Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 24/10/2024 - Loan Mỹ


Ông Trump cáo buộc Anh ‘can thiệp’ vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ Đảng Lao động cầm quyền của Anh Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã cáo buộc trong đơn khiếu nại về cáo buộc can thiệp của một thế lực chính trị nước ngoài. Các viên chức của Đảng Lao động được cho là đã tư vấn cho Đảng Dân chủ về các chiến lược mà các ‘nhà hoạt động’ của đảng đã thực hiện trên thực địa tại các tiểu bang dao động quan trọng. 
<!>
Đảng Lao động khẳng định các hoạt động như vậy là hợp pháp vì không có khoản tiền nào được trao đổi và không có khoản quyên góp nào được thực hiện cho Đảng Dân chủ.

Khiếu nại của chiến dịch tranh cử Trump gửi tới Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) cáo buộc “sự can thiệp trắng trợn của nước ngoài” của Đảng Lao động vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ, dưới hình thức “những khoản đóng góp bất hợp pháp rõ ràng của công dân nước ngoài” được Đảng Dân chủ và ứng cử viên của họ, Phó Tổng thống Kamala Harris chấp nhận.

Đơn khiếu nại trích dẫn luật pháp Hoa Kỳ cho biết, công dân nước ngoài bị cấm “đóng góp hoặc quyên góp tiền hoặc vật có giá trị khác, hoặc hứa hẹn rõ ràng hoặc ngụ ý sẽ đóng góp hoặc quyên góp” để ủng hộ một ứng cử viên người Mỹ, “trực tiếp hoặc gián tiếp”.

Trong số các bằng chứng được chiến dịch Trump trích dẫn có một báo cáo của tờ Washington Post rằng “các nhà chiến lược có liên hệ với Đảng Lao động Anh đã đưa ra lời khuyên cho bà Kamala Harris về cách giành lại sự ủng hộ của những cử tri bất mãn và thực hiện một chiến dịch giành chiến thắng từ phe trung tả”.

Tương tự, hãng thông tấn Anh The Telegraph đưa tin rằng ông Morgan McSweeney, chánh văn phòng của Thủ tướng Anh Keir Starmer, cũng như giám đốc truyền thông của ông Starmer, ông Matthew Doyle, đã tham dự đại hội Đảng Dân chủ tại Chicago và gặp gỡ nhóm vận động tranh cử của bà Harris.

Tuần trước, người đứng đầu bộ phận điều hành của Đảng Lao động, bà Sofia Patel, đã đăng trên LinkedIn rằng bà có “gần 100 nhân viên của Đảng Lao động, cả hiện tại và trước đây, sẽ đến Hoa Kỳ trong vài tuần tới, hướng đến Bắc Carolina, Nevada, Pennsylvania và Virginia”, quảng cáo mười vị trí tuyển dụng tại Bắc Carolina. Bà Patel nói với những ứng viên tiềm năng rằng “chúng tôi sẽ sắp xếp chỗ ở cho các bạn”.

Những người ủng hộ ông Trump, bao gồm tỷ phú Elon Musk, đã chỉ ra bài đăng của bà Patel là rõ ràng vi phạm luật vận động tranh cử. Bài đăng này sau đó đã bị xóa. Đảng Dân chủ khẳng định rằng không có điều gì trong số này là bất hợp pháp vì nó không liên quan đến đóng góp tài chính.

“Đây là điều bình thường xảy ra trong các cuộc bầu cử”, Bộ trưởng Bộ Lao động Anh Alison McGovern trả lời hãng tin Sky News tuần trước, lưu ý rằng các nhà hoạt động của Đảng Lao động đã từng vận động cho Đảng Dân chủ nhiều lần trước đây.

Đảng Dân chủ đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ rằng Nga đã “can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và rằng ông Trump đã “thông đồng” với Điện Kremlin, sau chiến thắng bất ngờ của ông trước bà Hillary Clinton vào năm đó. Những cáo buộc về “thông đồng với Nga” đã được sử dụng để sa thải và thậm chí bỏ tù một số cố vấn và trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng thời cản trở nhiệm kỳ tổng thống của ông và đẩy mối quan hệ Mỹ-Nga đến mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

WSJ: Những ‘ông lớn’ Phố Wall sẵn sàng cho chiến thắng của Trump


Theo WSJ, với những thay đổi gần đây trong tình hình bầu cử Mỹ, một số quỹ phòng hộ và công ty quản lý tài sản hàng đầu đã bắt đầu tích cực điều chỉnh chiến lược đầu tư, để chuẩn bị cho khả năng ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chiến thắng trước ứng viên Kamala Harris.

Dù hầu hết các cuộc thăm dò vẫn cho thấy tỷ lệ ủng hộ gần tương đương giữa hai ứng viên, nhưng những thay đổi nhỏ trong tình hình bầu cử diễn ra vào những tuần gần đây đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đặc biệt là vấn đề tăng giá của những tài sản được cho là hưởng lợi từ chiến thắng của Đảng Cộng hòa. Ví dụ như giá cổ phiếu của nhà điều hành nhà tù tư nhân GEO Group đã tăng 21% tính từ tháng 10, và dự kiến sẽ ghi nhận hiệu suất hàng tháng tốt nhất kể từ năm 2022; hay như cổ phiếu của công ty Riot Platforms khai thác Bitcoin đã tăng 34%.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng Dan Loeb đã công khai phát biểu trong tháng này rằng ông tin cơ hội thắng cử của ông Trump đang tăng lên. Quỹ phòng hộ Third Point trị giá 11 tỷ USD của ông đã tăng cường tiếp xúc với các lĩnh vực có khả năng sinh lợi bằng cách tăng lượng nắm giữ cổ phiếu và quyền chọn, đồng thời giảm lượng nắm giữ cổ phiếu từ các công ty có thể bị ảnh hưởng bất lợi.

Loeb tuyên bố trong một lá thư gửi các nhà đầu tư: “Chúng tôi tin các biện pháp thuế quan theo chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nội địa ở Mỹ, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng giá một số nguyên liệu thô và hàng hóa. Đồng thời về tổng thể, việc nới lỏng môi trường pháp lý, đặc biệt là vấn đề thay đổi quan điểm chống độc quyền nghiêm ngặt của chính phủ hiện nay, sẽ giải phóng năng suất và kích thích sức sống của doanh nghiệp”.

Mark Dowding, giám đốc đầu tư của RBC BlueBay Asset Management – công ty quản lý tài sản trị giá 130 tỷ USD tập trung vào lãi suất và giao dịch ngoại hối – kể từ cuối tháng 9 đã bắt đầu cho các kịch bản trong khả năng Trump giành chiến thắng bầu cử. Chiến lược đầu tư của Dowding bao gồm tầm nhìn dài hạn về đồng đô la Mỹ (USD), đặt cược vào dốc lên của đường cong lợi suất (nghĩa là biên độ tăng của lãi suất dài hạn lớn hơn lãi suất ngắn hạn), và kỳ vọng về kỳ vọng lạm phát mở rộng hơn.

Dowding vào tuần trước đã bay từ London đến Mỹ để gặp các nhà hoạch định chính sách và vận động hành lang, ông chia sẻ rất ấn tượng trước niềm tin mà Đảng Cộng hòa thể hiện vượt xa mong đợi của ông. Vào đầu tuần này, ông bắt đầu ý thức tình hình chiến thắng trong bầu cử có thể thuận lợi cho Trump hơn dự kiến trước đó của ông.

Thái độ trong giới đầu tư cho thấy thay đổi đáng kể so với chỉ vài tuần trước. Quan điểm đa số trước đó nhận thấy diễn biến bầu cử khó lường, giới đầu tư tập trung nhiều hơn vào các yếu tố cơ bản doanh nghiệp như lãi suất, lợi nhuận. Tuy nhiên trong bối cảnh xác suất thắng cử của ông Trump tăng lên đã khiến tâm điểm chú ý của thị trường dần chuyển vào các yếu tố bầu cử.

Themos Fiotakis, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược vĩ mô ngoại hối và thị trường mới nổi tại Barclays, thẳng thắn: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc bầu cử đã trở thành động lực chính của thị trường”. Ông lưu ý sự suy yếu gần đây của đồng nhân dân tệ và đồng peso (của Mexico) có liên quan chặt chẽ đến khả năng chiến thắng của Trump, đặc biệt sau khi ông tuyên bố có thể áp thuế 200% đối với ô tô nhập khẩu từ Mexico.

Ông Fiotakis chỉ ra các thị trường đã biến động dữ dội, biến động của thị trường quyền chọn (options exchange) đã tăng lên đáng kể. Chiến lược bán khống những loại tiền tệ đó và mua vào đồng USD “đã không duy trì như vài tuần trước”.

Trong bối cảnh ngày bầu cử đến gần, các nhà đầu tư đang chú ý đến những thay đổi liên quan, nhiều người đang chuẩn bị cho những bất ngờ có thể xảy ra sau ngày 5/11, đặc biệt nếu kết quả bầu cử bị tranh chấp hoặc việc kiểm phiếu bị trì hoãn…

Vineer Bhansali, người sáng lập quỹ phòng hộ LongTail Alpha ở California, cho biết: “Chúng tôi không thể đoán trước được tương lai. Chiến lược của chúng tôi là tìm kiếm những cơ hội chưa được thị trường phản ánh đầy đủ”. Ông tiết lộ chiến lược đó vào năm 2016 đã giúp họ thu được lợi nhuận đáng kể.

Bhansali gần đây đã mua quyền chọn mua (*) trên thị trường chứng khoán, ông tin rằng có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nếu bà Harris thắng, vì thị trường hiện phổ biến tin rằng Harris đang gặp bất lợi. “Thị trường nhìn chung kỳ vọng rằng chiến thắng của Trump sẽ tốt cho thị trường, trong khi chiến thắng của Harris sẽ tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ nếu Harris thắng, thị trường có thể sẽ tăng lên”, Bhansali nói. Ngoài ra thông qua giao dịch quyền chọn, ông cũng phòng ngừa rủi ro biến động thị trường có thể xảy ra sau cuộc bầu cử.

(*): Người mua quyền chọn mua phải trả cho người bán quyền một khoản phí giao dịch (option premium). Người nắm giữ quyền chọn mua (call option holder) sẽ quyết định thực hiện quyền của mình khi thấy có lợi nhuận và người bán quyền chọn mua có nghĩa vụ phải bán tài sản đó cho người nắm giữ quyền chọn mua.

Vẫn có những thận trọng

Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ vẫn thận trọng. CEO Jon Caplis của PivotalPath cho biết, nhiều quỹ phòng hộ có thể không muốn mạo hiểm đặt cược vào kết quả của cuộc bầu cử, vì họ đã đạt được mức lợi nhuận đáng nể 8,3% trong năm nay. Caplis cho biết trong bối cảnh tình hình vẫn chưa rõ ràng, việc đặt cược liều lĩnh không mang lại lợi ích gì cho các nhà quản lý quỹ cũng như nhà đầu tư.

Người sáng lập PinnBrook Capital – quỹ phòng hộ ở New York quản lý tài sản trị giá 500 triệu USD, ông Zachary Kurz cũng cho hay ông có kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần trước cuộc bỏ phiếu. Ông nhắc nhở rằng nhìn lại các cuộc bầu cử ở Mexico, Ấn Độ và Pháp cho thấy phản ứng của thị trường thường bất ngờ và chủ yếu là tiêu cực.

Tình báo Mỹ: Nga, Iran, Trung Quốc có thể kích động bạo lực sau bầu cử


Các quan chức tình báo Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Ba (22/10) rằng Nga, Trung Quốc và Iran có ý định thổi bùng các câu chuyện gây bất đồng, để chia rẽ người Mỹ trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11, và có thể suy tính kích động bạo lực sau khi cử tri đi bỏ phiếu.

Thông báo cho các phóng viên về an ninh bầu cử Hoa Kỳ, các quan chức này cho biết các tác nhân nước ngoài có thể suy tính các mối đe dọa về thể chất và bạo lực, và rất có khả năng tiến hành các hoạt động thông tin sai lệch để tạo ra sự bất ổn và phá hoại quá trình bầu cử.

Một quan chức từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (ODNI) chỉ rõ: “Các tác nhân nước ngoài, đặc biệt là Nga, Iran và Trung Quốc, vẫn có ý định thổi bùng các câu chuyện gây chia rẽ để chia rẽ người Mỹ và làm suy yếu niềm tin của người Mỹ vào hệ thống dân chủ Hoa Kỳ. Những hoạt động này phù hợp với những gì các tác nhân này nhận thấy là vì lợi ích của họ, ngay cả khi các chiến thuật của họ tiếp tục phát triển“.

Quan chức này cho biết các tác nhân gây ảnh hưởng, “đặc biệt là từ Nga, Iran và Trung Quốc“, đã học được từ các cuộc bầu cử trước đây của Hoa Kỳ, và chuẩn bị tốt hơn để khai thác các cơ hội nhằm kích động bất ổn.

Các tác nhân đó có thể sử dụng cùng loại công cụ mà họ đã sử dụng trong giai đoạn trước bầu cử – đặc biệt là thông tin và hoạt động mạng – và cũng có thể cân nhắc đến các mối đe dọa vật lý và bạo lực, quan chức ODNI nói thêm.

Nhưng tình báo Hoa Kỳ chưa thấy sự hợp tác giữa Nga, Trung Quốc và Iran trong các hoạt động gây ảnh hưởng đến bầu cử, các quan chức cho biết. Và, trong khi các tác nhân nước ngoài có thể tìm cách phá vỡ tiến trình vào Ngày bầu cử, gây ra sự bất bình, thì hệ thống bỏ phiếu vẫn đủ an toàn để họ không thể thay đổi kết quả.

“Một số tác nhân nước ngoài cũng có khả năng kích động các cuộc biểu tình và thực hiện các hành động bạo lực trong giai đoạn (sau bầu cử) này“, quan chức ODNI cho biết. “Đặc biệt, Iran và Nga có thể sẵn sàng cân nhắc ít nhất là các chiến thuật có thể góp phần gây ra tình trạng bạo lực như vậy“.

Một bản ghi nhớ đã giải mật được công bố sau cuộc họp báo của Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) – cơ quan phân tích tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ – đã cảnh báo rằng các điệp viên nước ngoài gần như chắc chắn sẽ khuếch đại các tuyên bố giả dối sau cuộc bỏ phiếu về những bất thường trong cuộc bầu cử.

Theo NIC, các điệp viên cũng có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng và gián điệp để phá hoại hoặc thay đổi các trang web chung và tin tức của chính phủ, nhằm gây nhầm lẫn về kết quả và phát tán thông tin sai lệch về quá trình kiểm phiếu, đặc biệt là trong các cuộc đua quá sít sao khó đoán được kết quả.

Trong một email, phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc không có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử và hy vọng rằng bất kỳ ai chiến thắng “sẽ cam kết phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ lành mạnh và ổn định“.

Đại sứ quán Nga và phái bộ Iran tại Liên hợp quốc đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Nga và Iran trước đây đã phủ nhận các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: