Chúa Giêsu có thể không chọn phương cách phục hồi toàn vẹn đời sống cho chúng ta, Ngài vẫn có thể dùng nghịch cảnh để biến đổi chúng ta trở nên tốt đẹp và có giá trị hơn trước.
Chúng ta hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi một chiến binh tử trận.
"Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm nên những vịêc vĩ đại, thế mà Ngài lại bắt tôi yếu đuối để tôi có thể làm những điều tốt đẹp hơn. Tôi cầu xin được giàu có để sống hạnh phúc, thế mà ngài lại để tôi nghèo khổ hầu tôi được khôn ngoan hơn… Tôi cầu xin nắm được quyền cao chức trọng để được mọi người tán dương, thế mà tôi vẫn phải chịu cảnh thấp hèn để tôi cảm thấy cần đến Chúa…
Tôi chẳng nhận được điều gì tôi cầu xin, nhưng tôi lại nhận được mọi điều tôi hy vọng. Mọi lời cầu xin không thốt ra lời lại được đáp trả hầu như ngoài dự tính của tôi. Và như thế tôi được liệt vào số những người được Chúa chúc phúc nhiều nhất…”
Cha Mark Link, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét