(Hình minh hoạ)
Trước “giải phóng” Thầy là Giáo sư dạy Việt Văn Trung học, thời đó Thầy, Cô luôn là thần tượng của học trò, cả hình thức lẫn nội dung. Hai năm sau ngày 30/4/1975 hắn gặp lại Thầy ở ngôi trường Trung học phổ thông (cấp 3) mới thành lập, còn rất thô sơ với con đường đất vào Trường rất đúng nghĩa “nắng bụi, mưa lầy”. Thầy đi dạy bằng chiếc xe đạp mà 2 vỏ xe bị phù nhiều chỗ được gia cố bằng mấy cọng kẽm rỉ sét, trên ghi đông treo cái giỏ đan bằng cỏ lát, bên trong ngoài giáo án, vài quyển sách còn có cái lon đựng cơm trưa.Giọng Thầy vẫn còn sang sảng đầy truyền cảm nhưng nghe kỹ thì nội lực đã có phần suy giảm so với hồi xưa, thỉnh thoảng đang giảng tự dưng Thầy dừng lại, thờ thẩn nhìn đám học trò. Hình ảnh người Thầy gầy gò trong chiếc áo trắng đã ngã màu ố vàng từ lâu, bỏ vô cái quần bộ đội bạc màu rộng thùng thình không biết ở đâu Thầy có, đứng ngẩn ngơ nhìn lũ học trò cũng nhếch nhác, tả tơi đã in sâu vào trí óc của hắn cho tới tận bây giờ.
Bổng một hôm, rồi vài hôm, 1 tuần, 1 tháng …. Thầy không tới Trường. Lũ học trò xầm xì với nhau, đứa này nói Thầy đã vượt biên nhưng đứa khác lại nói Thầy về quê sống vì ở lại Sài Gòn làm nghề giáo không đủ tiền nuôi vợ con nhưng có một điểm chung là không ai biết quê Thầy ở đâu?.
Năm 1986 hắn là Phó giám đốc một Xí nghiệp cấp Huyện nên hay đi công tác ở các tỉnh miền Tây. Mỗi lần tới Bắc Mỹ Thuận hay Bắc Cần Thơ, chiếc xe hơi 4 chỗ Peugeot 404 biển số xanh chở hắn lập tức bị người bán hàng rong bu đen. Hắn không cho tài xế mở cửa xe để khỏi bị chèo kéo vì đã vài lần bị lừa gạt mua cả thúng ổi nhưng chỉ ăn được vài trái trên mặt, còn lại đều bị dòi. Mặc những tiếng gõ kiếng xe mời chào, hắn cứ giả bộ lim dim ngủ thì rồi người bán hàng rong cũng sẽ bỏ đi. Nhưng một lần nọ nghe tiếng gõ kiếng xe có vẻ dồn dập và kiên nhẫn một cách kỳ lạ khiến hắn he hé mở mắt ra nhìn rồi ngồi phắt dậy như bị điện giật.
Chưa tới 10 năm mà Thầy bây giờ đã là một ông lão già nua và trên cơ thể tong teo của Thầy treo lủng lẳng những chùm nem, chả khiến Thầy càng thêm nặng nề, mệt nhọc. Trong cái quán lá ven đường, hai Thầy Trò ngồi ôn lại những kỷ niệm chưa xa lắm nhưng đầy biến cố. Hắn làm sao quên được người Thầy từng nhiều lần “lén lút” cho hắn mượn những quyển sách tuyệt hay nhưng bị coi là “văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, độc hại” kèm theo những lời dạy ngoài giờ, ngoài Trường nhưng rất bổ ích, nhờ đó văn phong của hắn trở nên mượt mà, mềm mại, “có hồn” dù thời đó Luận văn của học trò cấp 3 gần như chỉ rặt “nghị luận chính trị - xã hội” khô khan.
Thầy nói thấy hắn là Thầy nhớ liền đứa học trò mà Thầy hãnh diện vì có thiên phú văn chương, cũng là người hay “lén lút” bỏ vô cái giỏ lát của Thầy khi thì khúc cá kho, lúc thì chén canh bầu, bịch cơm trắng ngon nấu từ gạo lúa nhà trồng chứ không phải từ gạo “quốc doanh” vàng khè, hôi rình mùi mọt và cứt gián mà giáo viên mỗi tháng được mua theo tiêu chuẩn hơn 10kg, nhiều khi hắn còn xin gia đình để bỏ vô đó cho Thầy vài ký gạo …
Thời đó thường thì buổi sáng Thầy – Trò lên lớp nhưng buổi chiều phải cùng “lao động xã hội chủ nghĩa” trồng khoai, bắp, hoa …quanh trường nên ai ở xa hay đem cơm theo ăn trưa, tranh thủ nghĩ ngơi cho đúng giờ lao động buổi chiều. Hắn cứ tưởng - như hắn mong muốn - Thầy không biết hắn là người "lén lút" để thức ăn vô cái giỏ lát của Thầy, hóa ra Thầy biết rất rõ....
Cơn mưa đầu mùa vừa dứt. Đã tới lúc tạm biệt, hai Thầy – Trò trao vội cho nhau địa chỉ, hắn dặn đi dặn lại Thầy nhớ kêu con trai và con gái sớm lên Sài Gòn để hắn bố trí việc làm cho có thu nhập ổn định. Tất nhiên, hắn cũng lại “lén lút” bỏ vô cái túi đựng tiền bán hàng của Thầy toàn bộ số tiền mà hắn đang có. Thầy bước ra khỏi quán, băng ngang quốc lộ đi vào cánh đồng lúa bạt ngàn phía bên kia đường. Hắn lặng lẽ đứng nhìn theo cái dáng liêu xiêu của Thầy, trong màn sương mờ mờ do cơn nắng quái chợt bừng lên sau cơn mưa tạo ra, hắn chợt thấy Thầy như một tiên ông đang “đằng vân” trên sóng lúa dập dềnh về phía có những lùm cây tạo nên vết mờ xanh xanh ở xa xa.
Hắn tự nhủ “Thầy ơi, con sẽ sớm trở lại thăm Thầy”.
CTN
(Ảnh minh họa là ảnh sưu tầm trên mạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét