HÔM NAY: KỶ NIỆM NGÀY QUỐC KHÁNH VIỆT NAM CỘNG HÒA, 26 THÁNG 10! TRANG SỬ ĐỘC LẬP SAU 100 NĂM! ĐÁNG NHỚ! Bốn chữ “VIỆT NAM CỘNG HÒA” và ngày quốc khánh 26/10, khởi sự để đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn bị trị, mất tự chủ điều khiển quốc gia quá lâu, sau gần 100 năm bị lệ thuộc trong tay thực dân Pháp!
<!>
“Tôi không phải là thần thánh,
tôi chỉ là một người bình thường,
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc,
một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.”
(Lời Tổng Thống Ngô Đình Diệm)
-Kể từ ngày song thất (7/7/1954) ông Ngô Đình Diệm chính thức chấp nhận vai trò thủ tướng của quốc gia VN. Đó cũng chính là thời gian đen tối nhất của chiến cuộc Đông Dương. Một cuộc chiến không chính danh giữa người Pháp và cộng sản VN, một công cụ xâm lăng của cộng sản quốc tế! đương thời.
Trong khi đó áp lực của tư bản đương thời, giành giật thị trường và quyền lực cai trị thế giới, đã áp đặt cho dân tộc VN một hiệp định oái oăm được ký kết tại GENEVE ngày 20/7/1954, để chia đôi đất nước VN. Chính hiệp định này đã mang đến cho phần đất Bắc một giải khăn tang từ vĩ tuyến 17 trở ra, và cuối cùng, năm 1975, công sản bắc Việt, đã cưỡng chế miền Nam!
Trong khi đó phân nửa đất nước còn lại về phía Nam vĩ tuyến 17, bên này cây cầu Hiền Lương là phần đất của TỰ DO! mà thủ tướng Ngô Đình Diệm sau khi chấp chánh, đã di cư được hơn một triệu đồng bào di cư vào miền Nam tìm tự do với muôn vàn khó khăn.
Đồng bào di cư đã tin tưởng vào uy tín lãnh đạo của thủ tướng Ngô Đình Diệm, không chấp nhận Cộng Sản. đã lìa bỏ quê cha đất tổ, để được sống trong tự do và thanh bình của Miền Na
Chính phủ Ngô Đình Diệm với tiếp tay của một số người yêu nước thật sự lúc bấy giờ, đã đến với nhau từ các đảng phái, tôn giáo không phân biệt cá tính và đường lối. Tất cả đã dồn nỗ lực để củng cố một nền chính trị ổn định đem lại sự an bình cho phần đất Miền Nam còn lại.
Đứng trước tình hình cực kỳ khó khăn về chính trị, kinh tế và xã hội lúc bấy giờ, dựa trên hậu thuẫn sức mạnh đoàn kết của các đoàn thể. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, nhằm chọn ra một thể chế và người lãnh đạo chính thức cho miền Nam VN.
Hơn 90% dân chúng đã chấp nhận đề cử ông làm quốc trưởng và sau khi Quốc hội lập hiến đầu tiên được tổ chức bầu cử vào ngày 4/3/1956.
Vì căn cứ vào Hiệp định Geneve 20/7/1954 thì đúng ngày 26/4/1956 người lính lê dương Pháp cuối cùng phải rời bỏ VN, sau 100 năm! cho nên giới sinh hoạt chính trị ở miền Nam VN cùng với Quốc trưởng Ngô Đình Diệm đã cùng với Quốc hội lập hiến bấy giờ đã thảo luận và hoàn thành một văn bản pháp chế. Đó là sự hình thành Hiến pháp đầu tiên vào ngày 26/10/1956, và từ đó miền Nam VN có quốc hiệu chính thức gọi là “VIỆT NAM CỘNG HÒA!”.
Bốn chữ “VIỆT NAM CỘNG HÒA”và ngày quốc khánh 26/10, khởi sự để đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn bị trị, mất tự chủ điều khiển quốc gia quá lâu sau gần 100 năm bị lệ thuộc trong tay thực dân Pháp.
Sau đó Quốc trưởng Ngô Đình Diệm đã được Quốc hội lập pháp và toàn dân VNCH chấp nhận với danh xưng mới là Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nước VNCH. Lấy ngày 26/10 làm ngày Quốc khánh của nước VNCH. Và ngày này đã đi vào lịch sử!
Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024: Harris và Trump Trong Cuộc Chạy Đua Nước Rút
(Hình AP - ảnh ghép: Ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.)
-Hơn một chục ngày trước bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, mọi chú ý nhắm vào hai tiểu bang Georgia và Arizona trong ngày 24/10/2024. Đây là hai trong số gần một chục tiểu bang "dao động" (swing states), tức là những tiểu bang mà ứng cử viên Dân chủ hay Cộng hòa đều có khả năng giành chiến thắng.
Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, vận động tranh cử tại Arizona, Tây-Nam Hoa Kỳ, đặc biệt nhắm vào tầng lớp đại cử tri của tiểu bang mang tính quyết định này. Tại một tiểu bang "then chốt" khác là Georgia, Đông-Nam nước Mỹ, ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris cùng với cựu Tổng thống Barack Obama và danh ca Bruce Springsteen tìm kiếm lá phiếu của cử tri. Một dấu hiệu cho thấy cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc giữa hai ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa càng lúc càng gay gắt: Hôm qua, Kamala Harris không ngần ngại tố cáo đối thủ Donald Trump là một người "phát-xít" và muốn nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong tay.
Từ Miami, thông tín viên David Thomson của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"- Bà có nghĩ Donald Trump có lập trường phát-xít không? - Có. Tôi nghĩ là vậy". Kamala Harris không do dự khi trả lời kênh truyền hình CNN. Trước đó, ứng cử viên Dân chủ đánh giá "việc Donald Trump mang Adolf Hitler ra để làm gương là điều hết sức đáng quan ngại và nguy hiểm".
Bà Kamala Harris phản ứng như trên sau báo động của John Kelly, cựu Chánh Văn phòng của Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn 2017-2019. Kelly xác nhận thông tin được báo New York Times tiết lộ, theo đó cựu Tổng thống Hoa Kỳ từng xem lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler là một tấm gương. Ông Kelly từng chứng kiến Donald Trump tuyên bố "Hitler đã làm được những điều tốt" hay nói rằng ông "cần có những người giống những vị tướng từng phục vụ Hitler". Vẫn theo lời cựu Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, Donald Trump là một chính khách "cực hữu, độc đoán, ngưỡng mộ những nhà độc tài" và "đáp ứng các chuẩn mực để được xem là một người theo đường lối phát-xít".
Viên tướng bốn sao John Kelly phải lên tiếng với báo chí do gần đây Donald Trump đã dọa huy động quân đội đương đầu với những người chống đối ông, thành phần mà Trump gọi là "kẻ thù từ bên trong". Cựu Chánh Văn phòng của Tòa Bạch Ốc đánh giá những lời lẽ này thật nguy hiểm chưa đầy 2 tuần trước bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024: Harris và Trump Đến Vận Động ở Tiểu Bang Texas
(Hình AP - Julia Demaree Nikhinson: Ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân Chủ, Kamala Harris (trái) trong cuộc mít-tinh vận động tranh cử hôm 24/10/2024 tại Atlanta, tiểu bang Georgia, với sự tham gia của cựu Tổng thống Barack Obama.)
-Chỉ còn 10 ngày nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, hôm 25/10/2024, ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ, Kamala Harris, và ứng viên của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, đều đến vận động tranh cử tại tiểu bang Texas. Theo hãng tin AFP, trong cuộc mít-tinh ở Houston, bà Harris, với sự hiện diện của nữ danh ca Beyoncé, sẽ đề cập đến quyền phá thai, còn tại Austin, ông Trump sẽ nêu lên khủng hoảng nhập cư.
Riêng về ứng cử viên Dân Chủ, trong cuộc mít-tinh hôm 24/10 tại Atlanta, tiểu bang Georgia, một trong những tiểu bang có tính chất quyết định cho kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều ngôi sao điện ảnh và ca nhạc, như Bruce Springsteen, và đặc biệt là cựu Tổng thống Barack Obama, đã đến yểm trợ bà Kamala Harris. Từ Atlanta, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Không ai bác bỏ điều này, kể cả bên phía Cộng Hòa: Barack Obama là một trong những diễn giả xuất sắc nhất hiện nay. Cựu Tổng thống Mỹ sử dụng sức quyến rũ này để khích động 20.000 người có mặt tại Atlanta, trong một buổi giống như là để tiếp sức.
Là một Luật sư đã về hưu, Elizabeth Johnson vẫn là một đảng viên Dân Chủ trung kiên. Bà nhận thấy có một sự thay đổi tâm lý:
"Obama đã cho thấy một người da màu hoàn toàn có khả năng lên lãnh đạo đất nước. Cũng giống như Hillary Clinton đã cho thấy một phụ nữ có khả năng nắm giữ vai trò này. Để phá vỡ những rào cản, phải có một người nào đó đi bước đầu tiên. Đất nước chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến nhờ công lao của Obama. Chưa bao giờ chúng tôi tiến gần như thế đến một hệ thống y tế phổ quát. Cả một thế hệ đã lớn lên với một Tổng thống gốc Phi Châu. Đó không còn là chuyện chưa từng có, và như vậy bà Harris có thể làm được những điều mà ông Obama đã không thể làm".
Nhưng muốn như thế thì Kamala Harris phải đắc cử ngày 05/11 tới, một điều chưa có gì là chắc chắn, nếu nhìn vào kết quả của các cuộc thăm dò gần đây".
Bầu Cử Tổng thống Mỹ 2024: Tại Sao Cử Tri Gốc Do Thái Ủng Hộ Donald Trump?
(Phan Minh)
(Hình AFP - Saul Loeb, tư liệu: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 15/9/2020.)
-Chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024, khoảng 600.000 người Mỹ sinh sống tại Do Thái đang phải cân nhắc giữa hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris để bầu vào Tòa Bạch Ốc. Đối với nhiều cử tri cho đến nay vẫn luôn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, tỉ phú thuộc đảng Cộng hòa giờ đây là người duy nhất "rõ ràng ủng hộ Do Thái" và có khả năng bảo đảm an ninh cho quốc gia Do Thái.
"Trước tiên hãy tập trung vào sự sống còn của chúng ta, sự sống còn của Do Thái, phần còn lại chúng ta sẽ xem xét sau". Đối với Rebecca (52 tuổi), một người Mỹ đến từ New York đã sống ở Jerusalem được 30 năm, cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ngày 5/11/2024 không chỉ chọn lựa lãnh đạo cho nước Mỹ mà còn định đoạt an ninh đất nước của bà. Giống như nhiều người Mỹ sống ở Do Thái, Rebecca biết rằng khả năng tự vệ của Nhà nước Do Thái sẽ phụ thuộc vào việc ai nắm quyền tại Tòa Bạch Ốc.
Kể từ cuộc tấn công đẫm máu của tổ chức Palestine Hamas hôm 7/10/2023 nhắm vào Do Thái, mọi thứ đã thay đổi với Rebecca. Bà nói: "Chúng tôi đang trong một cuộc chiến sinh tồn. Lúc này, giải pháp phải là Donald Trump. Đôi khi, cách duy nhất để sống sót là ủng hộ những người cực đoan nhất. Việc ông ấy trở thành Tổng thống có phải là thảm họa đối với phụ nữ, với những người bị thiệt thòi, đối với Hoa Kỳ và thế giới hay không? Có, nhưng ít nhất ông ấy rõ ràng là người ủng hộ Do Thái".
Giống như Rebecca, những cử tri Mỹ khác sống ở Do Thái, vốn chỉ trích tỉ phú thuộc đảng Cộng hòa, đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vào ngày 5/11. Stéphanie (48 tuổi) cư trú tại Netanya, Bắc Do Thái, cho biết: "Đúng, tôi bỏ phiếu cho ông già điên đó (Donald Trump) và những cộng sự Thiên Chúa giáo của ông ấy trong cuộc Thập Tự Chinh. Họ có thể làm bất cứ chuyện gì họ muốn ở nơi khác, nhưng miễn là họ bảo vệ chúng tôi. Cuộc tấn công ngày 7/10/2023 đã giết chết sự thương cảm trong tôi và tôi không muốn nghe về hòa bình, trong khi các con tin của chúng tôi vẫn còn mắc kẹt dưới lòng đất".
Một trong những chiến lược của đảng Dân chủ khi tìm cách thu hút trở lại những cử tri gốc Do Thái sẵn sàng ủng hộ Donald Trump là nhắc với họ về những phát biểu và hành động của cựu Tổng thống: Việc ông ăn tối với một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại tư dinh Mar-a-Lago, hay ông liên tục ám chỉ những người Do Thái bỏ phiếu cho đảng Dân chủ nên kiểm tra thần kinh và nói "người Do Thái" sẽ chịu một phần trách nhiệm nếu ông không giành chiến thắng.
Halie Soifer, Giám đốc điều hành Hội đồng Dân chủ Do thái Mỹ, nói: "Donald Trump đang tìm cớ đổ lỗi cho chúng tôi về nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử. Đó chính là hành động bài Do Thái".
Ngược lại, Matt Brooks, Giám đốc điều hành của Liên minh Người Do Thái Cộng hòa không có chung quan điểm với bà Soifer. Ông cho biết đã có mặt tại khán phòng ở Hoa Thịnh Ðốn khi Donald Trump đưa ra những nhận xét đó vào cuối tháng 9, và mặc dù cựu Tổng thống thừa nhận lẽ ra nên "dùng những ngôn từ khác", Matt Brooks nhấn mạnh điều mà Donald Trump tìm cách gửi đến cử tri đó là ông sẽ trở thành "người bảo vệ" cho cộng đồng Do Thái. Brooks nói: "Có một sự lựa chọn rõ ràng. Mọi người không cần phải thích Donald Trump, nhưng ông ấy sẽ giúp cho cộng đồng Do Thái được an toàn".
Matt Brooks và các thành viên đảng Cộng hòa khác đang cố gắng thu hút cử tri Do Thái bằng cách đả kích Harris nhiều hơn là thuyết phục Trump là một ứng cử viên sáng giá.
Lá Phiếu Người Do Thái Lần Đầu Tiên Được Nêu Bật
Mặc dù chủ đề xung đột Do Thái-Palestine từ lâu chỉ chiếm một vị trí thứ yếu trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, vụ tấn công ngày 7/10/2023, đẫm máu nhất đối với người Do Thái kể từ Đệ nhị Thế chiến, đã thay đổi điều đó. Cuộc chiến ở Trung Đông được thảo luận rộng rãi và xuất hiện khắp mọi nơi trên các kênh tin tức trong thời gian những nhà hoạt động ủng hộ Palestine chiếm đóng các trường đại học ở Mỹ. Sara Yael Hirschhorn, nhà Sử học người Mỹ, Giáo sư tại đại học Haifa, Do Thái, cho biết "đây hoàn toàn là điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ".
Hai ứng cử viên chạy đua vào Tòa Bạch Ốc thường xuyên được yêu cầu bày tỏ quan điểm về chủ đề này. Vào thời điểm Donald Trump gia tăng những lời kêu gọi cộng đồng người Do Thái ở Mỹ phải đóng vai trò bức tường thành cho sự tồn vong của Nhà nước Do Thái, Kamala Harris không ngần ngại nêu bật nguồn gốc Do Thái của chồng bà và tái khẳng định "sự ủng hộ vô điều kiện" của đảng Dân chủ đối với an ninh của Do Thái.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích của chính quyền Biden-Harris nhắm vào chính phủ của Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã khiến một số cử tri cánh tả trong chính trường Mỹ tỏ ra nguội lạnh. Omer, đồng hiệu trưởng một trường hỗn hợp ở Jaffa, phía Nam Tel Aviv, tỏ ra tiếc nuối: "Nhiều người theo chủ nghĩa hòa bình, những người Do Thái rất thiên tả, đã dành thời gian cho người Palestine và làm việc với họ để gây quỹ, những người tin tưởng mạnh mẽ vào giải pháp hai Quốc gia dựa trên hòa bình.... Nhưng tất cả những điều đó đã biến mất. Bỏ phiếu cho Donald Trump sẽ là cách để họ bày tỏ nỗi đau và sự căm ghét".
Những lá phiếu của người Do Thái, ở cả Do Thái lẫn ở Hoa Kỳ, là mối bận tâm đối với phe Dân chủ. Denis Lacorne, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Céri-Sciences-Po, cho biết: "Những lá phiếu đó có thể thay đổi kết quả bầu cử. Tỷ lệ phiếu bầu của những cử tri này không quá cao ở cấp quốc gia, với chỉ khoảng 2%, nhưng chúng nằm ở các tiểu bang then chốt, đại diện cho 1,3% cử tri tiềm năng ở Georgia, 3,5% ở Pennsylvania, 3% ở Arizona. Điều này rất quan trọng, bởi chỉ cần 0,5% là mọi thứ có thể thay đổi. Joe Biden đã giành chiến thắng tại Arizona với chênh lệch 0,3% số phiếu bầu vào năm 2020".
Tỷ Lệ Phiếu Bầu Do Thái Cho Dân Chủ Thấp Nhất Kể Từ Thời Reagan
Theo một cuộc thăm dò của Viện Manhattan, mặc dù Kamala Harris vẫn có thể trông chờ vào lượng phiếu bầu đáng kể của người Do Thái (71% cử tri Do Thái có ý định bỏ phiếu cho bà ở các tiểu bang then chốt), nhưng đó sẽ là tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất dành cho đảng Dân chủ kể từ thời Ronald Reagan.
Hai tuần trước cuộc bỏ phiếu, chiến dịch quyến rũ cử tri đang trở nên ngày càng khốc liệt. Giữa chiến dịch bầu cử, Tổng thống Biden đã điều quân đội Mỹ tới Do Thái để khai triển hệ thống phòng thủ phi đạn tầm cao THAAD. Denis Lacorne tin rằng "điều này có thể thu hút hoặc ít nhất là bảo toàn được những lá phiếu của người Do Thái quyết định ủng hộ đảng Dân chủ từ trước". Về phần mình, Donald Trump đã cam kết sẽ đích thân đi giải cứu con tin. Ứng cử viên Cộng hòa tuyên bố hôm 20/9: "Tôi có thể bảo vệ mọi người một cách triệt để. Người ở phe bên kia sẽ không làm được vậy".
Đối với Denis Lacorne, ngoài sự bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, trên hết, tình hình ở Iran sẽ mang tính quyết định đối với những lá phiếu của người Do Thái: "Một cuộc chiến tranh toàn khu vực liên hệ đến Iran sẽ có lợi cho Donald Trump, bởi ông được cho là có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại hơn Kamala Harris. Trong trường hợp không có biến chuyển gì quá lớn trước cuộc bầu cử, cộng đồng Do Thái có thể vẫn sẽ dồn nhiều phiếu hơn cho ứng cử viên Dân chủ".
Bằng Chứng Mới Cho Thấy Trung Quốc, Nga, Iran Tăng Cường Tác Động Bầu Cử Mỹ!
(Hình AP: Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn là một trong những đối tượng bị Trung Quốc nhắm mục tiêu nhằm làm lung lay sự ủng hộ dành cho bà.)
-Có bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc, Iran và Nga đang quyết liệt mở rộng nỗ lực tác động đến cử tri Mỹ để có thể làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Hai báo cáo tình báo về mối đe dọa hôm 23/10/2024, một từ hãng phần mềm khổng lồ Microsoft và một từ công ty an ninh mạng Recorded Future, nêu chi tiết các hoạt động ngày càng tăng của các tác nhân trên mạng có liên hệ với các quốc gia này – tất cả đều nhằm tác động đến nhận thức của cử tri Mỹ khi còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Sự thay đổi lớn nhất, theo Microsoft, đến từ các tác nhân có liên quan đến Trung Quốc mà các nhà nghiên cứu gọi là Spamouflage hay Taizi Flood.
“Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc gần đây đã có một bước ngoặt mới khi chuyển trọng tâm sang một số ứng cử viên nằm ở phần dưới lá phiếu và các Nghị sĩ”, Microsoft cho biết, và lưu ý rằng bắt đầu từ tháng Chín, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 4 Nghị sĩ Cộng hòa nổi bật, tất cả đều là những người chỉ trích chính phủ Bắc Kinh.
Gần đây nhất, các tài khoản liên kết với Trung Quốc đã nhắm vào Dân biểu Cộng hòa Michael McCaul của Texas, cáo buộc Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ‘lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân’.
Cuối tháng trước, các Spamouflage bắt đầu chĩa mũi dùi vào Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn của tiểu bang Tennessee, Microsoft cho biết. Và đầu tháng này, cũng nỗ lực tương tự đã bắt đầu vận động cho đối thủ của bà Blackburn trong cuộc bầu cử ngày 5/11.
Các mục tiêu khác bao gồm Dân biểu Cộng hòa tiểu bang Alabama, Barry Moore, người bị chỉ trích vì sự ủng hộ của ông dành cho Do Thái, và Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, Marco Rubio. Ông Rubio bị cáo buộc tham nhũng.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn đã bác bỏ các cáo buộc trong báo cáo của Microsoft.
Các cuộc bầu cử Tổng thống là vấn đề nội bộ của Mỹ”, phát ngôn nhân Tòa Ðại sứ Lưu Bằng Vũ nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 23/10, lặp lại những lời phủ nhận trước đây của Trung Quốc.
“Những cáo buộc toàn là những suy đoán ác ý chống lại Trung Quốc, điều mà Trung Quốc kiên quyết phản đối”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, các Nghị sĩ Mỹ cho biết họ không ngạc nhiên trước sự gia tăng các hoạt động phá hoại.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chịu được bất cứ ai ủng hộ và lên tiếng cho những người mà họ đàn áp; phản ứng của họ là trừng phạt và công kích”, ông McCaul nói với VOA.
“Tôi coi việc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc – đối tượng hàng đầu về vi phạm nhân quyền, kiểm duyệt tự do ngôn luận và áp bức chính người dân họ - khó chịu với những gì tôi làm là một danh dự”, ông nói.
Thượng Nghị sĩ Rubio, thành viên Cộng hòa cao nhất trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, kêu gọi ‘xem xét nghiêm túc’ các nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung oil hơn”, ông Rubio nói trong văn bản gửi đến VOA. “Mục tiêu của Trung Quốc là định hình quan điểm của Mỹ về các vấn đề quan trọng và nhắm vào các ứng cử viên cụ thể, nhất là những người mà họ oil à chống Trung Quốc”.
Các báo cáo từ Microsoft và Recorded Future cảnh báo rằng không chỉ Bắc Kinh mới có hành động như vậy.
Cụ thể, hai báo cáo cảnh báo các tác nhân mạng có liên hệ với Nga, được các nhà nghiên cứu gọi là Storm-1679 hoặc Chiến dịch Overload, đã tăng tốc hoạt động trong một tháng rưỡi qua và đang có dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm nhiều hoạt động gây ảnh hưởng nữa.
“Chiến dịch Overload rất có khả năng sẽ đẩy mạnh hoạt động”, báo cáo của Recorded Future cho biết.
Recorded Future cho biết nhiều nỗ lực mới đây của Nga đã tìm cách kích động sự tức giận đối với cộng đồng LGBTQ + ‘bằng cách dùng thông tin sai lệch để định hình thái độ phân biệt đối xử đối với các cá nhân chuyển giới, các vấn đề về hành vi mà công chúng cảm nhận, phẫu thuật chuyển giới và xác định lại giới, điều trị bằng thuốc men’.
Báo cáo cho biết các hoạt động gây ảnh hưởng khác đang sử dụng tiếng nói do trí tuệ nhân tạo tạo ra để mô phỏng phong cách các nhà báo truyền hình của Mỹ.
Microsoft cho biết các tác nhân mạng Nga cũng đã tìm cách tiếp cận thêm cử tri Mỹ bằng cách chuyển phần lớn nội dung từ nền tảng Telegram sang X.
“Các video Storm-1679 được đăng lên X nhận được mức độ tương tác cao hơn”, Microsoft cho biết.
Các nhà nghiên cứu của Microsoft cũng cảnh báo có những dấu hiệu cho thấy Iran cũng đang tăng cường nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ.
Báo cáo của Microsoft dẫn ra một sự việc diễn ra chưa đầy hai tuần trước mà khi đó ‘một nhân vật trực tuyến do Iran điều khiển đã giả mạo làm người Mỹ và kêu gọi cử tri Mỹ tẩy chay bầu cử do cả hai ứng cử viên đều ủng hộ các hoạt động quân sự của Do Thái’.
Nga và Iran, cũng như Trung Quốc, đã nhiều lần phủ nhận có liên quan trong nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ.
Nhưng những phát giác mới từ Microsoft và Recorded Future phù hợp với đánh giá của các viên chức tình báo Mỹ.
Tại Sao Chúng Ta Có Thể Không Biết Người Chiến Thắng Trong Cuộc Bầu Cử Tổng thống Mỹ Vào Ngày 5/11
(Hình AFP: Một cử tri đang bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Trung tâm Chính phủ Elena Bozeman ở Arlington, Virginia, vào ngày 20/9/2024.)
-Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 5/11/2024, nhưng người chiến thắng trong cuộc đua sít sao giữa đảng viên Dân chủ Kamala Harris và đảng viên Cộng hòa Donald Trump có thể không tìm ra được người chiến thắng trong nhiều ngày sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Khi các lá phiếu được kiểm đếm, một ứng cử viên có thể dẫn đầu dựa trên kết quả ban đầu, nhưng có thể bị đối thủ thu hẹp khoảng cách khi có thêm nhiều phiếu bầu được kiểm.
Vào năm 2020, một số tiểu bang đã trải qua "ảo ảnh đỏ", trong đó ông Trump dẫn đầu vào đêm bầu cử, trước khi có sự "đổi màu xanh" với việc đảng viên Dân chủ Joe Biden vượt qua ông, một hiện tượng mà ông Trump đã sử dụng để khuếch đại những tuyên bố sai sự thật của mình rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.
Đã không có gì bất ngờ xảy ra. Những người theo đảng Dân chủ có xu hướng sống ở các khu vực thành thị đông dân hơn, nơi việc kiểm phiếu mất nhiều thời gian hơn. Những người theo đảng Dân chủ cũng chấp nhận bỏ phiếu qua thư dễ dàng hơn những người theo đảng Cộng hòa, sau những tuyên bố sai sự thật của ông Trump rằng các lá phiếu qua thư không đáng tin cậy và những lá phiếu đó mất nhiều thời gian để kiểm hơn so với các lá phiếu được bỏ trong Ngày bầu cử. Ông Trump vừa khuyến khích vừa chỉ trích việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư vào năm 2024.
Có 7 tiểu bang chiến trường có khả năng quyết định cuộc bầu cử, khi mỗi tiểu bang có quy định riêng về xử lý và kiểm phiếu. Sau đây là những gì được mong chờ vào Ngày bầu cử và sau đó:
Arizona
Bỏ phiếu qua thư rất phổ biến ở Arizona; gần 90% cử tri đã bỏ phiếu sớm, phần lớn là qua thư, vào năm 2020. Các viên chức bầu cử ở Arizona có thể bắt đầu kiểm đếm và lập bảng phiếu bầu qua thư sau khi nhận được chúng, nhưng kết quả không thể được công bố cho đến 1 giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Bất kỳ lá phiếu qua thư nào được bỏ vào Ngày bầu cử đều không thể được kiểm đếm, cho đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Đây thường là một con số đáng kể – vào năm 2022, những phiếu bầu "sớm đến muộn" đó chiếm 1/5 tổng số phiếu bầu ở Quận Maricopa, quận lớn nhất của tiểu bang – và có thể mất nhiều ngày để kiểm phiếu.
Kết quả ban đầu vào đêm bầu cử chủ yếu là các lá phiếu bỏ sớm, có thể có lợi cho bà Harris, trước khi các con số chuyển sang ông Trump khi các lá phiếu trong Ngày bầu cử được kiểm đếm. Số lược phiếu có thể nghiêng trở lại cho bà Harris trong những ngày tiếp theo, khi các phiếu bầu qua thư đến muộn được kiểm đếm.
Georgia
Bỏ phiếu sớm trực tiếp tại hòm phiếu rất phổ biến ở Georgia, nơi các viên chức dự kiến 65% đến 70% số phiếu sẽ được bỏ tại các địa điểm bỏ phiếu sớm. Các lá phiếu vắng mặt hoặc qua thư, có thể chiếm khoảng 5% số phiếu bầu và có thể được kiểm – bao gồm các bước như xác minh chữ ký – bắt đầu từ 2 tuần trước cuộc bầu cử, mặc dù nhân viên kiểm phiếu phải đợi đến Ngày bầu cử để bắt đầu kiểm đếm.
Theo luật của tiểu bang, tất cả các lá phiếu sớm – trực tiếp và qua thư – phải được kiểm đếm và báo cáo trước 8 giờ tối theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (00:00 GMT) vào đêm bầu cử. Các viên chức đang đặt mục tiêu kiểm đếm tất cả các lá phiếu, bao gồm cả các lá phiếu bỏ trong Ngày bầu cử, trước nửa đêm.
Các lá phiếu từ cử tri ở ngoại quốc và quân đội sẽ được chấp nhận trong vòng 3 ngày sau cuộc bầu cử nếu có dấu bưu điện trước ngày 5/11. Có hơn 21.000 lá phiếu như vậy đã được yêu cầu, vì vậy một cuộc bầu cử rất sít sao có thể không tìm ra người chiến thắng cho đến khi các lá phiếu đó được kiểm đếm.
Michigan
Kể từ cuộc bầu cử năm 2020, Michigan đã lần đầu tiên áp dụng hình thức bỏ phiếu sớm tại hòm phiếu và bắt đầu cho phép các khu vực bầu cử có hơn 5.000 người bắt đầu xử lý và kiểm phiếu qua thư 8 ngày trước Ngày bầu cử. Các khu vực nhỏ hơn có thể thực hiện việc này vào ngày trước Ngày bầu cử 5/11.
Các viên chức hy vọng những thay đổi đó sẽ cho phép tiểu bang báo cáo kết quả nhanh hơn so với năm 2020, khi không thể xử lý trước phiếu bầu qua thư. Điều đó đã tạo ra một "ảo ảnh đỏ" vào đêm bầu cử, khi số phiếu bầu ban đầu của tiểu bang trong Ngày bầu cử có lợi cho ông Trump. Ông Biden cuối cùng đã vượt qua ông Trump về sức mạnh của số phiếu bầu qua thư, vốn mất nhiều thời gian hơn để kiểm đếm. Ông Trump đã tuyên bố sai sự thật rằng ông là nạn nhân của gian lận.
Nevada
Việc kiểm phiếu chậm chạp của Nevada vào năm 2020 – khiến các hãng tin không tính tiểu bang này cho ông Biden cho đến năm ngày sau Ngày bầu cử – đã tạo ra vô số "meme" hình ảnh và video châm biếm hài hước, nhưng các viên chức cho biết những thay đổi kể từ đó sẽ đẩy nhanh quá trình này.
Đáng chú ý nhất là các quận hạt được phép bắt đầu xử lý và kiểm phiếu qua thư vào ngày 21/10. Ngoài ra, nhân viên có thể bắt đầu kiểm phiếu sớm được bỏ trực tiếp lúc 8 giờ sáng theo giờ miền Tây Hoa Kỳ (15:00 GMT) vào Ngày bầu cử, thay vì phải đợi đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Nhưng Nevada vẫn có thể không biết được kết quả ngay lập tức. Việc bỏ phiếu qua thư đã trở nên phổ biến ở tiểu bang này và đây là tiểu bang chiến trường duy nhất chấp nhận các phiếu bầu qua thư đến muộn.
Bất kỳ lá phiếu nào có dấu bưu điện trước ngày 5/11 vẫn sẽ được tính nếu đến nơi trong vòng 4 ngày sau đó. Những phiếu bầu đến muộn đó theo truyền thống có lợi cho đảng Dân chủ, vì vậy có thể có sự thay đổi có lợi cho bà Harris khi các lá phiếu được kiểm sau Ngày bầu cử.
North Carolina
Các viên chức bầu cử bắt đầu kiểm đếm và rà soát các lá phiếu qua thư trước Ngày bầu cử. Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, kết quả đầu tiên được báo cáo có thể chủ yếu là các lá phiếu qua thư cũng như các lá phiếu sớm được bỏ trực tiếp tại hòm phiếu. Các lá phiếu trong Ngày bầu cử sẽ được kiểm và báo cáo trong suốt buổi tối, với kết quả đầy đủ dự kiến vào nửa đêm của Ngày bầu cử.
Bà Harris có thể dẫn đầu sớm nhờ các lá phiếu qua thư, trong khi ông Trump có thể thu hẹp khoảng cách khi các lá phiếu trong Ngày bầu cử được kiểm đếm.
Nếu cuộc bầu cử diễn ra sát nút như các cuộc thăm dò ý kiến, thì kết quả ở North Carolina có thể vẫn chưa rõ ràng trong một tuần hoặc hơn thế sau Ngày bầu cử. Các phiếu bầu vắng mặt đến vào ngày 5/11, cũng như các lá phiếu từ cử tri ở ngoại quốc và quân đội, được kiểm đếm trong thời gian kiểm phiếu kéo dài 10 ngày sau Ngày bầu cử. Năm 2020, các phương tiện truyền thông không tính North Carolina cho ông Trump cho đến ngày 13/11, 10 ngày sau cuộc bầu cử.
Pennsylvania
Pennsylvania có lẽ là chiến trường quan trọng nhất và đã không có người chiến thắng rõ ràng vào năm 2020 trong 4 ngày sau Ngày bầu cử, vì các viên chức đã phải sàng lọc một lượng lớn các phiếu bầu qua thư tồn đọng. Tiểu bang này là một trong số ít tiểu bang không cho phép nhân viên bầu cử xử lý hoặc kiểm phiếu qua thư cho đến 7 giờ sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ vào Ngày bầu cử – điều đó có nghĩa là có khả năng sẽ phải mất nhiều ngày sau đó mới biết được kết quả.
Với nhiều đảng viên Dân chủ hơn đảng Cộng hòa bỏ phiếu qua thư, kết quả ban đầu – dựa trên số phiếu bầu trực tiếp trong Ngày bầu cử – có thể sẽ cho thấy ông Trump dẫn trước, nhưng khoảng cách dẫn trước của ông có thể sẽ thu hẹp khi số lượng phiếu bầu qua thư được kiểm đếm nhiều hơn.
Điều này xảy ra vào năm 2020 và đã là cái cớ cho ông Trump tuyên bố một cách sai trái rằng có gian lận. Năm nay, một luật mới yêu cầu hầu hết các quận phải thông báo vào lúc nửa đêm trong đêm của Ngày bầu cử về số lượng phiếu bầu qua thư còn lại chưa được kiểm đếm nhằm ngăn chặn các thuyết âm mưu.
Wisconsin
Giống như Pennsylvania, Wisconsin là một trong số ít tiểu bang không cho phép các viên chức bầu cử xử lý hoặc kiểm phiếu bầu qua thư cho đến sáng Ngày bầu cử, điều đó có nghĩa là có thể có sự chậm trễ trong việc báo cáo kết quả của những cuộc bỏ phiếu sớm đó.
Ngoài ra, nhiều thành phố lớn nhất của tiểu bang vận chuyển phiếu bầu qua thư đến một địa điểm tập trung để xử lý và kiểm đếm. Điều đó có thể dẫn đến việc có một lượng lớn phiếu bầu cùng một lúc vào sáng sớm ngày hôm sau, sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Vào năm 2020, ông Trump và các đồng minh của ông đã tuyên bố một cách sai trái về việc có gian lận sau khi Milwaukee, thành phố lớn nhất của tiểu bang, báo cáo gần 170.000 phiếu bầu vắng mặt vào khoảng 3:30 sáng giờ miền Trung Hoa Kỳ (08:30 GMT), mang lại cho ông Biden một sự gia tăng lớn về số phiếu và đưa ông lần đầu tiên lên vị trí dẫn đầu. Nhưng sự gia tăng đó đã được dự đoán do cách thành phố xử lý các lá phiếu đó và thực tế là đảng Dân chủ có nhiều khả năng bỏ phiếu qua thư hơn. Điều tương tự có thể xảy ra vào năm 2024.
Bầu Cử Tổng thống Mỹ 2024: Trump hay Harris, Lựa Chọn Khó Khăn Với Trung Quốc
(Anh Vũ)
(Ảnh ghép của AP: ứng viên Kamala Harris (trái) trong một cuộc thảo luận ngày 7/10/2020, tại Salt Lake City, Utah và Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, Georgia, ngày 27/06/2024.)
-Bước leo thang mới trong cuộc chiến tranh Ukraine với sự can dự trực tiếp của quân đội Bắc Hàn với Ukraine: Chưa đầy 2 tuần trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc trở nên dữ dội và quyết liệt hơn.... Đó là những chủ đề thời sự được các báo Pháp quan tâm đặc biệt.
Về cuộc chiến tranh Ukraine, báo Le Monde có bài: "Ukraine: Bình Nhưỡng can dự rõ rệt". Tờ báo cho cho biết, sau những đồn đoán, phát giác của Hán Thành và Kyiv, cuối cùng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cùng Hoa Kỳ hôm 23/10 lần đầu tiên cùng lên tiếng xác nhận quân đội Bắc Hàn đã được khai triển tại Nga, đồng thời tỏ lo ngại về bước "leo thang" chưa từng có trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Mỹ có bằng chúng các đơn vị quân Bắc Hàn đã đến Nga, nhưng ông cho biết là còn phải xác định đội quân này đến Nga làm gì. Và ông nhận định: "Nếu họ là đồng tham chiến, nếu họ có ý định tham gia vào cuộc chiến tranh này nhân danh nước Nga, đó là vấn đề rất, rất nghiêm trọng".
Về phần NATO, theo báo Le Monde, phát ngôn viên của tổ chức cho rằng "nếu các đội quân này đến để tham chiến tại Ukraine, thì điều đó đó đánh dấu một bước leo thang lớn trong hỗ trợ của Bắc Hàn cho cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga".
Báo Le Monde nhận định: Người ngoại quốc chiến đấu cho Nga với tư cách là lính đánh thuê thì đã có. Nhưng việc một chính phủ ngoại quốc gửi quân chính quy tới cuộc chiến ở Ukraine thì là lần đầu tiên.
Bài xã luận: "Bước leo thang của Bắc Hàn" nhận định: "Đây là một diễn tiến lớn trong cuộc chiến ở trung tâm Âu Châu. Trước hết, đây là tín hiệu đầu tiên về việc quốc tế hóa cuộc xung đột một cách cụ thể". Nếu hai bên tham chiến đều được trợ giúp từ các đồng minh của họ - phương Tây với Ukraine; Iran, Bắc Hàn và gián tiếp là Trung Quốc dành cho Nga - thì sự hỗ trợ đó cho đến nay chỉ giới hạn ở trang thiết bị quân sự.
Sự can thiệp của quân đội ngoại quốc là ranh giới mà chưa quốc gia nào dám vượt qua: Việc Tổng thống Emmanuel Macron đề cập vào tháng 2 về khả năng cử chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine đã gây ra tranh cãi gay gắt ở Âu Châu và không được hưởng ứng.
Mối lo ngại khác của phương Tây và chắc hẳn cũng là của Bắc Kinh là không biết Bắc Hàn nhận được gì từ Mạc Tư Khoa, để đổi lại việc điều quân đội và vũ khí của mình tới Nga?
Báo Le Monde kết luận: "Có thể là sự hỗ trợ này của Bắc Hàn là để chi trả cho việc chuyển giao kỹ thuật nguyên tử của Nga: Đó sẽ là tin xấu cho tất cả mọi người".
Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024: Chặng Cuối Dữ Dội
Về sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến ngày bỏ phiếu chính thức. Báo chí quốc tế đều hướng về nước Mỹ. Đây là chủ đề chính của nhật báo Libération. Tờ báo tập trung chú ý đến chặng nước rút của ứng viên Cộng Hòa với nhận xét là càng đến gần ngày bầu cử, Donald Trump càng gia tăng những phát ngôn dữ dội thô bạo để tấn công đối thủ.
Tờ báo ghi nhận "Donald Trump lăng mạ, chửi thề và dường như coi những lời tục tĩu là đặc điểm trong cách giao tiếp của mình kể từ khi bước vào chính trường". Jérôme Viala-Gaudefroy, Tiến sĩ về nền văn minh Mỹ và là tác giả cuốn sách Words of Trump (2024), lưu ý: "Donald Trump đã từng có những phát biểu như vậy trong quá khứ, chẳng hạn như khoe khoang về việc có thể sờ soạng phụ nữ. Nhưng chiến dịch này thậm chí còn thô tục hơn hai chiến dịch trước".
Bên cạnh bài viết về ứng viên Cộng hòa, báo Libération có bài "Elon Musk", cho thấy tỉ phú giàu nhất thế giới, đang lăn xả, chơi tất tay ủng hộ cuộc tranh cử của Donald Trump như thế nào. Tờ báo ghi nhận: "Từ nhiều tháng nay, ông chủ khối tài sản lớn nhất thế giới đã lao đầu vào một chiến dịch điên cuồng ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa, đổ vào cuộc đua của Donadl Trump hàng chục triệu Mỹ kim".
Cùng chủ đề, báo Le Figaro có bài: "Musk, người giàu nhất thế giới phục vụ ứng viên tỉ phú". Theo bài báo, hồi mùa Hè vừa qua sau khi tuyên bố ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ, nhà tài phiệt trong lĩnh vực kỹ thuật này giờ đích thân nhảy vào cuộc vận động tranh cử cho Donald Trump, không tiếc tiền bạc cũng như sức lực cho cuộc đua của cựu Tổng thống.
Trung Quốc: Trump-Harris Không Có Sự Lụa Chọn Tối Ưu
Cũng là liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống, báo Le Figaro chú ý đến mối quan tâm của Trung Quốc với bài viết: "Trung Quốc trước sự lựa chọn lưỡng nan thực sự".
Bài báo cho thấy, "không hề ảo tưởng, Bắc Kinh đang soi rất kỹ chặng cuối cùng chiến dịch chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cố gắng che đậy bằng thái độ trung lập ngoại giao nhưng mang nặng tính toán để chuẩn bị cho một chương mới trong quan hệ với chính quyền tiếp theo của Mỹ, hứa hẹn sẽ còn căng thẳng, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa".
Theo báo Le Figaro, các chiến lược gia Cộng sản ở Trung Nam Hải cảm nhận có sự lựa chọn lưỡng nan, do giữa một Kamala Harris "vô danh", báo trước sự tiếp tục của chiến lược "bao vây" của Joe Biden, và một Donald Trump khó lường, bốc đồng, nhưng là người sẵn sàng thương lượng. Chế độ Cộng sản Trung Quốc biết rõ hơn về kẻ phá bĩnh của Cộng Hòa, từng bất ngờ phát động "cuộc chiến thương mại" trong nhiệm kỳ của ông ta. Harris chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, trong khi Trump đã gặp Tập Cận Bình vài lần.
Báo Le Figaro nhận định, khả năng trở lại nắm quyền của vị tỉ phú khó nắm bắt làm dấy lên sự lo lắng trong một chế độ vốn không ưa bị bất ngờ. Nhưng, người chủ xướng "Nước Mỹ trên hết" cũng mang lại cơ hội cho chính sách ngoại giao thực dụng của Trung Quốc, bằng cách làm rạn nứt khối phương Tây, gây rắc rối cho các đồng minh của nước này. Còn theo Giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, được tờ báo trích dẫn, thì "nếu Harris thắng, sẽ có thêm xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. Harris quyết tâm trong việc duy trì ưu thế của Mỹ hơn Trump".
Những lời đe dọa của Trump về việc "bỏ rơi" Kyiv và đòi các đồng minh tăng đóng góp tài chính khiến Bắc Kinh chú ý. Trung Quốc vốn đang nỗ lực phá hoại trật tự quốc tế do các nền dân chủ thiết lập. "Trung Quốc thích Trump hơn. Họ đang dựa vào con tốt này để đạt được ván cược chiến lược của mình: lãnh đạo toàn cầu tay ba cùng với Nga", một nhà nghiên cứu chính trị độc lập ở Bắc Kinh đánh giá.
Nhưng Trump là người luôn dùng con bài thương mại để gây sức ép với Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, có thể buộc đảng Cộng Sản Trung Quốc phải thận trọng cam chịu một nhiệm kỳ của Dân Chủ, một sự bảo đảm cho tính liên tục. Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nhận xét: "Người Trung Quốc muốn có Harris vì bà là người dễ đoán hơn. Và trên hết, Trump hứa hẹn các mức thuế bổ sung". Trong trường hợp Kamala Harris thắng cử, giới chuyên gia dự đoán sẽ có sự tiếp tục chiến lược Biden, tập trung vào trừng phạt kỹ thuật, vào các mối liên minh quân sự ở Á Châu với Nam Hàn và với Phi Luật Tân.
Theo báo Le Figaro, dù Trump hay Harris thắng, trận đấu thế kỷ giữa hai cường quốc sẽ càng gay gắt hơn vào năm 2025, với thách thức là khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, lá phổi của kinh tế thế giới và nhất là có "cái gai" chính Đài Loan.
Bầu cử 2024, trong đó có cuộc bầu cử TT Hoa Kỳ, quan trọng nhất, định hình lại chính trị toàn cầu như thế nào?
-2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới và được cho là sẽ định hình tình hình chính trị của thế giới.
Năm nay, khoảng 50% dân số thế giới sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử quốc gia.
Các cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn, với cuộc chiến ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại một số quốc gia, có những lo ngại về sự bền vững của nền dân chủ khi các cuộc thảo luận chính trị ngày càng bị phân cực hoặc bị bóp méo bởi thông tin sai lệch.
Nhiều cuộc bầu cử trong năm nay sẽ không công bằng và dân chủ - hoặc kết quả chung cuộc sẽ gây ra tranh cãi.
Đã qua hơn nửa chặng đường của năm bầu cử lớn nhất lịch sử, dưới đây là một số chủ đề phổ biến trong các báo cáo từ khắp thế giới của Reuters.
Chi phí sinh hoạt
Từ giá hành lá ở Indonesia đến hóa đơn nhiên liệu tăng cao ở châu Âu, giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng thiết yếu khác tăng vọt đã ảnh hưởng đến điều kiện sống của các hộ gia đình trên khắp thế giới.
Các chính quyền và lãnh đạo đương nhiệm đang phải trả giá cho điều này.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mối quan tâm về chi phí sinh hoạt là một yếu tố lớn gây sụt giảm mức độ ủng hộ đối với đảng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sự thất bại của các đảng chính lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng Sáu và sự thua cuộc của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh.
Tại châu Phi, sự bất mãn về điều kiện sống và tình trạng thất nghiệp đã góp phần khiến đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) mất đi đa số trong cuộc bầu cử ở Nam Phi.
Tình trạng đói nghèo gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tháng 12 ở Ghana để chọn người kế nhiệm Tổng thống Nana Akufo-Addo.
Cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử ở Mỹ cho thấy cử tri cũng không ấn tượng với nỗ lực cải thiện đời sống của đảng Dân Chủ
Nhiều người Mỹ cảm thấy mức sống của họ đang giảm, mặc cho những thông tin nói rằng kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Một ngoại lệ: Tại Mexico, đảng cầm quyền MORENA chiến thắng sau khi đưa ra nhiều khoản trợ cấp cho những cử tri có thu nhập thấp.
Dù các nhà hoạch định chính sách kinh tế cho biết có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang trở lại bình thường, họ cảnh báo rằng lạm phát vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và nhiều nền kinh tế vẫn còn mong manh.
“Một số yếu tố gây rủi ro có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đi chệch hướng," ông Agustin Carstens, giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), từng cảnh báo vào tháng Sáu.
Gia Nhập NATO: Ukraine Chỉ Trông Đợi Vào Kết Quả Bầu Cử Mỹ!
(Thanh Phương)
(Hình REUTERS - Yves Herman: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại trụ sở của NATO ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 17/10/2024.)
-Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024 sẽ thúc đẩy tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và buộc Nga phải bắt đầu đàm phán hòa bình.
Theo hãng tin AFP, trong cuộc gặp với các nhà báo Ukraine và quốc tế hôm 21/10 vừa qua, ông Zelensky nhấn mạnh khả năng đàm phán hòa bình giữa Kyiv với Mạc Tư Khoa "phụ thuộc chủ yếu vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ". Theo lãnh đạo Ukraine, Nga "sẽ tuân thủ chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề này" và Hoa Kỳ "sẽ công bố rất nhanh chóng chính sách của họ sau cuộc bầu cử", chứ không đợi đến tháng 1/2025, khi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức.
Tổng thống Ukraine cũng hy vọng Hoa Thịnh Ðốn sẽ đồng ý với việc chính thức mời Ukraine gia nhập NATO cho dù nước này đang có chiến tranh với Nga, điều mà Mỹ hiện chưa chấp nhận. Ông Zelensky nói: "Sau cuộc bầu cử, chúng tôi hy vọng sẽ có phản ứng tích cực hơn từ Hoa Kỳ".
Gia nhập NATO chính là bước đầu trong "kế hoạch chiến thắng" mà Tổng thống Ukraine gần đây đã trình bày với các đồng minh. Ông giải thích rằng Kyiv muốn nhận được lời mời vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương càng sớm càng tốt và như vậy sẽ chính thức gia nhập khối quân sự này sau khi chiến tranh kết thúc. Hiện tại, khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine đang bị Nga chiếm đóng. Do đó, Kyiv coi NATO là lực lượng bảo vệ thực sự duy nhất chống lại nước láng giềng Nga, nước tuyên bố đã xâm chiếm Ukraine chính là để ngăn chặn nước này xích lại gần với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Khi công bố "kế hoạch chiến thắng" của ông trước Quốc hội Ukraine, ông Zelensky đã đánh giá rằng kế hoạch này có thể giúp kết thúc cuộc chiến "một cách nhanh chóng và công bằng" vào năm 2025. Tổng thống Ukraine còn tỏ vẻ tin tưởng là nếu Mỹ ủng hộ lời mời gia nhập NATO thì Đức và các quốc gia còn lưỡng lự khác, như Hung Gia Lợi và Slovakia, cũng sẽ ủng hộ theo.
Nhưng liệu Tổng thống Ukraine có đủ cơ sở để lạc quan đến như thế không? Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ tác động đến khả năng Ukraine gia nhập NATO mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai của khối này. Tuy chưa ai biết cụ thể chính sách ngoại giao của bà Kamala Harris sẽ ra sao, nhưng nếu ứng cử viên Dân chủ đắc cử Tổng thống Mỹ thì các đồng minh Âu Châu ít ra là sẽ không cảm thấy xa lạ và có thể dễ dàng đối thoại hơn.
Nhưng nếu ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc thì rõ ràng đây sẽ là một ẩn số khổng lồ. Ai cũng nhớ lời đe dọa của ứng cử viên Cộng hòa vào tháng 2 với các thành viên khác trong khối NATO: Ông sẽ để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với những nước bị xem không đóng góp đầy đủ cho phòng thủ chung của khối. Trước lời đe dọa đó của Trump, nhiều nước trong Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương đã vội nâng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP đúng theo quy định của NATO.
Nhưng điều khiến các đồng minh Âu Châu lo lắng nhất, đó chính là tương lai của sự yểm trợ của phương Tây cho Ukraine để chống Nga. Hoa Kỳ, thành viên quan trọng nhất của khối NATO, đã cấp cho Kyiv tổng cộng hàng chục tỉ Mỹ kim viện trợ tài chánh và quân sự kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump lại đắc cử Tổng thống, Hoa Thịnh Ðốn rất có thể sẽ không tiếp tục tỏ ra hào phóng như vậy, bởi vì cho tới nay ứng cử viên Cộng hòa đã nhiều lần dọa sẽ chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Trong trường hợp đó, Âu Châu sẽ buộc phải một mình tiếp tục yểm trợ cho Kyiv.
Vấn đề là đến một lúc nào đó nội bộ các nước Âu Châu sẽ gặp bất đồng, vì không phải nước nào cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraine vô thời hạn. Và cũng đến một lúc nào đó các nước Âu Châu rất có thể sẽ thúc ép Ukraine đàm phán với Nga để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh cho dù Kyiv ở thế bất lợi. Mà gần như chắc chắn là một trong những điều kiện tiên quyết mà Mạc Tư Khoa sẽ đặt ra trước khi chấp nhận đàm phán, đó là khối NATO không được kết nạp Ukraine.
Báo Chí Nhà Nước Nga Ra Sức Tâng Bốc Trump, Nhưng Ðiện Cẩm Linh Lại Tỏ Ra Lạnh Nhạt Với Cả Trump và Harris
(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin, phải, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh khối BRICS tại Kazan Ðiện Cẩm Linh ở Kazan, Nga, ngày 22/10/2024. Ðiện Cẩm Linh nói việc lựa chọn ai sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ là do người dân Hoa Kỳ quyết định.)
-Các viên chức Nga từ Tổng thống Vladimir Putin trở xuống cho biết Mạc Tư Khoa không quan tâm đến việc ai sẽ giành chiến thắng tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 5/11/2024.
Tuy nhiên, bất kỳ ai xem tin tức đưa tin về cuộc bầu cử Hoa Kỳ do Ðiện Cẩm Linh chỉ đạo đều sẽ kết luận rằng ông Donald Trump được ủng hộ mạnh mẽ.
Chương trình tin tức chính Kênh 1 của Đài truyền hình nhà nước trong tháng này đã chiếu video về tỉ phú Elon Musk và người dẫn chương trình truyền hình Tucker Carlson hạ thấp ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris trước khi phóng to những gì được mô tả là một loạt các màn trình diễn lúng túng.
Khuynh hướng hay phá lên cười của bà Harris, điều mà chính ông Putin đã nói một cách mỉa mai vào tháng trước, đã xuất hiện nổi bật trong các chương trình phát sóng và Đài truyền hình nhà nước vốn đã phát các bản tổng hợp những tuyên bố kém hùng hồn nhất của bà trong suốt chiến dịch.
Ngược lại, cùng một bản tin của Kênh 1 mô tả ông Trump và người đứng phó JD Vance là những người vững vàng và thấm nhuần lý lẽ thông thường về mọi thứ, từ chính trị chuyển giới đến di trú, nhưng phải đối mặt với các thế lực đen tối mà bằng chứng là các âm mưu ám sát.
Ðiện Cẩm Linh cho biết việc lựa chọn ai sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo là vấn đề do người dân Hoa Kỳ quyết định và họ sẽ làm việc với bất kỳ ai được bầu.
Ðiện Cẩm Linh đã phủ nhận việc chỉ đạo đưa tin, mặc dù một số cựu nhân viên truyền thông nhà nước đã công khai nói về các cuộc họp hàng tuần của Ðiện Cẩm Linh, trong đó có hướng dẫn về các vấn đề khác nhau.
Việc truyền thông nhà nước dường như ưu tiên cho ông Trump có thể không có gì ngạc nhiên.
Ông Trump ít công khai ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga hơn nhiều so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hoặc bà Harris, làm dấy lên lo ngại ở Kyiv rằng họ có thể mất đi đồng minh quan trọng nhất của mình nếu ông thắng cử.
Ông Trump, người đã nhiều lần ca ngợi ông Putin trong nhiều năm và khoe khoang rằng có mối quan hệ làm việc tốt, tuần trước đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vì đã góp phần gây ra cuộc chiến.
Tháng này, ông từ chối xác nhận các tin cho rằng ông đã nói chuyện với ông Putin nhiều lần kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2021, chỉ nói rằng: "Nếu tôi làm vậy, đó là một điều thông minh".
Ngược lại, bà Harris gọi ông Putin là "một tên độc tài giết người", tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và nói rằng cái chết của chính trị gia đối lập Alexei Navalny trong tù là "một dấu hiệu nữa cho thấy sự tàn bạo của ông Putin". Ðiện Cẩm Linh đã phủ nhận mọi sự dính líu đến cái chết của ông Navalny.
Đài truyền hình nhà nước thường xuyên giới thiệu những diễn giả khách mời trong các chương trình trò chuyện địa chính trị vào giờ vàng, những người bày tỏ sự ưu ái dành cho ông Trump, ngay cả khi lý do của họ đôi khi khác nhau.
Ông Andrei Sidorov, một học giả cao cấp tại Đại học Tổng hợp Mạc Tư Khoa, đã nói với một chương trình trò chuyện truyền hình nhà nước vào tháng 10 rằng ông Trump sẽ tốt hơn cho Nga vì ông sẽ khuấy động sự chia rẽ có thể kích hoạt một tưởng tượng lâu nay về những nhân vật diều hâu Nga chống phương Tây - sự tan rã của Hoa Kỳ trong cuộc đấu đá nội bộ giữa các tiểu bang của nước này.
"Tôi ủng hộ ông Trump. Tôi luôn ủng hộ ông Trump - ông ta là kẻ hủy diệt. Nếu ông ta được bầu... thì nội chiến thực sự sẽ nằm trong chương trình nghị sự", ông Sidorov nói, dự đoán rằng chiến thắng của đảng Dân chủ ở Mỹ sẽ chứng kiến "chuyện tào lao" như hiện tại, tiếp tục.
"(Nhưng) ông Trump thực sự có thể khiến đối thủ địa chính trị của chúng ta sụp đổ mà không cần bất kỳ phi đạn nào được bắn ra".
Một phúc trình tình báo Hoa Kỳ năm 2017 cho biết ông Putin đã chỉ đạo một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để hạ thấp ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ ông Trump trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2016. Ðiện Cẩm Linh phủ nhận việc can thiệp và ông Trump phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào với Nga trong chiến dịch đó.
Bất chấp cách tiếp cận khác nhau của hai ứng cử viên hiện tại đối với Mạc Tư Khoa, một số viên chức Nga - những người đang điều hướng giai đoạn tồi tệ nhất trong quan hệ Hoa Kỳ-Nga kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962 - đã bày tỏ sự cảnh giác với cả hai.
Họ nói rằng bà Harris sẽ có nghĩa là tiếp tục những gì Mạc Tư Khoa coi là cuộc chiến ủy nhiệm của ông Biden với Nga "cho đến người Ukraine cuối cùng".
Ông Trump, người đã làm dấy lên hy vọng ở Mạc Tư Khoa về mối quan hệ tốt đẹp hơn trước khi nhậm chức vào năm 2017, được nhớ đến vì đã áp đặt các chế tài khi ở Tòa Bạch Ốc mặc dù có những lời nói nồng nhiệt về ông Putin. Trong mắt Mạc Tư Khoa, ông dường như bị giới chính trị Hoa Kỳ rộng lớn hơn kìm kẹp về chính sách với Nga.
"Tôi không ảo tưởng. (Khi ông Trump làm Tổng thống) ông ấy đã có một số cuộc trò chuyện với Tổng thống Vladimir Putin. Ông ấy đã tiếp tôi tại Tòa Bạch Ốc một vài lần. Ông ấy rất thân thiện", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhớ lại vào tháng 9.
"Nhưng các chế tài đối với Liên bang Nga đã được áp dụng thường xuyên dưới thời Tổng thống Trump. Do đó, chúng tôi kết luận rằng chúng ta cần phải tự lực cánh sinh. Trong lịch sử, chúng ta sẽ không bao giờ trông chờ chuyện 'một người tốt' vào Tòa Bạch Ốc".
Một nguồn tin cấp cao của Nga cho biết có nhiều quan điểm khác nhau ở các cấp cao nhất của Ðiện Cẩm Linh về ông Trump, nhưng xác nhận rằng một số người tin rằng chiến thắng của ông Trump có thể không tốt cho Mạc Tư Khoa.
"Hãy xem điều gì đã xảy ra lần trước khi ông ấy trở thành Tổng thống. Mọi người đều nói trước rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ có lợi, nhưng cuối cùng thì mọi chuyện còn tệ hơn. Ông Trump nói rất nhiều điều nhưng không phải lúc nào cũng làm những gì ông ấy nói", nguồn tin này cho biết, người từ chối nêu tên vì vấn đề nhạy cảm này.
Nguồn tin này cũng đặt câu hỏi liệu sự miễn cưỡng được cho là của ông Trump trong việc tiếp tục tài trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine và lời nói của ông về khả năng kết thúc chiến tranh nhanh chóng có vượt qua được những nỗ lực vận động hành lang từ các phe phái hùng mạnh của Hoa Kỳ, những người cho rằng số phận của Ukraine là yếu tố sống còn đối với phương Tây và Kyiv không được thua cuộc hay không.
Một nguồn tin cấp cao thứ hai, cũng giấu tên, cho biết Mạc Tư Khoa không kỳ vọng nhiều vào cả hai ứng cử viên. Nguồn tin này nói ông Trump đã "khá cứng rắn" với Mạc Tư Khoa khi nắm quyền, có thái độ bốc đồng đáng lo ngại và có quan điểm cứng rắn đối với đồng minh Trung Quốc của Nga.
Nguồn tin này nói thêm rằng ông không mong đợi sẽ thấy sự thay đổi lớn trong quan hệ Mạc Tư Khoa-Hoa Thịnh Ðốn bất kể ai được bầu.
"Cả ông Trump và bà Harris đều không thay đổi cơ bản mối quan hệ với Nga. Sẽ không có tình bạn mới tuyệt vời nào", nguồn tin này nói.
"Phương Tây coi Nga và Trung Quốc là xấu và phương Tây là tốt và khó có nhà lãnh đạo nào có thể thay đổi niềm tin hiện đã ăn sâu vào giới tinh hoa Hoa Thịnh Ðốn".
Chiến Dịch Tranh Cử Trump Cáo Buộc Đảng Lao Động Anh Can Thiệp Bầu Cử
(Hình REUTERS: Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giữa người ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 10 năm 2024.)
-Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cáo buộc Đảng Lao động của Thủ tướng Anh Keir Starmer về "sự can thiệp trắng trợn của ngoại quốc" vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sau khi một số tình nguyện viên đến đây để giúp vận động cho bà Kamala Harris.
Phe của ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, kêu gọi điều tra những gì họ gọi là các khoản đóng góp bất hợp pháp từ Đảng Lao động Anh cho chiến dịch tranh cử của bà Harris.
Các tình nguyện viên chính trị người Anh từ lâu đã đến Mỹ trước các cuộc bầu cử, khi các nhà hoạt động của Đảng Lao động trung tả thường ủng hộ Đảng Dân chủ, vốn thân hữu với đảng này, và Đảng Bảo thủ ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Các viên chức Anh, những người yêu cầu không nêu tên, nói với thông tấn xã Reuters rằng một số Cố vấn cấp cao của Đảng Lao động đã đi gặp các chiến lược gia của Đảng Dân chủ trong những tháng gần đây, sau chiến thắng vang dội của họ trong cuộc bầu cử Anh vào tháng 7.
Một chủ đề họ thảo luận là cách Đảng Lao động Anh giành lại hầu hết các khu vực công nghiệp hóa trước đây, vốn đã bỏ rơi họ vào năm 2019.
Lãnh đạo Đảng Lao động Starmer phủ nhận rằng khiếu nại sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ với ông Trump nếu cựu Tổng thống lại giành chiến thắng vào ngày 5/11, và nói rằng những người ủng hộ Đảng Lao Anh động đã tình nguyện trong thời
gian của riêng họ.
Nhưng khiếu nại này là một sự phức tạp tiềm ẩn.
Ông Trump, người thân cận với chính trị gia cánh hữu của Anh Nigel Farage và trước đây có mối quan hệ tốt với cựu Thủ tướng Boris Johnson, đã ca ngợi ông Starmer khi hai người gặp nhau vào tháng 9 tại Trump Tower.
Greg Swenson, Chủ tịch của Republican Overseas UK, nói rằng ông Trump là người rất khó đoán, nhưng nếu ông ấy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng tới thì sự việc này khó có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với ông Starmer.
"Trump coi mọi chuyện là chuyện cá nhân và để những tranh chấp cá nhân ảnh hưởng đến mình", ông Swenson nói với thông tấn xã Reuters. "Nhưng tôi nghĩ ông Trump sẽ vượt qua điều này. Có thể có một chút sẹo từ chuyện này, nhưng cũng có thể là không".
Quy Định Về Tình Nguyện Viên Ngoại Quốc
Theo quy định của Mỹ, người ngoại quốc có thể tình nguyện tham gia các chiến dịch tranh cử nhưng không được đóng góp tài chánh.
Trước đây, FEC đã phạt chiến dịch của ông Bernie Sanders sau khi Đảng Lao động Úc Ðại Lợi tài trợ cho các chuyến bay và thực phẩm của các tình nguyện viên đến Hoa Kỳ và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông.
Khiếu nại của ông Trump lên FEC trích dẫn các thông tin từ của truyền thông và một bài đăng trên LinkedIn hiện đã bị xóa của Sofia Patel, người đứng đầu hoạt động tại Đảng Lao động Anh và đã viết rằng gần 100 nhân viên hiện tại và trước đây của Đảng Lao động sẽ đến Mỹ trong những tuần tới để giúp bà Harris, Phó Tổng thống đảng Dân chủ, thắng cử.
"Tôi viết thay mặt cho tổ chức Donald J. Trump for President 2024 yêu cầu điều tra ngay lập tức về sự can thiệp trắng trợn của ngoại quốc vào Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 dưới hình thức đóng góp bất hợp pháp một cách rõ ràng của công dân ngoại quốc", đơn khiếu nại nói.
"Ai muốn tìm kiếm sự can thiệp của ngoại quốc vào cuộc bầu cử của chúng ta không cần phải tìm đâu xa hơn là (bài đăng) trên LinkedIn... Sự can thiệp đang diễn ra ngay trước mắt".
Trong thông cáo báo chí có tiêu đề "Người Anh đang đến", chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng cáo buộc "Đảng Lao động cực tả" đã truyền cảm hứng cho "các chính sách và lời lẽ rất tự do của bà Kamala".
Ông Starmer, trên chuyến bay đến Samoa, nói với các phóng viên rằng các tình nguyện viên của Đảng Lao động Anh đã đến tham gia hầu hết mọi cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. "Họ làm điều đó trong thời gian rảnh rỗi, họ làm việc như những tình nguyện viên, tôi nghĩ là họ ở với những tình nguyện viên khác ở đó", ông nói. "Điều đó thực sự rất rõ ràng".
Tình Báo Mỹ: Cảnh Báo Các Tác Nhân Ngoại Quốc Có Thể Kích Động Bạo Lực Hậu Bầu Cử!
(Hình AP: Bạo động tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021.)
-Nga, Trung Quốc và Iran có ý định thổi bùng các câu chuyện gây chia rẽ để chia rẽ người Mỹ trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 5/11/2024 và có thể cân nhắc kích động bạo lực sau khi cử tri đi bỏ phiếu, các viên chức tình báo Hoa Kỳ cảnh báo hôm 22/10.
Các viên chức, thuyết trình cho các phóng viên về an ninh bầu cử của Hoa Kỳ, cho biết các tác nhân ngoại quốc có thể cân nhắc đến các mối đe dọa về thể chất và bạo lực, và rất có khả năng tiến hành các hoạt động thông tin xuyên tạc để tạo ra sự bất ổn và phá hoại tiến trình bầu cử.
"Các thế lực ngoại quốc, đặc biệt là Nga, Iran và Trung Quốc, vẫn có ý định thổi bùng những câu chuyện gây chia rẽ để chia rẽ người Mỹ và phá hoại lòng tin của người Mỹ vào hệ thống Dân chủ của Hoa Kỳ. Những hoạt động này phù hợp với những gì các thế lực này cho là có lợi cho họ, ngay cả khi chiến thuật của họ vẫn tiếp tục thay đổi", một viên chức từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cho biết.
Viên chức đó nói các thế lực có ảnh hưởng, "đặc biệt là từ Nga, Iran và Trung Quốc", đã học được từ các cuộc bầu cử trước đây của Hoa Kỳ và chuẩn bị tốt hơn để khai thác các cơ hội nhằm kích động bất ổn.
Các thế lực đó có thể sử dụng cùng loại công cụ mà họ đã sử dụng trong giai đoạn trước bầu cử - đặc biệt là thông tin và hoạt động mạng - và cũng có thể cân nhắc đến các mối đe dọa về thể chất và bạo lực, viên chức ODNI nói thêm.
Nhưng tình báo Hoa Kỳ chưa thấy sự hợp tác giữa Nga, Trung Quốc và Iran trong các hoạt động gây ảnh hưởng đến bầu cử, các viên chức cho biết. Và, trong khi các thế lực ngoại quốc có thể tìm cách phá vỡ tiến trình vào Ngày Bầu cử, gây ra sự bất bình, thì hệ thống bỏ phiếu vẫn đủ an toàn để họ không thể thay đổi kết quả.
"Một số tác nhân ngoại quốc cũng có khả năng kích động biểu tình và thực hiện các hành động bạo lực trong giai đoạn (hậu bầu cử) này", viên chức ODNI cho biết. "Đặc biệt, Iran và Nga có thể sẵn sàng cân nhắc ít nhất là các chiến thuật góp phần gây ra bạo lực như vậy".
Một bản ghi nhớ đã giải mật được công bố sau cuộc họp báo của Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) - cơ quan phân tích tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ - đã cảnh báo rằng các tác nhân ngoại quốc gần như chắc chắn sẽ khuếch đại các tuyên bố sai lệch sau bỏ phiếu về các bất hợp lệ trong cuộc bầu cử.
Họ cũng có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng và gián điệp để phá hoại hoặc thay đổi các trang web tin tức và các trang web công của chính phủ nhằm gây nhầm lẫn về kết quả và phát tán thông tin xuyên lạc về quá trình kiểm phiếu, đặc biệt là trong các cuộc đua quá sít sao, NIC cho biết.
Cuộc đua Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến sẽ rất căng thẳng. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố vào ngày 22/10 cho thấy Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dẫn trước cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump 46% so với 43%.
Trung Quốc không có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử và hy vọng rằng bất kỳ ai chiến thắng "sẽ cam kết phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ lành mạnh và ổn định", một phát ngôn viên của Tòa Ðại sứ Trung Quốc cho biết trong một email.
Tòa Ðại sứ Nga và phái bộ Iran tại Liên Hiệp Quốc đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận. Trước đây, Nga và Iran đã phủ nhận các cáo buộc can thiệp bầu cử của Hoa Kỳ.
Sử Dụng AI
Một viên chức của ODNI nói các tác nhân ngoại quốc đã sử dụng truyền thông xã hội và các hoạt động trực tuyến khác để tác động đến các cuộc đua Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ, nhằm hạ thấp một số ứng cử viên hoặc ủng hộ những ứng cử viên khác.
Một số bài đăng trên truyền thông xã hội có khả năng được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, một viên chức nói, người đã thuyết trình cho các phóng viên với điều kiện giấu tên.
Ví dụ, một viên chức của ODNI đã chỉ ra một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X trong tháng này do những người mà ông gọi là các tác nhân gây ảnh hưởng của Nga tạo ra, đưa ra một cáo buộc sai sự thật chống lại Thống đốc Minnesota Tim Walz, người là ứng cử viên Phó Tổng thống của bà Harris.
Các cơ quan tình báo đánh giá rằng các tác nhân gây ảnh hưởng của Nga đã tạo ra nội dung này, một viên chức của ODNI cho biết. Một cuộc đánh giá của các phương tiện truyền thông do các cơ quan này thực hiện cho thấy "một số dấu hiệu thao túng" phù hợp với hành động của các tác nhân Nga, viên chức này nói.
Viên chức đó cho biết tình báo Hoa Kỳ đã kết luận vào cuối tuần trước rằng video đó là giả và là sản phẩm của các hoạt động tung tin xuyên tạc, đồng thời nói thêm rằng nó phù hợp với những nỗ lực đang diễn ra của Nga nhằm phá hoại liên danh Tổng thống của đảng Dân chủ bằng cách bịa đặt các cáo buộc chống lại bà Harris và ông Walz.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã đánh giá trong nhiều tháng rằng Nga muốn ông Trump giành lại Tòa Bạch Ốc.
ại cuộc họp báo ngày 22/10 dành cho các phóng viên, các viên chức tình báo cho biết họ dự kiến Nga sẽ khuếch đại các cuộc biểu tình nhiều hơn nếu bà Harris thắng cử.
"Nga muốn cựu Tổng thống giành chiến thắng và họ sẽ tìm cách phá hoại mạnh mẽ hơn nhiệm kỳ Tổng thống của Tổng thống đắc cử khi đó (Harris)", viên chức ODNI cho biết.
NIC nói "các tác nhân Iran" có thể cố gắng đăng tải nội dung trực tuyến hạ thấp ông Trump.
Hàng Giá Rẻ Trung Quốc “Hốt Bạo” Ăn Theo Bầu Cử Tràn Ngập Thị Trường Mỹ Trước Thềm Cuộc Bỏ Phiếu Tháng 11
(Hình AP: Sản phẩm quảng cáo cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Nhiều mặt hàng quảng cáo bầu sản xuất ở Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ.)
-Khi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ bước vào giai đoạn cuối, ngày càng nhiều cử tri bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên mà họ yêu thích bằng cách mang trên người quần áo hay mũ nón với thông điệp về bầu cử.
Điều mà họ có thể không nhận ra là chiếc mũ Trump "Make America Great Again" (Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) hay chiếc áo phông "Childless Cat Lady for Harris" (Quý bà yêu mèo không con vì Harris) mà họ đang mặc có thể được sản xuất tại Trung Quốc.
Với sự trợ giúp của các nền tảng thương mại điện tử, các thương nhân Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường hàng hóa về bầu cử của Hoa Kỳ bằng đồ giá rẻ, và bằng chứng giai thoại cho thấy các nhà sản xuất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này đang phải vật lộn để cạnh tranh.
"Tôi nghĩ rằng số lượng hàng hóa trên Amazon và Etsy đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác, qua tàu chở hàng rồi được nhập cảng Hoa Kỳ, đang tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp của các nhà sản xuất Mỹ, giống như chính tôi. Tôi nghĩ là rất lớn", Ben Waxman, người sáng lập và đồng sở hữu của American Roots, một công ty may mặc của Hoa Kỳ, cho biết.
Ông Waxman không chia sẻ số liệu sản xuất hoặc lợi nhuận với VOA Tiếng Trung vì lo ngại về quyền riêng tư, nhưng ông cho biết áo phông cho chiến dịch bầu cử được sản xuất ở Mỹ của ông, chẳng hạn, được bán với giá khoảng 15 Mỹ kim mỗi chiếc, trong khi những chiếc áo phông của nhà bán lẻ trực tuyến Temu của Trung Quốc có thể được bán với giá thấp tới 3 Mỹ kim.
"Giá sẽ đắt hơn khi bạn phải trả lương công nhân cao hơn, mức sinh hoạt tối thiểu cao hơn và phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường", ông Waxman nói, ám chỉ đến những lời chỉ trích lâu nay về hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Công ty có công đoàn của ông Waxman đã sản xuất hàng hóa phục vụ chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống kể từ năm 2016, chủ yếu là áo phông và áo nỉ, với tất cả nguyên liệu thô và sản xuất có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
VOA Tiếng Trung không thể có được số liệu tổng hàng hóa bầu cử sản xuất tại Hoa Kỳ được bán ra so với hàng hóa loại này sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng số lượng lớn các sản phẩm bầu cử do Trung Quốc sản xuất được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm Amazon và eBay, cho thấy chúng đang tràn ngập thị trường.
Chỉ riêng trên Temu, hàng chục ngàn mặt hàng theo chủ đề bầu cử đã được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá của các phiên bản chính thức của chiến dịch.
Trong số đó, một chiếc mũ "Make America Great Again" có giá chưa đến 4 Mỹ kim, trong khi trang web bán hàng chính thức của chiến dịch Trump, vốn luôn kiêu hãnh rằng "Tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ", bán chúng với giá gấp 10 lần giá đó, ở mức 40 Mỹ kim mỗi chiếc.
Tương tự như vậy, mũ "Kamala Harris 2024" của Temu có thể bán với giá dưới 3 Mỹ kim mỗi chiếc, trong khi trang web bán hàng chính thức của chiến dịch Kamala Harris bán mũ "Kamala" với giá 47 Mỹ kim mỗi chiếc.
Chiến dịch Harris cũng tuyên bố chỉ bán các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ trên các trang web chính thức của mình.
Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã yêu cầu cả hai chiến dịch bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bản tin này.
Sự tương phản rõ rệt về giá cả làm nổi bật những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong việc giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc và lấp lỗ hổng thương mại "de minimis", vốn cho phép các công ty Trung Quốc vận chuyển hàng hóa có giá trị dưới 800 Mỹ kim đến Hoa Kỳ mà không phải trả thuế nhập cảng.
Kim Glas, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia Hoa Kỳ (NCTO), một tổ chức liên kết với công đoàn lao động, cho biết việc lạm dụng lỗ hổng "de minimis" đang tràn lan, đồng thời nói thêm rằng nhóm của bà "đã thua lỗ 21 hoạt động sản xuất trong 18 tháng qua".
Bà Glas cho biết một số nhà sản xuất thành viên của NCTO nhận thấy doanh số bán các sản phẩm phục vụ chiến dịch tranh cử năm nay chậm hơn so với bất kỳ chu kỳ bầu cử nào trước đây của Hoa Kỳ.
VOA Tiếng Trung đã liên hệ với Amazon và eBay để xin bình luận về khối lượng hàng hóa phục vụ chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ được nhập cảng từ Trung Quốc trên trang web của họ và các quy định của họ đối với các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bản tin được đăng tải.
Temu không bình luận về doanh số bán sản phẩm phục vụ chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ, nhưng phát ngôn viên của công ty đã trả lời trong email gửi cho VOA Tiếng Trung rằng, "Sự tăng trưởng của Temu không phụ thuộc vào chính sách de minimis. Động lực chính thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng và sự chấp nhận của thị trường của chúng tôi là hiệu quả của chuỗi cung ứng và năng lực hoạt động mà chúng tôi đã vun đắp trong nhiều năm qua".
Phát ngôn viên nói thêm rằng: "Chúng tôi cởi mở và ủng hộ mọi điều chỉnh chính sách do các nhà Lập pháp đưa ra miễn sao phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng".
Đại diện ngành dệt may Hoa Kỳ lưu ý sự trớ trêu của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ khi họ đưa ra các tuyên bố cứng rắn về thương mại với Trung Quốc trong khi những người ủng hộ họ lại mua các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với các ứng viên.
"Nếu ai đó ủng hộ một ứng cử viên vì chính sách kinh tế của ứng cử viên đó và lập trường của họ đối với việc cải thiện nền kinh tế và môi trường của chúng ta và cải thiện điều kiện lao động của chúng ta bằng cách tăng lượng sản xuất trong nước, và sau đó ủng hộ ứng cử viên bằng cách mua một sản phẩm được sản xuất tại một quốc gia có lập trường ngược lại, thì thực tế là họ đang tự làm hại cho cả ứng cử viên và nền kinh tế", Mitch Cahn, Chủ tịch của Unionwear, một công ty may mặc có trụ sở tại New York hiện đã cung cấp hơn 300.000 mũ bóng chày cho chiến dịch của bà Harris, nói.
Ông Cahn lưu ý rằng bất kỳ ai cũng có thể sản xuất các sản phẩm về chiến dịch tranh cử vì các chiến dịch này không kiểm soát sở quyền hữu trí tuệ của họ. Họ nghĩ rằng "việc một người đội mũ có tên chiến dịch tranh cử trên đầu có giá trị hơn đối với việc họ kiếm được tiền từ việc bán hàng hóa".
"Khi bất kỳ ai cũng có thể sản xuất và bán sản phẩm, thì sẽ có rất nhiều sản phẩm cuối cùng được sản xuất tại Trung Quốc vì không có nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực này", ông Cahn nói với VOA Tiếng Trung.
Hãng tin AP đưa tin ngày 18/10 rằng hàng ngàn cuốn Kinh thánh "God Bless America" của Donald Trump thực chất được in tại Trung Quốc. Hãng thông tấnAP cũng lưu ý rằng hầu hết các cuốn Kinh thánh, không chỉ riêng cuốn do ông Trump bán, đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Tiết lộ này, theo những người chỉ trích, có thể gây tổn hại đến việc ông Trump quảng bá cho các sản phẩm Made in the USA.
"Trong những năm [bầu cử] trước, đây hẳn là một vụ bê bối", Marc Zdanow, Cố vấn chính trị và là Giám đốc điều hành của Engage Voters US cho biết. "Nhưng tôi nghĩ những người bỏ phiếu cho ông Trump không quan tâm.... Theo tôi, câu hỏi đặt ra là liệu điều này có trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với những cử tri vẫn đang dao động hay không. Vấn đề này chắc chắn có thể đủ sức để đẩy nhóm này ra xa Trump".
Chris Tang, Giáo sư quản trị kinh doanh và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý Anderson của UCLA, nói với VOA Tiếng Trung rằng tác động của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đối với nền kinh tế Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần là mất việc làm trong ngành sản xuất. Người tiêu dùng cũng mua được những sản phẩm này với giá thấp.
"Mặc dù có tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất, nhưng nó tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ nhập cảng số lượng nhỏ một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng [các nhà bán hàng trực tuyến của Trung Quốc như] Alibaba để tìm nhà cung cấp các hàng hóa về bầu cử một cách nhanh chóng và bán chúng trực tuyến một cách nhanh chóng".
Theo ông Tang, Hoa Kỳ nên phát triển một ngành sản xuất tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao, không phải là những sản phẩm giá rẻ như hàng hóa cho bầu cử Mỹ.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Mỹ Mở Điều Tra Về Việc Rò Rỉ Tài Liệu Liên Quan Đến Các Kế Hoạch của Do Thái Chống Iran
(Hình REUTERS - Amir Cohen: Một nữ quân nhân Do Thái bên cạnh mảnh vỡ của một phi đạn-đạn đạo Emad của Iran bắn sang tại căn cứ quân sự Julis, miền nam Do Thái, ngày 9/10/2024.)
-Hôm 22/10/2024, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo mở điều tra về việc rò rỉ các tài liệu mật liên quan đến các kế hoạch của Do Thái chống Iran.
Theo thông tấn xã AFP, trong một thông cáo, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết "phối hợp với các đối tác thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo" để điều tra. Tuy nhiên, FBI không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Cũng vào hôm 22/10, ứng viên Tổng thống Donald Trump trong chuyến đi vận động tranh cử ở Miami (miền Đông-Nam) chỉ trích sự yếu kém của chính quyền Biden thuộc đảng Dân chủ, đã "chuyển tất cả các kế hoạch của Do Thái cho kẻ thù" Iran. Trên mạng xã hội Truth Social của chính ông, Donald Trump cho rằng thủ phạm có thể đến từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trước đó, hôm 21/10, John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, đề cập đến một cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ và nói rằng cho đến giai đoạn này vẫn chưa thể khẳng định việc phát tán tài liệu là "do rò rỉ thông tin hay là do một cuộc tấn công mạng".
Đã 3 tuần kể từ khi Do Thái tuyên bố sẽ trả đũa sau vụ Iran phóng 200 phi đạn vào Do Thái. Vậy tại sao chính quyền của Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa có phản ứng? Trả lời đài RFI ban Pháp ngữ, Tiến sĩ Amélie Férey, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), phụ trách Cơ quan Nghiên cứu về Quốc phòng (LRD), nhận định có thể là Tel Aviv đang trong giai đoạn chuẩn bị:
"Có một số khả năng: Hoặc là tấn công vào một mục tiêu rất cụ thể nào đó, chẳng hạn nhắm vào một hệ thống phòng không như hồi tháng 4 vừa rồi; hoặc là nhắm vào một số nhân vật quan trọng, việc này đòi hỏi phải định vị được họ và chờ thời cơ tấn công. Nhưng đó cũng có thể là một đòn tấn công đáp trả trực tiếp nhắm vào các cơ sở nguyên tử của Iran. Chúng ta biết rằng chương trình nguyên tử của Iran được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hoặc là được đặt ngầm sâu trong lòng đất, hoặc là có nhiều địa điểm.
(…) Cũng có thể là hiện tại Thủ tướng Do Thái Neanyahu đang trì hoãn với hy vọng Donald Trump sẽ trở lại Tòa Bạch Ốc. Donald Trump, từng là đối tác cùng với ông Netanyahu xây dựng chiến lược gây áp lực tối đa đối với Iran, sẽ trao phương tiện giúp Netanyahu tấn công mạnh mẽ chế độ Iran".
Do Thái Oanh Kích Tyr, Miền Nam Lebanon, Nơi Có Nhiều Di Tích Cổ Đại Thuộc Di Sản UNESCO
(Hình REUTERS - Aziz Taher: Khói bốc lên sau một vụ oanh kích của Do Thái nhắm vào lực lượng Hezbollah ở thành phố Tyr, Lebanon, ngày 23/10/2024.)
Quân đội Israël vẫn tiếp tục chiến dịch oanh kích ồ ạt các địa điểm mà họ cho là cứ địa của phong trào Hezbollah Lebanon thân Iran. Mục tiêu mới của quân đội Do Thái là thành phố biển Tyr (tiếng Ả Rập là Sour), ở miền Nam Lebanon.
Sau khi quân đội Do Thái kêu gọi người dân di tản khỏi nhiều khu phố của Tyr, hôm nay các thông tín viên của hãng tin Pháp AFP tại Lebanon và hãng tin Nhà nước Lebanon, Ani, đều cho biết, có 4 cuộc oanh kích vào Tyr, thành phố biển ngàn năm tuổi, nơi có nhiều di tích cổ đại được công nhận là di sản của UNESCO.
Theo trung tâm giải quyết khủng hoảng địa phương, sau lời kêu gọi di tản của quân đội Do Thái, nhiều gia đình bắt đầu rời khỏi thành phố có 14.500 dân. Quân đội Isreal nhấn mạnh: "Bất cứ ai ở gần nơi có các thành viên, các cơ sở và các phương tiện chiến đấu của Hezbollah đều đẩy cuộc sống của mình vào vòng nguy hiểm".
Trong khi đó, tối 22/10, quân đội Do Thái thông báo đã "trừ khử" Hachem Safieddine, người được cho là kế nhiệm Hassan Nasrallah làm thủ lĩnh phong trào Hezbollah Lebanon. Hezzbollah hiện chưa xác nhận nhưng nếu thông này là chính xác thì đây là một "vố đau" mới cho Hezbollah, chỉ hơn 3 tuần sau khi thủ lĩnh Hassan Nasrallah bị quân đội Do Thái hạ sát.
Thông tấn xã AFP dựa theo các số liệu chính thức cho biết có tổng cộng hơn 1.550 người chết, từ khi Do Thái oanh kích ồ ạt vào các vùng lãnh thổ của Lebanon để chống Hezbollah.
Trong chuyến thăm bất ngờ đến Beirut vào hôm 23/10, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo "Lebanon đang bên bờ sụp đổ". Bà cũng khẳng định mọi cuộc tấn công chủ ý nhắm vào Finul - lực lượng Mũ Nồi Xanh của Liên Hiệp Quốc - đều là hành vi "vi phạm luật nhân đạo quốc tế".
Liên quan đến vòng công du của Ngoại trưởng Mỹ, vẫn theo thông tấn xã AFP, trước khi lên đường sang Ả Rập Saudi, tại Tel-Aviv, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay khẳng định "giờ đã đến lúc" chấm dứt chiến tranh Gaza và kêu gọi Israël tránh gây "leo thang" xung đột khi tấn công đáp trả vụ Teheran dùng 200 phi đạn oanh lích Do Thái hồi đầu tháng 10.
Ngày mai, theo dự kiến ông Blinken đến Qatar. Ngoại trưởng Mỹ sau đó sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao của các nước Ả Rập vào thứ Sáu (25/10) tại Luân Đôn, thủ đô nước Anh, để thảo luận về cuộc chiến giữa Do Thái và lực lượng Hamas Palestine, cũng như giữa Do Thái và phong trào Hezbollah Lebanon, theo thông báo hôm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tổng Thống Ukraine: Khoảng 12.000 Lính Bắc Hàn Dường Như Đang Được Huấn Luyện Tại Nga
(Hình AP: - Ahn Young-joon: Hình ảnh lính Bắc Hàn được chiếu trên TV tại nhà ga Hán Thành ở thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, ngày 18/10/2024.)
-Phát biểu trên truyền hình ngày 22/10/2024, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky khẳng định có thông tin cho biết rằng 2 Lữ đoàn Bắc Hàn, mỗi Lữ đoàn gồm 6.000 binh sĩ, hiện đang được huấn luyện tại Nga. Nguyên thủ Ukraine cũng tuyên bố Kyiv "biết cách đối phó với thách thức này".
Hãng tin Yonhap, dẫn lời lãnh đạo tình báo Ukraine Kyrylo Boudanov, cho biết thêm, số binh sĩ Bắc Hàn có lẽ sẽ đến vùng Kursk của Nga trong ngày hôm nay, 23/10, để hỗ trợ quân đội Nga đối phó với cuộc xâm chiếm của Ukraine trong vùng.
Trang mạng tạp chí Newsweek của Mỹ hôm 22/10 trích dẫn kênh truyền hình Nam Hàn Chosun cho biết trong tháng Chín, Bắc Hàn dường như đã điều động phi công chiến đấu đến Vladivostok, Viễn Đông Nga, theo một nguồn tin chính phủ và điều này có thể liên quan đến việc huấn luyện máy bay chiến đấu mà Nga cấp cho Bắc Hàn, nhưng cũng không loại trừ khả năng Nga, do đang thiếu phi công chiến đấu trong cuộc chiến tại Ukraine, đã yêu cầu Bắc Hàn hỗ trợ.
Liên quan đến đoạn video công bố hôm 18/10, cho thấy những hình ảnh đầu tiên về binh sĩ Bắc Hàn ở Nga, Ihor Solovei, một lãnh đạo tổ chức chính phủ Ukraine, trả lời phỏng vấn đài NHK Nhật Bản khẳng định đoạn vidéo này đã được một thành viên quân đội Nga ghi lại tại một trung tâm huấn luyện của Nga và nhóm cộng sự của ông đã nhận được đoạn video này 72 tiếng đồng hồ sau khi ghi hình.
Xin nhắc lại, cả Kyiv và Hán Thành hồi cuối tuần qua, đều khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã gởi khoảng 12 ngàn binh sĩ chi viện cho quân đội Nga. Số binh sĩ này có thể đã được khai triển ở vùng Kursk. Nhưng theo Bộ Quốc phòng Ukraine, nhiều binh sĩ Bắc Hàn có lẽ tìm cách đào ngũ. Từ Hán Thành, thông tín viên Celio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Mười tám lính Bắc Hàn đã bị chính quyền Nga bắt lại sau khi đã đào ngũ. Trú đóng ở gần Kursk, họ phải theo các hoạt động huấn luyện tại một khu rừng, theo như tình báo Ukraine.
Nhưng bị chuyên gia huấn luyện bỏ đói, những người lính Bắc Hàn này dường như đã bỏ trốn khỏi vị trí. Họ bị bắt lại hai ngày sau cách đó không xa khoảng 60 cây số. Khó mà biết được số phận dành cho họ sau khi bị bắt.
Theo Kyiv, số binh sĩ Bắc Hàn còn lại sẽ phải được khai triển vào đầu tháng 11 sắp tới tại vùng Kursk để hỗ trợ cho quân Nga.
Đối mặt với sự can dự của Bắc Hàn, chính phủ Nam Hàn thông báo đang xem xét nhiều giải pháp khác nhau, như gởi vũ khí cho Kyiv. Nếu như lệnh chuyển giao chưa được chính thức đưa ra, Hán Thành cũng dự trù gởi đội ngũ nhân viên quân sự đến Ukraine để giúp đỡ quân đội Ukraine lập chiến lược đối phó Bắc Hàn, cũng như tiến hành các cuộc thẩm vấn trong trường hợp bắt giữ tù binh".
Nga Phản Đối Đức Lập Trung Tâm Chỉ Huy Hải quân ở Vùng Biển Baltic
(Ảnh AP - Danny Gohlke, minh họa: Cảng Rostock, Đức, ngày 14/10/2024 nơi tàu chở dầu "Annika" neo đậu sau khi bị cháy ngoài khơi biển Baltic.)
-Thông tấn xã AFP đưa tin cho hay hôm 22/10/2024, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Đức ở Mạc Tư Khoa lên để phản đối việc thiết lập một trung tâm chỉ huy Hải quân ở vùng biển Baltic với mục tiêu công khai là phối hợp các lực lượng của các thành viên Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại vùng biển đối diện với Nga. Theo quân đội Đức, căn cứ chỉ huy nói trên sẽ được đặt ở Rostock thuộc lãnh thổ Đông Đức cũ.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Hoa Thịnh Ðốn, Brussels và Bá Linh phải biết rằng việc mở rộng các cơ sở quân sự của khối NATO trên lãnh thổ của Đông Đức cũ sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực và Nga sẽ có biện pháp đáp trả". Từ thủ đô Bá Linh của Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Đối với Mạc Tư Khoa, việc thành lập trung tâm chỉ huy Hải quân mới này chẳng khác gì việc tái quân sự hóa Đức Quốc xã năm 1936, bước quan trọng của chế độ thời đó tiến tới Ðệ nhị Thế chiến.
Nói cách khác, theo phía Nga, Đức đã không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lệnh cấm thiết lập các căn cứ của khối NATO trên lãnh thổ Đông Đức cũ, đã được quyết định sau khi nước Đức thống nhất. Như vậy, Mạc Tư Khoa gián tiếp so sánh nước Đức ngày nay với nước Đức của thập niên 1930.
Để phản đối, Ðiện Cẩm Linh đã triệu Ðại sứ Đức lên để cảnh báo về "những hậu quả tiêu cực" của việc thiết lập căn cứ của NATO. Nhưng Bá Linh đã bác bỏ các cáo buộc của phía Nga, khẳng định nhân sự từ các thành viên khác của khối NATO được bố trí trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và được đặt dưới sự chỉ huy của quân đội Đức.
Chính vì những lý do đó mà Bá Linh cho rằng trung tâm chỉ huy Hải quân trên vùng biển Baltic chuyên trách phối hợp các lực lượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương tại khu vực sát cạnh nước Nga là hoàn toàn không trái với Hiệp ước quốc tế đã được ký kết khi thống nhất nước Đức".
Trong khi đó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen hôm nay 23/10 bắt đầu chuyến công du ở vùng Tây Balkan, trong đó bà sẽ đến thăm toàn bộ các quốc gia ứng viên gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Chặng đầu tiên của chuyến công du này là Albanie, sau đó, lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu sẽ đến các nước Bắc Macedonia, Bosnia-Herzegovina, Kosovo và Monténégro.
Thượng Đỉnh BRICS: Tổng Thống Nga Thúc Đẩy Hệ Thống Thanh Toán Quốc Tế Mới
(Hình AP - Alexander Nemenov: Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank) Dilma Rousseff tại thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, ngày 22/10/2024.)
-Phát biểu tại lễ khai mạc thượng đỉnh BRICS, diễn ra tại Kazan, Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 23/10/2024, tuyên bố "một thế giới đa cực mới đang hình thành". Điều này sẽ cho phép Nga thúc đẩy tham vọng cạnh tranh với thế bá quyền của phương Tây.
Và một trong số các mục tiêu hàng đầu của Nga tại Kazan là xúc tiến nhanh hơn nữa việc hình thành một hệ thống thanh toán ngân hàng thay thế vào lúc Mạc Tư Khoa đang hứng chịu nặng nề các trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến xâm lược Ukraine. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
"Dilma Roussef, khách mời đầu tiên ở Kazan được thu vào ống kính Nga. Vài phút trao đổi với Vladimir Putin là những hình ảnh đầu tiên của thượng đỉnh Kazan đã được phát trên màn ảnh nhỏ.
Bà có cuộc trao đổi này không là vì với tư cách là cựu Tổng thống Ba Tây mà là với tư cách Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới của BRICS. Dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của cuộc gặp này là sự hiện diện của nữ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiulina, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov. Ngay từ đầu, Tổng thống Nga muốn nhắc lại các tham vọng của ông trong việc xây dựng một hệ thống tài chánh thay thế.
Ông nói: "Việc tăng thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia "cho phép giảm tiền lãi nợ, gia tăng độc lập tài chánh" và giảm thiểu "các rủi ro chính trị bên ngoài", xóa bỏ càng nhiều càng tốt yếu tố chính trị trong phát triển kinh tế trong thế giới hiện nay".
Khi nói đến "chính trị", nguyên thủ Nga ở đây muốn nói đến các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra chống lại Nga. Ðiện Cẩm Linh gia tăng các nỗ lực ngoại giao và thúc đẩy hình thành "cây cầu BRICS", một nền tảng thanh toán kỹ thuật số nhằm lách các kênh tài chánh phương Tây".
Thượng Đỉnh BRICS: Lãnh Đạo Trung-Ấn Gặp Nhau Lần Đầu Tiên Từ 5 Năm Qua
(Ảnh AP - Manish Swarup, lưu trữ: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS tại Goa, Ấn Độ, ngày 16/10/2016.)
-Bên lề cuộc họp thượng đỉnh của khối BRICS tại Kazan, Nga, hôm 23/10/2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương đầu tiên kể từ 5 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đông dân nhất thế giới đang nồng ấm trở lại sau khi đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp biên giới.
Kể từ sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình ở Ấn Độ vào tháng 10/2019, lãnh đạo hai nước đã không có các cuộc gặp song phương.
Đường biên giới chung dài đến 3.500 cây số giữa hai quốc gia khổng lồ Á Châu, phần lớn đi qua các vùng núi, vẫn thường xuyên gây căng thẳng, thậm chí gây xung đột vũ trang. Vụ đụng độ tại khu vực biên giới vùng Tây Tạng của Trung Quốc với vùng Ladakh của Ấn Độ vào tháng 6/2020 đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng bên phía Ấn Độ và 4 người chết bên phía Trung Quốc.
Vụ này đã khiến quan hệ giữa Tân Ðề Ly và Bắc Kinh trở nên rất căng thẳng. Ấn Độ đã hạn chế đầu tư của Trung Quốc và đặc biệt ra lệnh cấm các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok.
Tuy nhiên, hôm 21/10, Ấn Độ thông báo đã đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về việc tuần tra ở các vùng biên giới đang tranh chấp giữa hai nước nhằm giảm bớt căng thẳng song phương. Ngày 22/10, Bắc Kinh xác nhận đã đạt được thỏa thuận này với Tân Ðề Ly.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét