Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Nhiều Chuyện Lạ Trước Ngày Bầu Cử: Ông Trump Đi Làm Ở MacDonal’s, Giờ Đến Obama Trở Thành Nghệ Sĩ, Trình Bày Nhạc Rap! Và Kính Chuyển Tin Quốc Tế Đó Đây, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Cựu Tổng thống Mỹ Obama, bất ngờ trở thành nghệ sĩ trình bày “rap!” cùng Eminem, để vận động tranh cử cho bà Harris!(Tổng Hợp Theo New York Post, AP News) -Cử tri tại cuộc vận động của đảng Dân chủ tại Detroit (Mỹ) gần như nổ tung khi ông Obama thể hiện bản hit "Lose Yourself" trước sự chứng kiến của chính chủ Eminem, khi đang vận động bầu cử cho bà Kamala Harris.
<!>


Ngày 22/10, rapper nổi tiếng Eminem đã có một màn xuất hiện đầy bất ngờ tại Detroit, khi rapper này cùng cựu Tổng thống Barack Obama vận động cử tri ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Eminem, tên thật là Marshall Mathers, bước lên bục phát biểu tại Rock City với lời chào vang dội: "Detroit, các bạn thế nào rồi?", trước khi giới thiệu sự xuất hiện của ông Barack Obama tới đám đông cuồng nhiệt.


(Rapper Eminem phát biểu)
Với chiếc mũ biểu tượng của đội Detroit Tigers và áo khoác màu nâu, Eminem bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành dành cho bà Harris. Anh kêu gọi cử tri hãy mạnh dạn thể hiện tiếng nói của mình trong cuộc bầu cử quan trọng này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. "Tôi tin rằng Phó Tổng thống Harris ủng hộ tương lai của đất nước, nơi các quyền tự do này cùng nhiều quyền khác sẽ được duy trì và bảo vệ," Eminem khẳng định.
Eminem, người từng công khai chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump, không quên nhắc lại những phản đối của mình đối với khẩu hiệu chiến dịch "Drain the Swamp" của Trump. Rapper này cũng chỉ trích các phát ngôn gây tranh cãi của Trump về nghĩa vụ quân sự của cố Thượng nghị sĩ John McCain.


Trước đây, trong một bản rap tự do, Eminem cũng đã lên án chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trump, cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc.
Tiếp tục bày tỏ mối liên hệ đặc biệt của mình với quê nhà, Eminem nói: "Như hầu hết các bạn đều biết, thành phố Detroit và toàn bộ tiểu bang Michigan có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trong cuộc bầu cử lần này, chúng ta đang được chú ý nhiều hơn bao giờ hết, và điều quan trọng là phải sử dụng tiếng nói của mình. Tôi kêu gọi tất cả hãy đi bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11."
Anh nhấn mạnh: "Mọi người không nên sợ hãi khi bày tỏ quan điểm của mình, và không ai nên sống trong một thế giới mà họ phải lo sợ bị trả thù chỉ vì niềm tin của bản thân." Eminem kết thúc lời phát biểu của mình bằng cách kêu gọi đám đông hãy "lên tiếng" và nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử này có thể quyết định tương lai của đất nước.


(Ông Obama (bên trái) và rapper Eminem tại buổi vận động bầu cử ở Detroit ngày 22/10)
Sau màn xuất hiện của Eminem, cựu Tổng thống Obama bước lên sân khấu trong tiếng reo hò của hàng nghìn người ủng hộ. Khi bài hát "8 Mile", ca khúc biểu tượng về tuổi thơ khó khăn của Eminem tại Detroit, vang lên, ông Obama bất ngờ thể hiện một đoạn rap của ca khúc "Lose Yourself", một trong những bản hit lớn nhất của Eminem. Cử chỉ này của cựu Tổng thống 63 tuổi đã khiến đám đông hoàn toàn phấn khích và tăng nhiệt không khí tại buổi vận động.
Sự hiện diện của ông Obama và Eminem chỉ diễn ra vài ngày trước khi bang Michigan bắt đầu bỏ phiếu sớm. Với hy vọng tạo ra một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ cho Kamala Harris, sự kiện này còn có sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng khác, bao gồm các ca sĩ hàng đầu và những danh thủ bóng bầu dục. Đảng Dân chủ kỳ vọng rằng sự xuất hiện của các ngôi sao sẽ tạo ra động lực lớn, kích thích cử tri, đặc biệt là những người trẻ, tham gia bỏ phiếu.

Eminem được coi là G.O.A.T (Greatest of All Time - Người vĩ đại nhất mọi thời đại) của thể loại rap. Anh từng nhận nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá, bao gồm Grammy cho Album nhạc Rap xuất sắc nhất với The Slim Shady LP, là một trong những nghệ sĩ có số lượng đĩa bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 150 triệu đĩa trên toàn cầu. Những ca khúc như "Stan" và "The Real Slim Shady" đã góp phần xây dựng nên hình tượng một trong những nghệ sĩ nhạc rap vĩ đại nhất lịch sử. Eminem tiếp tục sử dụng sự nổi tiếng của mình để lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội quan trọng.


Gây cấn từng giờ, từng phút! Harris, Trump Tăng Tốc Vận Động tối đa hơn 1 Tuần Trước Ngày Bầu Cử Tổng Thống Mỹ!


(Hình AP: Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu với hình ảnh ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trên màn hình trong một cuộc vận động tranh cử tại Erie, Pennsylvania, ngày 14/10/2024.)
-Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, bà Kamala Harris, và đối thủ Donald Trump bên đảng Cộng hòa, hôm 21/10/2024 đã đưa ra những thông điệp khác nhau hoàn toàn trên đường vận động tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ trong lúc họ tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri còn do dự hai tuần trước Ngày bầu cử.

Phó Tổng thống Harris, vận động tranh cử cùng cựu Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney, đã cố gắng thuyết phục những phụ nữ ngoại ô bảo thủ tại 3 tiểu bang chiến trường ở miền Trung Tây rằng cựu Tổng thống Trump là mối đe dọa đối với quyền phá thai, an ninh quốc gia và nền Dân chủ.
Khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần, bà Harris đã tăng cường công kích sự phù hợp của ông Trump, thường gọi ông là "bất ổn" hoặc "mất trí" và hoài nghi về tính khí của ông.
"Trên nhiều phương diện, Donald Trump là một người thiếu nghiêm túc, nhưng hậu quả của việc ông ấy trở thành Tổng thống Hoa Kỳ là vô cùng nghiêm trọng", bà Harris, 60 tuổi, phát biểu tại một sự kiện ở Malvern, Pennsylvania, vốn là 1 trong 7 tiểu bang chiến trường dự kiến sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11.
Ông Trump, 78 tuổi, thường xuyên bác bỏ bất kỳ quan điểm nào cho rằng ông là mối đe dọa đối với nền Dân chủ, và lập luận rằng đảng Dân chủ mới là mối đe dọa thực sự vì các cuộc điều tra hình sự mà ông và các đồng minh phải đối mặt vì những nỗ lực của ông nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong khi bà Harris ám chỉ ông Trump không phù hợp để làm Tổng thống, cựu Tổng thống đã đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền Biden.
Tại một trong nhiều điểm dừng chân hôm 21/10 tại North Carolina, vốn là tiểu bang rất cạnh tranh, ông Trump đã kêu gọi những ủng hộ viên ở những vùng núi bị bão đánh tơi tả đi bỏ phiếu bất chấp những khó khăn mà họ phải đối mặt.
Ông cũng lặp lại lời chỉ trích cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của chính phủ liên bang (FEMA) và tìm cách kết nối với những người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động bằng cách ca ngợi những nỗ lực không ngừng của ông vì bản thân ông.
"Tôi đã làm việc suốt 52 ngày không nghỉ, điều mà nhiều người ở đây tôn trọng", ông Trump nói từ bục phát biểu cạnh đống đổ nát sau trận lũ lớn tàn phá khu vực này vào tháng trước.
Với các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một cuộc đua sít sao, hai ứng cử viên đang tăng tốc và lịch trình vận động điên cuồng của họ cho thấy tầm quan trọng của các nhóm cử tri nhỏ, vốn có thể đưa một trong hai ứng viên lên đầu.

Chúa và Lương Tâm
Ông Trump kết thúc ngày tranh cử của mình tại một sự kiện Cơ đốc giáo Phúc âm ở Concord, North Carolina. Ông nói với đám đông ông nghĩ rằng trong vụ ám sát ông bất thành vào ngày 13/7 tại Butler, Pennsylvania, ông đã thoát chết khi "được một bàn tay siêu nhiên đẩy xuống đất".
Trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã tránh sử dụng một số lời lẽ khiếm nhã vốn thường thấy trong các bài phát biểu gần đây của ông. Ông nói khi nhìn lại cuộc đời mình, "giờ đây tôi nhận ra rằng chính bàn tay Chúa đã đưa tôi đến ngày hôm nay".

Nhà lãnh đạo Tin Lành Franklin Graham đã cầu nguyện cho ông Trump sẽ đắc cử.
"Các cuộc mít-tinh tranh cử và kết quả thăm dò tốt sẽ không giúp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này", ông Graham nói. "Mà Chúa mới là người quyết định".
Ông Trump đến tiểu bang North Carolina trong lúc các đồng minh Cộng hòa của ông lo ngại rằng thiệt hại nặng nề do cơn bão Helene gây ra sẽ làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng núi bảo thủ của tiểu bang chiến trường này.

Khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất của bão Helene là thành trì vững chắc của đảng Cộng hòa. Hồi năm 2020, ông Trump đã giành được khoảng 62% số phiếu bầu tại 25 hạt được tuyên bố là khu vực thảm họa sau cơn bão Helene, trong khi ông Biden giành được khoảng 51% ở phần còn lại của tiểu bang, theo phân tích của thông tấn xã Reuters.
"Rõ ràng là chúng tôi muốn họ đi bỏ phiếu nhưng chúng tôi muốn họ vẫn sống và đứng vững, hạnh phúc và khỏe mạnh, bởi vì đây thực sự là một thảm họa", ông Trump phát biểu tại một điểm vận động tranh cử ở Swannanoa, nơi có dân số 5.300 người, sau khi đi thăm các khu vực bị bão tàn phá.
Tại một sự kiện tranh cử của bà Harris ở Royal Oak, Michigan, cựu Dân biểu Cộng hòa Cheney đã cố gắng làm cho những cử tri Cộng hòa đang lưỡng lự cảm thấy việc ủng hộ ứng viên Dân chủ là chính đáng mà không lo nhận hậu quả.
"Tôi chắc chắn có nhiều cử tri Cộng hòa sẽ nói với tôi rằng, 'Tôi không thể công khai'. Họ lo lắng về nhiều thứ, trong đó có bạo lực, nhưng họ sẽ làm điều đúng đắn", bà Cheney nói. "Và tôi chỉ muốn nhắc nhở mọi người, nếu quý vị có gì đó lo lắng, quý vị có thể bỏ phiếu theo lương tâm mà không bao giờ phải nói gì với ai cả".

Sau đó, tại Brookfield ở Wisconsin, bà Cheney gọi mình là "ủng hộ sự sống" nhưng cho biết bà bất mãn về các hạn chế phá thai ở tiểu bang này vốn đã ngăn phụ nữ không có được sự chăm sóc y tế mà họ cần.
Bà Cheney và cha bà Dick Cheney, Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống George W. Bush hiện vẫn bị nhiều đảng viên Dân chủ chê trách vì biện hộ cho cuộc xâm lược Iraq, là những người bảo thủ kiên trung và là hai trong số những đảng viên Cộng hòa có tên tuổi nhất đã ủng hộ bà Harris.
Trong một bài đăng trên Truth Social hôm 21/10, ông Trump đã gọi bà Liz Cheney là "ngu như bò" (dumb as rock) và là "kẻ hiếu chiến". Ông cáo buộc bà là muốn gây chiến với "mọi quốc gia Hồi giáo có trên thế giới" giống như cha bà, người mà ông gọi là "người đã thúc đẩy ông Bush đi gây chiến ở Trung Đông một cách lố bịch".


Bầu Cử Tổng Thống Mỹ: Giới Doanh Nhân, Đồng Ý Chính Sách Làm Kinh Tế Của Cộng Hòa, Hầu Hết Thiên Về Donald Trump!
(Thanh Hà)


(Hình AP - Alex Brandon: Tỉ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại meeting của ứng viên Donald Trump ở tiểu bang Pennsylvania. Ảnh ngày 5/10/2024.)
-Hơn một tuần trước bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024, ứng cử viên của đảng Cộng hòa hay Dân chủ được các doanh nhân Mỹ tín nhiệm hơn? Bàn thắng có phần nghiêng về phía Donald Trump. Quỹ vận động tranh cử mà giới tài chánh ở Wall Street huy động cho ứng viên Cộng hòa cao gấp đôi so với của bên đảng Dân chủ.
Trên dưới hơn 50 nhà tỉ phú Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Donald Trump, mà ồn ào hơn cả là người giàu nhất thế giới Elon Musk cho dù trong quá khứ Musk và Trump từng mạnh mẽ đả kích nhau trước công chúng.

Trong danh sách những nhà tài phiệt ủng hộ Donald Trump có từ những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng, những ông trùm tại thung lũng kỹ thuật Silicon và giới trong ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ.
Trong danh sách đó có cả những nhà tỉ phú từng rất hào phóng tài trợ cho chương trình tranh cử của nhiều đời Tổng thống bên đảng Dân chủ, từ Bill Clinton, Barack Obama đến Joe Biden và cho phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ chạy đua vào Tòa Bạch Ốc là cựu Ngoại trưởng kiêm đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton hồi 2016, khi bà phải đương đầu với tỉ phú địa ốc New York Donald Trump.
Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (ngày 6/10/2024) ghi nhận đến nay Wall Street huy động 220 triệu Mỹ kim cho ông Trump và con số này cao hơn gấp đôi so với quỹ dành cho ứng viên bên đảng Dân chủ, bà Kamala Harris.
Trong lần thứ ba ra tranh cử Donald Trump, 78 tuổi, không bị các doanh nhân ủng hộ ông chỉ trích là "già nua" hay là "một mối đe dọa đối với nền Dân chủ Hoa Kỳ" (như tài phiệt Bill Ackman về trách nhiệm của Trump khi những người ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa tràn vào tòa nhà Quốc hội ở điện Capitol hôm 06/01/2021.

Không thấy nhà tỉ phú mang hai quốc tịch Gia Nã Ðại và Mỹ, gốc Sri Lanka, Chamath Palihapitiya đánh đồng Donald Trump với Bernie Sanders, đại diện cho hai cánh cực hữu và cực tả "điên rồ". Chamath giờ đây khẳng định Trump là một vị "Tổng thống có tài, hoàn thành nhiệm vụ rất tốt" trong nhiệm kỳ 4 năm (2016-2020). Một số khác cũng dễ dàng "đổi ý" về ông Trump, mời cựu Tổng thống Hoa Kỳ về nhà riêng và tổ chức những bữa tiệc để gây quỹ giúp ông chóng trở lại Tòa Bạch Ốc.
John Catsimatidis (76 tuổi), một người Mỹ gốc Hy Lạp giàu có nhờ hệ thống siêu thị Gristedes đang có tham vọng ra tranh cử tranh chức Thị trưởng New York tỏ ra hết sức thực tiễn: "Cộng tác với Donald Trump có nghĩa là có thể mở ra tất cả mọi cánh cửa trong giới doanh nhân ở New York".
Nhìn chung, có ít nhất ba yếu tố khiến nhiều nhà tỉ phú Mỹ thiên về Donald Trump.

Hứa Hẹn Giảm Thuế Doanh Nghiệp

Lý do đầu tiên, ứng viên của đảng Cộng hòa hứa giảm thuế doanh nghiệp có lợi cho giới chủ. Donald Trump đề nghị hạ thuế doanh nghiệp đang từ 20% xuống còn 15% vào lúc đối thủ bên đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đòi đẩy mức thuế này lên 28% và "đánh thuế nhà giàu".
Trong nhiệm kỳ Trump, tháng 9/2019, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ "rơi xuống còn 3,5% và đấy là mức thấp nhất chưa từng thấy từ 50 năm qua". Sau đó dưới tác động của đại dịch Covid, thất nghiệp ở Hoa Kỳ tăng cao lên trở lại và dao động ở ngưỡng trên dưới 8%.
Trên sàn chứng khoán Wall Street, trong 4 năm nhiệm kỳ Donald Trump, các chỉ số Dow Jones và S&P500 tăng 50% riêng chỉ số Nasdaq trong lĩnh vực kỹ thuật đã tăng lên hơn gấp đôi.

Hứa Hẹn Về Một Môi Trường Tự Do "Không Giới Hạn"
Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg ứng cử viên Donald Trump đã gặp gỡ không dưới 80 lãnh đạo các chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn với một thông điệp duy nhất: trong trường hợp trở lại cầm quyền, ông "cởi trói" cho các doanh nghiệp. Xóa bỏ những biện pháp quản lý tài chánh, chứng khoán mà chính quyền Joe Biden áp đặt với tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Wall Street. Trump sẽ mở đường cho giới ngân hàng, cho các quỹ đầu tư "tự do hoạt động trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng tài chánh 2008", theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters.
Với các tập đoàn dầu khí, ứng cử viên Donald Trump hứa sẽ "dẹp bỏ" các chuẩn mực về môi trường cũng do "chính quyền Biden đặt ra".

Điều ngạc nhiên hơn cả là "các ông chủ" ở thung lũng kỹ thuật Silicon có khuynh hướng ủng hộ ông Trump. Từ trước đến nay, thế giới kỹ thuật và hành tinh "digital" ở Mỹ có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ nhưng nay đang chuyển hướng.
Đối với David Sacks một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực kỹ thuật internet sáng lập viên quỹ đầu tư có mức độ rủi ro cao Craft Ventures ông ủng hộ Trump do thất vọng về chính sách kinh tế của chính quyền Biden mà ứng viên Tổng thống Kamala Harris là một sự tiếp nối.

"Hiện tại mọi việc đang tiến triển rất tốt, rất thuận lợi cho Donald Trump và chúng tôi sẽ còn tích cực vận động cho ông hơn nữa (...) Kỹ thuật mới muốn có khả năng sáng tạo để đem lại những kỹ thuật mới, nhưng chính quyền Biden lại rất chống đối xu hướng này. Họ phản đối kịch liệt những tiến bộ trong lĩnh vực tiền crypto. Chính phủ này đã tìm cách giám sát quá mức nghiêm ngặt các hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Về cơ bản họ chủ trương loại bỏ các thương vụ cho phép một doanh nghiệp mua lại hay sáp nhập với một công ty khác".

Trừng Phạt Chính Sách Kinh Tế Tệ Hại của Biden

Một nhà quan sát Mỹ ghi nhận: Bốn năm qua chính quyền Biden đã phạm phải nhiều sai lầm trong mắt các nhà tài phiệt ở quốc gia tự do nhất trên thế giới. Đảng Dân chủ muốn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và giới làm công ăn lương, nên đã mở rộng vai trò cho các cơ quan giám sát tài chánh, chứng khoán của ủy ban bảo vệ người tiêu dùng... và thậm chí là cả Bộ Tư pháp. Tổng thống Biden chủ trương thu hẹp tầm hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, thanh tra các doanh nghiệp lạm dụng quyền lực sa thải nhân viên, đòi giới chủ tăng lương cho người lao động và muốn chấm dứt thế độc quyền của một vài tập đoàn digital.

Omeed Malik sáng lập viên kiêm Chủ tịch-Tổng Giám đốc quỹ tài chánh Farvahar Partner giải thích thêm:
"Một trong những lý do khác nữa, rất rõ ràng là môi trường với những biện pháp quản lý chặt chẽ nào là SEC - Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái, hay FTC tức là Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ chống cạnh tranh…. Tất cả các cơ quan giám sát đó chẳng những càng lúc càng khắt khe mà hoàn toàn không chủ dừng lại ở chỗ điều tiết các thương vụ M&A – mua bán hay sắp nhập các doanh nghiệp hay các hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử crypto".
Tập đoàn Live Nation độc quyền thao túng thị trường mua bán vé xem hát và các chương trình giải trí tại Mỹ chẳng hạn đã trong tầm ngắm của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland:
"Chúng tôi cáo buộc tập đoàn Live Nation độc quyền thống lĩnh thị trường phân phối vé hát trên toàn nước Mỹ. Hiện tượng này đã kéo dài quá lâu và đã đến lúc cần chấm dứt".

Băng Đảng Mafia Paypal
Nhưng trong số các nhà tài phiệt Mỹ ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, Elon Musk chủ nhân của Space X, của hãng xe điện Tesla và của mạng xã hội X, năng động nhất.
Hai tháng trước bầu cử Tổng thống Mỹ, Donald Trump tuyên bố đếu đắc cử ông sẽ mời Elon Musk làm Cố vấn để vực dậy kinh tế Mỹ, một nền kinh tế đang "đắm chìm trong khủng hoảng, suy đồi"
Cũng Donald Trump xem rằng, Elon Musk sau khi thâu tóm mạng xã hội Twitter cuối 2022 đã sa thải 75% nhân sự chỉ giữ lại những người chấp nhận "luật chơi mới" và đấy là một tấm gương để đem lại hào quang cho Make America Great Again.

"Dân Chủ và Tư Bản", Hai Khái Niệm "Đối Chọi" Với Nhau
Thêm một lý do sau cũng được nhà xã hội học Pháp Olivier Alexandre thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) ghi nhận: "một số tỉ phú Mỹ đang có khuynh hướng muốn thiết lập một trận tự kinh tế mới".
Peter Thiel cha đẻ của tập đoàn Palantir trong lĩnh vực thông tin và tin học viết sách chung với David Sacks quảng bá ý tưởng rằng "tư bản và dân chủ" là những khái niệm không thể song hành.

Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks là ba cột trụ đã cho ra đời hệ thống thanh toán trên mạng PayPal và từ đó họ đã đặt nền móng cho khối tài sản bạc tỉ khổng lồ trước khi mỗi người tìm cho mình một hướng đi riêng. Nhưng Thiel, Musk và Sacks vẫn rất gắn bó với nhau. Họ mở rộng câu lạc bộ đến nhiều thành viên mới, một cộng đồng mà giới phân tích gọi là "băng đảng Mafia PayPal" bởi trong vỏn vẹn 2 thập niên nhóm này đã bành trướng và làm bá chủ trong thung lũng kỹ thuật California. Chính băng đảng Mafia PayPal đã áp đặt J.D Vance đứng liên danh với ông Trump trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay. Mark Chapkin, người viết tiểu sử về Peter Thiel thậm chí mệnh danh J.D Vance là "cánh tay nối dài" của Thiel.

Thiel đã "đầu tư 35 triệu Mỹ kim để xây bệ phóng chính trị cho hai nhân vật thân tín là J.D Vance và Blake Master" nhưng đến nay chỉ có ông Vance là đã thành công, đắc cử Thượng Nghị sĩ tiểu bang Ohio năm 2022.
Năm 2022 Steve Banon, chiến lược gia và cũng là người đã có công đưa Donald Trump và Tòa Bạch Ốc từng quả quyết Peter Thiel là người thực sự muốn "thay đổi hẳn hướng đi" của Hoa Kỳ.
Jimmy Soni, tác giả cuốn sách mang tựa đề The Founders, nói về ba ông trùm của băng đảng Mafia PayPal viết: Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks, "ba gã khổng lồ ở thung lũng kỹ thuật Sillicon" đã "lập ra một mạng lưới quyền lực nhất, và thịnh vượng chưa từng có", họ không chỉ thống lĩnh vùng Silicon Valley mà còn muốn áp đặt cả luật chơi với Hoa Kỳ.
Đối với mạng lưới này, Donald Trump đắc cử hay không sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11/2024 tuy quan trọng nhưng không là tất cả. Điều quan trọng hơn nữa là "một sự sắp xếp về nhân sự sau Donald Trump" mà phần nào họ đang đánh cược vào Thượng Nghị sĩ tiểu bang Ohio, J.D Vance.

Crystal McKellar, một nhà đầu tư nặng ký ở Silicon Valley trông thấy ở ứng cử viên Phó Tổng thống này "một nhà tư bản chân chính và trung thành với thị trường tự do, ông tin tưởng vào tăng trưởng, vào sức mạnh của mọi khám phá về kỹ thuật, vào việc xóa bỏ mọi trở ngại đè nén tăng trưởng và thịnh vượng".


Các Đối Thủ của Hoa Thịnh Ðốn, Can Thiệp Vào Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024 Như Thế Nào?
(Anh Vũ)


(Hình AP - Jeff Chiu, minh họa: Trước một trụ sở chính của mạng Twitter, nay là X tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 26/10/2016.)
-Gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, các hoạt động can thiệp vào cuộc bỏ phiếu bùng nổ. Các mạng xã hội tràn ngập tin giả có mục đích tác động đến lá phiếu bầu của cử tri ngày 5/11 tới.
Đoạn video được một kênh truyền hình quay cho thấy một cô gái trẻ da đen ngồi trên xe lăn. Alicia Brown kể rằng vào năm 2011, cô đã bị một chiếc xe hơi chạy quá tốc độ đâm phải ở San Francisco. Dù trải qua 11 ca phẫu thuật nhưng cô vẫn bị liệt. Cô nói, người cầm lái chiếc xe đó là bà Kamala Harris, khi đó là Chưởng lý của tiểu bang California. Trên thực tế, theo báo cáo của Microsoft, tất cả đều là giả: Từ vụ tai nạn, nạn nhân và thậm chí cả kênh truyền hình KBSF-TV cũng không hề tồn tại.

Clip trên do một nhóm tuyên truyền Nga có tên là Storm-1516 dựng lên với mục đích để cử tri bầu cho Donald Trump, ứng viên được cho là có lợi hơn với Mạc Tư Khoa. Đoạn video được 2,7 triệu lượt xem trên mạng X.
Một video khác còn hoang đường hơn, dàn dựng cảnh người bảo vệ một vườn quốc gia ở Zambia khẳng định Kamala Harris trong một chuyến đi săn đã giết một con tê giác còn nhỏ, động vật được xếp vào loài cần được bảo vệ.
Trong một video thứ 3, một người đàn ông trẻ nói rằng các lãnh đạo Ukraine đã mua một du thuyền hạng sang bằng tiền viện trợ quốc tế. Tất cả cũng đều hoàn toàn sai sự thật. Nhưng JD Vance, ứng viên liên danh Phó Tổng thống của Donald Trump vẫn lặp lại những câu chuyện giả dối như vậy.

Gần đến kỳ bầu cử Tổng thống, làn sóng tin giả trên mạng ngập tràn ở Hoa Kỳ, trong đó một phần có mối liên hệ với Nga, Trung Quốc và Iran.
Điều này không có gì mới. Năm 2016, Ðiện Cẩm Linh đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ để cố gắng tác động đến cuộc bỏ phiếu. Joshua Tucker, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Xã hội và Chính trị tại Đại học New York cho rằng "sự can thiệp của ngoại quốc rất khó định lượng. Việc này có lẽ vẫn chỉ là một giọt nước trong đại dương so với lượng tin giả khổng lồ trong nước".
Qua nhiều năm, các hoạt động của Nga hay Trung Quốc đã trở nên tinh vi hơn nhưng vẫn luôn cùng mục đích là làm trầm trọng thêm các chia rẽ chính trị trong xã hội Mỹ, phá hoại niềm tin trong các định chế.

Kyle Walter, nguyên là nhà nghiên cứu của công ty Logically AI nhận xét: "Họ không hẳn đã tìm cách để làm bạn tin vào điều gì mà là để khiến bạn không còn tin vào điều gì nữa bằng cách gây mất lòng tin vào chính phủ và những người xung quanh bạn, nhằm làm rạn nứt gắn kết xã hội và dẫn đến hỗn loạn. Đó là phương pháp cũ của KGB (Cơ quan tình báo Nga). Phương pháp này giờ được áp dụng với các công cụ hiệu quả hơn nhiều so với thời Chiến tranh lạnh".
Đặc biệt là trí tuệ nhân tạo giúp dễ tiếp cận hơn, ít tốn kém và thực hiện trên quy mô rộng. Các nhà tuyên truyền ngoại quốc cũng lợi dụng việc cắt giảm các dịch vụ kiểm duyệt trên các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là trên mạng X, nơi vốn cho phép phổ biến những tin đồn hoang đường nhất. Cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch còn phức tạp hơn bởi thái độ thù địch của nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Họ coi đó là một cách để chính phủ bịt miệng những người phản đối.

Nga: Mối Đe Dọa Lớn
Cho đến giờ, hoạt động hăng hái nhất là Nga. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết: "Họ gây ra mối đe dọa lớn hơn trước". Đầu tháng 9, hai nhân viên của RT (Russia Today), một tập đoàn truyền thông do Mạc Tư Khoa kiểm soát, đã bị truy tố vì trả trái phép gần 10 triệu Mỹ kim cho Tenet. Công ty sáng tạo nội dung trực tuyến có trụ sở tại Tennessee này đã tuyển dụng các nhà bình luận bảo thủ người Mỹ, một số trong số họ nổi tiếng, để đăng các video có chủ đề mà Donald Trump và Ðiện Cẩm Linh ưa thích như chi phí cho chiến tranh Ukraine và cái gọi là lãng phí tiền của người đóng thuế.
Rất nhiều người có ảnh hưởng đó đã khẳng định họ không biết được Mạc Tư Khoa trả tiền. Tư pháp Mỹ cũng đã bắt giữ 32 trang web giả mạo các phương tiện truyền thông như Washington Post và Fox News, các cơ quan chính phủ v.v.... Các trang web này đăng các bài tuyên truyền thường do trí tuệ nhân tạo tạo ra và cáo buộc Ukraine là một quốc gia tham nhũng và phát xít.
Còn Trung Quốc thì theo một chiến thuật khác. Nước này tập trung vào các cuộc bầu cử Quốc hội. Họ xác định các ứng viên ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh và cố gắng hạ bệ những người này bằng một chiến dịch bôi xấu.

Theo nhiều viên chức Mỹ, Trung Quốc đã tìm cách tác động "hàng chục" cuộc bỏ phiếu. Ví dụ, một tài khoản trên mạng X có liên hệ với Trung Quốc đã tấn công ông Barry Moore, Dân biểu tiểu bang Alabama, người ủng hộ các trừng phạt đối với Bắc Kinh. Tài khoản này đăng bài gọi ông là "chó Do Thái" và nói rằng ông thắng các cuộc bầu cử trong nội bộ đảng nhờ "tập đoàn Do Thái", theo một điều tra của nhật báo Washington Post. Trong khi đó, Barry Moor không phải là người Do Thái. "Spamouflage" tên gọi hoạt động tin giả có liên quan đến Nhà nước Trung Quốc " trở nên dữ dội hơn trong các nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận trước các kỳ bầu cử Tổng thống", theo một báo cáo của Graphika, công ty chuyên nghiên cứu về bóp méo thông tin. Người Trung Quốc cũng lập các tài khoản trên mạng xã hội giả là người Mỹ và gây chia rẽ bằng những bình luận về các chủ đề nóng như cuộc xung đột tại Gaza. Cũng bằng cách đó, người Nga phát động các cuộc tấn công ngụy trang nhằm chống các ứng viên thân Ukraine tại Quốc hội.

Iran Tấn Công Tứ Hướng
Về phần Iran, lo lắng về khả năng chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ, họ đang tấn công theo mọi hướng.
Iran đột nhập tin tặc đánh cắp các tài liệu từ ê-kíp của Donald Trump và gửi cho phía Joe Biden cũng như các tờ báo. Iran cũng cố gắng đột nhập vào máy điện toán của đảng Dân chủ, lập ra một loạt các trang truyền thông giả mạo.
Nio Thinker, một trang tự nhận là "thông tin cánh tả đích thực" chỉ trích Donald Trump. Ngược lại, tờ Savannah Time tự cho mình là người bảo thủ và bôi nhọ Kamala Harris.
Người Iran không chỉ hài lòng với hành động ảo. Teheran đã hứa sẽ trả đũa Donald Trump và cả chục viên chức trong chính quyền của ông sau vụ ám sát tướng Qassem Soleimani vào năm 2020. Vào tháng 7 năm nay, một người đàn ông Pakistan thân với Iran đã bị bắt ở Mỹ vì tìm cách tuyển mộ sát thủ để ám sát một chính trị gia.

Về các tài khoản giả trên mạng xã hội của Trung Quốc, "họ không tạo được quy mô đáng kể"
, Graphika ghi nhận. Câu hỏi chính là việc tuyên truyền này thực sự có tác động hay không? Giáo sư Joshua Tucker cho rằng "Rất khó có thể đo được mức độ hảnh hưởng của việc tuyên truyền này. Những hành động như vậy chắc chắc không có hệ quả quyết định đến phiếu bầu của cử tri. Về tổng thể, đó là những chiến dịch có quy mô hạn chế. Nhưng điều lo ngại hơn, đó là hệ quả gián tiếp là làm dấy lên căng thẳng và gieo rắc nghi ngờ". Chuyên gia Kyle Walter thừa nhận các chiến dịch bóp méo thông tin đó " không hoàn toàn có tác động, nhưng nếu không có tác dụng thì người Nga chắc sẽ không đầu tư nhiều tiền bạc như vậy vào lĩnh vực này từ hàng thập kỷ nay".
Các cơ quan tình báo đã cảnh báo can thiệp ngoại quốc sẽ không dừng lại ngày 5/11. Người ta có thể dự báo một đợt tấn công mới vào việc xác nhận kết quả bầu cử, nhất là khi kết quả chỉ chênh lệch nhau vài phiếu.


Hoa Kỳ: Tham Gia Vào Chiến Dịch Tranh Cử, Joe Biden Đề Xuất Cấp Thuốc Ngừa Thai Miễn Phí Không Cần Kê Đơn!


(Hình AP - Mark Schiefelbein: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trọng một sự kiện tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 21/10/2024.)
-Mặc dù đã từ bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục tham gia vào chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, ủng hộ ứng viên Kamala Harris. Hôm 21/10/2024, ông đã đề xuất một Dự luật, để bảo hiểm chi trả cho các biện pháp ngừa thai mà không cần đơn Bác sĩ, một vấn đề gây tranh cãi tại Hoa Kỳ từ 2 năm qua, chia rẽ phe Dân chủ và bảo thủ Cộng hòa.
Trong một thông cáo được thông tấn xã AFP trích dẫn, Tổng thống Joe Biden khẳng định đề xuất này sẽ có lợi cho 52 triệu phụ nữ tại Hoa Kỳ, và có thể đi vào hiệu lực 2 tháng sau khi thu thập ý kiến từ công chúng. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Một trong những chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris và phe Dân chủ là quyền tự do sinh sản và quyền của phụ nữ được tự quyết định về cơ thể mình.

Lần này, Joe Biden đã đề xuất mở rộng việc chi trả của bảo hiểm đối với các biện pháp ngừa thai. Từ năm 2018, luật Obamacare được đưa ra, bảo đảm quyền tiếp cận, gần như là cho tất cả mọi người, đối với bảo hiểm y tế tư nhân. Các biện pháp ngừa thai được ghi trong đơn của Bác sĩ đều được bảo hiểm chi trả.
Đề xuất của Tổng thống Joe Biden liên quan đến việc bảo hiểm có thể chi trả các biện pháp ngừa thai mà không cần đơn của Bác sĩ, dù đó là thuốc ngừa thai hàng ngày, thuốc phá thai hoặc các bao cao-su, được bán tự động ở hiệu thuốc.
Đối với các tổ chức bảo vệ quyền tự do sinh sản, quyền tiếp cận với các biện pháp ngừa thai trở nên quan trọng hơn kể từ khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hủy bỏ phán quyết về quyền phá thai "Roe v.wade" trong luật liên bang vào năm 2022.
Mỗi khi vấn đề này được đưa ra thảo luận trong các cuộc bầu cử địa phương tại Hoa Kỳ, ngay cả tại các tiểu bang bảo thủ, quyền này vẫn được các cử tri duy trì. Vì vậy, đây là một tín hiệu chính trị mà chính quyền Biden gửi tới cử tri, ngay cả khi khó có thể thông qua đề xuất này từ nay đến ngày 20/01, khi ông Biden mãn nhiệm. Các bên liên quan, kể từ giờ, có 2 tháng để đưa ra bình luận và chính quyền Biden sẽ phải trả lời".


Tin Quốc Tế Đó Đây
Do Thái Tấn Công 300 Mục Tiêu của Hezbollah ở Lebanon


(Hình AP – Hussein Malla: Tòa nhà nằm trước mặt bệnh viện công lớn nhất thành phố Beirut, thủ đô của Lebanon, bị Do Thái không kích ngày 22/10/2024.)
-Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Do Thái ngày 22/10/2024, bắt đầu vòng công du mới ở Trung Cận Đông nhằm tìm kiếm giải pháp sớm ngừng bắn ở Gaza, ngăn leo thang xung đột quân sự trong vùng. Nhiệm vụ của ông được cho là khó khăn vào lúc Do Thái tiếp tục oanh kích, nhắm đến hơn 300 mục tiêu trong đêm 21 và 22/10, trong đó có "căn cứ trung tâm của đơn vị Hải quân" của Hezbollah, gần bệnh viện công lớn nhất ở thủ đô Beirut khiến 13 người thiệt mạng.
Phía Hezbollah cũng khẳng định bắn rocket vào nhiều vị trí ở Do Thái, trong đó có một căn cứ Hải quân và một căn cứ tình báo quân sự gần Tel Aviv.
Thông tín viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Jerusalem của Do Thái nhận định về khó khăn đối với Ngoại trưởng Blinken trong bối cảnh cử tri Mỹ chuẩn bị bầu Tổng thống mới:
"Mười một chuyến công du Cận Đông và hiện tại là 10 lần thất bại. Cho đến giờ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn tay trắng trở về Hoa Thịnh Ðốn. Ông không thể đạt được bất kỳ nhân nhượng nhỏ nào từ Nhà nước Do Thái và lực lượng Hồi Giáo Hamas để tìm ra được thỏa thuận định chiến ở dải Gaza và như vậy, cho phép trả tự do cho các con tin Do Thái.
Ngoại trưởng Mỹ từng khẳng định chuyến công du gần đây nhất của ông đến Trung Cận Đông hồi tháng 08 là "cơ hội cuối cùng". Cho nên chuyến công du lần này là nỗ lực chót để đạt được lệnh ngừng bắn. Nhưng từ mùa Hè qua, tình hình đã thay đổi theo hướng xấu. Cuộc xung đột đã gia tăng cường độ và mở rộng sang cả Lebanon.

Thủ tướng Do Thái "quyết chiến" không định tìm đường ngoại giao. Ông Benjamin Netanyahu cho biết muốn "thay đổi thực tế chiến lược ở Trung Đông" hơn. Hiểu theo nghĩa là tái cân bằng lực lượng có lợi cho Do Thái, bằng cách tiêu diệt các nhóm vũ trang Palestine, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và vô hiệu hóa mối đe dọa từ Iran.
Đối với chính phủ Do Thái, vấn đề trả tự do cho các con tin hiện giờ thành hàng thứ yếu. Trong khi đây lại là lá bài duy nhất của ông Antony Blinken để đi đến ngừng giao tranh và tận dụng lợi thế sau khi thủ lĩnh Hamas Yahia Sinwar, bị quân đội Do Thái giết vào tuần trước".
Sau Do Thái, Ngoại trưởng Mỹ đến Jordani ngày 23/10 để thảo luận nhiều chủ đề, trong đó có viện trợ nhân đạo cho dải Gaza.


Đức Khai Trương Trụ Sở Hải Quân của NATO ở Biển Baltic


(Hình AP - Virginia Mayo: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (giữa) bắt tay đồng nhiệm Đức Boris Pistorius, trước cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO, tại trụ sở Liên minh, Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày,14/07/2024.)
-Trung tâm chỉ huy Hải quân của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đặt tại Rostock của Đức, đã chính thức mở ra vào hôm 21/10/2024. Theo quân đội Đức, mục đích của trung tâm là điều phối hoạt động Hải quân của các nước thành viên trong khu vực, trước các đe dọa từ Nga.
Trả lời trước báo giới nhân lễ khai trương tại Rostock, một trong những thành phố cảng lớn ở phía Đông-Bắc nước Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, được thông tấn xã AFP trích dẫn, khẳng định rằng "tầm quan trọng của khu vực ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cuộc xâm lược mà Nga tiến hành ở Ukraine".

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock cũng nhấn mạnh đến đe dọa hỗn hợp từ Nga, chống lại Đức và các nước láng giềng, đặc biệt là việc bảo vệ các đường ống dẫn dầu khí và hệ thống cáp quang đặt dưới biển Bắc và biển Baltic. Lãnh đạo ngoại giao Đức cũng đề cấp đến việc phát giác gần đây một chiếc drone, bị tình nghi là của Nga, trinh sát gần khu công nghiệp về hóa chất và cơ sở lữu trữ chất thải nguyên tử ở miền Bắc nước này.
Lực lượng Chỉ huy Tác chiến Baltic (CTF Baltic) đặt dưới sự lãnh đạo của một đô đốc người Đức, bao gồm các quân nhân từ 11 quốc gia khác thuộc Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), trong đó có Phần Lan và Thụy Điển, hai nước Bắc Âu vừa gia nhập liên minh gần đây. Tổng số nhân viên làm việc tại trung tâm là 180 người, đại diện cho nhiều nước Âu Châu.
Với hạm đội Hải quân lớn nhất của NATO ở trong khu vực, Đức đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa từ Nga ngày càng gia tăng. Vào giữa tháng 10, một viên chức tình báo Đức đã khẳng định rằng Mạc Tư Khoa có thể sẽ mở cuộc tấn công vào NATO, từ nay đến năm 2030.


EU Lấy 35 Tỉ Euro Tài Sản Bị Đóng Băng của Nga Để Cho Ukraine Vay



(Hình AFP: Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen (trái) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tại Kyiv, vào ngày 20/9/2024, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.)
-Hôm 22/10/2024, các Nghị sĩ Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã phê duyệt kế hoạch của khối nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để cho đồng minh Ukraine vay tới 35 tỉ Euro (38 tỉ Mỹ kim).
Nghị viện Âu Châu đã bỏ phiếu với 518 phiếu thuận, 56 phiếu chống và 61 phiếu trắng cho khoản vay cho Kyiv theo kế hoạch trong bước đi cuối cùng tại nghị viện sau khi các chính phủ EU nhất trí về kế hoạch này vào đầu tháng 10.
Nhóm G7 dự định cấp khoản vay tổng thể trị giá 50 tỉ Mỹ kim, được lấy từ lợi nhuận phát sinh từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây, để giúp Ukraine. Những tài sản này đã bị đóng băng ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.
Hơn 2/3 tài sản của Nga, tương đương khoảng 210 tỉ Euro, bị kẹt trong Liên Hiệp Âu Châu gồm 27 quốc gia, chủ yếu là ở công ty lưu trữ và dịch vụ tài sản Euroclear của Bỉ.

Anh tuyên bố hôm 21/10 rằng họ sẽ cho Ukraine vay 2,26 tỉ bảng Anh (2,9 tỉ Mỹ kim).
Ngay sau khi kế hoạch được thông qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal vào ngày 22/10 đã cảm ơn Nghị viện Âu Châu.
"Khoản đóng góp quan trọng này từ EU là một phần trong khoản vay 50 tỉ Mỹ kim của G7.... Nó sẽ giúp giải quyết nhu cầu tài chánh cấp bách của Ukraine trước cuộc chiến tranh toàn diện tàn khốc của Nga", ông viết trên X.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin rằng đại diện thường trực của Nga tại EU, ông Kirill Logvinov, hôm 22/10 cáo buộc Liên Hiệp Âu Châu phạm tội ác kinh tế trên quy mô toàn cầu với việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine.


Nam Hàn Xem Xét Khả Năng Gởi Người Đến Quan Sát Lính Bắc Hàn Tại Ukraine


(Hình AP - Ahn Young-joon: Hình ảnh quân đội Bắc Hàn được phát trên truyền hình Nam Hàn. Hình chụp tại một nhà ga xe lửa tại Hán Thành, ngày 18/10/2024.)
-Hôm 21/10/2024, chế độ Bình Nhưỡng đã phủ nhận việc gởi quân đến chi viện cho Nga tại chiến trường Ukraine, xem những cáo buộc từ Hán Thành và Kyiv là "lời đồn thổi vô căn cứ". Tuy nhiên, theo truyền thông Nam Hàn, chính quyền Hán Thành đang xem xét khả năng gởi một đội ngũ quan sát viên đến Ukraine để thu thập thông tin về số binh sĩ Bắc Hàn này.
Hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết có khả năng chính quyền Hán Thành sẽ gởi đến Ukraine để theo dõi "các chiến thuật và năng lực chiến đấu lực lượng đặc nhiệm Bắc Hàn được điều đến hỗ trợ Nga".

Đội ngũ nhân viên này có thể sẽ bao gồm nhiều thành viên quân đội thuộc các đơn vị tình báo, có khả năng phân tích các chiến thuật chiến trường được quân đội Bắc Hàn sử dụng, và tham gia thẩm vấn những binh sĩ bị bắt giữ.
Trước tiến triển của tình hình, Nam Hàn có thể sẽ có những bước rẽ quan trọng trong chính sách hậu thuẫn Ukraine, cho đến lúc này, chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ nhân đạo và các loại vũ khí không sát thương. Nguồn tin chính phủ cho biết, Hán Thành sẽ từng bước có các biện pháp đáp trả tương ứng tùy thuộc vào mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Hàn.

Trong mọi trường hợp, Hán Thành có thể sẽ ưu tiên cung cấp các thiết bị phòng thủ hơn là các loại vũ khí sát thương. Nam Hàn dường như đang xem sét khả năng giao những loại vũ khí này cho Ukraine thông qua các nước trung gian hơn là trực tiếp.
Cũng theo Yonhap News, Nam Hàn sở hữu nhiều loại hệ thống phòng không, mà Ukraine đang thiếu nghiêm trọng như loại Cheongung-2, một hệ thống phòng thủ địa đối không di động, có thể bắn chặn các loại phi đạn tầm trung.
Hôm 21/10, khi cho triệu mời Ðại sứ Nga tại Hán Thành, Thứ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Kim Hong Kyun đã "mạnh mẽ yêu cầu Nga cho rút ngay lập tức các lực lượng Bắc Hàn và chấm dứt mối hợp tác trong lĩnh vực này".


Thượng Đỉnh BRICS: Trung Quốc Muốn Thúc Đẩy Thế Giới Đa Cực và Mở Rộng Ảnh Hưởng Trên Thế Giới


(Ảnh AP / Wu Hong - tư liệu: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng với lãnh đạo 4 nước Ba Tây, Nga, Nam Phi và Ấn Độ tại thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian), Đông-Nam Trung Quốc, ngày 4/9/2017.)
-Ngày 22/10/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên đường đến Kazan tham dự thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRICS, lần đầu tiên được Nga tổ chức.
Mục tiêu của Bắc Kinh là cổ vũ một thế giới đa cực, mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế mới nổi. Thông tín viên Cléa Broadhust của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Bắc Kinh:
"Trung Quốc sử dụng nhóm BRICS để thúc đẩy cải cách các thể chế thế giới như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) và Ngân Hàng Thế Giới, những tổ chức mà họ cho là bị các cường quốc phương Tây thống trị quá mức. Bắc Kinh coi BRICS là giải pháp thay thế hoặc là biện pháp bổ sung để tái cân bằng trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu có lợi cho các nước đang phát triển.

Trung Quốc đang ngày càng thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ thay vì Mỹ kim trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên BRICS với mục tiêu về lâu dài là biến nhân dân tệ trở thành tiền tệ quốc tế.
Trung Quốc mong muốn thiết lập các mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, tài chánh kỹ thuật số và kỹ thuật xanh, phù hợp với các mục tiêu trong nước và quốc tế của Bắc Kinh. Ý tưởng này cũng nhằm làm giảm ảnh hưởng của phương Tây. Trung Quốc cũng ủng hộ nhiệt thành việc mở rộng BRICS, đón nhận nhiều nước đang phát triển khác nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và chính trị của nhóm.
Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ có vị trí chiến lược, nền kinh tế đang phát triển và vai trò cầu nối giữa Âu Châu và Á Châu trong dự án Con đường tơ lụa mới nên nước này trở thành một ứng cử viên hấp dẫn. Nhưng mối quan hệ phức tạp giữa Ankara và một số thành viên khác như Ấn Độ hay Nga có thể khiến hội nhập của Thổ Nhĩ Kỳ thêm phức tạp".


Ấn Độ và Trung Quốc Tìm Ra "Giải Pháp" Cho Xung Đột ở Biên Giới


(Ảnh REUTERS - Ahmad Masood, minh họa: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào các phóng viên trong một cuộc gặp ở Tân Ðề Ly, thủ đô của Ấn Độ, ngày 18/9/2014.)
-Sau nhiều năm tranh chấp chủ quyền và các cuộc đụng độ đẫm máu ở vùng Hy Mã Lạp Sơn, sáng 22/10/2024, Trung Quốc thông báo đã tìm ra được "giải pháp" với Ấn Độ trong hồ sơ này. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh thượng đỉnh của khối BRICS mà Bắc Kinh và Tân Ðề Ly là thành viên, được mở ra tại Nga.
Trong lúc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Kazan, ở Nga, dự thượng đỉnh của khối BRICS (Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian, hôm 22/10/2024, khẳng định rằng "Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự,…, và hai bên đã đạt được giải pháp cho các vấn đề liên quan…. Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ cùng Ấn Độ thực thi giải pháp đó".

Trước đó một ngày, hai bên cũng đã ký thỏa thuận phối hợp tuần tra ở vùng biên giới tranh chấp. Từ Bangalore, thông tín viên Sébastien Come của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Trung Quốc và Ấn Độ đã có tranh chấp đối với 4.000 cây số đường biên giới ở trên nóc nhà thế giới từ năm 1962. Đáng nói nhất là cuộc đụng độ vào tháng 6/2020, khiến khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc bỏ mạng khi đội tuần tra của hai bên đi ngang qua nhau.
Quan hệ giữa hai nước kể từ đó đã xấu đi nhiều, xuống mức thấp nhất, được Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ mô tả vào tháng trước là "không được tốt" lắm, và khẳng định rằng Ấn Độ vẫn còn "vấn đề Trung Quốc".

Thỏa thuận được công bố hôm thứ Hai, liên quan đến việc phân bổ các cuộc tuần tra tại "đường kiểm soát", tức một vùng đệm phi quân sự hóa. Thỏa thuận này không giải quyết tranh chấp giữa biên giới, nhưng nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng leo thang trong khu vực. Ấn Độ đặc biệt chỉ trích Trung Quốc vì cho xây dựng các ngôi làng, đưa dân đến định cư, sát với đường biên giới. Tân Ðề Ly coi đây là hành động khiêu khích.
Thỏa thuận nhằm xoa dịu quan hệ giữa hai bên được đưa ra không phải là ngẫu nhiên, mà trong bối cảnh thượng đỉnh BRICS khai mạc tại Kazan. Ấn Độ và Trung Quốc có lập trường cạnh tranh với nhau về BRICS quy tụ các nước Nam bán cầu. Các cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Narendra Modi được theo dõi chặt chẽ. Qua thỏa thuận này, hai ông lớn của Á Châu muốn chứng tỏ rằng sự đối đầu giữa hai bên, không phải là không thể giải quyết được.


Trung Quốc Tập Trận Bắn Đạn Thật Gần Đài Loan


(Hình REUTERS - Tingshu Wang: Một màn hình lớn đặt trên phố Bắc Kinh, chiếu cảnh cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc tại eo biển Đài Loan, ngày 14/10/2024.)
-Ngày 22/10/2024, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép khi tiến hành tập trận bắn đạn thật gần đảo Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc lên án hành động "hăm dọa" gây "đe dọa" cho ổn định trong khu vực.
Cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng 22/10 (giờ địa phương) trong khu vực rộng khoảng 150 cây số vuông, thuộc vùng đảo Bình Đàm (Pingtam), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc và chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 100 cây số. Trong thông báo ngày 21/10, Cục An ninh Hàng hải Bình Đàm không nêu chi tiết mục đích cuộc tập trận này.

Ngày 22/10, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết theo dõi sát sao "các hoạt động và ý đồ quân sự" của Trung Quốc. Theo Đài Bắc, đợt tập trận này có thể nằm trong "chiến thuật gia tăng hăm dọa" của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan. Thủ tướng Đài Loan Cho Jung Tai, được thông tấn xã AFP trích dẫn, đánh giá đây là "mối đe dọa phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực".
Vào giữa tháng 10, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn "Joint Sword-2024B" huy động nhiều chiến đấu cơ, drone, chiến hạm và lực lượng Hải cảnh bao vây đảo Đài Loan ở các khu vực Bắc, Đông và Nam. Ngày 17/10, khi thăm một lữ đoàn thuộc Lực lượng phi đạn của quân đội, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi toàn quân "gia tăng huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh" và "quân đội phải thiện chiến".
Hai ngày sau lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc, một chiến hạm của Mỹ và một tàu của Gia Nã Ðại đã đi qua eo biển Đài Loan trong khuôn khổ hoạt động thông thường tại tuyến đường biển quốc tế, theo nhận định của Hoa Thịnh Ðốn. Tuy nhiên, Bắc Kinh lên án chuyến hải hành gây xáo trộn "hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".

Không có nhận xét nào: